“Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan”
NHỮNG theo đuổi nào chiếm hết thì giờ và sức lực của bạn? Được tiếng tốt có phải là điều bạn bận tâm không? Bạn có dành hết thời giờ cho việc tích lũy của cải không? Còn việc đeo đuổi một nghề nào đó hoặc phát triển sự tinh thông về một hoặc nhiều ngành chuyên môn thì sao? Vun đắp mối quan hệ tốt với người khác có quan trọng đối với bạn không? Giữ gìn sức khỏe có phải là mối quan tâm chính của bạn không?
Tất cả những điều kể trên dường như đều có một giá trị nào đó. Nhưng điều gì là chính yếu? Kinh Thánh trả lời: “Sự khôn-ngoan là điều cần-nhứt; vậy, khá cầu lấy sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 4:7) Vậy làm thế nào chúng ta có thể có được sự khôn ngoan, và nó mang lại lợi ích gì? Chương hai của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh cho câu trả lời.
“Lắng tai nghe sự khôn-ngoan”
Bằng những lời đầy yêu thương của một người cha, Vua khôn ngoan Sa-lô-môn của xứ Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện [“hiểu biết”, “NW”], và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”.—Châm-ngôn 2:1-5.
Bạn có thấy trách nhiệm đạt được sự khôn ngoan nằm ở đâu không? Trong những câu này, nhóm từ “nếu con” xuất hiện ba lần. Rõ ràng mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ phải tìm kiếm sự khôn ngoan và những điều phụ trợ—sự sáng suốt và hiểu biết. Thế nhưng trước nhất, chúng ta cần “tiếp-nhận” và “dành-giữ” trong trí nhớ những lời khôn ngoan ghi trong Kinh Thánh. Để làm thế chúng ta cần học hỏi Kinh Thánh.
Sự khôn ngoan là khả năng sử dụng đích đáng tri thức do Đức Chúa Trời ban. Và Kinh Thánh giúp ta có được sự khôn ngoan một cách thật tuyệt vời biết bao! Vâng, Kinh Thánh chứa đựng lời khôn ngoan, như những lời ghi trong sách Châm-ngôn và sách Truyền-đạo, và chúng ta cần chú ý đến những lời này. Chúng ta cũng tìm thấy trong các trang sách Kinh Thánh nhiều trường hợp cho thấy lợi ích của việc áp dụng nguyên tắc của Đức Chúa Trời và cạm bẫy của việc lờ đi những nguyên tắc đó. (Rô-ma 15:4; 1 Cô-rinh-tô 10:11) Thí dụ, hãy xem lời tường thuật về một người tham lam tên là Ghê-ha-xi, tôi tớ của nhà tiên tri Ê-li-sê. (2 Các Vua 5:20-27) Chẳng phải lời đó dạy chúng ta sự khôn ngoan là tránh tham lam hay sao? Và còn về hậu quả bi thảm của những cuộc thăm viếng có vẻ như vô hại của con gái Gia-cốp là Đi-na khi cô đi thăm “bọn con gái của xứ” Ca-na-an thì sao? (Sáng-thế Ký 34:1-31) Chẳng lẽ chúng ta lại không thấy ngay sự dại dột của việc kết bạn xấu hay sao?—Châm-ngôn 13:20; 1 Cô-rinh-tô 15:33.
Việc chú ý đến sự khôn ngoan bao hàm việc phải nắm được sự sáng suốt và sự hiểu biết. Theo cuốn Webster’s Revised Unabridged Dictionary, sự sáng suốt là “khả năng của trí tuệ qua đó nó phân biệt sự vật này với sự vật khác”. Sự sáng suốt do Đức Chúa Trời ban là khả năng phân biệt phải trái và rồi chọn con đường đúng. Nếu chúng ta không “chuyên lòng” về sự sáng suốt hoặc sốt sắng tiếp thu nó, thì làm sao chúng ta có thể tiếp tục bước đi trên “đường... dẫn đến sự sống”? (Ma-thi-ơ 7:14; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta sự sáng suốt.
