Buổi học gia đình mang lại niềm vui
Kinh-thánh nói: “Nhờ sự tri-thức, các phòng-vi đều được đầy-đủ các thứ tài-vật quí báu và đẹp-đẽ” (Châm-ngôn 24:4). Các tài vật quí báu này không chỉ là những kho tàng mà còn bao gồm tình yêu thương chân thật, sự kính sợ Đức Chúa Trời và đức tin mạnh. Những đức tính như thế thật sự làm cho đời sống gia đình được phong phú (Châm-ngôn 15:16, 17; I Phi-e-rơ 1:7). Tuy nhiên, muốn có những đức tính này, chúng ta cần phải đem sự hiểu biết của Đức Chúa Trời vào nhà chúng ta.
NGƯỜI chủ gia đình có trách nhiệm ghi khắc sự hiểu biết này vào lòng những người trong gia đình (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7, Ê-phê-sô 5:25, 26; 6:4). Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là đều đặn có một buổi học gia đình. Những người tham gia thích thú biết bao khi cuộc học hỏi được điều khiển một cách hữu ích và lý thú! Vậy, chúng ta hãy xem xét một số điều thiết yếu trong việc điều khiển một buổi học gia đình hữu hiệu.a
Một buổi học gia đình được hữu hiệu nhất là khi được điều khiển đều đặn. Để mặc cho sự ngẫu nhiên hoặc tùy hứng, thì nhiều phần trăm là rất có thể cuộc học hỏi không được đều đặn. Cho nên bạn phải “lợi-dụng thì-giờ” để học hỏi (Ê-phê-sô 5:15-17). Chọn một giờ giấc nhất định thuận tiện cho mọi người có thể là một thử thách. Một chủ gia đình nhìn nhận: “Chúng tôi thấy khó giữ buổi học gia đình được đều đặn. Chúng tôi thử nhiều giờ giấc khác nhau cho đến khi cuối cùng chúng tôi thấy buổi tối là tốt nhất cho chúng tôi. Bây giờ thì buổi học gia đình chúng tôi được đều đặn”.
Một khi bạn có một giờ giấc thích hợp, hãy cẩn thận đừng để những điều khác làm xáo trộn buổi học hỏi. Chị Maria,b giờ đây 33 tuổi, kể lại: “Nếu có khách đến thăm trong lúc chúng tôi đang học, cha mời họ ngồi đợi cho đến khi chúng tôi học xong. Và khi có người gọi điện thoại đến, cha chỉ cần nói với người đó là cha sẽ gọi lại sau”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể uyển chuyển. Những trường hợp khẩn cấp hoặc những chuyện bất trắc có thể xảy ra, và thỉnh thoảng chúng ta có lẽ phải bãi bỏ hoặc hoãn lại cuộc học hỏi (Truyền-đạo 9:11). Nhưng hãy cẩn thận đừng để bất cứ điều nào phá rối sự sắp xếp thường lệ của bạn (Phi-líp 3:16).
Buổi học hỏi phải kéo dài bao lâu? Anh Robert, người đã thành công trong việc dạy dỗ hai con, một trai và một gái, nói: “Buổi học hỏi của chúng tôi thường kéo dài một tiếng đồng hồ. Khi các con còn nhỏ, chúng tôi cố gắng làm cho chúng chú ý trong giờ đó bằng cách học nhiều điều khác nhau, chẳng hạn như một vài đoạn trong bài học Tháp Canh, những đoạn trong Kinh-thánh và những phần trong sách khác”. Chị Maria nhớ lại: “Khi tôi và hai chị tôi còn rất nhỏ, chúng tôi học khoảng 20 phút hai hay ba lần mỗi tuần. Khi chúng tôi lớn hơn một chút, buổi học gia đình hằng tuần của chúng tôi kéo dài khoảng một giờ”.
Chúng ta nên học hỏi tài liệu nào?
Bàn về câu hỏi này trong khi nhóm lại cho buổi học sẽ khiến mọi người bối rối và làm mất thì giờ quí báu. Nếu là thế, trẻ con sẽ không có điều gì đặc biệt để trông mong và chẳng bao lâu sẽ không còn chú ý. Vậy hãy chọn trước một ấn phẩm của Hội để học hỏi.
“Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều ấn phẩm để chọn lựa (Ma-thi-ơ 24:45-47). Có lẽ bạn có thể dùng một cuốn sách mà gia đình chưa học. Và thật là thích thú khi xem xét những phần trong sách Insight on the Scriptures nếu bộ này có trong ngôn ngữ của bạn! Thí dụ, bạn có thể xem lại bài về Bữa Tiệc Thánh của Chúa vào những tuần trước Lễ Kỷ Niệm. Nhiều gia đình thích chuẩn bị Buổi học Tháp Canh hằng tuần. Nhưng những bài phụ trong Tháp Canh cũng có những tài liệu rất hay để học hỏi. Người chủ gia đình biết nhu cầu thiêng liêng của gia đình và ở vị thế tốt nhất để quyết định gia đình nên học sách nào.
