Đời sống bạn—Có Mục đích gì?
“Sự khôn-ngoan vẫn còn dẫn-dắt lòng ta... cho đến khi xem thử đều gì là tốt hơn cho con loài người... trọn đời mình sống” (TRUYỀN-ĐẠO 2:3).
1, 2. Tại sao quan tâm đúng mức về mình không phải là sai?
BẠN quan tâm đến chính mình có phải không? Đó là điều tự nhiên. Vì thế mà mỗi ngày chúng ta ăn uống, ngủ khi mệt, và thích trò chuyện với bạn bè và những người thân yêu. Đôi lúc chúng ta chơi trò chơi, bơi lội hoặc làm những điều khác mà chúng ta ưa thích. Những điều này phản ảnh một sự quan tâm đến chính mình một cách có thăng bằng.
2 Chú ý đến bản thân như thế phù hợp với điều mà Đức Chúa Trời khiến Sa-lô-môn viết: “Chẳng có gì tốt hơn là ăn, uống, khiến linh-hồn mình hưởng phước của lao-khổ mình”. Dựa theo kinh nghiệm, Sa-lô-môn nói thêm: “Ta xem thấy đều đó cũng bởi tay Đức Chúa Trời mà đến. Vì ai là người được ăn và hưởng sự vui-sướng hơn ta?” (Truyền-đạo 2:24, 25).
3. Những câu hỏi nào làm nhiều người hoang mang, trả lời không được?
3 Tuy nhiên bạn biết rằng đời sống không chỉ có ăn, uống, ngủ và làm một số điều tốt. Chúng ta gặp những sự đau đớn, bất mãn và lo lắng. Và chúng ta có vẻ quá bận rộn để nghĩ đến ý nghĩa của đời sống chúng ta. Chắc đó cũng là trường hợp của bạn phải không? Sau khi ghi nhận về sự hiểu biết và kỹ năng loài người có, Vermont Royster, một cựu biên tập viên của tờ The Wall Street Journal, viết: “Đây là một điều đáng chú ý. Khi nghĩ về loài người, về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của họ, về vị thế của họ trong vũ trụ, thì chúng ta đã không tiến xa hơn thời ban đầu mới có sự sống. Chúng ta vẫn còn đang tự hỏi chúng ta là ai, tại sao chúng ta hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu”.
4. Tại sao mỗi người chúng ta muốn tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi liên quan đến mình?
4 Bạn trả lời thế nào cho những câu hỏi: Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta hiện hữu? Và chúng ta sẽ đi về đâu? Tháng 7 vừa qua, ông Royster qua đời. Bạn có nghĩ rằng cho đến lúc ấy ông đã tìm ra được những câu trả lời thích đáng hay không? Quan trọng hơn nữa, có cách nào mà bạn có thể làm thế không? Và làm sao điều này có thể giúp bạn hưởng một đời sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn? Chúng ta hãy xem.
Nguồn thông sáng chính yếu
5. Tại sao chúng ta phải tìm đến Đức Chúa Trời để có sự thông sáng về những vấn đề liên quan đến ý nghĩa của đời sống?
5 Nếu phải tự đi tìm ý nghĩa của đời sống thì chúng ta sẽ khó thành công. Đa số người ta, cả nam lẫn nữ, kể cả những người học thức uyên thâm và kinh nghiệm lâu năm cũng không tìm được. Nhưng chúng ta không bị bỏ mặc để tìm một mình, mà Đấng Tạo hóa giúp đỡ chúng ta. Hãy nghĩ kỹ lại xem: Chẳng phải ngài là Nguồn khôn ngoan và thông sáng tột bực hay sao? Vì ngài hiện hữu “từ trước vô-cùng cho đến đời đời” và hiểu tường tận vũ trụ và lịch sử (Thi-thiên 90:1, 2). Ngài tạo ra nhân loại và đã quan sát tất cả các biến cố trong lịch sử loài người, vì thế chúng ta nên tìm đến ngài để được sự thông sáng, chứ không đến với con người bất toàn chỉ có sự hiểu biết và nhận xét hạn hẹp (Thi-thiên 14:1-3; Rô-ma 3:10-12).
6. a) Đấng Tạo hóa ban cho sự thông sáng cần thiết bằng cách nào? b) Sa-lô-môn có liên hệ như thế nào?
