Duy trì niềm vui trong nghịch cảnh
“Phàm ai nương-náu mình nơi [Đức Giê-hô-va] sẽ khoái-lạc, cất tiếng reo-mừng đến mãi mãi”.—THI 5:11.
1, 2. (a) Ngày nay, một số nguyên nhân nào gây ra đau khổ? (b) Ngoài những tai họa xảy đến cho mọi người, tín đồ Đấng Christ gánh thêm gì?
Như bao người khác, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng gặp những khó khăn và tai họa. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của tội ác, chiến tranh và sự bất công. Tai ương, nghèo đói, bệnh tật và sự chết cũng gây biết bao đau khổ. Thật đúng như lời của sứ đồ Phao-lô: “Muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay” (Rô 8:22). Ngoài ra, chúng ta cũng phải gánh chịu hậu quả từ những lỗi lầm của bản thân. Có lẽ chúng ta có cùng cảm nghĩ như vua Đa-vít từng nói lỗi lầm của ông ‘vượt qua đầu ông, nặng quá cho ông’.—Thi 38:4.
2 Ngoài những tai họa xảy đến cho mọi người, tín đồ Đấng Christ gánh thêm cây khổ hình theo nghĩa bóng (Lu 14:27). Như Chúa Giê-su, họ cũng bị thù ghét và ngược đãi (Mat 10:22, 23; Giăng 15:20; 16:2). Vì thế muốn theo ngài, chúng ta phải gắng sức và bền đỗ trong khi chờ đợi ân phước mà thế giới mới sẽ đem lại.—Mat 7:13, 14; Lu 13:24.
3. Làm sao chúng ta biết đời sống của người tín đồ không nhất thiết phải đau buồn mới làm Đức Chúa Trời hài lòng?
3 Phải chăng điều này có nghĩa là đời sống của tín đồ Đấng Christ không có niềm vui và hạnh phúc? Cho đến lúc thế gian này bị kết liễu, đời sống của chúng ta có nhất thiết là những chuỗi ngày đau buồn không? Không. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hạnh phúc trong khi chờ đợi Ngài thực hiện lời hứa. Nhiều lần, Kinh Thánh miêu tả những người thờ phượng thật là những người hạnh phúc. (Đọc Ê-sai 65:13, 14). Thi-thiên 5:11 nói: “Ai nương-náu mình nơi [Đức Giê-hô-va] sẽ khoái-lạc, cất tiếng reo-mừng đến mãi mãi”. Thật vậy, ngay cả khi đương đầu với tai họa, chúng ta vẫn có được niềm vui, bình an nội tâm và sự thỏa nguyện. Hãy xem xét cách Kinh Thánh giúp chúng ta đối phó với khó khăn và giữ được niềm vui.
Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”
4. Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi các tạo vật không làm theo ý Ngài?
4 Chúng ta hãy xem gương của Đức Giê-hô-va. Là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Ngài có quyền trên toàn vũ trụ. Ngài không thiếu điều gì và cũng không cần ai. Dù quyền lực vô song như thế, hẳn Đức Giê-hô-va vẫn buồn khi một thần linh phản nghịch và trở thành Sa-tan. Ngài cũng đau lòng khi một số thiên sứ khác hùa theo hắn. Ngoài ra, hãy tưởng tượng Đức Chúa Trời đau buồn thế nào khi A-đam và Ê-va, kiệt tác của Ngài trên đất, trở nên bất trung. Kể từ đó, hàng tỷ con cháu của họ cũng chối bỏ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va.—Rô 3:23.
5. Điều gì làm buồn lòng Đức Giê-hô-va?