Chị Maria còn nhớ: “Chúng tôi luôn luôn học một sách đã được chọn trước. Nhưng khi có ai nêu ra một câu hỏi nào hoặc một chuyện gì đó xảy ra ở trường, thì chúng tôi chuyển sang tài liệu thích hợp”. Đôi khi có những mối quan tâm đặc biệt, chẳng hạn như vấn đề người trẻ gặp ở trường, việc hẹn hò, những sinh hoạt ngoại khóa, v.v... Khi điều này xảy ra, hãy chọn những bài hoặc sách báo nói về vấn đề đó. Nếu bạn thấy tài liệu trong số Tháp Canh hoặc Tỉnh Thức! (Anh ngữ) mới và bạn muốn xem xét với gia đình ngay, thì đừng ngần ngại học với gia đình. Dĩ nhiên, bạn nên cho những người trong gia đình biết trước về sự thay đổi này. Nhưng đừng quên trở lại tài liệu được chọn trước kia một khi lo cho nhu cầu đó rồi.
Giữ cho bầu không khí yên tĩnh
Chúng ta tiếp thụ được nhiều nhất trong những tình trạng yên tĩnh (Gia-cơ 3:18). Vậy hãy tạo một bầu không khí thoải mái, nhưng trang nghiêm. Một chủ gia đình ở Hoa Kỳ nói: “Dù học ở phòng khách hay ngoài hiên, chúng tôi cố gắng ngồi gần nhau thay vì mỗi người một chỗ trong một phòng lớn. Điều này giúp cho chúng tôi cảm thấy ấm cúng”. Và chị Maria nhớ lại kỷ niệm đẹp: “Tôi và hai chị được quyền chọn một nơi trong nhà để ngồi học hỏi mỗi tuần. Điều này làm chúng tôi cảm thấy thích thú”. Hãy nhớ là phải có đủ ánh sáng, chỗ ngồi thích hợp, khung cảnh vui vẻ và không bừa bãi đều góp phần vào sự yên tĩnh. Có đồ ăn giải lao cho gia đình sau buổi học cũng giúp làm cho buổi tối trở nên vui vẻ.
Một số gia đình còn mời những gia đình khác thỉnh thoảng tham gia vào buổi học, điều này làm cho buổi học càng thú vị đồng thời có nhiều lời bình luận khác nhau. Khi những người mới trong lẽ thật được mời tham gia vào sự sắp đặt này, họ có thể được lợi ích nhờ quan sát một người chủ gia đình có kinh nghiệm điều khiển một buổi học gia đình.
Làm cho Kinh-thánh trở nên sống động
Khi làm cho những giờ học sống động đối với trẻ con, thì chúng sẽ nóng lòng mong đợi đến buổi học. Bạn có thể làm điều này bằng cách khuyến khích các con nhỏ vẽ những cảnh trong Kinh-thánh. Khi thích hợp, kêu các con diễn lại những biến cố và màn kịch trong Kinh-thánh. Đối với các con nhỏ thì không nhất thiết phải theo sát một phương pháp chính thức bằng lối vấn đáp. Đọc hoặc kể chuyện về những nhân vật trong Kinh-thánh là cách thích thú để ghi khắc những nguyên tắc của Đức Chúa Trời vào lòng con trẻ. Anh Robert, được đề cập ở phần trên, nhớ lại: “Đôi khi chúng tôi đọc những đoạn trong Kinh-thánh, thay phiên nhau đọc những vai khác nhau”. Có thể kêu con trẻ chọn diễn vai của nhân vật nào chúng thích trong phần Kinh-thánh đó.
Dùng bản đồ và biểu đồ sẽ giúp các con lớn hình dung những vùng và những đặc điểm của xứ, nơi mà những biến cố đang được thảo luận xảy ra. Rõ ràng là chỉ tưởng tượng một chút, buổi học gia đình có thể trở nên sống động và phong phú. Và con em sẽ ham thích Lời Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:2, 3).
Giúp mọi người tham gia
Muốn trẻ con thích cuộc học hỏi, thì chúng phải tham gia vào. Tuy nhiên, muốn các con ở tuổi khác nhau tham gia có thể là một thử thách. Nhưng một nguyên tắc Kinh-thánh nói: “Ai cai-trị, hãy siêng-năng mà cai-trị” (Rô-ma 12:8). Lòng hăng hái có thể giúp ích, vì lòng hăng hái dễ lây.
Anh Ronald giúp cho đứa con gái năm tuổi là Dina góp phần bằng cách cho con đọc những tiểu đề trong bài học và miêu tả về những hình ảnh. Năm ngoái, khi gần đến Lễ Kỷ Niệm sự chết của đấng Christ, anh chú tâm đến những hình ảnh thích hợp trong sách Người vĩ đại nhất đã từng sống.c Anh nói: “Điều này giúp con tôi hiểu tầm quan trọng của dịp này”.
