Chương 8
Điều gì xảy ra sau khi chết?
1. Người ta thường tự hỏi điều gì về những người chết?
CÓ LẼ bạn đã từng trải qua kinh nghiệm cảm thấy đời sống trống rỗng vì đã vừa mất một người thân. Tất bạn đã cảm thấy buồn bã và bất lực làm sao! Đương nhiên người ta tự hỏi: Điều gì xảy ra khi một người chết đi? Liệu người còn tiếp tục sống ở một nơi nào khác không? Những người còn sống có bao giờ có thể gặp lại tại đất này những người đã chết rồi không?
2. Điều gì đã xảy đến cho người đàn ông đầu tiên là A-đam khi người chết đi?
2 Để giải đáp những câu hỏi ấy, chúng ta cần biết điều gì đã xảy ra cho A-đam khi người chết. Khi A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời có nói với người rằng: “Ngươi (sẽ) trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19). Bạn hãy suy gẫm đến ý nghĩa của những lời đó. Trước khi Đức Chúa Trời lấy bụi đất để tạo ra A-đam, thì đã không có A-đam nào cả. Người đã không có hiện hữu. Thế thì sau khi A-đam chết, người đã trở về cát bụi, tức không còn hiện hữu nữa.
3. a) Sự chết là gì? b) Truyền-đạo 9:5, 10 nói gì về tình trạng của người chết?
3 Nói một cách giản dị, sự chết là phản nghĩa của sự sống. Kinh-thánh cho thấy điều này ở Truyền-đạo 9:5, 10. Các câu đó nói như sau: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi. Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ (mồ mả, NW), là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”.
4. a) Khi một người chết đi thì khả năng suy tưởng của người đó sẽ ra sao? b) Tại sao tất cả các giác quan của một người đều ngưng hoạt động khi người đó chết đi?
4 Điều này có nghĩa là người chết không thể làm gì được cả và không có cảm giác gì cả. Họ không còn có ý tưởng gì nữa, như Kinh-thánh có nói như sau: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ. Hơi-thở (thần linh, NW) tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi” (Thi-thiên 146:3, 4). Lúc người ta chết đi thì thần linh của người, tức sinh hoạt lực của người được duy trì bởi hơi thở, liền “mất đi”, tức là không còn nữa. Do đó các giác quan của con người như thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác và vị giác thảy đều ngưng hoạt động vì các giác quan đó tùy thuộc vào khả năng suy tưởng của con người. Thể theo Kinh-thánh, người chết đi vào một trạng thái hoàn toàn vô tri vô giác.
5. a) Kinh-thánh cho thấy rằng khi chết đi, loài người và loài thú giống nhau như thế nào? b) “Thần linh” làm cho người lẫn thú vật sống được là cái gì?
5 Khi loài người và loài thú chết đi, cả hai loài đều đi vào cùng một trạng thái hoàn toàn không còn biết gì nữa cả. Bạn hãy lưu ý đến lời giải thích của Kinh-thánh như sau: “Sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia; hai loài đều thở một thứ hơi (có một thứ thần linh, NW), loài người chẳng hơn gì loài thú; vì thảy đều hư-không. Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất” (Truyền-đạo 3:19, 20). Loài thú sống được nhờ có “hơi thở (thần linh)” như thế nào thì loài người cũng nhờ “hơi thở (thần linh)” mà sống thể ấy. Khi “thần linh”, hay sanh hoạt lực không thấy được, mất đi, thì cả người lẫn thú đều trở về bụi đất, vì chúng đã được tạo ra từ bụi đất.
