Các bậc cha mẹ—Làm thế nào để xây dựng cho gia đình?
“Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây-cất nên, Và được vững-vàng bởi sự thông-sáng” (CHÂM-NGÔN 24:3).
1. Một điều chính yếu làm cho gia đình được vững mạnh là gì?
Trong một cuộc thăm dò mới đây hỏi trên 550 nhà chuyên môn khuyên các gia đình xem họ nghĩ những yếu tố nào họ thường thấy nhất trong các gia đình vững chắc. Đứng đầu bản liệt kê các yếu tố là: sự nói chuyện và sự lắng nghe. Tác giả của bài thăm dò, bà Dolores Curran, giải thích lý do: “Đó là năng lực phát sinh sự săn sóc, ban cho, chia xẻ và hoạt động tích cực. Nếu không thành thật lắng nghe và thông cảm thì chúng ta không thể biết nhau được. Chúng ta trở nên những người sống chung nhau và phản ứng máy móc thay vì thành tâm đáp lại những nhu cầu lẫn nhau”. Đúng vậy, sự đàm luận cởi mở là nguồn sống của một gia đình vững mạnh.
2, 3. a) Vấn đề gì được nhận thấy ngay cả trong một số các gia đình tín đồ đấng Christ? b) Lời trong Châm-ngôn 24:3, 4 cho thấy điều gì có thể giúp xây dựng một gia đình vững mạnh? c) Có những câu hỏi nào cần phải trả lời?
2 Ngược lại, nếu thiếu sự khắn khít có thể gây ra hậu quả tai hại. Để thí dụ, một chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) ở Phi châu trả lời như sau về câu hỏi tại sao một số tín đồ trẻ tuổi đã từ bỏ đạo đức của Kinh-thánh: “Khuyết điểm chính liên quan đến trọn vấn đề là cha mẹ không để thì giờ lắng nghe con cái và không tìm cách lý luận với chúng. Do đó nhiều cha mẹ không liên lạc mật thiết với con cái họ”. Dĩ nhiên, đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề—mặc dù đó là một điểm quan trọng. Giống như bất cứ ai khác, người trẻ tuổi nên trau dồi trước tiên sự vâng lời và sự tin kính (Rô-ma 14:12; I Ti-mô-thê 6:6). Cũng hãy xem xét lời trong Châm-ngôn 24:3, 4, nói: “Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây cất nên, Và được vững-vàng bởi sự thông-sáng; Nhờ sự tri-thức, các phòng-vi đều được đầy-đủ Các thứ tài-vật quí-báu và đẹp-đẽ”.
3 Nhưng bạn có thể áp dụng sự khôn ngoan, thông sáng và tri thức thế nào để đạt được sự gần gũi về tình cảm, đặc biệt cần cho con cái trong tuổi thiếu niên? Làm sao bạn tránh vô tình gây ra bế tắc trong việc trao đổi ý kiến? (So sánh Châm-ngôn 14:1, 12). Trên hết, bạn có thể làm thế nào để xây dựng một gia đình vững mạnh trong sự thờ phượng thật? Điều này đòi hỏi nhiều thì giờ và sự quan tâm, có lẽ bạn phân vân tự hỏi nên bắt đầu từ đâu. Đức tính đầu tiên là sự khôn ngoan, có thể giúp bạn sắp đặt thứ tự các ưu tiên.
Đặt ưu tiên cách khôn ngoan
4. Ưu tiên đầu của gia đình tín đồ đấng Christ là gì?
4 Người viết Thi-thiên ghi: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn-ngoan” (Thi-thiên 111:10). Điều chính yếu là bạn có sự sợ hãi lành mạnh làm phật lòng Đức Chúa Trời và bạn muốn đặt sự thờ phượng thật lên hàng đầu. Một người mẹ giải thích bà và chồng đã xây dựng thế nào để thành công dạy dỗ cho hai con trai phụng sự Đức Giê-hô-va: “Chúng tôi làm đầy đời sống với lẽ thật—đi dự tất cả các hội nghị, sửa soạn và tham dự các buổi nhóm họp và tham dự đều đều vào công việc rao giảng”. Chồng bà nói tiếp: “Lẽ thật không phải chỉ là một phần trong đời sống chúng tôi, lẽ thật là cả đời sống của chúng tôi. Các điều khác đều xoay quanh lẽ thật”. Bạn có đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống gia đình của bạn không?