6 Dù chúng ta không thể mong đợi Đấng Tạo hóa trực tiếp cho chúng ta biết ý nghĩa của đời sống, nhưng ngài ban cho chúng ta một nguồn thông sáng tức là Lời được soi dẫn của ngài (Thi-thiên 32:8; 111:10). Sách Truyền-đạo đặc biệt có lợi về phương diện này. Đức Chúa Trời soi dẫn người viết sách này, hầu cho “sự khôn-ngoan của Sa-lô-môn trổi hơn sự khôn-ngoan của mọi người phương-đông” (I Các Vua 3:6-12; 4:30-34). Một vương khách phải thán phục mà nói rằng những điều người ta kể về “sự khôn-ngoan của Sa-lô-môn” chỉ được phân nửa và những ai nghe theo sự khôn ngoan của vua thì thật là có phước.a (I Các Vua 10:4-8). Chính chúng ta cũng có thể được thông sáng và hạnh phúc nhờ sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa ban ra qua trung gian Sa-lô-môn.
7. a) Sa-lô-môn kết luận gì về phần đông những việc làm dưới trời? b) Điều gì minh họa sự nhận xét thiết thực của Sa-lô-môn?
7 Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến tâm trí của Sa-lô-môn và sách Truyền-đạo phản ảnh rõ điều này. Vì có thời giờ, tài nguyên và sự thông sáng, nên Sa-lô-môn đã tra xem “mọi việc [đã] làm ra dưới trời”. Ông thấy rằng phần đông những điều này “thảy đều hư-không, theo luồng gió thổi”, lời nhận xét này được Đức Chúa Trời soi dẫn mà chúng ta phải nên nhớ khi nghĩ về mục đích trong đời (Truyền-đạo 1:13, 14, 16). Sa-lô-môn nói một cách thẳng thắn và thực tế. Thí dụ, hãy suy gẫm về lời của ông nơi Truyền-đạo 1:15, 18. Bạn biết rằng qua biết bao thế kỷ, người ta đã thử nhiều loại chính thể, đôi khi thành tâm cố gắng giải quyết các vấn đề và nâng cao mức sống cho dân chúng. Tuy nhiên, có chính phủ nào thật sự chỉnh đốn được những điều “cong-vẹo” trong hệ thống bất toàn này chưa? Và có thể bạn đã nhận thấy rằng con người càng hiểu biết nhiều thì càng thấy rõ rằng trong đời sống ngắn ngủi khó mà chỉnh đốn hoàn toàn được những điều này. Nhiều người ý thức được điều này trở nên bất mãn, nhưng đối với chúng ta thì không nhất thiết phải như vậy.
8. Những chu kỳ nào đã có từ xa xưa?
8 Một điểm khác phải xem xét là những chu kỳ liên tục ảnh hưởng đến chúng ta như việc mặt trời mọc và lặn hoặc những sự chuyển động của gió và nước. Những thứ này đã có vào thời của Môi-se, Sa-lô-môn, Napoléon và ông cha của chúng ta. Và ngày nay những chu kỳ này vẫn còn. Tương tự như vậy, “đời này qua, đời khác đến” (Truyền-đạo 1:4-7). Theo quan điểm của loài người thì chẳng có điều gì thay đổi cả. Người ta xưa nay có những sinh hoạt, niềm hy vọng, tham vọng, và những thành quả tương tự như nhau. Ngay cả trong nhân loại, nếu có một số người đã làm được gì nổi tiếng hoặc có nhan sắc mỹ miều hay khả năng đặc biệt, người đó hiện nay ở đâu? Mất dạng và có lẽ đi vào quên lãng. Quan điểm đó không bi quan. Phần đông người ta không biết đến cả tên hoặc nơi sinh và nơi chôn cất của tổ tiên. Bạn có thể thấy tại sao Sa-lô-môn đã có cái nhìn thực tế về sự hư không của các công trình và cố gắng của loài người (Truyền-đạo 1:9-11).
9. Hiểu rõ về tình trạng của nhân loại giúp ích chúng ta thế nào?
9 Thấu hiểu được tình trạng căn bản của loài người như cách Đức Chúa Trời hiểu, thì mình được lợi ích chứ không bị bất mãn. Điều này giúp chúng ta tránh coi trọng những mục tiêu hay những sự đeo đuổi sớm tan biến và bị lãng quên. Sự thông sáng này ắt phải giúp chúng ta nhận định điều chúng ta đang gặt hái trong đời sống, và chúng ta đang cố gắng để đạt tới mục tiêu gì. Thí dụ, thay vì sống khổ hạnh, chúng ta có thể thấy vui vẻ trong việc ăn uống điều độ (Truyền-đạo 2:24). Và như chúng ta sẽ thấy, Sa-lô-môn đã đi đến một kết luận hết sức tích cực và lạc quan. Nói một cách ngắn gọn, đó là chúng ta phải quí trọng sâu xa mối liên lạc của chúng ta với Đấng Tạo hóa; ngài có thể giúp chúng ta đạt được một tương lai hạnh phúc lâu bền và có mục đích. Sa-lô-môn nhấn mạnh: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết nầy: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi” (Truyền-đạo 12:13).
