Khi chết, linh hồn sẽ ra sao?
“Học thuyết cho rằng linh hồn bất tử và tiếp tục sống sau khi con người chết và thân xác tan rữa là một trong những hòn đá góc của triết lý và thần học đạo Gia-tô”.—“NEW CATHOLIC ENCYCLOPEDIA”.
1. Cuốn New Catholic Encyclopedia thú nhận gì về linh hồn tồn tại sau khi chết?
TUY NHIÊN, tài liệu tham khảo trích dẫn trên thú nhận rằng “ý niệm linh hồn tồn tại sau khi chết không thấy có trong Kinh-thánh”. Vậy Kinh-thánh thật sự dạy khi chết, linh hồn sẽ ra sao?
Người chết vô ý thức
2, 3. Người chết trong tình trạng nào, và những câu Kinh-thánh nào cho thấy như vậy?
2 Tình trạng của người chết được nói rõ nơi Truyền-đạo 9:5, 10 như sau: “Kẻ chết chẳng biết chi hết... Vì dưới Âm-phủ... chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế cũng chẳng có tri-thức hay là sự khôn-ngoan”. Do đó, chết là tình trạng không hiện hữu. Người viết Thi-thiên nói rằng khi chết, “loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi” (Thi-thiên 146:4).
3 Như thế người chết không còn biết gì và không còn hoạt động. Khi tuyên án A-đam, Đức Chúa Trời phán: “Ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19). Trước khi được Đức Chúa Trời tạo ra từ bụi đất và ban cho sự sống, A-đam không hiện hữu. Vậy khi chết, A-đam trở về tình trạng đó. Hình phạt mà ông lãnh là sự chết—chứ không phải chuyển qua một cõi khác.
Linh hồn có thể chết
4, 5. Hãy cho thí dụ từ Kinh-thánh chứng tỏ linh hồn có thể chết.
4 Khi A-đam chết, linh hồn của ông ra sao? Chúng ta hãy nhớ chữ “linh hồn” trong Kinh-thánh thường vẻn vẹn ám chỉ một người. Vậy khi nói A-đam chết, chúng ta nói linh hồn tên là A-đam chết. Điều này có vẻ hơi lạ đối với người tin linh hồn bất tử. Tuy nhiên, Kinh-thánh nói: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Lê-vi Ký 21:1 (Nguyễn thế Thuấn), nói về “một vong linh” (một “người chết”, Bản Diễn Ý). Và nơi Dân-số Ký 6:6 (Nguyễn thế Thuấn), những người Na-xi-rê được khuyên là không nên đến gần “vong linh người chết” (“xác chết”, Trịnh Văn Căn).
5 Một dẫn chiếu tương tự về linh hồn được thấy nơi 1 Các Vua 19:4 (NW). Vì buồn thảm cực độ, Ê-li “bắt đầu xin cho linh hồn ông được chết”. Cũng thế, Giô-na “tiếp tục xin cho linh hồn ông được chết, và ông nói đi nói lại: ‘Về phần tôi, chết còn hơn sống’ ” (Giô-na 4:8, NW). Chính Chúa Giê-su cũng dùng câu “giết một linh hồn”, mà Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch là “giết người” (Mác 3:4, NW). Như vậy linh hồn chết chỉ có nghĩa là người chết.
‘Trút ra’ và “trở lại”
6. Kinh-thánh ngụ ý gì khi nói Ra-chên “gần trút” linh hồn?
6 Nhưng còn về cái chết thảm thương của Ra-chên khi sinh đứa con thứ hai thì sao? Nơi Sáng-thế Ký 35:18, chúng ta đọc: “Bởi Ra-chên gần trút linh-hồn, vì đương cơn hấp-hối, nên người đặt đứa con trai đó tên là Bê-nô-ni; còn cha nó lại đặt tên là Bên-gia-min”. Phải chăng câu này ám chỉ linh hồn nằm bên trong Ra-chên đã ra khỏi nàng lúc nàng chết? Không phải như vậy. Chúng ta hãy nhớ là từ “linh hồn” cũng có thể ám chỉ sự sống của một người. Vậy trong trường hợp này, “linh hồn” của Ra-chên chỉ có nghĩa là “sự sống” của nàng. Đó là lý do tại sao những bản dịch Kinh-thánh khác dịch câu “gần trút linh-hồn” là “gần chết” (Trịnh Văn Căn), “hấp hối” (Bản Diễn Ý). Không có điều gì cho thấy một phần huyền bí nào đó của Ra-chên còn sống sau khi nàng chết.