5. Tại sao các bậc cha mẹ tín đồ đấng Christ cần phải có sự thăng bằng?
5 Đi rao giảng chung với gia đình sẽ khiến mỗi người cảm thấy gần nhau hơn, nhưng nhu cầu đặc biệt của con cái là bạn dành cho chúng thì giờ và nỗ lực về tình cảm. Do đó, bạn cần có sự thăng bằng để định rõ bao nhiêu thì giờ có thể dành cho việc đi rao giảng hoặc công việc cho hội-thánh, đồng thời bạn có thể dành bao nhiêu để chăm sóc cho nhu cầu thiêng liêng, tình cảm và vật chất của “người nhà mình”. Bạn phải “học làm điều thảo đối với nhà riêng mình” (I Ti-mô-thê 5:4, 8). Để đặc biệt giúp những người làm cha trong việc lấy thăng bằng cần thiết giữa bổn phận gia đình và công việc rao giảng, bài Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 15-9-1959 khuyên: “Nên đặt nặng quyền lợi của gia đình bạn. Chắc chắn Giê-hô-va Đức Chúa Trời không đòi hỏi một người dùng trọn thì giờ mình vào các hoạt động cho hội-thánh, giúp đỡ các anh em và người lân cận đạt đến sự cứu rỗi, mà quên lửng sự cứu rỗi của chính người nhà mình. Trách nhiệm ưu tiên của người là đối với vợ và các con cái”.
6. Cha mẹ phải tránh nguy hiểm nào, và ra sao?
6 Trách nhiệm không nhất thiết là phải dành nhiều giờ với các con bạn nhưng nên tận dụng thời gian đó cách hữu hiệu. Tiếc thay, nhiều bậc cha mẹ quá lo âu về công việc hội-thánh, công việc làm ăn khó khăn, hay các vấn đề vật chất đến nỗi ngay khi có mặt với con cái mà đầu óc họ ở đâu đâu. Chỉ sau khi gia đình gặp thảm trạng thì họ mới nhận thấy nên đặt lại giá trị ưu tiên. “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống... là... tiết-độ, nhu-mì” (Gia-cơ 3:17). Sự khôn ngoan từ trên trời có thể giúp bạn phân chia thì giờ và các cố gắng về tình cảm đúng cách để vâng theo mọi điều răn của Đức Giê-hô-va.
Roi vọt và sự quở trách đem lại sự khôn ngoan
7. Có thể áp dụng Châm-ngôn 29:15 thế nào để được hữu hiệu?
7 Sự áp dụng cách vững chắc các nguyên tắc công bình bày tỏ với lòng nhân từ sẽ khiến các con của bạn nhận biết bạn chú ý chăm sóc chúng. Cha mẹ quá dễ dãi sẽ khiến con cái bất an và dễ hư hỏng. “Roi-vọt và sự quở-trách ban cho sự khôn-ngoan” (Châm-ngôn 29:15; 22:15). Nếu muốn “roi-vọt và sự quở-trách” được hữu hiệu thì cần phải có yêu thương kèm theo. Sự sửa trị áp dụng vô lý hoặc trong lúc nóng giận thì có thể làm con cái chán nản. “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21). “Roi-vọt” để sửa trị bao gồm sự răn phạt đúng cách, nhưng nếu bạn đòi hỏi vô lý, chỉ trích quá đáng và làm nhục đứa trẻ thì đó là dùng “roi-vọt” cách sai lầm và có thể làm đứa trẻ mất sự tự tin và cũng thiếu tin cậy nơi bạn nữa. Đứa con như vậy có thể “sẽ ngã lòng”.