Với đứa con gái mười tuổi là Misha, anh Ronald còn làm một điều khác nữa. Anh Ronald nói: “Cháu tiến bộ đến mức mà cháu có thể hiểu không những hình ảnh tả những gì mà còn ý nghĩa của những hình ảnh đó nữa. Cho nên khi xem xét sách Khải-huyền gần đến cực điểm vinh quang!d (Anh ngữ), chúng tôi tập trung vào ý nghĩa của những hình ảnh, và điều này đã giúp cháu”.
Khi con cái đến tuổi thanh thiếu niên, hãy kêu chúng áp dụng một cách thực tế những tài liệu đang học. Khi có ai nêu ra câu hỏi trong lúc học, hãy chỉ định những người trong gia đình tra cứu những đề tài này. Anh Robert đã làm thế khi con trai 12 tuổi là Paul hỏi về một câu lạc bộ ở trường mới thành lập liên quan đến trò chơi Dungeons và Dragons. Paul và những người khác trong gia đình tham khảo tài liệu, dùng sách đối chiếu Watch Tower Publications Index, và họ cùng xem lại trong buổi học gia đình. Anh Robert nói: “Nhờ đó, cháu nhanh chóng hiểu rằng tín đồ đấng Christ không nên chơi trò chơi này”.
Anh Robert cũng chỉ định gia đình tra cứu vào những lúc khác. Vợ anh là chị Nancy nhớ lại: “Khi tra cứu về các sứ đồ của Chúa Giê-su, mỗi người chúng tôi được chỉ định tra cứu về một sứ đồ mỗi tuần. Thật là hứng thú làm sao khi thấy các con hăng hái trình bày tại buổi học gia đình!” Tự mình tra cứu và chia sẻ tài liệu với gia đình giúp trẻ con “khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va” (I Sa-mu-ên 2:20, 21).
Nêu những câu hỏi—gợi ý và thăm dò ý kiến—cũng là cách tốt để khuyến khích trẻ con góp phần. Thầy Dạy Lớn Nhất là Chúa Giê-su đã nêu những câu hỏi thăm dò ý kiến, chẳng hạn như: “Ngươi nghĩ sao?” (Ma-thi-ơ 17:25). Chị Maria nhớ lại: “Khi chị em chúng tôi nêu ra một câu hỏi, cha mẹ không bao giờ trả lời thẳng. Cha mẹ luôn luôn nêu những câu hỏi gợi ý, giúp chúng tôi lý luận về vấn đề”.
Truyền đạt—Chớ chọc giận!
Nếu mọi người hiện diện có thể nói lên quan điểm và cảm nghĩ của mình mà không sợ người khác chế giễu thì điều này sẽ làm cho buổi học gia đình càng trở nên vui vẻ. Một người cha nói rằng “muốn trò chuyện thân mật trong buổi học gia đình thì những lúc khác mọi người cũng phải nói chuyện cởi mở với nhau. Bạn không thể giả vờ trò chuyện thân mật trong giờ học thôi”. Bằng mọi cách, tránh những lời nói thiếu suy nghĩ làm đau lòng, chẳng hạn như: “Chỉ có thế à? Cha / mẹ tưởng có điều gì quan trọng chứ’; ‘Nói vậy mà cũng nói’; ‘Con nít biết gì mà nói’ (Châm-ngôn 12:18). Hãy tỏ ra thương xót và nhân từ đối với con bạn (Thi-thiên 103:13; Ma-la-chi 3:17). Hãy vui thích nơi chúng, và ủng hộ khi chúng cố gắng áp dụng những gì chúng đang học.
Bầu không khí của buổi học gia đình phải như thế nào để tâm trí trẻ con dễ tiếp thụ sự giáo huấn. Một người cha thành công trong việc dạy dỗ bốn đứa con, giải thích: “Khi bạn bắt đầu sửa trị con cái, thì chúng sẽ cảm thấy uất ức”. Trong một bầu không khí như thế, có lẽ tài liệu sẽ không thấm vào lòng. Vậy hãy tránh sửa trị và trừng phạt vào giờ học. Nếu cần sửa trị, thì bạn nên chờ lúc khác và nói riêng với con.
Một sự cố gắng đáng công
Xây đắp một gia đình phong phú về thiêng liêng cần có thì giờ và năng lực. Tuy nhiên, người viết Thi-thiên tuyên bố: “Kìa, con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông-trái của tử-cung là phần thưởng” (Thi-thiên 127:3). Và các bậc cha mẹ được giao phó trách nhiệm là “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]” (Ê-phê-sô 6:4). Vậy hãy trau dồi khả năng để điều khiển một buổi học gia đình hữu hiệu và lý thú. Hãy cố hết sức để cung cấp “sữa thiêng-liêng của Đạo”, hầu cho con bạn có thể “lớn lên mà được rỗi linh-hồn” (I Phi-e-rơ 2:2; Giăng 17:3).
[Chú thích]
a Dù nhiều lời đề nghị trong bài này áp dụng cho việc giúp trẻ em trong buổi học gia đình, nhưng các khái niệm cũng áp dụng cho một buổi học gia đình không có trẻ em.
b Một vài tên đã được thay đổi.
c Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
d Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.