Người trẻ với một tương lai vững chắc
“ĐÓ là vụ hiếp dâm thuộc loại khủng khiếp và ghê tởm nhất”—đây là những lời mà một vị thẩm phán chủ tọa một phiên tòa gần đây đã dùng để miêu tả tội phạm. Một băng đảng gồm tám đứa trẻ vị thành niên ở lứa tuổi từ 14 đến 18, mai phục một nữ du khách tại một khu phố ổ chuột ở Luân Đôn, hiếp dâm bà nhiều lần và ném bà xuống một kênh đào gần đó mặc dù bà nói là không biết bơi. Điều dễ hiểu là bà mẹ của một trong các đứa trẻ vị thành niên tuyên bố là bà cảm thấy bực mình đến điên lên được khi xem phóng sự trên đài truyền hình tường thuật về những gì con bà đã làm.
Đáng buồn thay, chuyện này phản ảnh những gì đang xảy ra trong xã hội ngày nay. Sự tàn bạo đã trở nên chuyện hằng ngày, dù là trong hành vi phạm pháp, trong gia đình bất hòa hoặc trong các vụ xung đột chủng tộc ở miền Balkans, miền trung và tây Phi Châu và tại nơi khác. Những người trẻ lớn lên giữa những tình trạng ấy, hoặc họ thường nghe nói về những chuyện như thế. Vậy, không mấy ngạc nhiên khi nhiều người trẻ trở thành không còn cảm xúc dựng lên một vẻ bề ngoài cứng rắn, tỏ ra “vô-tình” và “không tiết-độ” (II Ti-mô-thê 3:3).
“Dữ-tợn”
Khi sứ đồ của đạo đấng Christ là Phao-lô viết lá thư thứ hai cho trưởng lão Ti-mô-thê, La Mã là cường quốc thế giới đang hồi hưng thịnh. Sự tàn ác và dã man rất thịnh hành trong các đấu trường La Mã. Nhưng Phao-lô cảnh cáo rằng trong tương lai, thời thế sẽ trở nên “khó-khăn” (II Ti-mô-thê 3:1). Điều đáng chú ý là từ Hy Lạp miêu tả thời kỳ “khó-khăn” này bao gồm ý tưởng người ta sẽ “dữ-tợn”. Hơn 30 năm trước đó, một chuyện xảy ra thời Chúa Giê-su làm thánh chức trên đất cho thấy điều gì nấp phía sau sự dữ tợn thời của ngài.
Chiếc thuyền chở Chúa Giê-su vừa mới tấp vào bờ phía đông Biển Ga-li-lê. Khi ngài đặt chân lên bờ thì có hai người đến đón đường. Vẻ bề ngoài và tiếng la hét của họ biểu lộ rõ họ không được bình thường chút nào. Họ “bộ dữ-tợn lắm”, thật ra họ bị quỉ ám.a Những gì họ thốt lên là ra từ quỉ dữ đang kiểm soát các hành động hung bạo của họ. Hai người ấy gào thét: “Lạy Con Đức Chúa Trời, chúng tôi với Ngài có can-hệ gì chăng? Có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi trước kỳ không?” Các quỉ dữ nhập vào hai người ấy biết rất rõ rằng Đức Chúa Trời đã định trước một thời kỳ để đoán phạt chúng. Điều này có nghĩa là chúng sẽ bị hủy diệt đời đời. Nhưng cho đến lúc đó chúng vẫn dùng khả năng siêu phàm để gây nên sự hung bạo dữ dội. Chỉ nhờ phép lạ đuổi quỉ, Chúa Giê-su mới làm cho hai người kia được giải thoát mà thôi (Ma-thi-ơ 8:28-32; Giu-đe 6).
Ngày nay, khi người ta, kể cả giới trẻ, hành động một cách điên cuồng, chúng ta nên nhớ lại chuyện ấy. Tại sao? Bởi vì trong thế kỷ 20 này chúng ta đứng trước một mối nguy cơ liên hệ tới chuyện đó, như sách Khải-huyền ở cuối cuốn Kinh-thánh giải thích: “Khốn-nạn cho đất và biển! Vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu nên giận-hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:12). Xin lưu ý là việc Sa-tan bị hạ nhục đi kèm theo sự “giận-hoảng” của hắn bởi vì hắn biết thì giờ mình ngắn ngủi.