5 Cuộc phản nghịch mà Sa-tan khởi xướng vẫn đang tiếp diễn. Khoảng 6.000 năm qua, Đức Giê-hô-va nhìn thấy đầy dẫy cảnh bạo lực, chém giết, vô luân và thờ thần giả (Sáng 6:5, 6, 11, 12). Hơn thế, Ngài phải nghe những lời xuyên tạc và phạm thượng vô cùng kinh tởm. Ngay cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời đôi lúc cũng làm Ngài phiền lòng. Kinh Thánh miêu tả một trường hợp như thế: “Biết mấy lần chúng nó phản-nghịch cùng Ngài nơi đồng vắng, và làm phiền Ngài trong chỗ vắng-vẻ!” (Thi 78:40). Khi dân sự bất trung, chắc chắn nỗi đau của Ngài rất lớn (Giê 3:1-10). Rõ ràng, tình huống xấu có thể xảy ra và khi ấy Đức Chúa Trời rất buồn lòng.—Đọc Ê-sai 63:9, 10.
6. Đức Chúa Trời làm gì trước cảnh gây đau buồn cho Ngài?
6 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không để sự đau buồn chế ngự. Khi vấn đề xảy ra, Ngài đã nhanh chóng hành động nhằm hạn chế hậu quả. Ngài cũng đưa ra biện pháp lâu dài để sau này thực hiện ý định ban đầu. Nhờ những hành động tích cực này, Đức Giê-hô-va lạc quan mong chờ ngày quyền tối thượng của Ngài được biện minh. Ngài cũng nóng lòng nghĩ đến ân phước mà ngày đó sẽ đem lại cho các tôi tớ trung thành (Thi 104:31). Thật vậy, dù bị sỉ nhục nhưng Đức Giê-hô-va vẫn là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”.—1 Ti 1:11; Thi 16:11.
7, 8. Khi điều trái ý muốn xảy ra, làm sao chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va?
7 Đành rằng, chúng ta không thể so sánh với Đức Giê-hô-va về khả năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta có thể noi gương Ngài khi đương đầu với nghịch cảnh. Khi điều trái ý muốn xảy ra, buồn nản là chuyện bình thường, nhưng chúng ta không nên để đau buồn kéo dài. Vì được tạo ra theo hình ảnh của Đức Giê-hô-va, chúng ta có khả năng suy xét và sự khôn ngoan. Nhờ đó, chúng ta có thể xem xét vấn đề và ứng phó cách tích cực, miễn là vấn đề nằm trong tầm tay của mình.
8 Trong đời sống, có một số vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhận ra thực tế này là điều quan trọng để đối phó với khó khăn. Trăn trở lo lắng mãi đến vấn đề chỉ khiến chúng ta càng bất mãn, và mất đi vô số niềm vui mà việc phụng sự mang lại. Sau khi đã hành động hợp lý hầu giải quyết vấn đề, tốt nhất không nên nghĩ tới nữa và nên tập trung vào những điều bổ ích. Những lời tường thuật dưới đây sẽ minh họa về điểm này.
Cần thăng bằng
9. An-ne tỏ thái độ thăng bằng như thế nào?
9 Hãy xem trường hợp của An-ne, mẹ nhà tiên tri Sa-mu-ên. Bà từng rất sầu khổ vì son sẻ. Bởi lý do đó, bà bị xem thường và chế giễu. Đôi khi An-ne chán nản đến nỗi chỉ biết khóc, chẳng thiết ăn uống gì (1 Sa 1:2-7). Một trong những lần đi lên đền thờ, An-ne đã “sầu-khổ trong lòng, vừa cầu-khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ” (1 Sa 1:10). Sau khi An-ne trút nỗi lòng cho Đức Giê-hô-va, thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li đến nói với bà: “Hãy đi bình-yên, nguyện Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng đã cầu-xin cùng Ngài!” (1 Sa 1:17). Vào lúc này, có lẽ An-ne ý thức rằng bà đã làm hết sức và không thể làm gì hơn để thay đổi tình trạng. An-ne tỏ thái độ thăng bằng. Sau đó, bà “lui ra, ăn, và nét mặt [bà] chẳng còn ra ưu-sầu nữa”.—1 Sa 1:18.