8. Giải thích tại sao “quở-trách” có nghĩa rộng hơn là răn phạt.
8 Tuy nhiên, cần phải có “roi-vọt và sự quở-trách” đi đôi với nhau. Không những sự quở trách đòi hỏi việc răn phạt, nhưng cũng bao gồm việc trình bày các sự kiện để thuyết phục một người khác.a Chữ Hê-bơ-rơ dùng để diễn tả sự “quở-trách” cũng có thể dịch là “lý luận ngược lại” (Thi-thiên 38:14). Do đó, quở trách có nghĩa thật sự là sẵn sàng muốn và có thể đưa ra các sự kiện khiến đứa con hiểu lý do tại sao bạn hành động như thế. Các sách báo do Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) có một số bài đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi và có thể giúp bạn trình bày lý luận rõ cho con bạn thấy tại sao một đường lối nào đó là sai. Bạn có tận dụng các bài như thế không?
Sự hiểu rõ gây nên sự thông cảm
9. Sự thông sáng là gì và tại sao là quan trọng?
9 Sự hiểu rõ cũng rất quan trọng trong việc trao đổi ý kiến cách khéo léo. Trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ chữ này có nghĩa “nhận định giữa hai điều”, “phân biệt”. Sự hiểu rõ này cần đi sâu hơn vào bên trong và giống như có sự hiểu biết, thông cảm và nhân từ vậy (I Phi-e-rơ 3:8).
10. Khi hiểu rõ căn nguyên của một tình trạng trong thời Kinh-thánh, người ta đã tránh gây chiến thế nào?
10 Một thí dụ trong Kinh-thánh cho thấy giá trị của sự hiểu rõ và được ghi ở Giô-suê 22:9-34. Các chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se hưởng được đất ở phía đông sông Giô-đanh và họ xây cất một bàn thờ khổng lồ trên đất đó. Các chi phái khác xem đó là bội đạo và sắp sửa trừng phạt những người họ tưởng cố ý phạm luật của Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký 17:8, 9). Trước khi hành động họ sai một phái đoàn đến để nói chuyện với hai chi phái rưỡi kia (Châm-ngôn 13:10). Cuộc nói chuyện cho thấy bàn thờ được dựng lên không phải để dâng của-lễ hy sinh, mà vì “lo cho con cháu họ”. Bởi lẽ sông Giô-đanh ngăn rẽ giữa họ và các chi phái kia, hai chi phái rưỡi này lo ngại các thế hệ sau này rời bỏ sự thờ phượng thật dâng cho Đức Giê-hô-va. Do đó họ xây bàn thờ để luôn luôn nhắc nhở “làm chứng” rằng họ cũng là dân sự của Đức Chúa Trời. Sự giải thích làm đảo ngược tình thế! Một điều tưởng là trọng tội được làm sáng tỏ rõ ràng. Nhờ “chậm giận”, các chi phái kia đã có thể tìm hiểu thực trạng, và điều này đưa đến sự thông cảm nhau (Châm-ngôn 14:29).
11. Một người cha đã bày tỏ có sự hiểu rõ như thế nào?
11 Thế thì khi có vấn đề gì liên quan đến con bạn, bạn có cố gắng để hiểu rõ nó không? Thí dụ, một trong những con trai của một cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ đi học về với vẻ mặt «giận dỗi lắm». Người cha kể lại: “Nó nhất định không chịu nói tại sao lại giận dỗi. Lúc đầu tôi nghĩ nó có thái độ cứng đầu, nhưng rồi tôi để ý thấy nó dịu lại khi tôi hỏi han nó học hành ra sao. Thế rồi, chúng tôi đã nói chuyện nọ kia một lúc lâu và tôi mới biết vì nó nhỏ con nên thường bị các bạn ở trường trêu chọc. Tôi trấn an nó, cho biết tôi hiểu rõ bị đối xử như vậy mãi thật khó chịu và rồi tôi chỉ cho nó vài cách thực tế để đương đầu với vấn đề đó”. Sau đó tinh thần đứa bé vui hẳn lên.
