Hãy làm cho đời bạn thành công!
“Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ... Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.—THI-THIÊN 1:1, 3.
1. (a) Nhiều người trẻ trên thế giới có quan điểm như thế nào về sự thành công? (b) Kinh Thánh nói một người thành công là một người như thế nào?
THÀNH CÔNG—từ này có nghĩa gì với bạn? Một thanh niên nói: “Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là kinh doanh thành đạt”. Một thiếu nữ phát biểu: “Mơ ước chính của em là có một gia đình hạnh phúc”. Nhưng một thiếu nữ khác lại nói: “Em chỉ mơ có một căn hộ đẹp, một chiếc ô-tô đẹp... Em chỉ quan tâm đến mình em mà thôi”. Vấn đề là tiền bạc lẫn gia đình và ngay cả một nghề nghiệp kiếm nhiều tiền cũng không phải là cách đo lường sự thành công thật. Nơi Thi-thiên 1:1-3, chúng ta đọc: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ;... song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va... Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.
2. Sự thành công thật đến từ đâu, và một cách duy nhất để đạt được là gì?
2 Ở đây, Kinh Thánh hứa một điều mà không một người nào có thể cho được—đó là sự thành công thật! Nhưng Kinh Thánh không nói về lợi lộc tiền bạc. Chính Kinh Thánh cảnh cáo: “Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác”. (1 Ti-mô-thê 6:10) Thành công thật đến từ việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời—bao gồm việc tuân theo luật pháp của Đức Giê-hô-va. Chỉ điều này mới đem lại sự thỏa mãn và hạnh phúc thật sự! Có lẽ ý tưởng phải giữ luật pháp của Đức Giê-hô-va và phải làm theo những gì Ngài bảo xem ra không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói: “Phước cho những người ý thức đến nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Dù bạn ý thức hay không, bạn đã được dựng nên với những nhu cầu thiêng liêng—kể cả một nhu cầu nằm trong tận đáy lòng là muốn biết Đức Chúa Trời và hiểu các ý định của Ngài. Do đó, bạn chỉ cảm nghiệm được hạnh phúc thật nếu bạn thỏa mãn những nhu cầu này và tuân theo “luật-pháp của Đức Giê-hô-va”.
Tại sao chúng ta cần luật pháp của Đức Chúa Trời?
3. Tại sao chúng ta nên sung sướng để cho Đức Giê-hô-va ‘dẫn-đưa bước của chúng ta’?
3 Nhà tiên tri Giê-rê-mi viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Điều này đúng với mọi người, dù trẻ hay già. Không những chúng ta thiếu sự khôn ngoan, kinh nghiệm, và sự hiểu biết để hướng dẫn bước đi của mình mà chúng ta còn không có quyền làm điều này nữa. Ở Khải-huyền 4:11, Kinh Thánh nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va là “nguồn sự sống”. (Thi-thiên 36:9) Với tư cách đó, hơn ai hết, Ngài biết chúng ta nên dùng đời sống mình như thế nào. Bởi thế Ngài đã lập ra luật pháp, không phải để cướp đi niềm vui của chúng ta nhưng để giúp chúng ta được lợi ích. (Ê-sai 48:17) Bỏ qua luật pháp của Đức Chúa Trời, bạn không thể tránh khỏi thất bại.
4. Tại sao có quá nhiều người trẻ hủy hoại đời mình?
4 Chẳng hạn, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có quá nhiều người trẻ hủy hoại đời mình bằng ma túy, qua lối sống bừa bãi, và qua các hình thức sa đọa khác không? Thi-thiên 36:1, 2 giải thích: “Sự vi-phạm của kẻ ác nói trong lòng... rằng: Chẳng có sự kính-sợ Đức Chúa Trời ở trước mắt nó. Vì nó tự khoe mình rằng tội-ác mình sẽ chẳng lộ ra, và sẽ không bị ghét”. Vì không có “sự kính-sợ Đức Chúa Trời” cách lành mạnh nên nhiều người trẻ tự lừa dối mình, tin rằng thái độ liều lĩnh sẽ không đem lại hậu quả nào. Dù sao, cuối cùng họ sẽ phải đối diện với nguyên tắc không hề đổi thay này: “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác-thịt, sẽ bởi xác-thịt mà gặt sự hư-nát; song kẻ gieo cho Thánh-Linh, sẽ bởi Thánh-Linh mà gặt sự sống đời đời”.—Ga-la-ti 6:7, 8.
