“Ấy là trọn phận-sự của ngươi”
“Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi” (TRUYỀN-ĐẠO 12:13).
1, 2. Tại sao xem xét bổn phận của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là điều thích hợp?
‘ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đòi ngươi đều gì?’ Một nhà tiên tri thời xưa đã đặt câu hỏi đó. Rồi ông nêu rõ những gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi—làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi một cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời (Mi-chê 6:8).
2 Trong thời buổi mà người ta coi trọng sở thích cá nhân và tinh thần tự lập, nhiều người thấy khó chịu khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi họ một điều gì đó. Họ không muốn bị gán cho một trách nhiệm. Còn về lời kết luận của Sa-lô-môn nơi Truyền-đạo thì sao? “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết nầy: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi” (Truyền-đạo 12:13).
3. Tại sao chúng ta nên suy nghĩ kỹ về sách Truyền-đạo?
3 Bất kể hoàn cảnh và quan niệm của chúng ta về đời sống là gì, chúng ta có thể được lợi ích đáng kể nếu chú ý đến những lý lẽ đưa đến lời kết luận đó. Vua Sa-lô-môn, người viết sách được soi dẫn này, xem xét những gì xảy ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Một số người có thể vội vã kết luận rằng sự phân tích của ông chủ yếu là tiêu cực. Tuy nhiên đó là một sự phân tích được Đức Chúa Trời soi dẫn mà chúng ta có thể dùng để xem lại giá trị của những hoạt động và những điều ưu tiên hầu cho chúng ta được vui mừng thêm lên.
Giải quyết những mối lo âu chính trong đời sống
4. Sa-lô-môn khảo sát và bàn luận về điều gì trong sách Truyền-đạo?
4 Sa-lô-môn tra xét kỹ càng ‘việc của loài người’. “Ta chuyên lòng lấy sự khôn-ngoan mà tra-khảo mọi việc làm ra dưới trời”. Khi dùng chữ “việc” Sa-lô-môn không nhất thiết muốn nói đến công ăn việc làm, mà là toàn thể những gì mà người ta làm trong suốt đời sống họ (Truyền-đạo 1:13). Chúng ta hãy xem xét một vài nỗi quan tâm hoặc việc làm và rồi so sánh chúng với sinh hoạt và điều ưu tiên của chính chúng ta.
5. Một trong những điều mà loài người chú tâm đến nhiều nhất là gì?
5 Chắc chắn tiền bạc là trọng tâm khiến nhiều người phải quan tâm và bận rộn. Không ai có thể đúng lý nói rằng Sa-lô-môn có một quan điểm bình thản đối với tiền bạc như một số người giàu có. Ông sẵn sàng công nhận rằng chúng ta cần phải có một ít tiền bạc; có đầy đủ về tài chánh còn tốt hơn là phải sống khắc khổ hoặc trong cảnh túng thiếu (Truyền-đạo 7:11, 12). Nhưng chắc hẳn bạn đã nhận thấy rằng tiền bạc, cùng với của cải mua được bằng tiền, có thể trở thành mục tiêu chính trong đời sống—cho cả người nghèo lẫn người giàu.
6. Chúng ta học được gì về tiền bạc từ lời ví dụ của Chúa Giê-su và từ những kinh nghiệm bản thân của Sa-lô-môn?
6 Hãy nhớ lại lời ví dụ của Chúa Giê-su về người giàu có. Ông này làm việc để tích lũy thêm vì ông không bao giờ thỏa mãn. Đức Chúa Trời xét đoán ông là người dại dột. Tại sao? Vì “sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu” (Lu-ca 12:15-21). Những kinh nghiệm của Sa-lô-môn—có lẽ còn giàu hơn kinh nghiệm của chúng ta—xác nhận lời của Chúa Giê-su. Hãy đọc phần miêu tả nơi Truyền-đạo 2:4-9. Có một thời, Sa-lô-môn đã cố công làm giàu. Ông xây những ngôi nhà và vườn hoa tuyệt đẹp. Ông có tiền để cung cấp cho những cung tần mỹ nữ. Sự giàu có và những gì tiền tài mua được có đem lại sự thỏa mãn sâu xa, một cảm tưởng thành công thật sự, và ý nghĩa cho đời sống ông không? Ông trả lời một cách trung thực: “Đoạn ta xem-xét các công-việc tay mình đã làm, và sự lao-khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi đều đó là sự hư-không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích-lợi gì hết dưới mặt trời” (Truyền-đạo 2:11; 4:8).
