Làm sao thành công trong việc làm cha mẹ?
Raymond có năm đứa con, ông nói: “Tôi nói cho các bạn biết muốn thành công trong việc làm cha mẹ thì cần gì: máu, mồ hôi, nước mắt và công khó”.
Vợ ông Raymond đồng ý hết lòng. Nhưng bà nói thêm: “Ngày nay không dễ gì nuôi nấng con cái, nhưng khi nhìn thấy chúng lớn lên trở nên những người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm, việc này đáng cho ta không quản công lao khó nhọc”.
Nuôi nấng con cái không bao giờ hoàn toàn tránh khỏi sự lo lắng. Tuy nhiên, ngày nay dường như nuôi nấng con cái thật là khó nhọc đối với nhiều người cha mẹ. Bà Elaine, 40 tuổi, có một đứa con trai vị thành niên, bà nói: “Tôi nghĩ là thời nay làm cha mẹ khó hơn là vào thời cha mẹ tôi, vì đời sống bây giờ phức tạp hơn xưa. Các cha mẹ thời nay không luôn luôn biết khi nào nên khắt khe và khi nào nên khoan hồng”.
Thành công trong việc làm cha mẹ là gì?
Người nào thành công trong việc làm cha mẹ là người nuôi nấng con cái sao cho đứa con có đủ mọi cơ hội để trở nên một người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm, tiếp tục tích cực thờ phượng Đức Chúa Trời và tỏ lòng yêu thương đối với người đồng loại (Ma-thi-ơ 22:37-39). Tuy nhiên, thật đáng buồn thay, không phải tất cả các đứa con đều trở nên những người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm. Tại sao không? Khi việc này xảy ra, phải chăng luôn luôn lỗi tại cha mẹ?
Hãy xem xét một thí dụ. Một nhà thầu khoán về kiến trúc có thể có được các bản họa đồ và vật liệu xây cất thượng hảo hạng. Nhưng nói gì nếu ông không chịu xây cất theo những bản họa đồ, có lẽ ngay cả để cho người ta dại dột xén bớt hoặc thay thế vật liệu tốt bằng đồ xấu hơn? Thế thì khi cất xong, nhà ấy sẽ có khuyết điểm, ngay cả nguy hiểm sống ở đó nữa, phải không? Tuy nhiên, hãy giả sử là nhà thầu khoán đó là người tận tâm và cố gắng hết sức để theo sát các bản họa đồ và dùng vật liệu thượng hạng. Người chủ của tòa nhà mới bây giờ có trách nhiệm giữ cho nhà đó có ngăn nắp đàng hoàng, phải không? Ông cũng có trách nhiệm giữ nguyên các vật liệu thượng hạng và không được thay đồ tốt bằng đồ xấu, phải không?
Hiểu theo nghĩa bóng thì cha mẹ liên can tới một công trình kiến trúc. Họ muốn kiến tạo những đức tính tốt nơi con cái. Kinh-thánh ban cho các bản họa đồ tốt nhất để thực hiện điều này. Kinh-thánh ví các đức tính như đức tin mạnh mẽ, sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, sự sáng suốt về phương diện thiêng liêng, sự trung thành và sự biết ơn đầy yêu thương đối với Đức Chúa Trời toàn năng và các luật pháp của Ngài với các vật liệu thượng hảo hạng, “vàng, bạc, bửu-thạch [đá quí]”. (I Cô-rinh-tô 3:10-13; so sánh Thi-thiên 19:7-11; Châm-ngôn 2:1-6; I Phi-e-rơ 1:6, 7).
Khi lớn lên đứa con cũng nhận lấy càng ngày càng nhiều trách nhiệm hơn để kiến tạo bên trong nó một nhân cách thật sự ngay thẳng. Nó phải sẵn sàng theo sát cùng một bản họa đồ, Lời Đức Chúa Trời, và dùng các vật liệu thượng hảo hạng mà cha mẹ nó đã dùng trước kia. Nếu vừa mới trưởng thành đứa con từ chối việc này hoặc đập đổ một công trình kiến trúc tốt như thế thì chính nó phải chịu trách nhiệm về hậu quả tai hại do nó gây ra (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:5).