Chu kỳ của sự sống giúp hiểu mục đích đời sống
10. Sa-lô-môn so sánh loài vật với loài người như thế nào?
10 Sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời trong sách Truyền-đạo có thể giúp chúng ta thêm trong việc xem xét mục đích đời sống của chúng ta. Bằng cách nào? Bằng cách là Sa-lô-môn chú tâm một cách thiết thực vào những sự thật khác mà có thể chúng ta ít khi nghĩ đến. Một sự thật liên quan đến sự tương đồng giữa loài người và loài vật. Chúa Giê-su so sánh các môn đồ của ngài với chiên, tuy nhiên, người ta nói chung không thích bị so sánh với loài vật (Giăng 10:11-16). Thế nhưng Sa-lô-môn đưa ra một vài sự thật không thể chối cãi được: “Đức Chúa Trời muốn thử-thách con loài người, và chỉ cho chúng biết rằng họ không hơn gì loài thú. Vì việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia;... loài người chẳng hơn gì loài thú; vì thảy đều hư-không... cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất” (Truyền-đạo 3:18-20).
11. a) Ta có thể diễn tả thế nào một chu kỳ điển hình của một con vật? b) Bạn nghĩ thế nào về cách phân tích ấy?
11 Hãy nghĩ về một con vật mà bạn thích ngắm nhìn, có thể là con chuột đồng hoặc con thỏ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:7; Thi-thiên 104:18; Châm-ngôn 30:26). Hoặc bạn có thể tưởng tượng đến một con sóc; trên khắp thế giới có hơn 300 giống sóc. Chu kỳ sống của nó ra sao? Sau khi được sinh ra, nó được sóc mẹ chăm sóc trong vài tuần. Chẳng bao lâu nó mọc lông và có thể ra ngoài hang. Có lẽ bạn thấy nó chạy tung tăng đây đó để học cách tìm thức ăn. Nhưng thường thì hình như nó chỉ vui đùa, hưởng thụ nhựa sống. Sau khi được khoảng một năm thì sóc bắt đầu tìm bạn. Rồi thì nó phải làm ổ hoặc hang và chăm lo cho sóc con. Nếu tìm đủ dâu, đậu và hạt thì gia đình sóc có thể được ấm no và có thì giờ để xây tổ to hơn. Nhưng chỉ trong vài năm, con vật này già đi và dễ gặp phải tai nạn và dễ ngã bệnh. Sống được khoảng mười năm thì sóc chết. Dù có một ít khác biệt giữa các giống sóc, nhưng nói chung đó là chu kỳ sống của nó.
12. a) Trên thực tế, tại sao chu kỳ sống của nhiều người không khác gì chu kỳ sống của một con vật bình thường? b) Chúng ta có thể nghĩ gì lần sau khi thấy một con vật nào đó?
12 Phần đông người ta chấp nhận chu kỳ sống này của loài vật, và họ không bao giờ nghĩ rằng sóc có một mục đích sâu sắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, đời sống của nhiều người không khác nhiều so với đời sống ấy, có phải không? Họ ra đời và được nuôi nấng lúc còn bé bỏng. Họ ăn, lớn lên và chơi đùa khi còn trẻ. Chẳng bao lâu họ trưởng thành, lập gia đình và tìm một nơi để sống và một phương tiện để sinh nhai. Nếu họ thành công, họ được no ấm và nới rộng chỗ ở (tổ ấm) để nuôi nấng con cái. Rồi thời gian qua nhanh, và họ già đi. Nếu không chết sớm thì họ cũng chỉ sống được 70 hoặc 80 năm với đầy những “lao-khổ và buồn-thảm” (Thi-thiên 90:9, 10, 12). Hãy nghĩ đến sự kiện này lần sau, khi bạn thấy một con sóc (hoặc con vật nào khác).
13. Điều gì chung quy sẽ đến với cả loài vật lẫn loài người?
13 Bạn có thể hiểu tại sao Sa-lô-môn so sánh đời sống của loài người với loài vật. Ông viết: “Phàm sự gì có thì-tiết;... có kỳ sanh ra, và có kỳ chết”. Kỳ chết của người hay vật thì cũng vậy, vì “sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia”. Ông nói thêm: “Cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất” (Truyền-đạo 3:1, 2, 19, 20).