7. a) Kinh nghiệm cho thấy gì về giá trị của đồng tiền? b) Cá nhân bạn đã thấy gì để chứng tỏ cho những lời kết luận của Sa-lô-môn?
7 Đó là thực tế, một sự thật được chứng nghiệm qua lối sống của nhiều người. Chúng ta phải công nhận rằng có nhiều tiền không giải quyết được mọi vấn đề. Tiền bạc có thể giải quyết một vài vấn đề, chẳng hạn như giúp cho việc mua thức ăn và sắm quần áo được dễ dàng hơn. Nhưng một người chỉ mặc được một bộ quần áo mỗi lần và chỉ ăn và uống một phần giới hạn nào mà thôi. Và bạn đã đọc về đời sống của những người giàu có, nào là ly dị, nào là say sưa, nào là nghiện ngập, nào là hận thù giữa những người thân trong nhà. Nhà triệu phú J. P. Getty nói: “Tiền bạc không nhất thiết có liên hệ với hạnh phúc. Có lẽ liên hệ với sự bất hạnh thì có”. Với lý do chính đáng, Sa-lô-môn đã liên kết sự ham mê tiền bạc với sự hư không. Hãy đem sự kiện đó so với điều mà Sa-lô-môn quan sát để thấy sự tương phản: “Giấc-ngủ của người làm việc là ngon, mặc dầu người ăn ít hay nhiều; nhưng sự chán-lắc làm cho người giàu không ngủ được” (Truyền-đạo 5:10-12).
8. Có lý do gì cho thấy tại sao chúng ta không nên quá coi trọng giá trị của tiền bạc?
8 Tiền bạc và của cải cũng không đem lại sự mãn nguyện khi nói về tương lai. Nếu bạn có thêm nhiều tiền và của cải, có lẽ bạn lại phải lo lắng thêm vì phải gìn giữ nó, và bạn vẫn không biết ngày mai mình sẽ ra sao. Liệu bạn sẽ mất hết, kể cả mạng sống bạn không? (Truyền-đạo 5:13-17; 9:11, 12). Vì lẽ ấy, chúng ta dễ hiểu được tại sao đời sống hoặc việc làm cần phải có một ý nghĩa cao cả, lâu dài hơn là tiền bạc và của cải.
Gia đình, danh vọng và quyền lực
9. Tại sao Sa-lô-môn xem xét vấn đề gia đình là điều thích hợp?
9 Những điều Sa-lô-môn phân tích về đời sống bao hàm vấn đề quá bận tâm về gia đình. Kinh-thánh nhấn mạnh đời sống gia đình, kể cả niềm vui khi có con và nuôi nấng chúng (Sáng-thế Ký 2:22-24; Thi-thiên 127:3-5; Châm-ngôn 5:15, 18-20; 6:20; Mác 10:6-9; Ê-phê-sô 5:22-33). Tuy nhiên, đó có phải là khía cạnh tối hậu của đời sống không? Nhiều người dường như nghĩ như thế vì xã hội của họ nhấn mạnh đến việc lập gia đình, con cái và quan hệ gia đình. Tuy nhiên Truyền-đạo 6:3 cho thấy rằng ngay cả có một trăm đứa con cũng không nhất thiết đem lại sự toại nguyện trong đời sống. Hãy tưởng tượng biết bao nhiêu bậc cha mẹ đã chịu hy sinh cho con cái, tạo một nền tảng tốt để chúng hưởng một đời sống thoải mái hơn. Dù đó là một sự hy sinh cao cả, nhưng chắc chắn Đấng Tạo hóa của chúng ta không muốn rằng mục đích chính của việc chúng ta hiện hữu là chỉ để sanh con nối dòng, như các loài thú làm theo bản năng để giữ giống của nó.
10. Tại sao sự chú tâm thái quá vào gia đình có thể tỏ ra là hư không?
10 Sa-lô-môn đã tinh tế nêu ra một vài thực trạng của đời sống gia đình. Thí dụ, một người có thể chú tâm vào việc chu cấp cho con cháu. Nhưng liệu chúng sẽ tỏ ra khôn ngoan hay không? Hay là chúng sẽ phung phí những gì người đó đã cố công gom góp cho chúng? Nếu thế thì đó quả thật là “một sự hư-không và một sự tai-nạn lớn”! (Truyền-đạo 2:18-21; I Các Vua 12:8; II Sử-ký 12:1-4, 9).
11, 12. a) Một số người đã chú tâm theo đuổi gì trong đời sống? b) Tại sao chúng ta có thể cho rằng tìm kiếm danh vọng là “theo luồng gió thổi”?