Tại sao khó?
Ngày nay khó thành công trong việc làm cha mẹ vì ít nhất hai lý do. Trước hết, cả cha mẹ lẫn con cái đều bất toàn và phạm lỗi. Thường thì Kinh-thánh gọi đó là tội lỗi và khuynh hướng phạm tội do sự di truyền (Rô-ma 5:12).
Lý do thứ hai là: Khi con cái lớn lên thì ngoài cha mẹ còn có những người khác gây ảnh hưởng trên chúng. Cả cộng đồng xã hội ảnh hưởng ít nhiều trên sự ý thức về giá trị và quan điểm của đứa con. Trên phương diện này các cha mẹ nên lưu ý đến lời tiên tri của Phao-lô về thời buổi ngày nay. Ông nói: “Hãy biết rằng trong ngày sau-rốt sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận, hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo, ưa-thích sự vui-chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhơn-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhơn-đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi”. (Chúng tôi viết nghiêng) (II Ti-mô-thê 3:1-5).
Bởi lẽ cơ cấu xã hội ngày nay được dệt bằng những sợi chỉ bở như thế, có lạ gì đâu khi một số cha mẹ giơ tay lên trời tỏ ý thất vọng não nề và gần như chịu thua trong việc nuôi nấng con cái? Hãy nhìn lại năm 1914. Năm định mệnh ấy đã thay đổi xã hội ngay từ cội rễ, và không phải là một sự thay đổi tốt hơn. Hai thế chiến xảy ra từ dạo ấy không những đã cướp đi sự hòa bình trên đất, mà còn nhiều hơn nữa. Xã hội ngày nay thiếu mất tính chất đạo đức cần thiết nhằm đóng vai trò sửa soạn các trẻ em trở nên những người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm. Trái lại các cha mẹ có lòng ngay thẳng phải đối phó với một môi trường xã hội phản lại các giá trị luân lý mà họ muốn dạy cho con cái.
Vậy các cha mẹ thời nay có ít sự giúp đỡ hơn. Trong quá khứ họ có thể nhờ cậy vào trường học để dạy con cái các giá trị luân lý căn bản giống như ở nhà. Thế mà ngày nay không được nữa.
Bà Shirley ra trường trung học năm 1960, bà nói: “Ngày nay giới trẻ chịu áp lực cách khác. Hồi tôi còn học trung học, chúng tôi không biết ma túy hay tình dục vô luân là gì. Trước đây 30 năm chỉ hít vào một hơi của điếu thuốc lá cũng đã bậy lắm rồi. Từ khi đứa con gái lớn của tôi vô trường trung học năm 1977 tới khi nó ra trường năm 1981, việc dùng ma túy là cả một vấn đề khó khăn. Hiện nay ma túy đã len lỏi vào được các trường cấp thấp hơn. Con gái út tôi mới có 13 tuổi mà nó phải cầm cự với áp lực hút ma túy ở trường mỗi ngày từ hai năm nay”.
Trong quá khứ cha mẹ cũng có thể nhờ cậy được cha mẹ họ, những người thân thích và những người lân cận để chăm nom tánh nết của “cậu bé”. Nhưng lại một lần nữa, việc này đã đổi khác. Và thật buồn mà nói, càng ngày càng có nhiều gia đình hơn gặp phải cảnh ngộ chỉ còn có một người hoặc cha hoặc mẹ chịu hết trách nhiệm nuôi con, thay vì có hai để chia xẻ.
Bản họa đồ đem lại thành công cho cha mẹ
Dù cho ngày nay nuôi nấng con cái khó khăn hơn, cha mẹ có thể thành công nếu họ dùng đến một phương tiện giúp đỡ đã thắng được thời gian là cuốn Kinh-thánh. Lời Đức Chúa Trời có thể là một bản họa đồ, hay chương trình để hành động, cho những người làm cha mẹ. Cũng giống như một nhà thầu khoán khôn ngoan khéo dùng bản họa đồ làm phương tiện hướng dẫn cho việc xây cất một tòa nhà tới chừng nào hoàn tất mỹ mãn, bạn có thể dùng Kinh-thánh như một phương tiện giúp bạn nuôi nấng con cái cho tới chừng chúng trở nên những người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm. Thật ra Kinh-thánh không chỉ là một cuốn sách hướng dẫn cho việc thành công trong việc làm cha mẹ; Kinh-thánh cũng chứa đựng những lời khuyên trực tiếp cho cha mẹ và con cái. Đó cũng là một kho tàng quí giá chứa đựng các nguyên tắc nếu đem ra áp dụng có thể mang lại lợi ích cho bạn là bậc cha mẹ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9).