“Đếm các ngày”
5, 6. (a) Tại sao những người trẻ nên ‘đếm các ngày của mình’, và làm như vậy có nghĩa là gì? (b) ‘Tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa của chúng ta’ có nghĩa gì?
5 Làm thế nào bạn có thể làm cho đời mình thành công và “gặt sự sống đời đời”? Môi-se viết: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi... Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”. (Thi-thiên 90:10) Bạn có thể ít khi nghĩ đến cái chết. Thật ra, nhiều người trẻ hành động như thể họ không thể bị hủy diệt. Nhưng Môi-se đem chúng ta giáp mặt với một thực tế phũ phàng là đời sống ngắn ngủi. Thậm chí chẳng có bảo đảm nào là chúng ta sẽ sống được 70 hay 80 tuổi. “Thời thế và sự bất trắc” có thể cắt đứt cuộc đời ngay cả của những người còn trẻ và khỏe mạnh. (Truyền-đạo 9:11, NW) Vậy thì bạn sẽ dùng đời sống quý giá bạn hiện vui hưởng như thế nào? Môi-se cầu nguyện: “Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan”.—Thi-thiên 90:12.
6 Việc đếm các ngày của bạn nghĩa là gì? Nó không có nghĩa là bạn cứ bị ám ảnh với việc mình có thể sống bao lâu. Môi-se cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va dạy cho dân Ngài biết dùng những ngày còn lại trong đời họ sao cho đem lại vinh hiển cho Ngài. Bạn có đang đếm những ngày của đời mình—coi mỗi ngày như một tài nguyên quý giá được dùng để khen ngợi Đức Chúa Trời không? Kinh Thánh cho người trẻ sự khuyến khích này: “Khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai-hại khỏi xác-thịt ngươi; vì lúc thiếu-niên và thì xuân-xanh là sự hư-không mà thôi. Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi”. (Truyền-đạo 11:10–12:1) Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa của chúng ta không chỉ là không quên Ngài hiện hữu. Khi tên tử tội nài xin Chúa Giê-su “khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi”, ông ta muốn Chúa Giê-su làm nhiều hơn là chỉ nhớ đến tên của ông. Ông muốn Chúa Giê-su hành động, làm ông sống lại! (Lu-ca 23:42; so sánh Sáng-thế Ký 40:14, 23; Gióp 14:13). Tương tự như vậy, việc tưởng nhớ Đức Giê-hô-va bao hàm hành động, làm những gì đẹp lòng Ngài. Có thể nói bạn đang tưởng nhớ Đức Giê-hô-va không?
Tránh ghen tị với kẻ làm ác
7. Tại sao một số người trẻ quyết định quên Đấng Tạo Hóa của họ? Hãy cho thí dụ.
7 Nhiều người trẻ quyết định quên Đức Giê-hô-va vì họ cảm thấy quá gò bó khi là một Nhân Chứng. Một anh ở Tây Ban Nha nhớ lại cảm nghĩ của anh lúc còn là một thiếu niên như sau: “Tôi bị thế gian lôi cuốn vì lẽ thật xem ra khó và cứng nhắc. Trong lẽ thật, chỉ có ngồi, học hỏi, đi nhóm họp, đeo cà vạt và đây là những điều tôi không thích làm”. Thỉnh thoảng bạn có cảm thấy là bạn đang mất mát một cái gì đó vì phụng sự Đức Chúa Trời không? Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết một trong những người viết Kinh Thánh cũng trải qua cảm giác đó. Xin mở Kinh Thánh và đọc Thi-thiên 73.