LINH HỒN CHẾT ĐI
6. Kinh-thánh cho thấy thú vật là linh hồn như thế nào?
6 Một số người chủ trương rằng con người khác với thú vật là vì con người có linh hồn, trong khi thú vật thì không có. Tuy nhiên, Sáng-thế Ký 1:20 và 30 (NW) nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra những “linh hồn sống” để sống dưới nước, và các thú-vật có “sự sống như là linh hồn”. Trong những câu này vài bản dịch Kinh-thánh dùng chữ “vật sống” và “sự sống” thay vì “linh hồn”, song ở dưới thì chú thích rằng chữ “linh hồn” được dùng trong nguyên bản. Một trong những nơi mà Kinh-thánh gọi thú vật là linh hồn là ở Dân-số Ký 31:28 (NW). Câu đó nói về “một linh hồn trong năm trăm, hoặc người, hoặc bò, hoặc lừa hay chiên”.
7. Kinh-thánh có nói điều gì để chứng tỏ rằng cả linh hồn con người lẫn linh hồn của thú vật đều chết?
7 Vì lẽ thú vật là linh hồn cho nên khi chúng chết thì linh hồn chúng cũng chết. Kinh-thánh có nói như sau: “Phàm linh hồn sống ở trong biển đều chết hết” (Khải-huyền 16:3, NW). Còn linh hồn của con người thì sao? Như chúng ta đã được biết ở chương trước, Đức Chúa Trời đã không tạo ra con người với một linh hồn. Con người là một linh hồn. Vì thế chúng ta có thể chờ đợi là khi con người chết đi, linh hồn người cũng chết. Kinh-thánh đã từng lập đi lập lại rằng sự thật là như vậy. Kinh-thánh không hề dạy rằng linh hồn là bất tử hoặc không thể chết được. Thi-thiên 22:29 có nói như sau: “Mọi kẻ trở lại bụi đất, và những kẻ không thể bảo tồn linh hồn mình, sẽ quì xuống trước mặt Ngài” (NW). Ê-xê-chi-ên 18:4 và 20 có giải thích rằng: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Ngoài ra, theo nguyên bản, Giô-suê 10:28-39 có bảy chỗ nói rằng linh hồn bị giết hoặc bị hủy diệt.
8. Làm sao ta biết được là Giê-su Christ đã chết với tư cách là một linh hồn con người?
8 Có một lời tiên tri trong Kinh-thánh nói về Giê-su như sau: “Người đã đổ linh hồn mình cho đến chết...đã mang lấy tội lỗi nhiều người” (Ê-sai 53:12, NW). Giáo-lý về giá chuộc chứng tỏ rằng một linh hồn (A-đam) đã phạm tội, và để chuộc tội cho nhân loại tất cần phải hy sinh một linh hồn tương ứng (một người). Đấng Christ đã cung cấp giá chuộc đó, bằng cách “đổ linh hồn mình cho đến chết”. Giê-su đã chết với tư cách là một linh hồn con người.
9. Câu “thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời” có nghĩa gì?
9 Như chúng ta đã thấy, “thần linh” khác hẳn với linh hồn. Thần linh là sanh hoạt lực của chúng ta. Sanh hoạt lực này tiềm tàng ở trong mỗi tế bào của cơ thể của loài người lẫn loài thú và được duy trì nhờ hơi thở. Như vậy thì khi Kinh-thánh nói rằng lúc chết “bụi-tro trở vào đất y như nguyên-cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”, điều đó có nghĩa gì? (Truyền-đạo 12:7). Lúc người ta chết đi, dần dần sanh hoạt lực rời bỏ hết các tế bào của cơ thể và cơ thể bắt đầu mục nát. Song điều đó không có nghĩa là sanh hoạt lực của chúng ta thật sự rời bỏ trái đất và vượt qua không gian để về nơi Đức Chúa Trời. Nói cho đúng hơn, thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời theo nghĩa là giờ đây hy vọng về sự sống tương lai của chúng ta hoàn toàn nằm trong tay của Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền năng ban cho chúng ta thần linh hoặc sanh hoạt lực một lần nữa để chúng ta được sống lại (Thi-thiên 104:29, 30).