Chẳng hạn, hãy xem trường hợp bà Diane. Bà nói rằng hồi còn nhỏ con trai út của bà là Eric, hiện được 14 tuổi, đã từng là “một đứa trẻ rất nghịch ngợm khó dạy bảo”. Chính vào lúc đó mà bà đã khám phá ra sự khôn sáng chứa đựng trong câu Châm-ngôn này của Kinh-thánh: “Mưu-kế [ý định hoặc chủ ý] trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó” (Châm-ngôn 20:5). Đối với một số đứa trẻ, các cảm nghĩ và tư tưởng của chúng—những chủ ý thật sự của chúng—nằm sâu trong lòng như nước giếng sâu tận đáy. Eric giống như thế. Mẹ nó phải khó nhọc lắm mới biết nó muốn gì. Bà Diane nhớ lại: “Khi đi học về, nó không muốn kể lại chuyện gì đã xảy ra ở trường. Vậy tôi đã phải bỏ ra thì giờ khám phá. Nhiều khi tôi đã mất hằng giờ để nói chuyện với Eric rồi cuối cùng nó mới chịu tiết lộ cho biết nó nghĩ gì ở trong lòng”.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh-thánh: đó là lý do giản dị tại sao Kinh-thánh là một sách hướng dẫn có giá trị cao cả. Ngài cũng là Đấng Tạo hóa của chúng ta (Khải-huyền 4:11). Ngài biết bản chất của chúng ta và sẵn sàng ‹‹dạy cho chúng ta được ích, và dắt chúng ta trong con đường chúng ta phải đi››, dù chúng ta là bậc cha mẹ hay con cái (Ê-sai 48:17; Thi-thiên 103:14). Dù một số người phải cố gắng nhiều hơn những người khác để trở nên cha mẹ tốt hơn, tất cả có thể làm cha mẹ khéo léo hơn bằng cách theo sát những sự chỉ dẫn của Kinh-thánh.
Hãy đối xử mỗi đứa con như một cá nhân
Không thể đào tạo con cái tốt bằng cách noi theo một số qui tắc do loài người đặt ra nhằm áp dụng cho mọi trường hợp, cũng như không thể đòi hỏi mỗi người lớn đều phải làm cha mẹ “hoàn toàn”. Mỗi đứa bé có một nhân cách riêng, và mỗi đứa bé cần phải được đối xử như một cá nhân. Kinh-thánh công nhận điều này. Nguyên tắc bao hàm trong lời khuyên sau đây của Kinh-thánh là hợp lúc và hợp lý để giúp cha mẹ tránh so sánh bất lợi đứa con này với đứa khác: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác” (Ga-la-ti 5:26; 6:4).
Ông John có hai đứa con, ông nhận thấy rằng lời khuyên trên của Kinh-thánh giúp ông giữ làm sao cho các đứa con của ông có quan điểm thăng bằng giữa chúng với nhau, hoặc ngay cả có quan điểm thăng bằng giữa gia đình ông và các gia đình khác. Ông John giải thích: “Tôi khuyến khích các con tôi chớ nên nhìn xem các gia đình khác có gì hoặc làm gì. Gia đình chúng tôi có tiêu chuẩn riêng cần giữ”.