11 Còn bên thái cực kia thì nhiều người đã xem nhẹ đời sống gia đình bình thường trong khi cương quyết đạt cho được danh vọng hay quyền thế hơn người khác. Đây có thể là một khuyết điểm thường thấy ở phái nam hơn. Bạn có thấy khuyết điểm này trong đám bạn cùng trường, đồng nghiệp hoặc hàng xóm của bạn không? Nhiều người cố hết sức để được người ta chú ý, để đạt uy thế, hoặc để sai khiến người khác. Nhưng làm thế thật sự có ý nghĩa gì?
12 Hãy nghĩ đến cách mà một số người bôn ba để được nổi tiếng, dù dưới hình thức nhỏ hay quy mô. Chúng ta thấy xu hướng này tại trường học, nơi hàng xóm và tại các nhóm thân hữu khác nhau. Xu hướng này cũng là một động lực mạnh đối với những ai muốn được nổi tiếng trong ngành nghệ thuật, giải trí và chính trị. Tuy nhiên, chung quy đây chẳng phải là một sự cố gắng hư không hay sao? Sa-lô-môn đã đúng khi nói đó là “theo luồng gió thổi” (Truyền-đạo 4:4). Ngay cả nếu một người trẻ trở nên nổi tiếng tại một câu lạc bộ, trong đội thể thao hoặc trong ban âm nhạc—hoặc một người nam hay nữ nào đó có được tiếng tăm nơi sở làm hoặc trong cộng đồng—có bao nhiêu người thật sự biết về điều này? Phần đông những người bên kia trái đất (hoặc ngay cả cùng chung một nước) có biết rằng người đó hiện hữu hay không? Hay là họ cứ tiếp tục sống hoàn toàn thản nhiên không biết gì về một ít tiếng tăm mà người này đã đạt được? Và cũng ít ai biết đến bất cứ quyền lực hoặc uy thế nào mà một người đạt được trong việc làm, tại một thị xã hoặc trong một nhóm.
13. a) Truyền-đạo 9:4, 5 giúp chúng ta có quan điểm đúng đắn về việc bôn ba chạy theo danh vọng và thế lực như thế nào? b) Chúng ta phải chạm trán với những sự thật nào nếu đời này chỉ có thế thôi? (Xin xem cước chú).
13 Về lâu về dài, tiếng tăm và uy quyền như thế có giá trị gì? Khi một thế hệ qua đi và một thế hệ khác đến, những người nổi danh hoặc có thế lực cũng qua đi và đi vào quên lãng. Điều này đúng với các người xây dựng, các nhạc sĩ và những nghệ sĩ khác, những nhà cải cách xã hội, v.v..., cũng như là phần đông các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quân đội. Trong số những người trong nghề đó, bạn biết tên của bao nhiêu người sống trong thời gian từ năm 1700 đến 1800? Sa-lô-môn đánh giá đúng đắn sự việc, ông nói: “Con chó sống hơn là sư-tử chết. Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết,... sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi” (Truyền-đạo 9:4, 5). Và nếu đời sống chỉ có thế thôi, thì bon chen để có danh vọng hoặc quyền lực thật ra chỉ là hư không.a
Mục tiêu và bổn phận của chúng ta
14. Tại sao sách Truyền-đạo giúp ích cho cá nhân chúng ta?
14 Sa-lô-môn không bình luận về nhiều sinh hoạt, mục tiêu và thú vui mà loài người chú tâm đến. Tuy nhiên, những gì ông viết là quá đầy đủ. Khi xem xét sách này chúng ta không nên u sầu hoặc bi quan, vì chúng ta đã thực tế trong việc xem xét lại cuốn sách của Kinh-thánh mà Đức Giê-hô-va đã cố ý soi dẫn để chúng ta được lợi ích. Sách này có thể giúp chúng ta điều chỉnh quan điểm về đời sống và những gì mà chúng ta đang chú tâm vào, nhất là khi nghĩ đến cái kết luận mà Đức Giê-hô-va đã giúp Sa-lô-môn viết ra (Truyền-đạo 7:2; II Ti-mô-thê 3:16, 17).
15, 16. a) Sa-lô-môn có quan điểm gì về sự vui hưởng đời sống? b) Sa-lô-môn nêu ra điều kiện thích đáng nào để vui hưởng đời sống?
