Chương Mười Tám
Đức Giê-hô-va hứa ban cho Đa-ni-ên một phần thưởng tuyệt diệu
1, 2. (a) Để thành công, một người chạy đua cần đức tính quan trọng nào? (b) Sứ đồ Phao-lô so sánh cuộc sống trung thành trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va với một cuộc chạy đua như thế nào?
MỘT người chạy đua bươn người về phía lằn mức chót. Dù gần hết hơi, nhưng vẫn nhắm đến đích, anh vận dụng toàn lực vào vài bước cuối này. Các bắp thịt căng lên, cuối cùng anh vượt qua lằn đích! Sự mệt mỏi biến mất và niềm vui chiến thắng lộ trên khuôn mặt. Sự chịu đựng đến cuối cùng đã được trả công xứng đáng.
2 Trong phần kết luận chương 12 sách Đa-ni-ên, chúng ta thấy nhà tiên tri yêu dấu đang ở gần mức chót trong “cuộc chạy đua” của chính ông—tức cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va. Sau khi kể ra các gương khác nhau về đức tin của các tôi tớ Đức Giê-hô-va trước thời đạo Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô viết: “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng-kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội-lỗi dễ vấn-vương ta, lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin, tức là Đấng vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 12:1, 2.
3. (a) Điều gì đã thúc đẩy Đa-ni-ên “lấy lòng nhịn-nhục chạy cuộc đua”? (b) Thiên sứ của Đức Giê-hô-va bảo Đa-ni-ên ba điều rõ rệt nào?
3 Đa-ni-ên nằm trong số những người làm chứng ‘như đám mây rất lớn’. Ông đúng là người “lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua”, và tình yêu thương sâu xa đối với Đức Chúa Trời đã thúc đẩy ông làm như vậy. Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho Đa-ni-ên khá nhiều về tương lai các chính phủ của thế giới, nhưng giờ đây, Ngài muốn khích lệ riêng ông: “Còn ngươi, hãy đi, cho đến có kỳ cuối-cùng [“hãy đi đến sự cuối cùng”, NW]. Ngươi sẽ nghỉ-ngơi; và đến cuối-cùng những ngày, ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”. (Đa-ni-ên 12:13) Thiên sứ của Đức Giê-hô-va bảo Đa-ni-ên ba điều rõ rệt: (1) Đa-ni-ên phải “đi đến sự cuối cùng”, (2) ông sẽ “nghỉ-ngơi” và (3) ông sẽ “đứng” trở lại trong tương lai. Làm thế nào những lời này có thể khích lệ các tín đồ Đấng Christ ngày nay chịu đựng đến lằn mức chót trong cuộc chạy đua đạt sự sống?
“HÃY ĐI ĐẾN SỰ CUỐI CÙNG”
4. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va ngụ ý gì khi nói “hãy đi đến sự cuối cùng”, và điều đó có thể đem lại cho Đa-ni-ên thử thách nào?
4 Thiên sứ có ý nói gì khi bảo Đa-ni-ên: “Còn ngươi, hãy đi đến sự cuối cùng”? Sự cuối cùng của điều gì? Vì Đa-ni-ên đã gần 100 tuổi nên hiển nhiên điều này ám chỉ sự cuối cùng của đời ông dường như rất gần rồi.a Thiên sứ kêu gọi Đa-ni-ên trung thành chịu đựng cho đến chết. Nhưng làm được như vậy không phải là dễ. Đa-ni-ên sống và chứng kiến Ba-by-lôn sụp đổ và những người phu tù Do Thái còn sót lại trở về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Chắc hẳn điều đó đã đem lại cho nhà tiên tri già nua nhiều vui mừng. Dù sao không có sự ghi chép nào cho thấy ông đi theo với đoàn dân ấy. Có thể vào lúc này, ông đã quá già và yếu đuối. Hoặc có lẽ đó là ý định của Đức Giê-hô-va giữ ông lại ở Ba-by-lôn. Dù trong trường hợp nào, tự nhiên một người sẽ tò mò hỏi là không biết Đa-ni-ên có cảm thấy buồn khi thấy đồng hương của ông lên đường trở về Giu-đa hay không.
