Bạn có chủ động thể hiện lòng kính trọng anh em không?
“Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường [“kính trọng”, Bản Diễn Ý] nhau”.—RÔ 12:10.
1, 2. (a) Trong lá thư gửi cho người Rô-ma, Phao-lô đã cho lời khuyên nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
Trong lá thư gửi cho người Rô-ma, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các tín đồ Đấng Christ thể hiện tình yêu thương trong hội thánh. Ông nhắc nhở rằng tình yêu thương của chúng ta “phải cho thành-thật”. Ông cũng đề cập đến việc “yêu nhau như anh em” và lưu ý là tình yêu thương như thế nên được thể hiện cách mềm mại.—Rô 12:9, 10a.
2 Dĩ nhiên, tình yêu thương anh em bao hàm nhiều hơn là chỉ có tình cảm nồng ấm. Tình cảm ấy cần thể hiện qua hành động. Có thể nói nếu chúng ta không làm thế thì không ai biết chúng ta có tình yêu thương trìu mến. Do đó, Phao-lô khuyên: “Hãy lấy lẽ kính-nhường [“kính trọng”, BDY] nhau” (Rô 12:10b). Vậy, sự kính trọng bao hàm điều gì? Tại sao chủ động kính trọng anh em đồng đạo là quan trọng? Chúng ta có thể làm thế qua những cách nào?
Kính trọng người khác bao hàm điều gì?
3. Từ “kính-trọng” trong tiếng nguyên thủy của Kinh Thánh có nghĩa gì?
3 Từ chính trong tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “kính-trọng” có nghĩa đen là “trọng lượng”. Một người được kính trọng thì được xem là quan trọng hoặc có giá trị. Từ Hê-bơ-rơ này cũng thường được dịch trong Kinh Thánh là “vinh-hiển”, cho thấy người ấy đáng tôn trọng (Sáng 45:13). Ngoài ra, trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “kính-trọng” cho thấy ý nghĩa của việc xem trọng, đánh giá cao và quý chuộng (Lu 14:10). Thật vậy, những người chúng ta kính trọng là những người quý báu đối với chúng ta.
4, 5. Có quan điểm kính trọng và đối xử cách kính trọng liên hệ với nhau như thế nào? Xin minh họa.
4 Kính trọng người khác bao hàm điều gì? Nó bắt đầu với quan điểm của bạn về người khác. Quan điểm của bạn cũng ảnh hưởng đến cách bạn đối xử. Nói cách khác, trước tiên chúng ta phải có quan điểm kính trọng anh em, rồi mới có thể đối xử cách kính trọng với anh em.
5 Làm sao một tín đồ Đấng Christ thật sự kính trọng anh em nếu trong lòng không có điều đó? (3 Giăng 9, 10). Như một cây có thể phát triển và sống lâu nếu đâm rễ trong đất tốt, sự kính trọng được thể hiện cách thành thật và lâu dài chỉ khi nó xuất phát từ lòng. Nếu chúng ta không kính trọng người khác từ lòng, thì sớm muộn gì sự kính trọng của chúng ta cũng mất đi, như một cây đâm rễ trong đất xấu. Vì thế, không ngạc nhiên gì Phao-lô đã nói rõ trước khi cho lời khuyên về việc tỏ lòng kính trọng: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật”.—Rô 12:9; đọc 1 Phi-e-rơ 1:22.
Kính trọng những người được tạo ra “theo hình-ảnh Đức Chúa Trời”
6, 7. Tại sao chúng ta cần tôn trọng người khác?
6 Vì lòng tôn trọng chân thành là điều kiện cần thiết để tỏ sự kính trọng, chúng ta đừng bao giờ quên những lý do dựa trên Kinh Thánh về việc tôn trọng tất cả anh em. Hãy xem hai trong số các lý do đó.