Làm thế nào chúng ta có thể “kêu-cầu sự hiểu biết”—khả năng nhận thức những khía cạnh của một vấn đề liên hệ với nhau và liên hệ đến toàn bộ như thế nào? Tất nhiên, tuổi tác và kinh nghiệm là những yếu tố có thể giúp chúng ta có sự hiểu biết rộng hơn—song không nhất thiết là vậy. (Gióp 12:12; 32:6-12) Người viết Thi-thiên nói: “Tôi thông-hiểu hơn kẻ già-cả, vì có gìn-giữ các giềng-mối Chúa [Đức Giê-hô-va]”. Ông cũng ca: “Sự bày-giãi lời Chúa, soi sáng cho, ban sự thông-hiểu cho người thật-thà”. (Thi-thiên 119:100, 130) Đức Giê-hô-va là “Đấng Thượng-cổ” và Ngài có sự hiểu biết hơn sự hiểu biết của toàn thể nhân loại bội phần. (Đa-ni-ên 7:13) Đức Chúa Trời có thể ban cho người thiếu kinh nghiệm sự hiểu biết, giúp người đó có sự hiểu biết hơn cả những người lớn tuổi hơn. Do đó, chúng ta phải siêng năng học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh.
Nhóm từ “nếu con” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn mở đầu của chương hai sách Châm-ngôn, theo sau là những từ như “tiếp-nhận”, “dành-giữ”, “kêu-cầu”, “tìm”, “kiếm”. Tại sao tác giả lại dùng những từ càng lúc càng mạnh này? Một nguồn tham khảo nói: “Nhà hiền triết [ở đây] nhấn mạnh tính sốt sắng trong việc theo đuổi sự khôn ngoan”. Đúng vậy, chúng ta phải sốt sắng theo đuổi sự khôn ngoan và hai đức tính liên hệ—sự sáng suốt và sự hiểu biết.
Bạn sẽ cố gắng không?
Một nhân tố trọng yếu trong việc theo đuổi sự khôn ngoan là siêng năng học hỏi Kinh Thánh. Tuy nhiên, việc học hỏi này bao hàm nhiều điều hơn là chỉ đọc để biết. Suy ngẫm có mục đích về những gì chúng ta đọc là phần trọng yếu trong việc học hỏi Kinh Thánh. Để trở nên khôn ngoan và sáng suốt, chúng ta cần phải suy nghĩ về cách chúng ta có thể dùng những gì mình học được để giải quyết vấn đề và đi đến quyết định. Để có sự hiểu biết, chúng ta phải ngẫm nghĩ xem tài liệu mới liên kết với những gì chúng ta đã biết như thế nào. Ai dám phủ nhận việc học hỏi Kinh Thánh có suy nghĩ như thế đòi hỏi thì giờ và nhiều nỗ lực? Việc đầu tư thì giờ và sức lực này tương tự như khi ‘tìm tiền-bạc và kiếm bửu-vật ẩn-bí’. Bạn sẽ bỏ công sức cần thiết không? Bạn sẽ ‘lợi-dụng thì-giờ’ để làm thế không?—Ê-phê-sô 5:15, 16.
Hãy xem những điều thật quí giá nào đang chờ đợi chúng ta nếu chúng ta thành tâm đào sâu vào Kinh Thánh. Sao, chúng ta sẽ tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”—tri thức về Đấng Tạo Hóa, có cơ sở, vững vàng, đem lại sự sống! (Giăng 17:3) “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” cũng là một điều quí giá đáng có. Sự sợ đầy tôn kính này về Ngài thật đáng quí biết bao! Trong mọi khía cạnh của đời sống, chúng ta phải sợ làm Ngài phật lòng, sự sợ lành mạnh này cho thêm một ý nghĩa thiêng liêng vào tất cả những gì chúng ta làm.—Truyền-đạo 12:13.
Chúng ta phải nung nấu trong lòng một sự ham muốn mãnh liệt là tìm tòi và đào tìm những điều quí giá về thiêng liêng. Để giúp chúng ta dễ tìm tòi, Đức Giê-hô-va cung cấp những công cụ xuất sắc—hai tạp chí ra đúng lúc về lẽ thật: Tháp Canh và Tỉnh Thức!, cũng như các ấn phẩm khác dựa trên Kinh Thánh. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Nhằm mục đích giáo dục chúng ta về Lời Ngài và đường lối Ngài, Đức Giê-hô-va cũng cung cấp các buổi họp đạo Đấng Christ. Chúng ta cần tham dự các buổi họp này đều đặn, lắng nghe những gì được trình bày, gắng sức tập trung vào những ý tưởng then chốt, trân trọng gìn giữ chúng, và suy nghĩ sâu xa về mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
Bạn sẽ không thất bại
Đi tìm ngọc, vàng hoặc bạc chôn kín thường không có kết quả. Đối với việc đi tìm kho tàng thiêng liêng thì không phải như vậy. Tại sao không? Sa-lô-môn bảo đảm với chúng ta: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng”.—Châm-ngôn 2:6.