5. Có bằng cớ nào cho thấy Đa-ni-ên đã bền chí đến cuối cùng?
5 Chắc hẳn Đa-ni-ên đã được vững mạnh do lời nói nhân từ của thiên sứ: “Hãy đi đến sự cuối cùng”. Điều này nhắc nhở chúng ta về lời của Chúa Giê-su Christ nói khoảng sáu thế kỷ sau: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:13) Hiển nhiên đây là điều Đa-ni-ên đã làm. Ông đã bền chí đến cuối cùng, đã trung thành chạy hết cuộc đua đạt sự sống. Đó có thể là lý do tại sao sau này Lời Đức Chúa Trời nói tốt về ông. (Hê-bơ-rơ 11:32, 33) Điều gì đã giúp Đa-ni-ên chịu đựng cho đến cùng? Tiểu sử đời ông giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
BỀN CHÍ HỌC LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
6. Làm sao chúng ta biết được Đa-ni-ên là một học viên Kinh Thánh chuyên cần?
6 Đối với Đa-ni-ên, sự bền chí cho đến cuối cùng liên hệ đến việc tiếp tục học và suy ngẫm về những lời hứa tuyệt diệu của Đức Chúa Trời. Chúng ta biết Đa-ni-ên đã sốt sắng học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Nếu không thì làm sao ông biết Đức Giê-hô-va hứa với Giê-rê-mi là cảnh lưu đày sẽ kéo dài 70 năm? Chính Đa-ni-ên viết: “Ta... bởi các sách biết... số năm”. (Đa-ni-ên 9:2; Giê-rê-mi 25:11, 12) Không ai nghi ngờ gì về việc Đa-ni-ên đã tìm tòi các sách chứa đựng Lời Đức Chúa Trời sẵn có vào thời đó. Chắc hẳn Đa-ni-ên đã thích thú dành nhiều thời giờ để đọc và nghiền ngẫm các sách của Môi-se, Đa-vít, Sa-lô-môn, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên—bất cứ sách nào mà ông có được.
7. Khi so sánh thời chúng ta với thời của Đa-ni-ên, chúng ta có lợi điểm nào trong việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời?
7 Học Lời Đức Chúa Trời và để Lời Ngài thấm vào lòng trí là điều cần yếu cho chúng ta ngày nay để vun đắp sự bền chí. (Rô-ma 15:4-6; 1 Ti-mô-thê 4:15) Chúng ta có toàn bộ cuốn Kinh Thánh, gồm cả phần lịch sử ghi lại việc một số lời tiên tri của Đa-ni-ên đã được ứng nghiệm như thế nào vào những thế kỷ sau này. Hơn nữa, chúng ta được phước sống vào “kỳ cuối-cùng” như được tiên tri nơi Đa-ni-ên 12:4. Trong thời đại chúng ta ngày nay, những người xức dầu được ban phước với sự thông sáng, được sáng láng như những hải đăng của lẽ thật trong thế gian âm u này. Kết quả là nhiều lời tiên tri sâu nhiệm trong sách Đa-ni-ên, một số từng làm cho chính Đa-ni-ên hoang mang, có nhiều ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay. Do đó, chúng ta hãy tiếp tục học Lời Đức Chúa Trời hàng ngày, chớ bao giờ coi thường. Làm thế sẽ giúp chúng ta bền lòng chịu đựng.
ĐA-NI-ÊN BỀN BỈ CẦU NGUYỆN
8. Đa-ni-ên nêu gương mẫu nào trong vấn đề cầu nguyện?
8 Sự cầu nguyện cũng đã giúp Đa-ni-ên bền chí cho đến cuối cùng. Mỗi ngày ông đến với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và ông nói chuyện cởi mở với Ngài với đức tin và lòng tin cậy trọn vẹn. Ông biết Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên 65:2; so sánh Hê-bơ-rơ 11:6). Khi lòng của Đa-ni-ên trĩu nặng vì buồn rầu về đường lối phản nghịch của dân Y-sơ-ra-ên, ông dốc đổ tâm tư của ông cho Đức Giê-hô-va. (Đa-ni-ên 9:4-19) Ngay cả khi Đa-ri-út ra chiếu chỉ trong vòng 30 ngày chỉ được cầu xin vua mà thôi, Đa-ni-ên cũng không để điều này làm ông ngưng cầu nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Đa-ni-ên 6:10) Chúng ta há chẳng động lòng khi hình dung một cụ già trung thành thà đối diện với hang đầy sư tử còn hơn bỏ đặc ân cầu nguyện cao quý hay sao? Không ai nghi ngờ việc Đa-ni-ên đã đi đến cuối đời mình một cách trung thành và việc ông cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va mỗi ngày.