Huấn luyện “từ khi con còn thơ-ấu”
Khi nào thì tôn giáo nên góp phần giúp thành công trong việc làm cha mẹ? Gary là người có đứa con trai vừa mới bắt đầu được gởi đi vườn trẻ, ông nói: “Càng sớm càng tốt”. Ông Gary tin rằng con cái cần có bạn bè thật tình ở bên trong hội-thánh đấng Christ ngay trước khi chúng bắt đầu đi học. Đó là lý do tại sao ông Gary và vợ ông đã đem con là Evan đi đến các buổi nhóm họp của tín đồ đấng Christ gần như kể từ ngày nó mới sanh ra. Ông Gary bắt chước điều mà bà Ơ-nít làm cho con bà là Ti-mô-thê, bà đã được Kinh-thánh khen là một người mẹ tốt. Ti-mô-thê đã học được những điều vở lòng của sự dạy bảo trong Kinh-thánh “từ khi còn thơ-ấu” (II Ti-mô-thê 1:5; 3:15).
Mẹ của Ti-mô-thê, và có lẽ bà ngoại của ông là bà Lô-ít nữa, đã kiểm soát thế nào để khỏi khắc vào lòng Ti-mô-thê từ thuở thơ ấu các ý tưởng cá nhân của họ; thay vì thế họ biết rằng chính các sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va mới khiến cho ông khôn ngoan để đạt được sự cứu rỗi. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê có nói: “Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc và học lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Chúa Giê-su Christ” (II Ti-mô-thê 3:14, 15).
Như vậy bà Lô-ít và bà Ơ-nít đã giúp Ti-mô-thê lý luận theo Kinh-thánh và đặt đức tin của ông nơi điều mà Lời được viết ra của Đức Chúa Trời có nói. Bằng cách ấy ông không chỉ đặt đức tin nơi những người thân của ông, nhưng cũng nơi sự khôn sáng của Đức Chúa Trời như dạy trong Kinh-thánh. Ông đã không theo lẽ thật về đấng Christ chỉ vì mẹ và bà ngoại ông lúc đó thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng ông cũng tin chắc rằng điều mà họ dạy cho ông quả là lẽ thật.
Chắc chắn Ti-mô-thê cũng đã xem xét hạng người của mẹ và bà ngoại ông—họ là những người quả có tính thiêng liêng. Họ đã không phỉnh gạt ông hoặc bóp méo lẽ thật vì các mục tiêu ích kỷ; họ cũng không giả dối. Do đó mà Ti-mô-thê không còn nghi ngờ gì nữa về những điều đã học được. Và chắc chắn sự kiện ông hoạt động tích cực khi lớn lên với tư cách tín đồ đấng Christ đã sưởi ấm lòng mẹ ông.
Đúng, thành công trong việc làm cha mẹ là một công trình khó nhọc, nhưng như lời bà mẹ kia nói khi nãy, “việc này đáng cho ta không quản công lao khó nhọc”. Đặc biệt là đúng như thế khi cha mẹ có thể nói về con cái giống như điều mà sứ đồ Giăng viết cho các con thiêng liêng của ông: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng [đáng tỏ lòng biết ơn] hơn nữa” (III Giăng 4).
[Khung nơi trang 6]
Chương trình giáo dục của các bậc cha mẹ trong dân Y-sơ-ra-ên thời xưa
Trong dân Y-sơ-ra-ên thời xưa cha mẹ có trách nhiệm giáo dục và huấn luyện con cái còn nhỏ của họ. Họ trở nên các huấn luyện viên và người hướng đạo cho con cái. Cha mẹ thời nay có thể noi theo một chương trình giống vậy để đạt đến lợi ích. Có thể tóm lược chương trình giáo dục trong dân Y-sơ-ra-ên như sau:
1. Dạy con kính sợ Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 34:11).
2. Răn con tôn kính cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).
3. Ghi tạc sự giáo huấn của Luật pháp, cũng dạy con biết các hoạt động của Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7-21).
4. Nhấn mạnh sự kính trọng người già cả (Lê-vi Ký 19:32).
5. Đặt nặng sự vâng lời (Châm-ngôn 23:22-25).
6. Làm cho thấm nhuần sự huấn luyện thực dụng để sống ở đời (Mác 6:3).
7. Dạy con biết đọc và biết viết (Giăng 7:15).
[Hình nơi trang 5]
Lời Đức Chúa Trời là một bản họa đồ, hoặc một chương trình hành động, cho những người làm cha mẹ