Bị tấn công
Như Tháp Canh thường đề cập đến, năm 1914 chính là năm Chúa Giê-su Christ được lên ngôi Vua Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Chúa Giê-su lập tức ra tay hành động chống lại Sa-tan là Kẻ Thù chính của Đức Chúa Trời. Rồi thì Ma-quỉ và các quỉ sứ của hắn bị đuổi ra khỏi các từng trời, và bây giờ chúng dồn hết sự chú ý đến trái đất này (Khải-huyền 12:7-9). Vì tầm ảnh hưởng của Sa-tan bị hạn chế rất nhiều nên hắn “đi rình mò... tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Ai là miếng mồi ngon cho hắn? Chẳng phải là dễ hiểu khi nghĩ đó là những người thiếu kinh nghiệm trong đời sống và trong mối giao hảo với người khác hay sao? Bởi vậy cho nên ngày nay giới trẻ trở thành mục tiêu của Ma-quỉ. Qua phần lớn âm nhạc và các cuộc giải trí của họ, chúng ta thấy họ đang rơi thẳng vào tay của kẻ chủ mưu xảo quyệt vô hình này (Ê-phê-sô 6:11, 12).
Dù cho giới trẻ tìm cách cải thiện đời sống, họ gặp trở ngại. Kể từ sau Thế Chiến II, tại nhiều nước đã từng tham chiến, người ta tìm cách bù trừ sự mất mát bằng cách tạo cho gia đình họ một nếp sống dư giả. Của cải vật chất, thú vui cuồng nhiệt và việc giải trí đã trở thành các mục tiêu chính. Hậu quả là nhiều người đã chịu khổ. Phao-lô cảnh giác Ti-mô-thê: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia... Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà... chuốc lấy nhiều điều đau-đớn” (I Ti-mô-thê 6:9, 10). Nói chung, chúng ta thấy con người trong xã hội duy vật ngày nay chuốc lấy những sự đau đớn về phương diện kinh tế, tài chính và tình cảm. Trong vòng những người đó có nhiều người trẻ, nạn nhân của kẻ thù chính của Đức Chúa Trời.
Nhưng hãy vui lên, vì có tin mừng. Và tin mừng này liên quan đến những người trẻ, trước mắt họ là tương lai vững chắc. Làm sao điều này có thể được?
Hãy tìm rồi bạn sẽ gặp
Nhiều người trẻ có lý tưởng cao. Họ từ bỏ các tiêu chuẩn đang lụn bại thường thấy nơi những người lớn. Họ kinh tởm trước sự bất công và thái độ chai lì của các chính khách đói khát quyền hành và của các thương gia. Nếu bạn còn trẻ, có lẽ bạn cảm thấy như thế.
Hãy xem trường hợp của Cedric, một thanh niên dưới 20 tuổi, kinh nghiệm đời không có gì khác thường.b Hồi còn nhỏ, cậu sợ hãi đủ điều, kể cả sợ chết. Cậu tự hỏi không biết đời sống có mục đích gì hay không. Vì không tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi của mình, khi lên 15, cậu say mê suy tư về ý nghĩa của cuộc sống cùng với những người trẻ ham thích lý tưởng khác. Cậu kể lại: “Chúng tôi hút cần sa và ngồi nói chuyện phiếm hàng giờ. Tôi những tưởng người nào cũng nghĩ như mình, nhưng không ai có câu trả lời cả”.