8. Tại sao A-sáp “ganh-ghét kẻ kiêu-ngạo”?
8 Chúng ta cùng xem xét tỉ mỉ bài Thi-thiên này. Câu 2 và 3 nói: “Còn về phần tôi, chân tôi đã gần vấp, suýt chút bước tôi phải trượt. Vì khi tôi thấy sự hưng-thịnh của kẻ ác, thì có lòng ganh-ghét kẻ kiêu-ngạo”. Theo lời ghi chú ở đầu bài thì bài Thi-thiên này do A-sáp viết. Ông là một nhạc sĩ người Lê-vi và là người đồng thời với Vua Đa-vít. (1 Sử-ký 25:1, 2; 2 Sử-ký 29:30) Mặc dù có đặc ân phụng sự trong đền thờ của Đức Chúa Trời, ông “có lòng ganh-ghét” với những người khoe khoang về sự gian ác của chúng. Mọi việc xem ra đều tốt đẹp cho chúng; hình như chúng được hưởng bình an và yên ổn. Thật ra, sự thành công bề ngoài của chúng ‘vượt quá sự tưởng tượng trong lòng chúng’. (Câu 5, 7, NW) Chúng nói về thành quả của chúng “cách cao-kỳ”, nghĩa là với thái độ kiêu ngạo. (Câu 8) “Miệng thì nói hành thiên-thượng, còn lưỡi lại phao-vu thế-gian”, cho thấy chúng chẳng kính trọng ai—trên trời hay dưới đất.—Câu 9.
9. Một số tín đồ Đấng Christ trẻ ngày nay có cảm nghĩ giống như A-sáp như thế nào?
9 Có lẽ cũng có thể nói như vậy về các bạn đồng lứa của bạn tại trường học. Bạn có thể nghe thấy chúng khoe khoang mà không biết xấu hổ về tình dục luông tuồng, những cuộc liên hoan phóng túng, và rượu chè, hút xách vô độ. Khi so sánh đời sống của chúng, cái được gọi là đời sống vui thú, với con đường hẹp mà bạn phải bước theo với tư cách là tín đồ Đấng Christ, đôi khi bạn có thể cảm thấy “ganh-ghét kẻ kiêu-ngạo”. (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Chính A-sáp đi đến độ than lên: “Tôi đã làm cho lòng tôi tinh-sạch, và rửa tay tôi trong sự vô-tội, việc ấy thật lấy làm luống-công; vì hằng ngày tôi phải gian-nan”. (Câu 13, 14) Vâng, ông bắt đầu nghi ngờ về giá trị của việc phụng sự Đức Chúa Trời và việc sống một cuộc sống ngay thẳng.
10, 11. (a) Điều gì đã khiến A-sáp thay đổi thái độ? (b) Những kẻ làm ác ở “nơi trơn trợt” như thế nào? Hãy cho thí dụ.
10 May mắn thay, A-sáp đã không ở trong trạng thái tuyệt vọng lâu. Ông mau chóng nhận ra là sự bình an giả tạo của những kẻ ác chẳng có gì ngoài một ảo tưởng—một sự bình an tạm thời! Ông kêu lên: “Chúa thật đặt chúng nó tại nơi trơn-trợt, khiến cho chúng nó hư-nát. Ủa kìa, chúng nó bị hủy-diệt trong một lát! Chúng nó vì kinh-khiếp mà phải tiêu-hao hết trọi”. (Câu 18, 19) Cũng vậy, nhiều đứa bạn đồng lứa của bạn đang ở “nơi trơn-trợt”. Chẳng sớm thì muộn, cách ăn ở không tin kính của chúng sẽ đổ lại trên chúng, có thể với hậu quả là chửa hoang, mắc bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, thậm chí bị tù đày hoặc phải chết nữa! Nhưng tệ hơn hết là chúng phải xa cách Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 4:4.