9. Tại sao chúng ta không bao giờ nên coi thường đặc ân cầu nguyện?
9 Cầu nguyện là một việc đơn giản. Chúng ta có thể cầu nguyện hầu như bất cứ lúc nào, nơi nào, lớn tiếng hay âm thầm. Dù vậy, chúng ta chớ bao giờ xem thường đặc ân quý giá này. Kinh Thánh liên kết sự cầu nguyện với sự chịu đựng, bền bỉ, và tỉnh thức về thiêng liêng. (Lu-ca 18:1; Rô-ma 12:12; Ê-phê-sô 6:18; Cô-lô-se 4:2) Chúng ta có thể nói chuyện tự do và cởi mở với nhân vật cao nhất trong vũ trụ. Đây chẳng phải là đặc ân sao? Và Ngài nghe lời cầu nguyện! Chúng ta còn nhớ một dịp nọ khi Đa-ni-ên cầu nguyện, Đức Giê-hô-va đã đáp lời bằng cách phái một thiên sứ đến. Thiên sứ đến trong lúc Đa-ni-ên cầu nguyện! (Đa-ni-ên 9:20, 21) Trong thời đại của chúng ta, không còn có sự thăm viếng của các thiên sứ như thế nữa, nhưng Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. (Ma-la-chi 3:6) Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta như Ngài đã nghe lời cầu nguyện của Đa-ni-ên. Khi cầu nguyện, chúng ta sẽ đến gần với Đức Giê-hô-va hơn, và điều này sẽ tạo nên một sự gắn bó giúp chúng ta bền chí đến cuối cùng như Đa-ni-ên vậy.
BỀN CHÍ DẠY LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
10. Tại sao công việc dạy dỗ lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời là quan trọng đối với Đa-ni-ên?
10 Đa-ni-ên phải “đi đến sự cuối cùng” theo một nghĩa khác nữa. Ông phải bền chí dạy lẽ thật. Ông không bao giờ quên ông là một người thuộc dân tộc được lựa chọn mà Kinh Thánh đã nói: “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn”. (Ê-sai 43:10) Đa-ni-ên cố gắng hết mình để làm tròn sứ mạng đó. Nhiệm vụ của ông hẳn bao gồm cả việc dạy dỗ dân sự sống lưu đày ở Ba-by-lôn. Chúng ta không biết nhiều về giao dịch giữa ông với người đồng hương Do Thái ngoại trừ với ba “đồng bạn” của ông là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria. (Đa-ni-ên 1:7; 2:13, 17, 18) Tình thân thiết giữa họ chắc chắn đã giúp mỗi người chịu đựng. (Châm-ngôn 17:17) Vì được Đức Giê-hô-va ban phước có sự thông sáng đặc biệt, Đa-ni-ên có nhiều điều để dạy dỗ những người bạn này. (Đa-ni-ên 1:17) Nhưng ông cũng còn công việc dạy dỗ khác nữa.
11. (a) Sứ mạng của Đa-ni-ên có điểm đặc sắc nào? (b) Đa-ni-ên đã hữu hiệu thế nào trong việc thi hành công việc phi thường được giao phó cho ông?
11 So với các nhà tiên tri khác, Đa-ni-ên có sứ mạng làm chứng cho nhiều vua quan Dân Ngoại. Mặc dù thường phải công bố những thông điệp mà người ta không thích, ông không hề có thái độ ghê tởm đối với các nhà cai trị này hay coi họ thấp kém hơn mình. Ông tỏ ra kính trọng và khôn khéo khi nói với họ. Có một số viên chức như các tỉnh trưởng ghen tương và đầy mưu mô muốn ám hại ông. Tuy nhiên, ông được các viên chức khác tôn trọng. Vì được Đức Giê-hô-va ban cho khả năng giải thích những sự kín nhiệm mà các vua cùng những người thông thái bất lực nên Đa-ni-ên rất có uy tín. (Đa-ni-ên 2:47, 48; 5:29) Đành rằng khi về già, ông không thể hoạt động nhiều như hồi còn trẻ, nhưng chắc chắn ông đã đi đến cuối đời một cách trung thành, tìm mọi cách để làm chứng về Đức Chúa Trời mà ông yêu thương.