Cedric, giống như nhiều người trẻ, thèm khát sự khích động. Cậu không thấy thỏa mãn khi chỉ dùng ma túy. Chẳng bao lâu cậu dính líu đến các vụ trộm cắp và buôn lậu ma túy. Nhưng chưa hết, vì cậu còn chạy theo những khích động mới khác. Cậu bắt đầu ăn cắp để bán cho những người đặt mua. Cậu thú nhận: “Tôi mê công việc đó. Nhưng tôi không bao giờ ăn cắp cái gì của người bình dân. Nếu tôi ăn cắp một chiếc xe hơi, sau khi dùng xong, tôi không phá hại nhưng tôi luôn luôn để nó lại cho chủ nhân trong tình trạng tốt. Nếu tôi lấy trộm đồ của tiệm buôn, tôi chỉ lựa tiệm nào mà tôi biết chủ nhân sẽ được bảo hiểm bồi thường. Điều này giúp tôi tự bào chữa cho hành vi trộm cắp của mình”. Như bạn có thể đoán trước, Cedric rốt cuộc bị vào tù.
Cedric nhớ lại: “Mark, một người đồng cảnh ngộ, nói chuyện với tôi. Để ý thấy tôi có xăm hình một cây thánh giá trên cánh tay, anh hỏi tại sao tôi lại làm thế. Anh nghĩ nó chắc phải có ý nghĩa tôn giáo đối với tôi”. Độ hai tuần sau, Mark tặng cho Cedric cuốn Bạn có thể Sống đời đời trong Địa-đàng trên Đất.c “ ‘Bạn có thể sống đời đời’—bấy nhiêu lời ấy có tác động mạnh ngay lập tức trong tâm trí tôi. Chúng tôi đã không ngớt nói về đề tài ấy, nhưng chưa bao giờ khám phá sự thật về sự sống đời đời”. Sau nhiều lần thảo luận với một Nhân-chứng Giê-hô-va viếng thăm nhà tù, Cedric mới hiểu ra rằng điều mà cậu khao khát có thể thực hiện được—nhưng chỉ theo cách của Đức Chúa Trời mà thôi.
Cedric ghi nhận: “Một khi tôi ngừng kết hợp với những người bạn cũ, tôi tiến bộ nhanh chóng”. Sự tiến bộ của cậu trong sự hiểu biết và trong việc đi tìm hạnh phúc thật không phải là chuyện dễ. Cậu nói: “Tôi vẫn còn phải cố gắng để tiến bộ. Tôi cần phải suy nghĩ chín chắn”. Vâng, bây giờ Cedric hiểu là việc chạy theo lý tưởng suông đã đưa cậu vào cạm bẫy của Ma-quỉ. Hắn khiến cậu nghĩ rằng các mục tiêu của cậu chỉ có thể đạt được bằng cách lao đầu vào các hoạt động có tính cách khích động.
Mừng thay, cậu Cedric đã ra tù lâu rồi và hiện nay cậu vui mừng kết hợp đều đặn với những người khác đã tìm được những gì mà họ tìm kiếm. Bây giờ Cedric là một Nhân-chứng Giê-hô-va và có cùng hy vọng như họ: sống trong Địa đàng trên đất. Anh cũng trông mong đến ngày mà ảnh hưởng của Sa-tan sẽ chấm dứt hẳn dưới mọi hình thức.
Dĩ nhiên, không phải chỉ có những người trẻ như Cedric mới có tương lai vững chắc; những người khác đã được cha mẹ tin kính nuôi dưỡng và khắc ghi vào tâm khảm lòng yêu thương đối với lẽ thật của Kinh-thánh.
Sự huấn luyện theo ý Đức Chúa Trời có lợi
Thời xưa, Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan viết: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải đi; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó” (Châm-ngôn 22:6). Điều này đã nghiệm đúng với nhiều người trẻ hết lòng làm theo tiêu chuẩn của Kinh-thánh.