Vua Sa-lô-môn nổi tiếng là người khôn ngoan. (1 Các Vua 4:30-32) Kinh Thánh cho thấy ông có kiến thức về nhiều đề tài, kể cả thực vật, thú vật, bản chất con người và Lời Đức Chúa Trời. Sự sáng suốt ông biểu lộ khi còn là một vị vua trẻ tuổi trong việc giải quyết sự tranh chấp giữa hai người đàn bà, người nào cũng nhận là mẹ của cùng một đứa trẻ, giúp ông có danh tiếng quốc tế. (1 Các Vua 3:16-28) Kiến thức rộng của ông đến từ đâu? Sa-lô-môn cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho “sự khôn-ngoan và tri-thức” và khả năng “phân-biệt điều lành điều dữ”. Đức Giê-hô-va đã ban cho ông những điều này.—2 Sử-ký 1:10-12; 1 Các Vua 3:9.
Chúng ta cũng nên cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va khi siêng năng học hỏi Lời Ngài. Người viết Thi-thiên cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi biết đường-lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân-thật của Ngài; xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”. (Thi-thiên 86:11) Đức Chúa Trời chấp nhận lời cầu nguyện đó, vì Ngài đã cho ghi lại lời đó trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể tin chắc rằng khi chúng ta thường xuyên cầu khẩn Ngài giúp đỡ để tìm được những điều thiêng liêng quí giá trong Kinh Thánh thì sẽ có hiệu quả.—Lu-ca 18:1-8.
Sa-lô-môn nói: “Chúa dành khôn ngoan thật cho người công chính; Ngài là thuẫn cho người làm điều ngay thật; Ngài bảo vệ con đường của công lý, và che chở đường lối của các thánh Ngài. Lúc ấy con sẽ hiểu công bằng ngay thẳng vô tư, biết mọi đường lối tốt đẹp”. (Châm-ngôn 2:7-9, Bản Diễn Ý) Lời này làm vững tâm biết bao! Đức Giê-hô-va không những ban sự khôn ngoan thật cho những ai thành tâm tìm kiếm nó mà còn chứng tỏ là thuẫn bảo vệ người công chính vì họ biểu lộ sự khôn ngoan thật và trung thành tuân theo các tiêu chuẩn công bình của Ngài. Mong sao chúng ta ở trong số những người được Đức Giê-hô-va giúp để hiểu “mọi đường lối tốt đẹp”.
Khi “lấy sự hiểu-biết làm vui-thích”
Học hỏi Kinh Thánh cá nhân—một đòi hỏi trọng yếu để tìm sự khôn ngoan—không nhất thiết là một viễn cảnh vui thích đối với nhiều người. Thí dụ, một người 58 tuổi tên là Lawrence nói: “Tôi luôn làm việc bằng tay chân. Học tập là việc khó cho tôi”. Và một người 24 tuổi tên là Michael, đã vốn không thích học tập ở trường, nói: “Tôi đã phải tự ép mình ngồi xuống để học”. Thế nhưng, một sự ham muốn học tập có thể được vun trồng.
Hãy xem Michael đã làm gì. Anh kể lại: “Tôi tự khép mình vào kỷ luật học tập nửa tiếng mỗi ngày. Chẳng bao lâu tôi có thể thấy được hiệu quả nơi thái độ, lời bình luận của tôi tại các buổi họp đạo Đấng Christ, cũng như khi tôi nói chuyện với người khác. Bây giờ tôi trông mong đến lúc học tập, và tôi không thích có điều gì gây trở ngại”. Đúng vậy, học hỏi cá nhân trở thành một sở thích nhờ thói quen khi chúng ta thấy sự tiến bộ của mình. Lawrence cũng chuyên tâm học hỏi Kinh Thánh và, với thời gian, đã bắt đầu phụng sự với tư cách trưởng lão trong một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Muốn vui thích việc học hỏi cá nhân, ta phải cố gắng không ngừng. Song, có rất nhiều lợi ích. Sa-lô-môn nói: “Vì sự khôn-ngoan sẽ vào trong lòng con, và linh-hồn con sẽ lấy sự hiểu-biết làm vui-thích. Sự dẽ-dặt [“khả năng suy nghĩ”, “NW”] sẽ coi-sóc con, sự thông-sáng sẽ gìn-giữ con”.—Châm-ngôn 2:10, 11.