12. (a) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta ngày nay tham dự vào các hoạt động dạy dỗ nào? (b) Chúng ta có thể làm theo lời khuyên của Phao-lô trong việc “lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với những người ngoại” như thế nào?
12 Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay, chúng ta cũng tìm được những người bạn đồng hành trung thành. Những anh chị này có thể giúp chúng ta bền chí, giống như Đa-ni-ên và ba đồng bạn đã giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta cũng có thể dạy dỗ lẫn nhau và “khích lệ lẫn nhau”. (Rô-ma 1:11, 12, Bản Diễn Ý) Giống như Đa-ni-ên, chúng ta có một sứ mạng làm chứng cho những người không tin. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Do đó, chúng ta cần trau dồi khả năng hầu có thể ‘giảng dạy đúng Lời Đức Chúa Trời’ khi nói chuyện với người khác về Đức Giê-hô-va. (2 Ti-mô-thê 2:15) Chúng ta cũng sẽ được giúp đỡ nếu vâng theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hãy lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với những người ngoại”. (Cô-lô-se 4:5) Sự khôn ngoan ấy bao gồm một quan điểm thăng bằng về những người không cùng đức tin với chúng ta. Chúng ta không khinh thường họ và không coi mình cao hơn họ. (1 Phi-e-rơ 3:15) Thay vì thế, chúng ta tìm cách kéo họ về với lẽ thật, dùng Lời Đức Chúa Trời cách tế nhị và khéo léo để động đến lòng họ. Khi thành công trong việc động tới lòng của một người thì điều này đưa lại cho chúng ta niềm vui biết chừng nào! Niềm vui ấy chắc chắn sẽ giúp chúng ta bền chí cho đến cuối cùng giống như là Đa-ni-ên vậy.
“NGƯƠI SẼ NGHỈ-NGƠI”
13, 14. Tại sao viễn tượng chết đã làm nhiều người Ba-by-lôn kinh hãi, và Đa-ni-ên xem cái chết khác biệt như thế nào?
13 Kế đến thiên sứ đoan chắc với Đa-ni-ên: “Ngươi sẽ nghỉ-ngơi”. (Đa-ni-ên 12:13) Những lời này có nghĩa gì? Đa-ni-ên biết rằng cái chết ở trước mặt ông. Cái chết là sự cuối cùng mà không một người nào tránh được từ thời A-đam đến thời chúng ta. Kinh Thánh có lý khi gọi cái chết là “kẻ thù”. (1 Cô-rinh-tô 15:26) Tuy nhiên, đối với Đa-ni-ên, viễn tượng chết có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt so với người Ba-by-lôn ở quanh ông. Đối với họ, vốn ngụp lặn trong sự thờ phượng phức tạp khoảng 4.000 thần giả, viễn tượng chết là cái gì kinh khủng. Họ tin rằng những người sống không hạnh phúc hoặc chết bất đắc kỳ tử, sau khi chết sẽ trở thành những thần linh hay trả thù và ám ảnh người sống. Người Ba-by-lôn cũng tin vào cõi âm ty ghê sợ, nơi có đầy những quái vật dữ tợn hình người hay thú vật.
14 Đối với Đa-ni-ên, cái chết không có nghĩa như vậy. Nhiều trăm năm trước thời Đa-ni-ên, Vua Sa-lô-môn được soi dẫn viết: “Kẻ chết chẳng biết chi hết”. (Truyền-đạo 9:5) Về những người đã chết, người viết Thi-thiên hát: “Hơi-thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”. (Thi-thiên 146:4) Vì vậy Đa-ni-ên biết những lời thiên sứ nói với ông là sự thật. Chết có nghĩa là nghỉ ngơi; không còn suy nghĩ, ân hận cay đắng hay bị hành hạ gì nữa—và chắc chắn chẳng có quái vật. Khi La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su Christ diễn tả sự việc tương tự. Ngài nói: “Lazarô, người bạn của chúng ta đã nghỉ yên”—Giăng 11:11, Nguyễn thế Thuấn.
