Làm mới lại hết thảy muôn vật
“Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung-tín và chơn-thật” (KHẢI-HUYỀN 21:5).
1, 2. a) Sa-lô-môn có hỏi gì cách đây ba ngàn năm? b) Ngày nay điều gì dường như mâu thuẫn với những lời của Sa-lô-môn?
Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn có nói: “Không có gì mới ở dưới mặt trời”. Rồi ông hỏi: “Có vật gì mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái này mới, hay không?” (Truyền-đạo 1:9, 10, NW). Ngày nay chúng ta trả lời thế nào cho câu hỏi này?
2 Khoa học và kỹ thuật đã không sản xuất nhiều điều mới trong thế kỷ 20 này hay sao? Chỉ việc nhìn vào lãnh vực vận tải, thì thấy có máy bay phản lực, xe ô-tô có máy mạnh và xe lửa chạy rất nhanh. Rồi có những tiến bộ vượt bực trong ngành viễn thông, việc dùng vệ tinh nhân tạo và phóng phi thuyền đưa con người đáp xuống mặt trăng. Và nói gì về những dụng cụ để nấu nướng tân thời, tủ lạnh và máy giặt mà nhiều gia đình có? Một số người có thể thốt lên nói: «Kìa, mọi vật đều mới cả dưới mặt trời!»
3. Tình thế nào đáng sợ đã xảy đến “dưới mặt trời” này? (Lu-ca 21:25, 26; Thi-thiên 53:1).
3 Nhưng khoan đã. Cũng có điều gì đáng ghét, làm khó chịu nhất dưới mặt trời. Điều gì vậy? Trái đất đã trở thành một khu quân sự, kể từ khi Thế Chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914! Lúc đó người ta đã dùng súng liên thanh, máy bay, xe tăng và tàu lặn lần đầu tiên trong chiến tranh. Thế Chiến thứ hai diễn ra không đầy 30 năm sau đó, tàn khốc gấp bốn lần thế chiến thứ nhất về việc giết hại mạng sống và tàn phá tài sản. Người ta đã dùng tới những vũ khí còn tàn sát hơn nữa: súng phun lửa, bom săng đặc (na-palm) và, sau hết, bom nguyên tử—thứ vũ khí đã đưa đến những vũ khí hạch tâm quỉ quái ngày nay đe dọa sự sống còn của mỗi người sống trên đất này.
4. a) Sa-lô-môn có nói “không có gì mới” trong phạm vi nào? b) Đức Chúa Trời thể hiện thế nào sự khôn ngoan và yêu thương trong những gì Ngài đã và sẽ còn làm “dưới mặt trời”?
4 Vậy thì chúng ta có thể thật sự nói “không có gì mới ở dưới mặt trời”, hay không? Đúng, chúng ta có thể nói vậy, vì tất cả những sản phẩm này đều xảy đến trong phạm vi thế giới vật chất mà nhân loại xưa nay vẫn sống. Ngay đến bom khinh khí của loài người không có gì mới cả. Trong mặt trời đã có các vụ nổ khinh khí (hýt-rô) từ hàng triệu năm rồi, nhờ đó mà trái đất của chúng ta luôn luôn nhận được năng lực dưới dạng ánh sáng và sức nóng để sản xuất lương thực. Ánh sáng mặt trời cũng tác dụng trên chất diệp lục tố trong các loài cây xanh, sản xuất chất đường và chất bột cần thiết để nuôi sống vô số các sinh vật trên đất. Thật chúng ta có thể biết ơn Đấng Tạo hóa hoàn toàn khôn ngoan của trái đất đã sắp đặt để cung cấp nguyên tử lực được kiểm soát và có ích cho trái đất của chúng ta nhiều lắm! (Thi-thiên 104:24). Dù những kẻ vô thần mưu tính dùng vũ khí hạch tâm để tàn sát nhân loại tập thể, sướng thay, Đức Chúa Trời sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” (Khải-huyền 11:18).
5. a) Tại sao Sa-lô-môn có lý khi nói: “Không có gì mới ở dưới mặt trời”? b) Lối sống của người bất toàn nghiệm đúng thế nào những lời của Sa-lô-môn?