12. Tại sao tuổi dậy thì là thời kỳ khó khăn nhất đối với nhiều người trẻ tuổi, và cha mẹ cần phải làm gì?
12 Bạn có tỏ ra nhẫn nại giống như vậy với con mình không? Con trẻ, đặc biệt thanh thiếu niên, có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi những việc như trường học, hình dáng bề ngoài, sự ham muốn tình dục và sự được chúng bạn ưa thích. Báo «Tuổi xuân» (Adolescence) ghi nhận: “Suốt thời gian lớn lên, tuổi dậy thì là khoảng thời kỳ khó khăn nhất. Thanh thiếu niên tự đòi hỏi nhiều và còn thiếu kinh nghiệm, cảm thấy bất an trong một thế giới đầy cạnh tranh và thiếu tình cảm. Thay vì có khả năng chấp nhận sự hạ mình và thất bại, tuổi này phản ứng mạnh với sự giận dỗi và lo âu”. Tình cảm bấp bênh như vậy có thể ảnh hưởng đến hành vi của đứa trẻ (So sánh Truyền-đạo 7:7a). Chỉ khi nào trau dồi sự giao thiệp mật thiết với con bạn, bạn mới có thể hiểu rõ vấn đề thật và có thể biết được cách tốt nhất để giúp con mình.
13. a) Những điều gì cản trở sự giao thiệp tốt? b) Tại sao cha mẹ phải áp dụng Châm-ngôn 20:5? Xin cho thí dụ.
13 Nhiều người trẻ tuổi thấy khó nói ra sự lo sợ của mình. Do đó, khi con cái bắt đầu cởi mở, bạn nên tránh các câu làm đau lòng và thiếu suy nghĩ như: «Chỉ vậy thôi sao? Tưởng chuyện gì quan trọng chứ?» «Chuyện rắc rối với con là...». «Tại sao con làm khổ cha mẹ vậy?» «Còn muốn gì nữa? Con còn là trẻ con mà» (Châm-ngôn 12:18). Lắm khi người con cần cha mẹ hỏi han nhiều hơn, nhất là khi con đó có vấn đề tế nhị khó nói. “Người thông-sáng” sẽ luôn luôn cố gắng “múc lên” những tình cảm thâm sâu đó (Châm-ngôn 20:5). Một cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ để ý thấy con gái họ tránh các hoạt động của gia đình. Họ cố gắng hỏi han nhưng không có kết quả. Họ tiếp tục hỏi. Sau đó người mẹ kể: “Sau cùng, một ngày nọ, tôi ngồi cạnh con gái tôi trên giường và choàng vòng tay tôi quanh vai nó và hỏi thăm nó một lần nữa có điều gì làm cho nó buồn không. Bấy giờ nó mới khóc và nói là chỉ vì nó cảm thấy chúng tôi và những người khác không ưa thích gần gũi với nó nên nó muốn xa lánh mọi người càng nhiều càng tốt. Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn nói: «Thật là vô lý» nhưng tôi im và lắng nghe nó giải bày tâm sự”. Cha mẹ cô gái đó trấn an con là họ có chú ý chăm sóc con nhiều và sau đó họ cố làm sao cho cô cảm thấy thoải mái hơn trong gia đình. Lúc sau cô gái vượt qua vấn đề đó và hiện sung sướng làm một người đi rao giảng trọn thì giờ.
14. Tại sao xây dựng gia đình khắn khít về mặt tình cảm là chưa đủ?
14 Xây dựng gia đình khắn khít là quan trọng, và ngay một số gia đình người thế gian đã làm được vậy. Tuy nhiên xây dựng một gia đình mạnh mẽ về thiêng liêng ở gần Đức Giê-hô-va và đoàn kết trong Lời của Ngài là một vấn đề khác. Muốn được vậy, cha mẹ cần làm nhiều hơn là chỉ gần gũi với con cái về mặt tình cảm mà thôi.