15. Làm thế nào ngày chết lại có thể tốt hơn ngày sinh?
15 Chúng ta hãy xem xét một lý do khác nữa tại sao viễn tượng chết không có gì khiếp sợ đối với Đa-ni-ên. Lời Đức Chúa Trời nói: “Danh-tiếng hơn dầu quí-giá; ngày chết hơn ngày sanh”. (Truyền-đạo 7:1) Làm sao ngày chết là thời gian buồn rầu lại tốt hơn ngày sinh là ngày vui mừng được? Chính là vì “danh-tiếng”. “Dầu quí-giá” có thể rất mắc. Có một lần em của La-xa-rơ là Ma-ri xức chân Chúa Giê-su bằng dầu thơm trị giá tới gần một năm lương! (Giăng 12:1-7) Làm sao chỉ danh tiếng không thôi lại quí giá như vậy? Nơi Truyền-đạo 7:1, bản dịch Kinh Thánh Septuagint bằng tiếng Hy Lạp nói “một danh tiếng tốt”. Không phải tên, nhưng chính những gì tên ấy tiêu biểu mới đáng giá. Vào lúc sinh ra, một người không có danh tiếng hay thành tích, cũng không có ai nhớ cá tính và đức tính của người mang tên đó. Nhưng vào lúc cuối cuộc đời, tên ấy biểu thị tất cả những điều này. Nếu là danh tốt theo quan điểm của Đức Chúa Trời thì danh ấy quí giá hơn gấp bội của cải vật chất.
16. (a) Đa-ni-ên cố gắng tạo một danh tốt với Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Tại sao Đa-ni-ên có thể đi nghỉ ngơi với lòng đầy tin tưởng rằng ông đã tạo được một danh tốt với Đức Giê-hô-va?
16 Trong suốt cuộc đời, Đa-ni-ên làm mọi việc trong khả năng của ông để tạo một danh tốt với Đức Chúa Trời, và Đức Giê-hô-va không bỏ qua một việc nào. Ngài đã quan sát Đa-ni-ên và tra xét lòng của ông. Đức Chúa Trời cũng làm như vậy đối với Vua Đa-vít là người đã hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi”. (Thi-thiên 139:1, 2) Đành rằng Đa-ni-ên bất toàn, vì ông là con cháu của người tội lỗi A-đam và là một thành viên của một nước tội lỗi. (Rô-ma 3:23) Nhưng Đa-ni-ên ăn năn tội lỗi của ông và luôn cố gắng bước đi với Đức Chúa Trời theo đường lối ngay thẳng. Do đó, nhà tiên tri trung thành có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ tội lỗi của ông và sẽ không bao giờ nuôi thù hận đối với ông. (Thi-thiên 103:10-14; Ê-sai 1:18) Đức Giê-hô-va muốn ghi nhớ những công việc tốt lành của các tôi tớ trung thành của Ngài. (Hê-bơ-rơ 6:10) Do đó, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã hai lần gọi Đa-ni-ên là “người rất được yêu-quí”. (Đa-ni-ên 10:11, 19) Điều này có nghĩa là đối với Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên thật yêu dấu. Đa-ni-ên có thể thỏa lòng đi nghỉ ngơi, biết rằng mình đã tạo được một danh tốt với Đức Giê-hô-va.
17. Tại sao việc tạo một danh tốt với Đức Chúa Trời là cấp bách cho chúng ta ngày nay?
17 Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi đã tạo được một danh tốt với Đức Giê-hô-va chưa?’ Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn. Việc ý thức cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào và cho bất cứ ai trong chúng ta không phải là bi quan nhưng là thực tế. (Truyền-đạo 9:11) Vậy thật là cần thiết để mỗi người chúng ta cương quyết tạo một danh tốt với Đức Chúa Trời ngay từ bây giờ, chứ đừng chậm trễ. Nếu làm vậy, chúng ta không cần phải sợ cái chết. Nó chỉ là một sự nghỉ ngơi—giống như ngủ mà thôi. Và cũng như giấc ngủ, sẽ có sự tỉnh giấc theo sau!