14. Một số người tìm cách nào để thay đổi chu kỳ sống thông thường, nhưng với kết quả nào?
14 Chúng ta không nên cho rằng sự nhận xét thực tế này là một lối suy nghĩ tiêu cực. Đành rằng một số người cố gắng thay đổi tình thế, chẳng hạn như là làm việc phụ trội để được khá giả hơn cha mẹ họ. Có lẽ họ học thêm nhiều năm để có một mức sống cao hơn, đồng thời cũng cố gắng mở rộng kiến thức về đời sống. Hoặc họ có thể chú trọng vào việc tập thể dục hoặc theo những chế độ ăn uống để được mạnh khỏe hơn và sống lâu hơn một chút. Và những cố gắng này có thể đem lại phần nào lợi ích. Nhưng ai có thể chắc chắn rằng những cố gắng đó sẽ thành công? Ngay cả nếu có thành công đi nữa thì được bao lâu?
15. Chúng ta có thể đánh giá trung thực và chính xác đời sống của phần đông người ta như thế nào?
15 Sa-lô-môn hỏi: “Có nhiều đều gia-thêm sự hư không; vậy, người ta được ích chi hơn; vả, trong những ngày của đời hư-không mà loài người trải qua như bóng, ai biết đều gì là ích cho mình? Vì ai có thể nói trước cho người nào về đều sẽ xảy ra sau mình ở dưới mặt trời?” (Truyền-đạo 6:11, 12). Vì sự chết mau chóng chấm dứt những cố gắng của một người, vậy thì người ta thật sự có ích chi khi phấn đấu để kiếm thêm của cải vật chất hoặc theo đuổi nhiều năm học vấn chủ yếu là để có thêm nhiều của cải? Và vì đời sống quá ngắn ngủi, thoáng qua như cái bóng, nhiều người nhận thấy rằng mình không còn thì giờ để chuyển sang một mục tiêu khác khi thấy mình đang thất bại; và họ cũng không chắc điều gì sẽ xảy ra cho con cái “đời sau”.
Đến lúc phải có danh thơm tiếng tốt
16. a) Chúng ta nên làm điều gì mà loài vật không làm được? b) Sự thật nào khác nên ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của chúng ta?
16 Khác với loài vật, loài người chúng ta có khả năng suy gẫm: ‘Sự hiện hữu của tôi có ý nghĩa gì? Có phải đó là một chu kỳ cố định, gồm có kỳ sanh ra, và kỳ chết không?’ Về phương diện này, hãy nhớ lại sự thật trong lời nói của Sa-lô-môn về loài người và loài vật: “Cả thảy sẽ trở về bụi-đất”. Có phải lời này có nghĩa là sự chết hoàn toàn chấm dứt sự hiện hữu không? Kinh-thánh cho thấy loài người không có linh hồn bất tử, tiếp tục sống sau khi thân xác chết đi. Người ta là linh hồn, và linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20). Sa-lô-môn giải thích thêm: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi. Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:5, 10).
17. Truyền-đạo 7:1, 2 nên khiến chúng ta nghĩ gì?
17 Chiếu theo sự thật không tránh được đó, chúng ta hãy xem xét lời tuyên bố này: “Danh-tiếng hơn dầu quí-giá; ngày chết hơn ngày sanh. Đi đến nhà tang-chế hơn là đến nhà yến-tiệc; vì tại đó thấy sự cuối-cùng của mọi người; và người sống để vào lòng” (Truyền-đạo 7:1, 2). Chúng ta phải đồng ý rằng sự chết là “sự cuối-cùng của mọi người”. Không một người nào đã có thể uống thuốc trường sinh, uống thuốc bổ, theo qui chế dinh dưỡng, hoặc tập thể dục để được sự sống mãi, không chết. Và thường thì “sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi” không lâu sau khi chết. Vậy thì tại sao “danh-tiếng hơn dầu quí-giá; ngày chết hơn ngày sanh”?
18. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Sa-lô-môn tin là có sự sống lại?
18 Như đã nói ở trên, Sa-lô-môn là người thực tế. Ông biết về tổ tiên của ông là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, những người này chắc chắn đã có tiếng thơm đối với Đấng Tạo hóa của chúng ta. Vì biết rõ Áp-ra-ham, Giê-hô-va Đức Chúa Trời hứa ban ân phước cho ông và con cháu của ông (Sáng-thế Ký 18:18, 19; 22:17). Đúng, Áp-ra-ham đã có tiếng tốt với Đức Chúa Trời và được trở thành bạn của ngài (II Sử-ký 20:7; Ê-sai 41:8; Gia-cơ 2:23). Áp-ra-ham biết rằng đời sống của ông và con trai ông không phải chỉ để sống rồi chết, một chu kỳ cứ mãi tiếp diễn. Hẳn phải có gì hơn thế nữa. Họ có một triển vọng chắc chắn được sống trở lại, không phải là vì họ có một linh hồn bất tử mà vì họ sẽ được sống lại. Áp-ra-ham tin chắc rằng “Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến [Y-sác] sống lại” (Hê-bơ-rơ 11:17-19).
