Tính kiên nhẫn—Tại sao hiếm có đến thế?
EMILIO đã trên 60 tuổi, đến Oahu vì một chuyện buồn là để chôn cất đứa con trai lớn.a Đang thả bộ trên con đường đồi yên lặng và trò chuyện với mấy người bạn, Emilio giật mình khi một chiếc xe từ trong sân nhà lui ra rất nhanh. Chiếc xe gần đụng ông và vì tức giận và nóng nảy, Emilio la người lái xe và đập tay vào đằng sau chiếc xe. Sau đó họ cãi nhau. Hình như người lái xe xô Emilio té và đập đầu xuống đường. Vài ngày sau, Emilio chết vì vết thương ở đầu. Thật là một kết cuộc đáng buồn!
Sự kiên nhẫn là một đức tính hiếm có trong thế giới mà chúng ta đang sống. Càng ngày càng nhiều người lái xe quá tốc độ. Những người khác thì bám đuôi—theo quá sát—đằng sau xe chạy đúng tốc độ giới hạn. Còn những người khác đổi lộ tuyến liên miên vì không thể chịu nổi việc chạy sau xe khác. Trong gia đình, những người trong nhà có thể bộc phát sự giận dữ cách mãnh liệt và trở nên hung bạo. Ngay cả một số tín đồ đấng Christ có thể bực tức quá đáng vì những thiếu sót hay lầm lỗi của anh em thiêng liêng mình.
Tại sao tính kiên nhẫn hiếm có đến thế? Có phải điều này luôn luôn như thế không? Tại sao lại khó tỏ tính kiên nhẫn trong thời kỳ chúng ta?
Thí dụ về những người thiếu kiên nhẫn
Kinh-thánh nói về một người đàn bà đã không đợi hỏi ý kiến chồng trước khi làm một quyết định hệ trọng. Bà tên là Ê-va. Không đợi cho A-đam, có lẽ một phần vì thiếu kiên nhẫn, bà đã ăn trái cấm (Sáng-thế Ký 3:1-6). Còn về chồng bà thì sao? Có lẽ ông cũng biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn bằng cách theo Ê-va trong con đường tội lỗi mà trước hết không đến cùng Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, để được giúp đỡ hoặc chỉ dẫn. Lòng tham lam, có lẽ cộng với sự thiếu kiên nhẫn đã khiến họ phạm tội, gây ra những hậu quả tai hại cho tất cả chúng ta. Chúng ta cũng gánh chịu khuynh hướng tội lỗi của họ, bao gồm tính kiêu ngạo và thiếu kiên nhẫn (Rô-ma 5:12).
Khoảng 2.500 năm sau khi thủy tổ chúng ta phạm tội, dân được Đức Chúa Trời chọn là Y-sơ-ra-ên, tiếp tục chứng tỏ một cách căn bản rằng họ thiếu đức tin, đồng thời thiếu sự kiên nhẫn. Mặc dù Đức Giê-hô-va mới dùng phép lạ giải cứu họ khỏi ách nô lệ tại Ê-díp-tô, họ mau “quên các công việc Ngài” và “không chờ-đợi lời chỉ-giáo Ngài” (Thi-thiên 106:7-14). Nhiều lần họ phạm tội nặng vì họ thiếu kiên nhẫn. Họ làm con bò vàng và thờ lạy nó; họ cằn nhằn về sự ban cho của Đức Giê-hô-va về đồ ăn vật chất là ma-na; và nhiều người thậm chí còn phản nghịch chống lại Môi-se, người mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để đại diện cho Ngài. Đúng vậy, vì họ thiếu sự kiên nhẫn nên họ gặt lấy sự đau buồn và tai hại.
Sau-lơ, vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, đánh mất cơ hội cho các con trai ông nối ngôi. Tại sao vậy? Vì ông không đợi nhà tiên tri Sa-mu-ên, là người đáng lẽ phải dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va. Vì sợ loài người nên Sau-lơ dâng của-lễ mà không đợi Sa-mu-ên. Hãy tưởng tượng ông cảm thấy thế nào khi Sa-mu-ên đến ngay sau khi Sau-lơ đã làm xong nghi lễ! Phải chi ông chỉ đợi thêm một vài phút nữa! (I Sa-mu-ên 13:6-14).