“NGƯƠI SẼ ĐỨNG”
18, 19. (a) Thiên sứ có ý nói gì khi báo trước rằng Đa-ni-ên sẽ “đứng” trong tương lai? (b) Tại sao Đa-ni-ên đã quen thuộc với hy vọng sống lại?
18 Sách Đa-ni-ên kết thúc với một trong các lời hứa tuyệt diệu nhất mà Đức Chúa Trời chưa từng hứa với bất cứ người nào. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói với Đa-ni-ên: “Đến cuối-cùng những ngày, ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”. Thiên sứ muốn nói gì? Vì thiên sứ mới ám chỉ “sự nghỉ-ngơi” là cái chết, nên lời hứa, theo đó, Đa-ni-ên sẽ “đứng” vào một thời điểm trong tương lai, chỉ có một ý nghĩa: đó là sự sống lại!b Thật ra, một số học giả đã quả quyết chương 12 sách Đa-ni-ên là lần đầu tiên phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nói đến sự sống lại một cách rõ rệt. (Đa-ni-ên 12:2) Dù vậy, điều này không đúng. Đa-ni-ên rất quen thuộc với hy vọng về sự sống lại.
19 Chẳng hạn, Đa-ni-ên hẳn đã biết những lời sau đây do Ê-sai viết hai thế kỷ trước đó: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chổi-dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi-đất, hãy thức dậy, hãy hát! Vì... đất sẽ buông các kẻ ngủ trong sự chết ra khỏi”. (Ê-sai 26:19) Trước đó lâu nữa, Đức Giê-hô-va đã cho Ê-li và Ê-li-sê quyền năng làm người chết thực sự sống lại. (1 Các Vua 17:17-24; 2 Các Vua 4:32-37) Thậm chí trước hai nhà tiên tri này, An-ne, mẹ của nhà tiên tri Sa-mu-ên, đã nhận biết là Đức Giê-hô-va có khả năng làm người ta sống lại từ Sheol, hay mồ mả. (1 Sa-mu-ên 2:6) Trước cả An-ne, người trung thành Gióp diễn tả hy vọng của ông bằng những lời: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng! Trọn ngày giặc-giã tôi, tôi đợi-chờ, cho đến chừng tôi được buông-thả. Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa”.—Gióp 14:14, 15.
20, 21. (a) Chắc chắn Đa-ni-ên có phần trong sự sống lại nào? (b) Sự sống lại trong Địa Đàng có thể xảy ra theo cách nào?
20 Giống như Gióp, Đa-ni-ên có lý do để tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va thực sự muốn làm ông sống lại vào một ngày nào đó trong tương lai. Dù vậy, được nghe một tạo vật thần linh mạnh mẽ xác nhận hy vọng đó ông hẳn được an ủi lắm. Vâng, Đa-ni-ên sẽ đứng dậy “đến kỳ kẻ công-bình sống lại” và điều này sẽ xảy ra trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. (Lu-ca 14:14) Đối với Đa-ni-ên, sự sống lại sẽ ra sao? Lời của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết nhiều về điều này.
21 Đức Giê-hô-va “chẳng phải là Chúa sự loạn-lạc, bèn là Chúa sự hòa-bình”. (1 Cô-rinh-tô 14:33) Vậy rõ ràng sự sống lại trong Địa Đàng sẽ diễn ra theo trật tự; có thể sau Ha-ma-ghê-đôn một thời gian. (Khải-huyền 16:14, 16) Mọi dấu vết của hệ thống mọi sự cũ này sẽ được tẩy xóa, và hiển nhiên sẽ có những sự chuẩn bị để đón tiếp người chết sống lại. Về thứ tự người chết sống lại, Kinh Thánh cung cấp tiền lệ này: “Mỗi người theo thứ-tự riêng của mình”. (1 Cô-rinh-tô 15:23) Dường như khi có “sự sống lại của người công-bình và không công-bình” thì người công bình được sống lại trước. (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15) Bằng cách này, những người trung thành thuở trước, như Đa-ni-ên, sẽ có thể giúp đỡ trong công việc quản trị trên đất, trong đó có việc dạy dỗ hàng tỷ người “không công-bình” được sống lại.—Thi-thiên 45:16.