15 Một điều mà Sa-lô-môn nhiều lần nhắc đến là các tôi tớ của Đức Chúa Trời thật phải thấy vui sướng trong việc làm của họ trước mặt ngài. “Ta nhìn-biết chẳng có đều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban-cho của Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 2:24; 3:12, 13; 5:18; 8:15). Hãy chú ý rằng Sa-lô-môn không khuyến khích sự say sưa; và ông cũng không tán thành thái độ ‘cứ ăn, cứ uống và cứ vui chơi, vì mai đây chúng ta sẽ chết’ (I Cô-rinh-tô 15:14, 32-34). Ông muốn nói rằng chúng ta nên vui hưởng những thú vui bình thường, như ăn và uống, trong lúc chúng ta “làm lành trọn đời mình”. Vì thế, rõ ràng là đời sống chúng ta phải nhắm vào việc làm theo ý muốn của Đấng Tạo hóa, Đấng quyết định điều nào là thật sự tốt (Thi-thiên 25:8; Truyền-đạo 9:1; Mác 10:17, 18; Rô-ma 12:2).
16 Sa-lô-môn viết: “Hãy đi ăn bánh cách vui-mừng, và uống rượu cách hớn-hở; vì Đức Chúa Trời đã nhận các công-việc ngươi” (Truyền-đạo 9:7-9). Đúng, một người thật sự có một đời sống phong phú và toại nguyện luôn bận rộn trong công việc làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên nhớ đến ngài. Quan điểm này khác hẳn với quan điểm của phần đông người ta làm sao, những người sống theo cách suy luận của loài người!
17, 18. a) Nhiều người phản ứng thế nào trước thực trạng của đời sống? b) Chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến kết quả nào?
17 Mặc dầu một số tôn giáo dạy về sự sống ở đời sau, nhưng nhiều người nghĩ họ chỉ có thể biết chắc về đời này mà thôi. Có lẽ bạn đã thấy họ phản ứng như Sa-lô-môn đã miêu tả: “Bởi chẳng thi-hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm đều ác” (Truyền-đạo 8:11). Ngay cả những ai không đắm mình vào những việc làm ghê tởm cũng cho thấy rằng họ chỉ chú trọng chính yếu đến điều thực tại. Đó là một lý do tại sao họ quá coi trọng tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền hành trên người khác, gia đình hoặc những ham muốn khác. Tuy nhiên, Sa-lô-môn đã không ngừng tại đó. Ông nói thêm: “Vì kẻ có tội làm ác một trăm lần vẫn được trường-thọ; dầu vậy, ta biết rằng kẻ kính-sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước. Nhưng kẻ ác chẳng sẽ được phước; cũng sẽ không được sống lâu, vì đời nó giống như bóng qua; ấy tại nó không kính-sợ trước mặt Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 8:12, 13). Rõ ràng, Sa-lô-môn tin chắc rằng mọi việc sẽ tốt đẹp nếu chúng ta ‘kính-sợ Đức Chúa Trời thật’. Tốt đẹp như thế nào? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp khi ông cho thấy hai kết cuộc tương phản nhau. Đức Giê-hô-va có thể làm ‘chúng ta được sống lâu’.
18 Những ai vẫn còn tương đối trẻ đặc biệt phải suy gẫm sự thật tuyệt đối đáng tin cậy là kết quả sẽ tốt đẹp nếu họ kính sợ Đức Chúa Trời. Như chính bạn có lẽ đã thấy, người chạy nhanh nhất có thể bị vấp ngã và thua cuộc. Một quân đội hùng mạnh có thể bị thua trận. Một thương gia lanh lợi có thể rơi vào cảnh túng thiếu. Và nhiều chuyện bất ngờ khác làm cho đời sống không thể đoán trước được. Nhưng bạn có thể hoàn toàn chắc chắn về một điều: Vui hưởng đời sống trong lúc bạn làm điều lành và sống phù hợp với các luật pháp của Đức Chúa Trời về luân lý và làm theo ý muốn của ngài là con đường khôn ngoan và chắc chắn nhất (Truyền-đạo 9:11). Điều này bao gồm việc học hỏi từ Kinh-thánh để biết ý muốn Đức Chúa Trời là gì, dâng đời sống mình cho ngài và làm báp têm để trở thành tín đồ đấng Christ (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
19. Những người trẻ có thể dùng đời sống mình như thế nào, nhưng con đường nào là khôn ngoan?
19 Đấng Tạo hóa sẽ không ép buộc những người trẻ hoặc những ai khác phải theo sự chỉ dẫn của ngài. Họ có thể miệt mài học tập, có lẽ ngay cả dành suốt đời để nghiên cứu vô số các sách kiến thức của loài người. Điều này rốt cuộc sẽ làm cho thân xác mệt nhọc. Hoặc họ có thể chiều theo tấm lòng bất toàn và sự đam mê của mắt họ. Điều này chắc chắn sẽ đưa đến phiền toái, và cuộc sống như thế chẳng bao lâu sẽ tỏ ra là hư không (Truyền-đạo 11:9 đến 12:12; I Giăng 2:15-17). Vì thế Sa-lô-môn kêu gọi những người trẻ—một lời kêu gọi mà chúng ta nên suy xét kỹ càng, dù chúng ta đang ở lứa tuổi nào: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi, trước khi những ngày gian-nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng” (Truyền-đạo 12:1).