Phải chi Ê-va đợi A-đam thay vì hấp tấp hái trái cây đó! Phải chi dân Y-sơ-ra-ên nhớ đợi Đức Giê-hô-va cho lời khuyên nhủ! Đúng vậy, sự kiên nhẫn đã có thể giúp họ cũng như chúng ta tránh khỏi nhiều nỗi sầu não và đau thương.
Những nguyên do gây ra sự thiếu kiên nhẫn
Kinh-thánh giúp chúng ta hiểu lý do chính khiến người ta thiếu kiên nhẫn ngày nay. II Ti-mô-thê đoạn 3 mô tả thế hệ của chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”. Kinh-thánh nói rằng người ta “đều tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược... không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành” (Câu 2, 3). Một thái độ tham lam và tư kỷ như thế tiêm nhiễm lòng và trí của nhiều người, làm cho tất cả mọi người, ngay cả tín đồ thật của đấng Christ, thấy khó mà tập kiên nhẫn. Khi chúng ta thấy những người trong thế gian lái xe quá nhanh hoặc chen vô trước mặt những người đang đứng sắp hàng hay nhục mạ chúng ta, thì sự kiên nhẫn của chúng ta có thể bị thử thách cực độ. Ta có thể bị xui khiến để bắt chước hoặc trả đủa chống lại họ, vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức giống như họ trong sự kiêu ngạo ích kỷ.
Đôi khi chính những kết luận sai lầm làm chúng ta mất kiên nhẫn. Hãy chú ý cách vị Vua khôn ngoan Sa-lô-môn liên kết lối suy luận sai lầm và hấp tấp với lối hành động thiếu kiên nhẫn và giận dữ: “Lòng kiên-nhẫn hơn lòng kiêu-ngạo. Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội” (Truyền-đạo 7:8, 9). Nếu chúng ta dành ra thì giờ để xét qua tình thế một cách đầy đủ và chính xác trước khi phản ứng, thì chắc hẳn chúng ta sẽ càng tỏ mình hiểu biết, càng thông cảm và càng kiên nhẫn hơn đối với người khác. Ngược lại, tinh thần kiêu ngạo và tư kỷ có lẽ sẽ khiến chúng ta có đầu óc hẹp hòi, nóng nảy và gay gắt, giống như dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm và cứng cổ đã làm Môi-se khổ não (Dân-số Ký 20:2-5, 10).
Một nguyên do khác khiến cho thế gian này ngày càng thiếu sự kiên nhẫn là tình trạng vô vọng của nó, hậu quả của việc xa lánh Đức Giê-hô-va. Đa-vít biểu lộ nhu cầu của loài người phải trông cậy nơi Đức Giê-hô-va: “Hỡi linh-hồn ta, hãy nghỉ-an nơi Đức Chúa Trời; vì sự trông-cậy ta ở nơi Ngài” (Thi-thiên 62:5). Nhiều người không biết về Đức Giê-hô-va có một cái nhìn giới hạn và ảm đạm, vì vậy họ tìm cách nắm lấy mọi thú vui và lợi ích có thể được trước khi chết. Giống như cha thiêng liêng của họ, Sa-tan Ma-quỉ, họ thường không màng đến hậu quả của hành động họ trên người khác (Giăng 8:44; I Giăng 5:19).
Thảo nào tính kiên nhẫn rất hiếm có ngày nay. Hệ thống gian ác và ích kỷ này, chúa của nó là Sa-tan và những khuynh hướng tội lỗi của xác thịt làm cho mọi người, ngay cả những người thành thật, khó có sự kiên nhẫn. Tuy vậy, Kinh-thánh khuyên nhủ chúng ta “hãy tập kiên nhẫn”, đặc biệt liên quan đến việc hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 5:8, NW). Tại sao tính kiên nhẫn lại quí đến thế? Nó có thể mang đến cho ta những phần thưởng nào?