10. Phao-lô có cái nhìn thực tế nào khi đương đầu với một vấn đề mà ông không giải quyết được?
10 Sứ đồ Phao-lô cũng có cái nhìn thực tế khi đương đầu với khó khăn. Ông đã khổ sở vì một vấn đề mà ông gọi là “cái giằm xóc vào thịt” (2 Cô 12:7). Chúng ta không biết rõ đó là gì, nhưng Phao-lô đã cố gắng đối phó và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp. Ông nài xin Ngài bao nhiêu lần về vấn đề ấy? Ba lần. Sau lần thứ ba, Đức Chúa Trời cho Phao-lô biết Ngài sẽ không làm phép lạ để “cái giằm” đó mất đi. Phao-lô chấp nhận thực tế và tập trung hết sức vào việc phụng sự.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:8-10.
11. Cầu nguyện khi đương đầu với khó khăn mang lại lợi ích nào?
11 Qua các trường hợp trên, chúng ta không nên kết luận rằng việc cầu nguyện khi gặp chuyện đau buồn là vô ích (Thi 86:7). Trái lại, Lời Đức Chúa Trời khuyến khích: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”. Ngài đáp lại lời cầu xin như thế nào? Kinh Thánh nói tiếp: “Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 4:6, 7). Vâng, Đức Giê-hô-va không luôn trừ bỏ vấn đề, nhưng chắc chắn Ngài nhậm lời bằng cách bảo vệ tâm trí chúng ta. Sau khi cầu nguyện về một vấn đề nào đó, có lẽ chúng ta nhận ra là không nên để lo lắng chế ngự vì sẽ rất tai hại.
Tìm niềm vui trong việc phụng sự
12. Tại sao tình trạng buồn nản kéo dài rất tai hại?
12 Câu Châm-ngôn 24:10 xác nhận: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con nhỏ-mọn thay”. Câu khác nói: “Tại lòng buồn-bã trí bèn bị nao-sờn” (Châm 15:13). Một số tín đồ rơi vào tình trạng buồn nản đến mức ngưng đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện của họ trở nên chiếu lệ, họ tự cô lập mình và không giao tiếp với anh em. Rõ ràng, tình trạng buồn nản kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại.—Châm 18:1, 14.
13. Một số hoạt động nào giúp xua tan nỗi buồn và đem lại niềm vui?
13 Trái lại, người có thái độ tích cực sẽ tập trung vào những điều mang lại niềm vui. Đa-vít viết: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa” (Thi 40:8). Khi tình thế khó khăn xảy ra, chúng ta đừng bao giờ bỏ các thói quen tốt trong việc thờ phượng. Thật vậy, cách tốt nhất để xua tan nỗi buồn là tham gia vào các hoạt động đem lại niềm vui. Đức Giê-hô-va cho biết chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc cùng sự thỏa nguyện trong việc đều đặn đọc và suy ngẫm Lời Ngài (Thi 1:1, 2; Gia 1:25). Qua Kinh Thánh và các buổi nhóm họp, chúng ta nhận những “lời lành” khiến tinh thần phấn chấn và lòng vui mừng.—Châm 12:25; 16:24.
14. Lời hứa nào của Đức Giê-hô-va cho chúng ta niềm vui ngay từ bây giờ?
14 Nhờ Đức Chúa Trời, chúng ta có nhiều lý do để vui mừng. Ngài hứa sẽ giải cứu chúng ta và đó là nguồn phấn khởi lớn (Thi 13:5). Dù hiện nay phải trải qua điều gì đi nữa, chúng ta tin chắc rằng cuối cùng người chân thành tìm kiếm Đức Chúa Trời sẽ được ban thưởng. (Đọc Truyền-đạo 8:12). Nhà tiên tri Ha-ba-cúc nói lên niềm tin chắc đó qua lời sống động sau: “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; cây ô-li-ve không sanh-sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ-ăn; bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi tôi”.—Ha 3:17, 18.
“Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!”
15, 16. Hãy nêu một số món quà mà chúng ta được hưởng ngay bây giờ.