LA-XA-RƠ—MỘT NGƯỜI ĐÃ CHẾT BỐN NGÀY
10. Giê-su đã nói gì về tình trạng của La-xa-rơ, dù cho người đã chết?
10 Chúng ta sẽ hiểu rõ được tình trạng của những người chết qua trường hợp của La-xa-rơ, một người đã chết bốn ngày. Giê-su đã nói cùng các môn đồ của ngài như sau: “La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người”. Tuy nhiên, các môn đồ đáp lại rằng: “Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành”. Lúc đó Giê-su mới nói rõ ràng là: “La-xa-rơ chết rồi”. Tại sao Giê-su lại nói rằng La-xa-rơ đang ngủ trong khi thật ra người đã chết? Chúng ta hãy xem.
11. Giê-su đã làm gì cho người chết tên La-xa-rơ?
11 Trên đường đi đến làng của La-xa-rơ, nơi người đã từng sống, Giê-su đã gặp Ma-thê là em của La-xa-rơ. Kế đó họ cùng với nhiều người khác đi đến mộ của La-xa-rơ. Ấy là một cái mộ được đục trong một hang đá, và trước cửa hang có một hòn đá chận lại. Giê-su phán: “Hãy lăn hòn đá đi”. Bởi lẽ La-xa-rơ đã chết được bốn ngày rồi, Ma-thê phản đối như sau: “Lạy Chúa, đã có mùi”. Song người ta lăn hòn đá đi, và Giê-su kêu lớn tiếng: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” Và người đã ra thật! Người đã được sống lại mà đi ra, hãy còn quấn vải liệm khắp mình. Giê-su bảo: “Hãy mở cho người, và để người đi” (Giăng 11:11-44).
12, 13. a) Tại sao chúng ta có thể biết chắc rằng La-xa-rơ đã không biết gì cả khi người chết? b) Tại sao Giê-su đã nói rằng La-xa-rơ đang ngủ, trong khi thật ra người đã chết?
12 Giờ đây bạn hãy thử nghĩ xem: Trong bốn ngày mà La-xa-rơ chết thì người đã ở trong tình trạng nào? Liệu người có được lên trời hay không? Người đã từng là một người tốt. Giá mà người đã được lên trời thì lúc được sống lại người tất đã kể lại điều đó, song người lại không có nói gì đến việc lên trời cả. Không đâu, y như Giê-su đã nói, La-xa-rơ đã chết thật sự. Vậy thì tại sao thoạt tiên Giê-su đã bảo cùng các môn đồ của ngài là La-xa-rơ chỉ đang ngủ thôi?
13 Ấy là vì Giê-su biết rằng lúc chết đi La-xa-rơ đã không còn có tri giác gì cả, như Kinh-thánh có nói như sau: “Kẻ chết chẳng biết chi hết” (Truyền-đạo 9:5). Nhưng một người sống đang ngủ mê có thể được đánh thức. Giê-su chứng tỏ rằng với quyền năng của Đức Chúa Trời, La-xa-rơ bạn của ngài cũng có thể được đánh thức từ cõi chết.
14. Sự hiểu biết về quyền năng của đấng Christ làm cho kẻ chết sống lại phải thúc đẩy chúng ta làm điều gì?
14 Khi một người ngủ thật mê, người không nhớ gì cả. Đối với người chết cũng vậy; họ không có cảm giác nào cả. Họ không còn hiện hữu nữa. Song đến kỳ định của Đức Chúa Trời, những người chết đã được Đức Chúa Trời chuộc sẽ được sống lại (Giăng 5:28). Chắc chắn sự hiểu biết này phải thúc đẩy chúng ta muốn nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta làm thế, dù cho chúng ta có chết đi nữa, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời nhớ đến và làm cho sống lại (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13, 14).
[Các hình nơi trang 76]
A-ĐAM—do bụi đất mà ra... đã trở về bụi đất.
[Hình nơi trang 78]
La-xa-rơ ở trong tình trạng nào trước khi được Giê-su làm sống lại?