Tính kiên nhẫn —Tại sao quí giá đến thế
“Những người kiên nhẫn chịu đựng và chờ đợi cũng phụng sự thể ấy”. Thi sĩ người Anh John Milton thốt ra những lời này hơn ba trăm năm trước đây trong bài đoản ca của ông (On His Blindness). Trong phần đầu của bài thơ, ông biểu lộ cảm giác bực bội và ưu tư vì không thể phụng sự Đức Chúa Trời cách trọn vẹn vì ông bị mù khi ngoài 40 tuổi. Nhưng như ta thấy trong đoạn chót của bài thơ trích ở trên, cuối cùng ông ý thức rằng một người có thể thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách kiên nhẫn chịu đựng nỗi khổ cực và bình tĩnh tìm những cơ hội sẵn có để phụng sự. Ông Milton thấy giá trị của việc kiên nhẫn tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
Đa số chúng ta có lẽ có mắt thấy rõ, nhưng tất cả chúng ta có những giới hạn có thể khiến cho ta bực tức hoặc lo lắng. Làm thế nào chúng ta có thể đạt được và tập tính kiên nhẫn?
Những gương khích lệ
Kinh-thánh cho ta một số gương tốt về tính kiên nhẫn. Nhờ sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va mà hàng triệu người có thể sống đời đời (II Phi-e-rơ 3:9, 15). Qua lời mời ân cần là chúng ta gánh lấy ách của ngài và “linh-hồn [chúng ta] được yên-nghỉ”, Giê-su phản ảnh một cách hoàn toàn tính kiên nhẫn tuyệt vời của Cha ngài (Ma-thi-ơ 11:28-30). Suy gẫm về gương của Đức Giê-hô-va và Giê-su có thể giúp ta trở nên kiên nhẫn hơn.
Một người có lẽ có nhiều lý do để tức giận, cay đắng hoặc thù hằn là Giô-sép con trai Gia-cốp. Các anh của Giô-sép đối đãi rất bất công với ông, âm mưu giết ông và cuối cùng bán ông đi làm nô lệ. Tại Ê-díp-tô, bất kể ông phục vụ Phô-ti-pha một cách tận tâm và trung thành, Giô-sép bị cáo gian và bị bỏ tù. Ông kiên nhẫn chịu đựng tất cả nỗi khổ cực, có lẽ hiểu rằng những sự thử thách như thế giúp hoàn thành ý định của Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 45:5). Vì ông vun trồng đức tin và hy vọng nơi Đức Giê-hô-va, cùng với sự khiêm nhường và hiểu biết, Giô-sép có thể tập kiên nhẫn ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn.
Thánh linh của Đức Giê-hô-va là một sự giúp đỡ quan trọng khác. Thí dụ, nếu chúng ta có tính nóng nảy và lời nói mỉa mai, chúng ta có thể cầu xin cho sự giúp đỡ của thánh linh để vun trồng bông trái thánh linh. Suy gẫm về mỗi bông trái này, chẳng hạn sự nhịn nhục và tự chủ, sẽ giúp ta thấy những đức tính này liên hệ chặt chẽ thế nào với tính kiên nhẫn (Ga-la-ti 5:22, 23).
Phần thưởng của sự kiên nhẫn
Tính kiên nhẫn có thể đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Nó củng cố nhân cách của chúng ta và gìn giữ ta khỏi những hành động hấp tấp và rồ dại. Có ai trong chúng ta không phạm những lỗi lầm tai hại vì phản ứng quá hấp tấp trong những tình trạng khó khăn hay căng thẳng chăng? Có lẽ chúng ta nói lời không tử tế hoặc cư xử một cách bất lịch sự. Chúng ta có thể để cho một chuyện nhỏ xảy ra với một người thân trở nên chuyện lớn và bên nào cũng muốn thắng thế. Sau khi giận dữ, bực bội và đau buồn rất nhiều, ta có lẽ hối tiếc suy nghĩ: ‘Phải chi tôi nhẫn nại một chút’. Tập kiên nhẫn có thể gìn giữ ta tránh khỏi mọi loại đau buồn. Chỉ riêng sự kiện đó cũng đủ làm cho đời sống ta được yên ổn, thăng bằng và thỏa mãn hơn (Phi-líp 4:5-7).