Làm vững mạnh sự hiểu biết
15. Loại hiểu biết nào mới là tối quan trọng, và tại sao?
15 “Nhờ sự tri-thức các phòng-vi đều được đầy-đủ các tài-vật quí-báu và đẹp-đẽ” (Châm-ngôn 24:4). Các tài vật không phải là kho tàng vật chất nhưng bao gồm sự an toàn về thiêng liêng, tình yêu thương không vụ lợi, sự kính sợ Đức Chúa Trời và đức tin căn cứ trên sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Các điều này tạo nên một đời sống gia đình phong phú (Châm-ngôn 2:5; 15:16, 17; I Phi-e-rơ 1:7). Sự hiểu biết như vậy sẽ xây dựng nơi các con cái sức mạnh thiêng liêng có thể giúp chúng chống lại các mưu kế của Sa-tan, ngay cả những mánh khóe tinh vi nhất, vì Châm-ngôn 24:5 khẳng định: “Người khôn-ngoan có sức-mạnh, Và người tri-thức gia-thêm năng-lực”. Nhưng bạn cần ghi khắc sự hiểu biết này vào lòng con cái (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; I Giăng 2:14).
16. a) Điều gì là cần thiết để sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có thể thấu vào lòng con cái? b) Điều gì là cần thiết để con cái thực sự hưởng lợi ích?
16 Một trong những cách tốt nhất để ghi khắc Lời của Đức Chúa Trời vào lòng con cái là điều khiển một sự học hỏi đều đều trong gia đình để khuyến khích các con của bạn nhận lẽ thật vào lòng. Một người cha có bốn con nói: “Học hỏi trong gia đình có sự ấm cúng, khiến óc con trẻ dễ hấp thụ hơn”. Ông nói tiếp: “Khi bạn bắt đầu rày nạt con bạn, tự nhiên chúng trở nên «kém thân thiện». Nhưng khi bạn có thể bàn luận nội dung bài lúc mọi người đều vui vẻ, chẳng hạn như vào buổi học hỏi trong gia đình, thì các điểm bạn giải thích dễ được thấu hiểu hơn”. Nhưng nếu muốn các con thực sự hưởng lợi ích của sự học hỏi, bạn cần theo gương của Phao-lô, ông đã viết: “Tôi rất mong-mỏi đến thăm anh em, đặng thông-đồng sự ban-cho thiêng-liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững-vàng” (Rô-ma 1:11). Quà tặng được yêu chuộng khi người nhận có thể dùng và quí nó. Do đó bạn nên rút tỉa những điều lợi ích trong bài học cho chính đời sống của con bạn.
17. a) Điều gì có thể giúp làm cho một buổi học hỏi gia đình vừa hứng thú vừa bổ ích? b) Bạn có ý kiến hay đề nghị nào khác không?
17 Cha mẹ cũng cần chắc chắn ai nấy trong gia đình biết giờ nào sẽ học và sách báo nào sẽ được dùng đến. Có gia đình dùng đến phương tiện thị giác, như bản đồ và bản liệt kê, khiến buổi học trở nên hứng thú. Cha mẹ khác sửa soạn vài món giải khát để dùng trước hoặc sau buổi học. Sau buổi học gia đình có thể bàn luận về các vấn đề trong ngày hoặc trong tuần. (Xem khung bên đây về những đề nghị thêm). Và nhất là nên có sự học hỏi Kinh-thánh đều đều. Nhiều cha mẹ dành nhiều công lao cung cấp thức ăn, chỗ ở cho con cái, nhưng điều quan trọng hơn nữa là cung cấp cho chúng “sữa thiêng-liêng của Đạo... hầu cho [con cái chúng ta] nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn” (I Phi-e-rơ 2:2; Giăng 17:3).
18. Điều gì sẽ giúp «xây dựng» nhà bạn?
18 Muốn xây dựng một gia đình mạnh về thiêng liêng thì cần nhiều sự khéo léo và thì giờ. Hãy nhất quyết trau dồi sự khéo léo cần thiết trong việc giao thiệp hầu giữ sự mật thiết về tình cảm với con cái. Đừng để bất cứ điều gì cướp đi thì giờ cần thiết để dẫn dắt gia đình trong sự khôn ngoan, thông sáng và hiểu biết. Hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời và làm thế cùng với con cái, biết rằng chỉ một mình Đức Giê-hô-va có thể khiến các cố gắng «xây dựng» của bạn được thành công (Thi-thiên 127:1).