11 Một chị Nhân Chứng trẻ ở Tây Ban Nha trực tiếp thấy được sự thật này. Khi còn trẻ, chị sống đời sống hai mặt, kết hợp mật thiết với một bọn người trẻ không tin kính. Chẳng bao lâu, chị yêu một đứa trong bọn—một đứa nghiền ma túy. Mặc dầu chị không dùng nhưng chị lại mua ma túy cho anh ta. Chị thú nhận: “Tôi thậm chí giúp anh ta chích ma túy vào người”. May mắn thay, chị này đã tỉnh ngộ và hồi phục về sức khỏe thiêng liêng. Nhưng thật sửng sốt biết bao khi sau đó ít lâu, chị hay tin là người bạn trai nghiện ma túy đó chết vì bệnh AIDS. Vâng, đúng như người viết Thi-thiên nói, những người không tin kính đang ở “nơi trơn-trợt”. Một số có thể chết bất thình lình vì lối sống phóng túng. Đối với những đứa còn lại, trừ khi chúng thay đổi đường lối, trong tương lai gần đây chúng sẽ phải đối diện với biến cố “Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8.
12. Một người trẻ ở Nhật Bản đã nhận ra việc ghen với những kẻ làm ác là ngu xuẩn như thế nào?
12 Vậy thật là ngu xuẩn khi ghen với “những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời”! Thật vậy, đáng lẽ chúng ta nên ghen với những người biết Đức Giê-hô-va và có hy vọng sống đời đời. Một anh trẻ ở Nhật Bản nhận ra như vậy. Là người trẻ, anh cũng “muốn nhiều tự do hơn”. Anh giải thích: “Tôi nghĩ là tôi đang mất mát một cái gì đó. Rồi tôi ý thức được đời tôi sẽ ra sao nếu không có lẽ thật. Tôi có thể thấy đời tôi kéo dài 70 hoặc 80 năm rồi chết. Còn Đức Giê-hô-va ban cho hy vọng sống đời đời! Nhờ ý thức điều này, tôi quí trọng những gì tôi có”. Dầu vậy, giữ trung thành giữa những người không theo luật pháp của Đức Chúa Trời không phải là dễ. Bạn có thể làm một số điều gì để chống lại áp lực này?
Coi chừng sự giao du!
13, 14. Tại sao việc lựa chọn bạn bè để giao du là quan trọng?
13 Chúng ta hãy xem lại sự mô tả một người thành công được ghi nơi Thi-thiên 1:1-3 như sau: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội-nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo-báng; song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.
14 Trước nhất, hãy lưu ý là sự giao du có vai trò quan trọng. Châm-ngôn 13:20 nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. Điều này không có nghĩa là phải lạnh lùng, không thân thiện, hoặc thô lỗ với người trẻ không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta yêu thương người lân cận và “hòa-thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:18; Ma-thi-ơ 22:39) Tuy nhiên, nếu bạn giao du quá thân mật với những người không theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh thì bạn đang bước “theo mưu-kế” của họ đó.
Lợi ích khi đọc Kinh Thánh
15. Người trẻ có thể vun trồng lòng ham thích đọc Kinh Thánh như thế nào?
15 Người viết Thi-thiên cũng nhận thấy rằng một người thành công là người vui vẻ đọc luật pháp của Đức Chúa Trời và “suy-gẫm [“đọc nhẩm”, NW] luật-pháp ấy ngày và đêm”. (Thi-thiên 1:1, 2) Công nhận là Kinh Thánh không phải dễ đọc và trong đó có “mấy khúc khó hiểu”. (2 Phi-e-rơ 3:16) Nhưng việc đọc Kinh Thánh không nhất thiết là việc cực nhọc. Bạn có thể tạo được sự “ham-thích sữa thiêng-liêng” của Lời Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 2:2) Bạn hãy cố gắng đọc mỗi ngày một ít. Nếu có những điểm mà bạn không hiểu, hãy tra cứu. Sau đó, hãy suy nghĩ về những gì bạn đã đọc. (Thi-thiên 77:11, 12) Nếu thấy khó tập trung, bạn hãy thử “đọc nhẩm”. Với thời gian, chắc chắn bạn sẽ yêu thích việc đọc Kinh Thánh hơn. Một chị trẻ ở Brazil kể lại: “Đức Giê-hô-va có vẻ luôn luôn xa vời đối với tôi. Nhưng trong mấy tháng qua, tôi đã cải thiện việc học hỏi cá nhân và đọc Kinh Thánh. Bây giờ tôi cảm thấy mối quan hệ cá nhân của tôi với Đức Giê-hô-va mạnh mẽ hơn. Ngài có thật hơn đối với tôi”.