5 Sa-lô-môn có lý khi nói: “Không có gì mới ở dưới mặt trời”, bởi vì không có gì mới về vật chất, các nguồn năng lực và những định luật thiên nhiên làm nền tảng cho hệ thống mọi sự vật trên trái đất. Những điều này nằm trong khuôn khổ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 24:1; Khải-huyền 4:11). Mặt trời mọc và lặn, thời tiết luân phiên nhau, nước theo sự tuần hoàn tự nhiên và trái đất đổi mới: không có gì mới cả. Và cho dù thời trang thay đổi, lối sống bất toàn của con người hay chết thật ra không có gì mới. Ngay đến trong những xã hội phong lưu, sự sống của nhiều người trở nên nhàm chán và sống lâu chỉ “lao-khổ”. Vào khoảng 70 hay 80 tuổi, con người tội lỗi đi xuống mồ—“nơi-ở đời đời của mình”. Sa-lô-môn viết: “Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều chi đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” (Truyền-đạo 1:4-9; 12:5).
“Một sự sáng tạo mới” ở dưới mặt trời
6. a) Tại sao trong tương lai gần đây không có sự vật nào mới sẽ được tạo ra? b) Đức Giê-hô-va đã sản xuất một điều gì “mới ở dưới mặt trời” ra sao và khi nào?
6 Quả thật, trên khía cạnh vật chất “chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời”; Đức Giê-hô-va sẽ không sản xuất vật gì mới trong ngày dài 7.000 năm hiện đang tiếp diễn, trong đó Ngài đang nghỉ công việc sáng tạo. Nhưng có một cái gì mới đã xảy ra ở dưới mặt trời. Khi nào? Năm 2 trước tây lịch. Lúc đó thiên sứ của Đức Giê-hô-va thình lình hiện ra với những người chăn chiên tầm thường gần thành Bết-lê-hem để thông báo một tin tức mới đáng ngạc nhiên. Thiên sứ đó nói: “Nầy, ta báo cho các ngươi một tin mừng, sẽ là một sự vui-mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh ra cho các ngươi một đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa”. Rồi thì đông đảo các thiên sứ thánh hợp cùng với thiên sứ kia khen ngợi Đức Chúa Trời, nói rằng: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình-an dưới đất, ân-trạch cho loài người!” (Lu-ca 2:8-14).
7. a) Điều gì mới đã xảy ra lúc Giê-su làm báp têm? b) Giê-su đặt nền tảng thế nào cho những diễn biến khác?
7 Lúc được 30 tuổi, đấng Cứu thế này làm báp têm nơi sông Giô-đanh. Tức khắc có một điều mới khác xảy ra dưới mặt trời. Lu-ca 3:21, 22 tả lại: “Ngài [Giê-su] đương cầu-nguyện thì trời mở ra, thánh-linh lấy hình chim bồ-câu ngự xuống trên ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường”. Vào lúc đó Giê-su đã trở thành “một sự sáng tạo mới”, một Con của Đức Chúa Trời được thánh linh sanh ra (II Cô-rinh-tô 5:17). Trong ba năm rưỡi tiếp theo đó, Giê-su đã làm chứng hùng hồn về Nước Đức Chúa Trời, cùng lúc đó ngài thâu nhóm những môn đồ đầu tiên. Rồi, vào năm 33 tây lịch, sau khi hy sinh chịu chết và được sống lại trong thể thần linh, Giê-su đã trình diện “trước mặt Đức Chúa Trời”, đặt nền tảng cho những diễn biến kỳ diệu khác “ở dưới mặt trời” (Hê-bơ-rơ 9:24; I Phi-e-rơ 3:18).
8. “Một sự sáng tạo mới” đã diễn ra thế nào?
8 Vào ngày lễ Ngũ tuần năm ấy, Giê-su khởi sự đổ thánh linh xuống cho các môn đồ trung thành của ngài, cho thấy rằng họ được kết hợp với ngài làm con của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nói về “sự sáng tạo mới” này trong II Cô-rinh-tô 5:17, 18: “Nếu ai ở trong đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta”.