[Chú thích]
a Theo «Tự-điển Hê-bơ-rơ và Anh-ngữ» (The Hebrew and English Lexicon do John Parkhurst), chữ “quở-trách” (reproof) bắt nguồn từ một động từ có nghĩa “bày tỏ ra, chỉ các sự kiện, chứng minh, cho thấy bởi lý luận rõ ràng hoặc thuyết phục”. Cuốn «Khảo cứu Từ ngữ trong Cựu ước» (Old Testament Word Studies do William Wilson) nói về cùng động từ đó là “chứng minh” (to prove).
Bạn còn nhớ không?
◻ Làm thế nào xây dựng một gia đình vững mạnh trong sự khôn ngoan? và điều gì có thể giúp con cái phát triển trong sự khôn ngoan?
◻ Tại sao hiểu rõ nhau sẽ giúp cho gia đình có liên lạc tốt và cởi mở?
◻ Tại sao sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là tối cần?
◻ Làm sao cho một sự học hỏi gia đình được vừa hứng thú vừa bổ ích?
[Khung nơi trang 22]
MỘT SỰ HỌC HỎI GIA ĐÌNH HỮU HIỆU
Nên điều khiển sự học hỏi như thế nào?
Nên có một bầu không khí thoải mái, song đầy tin kính. Nên tránh thể thức máy móc, hình thức rườm rà. Đặt thêm câu hỏi và dùng những thí dụ hầu giúp suy gẫm và khiến ai nấy đều có thể tham dự. Khi cần, nên làm cho bài học giản dị hơn. Không nên dùng thời gian học hỏi để rầy la con cái. Nên nói riêng nếu thấy cần phải quở trách.
Nên học sách báo nào?
Chọn lọc tùy theo nhu cầu của gia đình. Nên uyển chuyển. Có thể sửa soạn bài học Tháp Canh hàng tuần. Những vấn đề đặc biệt có thể được đưa ra để bàn luận, như các vấn đề người trẻ tuổi gặp phải ở trường học, hẹn hò trai gái, các hoạt động ở trường ngoài các môn học, vấn đề thể thao và khuynh hướng đồi trụy. Nên dùng các bài báo hoặc các sách nói về các vấn đề này. Có thể phân chia thì giờ học hỏi để lần lượt bàn các vấn đề khác nhau.
Nên học hỏi khi nào và bao lâu?
Chủ gia đình có thể quyết định sau khi bàn về thời khóa biểu của mọi người trong gia đình và về giới hạn của mỗi người. Cần xét về tuổi và thời gian chăm chú của các con nhỏ. Nếu con còn quá nhỏ, có thể thu ngắn buổi học, và học nhiều lần trong tuần. Có gia đình học hỏi như vậy nơi bàn ăn ngay sau khi ăn xong. Yếu tố quan trọng không phải thời gian dài bao lâu mà cách dùng thời gian hữu hiệu để cùng học với nhau.
Làm sao bạn có thể chắc chắn động được tới lòng các con cái bạn?
Nên khuyến khích con cái bình luận bằng lời riêng của chúng. Khéo léo đặt câu hỏi để dò biết con cái thực sự cảm thấy gì về vấn đề. Bạn có thể hỏi: “Các trẻ con ở trường học nhìn vấn đề này như thế nào? Con có cảm thấy chúng có lý không?” Hoặc: “Con sẽ giải thích thế nào cho bạn cùng lớp biết tại sao chúng ta không phạm tội tà dâm? Con có cảm thấy tránh tà dâm là lợi ích cho con không? Tại sao?” Nên cẩn thận không phản ứng quá mạnh mẽ trước câu trả lời về các câu hỏi dò ý này, hầu cho con bạn cảm thấy tự nhiên để trả lời thành thật. Nên thong thả để mỗi người có dịp nói, hầu chắc chắn người con hiểu đúng các điểm quan trọng.