15 Tương lai tuyệt vời đang chờ đón chúng ta. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi, Đức Giê-hô-va cũng muốn chúng ta hưởng những điều tốt lành. Kinh Thánh nói: “Chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền 3:12, 13). “Làm lành” bao gồm làm những việc tốt cho người khác. Chúa Giê-su dạy rằng ban cho có phước hơn là nhận lãnh. Làm những điều tốt cho người hôn phối, con cái, cha mẹ và họ hàng sẽ mang lại sự thỏa lòng sâu xa (Châm 3:27). Thái độ ân cần, lòng hiếu khách và khoan dung với anh em đồng đạo cũng góp phần tạo niềm vui, đồng thời làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va (Ga 6:10; Cô 3:12-14; 1 Phi 4:8, 9). Hơn nữa, tham gia thánh chức với tinh thần hy sinh cũng đem lại sự mãn nguyện.
16 Những lời trên trong sách Truyền-đạo đề cập đến niềm vui bình thường của đời sống, chẳng hạn như ăn uống. Thật vậy, dù gặp thử thách chúng ta vẫn có được niềm vui từ những món quà mà Đức Giê-hô-va ban. Chúng ta được ngắm hoàng hôn rực rỡ, cảnh vật hùng vĩ, thú con đùa giỡn và những điều tuyệt diệu khác trong thiên nhiên mà không phải mất tiền. Những điều đó khiến chúng ta vui thích và thán phục. Càng ngẫm nghĩ chúng ta càng yêu mến Đức Giê-hô-va, Đấng ban mọi thứ tốt lành.
17. Nhờ điều gì chúng ta sẽ được giải thoát hoàn toàn khỏi nghịch cảnh? Trong khi chờ đợi, điều gì an ủi chúng ta?
17 Cuối cùng, chúng ta sẽ được giải thoát hoàn toàn khỏi nghịch cảnh và hưởng niềm vui bất tận. Đó là kết quả từ việc chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va, vâng giữ các điều răn của Ngài và tin vào giá chuộc của Chúa Giê-su (1 Giăng 5:3). Trong khi chờ đợi, thật an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va thấu hiểu mọi khó khăn của chúng ta. Đa-vít viết: “Tôi sẽ vui-mừng và khoái-lạc bởi sự nhân-từ của Chúa; vì Chúa đã đoái đến sự hoạn-nạn tôi, biết nỗi sầu-khổ linh-hồn tôi” (Thi 31:7). Bởi tình yêu thương, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu chúng ta khỏi tai họa.—Thi 34:19.
18. Tại sao dân sự của Đức Chúa Trời nên vui mừng?
18 Trong khi chờ đợi lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực, mong sao chúng ta noi gương Ngài, Đức Chúa Trời hạnh phúc. Chúng ta đừng để những cảm xúc tiêu cực chế ngự, khiến mình chùn bước trong việc phụng sự. Khi gặp vấn đề, hãy để khả năng suy xét và sự khôn ngoan hướng dẫn. Trong nghịch cảnh, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc và làm những gì có thể nhằm hạn chế khó khăn. Chúng ta hãy tìm niềm vui trong những điều tốt lành Ngài ban, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhờ duy trì mối quan hệ gần gũi với Ngài, chúng ta sẽ vui mừng vì ‘dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình thì có phước’!—Thi 144:15.
Bạn học được gì?
• Khi đương đầu với nghịch cảnh, chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào?
• Làm sao thái độ thăng bằng giúp chúng ta đương đầu với nghịch cảnh?
• Những lúc gặp khó khăn, làm sao chúng ta tìm được niềm vui trong việc phụng sự?
[Các hình nơi trang 16]
Đức Giê-hô-va phiền lòng trước những điều tồi tệ đang xảy ra
[Nguồn tư liệu]
© G.M.B. Akash/Panos Pictures
[Các hình nơi trang 18]
Đức Giê-hô-va cho chúng ta những phương cách để duy trì niềm vui