Chị Sheila, anh Gordon và chị Sarah đã làm như thế. Họ nhớ lại rằng cha mẹ họ đã đặt nặng việc vâng theo mệnh lệnh của đấng Christ là ‘đi đào-tạo môn-đồ’ bằng cách rao giảng tin mừng về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Chị Sheila nhớ lại: “Đứng trước bất cứ quyết định nào, tôi và mẹ thường nói với nhau: ‘Việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc rao giảng?’ ” Chị nói tiếp: “Chúng tôi đã bỏ qua nhiều dự tính sau khi lý luận dựa theo câu hỏi này, nhưng chúng tôi đã được ban phước nhiều lắm!” Ngay cả sau những ngày dài đến nhà người ta để nói về tin mừng, chị Sheila và mẹ vừa lê bước, vừa ca hát trên đường về nhà. Chị nói: “Niềm vui của tôi được trọn vẹn. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm vui đó”.
Anh Gordon nhớ là có nhiều buổi tối Thứ Bảy hào hứng. Anh kể lại: “Tôi được mời đến nhà của các trưởng lão trong hội thánh, ở đó chúng tôi đã chơi đố vui về Kinh-thánh và trò chuyện với nhau. Chúng tôi được khuyến khích nhớ thuộc lòng các câu Kinh-thánh, tha hồ nói về các đề tài Kinh-thánh, kể lại kinh nghiệm rao giảng và tìm hiểu làm thế nào công việc rao giảng về Nước Trời đã được bành trướng. Tất cả những điều này đã giúp tôi đặt nền tảng tốt và vun trồng lòng yêu thương đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.
Chị Sarah có kỷ niệm đẹp về những buổi tối đi chơi ở nhà các Nhân-chứng. “Chúng tôi thường ăn uống chung với nhau. Ăn xong, chúng tôi đệm dương cầm cho những ai hát những bài hát về Nước Đức Chúa Trời. Âm nhạc thật sự giúp chúng tôi nhiều lắm, đặc biệt trong những năm còn đi học, vì nó tạo cơ hội để chúng tôi sinh hoạt chung trong gia đình”.
Dĩ nhiên, không phải tất cả những người trẻ tìm cách làm hài lòng Đức Giê-hô-va đều có hoàn cảnh gia đình lý tưởng cả. Tuy nhiên, sự kết hợp mật thiết với các gia đình Nhân-chứng khác trong hội thánh tạo cho họ sự an toàn và một cảm giác được đùm bọc.
Quí chuộng nền tảng vững chắc cho tương lai
Người trẻ ngày nay đứng trước một sự lựa chọn. Họ có thể tiếp tục đi theo thế gian hung ác này đang lao đầu vào sự hủy diệt trong “hoạn-nạn lớn” sắp đến mà Chúa Giê-su đã tiên tri. Hoặc họ có thể “để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời,... gìn-giữ các điều-răn của Ngài”, như người viết Thi-thiên A-sáp được soi dẫn đã ca hát. Việc vâng lời Đức Chúa Trời sẽ ngăn cản họ trở thành “một dòng-dõi cố-chấp phản-nghịch, chẳng dọn lòng cho chánh-đáng, có tâm-thần không trung-tín cùng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 24:21; Thi-thiên 78:6-8).
Trong hơn 80.000 hội thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, bạn sẽ tìm thấy nhiều người trẻ mà bạn có thể khâm phục. Họ đã nghe theo lời khuyên của Phao-lô cho người trẻ Ti-mô-thê là “làm điều lành, làm nhiều việc phước-đức, kíp ban-phát và phân-chia của mình có, vậy thì dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình”. Kết quả là bây giờ họ “được cầm lấy sự sống thật” (I Ti-mô-thê 6:18, 19). Hãy tìm hiểu thêm về các tín đồ thật này của đấng Christ bằng cách tham dự các buổi họp của họ. Rồi bạn cũng có thể có hy vọng về một tương lai vững chắc.
[Chú thích]
a “Dữ-tợn” được dịch từ cùng một chữ Hy Lạp dùng nơi Ma-thi-ơ 8:28 và nơi II Ti-mô-thê 3:1.
b Tên đã được đổi khác.
c Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
[Hình nơi trang 7]
Các ác thần điều khiển những người “dữ-tợn lắm” mà Chúa Giê-su đã chữa lành
[Hình nơi trang 8]
Đặt cho “ngày sau một cái nền tốt”