7 Không như các tạo vật khác trên đất, con người được tạo ra “theo hình-ảnh Đức Chúa Trời” (Gia 3:9). Do đó, chúng ta có những đức tính giống Ngài như tình yêu thương, khôn ngoan và công bình. Hãy xem Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta thêm điều gì. Người viết Thi-thiên cho biết: “Hỡi Đức Giê-hô-va... Sự oai-nghi Chúa hiện ra trên các từng trời!... Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, đội cho người sự vinh-hiển và sang-trọng [“tôn trọng”, Bản Dịch Mới]” (Thi 8:1, 4, 5; 104:1)a. Vì con người nói chung được “đội” hay ban cho sự “tôn trọng”, kính trọng người khác là cách cho thấy chúng ta nhận biết Nguồn ban cho nhân loại sự tôn trọng. Nếu chúng ta có lý do chính đáng để tôn trọng người khác, thì chúng ta càng tôn trọng anh em đồng đạo nhiều hơn biết bao!—Giăng 3:16; Ga 6:10.
Là thành viên trong một gia đình
8, 9. Phao-lô đề cập đến lý do nào để kính trọng anh em đồng đạo?
8 Phao-lô đề cập đến một lý do khác để kính trọng lẫn nhau. Ngay trước khi khuyên về việc kính trọng, ông nói: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em”. Từ Hy Lạp dịch là “lòng yêu-thương mềm-mại” muốn nói đến sự gắn bó mật thiết đã hợp nhất một gia đình yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau. Vì thế, khi dùng từ này, Phao-lô nhấn mạnh rằng các mối quan hệ trong hội thánh nên mạnh mẽ và nồng ấm như trong một gia đình gắn bó (Rô 12:5). Hơn nữa, hãy nhớ là Phao-lô viết những lời này cho các tín đồ được xức dầu, tức là những người được cùng một Người Cha, Đức Giê-hô-va, nhận làm con. Vì vậy, theo nghĩa đặc biệt, họ là một gia đình mật thiết. Thế nên, những tín đồ được xức dầu vào thời Phao-lô thật sự có lý do chính đáng để kính trọng lẫn nhau. Các tín đồ được xức dầu ngày nay cũng vậy.
9 Còn về những người thuộc “chiên khác” thì sao? (Giăng 10:16). Dù chưa được Đức Chúa Trời nhận làm con, họ có thể gọi những người đồng đạo một cách thích hợp là anh và chị vì họ hợp thành một gia đình hợp nhất trên toàn thế giới (1 Phi 2:17; 5:9). Vì thế, khi những người thuộc chiên khác dùng và hiểu rõ ý nghĩa từ “anh” hoặc “chị”, họ cũng có lý do chính đáng để vun trồng lòng kính trọng anh em.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8.
Tại sao rất quan trọng?
10, 11. Tại sao kính trọng người khác là rất quan trọng?
10 Tại sao kính trọng người khác là rất quan trọng? Lý do là vì qua việc kính trọng anh chị, chúng ta góp phần lớn vào sự vững mạnh và hợp nhất của cả hội thánh.
11 Dĩ nhiên với tư cách là tín đồ Đấng Christ thật, chúng ta biết mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và sự hỗ trợ của thánh linh là những nguồn sức lực mạnh mẽ nhất cho chúng ta (Thi 36:7; Giăng 14:26). Đồng thời, chúng ta được khích lệ khi anh em đồng đạo thể hiện lòng quý mến mình (Châm 25:11). Chúng ta lên tinh thần khi nghe một lời chân thành nói lên lòng cảm kích và tôn trọng. Những lời này giúp chúng ta có thêm sức mạnh để tiếp tục bước đi trên con đường sự sống với niềm vui và lòng quyết tâm. Bạn hẳn đã cảm nghiệm được những cảm giác ấy.
12. Làm thế nào mỗi người trong chúng ta góp phần vào bầu không khí nồng ấm, yêu thương của hội thánh?
12 Vì Đức Giê-hô-va biết nhu cầu tự nhiên của chúng ta là cần được tôn trọng, nên qua Kinh Thánh, Ngài khuyến khích chúng ta “hãy thi đua tôn kính lẫn nhau” (Rô 12:10, An Sơn Vị; đọc Ma-thi-ơ 7:12). Tất cả những tín đồ ghi nhớ lời khuyên bất hủ này sẽ góp phần tạo bầu không khí nồng ấm và yêu thương trong anh em. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: “Lần gần đây nhất mà tôi nói và hành động thể hiện lòng tôn trọng những anh chị trong hội thánh là khi nào?”.—Rô 13:8.
Trách nhiệm của mọi người
13. (a) Ai nên làm gương trong việc tỏ lòng kính trọng? (b) Lời của Phao-lô nơi Rô-ma 1:7 cho thấy gì?