19. Gióp nói gì giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của Truyền-đạo 7:1?
19 Đó là bí quyết để hiểu tại sao “danh-tiếng hơn dầu quí-giá; ngày chết hơn ngày sanh”. Như Gióp trước kia, Sa-lô-môn tin chắc rằng Đấng tạo ra con người cũng có thể cho lại sự sống đó. Ngài có thể làm những người chết sống trở lại (Gióp 14:7-14). Người trung thành Gióp nói: “Chúa [Giê-hô-va] sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa” (Gióp 14:15). Hãy thử nghĩ, Đấng Tạo hóa “đoái đến” các tôi tớ trung thành đã chết của ngài. (“Người sẽ mong chờ mòn mỏi công trình của tay Người”—Nguyễn thế Thuấn). Đấng Tạo hóa có thể làm người ta sống lại nhờ áp dụng giá chuộc của Chúa Giê-su Christ (Giăng 3:16; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Rõ ràng là loài người có thể khác với loài vật vì chúng chết rồi thôi, không còn gì nữa.
20. a) Khi nào thì ngày chết mới tốt hơn ngày sinh? b) Sự sống lại của La-xa-rơ chắc hẳn đã ảnh hưởng đến nhiều người như thế nào?
20 Điều này có nghĩa ngày chết có thể tốt hơn là ngày được sinh ra, nếu lúc ấy một người đã tạo cho mình một tiếng thơm đối với Đức Giê-hô-va, đấng có thể làm những người trung thành đã chết sống lại. Đấng vĩ đại hơn Sa-lô-môn tức là Chúa Giê-su Christ đã chứng tỏ điều này. Chẳng hạn, ngài đã làm cho người đàn ông trung thành La-xa-rơ sống lại (Lu-ca 11:31; Giăng 11:1-44). Như bạn có thể tưởng tượng được, nhiều người chứng kiến cảnh La-xa-rơ sống trở lại đều bị xúc động mạnh, họ đặt đức tin nơi Con của Đức Chúa Trời (Giăng 11:45). Bạn có nghĩ rằng họ cảm thấy đời sống mình không có mục đích gì, không biết mình là ai và đi về đâu không? Ngược lại, họ có thể thấy rằng họ không phải là loài vật được sinh ra, sống một thời gian và rồi chết đi. Mục đích trong đời sống họ có liên hệ trực tiếp và chặt chẽ với việc hiểu biết về Cha của Chúa Giê-su và việc làm theo ý muốn Ngài. Còn bạn thì sao? Cuộc bàn luận này có giúp bạn thấy, hoặc thấy rõ ràng hơn, làm sao đời sống bạn có thể và nên có mục đích thật sự không?
21. Chúng ta còn phải xem xét việc tìm hiểu ý nghĩa của đời mình theo khía cạnh nào?
21 Tuy nhiên, muốn có mục đích thật sự và đầy ý nghĩa trong đời sống chúng ta không chỉ nghĩ về sự chết và sự sống lại sau đó mà thôi. Nó tùy thuộc vào những điều mà chúng ta làm trong đời sống hàng ngày. Sa-lô-môn cũng nói rõ điều này nơi Truyền-đạo, như chúng ta sẽ thấy trong bài sau.
[Chú thích]
a “Lời tường thuật về Nữ vương Sê-ba nhấn mạnh đến sự khôn ngoan của Sa-lô-môn, và câu chuyện này thường bị người ta xem là huyền thoại (I Các Vua 10:1-13). Nhưng bối cảnh cho thấy việc bà đến thăm Sa-lô-môn thật ra liên quan đến việc buôn bán và như thế có thể tin được; chúng ta không nên nghi ngờ tính cách lịch sử của câu chuyện này” (The International Standard Bible Encyclopedia [1988], Quyển IV, trang 567).
Bạn có nhớ không?
◻ Loài vật và loài người có những điểm tương đồng nào?
◻ Tại sao sự chết cho thấy rõ rằng phần nhiều những cố gắng và hoạt động của loài người đều là hư không?
◻ Làm sao ngày chết lại tốt hơn ngày sinh?
◻ Có được một mục đích đầy ý nghĩa trong đời sống tùy thuộc vào mối liên lạc nào?
[Các hình nơi trang 10]
Đời sống bạn khác hẳn với đời sống loài vật như thế nào?