Tính kiên nhẫn cũng có thể giúp chúng ta có lòng bình tĩnh và tin cậy. Điều này có thể khiến chúng ta có được sức khỏe tốt về mặt thể chất, tình cảm và thiêng liêng (Châm-ngôn 14:30). Nếu không kiềm chế, sự tức giận có thể gây ra bệnh trầm trọng cả về mặt tình cảm lẫn về mặt thể chất và sự chết. Ngược lại, bằng cách kiên nhẫn ta có thể có thái độ tích cực hơn đối với người khác, nhất là anh em thiêng liêng và những người trong gia đình. Thế rồi chúng ta sẽ càng có ý tứ và giúp đỡ người khác nhiều hơn thay vì tỏ ra cáu kỉnh và chỉ trích. Rồi người khác sẽ thấy dễ và thoải mái hơn ở gần chúng ta.
Nhất là các trưởng lão trong hội thánh cần tập tính kiên nhẫn. Đôi khi anh em tín đồ đấng Christ đến gặp họ vì những vấn đề nghiêm trọng. Những người thành thật này có lẽ bối rối, tức giận hoặc buồn nản, trong khi chính các trưởng lão thì mệt mỏi hoặc bị phân tâm vì những vấn đề cá nhân hay gia đình. Tuy nhiên, việc các trưởng lão tập tính kiên nhẫn trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy thì thật là hệ trọng biết bao! Như thế họ có thể chỉ dạy “cách mềm-mại” và “đối xử với bầy cách dịu dàng” (II Ti-mô-thê 2:24, 25; Công-vụ các Sứ-đồ 20:28, 29, NW). Mạng sống quí giá của anh em đang bị đe dọa. Trưởng lão nào có tính tử tế, kiên nhẫn và đầy yêu thương thật là một ân phước cho hội thánh!
Những người chủ gia đình nên đối xử với người nhà mình một cách kiên nhẫn, thông cảm và ân cần. Họ cũng nên đòi hỏi và khuyến khích tất cả những người trong gia đình tập những đức tính giống như thế (Ma-thi-ơ 7:12). Điều này sẽ đóng góp rất nhiều cho sự yêu thương và bình an trong gia đình.
Tập kiên nhẫn trong khi đi rao giảng sẽ giúp những người truyền giáo tín đồ đấng Christ vui thích công việc này trọn vẹn hơn nữa. Họ sẽ có thể chịu đựng tốt hơn bất cứ sự thờ ơ và chống đối nào mà họ gặp. Thay vì tranh cãi với chủ nhà đang tức giận, người truyền giáo kiên nhẫn sẽ có thể trả lời một cách mềm mại hoặc lặng lẽ bỏ đi, như thế giữ được sự bình an và niềm vui (Ma-thi-ơ 10:12, 13). Hơn nữa, khi tín đồ đấng Christ đối xử một cách kiên nhẫn và tử tế với mọi người, những người giống như chiên sẽ được thu hút đến thông điệp Nước Trời. Đức Giê-hô-va đã ban phước những sự cố gắng kiên nhẫn trên toàn cầu, trong khi hàng trăm ngàn người nhu mì tìm kiếm lẽ thật lũ lượt đến hội thánh đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va mỗi năm.
Thật vậy, tập tính kiên nhẫn sẽ mang đến cho chúng ta những phần thưởng tốt. Ta sẽ tránh được nhiều tai nạn và vấn đề xảy ra bởi hành động hấp tấp hoặc vì không cầm giữ lưỡi mình. Ta sẽ được hạnh phúc hơn, ôn hòa hơn và có lẽ khỏe mạnh hơn. Ta sẽ có được sự vui mừng và bình an nhiều hơn trong thánh chức, trong hội thánh và ở tại nhà. Nhưng quan trọng hơn hết, ta sẽ vui hưởng mối liên lạc mật thiết hơn với Đức Chúa Trời. Vậy hãy trông cậy nơi Đức Giê-hô-va. Hãy tập tính kiên nhẫn!
[Chú thích]
a Chúng tôi thay đổi tên.
[Các hình nơi trang 10]
Trong cuộc sống hằng ngày, bạn kiên nhẫn đến đâu?