22. Một số câu hỏi nào mà chắc chắn Đa-ni-ên sẽ nóng lòng muốn được trả lời?
22 Trước khi Đa-ni-ên sẵn sàng lãnh trách nhiệm đó, chắc chắn ông sẽ có một số câu hỏi. Nói cho cùng, ông đã phát biểu như sau về một số những lời tiên tri có ý nghĩa sâu xa được giao cho ông: “Ta... nghe những điều đó, nhưng ta không hiểu”. (Đa-ni-ên 12:8) Ông sẽ hân hoan biết bao khi cuối cùng ông hiểu được những sự kín nhiệm của Đức Chúa Trời! Chắc chắn ông sẽ muốn nghe tất cả những gì về Đấng Mê-si. Ông sẽ say mê học về diễn tiến các cường quốc thế giới từ thời ông đến thời chúng ta, về việc nhận diện “các thánh của Đấng Rất Cao” đã bền bỉ dù bị bắt bớ trong “kỳ cuối-cùng”, và về sự hủy diệt sau cùng do Nước Mê-si của Đức Chúa Trời thi hành trên các nước của loài người.—Đa-ni-ên 2:44; 7:22; 12:4.
SẢN NGHIỆP CỦA ĐA-NI-ÊN VÀ CỦA BẠN TRONG ĐỊA ĐÀNG!
23, 24. (a) Đa-ni-ên thấy thế giới lúc ông được sống lại khác với thế giới thời ông sống như thế nào? (b) Đa-ni-ên sẽ có một chỗ trong Địa Đàng không, và làm sao chúng ta biết được?
23 Đa-ni-ên sẽ muốn biết về thế giới vào lúc đó—một thế giới khác hẳn với thế giới thời ông. Mọi dấu vết của chiến tranh, áp bức từng làm thế giới thời ông bại hoại, sẽ biến mất. Sẽ không còn đau buồn, bệnh hoạn và chết chóc nữa. (Ê-sai 25:8; 33:24) Nhưng sẽ có dồi dào thực phẩm, dư thừa nhà cửa, và việc làm thỏa mãn cho mọi người. (Thi-thiên 72:16; Ê-sai 65:21, 22) Toàn thể nhân loại sẽ là một gia đình hợp nhất và hạnh phúc.
24 Nhất định Đa-ni-ên sẽ có một chỗ trong thế giới đó. Thiên sứ nói với ông: “Ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”. Từ Hê-bơ-rơ ở đây dược dịch là “sản nghiệp” cũng là từ dùng để chỉ một lô đất theo nghĩa đen.c Có lẽ Đa-ni-ên từng quen thuộc với lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về việc phân đất ở nước Y-sơ-ra-ên sau khi nước này được khôi phục. (Ê-xê-chi-ên 47:13–48:35) Trong sự ứng nghiệm nơi Địa Đàng, lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên gợi ra điều gì? Đó là việc tất cả dân sự của Đức Chúa Trời sẽ có một chỗ trong Địa Đàng, thậm chí đất sẽ được phân chia một cách trật tự và công bằng. Dĩ nhiên, sản nghiệp của Đa-ni-ên trong Địa Đàng không phải chỉ liên hệ đến đất mà thôi. Sản nghiệp ấy sẽ bao gồm vai trò của ông trong ý định của Đức Chúa Trời vào lúc đó. Phần thưởng mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Đa-ni-ên được bảo đảm.
25. (a) Một vài viễn tượng nào về đời sống trong Địa Đàng mà bạn thấy hấp dẫn? (b) Tại sao có thể nói Địa Đàng là chỗ loài người ở?
25 Còn về sản nghiệp của bạn thì sao? Lời hứa ấy cũng có thể áp dụng cho bạn nữa. Đức Giê-hô-va muốn những người biết vâng lời “đứng” trong sản nghiệp của mình, tức là có một chỗ trong Địa Đàng. Bạn hãy tưởng tượng! Bạn chắc chắn sẽ hào hứng khi được gặp chính Đa-ni-ên, cùng với các người đàn ông và đàn bà trung thành vào thời Kinh Thánh. Rồi sẽ có vô số người chết khác được sống lại. Họ cần được dạy dỗ để biết và yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hãy hình dung bạn đang chăm sóc trái đất là nhà ở của chúng ta và đang giúp để biến nó thành địa đàng đẹp đẽ muôn vẻ và không bao giờ tàn. Bạn hãy nghĩ đến việc được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, được học làm thế nào để sống theo đường lối của Ngài dành cho loài người. (Ê-sai 11:9; Giăng 6:45) Đúng vậy, có một chỗ dành cho bạn trong Địa Đàng. Dù ngày nay đối với một số người, khái niệm về Địa Đàng có vẻ xa lạ, nhưng bạn hãy nhớ là Đức Giê-hô-va từ nguyên thủy đã có ý định để nhân loại sống ở một nơi như thế. (Sáng-thế Ký 2:7-9) Vậy theo nghĩa đó, Địa Đàng là nơi sinh sống tự nhiên của hàng tỷ người trên trái đất. Ấy là chỗ của họ. Vào Địa Đàng như là về nhà vậy.
26. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài biết việc chờ đợi sự kết liễu hệ thống mọi sự không dễ dàng đối với chúng ta như thế nào?
26 Khi nghĩ đến tất cả những điều này, lòng chúng ta bừng nóng với lòng biết ơn phải không? Chính bạn có khao khát được có mặt ở đó không? Vậy thảo nào Nhân Chứng Giê-hô-va nôn nóng muốn biết khi nào sự kết liễu hệ thống mọi sự này đến! Chờ đợi không phải là dễ dàng. Đức Giê-hô-va cũng biết điều này vì Ngài kêu gọi chúng ta “hãy đợi” sự kết liễu ngay cả khi “nó chậm-trễ”. Ngài có ý nói rằng nó có vẻ chậm trễ theo quan điểm riêng của chúng ta, vì cũng trong câu Kinh Thánh đó, chúng ta được bảo đảm: “Nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. (Ha-ba-cúc 2:3; so sánh Châm-ngôn 13:12). Đúng vậy, sự cuối cùng sẽ đến đúng lúc.
27. Bạn phải làm gì để được đứng trước Đức Chúa Trời đến muôn đời?
27 Bạn nên làm gì trong khi sự cuối cùng đến gần? Giống như Đa-ni-ên, nhà tiên tri yêu dấu của Đức Giê-hô-va, bạn hãy trung thành chịu đựng. Bạn hãy siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Hãy tha thiết cầu nguyện. Hãy yêu thương kết hợp với các anh em cùng đức tin. Hãy sốt sắng dạy lẽ thật cho người khác. Mỗi ngày sự cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác này đến gần hơn một chút, bạn hãy duy trì sự cương quyết là tôi tớ trung thành của Đấng Tối Cao và là người bênh vực trung kiên Lời của Ngài. Bằng mọi giá, bạn hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên! Nguyện Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng ban cho bạn đặc ân được vui mừng đứng trước mặt Ngài đến muôn đời!
[Chú thích]
a Đa-ni-ên bị đưa đi lưu đày ở Ba-by-lôn vào năm 617 TCN, dường như trong tuổi thiếu niên. Ông nhận được sự hiện thấy này vào năm thứ ba đời Si-ru, hay vào năm 536 TCN.—Đa-ni-ên 10:1.
b Theo sách The Brown-Driver-Briggs Hebrew and English Lexicon, chữ Hê-bơ-rơ dịch ra “đứng” dùng ở đây ám chỉ “sống lại sau khi chết”.
c Từ Hê-bơ-rơ có liên hệ đến từ chỉ “viên sỏi” là những viên đá nhỏ dùng để bắt thăm. Đôi khi đất được phân chia bằng cách này. (Dân-số Ký 26:55, 56) Sách A Handbook on the Book of Daniel nói rằng từ dùng tại chỗ này có nghĩa là “sản nghiệp (Đức Chúa Trời) dành riêng cho một người”.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Điều gì đã giúp cho Đa-ni-ên bền chí đến cuối cùng?
• Tại sao viễn tượng về cái chết không có gì là kinh khủng đối với Đa-ni-ên?
• Lời hứa của thiên sứ, theo đó, Đa-ni-ên ‘sẽ đứng trong sản nghiệp của mình’, được ứng nghiệm như thế nào?
• Cá nhân bạn được hưởng lợi ích như thế nào khi chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên?
[Trang hình ảnh nơi trang 307]
[Hình nơi trang 318]
Giống như Đa-ni-ên, bạn có để ý đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời không?