“Để cứu con khỏi đường dữ”
Sự khôn ngoan, hiểu biết, khả năng suy nghĩ và sự thông sáng sẽ gìn giữ chúng ta như thế nào? Sa-lô-môn nói: “[Chúng sẽ] cứu con khỏi đường dữ, khỏi kẻ nói việc gian-tà, và khỏi kẻ bỏ đường ngay-thẳng, mà đi theo các lối tối-tăm; là người vui dạ làm dữ, ưa-thích sự gian-tà của kẻ ác; chúng nó cong-vạy trong đường-lối mình, và lầm-lạc trong các nẻo mình”.—Châm-ngôn 2:12-15.
Đúng vậy, những người quí chuộng sự khôn ngoan thật sẽ tránh giao thiệp với bất cứ người nào “nói việc gian-tà”, tức là những điều trái nghịch sự chân thật và lẽ phải. Khả năng suy nghĩ và sự sáng suốt che chở chúng ta khỏi những ai bác bỏ lẽ thật nhưng lại đi theo đường lối tối tăm và khỏi những ai gian tà và những kẻ vui thích làm điều ác.—Châm-ngôn 3:32.
Chúng ta thật biết ơn làm sao vì sự khôn ngoan thật và những đức tính liên hệ cũng che chở chúng ta khỏi đường lối xấu của những đàn ông và đàn bà vô luân! Sa-lô-môn nói thêm rằng những đức tính này sẽ “cứu con khỏi dâm-phụ, là người đàn-bà lạ nói lời dua-nịnh; nàng lìa-bỏ bạn của buổi đang-thì, và quên sự giao-ước của Đức Chúa Trời mình;— Vì nhà nó xiêu qua sự chết, và con đường nó dẫn đến chốn kẻ thác; chẳng ai đi đến nàng mà trở về, hoặc được tới các lối sự sống”.—Châm-ngôn 2:16-19.
“Người đàn-bà lạ”, gái mãi dâm, được miêu tả là người lìa bỏ “bạn của buổi đang-thì”—có lẽ là chồng lấy lúc còn trẻ.a (So sánh Ma-la-chi 2:14). Bà đã quên rằng giao ước Luật Pháp cấm việc ngoại tình. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14) Đường của bà dẫn đến sự chết. Những ai bầu bạn với bà có thể không bao giờ “được tới các lối sự sống”, vì sớm muộn gì cũng đến lúc họ có thể không quay trở lại được, tức là chết và không thể trở lại. Một người sáng suốt và có khả năng suy nghĩ thì biết rõ những cám dỗ của sự vô luân và khôn ngoan tránh bị mắc vào.
“Người ngay-thẳng sẽ được ở trên đất”
Tóm tắt mục đích của lời ông khuyên về sự khôn ngoan, Sa-lô-môn nói: “Sự khôn-ngoan sẽ khiến con đi trong đường người thiện, và gìn-giữ các lối của kẻ công-bình”. (Châm-ngôn 2:20) Sự khôn ngoan đáp ứng mục tiêu tuyệt vời thay! Nó giúp chúng ta có một đời sống hạnh phúc và thỏa mãn, được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Cũng hãy xem những ân phước rất lớn chờ đợi những ai “đi trong đường người thiện”. Sa-lô-môn nói tiếp: “Người ngay-thẳng sẽ được ở trên đất, và người trọn-vẹn sẽ còn ở đó luôn luôn. Nhưng kẻ gian-ác sẽ bị truất khỏi đất, và kẻ bất-trung sẽ bị nhổ rứt khỏi đó”. (Châm-ngôn 2:21, 22) Mong sao bạn ở trong số những người trọn vẹn, là những người sẽ sống đời đời trong thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời.—2 Phi-e-rơ 3:13.
[Chú thích]
a Từ “người lạ” được áp dụng cho những người không còn hành động phù hợp với Luật Pháp và vì vậy tự xa lìa Đức Giê-hô-va. Do đó, người mãi dâm ở đây—không nhất thiết là một người xứ khác—được gọi là “người đàn-bà lạ”.
[Hình nơi trang 26]
Sa-lô-môn cầu xin sự khôn ngoan. Chúng ta cũng nên làm thế