16. Chúng ta có thể nhận được nhiều lợi ích hơn từ các buổi họp của hội thánh như thế nào?
16 Việc dự các buổi nhóm họp của hội thánh cũng quan trọng cho việc lớn lên về thiêng liêng. Nếu bạn ‘coi chừng về cách bạn nghe’, bạn có thể nhận được nhiều khích lệ. (Lu-ca 8:18) Đôi khi bạn có cảm thấy các buổi họp không mấy thích thú không? Bạn hãy tự hỏi: “Chính tôi làm gì để các buổi họp trở nên thích thú? Tôi có chú ý không? Tôi có chuẩn bị không? Tôi có bình luận không? Xét cho cùng, Kinh Thánh bảo chúng ta “hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành;... phải khuyên-bảo nhau”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Để làm được điều này, bạn phải tham gia! Dĩ nhiên, muốn tham gia, bạn phải học hỏi trước. Một chị trẻ thừa nhận: “Mình thật sự dễ dàng tham gia vào phiên họp hơn nếu có chuẩn bị”.
Theo đường lối của Đức Chúa Trời dẫn đến thành công
17. Một người siêng năng đọc Kinh Thánh giống “như cây trồng gần dòng nước” như thế nào?
17 Người viết Thi-thiên mô tả thêm về người thành công là người sẽ “như cây trồng gần dòng nước”. Dòng nước cũng có thể ám chỉ mương nước dùng tưới cây trong vườn cây ăn trái. (Ê-sai 44:4, NW) Việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày giống như việc được gắn vào một nguồn nuôi dưỡng và tưới mát vô tận. (Giê-rê-mi 17:8) Hàng ngày bạn sẽ nhận được sức mạnh cần thiết để chịu đựng thử thách và khó khăn. Được học lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, bạn sẽ có sự khôn ngoan cần thiết để quyết định đúng đắn.
18. Điều gì có thể bảo đảm cho một người trẻ thành công trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?
18 Thỉnh thoảng việc phụng sự Đức Giê-hô-va có vẻ khó khăn. Nhưng bạn đừng bao giờ cảm thấy công việc này quá khó để thi hành. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:11) Kinh Thánh hứa với bạn rằng cuối cùng, ‘mọi sự bạn làm đều sẽ được thạnh-vượng’, miễn là mục đích chính của bạn là làm vui lòng Đức Giê-hô-va! (Châm-ngôn 27:11) Bạn cũng nên nhớ là bạn không đơn độc đâu. Bạn có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ. (Ma-thi-ơ 28:20; Hê-bơ-rơ 13:5) Ngài và con Ngài biết áp lực bạn phải đương đầu và sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. (Thi-thiên 55:22) Bạn cũng có sự ủng hộ của “cả hiệp hội anh em”, và của cha mẹ bạn nếu họ là người kính sợ Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 2:17, NW) Với sự hỗ trợ như vậy, cùng với sự cương quyết và cố gắng của bạn, bạn có thể vui hưởng một đời sống thành công chẳng những bây giờ mà còn đời đời nữa!
Câu hỏi ôn
◻ Thế nào là sự thành công thật?
◻ Tại sao chúng ta cần Đức Giê-hô-va hướng dẫn bước đi của chúng ta?
◻ Những người trẻ có thể ‘đếm các ngày’ của họ như thế nào?
◻ Tại sao ghen với người làm ác là ngu xuẩn?
◻ Việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày và việc tham gia các buổi họp đều đặn giúp người trẻ vui hưởng một đời sống thành công như thế nào?
[Hình nơi trang 20]
Vì không có “sự kính-sợ Đức Chúa Trời” cách lành mạnh, nên nhiều người trẻ rơi vào cách ăn ở tàn hại
[Hình nơi trang 22]
Những người trẻ thường quên là hành động của họ sẽ mang lại hậu quả
[Hình nơi trang 23]
Hãy vun trồng lòng yêu thích đọc Kinh Thánh
[Hình nơi trang 23]
Bạn sẽ thấy buổi họp thích thú hơn nếu bạn tham gia