9. “Sự sáng tạo mới” hoàn thành ý định nào?
9 Sứ đồ Phi-e-rơ nói với những “người dựng nên mới” này: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhơn-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9). Khi còn ở trên trái đất này, lớp người làm thầy tế lễ nhà vua hăng say rao giảng “nhơn-đức của Đức Chúa Trời” liên quan đến ý định của Ngài về Nước Trời. Những người thuộc về “sự sáng tạo mới” này sau khi kết thúc sự sống ở trên đất trong sự trung thành thì được sống lại kể từ khi Giê-su vào đền thờ của Đức Giê-hô-va (Công-vụ các Sứ-đồ 2:11; Rô-ma 8:14-17; Ma-la-chi 3:1, 2).
“Sự tạo lại”
10. a) Giê-su nói gì về một “sự tạo lại”? b) Những người thuộc “sự sáng tạo mới” được mời hợp tác làm điều gì?
10 Tuy nhiên, có phải “sự sáng tạo mới” này là điều “mới” duy nhất xảy ra “dưới mặt trời” khởi sự từ Giê-su không? Hoàn toàn không! Khi còn ở trên trái đất, Giê-su nói với các môn đồ ngài: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh-hiển của ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 19:28). Như thế, “bầy nhỏ” gồm có những môn đồ—144.000 người—của Giê-su đã chịu thử thách và chứng tỏ trung thành sẽ được mời hợp tác với Giê-su trong Nước Trời và “ngồi trên... ngôi, mà xét đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 12:32; 22:28-30; Khải-huyền 14:1-5).
11. Hai khía cạnh nào trong ngày Đại lễ chuộc tội tượng trưng cho của-lễ hy sinh của Giê-su, và thế nào?
11 Nhưng ai là “mười hai chi-phái” này? Câu trả lời nằm trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va vào ngày Đại lễ chuộc tội trong dân Y-sơ-ra-ên khi xưa. Mỗi năm, nhằm ngày thứ 10 của tháng thứ 7, thầy tế lễ thượng phẩm có nhiệm vụ dâng một con bò đực làm của-lễ chuộc tội “cho mình và cho nhà mình”. Điều này tượng trưng sự hy sinh của Giê-su áp dụng cho “nhà mình” gồm các thầy tế lễ phó. Nhưng về phần các người Y-sơ-ra-ên khác thì sao? Kế đến thầy tế lễ thượng phẩm bắt thăm trên hai con dê đực. Ông giết một trong hai con dê đực này là “con dê đực dùng về dân-chúng làm của-lễ chuộc tội”. Sau khi xưng tội của dân sự trên con dê đực thứ hai, ông thả nó vào trong đồng vắng. Thế thì sự sắp đặt này về hai con dê đực tượng trưng cho việc Giê-su đổ máu ngài ra làm của-lễ hy sinh và hoàn toàn gánh lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại không thuộc thành phần gia đình thầy tế lễ của ngài (Lê-vi Ký 16:6-10, 15).
12. Một cuốn tự-điển có giải thích thế nào về ý nghĩa của chữ “sự tạo lại”?
12 “Mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” có cùng một ý nghĩa trong Ma-thi-ơ 19:28. Ở đây chữ này được áp dụng bao quát cho tất cả nhân loại, chứ không phải cho các thầy tế lễ phó của Giê-su được thánh linh thọ sanh. Một cuốn tự điển các từ ngữ trong Tân-ước (An Expository Dictionary of New Testament Words, do W. E. Vine) định nghĩa chữ Hy-lạp được dùng ở đây để diễn tả “sự tạo lại” (pa·lin·ge·ne·siʹa) là “sự sanh lại một lần nữa... theo nghĩa thiêng liêng”, và nói thêm: “Trong Ma-thi-ơ 19:28 chữ này được dùng trong bài diễn văn của Chúa theo nghĩa rộng hơn về sự «muôn vật đổi mới» (Công-vụ các Sứ-đồ 3:21), khi Đức Giê-hô-va «lập Vua của Ngài trên Si-ôn là núi thánh của Ngài» như dấu hiệu của sự hiện diện lần thứ hai của đấng Ky-tô... Nhờ đó mà thế gian sẽ được giải cứu khỏi quyền lực và sự lường gạt của Sa-tan và khỏi những kẻ lãnh đạo các quốc gia độc đoán và nghịch lại đấng Ky-tô”.