7. Linh hồn của đứa con bà góa “trở lại trong mình nó” bằng cách nào?
7 Trường hợp trên cũng giống như sự sống lại của đứa con trai bà góa được ghi lại nơi 1 Các Vua chương 17. Trong câu 22, chúng ta thấy khi Ê-li cầu nguyện cho đứa trẻ thì “Đức Giê-hô-va nhậm lời của Ê-li; linh-hồn của đứa trẻ trở lại trong mình nó, và nó sống lại”. Một lần nữa, từ “linh hồn” có nghĩa là “sự sống”. Do đó, bản New American Standard Bible dịch: “Sự sống của đứa trẻ trở lại trong mình nó và nó sống lại”. Đúng vậy, ấy là sự sống, chứ không phải một bóng mờ nào đó, trở lại trong mình đứa trẻ. Điều này phù hợp với lời Ê-li nói với mẹ đứa trẻ: “Hãy xem, con nàng [nguyên cả con người] sống” (1 Các Vua 17:23).
“Trạng thái chuyển tiếp”, một vấn đề nan giải
8. Nhiều người tự xưng là tín đồ đấng Christ tin điều gì sẽ xảy ra khi sống lại?
8 Nhiều người tự xưng là tín đồ đấng Christ tin sẽ có sự sống lại trong tương lai, và lúc đó thân xác sẽ kết hợp với linh hồn bất tử. Rồi những người sống lại sẽ nhận được số phận sau cùng—một phần thưởng cho những ai sống ngay thẳng, hoặc một hình phạt cho những người làm ác.
9. Từ ngữ “trạng thái chuyển tiếp” có nghĩa gì, và một số người nói linh hồn sẽ ra sao trong giai đoạn này?
9 Ý niệm này nghe ra giản dị. Nhưng những người tin linh hồn bất tử sẽ khó mà giải thích được linh hồn sẽ ra sao trong khoảng thời gian từ lúc chết đến lúc sống lại. Thực ra, “trạng thái chuyển tiếp”, như người ta thường gọi, đã khiến người ta suy diễn hàng bao thế kỷ. Một số người nói rằng trong khoảng thời gian này, linh hồn đi xuống luyện ngục, nơi đây linh hồn được thanh tẩy về các tội nhẹ để xứng đáng lên thiên đàng.a
10. Tại sao tin linh hồn bị giam trong luyện ngục sau khi chết là trái với Kinh-thánh, và trường hợp của La-xa-rơ xác nhận điều này như thế nào?
10 Như chúng ta đã thấy, linh hồn chính là người. Khi người chết thì linh hồn chết. Và như vậy, không còn sự hiện hữu nào sau khi chết cả. Thật vậy, khi La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su Christ không hề nói người đàn ông đó đang ở trong luyện ngục, ngục tổ tông hay bất cứ “trạng thái chuyển tiếp” nào khác. Thay vì thế, Chúa Giê-su chỉ nói: “La-xa-rơ, bạn ta, đang ngủ” (Giăng 11:11). Rõ ràng Chúa Giê-su biết sự thật về linh hồn sẽ ra sao khi chết. Ngài tin là La-xa-rơ không còn biết gì, không còn hiện hữu nữa.
Thần linh là gì?
11. Tại sao từ “thần linh” không ám chỉ một cái gì đó lìa khỏi xác và tồn tại sau khi chết?
11 Kinh-thánh nói khi một người chết, “thần linh ra khỏi, người trở về bụi đất” (Thi-thiên 146:4, NW). Có phải điều này có nghĩa là một thần linh thật sự lìa khỏi thân xác và tiếp tục sống sau khi một người chết không? Không phải như vậy, vì người viết Thi-thiên nói tiếp: “Trong chính ngày đó, tư tưởng người tiêu tan” (“mọi dự định của chúng sẽ sụp đổ”, Trịnh Văn Căn). Vậy thần linh là gì? Và lúc một người chết, nó “ra khỏi” như thế nào?
12. Từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được dịch ra là “thần-linh” trong Kinh-thánh ám chỉ cái gì?
12 Trong Kinh-thánh, từ dịch ra là “thần linh” (tiếng Hê-bơ-rơ là ruʹach; tiếng Hy Lạp là pneuʹma) chỉ có nghĩa là “hơi thở”. Vì thế, thay vì dịch “thần linh ra khỏi”, Bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch là “hơi thở tắt đi”. Nhưng từ “thần linh” không chỉ có nghĩa là thở. Chẳng hạn, khi mô tả sự hủy diệt loài người và loài thú vào thời kỳ đại Hồng Thủy, Sáng-thế Ký 7:22 nói: “Các vật có sanh-khí [hay thần linh, tiếng Hê-bơ-rơ là ruʹach] trong lỗ mũi, các vật ở trên đất liền đều chết hết”. Vậy “thần linh” có thể ám chỉ lực sống hoạt động trong các sinh vật, cả loài người lẫn thú vật và lực sống này được duy trì bằng hơi thở.
13. Có thể ví thần linh giống như dòng điện như thế nào?
13 Để minh họa: Nhờ dòng điện, một bộ máy hoạt động. Nếu dòng điện ngưng thì bộ máy cũng ngưng luôn. Dòng điện không phải là một phần của bộ máy. Tương tự như vậy, khi một người chết, thần linh sẽ ngừng sinh động trong các tế bào của cơ thể. Nó không hề rời thân thể và đi tới một cõi khác (Thi-thiên 104:29).
14, 15. Khi chết, thần linh trở về với Đức Chúa Trời như thế nào?
14 Vậy tại sao Truyền-đạo 12:7 lại nói rằng khi một người chết, “thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”? Phải chăng điều này có nghĩa là thần linh thật sự vượt không gian để đến trước mặt Đức Chúa Trời? Không phải như vậy. Chúng ta cần nhớ thần linh là sinh lực. Một khi sinh lực hết, chỉ Đức Chúa Trời mới có thể cho lại được mà thôi. Vậy thần linh “trở về nơi Đức Chúa Trời” có nghĩa là bất cứ hy vọng nào trong tương lai dành cho người đó từ đây hoàn toàn nằm trong tay Đức Chúa Trời.
15 Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể phục hồi thần linh, hay sinh lực, để rồi một người có thể sống lại (Thi-thiên 104:30). Nhưng Đức Chúa Trời có định làm như vậy không?
[Chú thích]
a Theo cuốn New Catholic Encyclopedia, “các Giáo Phụ [của Giáo Hội] nói chung đều xác nhận có luyện ngục”. Tuy nhiên, tài liệu tham khảo này cũng thú nhận rằng “học thuyết của Công Giáo về luyện ngục dựa trên truyền thống chứ không phải trên Kinh-thánh”.
[Khung nơi trang 23]
Ký ức về kiếp trước
NẾU không có gì tồn tại sau khi thân xác chết thì nói sao việc một số người cho rằng họ có ký ức về kiếp trước?
Học giả Ấn Độ Giáo Nikhilananda nói rằng ‘những kinh nghiệm sau khi chết không thể chứng minh bằng lý luận’. Trong bài thuyết trình “Các mẫu tin tưởng vào sự đời đời trong các tôn giáo”, nhà thần học Hans Küng đưa ra nhận xét: “Không có sự tường thuật nào—hầu hết do con nít hay do những nước tin vào luân hồi kể—về việc nhớ lại kiếp trước có thể kiểm chứng được”. Ông nói thêm: “Đa số [những nhà nghiên cứu cố công khảo sát lãnh vực này một cách khoa học] đều thừa nhận rằng những kinh nghiệm họ thâu lượm được không phải là cơ sở vững chãi để chứng minh có sự lặp lại cuộc đời trên đất”.
Còn nếu bạn cảm thấy chính bạn có ký ức về kiếp trước thì sao? Có thể có nhiều yếu tố khác nhau khiến bạn có cảm giác đó. Những tin tức mà chúng ta nhận được, một số lớn được tích trữ trong góc kín đáo nào đó ở trong tiềm thức của chúng ta vì chúng ta không dùng đến ngay. Khi những gì nằm trong trí nhớ mà chúng ta đã quên, hiện trở lại, một số người diễn giải hiện tượng này là bằng chứng có kiếp trước. Dù vậy, sự kiện là chúng ta chỉ có kinh nghiệm về đời sống hiện tại mà thôi, còn kinh nghiệm về đời sống khác thì không kiểm chứng được. Đại đa số người ta sống trên đất đều không hề có ký ức về việc họ đã sống trước; họ cũng chẳng nghĩ là họ đã từng sống trước nữa.