13 Ai nên làm gương trong việc tỏ lòng kính trọng? Trong lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô gọi các trưởng lão là những người “dắt-dẫn anh em” (Hê 13:17). Thật vậy, các trưởng lão dẫn đầu trong nhiều hoạt động. Là những người chăn bầy, họ chắc hẳn cần dẫn đầu trong việc kính trọng anh em đồng đạo—trong đó có các trưởng lão khác. Chẳng hạn, khi các trưởng lão họp lại để xem xét tình trạng thiêng liêng của hội thánh, họ kính trọng nhau bằng cách lắng nghe ý kiến của mỗi người. Hơn nữa, họ tỏ lòng kính trọng bằng cách xem xét quan điểm và ý kiến của tất cả các trưởng lão khi đưa ra quyết định (Công 15:6-15). Dù vậy, chúng ta nên nhớ rằng lá thư của Phao-lô gửi cho người Rô-ma không chỉ hướng đến trưởng lão mà còn cả hội thánh (Rô 1:7). Vậy, lời khuyên chủ động tỏ lòng kính trọng áp dụng cho tất cả chúng ta ngày nay.
14. (a) Hãy minh họa sự khác biệt giữa việc thể hiện lòng kính trọng và việc chủ động làm điều này. (b) Chúng ta có thể tự hỏi câu hỏi nào?
14 Cũng hãy lưu ý khía cạnh sau trong lời khuyên của Phao-lô. Ông khuyến khích anh em ở Rô-ma không chỉ kính trọng nhau mà theo nguyên ngữ là chủ động tỏ lòng kính trọng. Tại sao có sự khác biệt giữa hai điều này? Hãy nghĩ đến thí dụ sau đây. Một người chủ nhà hàng có khuyến khích các bồi bàn học cách ghi lại món khách gọi hoặc học cách phục vụ không? Hẳn là không. Các bồi bàn đã biết làm những điều này. Thay vì thế, người chủ muốn khuyến khích họ chủ động tỏ ra tử tế và quan tâm để khách hàng cảm thấy thoải mái. Tương tự, có tình yêu thương lẫn nhau—điều thúc đẩy chúng ta thể hiện lòng kính trọng—đã là dấu hiệu nhận diện tín đồ Đấng Christ chân chính (Giăng 13:35). Tuy nhiên, như các bồi bàn có thể trở nên giỏi hơn qua việc nâng cao nghiệp vụ, chúng ta có thể tiến bộ bằng cách chủ động tỏ lòng kính trọng (1 Tê 4:9, 10). Đây là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi có đang chủ động thể hiện lòng kính trọng với anh chị trong hội thánh không?”.
Kính trọng “kẻ nghèo”
15, 16. (a) Khi tỏ lòng kính trọng, chúng ta không nên bỏ qua ai, và tại sao? (b) Làm thế nào chúng ta có thể biết mình thật lòng kính trọng tất cả các anh chị?
15 Khi thể hiện lòng kính trọng, chúng ta không nên bỏ qua những ai trong hội thánh? Lời Đức Chúa Trời nói: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người” (Châm 19:17). “Kẻ nghèo” ở đây muốn nói đến người thấp kém. Vậy, nguyên tắc trong câu Kinh Thánh này ảnh hưởng thế nào đến chúng ta khi cố gắng chủ động trong việc thể hiện lòng kính trọng?
16 Bạn hẳn đồng ý rằng nhiều người tỏ lòng kính trọng với những người có địa vị cao hơn, nhưng thiếu tôn trọng những người họ xem là thấp kém hơn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va thì không như thế. Ngài phán: “Ai tôn-kính ta, ta sẽ làm cho được tôn-trọng” (1 Sa 2:30; Thi 113:5-7). Đức Giê-hô-va tôn trọng tất cả những ai thờ phượng và tôn vinh Ngài. Đức Chúa Trời không lờ đi những “người nghèo-khổ”. (Đọc 1 Sa-mu-ên 2:7; 2 Sử 16:9). Dĩ nhiên, chúng ta muốn noi gương Ngài. Nếu muốn biết chúng ta thật lòng kính trọng người khác đến mức nào, hãy tự hỏi: “Tôi đối xử thế nào với những anh chị không có vai trò hoặc trách nhiệm quan trọng trong hội thánh?” (Giăng 13:14, 15). Câu trả lời sẽ cho thấy mức độ lòng kính trọng của chúng ta với người khác.—Đọc Phi-líp 2:3, 4.