13. a) Nhiều bản Kinh-thánh khác nhau dịch chữ pa.lin.ge.ne.si’a thế nào? b) Như thế, điều gì sẽ phải xảy ra “dưới mặt trời”?
13 Phù hợp với điều này các bản Kinh-thánh dịch chữ pa·lin·ge·ne·siʹa nhiều cách khác nhau như: sự sanh lại, thế giới mới, tái sanh, thế giới được tạo lại, thế giới hầu đến, sự sáng tạo mới, trật tự của sự sống mới, thời đại mới. Bạn có hiểu ý nghĩa đó không? “Mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” tượng trưng tất cả các dân của nhân loại sẽ được Giê-su và các thầy tế lễ phó trung thành của ngài phán xét. Điều này liên quan đến sự sanh lại, một sự đổi mới mọi sự cách huy hoàng mà Đức Giê-hô-va dự tính làm trên đất, “dưới mặt trời”.
“Kỳ muôn vật đổi mới”
14. a) Theo Công-vụ các Sứ-đồ 3:20, 21, Giê-su phải chờ đợi điều gì? b) Giê-su được lập làm Vua ra sao và khi nào?
14 Khi nào sự sanh lại sẽ xảy ra? Trong Công-vụ các Sứ-đồ 3:20, 21, Phi-e-rơ nói về “Giê-su, mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên-tri”. Điều này cho thấy Giê-su ngồi bên hữu Đức Chúa Trời ở trên trời, đợi cho đến “chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn” (Lu-ca 21:24; Thi-thiên 110:1, 2). Rồi, năm 1914, Đức Giê-hô-va đã «lập Vua của Ngài trên Si-ôn là núi thánh của Ngài». Lúc đó có sự đổi mới nào xảy ra? (Thi-thiên 2:6).
15. a) Sau khi Giê-su lên ngôi, điều gì đã xảy ra “dưới mặt trời”? b) Ma-thi-ơ 25:31-34 và Ê-sai 11:6-9 đã được ứng nghiệm như thế nào?
15 Trước hết, ta thấy có một điều mới dưới mặt trời, là phần còn sót lại trong số những thầy tế lễ phó và trung thành với Giê-su—những người cuối cùng của “sự sáng tạo mới”—được thâu nhóm lại và bắt tay vào công việc «rao giảng tin mừng này về nước Đức Chúa Trời» đã thành lập rồi. Kế đến, một đám đông “vô-số người” được nhóm lại từ “mọi nước” để được che chở qua khỏi “cơn đại-nạn” (Ma-thi-ơ 24:14; Khải-huyền 7:9, 14). Hiện nay Vị Vua Giê-su đang ngồi trên ngôi để chia người này với người khác ra, “như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra”. “Chiên” là những ai tỏ thiện chí đối với Vua và những anh em của ngài thuộc “sự sáng tạo mới” được thánh linh sanh ra. Bởi thế những “chiên” này được mời hưởng sự sống đời đời trong lãnh vực trên đất của Nước của Đức Giê-hô-va. Họ đang vui hưởng địa-đàng thiêng liêng được lập lại rồi ở trên đất (Ma-thi-ơ 25:31-34, 46; Ê-sai 11:6-9).
16. a) Hiện nay có sự phán xét nào đang diễn ra? b) Sau Ha-ma-ghê-đôn sẽ có sự phán xét nào khác diễn ra?
16 Sự phán xét muôn dân và các “chiên” trong thời kỳ này có mục đích là để xác định ai xứng đáng được sống sót qua khỏi “hoạn-nạn lớn” (Ma-thi-ơ 24:21, 22). Tuy nhiên, đây có phải là sự phán xét mà Ma-thi-ơ 19:28 nói đến không? Không, vì sau hoạn nạn đó Giê-su và các thầy tế lễ phó còn phải tiếp tục phán xét nữa, phán xét “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” hiểu theo nghĩa bóng, tức là những người không thuộc dòng dõi tế lễ nhà vua. Con số “mười hai” cho thấy toàn thể nhân loại sẽ chịu phán xét, kể cả những ai sống sót qua “hoạn-nạn lớn”, con cái mà họ sẽ sanh ra và hàng tỷ người sẽ được sống lại trên đất.