20. Chúng ta nên có quan điểm thăng bằng nào về thông điệp ghi trong sách Truyền-đạo?
20 Vậy thì chúng ta sẽ kết luận thế nào? Còn lời kết luận do Sa-lô-môn đưa ra thì sao? Ông đã xem thấy hoặc khảo sát “mọi việc làm ra dưới mặt trời; kìa, thảy đều hư-không, theo luồng gió thổi” (Truyền-đạo 1:14). Chúng ta không thấy lời lẽ của một người yếm thế hoặc bất mãn trong sách Truyền-đạo. Đó là một phần trong những Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn và rất đáng được chúng ta xem xét.
21, 22. a) Sa-lô-môn lưu tâm đến những khía cạnh nào của đời sống? b) Ông đã đi đến kết luận khôn ngoan nào? c) Việc xem xét nội dung của sách Truyền-đạo đã ảnh hưởng bạn thế nào?
21 Sa-lô-môn nghiên cứu về công lao, nỗi khó khăn và khát vọng của loài người. Ông suy gẫm về cách sự việc thường xảy ra, kết cuộc bất mãn và trống rỗng mà rất nhiều người gặp phải. Ông xem xét thực trạng của con người bất toàn và cái chết theo sau. Và ông đã lưu tâm đến những điều Đức Chúa Trời cho biết về tình trạng của người chết và những triển vọng về sự sống trong tương lai. Tất cả những điều này đã được nhận định bởi một người có sự khôn ngoan đặc biệt từ Đức Chúa Trời, đúng, một trong những người khôn ngoan nhất đã từng sống. Sau này lời kết luận của ông đã được ghi trong Kinh-thánh, đem lại lợi ích cho tất cả những ai muốn có một đời sống thật sự đầy ý nghĩa. Chẳng lẽ chúng ta lại không đồng ý hay sao?
22 “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết nầy: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến đỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền-đạo 12:13, 14).
[Chú thích]
a Tháp Canh (Anh ngữ) có lần bình luận một cách chí lý: “Chúng ta không nên phí đời sống để chạy theo những điều hư không... Nếu đời sống chỉ có thế thôi, thì chẳng có gì là quan trọng. Đời sống này như thể là quả banh được tung lên trời rồi lại rơi xuống đất. Nó là một cái bóng thoáng qua, một bông hoa héo dần, một ngọn cỏ sẽ bị cắt rồi không lâu sau đó sẽ tàn úa... So với thời gian vô tận, cuộc đời của chúng ta chỉ là một khoảnh khắc không đáng kể. Theo dòng thời gian nó còn chưa được như một giọt nước trong dòng suối. Chắc chắn [Sa-lô-môn] đã không sai khi ông xét qua nhiều nỗi quan tâm và hoạt động trong đời của một người và kết luận rằng chúng chỉ là hư không. Chẳng bao lâu mình lại chết đi, thật không bõ công được sinh ra, là một trong số hàng tỷ người đến rồi lại đi, rất ít người biết chúng ta đã ở đây. Quan điểm này không yếm thế hoặc u sầu hoặc ủ rũ hoặc đen tối. Đây là sự thật, một thực tại phải chạm trán, một quan điểm thực tiễn, nếu đời sống chỉ có thế thôi”.—Số ra ngày 1-8-1957, trang 472.
Bạn có nhớ không?
◻ Qua sự nhận định khôn ngoan, của cải có vai trò nào trong đời sống bạn?
◻ Tại sao chúng ta không nên quá chú trọng vào gia đình, danh vọng hoặc uy quyền trên người khác?
◻ Về sự vui chơi, Sa-lô-môn khuyến khích chúng ta nên có thái độ nào giống như của Đức Chúa Trời?
◻ Bạn được lợi ích thế nào nhờ xem xét sách Truyền-đạo?
[Các hình nơi trang 15]
Tiền bạc và của cải không bảo đảm cho mình được mãn nguyện
[Hình nơi trang 17]
Những người trẻ có thể tin chắc rằng mọi việc sẽ tốt đẹp nếu họ kính sợ Đức Chúa Trời