Tỏ lòng kính trọng qua việc dành thời gian cho người khác
17. Một cách quan trọng để có thể chủ động kính trọng là gì, và tại sao lại như thế?
17 Một cách quan trọng để có thể chủ động kính trọng mọi người là gì? Đó là dành thời gian cho họ. Tại sao như thế? Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có đời sống bận rộn, và nhiều hoạt động quan trọng trong hội thánh chiếm phần lớn thời gian của chúng ta. Vì thế, không ngạc nhiên khi chúng ta rất quý thời gian. Chúng ta cũng biết không nên đòi hỏi các anh chị dành quá nhiều thời gian cho mình. Tương tự, chúng ta biết ơn khi các anh chị khác hiểu rằng họ không nên đòi hỏi quá nhiều thời gian của chúng ta.
18. Như hình nơi trang 18, làm thế nào chúng ta cho thấy mình sẵn sàng dành thời gian cho anh em?
18 Tuy nhiên, chúng ta (đặc biệt những anh phụng sự với tư cách là người chăn trong hội thánh) cũng nhận ra rằng việc sẵn sàng ngừng một số hoạt động để dành thời gian cho anh em cho thấy chúng ta tôn trọng họ. Như thế nào? Khi làm thế, như thể chúng ta đang nói với họ: “Tôi rất quý anh chị. Đối với tôi, dành thời gian cho anh chị quan trọng hơn việc tôi đang làm” (Mác 6:30-34). Trái lại, khi không muốn ngừng các hoạt động để dành thời gian cho anh em, chúng ta có thể khiến người ấy cảm thấy họ không được xem trọng. Dĩ nhiên, đôi khi có những vấn đề khẩn cấp không thể bị gián đoạn. Dù vậy, tinh thần sẵn sàng hoặc không muốn dành thời gian cho người khác cho thấy lòng chúng ta tôn trọng anh em đến mức nào.—1 Cô 10:24.
Quyết tâm chủ động thể hiện lòng kính trọng
19. Ngoài việc dành thời gian, chúng ta có thể tỏ lòng kính trọng anh em qua những cách nào khác?
19 Có nhiều cách quan trọng khác mà chúng ta có thể tỏ lòng kính trọng với anh em đồng đạo. Chẳng hạn, khi dành thời gian cho người khác, chúng ta cũng nên quan tâm đến họ. Đức Giê-hô-va cũng nêu gương về vấn đề này. Người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ” (Thi 34:15). Chúng ta cố gắng noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách nghiêng mắt và tai, tức chú tâm đến anh em, đặc biệt những người đến nhờ chúng ta giúp đỡ. Khi làm thế, chúng ta tỏ lòng kính trọng họ.
20. Chúng ta nên nhớ những lời nhắc nhở nào về việc thể hiện lòng kính trọng?
20 Qua những điểm đã xem xét ở trên, chúng ta muốn nhớ rõ lý do nên có lòng kính trọng anh em đồng đạo. Hơn nữa, chúng ta tìm cơ hội để là người đầu tiên thể hiện sự kính trọng người khác, kể cả những người thấp kém. Nhờ thực hiện các bước này, chúng ta sẽ thắt chặt tình yêu thương anh em và sự hợp nhất trong hội thánh. Vì thế, tất cả chúng ta hãy tiếp tục không chỉ kính trọng người khác mà còn chủ động thể hiện lòng kính trọng lẫn nhau. Bạn có quyết tâm làm thế không?
[Chú thích]
a Lời của Đa-vít nơi bài Thi-thiên thứ 8 cũng là lời tiên tri, nói đến người hoàn toàn là Chúa Giê-su.—Hê 2:6-9.
Bạn có nhớ không?
• Kính trọng người khác bao hàm điều gì?
• Chúng ta có những lý do nào để thể hiện lòng kính trọng với anh em?
• Tại sao thể hiện lòng kính trọng lẫn nhau là quan trọng?
• Chúng ta thể hiện lòng kính trọng với anh em qua những cách nào?
[Hình nơi trang 18]
Làm thế nào chúng ta thể hiện lòng kính trọng với anh em đồng đạo?