Sức tàn phá của sự chết
“MỘT EM BÉ SÁU TUỔI TỰ TỬ”. Đầu đề bài báo gây sửng sốt này nói về cái chết bi thảm của bé gái tên Jackie. Mẹ em vừa qua đời vì một căn bệnh vô phương cứu chữa. Trước khi lao đầu vào xe lửa, Jackie nói với anh chị em của mình rằng em muốn ‘thành một thiên thần và ở bên mẹ’.
Lúc 18 tuổi, anh Ian đã xin vị linh mục giải thích tại sao cha anh lại chết vì bệnh ung thư. Vị linh mục đáp rằng vì cha của Ian là người tốt nên Thiên Chúa muốn ông ở thiên đàng. Sau khi nghe lời giải thích đó, Ian kết luận rằng anh không muốn biết về một Thiên Chúa độc ác như thế. Vì đời sống dường như vô nghĩa, Ian tự buông mình theo lối sống hưởng lạc. Vì thế, anh tìm đến rượu, ma túy và lối sống trụy lạc. Đời anh mất phương hướng, vượt ngoài tầm kiểm soát.
“Kẻ sống biết mình sẽ chết”
Hai sự việc đau buồn này cho thấy sự chết có sức tàn phá cuộc sống con người đến mức nào, nhất là khi nó bất ngờ ập xuống. Dĩ nhiên, mọi người đều thừa nhận sự thật được ghi trong Kinh Thánh: “Kẻ sống biết mình sẽ chết”. (Truyền-đạo 9:5) Nhưng nhiều người không muốn nghĩ đến thực tế phũ phàng đó. Còn bạn thì sao? Đời sống có nhiều vấn đề chiếm hết thì giờ và mối quan tâm của chúng ta, khiến chúng ta đẩy lùi viễn cảnh của sự chết vì dường như nó còn ở xa.
Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) nói: “Phần đông người ta sợ chết và cố không nghĩ về nó”. Dù vậy, một tai nạn nghiêm trọng hay một căn bệnh đe dọa mạng sống có thể thình lình buộc chúng ta phải đối diện với tử thần. Hoặc có lẽ lễ tang của một người bạn hay một người thân là lời nhắc nhở cay đắng về kết cuộc đang chờ đón toàn thể nhân loại.
Tuy nhiên, tại buổi tang lễ, những người đưa tang thường nói những câu an ủi như : “Rồi cũng phải sống thôi”. Và quả là thế. Thật vậy, đời sống dường như trôi qua rất nhanh và chúng ta rồi cũng phải đương đầu với những vấn đề liên quan đến tuổi già. Đến lúc ấy, sự chết không còn là một viễn cảnh xa xôi nữa. Có quá nhiều buổi tang lễ phải dự và nhiều người bạn lâu năm lần lượt ra đi. Đối với nhiều người cao tuổi, câu hỏi bức xúc luôn ám ảnh họ là: “Bao giờ sẽ đến lượt mình đây?”
Một bí ẩn lớn
Dù không ai phủ nhận tính hiển nhiên của sự chết, điều gì xảy ra sau sự chết lại là một bí ẩn lớn. Những lời giảng giải mâu thuẫn nhau có thể khiến người hay hoài nghi cho rằng tất cả là những cuộc tranh luận vô ích về điều mà người ta không biết. Người theo chủ nghĩa thực tế có thể kết luận rằng “đời chỉ có một lần” nên phải hưởng thụ tối đa.
Ngược lại, những người khác không chịu tin rằng sự chết kết thúc mọi chuyện. Tuy vậy, họ không có ý niệm rõ ràng về điều gì xảy ra sau đó. Một số người cho rằng đời sống sẽ tiếp tục ở nơi cực lạc, trong khi những người khác lại nghĩ họ sẽ được sống lại trong tương lai, có lẽ với thân phận một con người khác.
Gia quyến của người quá cố luôn luôn tự hỏi: “Người chết ở đâu?” Vài năm trước đây, các thành viên của một đội bóng đá đang trên đường đi thi đấu, thình lình một xe tải đâm sầm vào và hất tung chiếc xe buýt nhỏ của họ văng ra khỏi đường. Năm người trong đội bị thiệt mạng. Đời sống của một người mẹ hầu như ngừng lại kể từ ngày con trai chết trong tai nạn ấy. Bà trăn trở với câu hỏi không biết hiện nay con mình ở đâu. Bà đều đặn viếng mộ và nói chuyện hàng giờ với con trai. Bà than thở : “Thật, tôi không thể tin rằng chết là hết, nhưng tôi không chắc lắm”.
Rõ ràng, thái độ của chúng ta đối với sự chết ảnh hưởng đến đời sống chúng ta hiện nay. Từ phản ứng của người ta đối với bi kịch của sự chết, vài câu hỏi được nêu lên. Hãy xét xem bạn có thể trả lời những câu hỏi ấy như thế nào. Phải chăng chúng ta nên quên sự chết và chỉ chú trọng vào việc sống mà thôi? Liệu chúng ta có nên để cho bóng dáng đầy đe dọa của sự chết hủy hoại đời sống chúng ta không? Thân nhân của người quá cố có phải thắc mắc mãi về người thân hiện ở đâu không? Sự chết phải chăng luôn là điều bí ẩn?