17. Khi đó những ai sẽ chịu phán xét, và dựa theo “công-việc” nào?
17 Bàn về điều này, Phao-lô có nói trong Công-vụ các Sứ-đồ 17:31 rằng Đức Chúa Trời “sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, bởi Người [Giê-su] Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên-hạ”. “Thế-gian” sau Ha-ma-ghê-đôn, gồm có toàn thể nhân loại lúc đó sống trên đất, sẽ không được phán xét dựa theo tội lỗi đã qua của họ trong hệ thống mọi sự hiện nay. Thay vì thế, họ sẽ được “xử-đoán tùy công-việc mình làm” trong đất mới khi họ hưởng được sự sắp đặt về giá chuộc của Giê-su (Khải-huyền 20:13; Ma-thi-ơ 20:28; I Giăng 2:2).
18. a) Theo Ê-sai lúc đó điều gì sẽ hiện ra “dưới mặt trời”? b) Rồi lời hứa nào sẽ được thực hiện, và chúng ta có thể chờ đợi gì trong muôn đời sẽ đến? (Rô-ma 8:21).
18 Lúc đó mọi việc sẽ hiện ra rực rỡ làm sao dưới mặt trời! Địa-đàng thiêng liêng sẽ lan rộng ra khắp đất thành địa-đàng thật sự theo nghĩa đen, hoàn thành ý định lúc ban đầu của Đức Giê-hô-va đối với trái đất. Đức Chúa Trời nói «đất là bệ-chơn Ngài», một đền thờ làm nơi thờ lạy Ngài, và Ngài cũng nói: “Ta sẽ làm cho chỗ ta đặt chơn được vinh-hiển” (Ê-sai 66:1; 60:13). Như thế, dưới mặt trời, trái đất sẽ biến thành một địa-đàng đầy vinh hiển, một vườn lạc thú; nhân loại hoàn toàn, yêu chuộng hòa bình và đoàn kết sẽ khen ngợi Đức Chúa Trời và Đấng Tạo hóa của họ mãi mãi ở trong đó. Lời hứa đầy phấn khởi của Đức Giê-hô-va quả “trung-tín và chơn-thật”. Ngài nói: “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật” (Khải-huyền 21:5). Và trong muôn đời sẽ đến, mong sao Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta có thể tiếp tục tạo ra dưới mặt trời rất nhiều những điều mới để làm vui thích gia đình nhân loại của Ngài!
Bạn trả lời thế nào về những biến cố “dưới mặt trời”?—
◻ Hiểu theo nghĩa nào thì “không có gì mới”?
◻ Một “sự sáng tạo mới” xảy ra khi nào và ra sao?
◻ “Sự tạo lại” bao gồm điều gì?
◻ “Kỳ muôn vật đổi mới” diễn ra thế nào, và với hậu quả huy hoàng nào?
[Hình nơi trang 8]
Thật là khủng khiếp nhận thấy hiện nay, trong một thế giới gọi là văn minh, người ta đang chi tiêu mỗi phút một số tiền khổng lồ là 1.900.000 Mỹ kim vào vũ khí! Nếu dùng tiền đó để cho tất cả những người sống nghèo khổ trong nhân loại ngày nay có cơm ăn, áo mặc và nhà ở thì hãy còn dư rất nhiều. Mặt khác, số bom dự trữ trong kho mạnh hàng triệu tấn thuốc nổ TNT (megaton) có thể hủy diệt 12 lần tất cả dân cư trên đất—5 tỷ người. Tuy nhiên một thống kê cho thấy có nửa triệu nhà bác học tài giỏi nhất trên thế giới đang tham gia vào việc sáng chế ra những vũ khí để hủy diệt còn tàn khốc hơn thế nữa.
[Nguồn tư liệu]
Ảnh của Quân lực Hoa-kỳ