Chương hai
Một người cha và các đứa con bội nghịch
1, 2. Hãy giải thích làm thế nào Đức Giê-hô-va lại có những đứa con bội nghịch.
ÔNG cung cấp đầy đủ cho các con như bất cứ bậc cha mẹ yêu thương nào. Trong nhiều năm, ông lo sao cho các con có đủ đồ ăn, quần áo mặc và chốn ở. Ông sửa phạt chúng khi cần. Nhưng sự sửa phạt không bao giờ quá trớn và luôn luôn được giữ cho “có chừng-mực”. (Giê-rê-mi 30:11) Vậy chúng ta có thể tưởng tượng được sự đau đớn của người cha yêu thương này khi thấy ông thốt lên: “Ta đã nuôi-nấng con-cái, trưởng-dưỡng chúng nó, song chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta”.—Ê-sai 1:2b.
2 Những đứa con bội nghịch nói ở đây là dân tộc Giu-đa và người cha đau buồn đó là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thật thảm thương thay! Đức Giê-hô-va đã nuôi dưỡng dân Giu-đa và đã nâng họ lên một địa vị ưu đãi giữa các dân. Sau này Ngài nhắc nhở họ qua tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Ta mặc áo thêu cho mầy, cho mầy mang giày sắc lam, thắt lưng mầy bằng vải gai mịn, đắp cho mầy bằng hàng-lụa”. (Ê-xê-chi-ên 16:10) Song, nói chung dân Giu-đa không biết ơn về những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho họ. Không những vậy, họ còn phản nghịch hay là dấy loạn nữa.
3. Tại sao Đức Giê-hô-va gọi trời và đất làm chứng về sự dấy loạn của dân Giu-đa?
3 Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để mở lời về những đứa con bội nghịch của Ngài bằng lời lẽ như sau: “Hỡi các từng trời, hãy nghe; hỡi đất, hãy lắng tai; vì Đức Giê-hô-va có phán”. (Ê-sai 1:2a) Nhiều thế kỷ trước đó, nói theo nghĩa bóng, trời và đất đã nghe dân Y-sơ-ra-ên nhận được những lời cảnh cáo minh bạch về hậu quả của sự bất tuân. Môi-se nói: “Ngày nay ta bắt trời và đất làm chứng quyết cho các ngươi rằng các ngươi sẽ chết vội, và khuất-mất khỏi xứ mà mình sẽ đi nhận lấy tại bên kia sông Giô-đanh”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:26) Bây giờ trong thời của Ê-sai, Đức Giê-hô-va gọi trời vô hình và đất hữu hình làm chứng về sự dấy loạn của dân Giu-đa.
4. Đức Giê-hô-va quyết định đến với dân Giu-đa như thế nào?
4 Vì tình trạng nghiêm trọng nên phải có một phương pháp thẳng thắn. Tuy nhiên, ngay trong những hoàn cảnh nguy kịch này, điều đáng chú ý và làm chúng ta ấm lòng là Đức Giê-hô-va đến với dân Giu-đa như một người cha yêu thương chứ không lạnh lùng như người chủ đã chuộc họ. Thật ra, Đức Giê-hô-va đang kêu gọi dân Ngài xem xét vấn đề trên quan điểm của một người cha buồn rầu về các đứa con ngỗ nghịch. Có lẽ chính một số bậc cha mẹ trong nước Giu-đa cũng ở trong tình trạng khó khăn như thế và có thể động lòng nhờ minh họa này. Dù thế nào đi nữa, Đức Giê-hô-va sắp sửa kiện cáo dân Giu-đa.
Không bằng súc vật vô lý trí
5. Trái với dân Y-sơ-ra-ên, bò và lừa đã tỏ ra trung thành qua những cách nào?
5 Đức Giê-hô-va phán qua Ê-sai: “Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ; song Y-sơ-ra-ên chẳng hiểu-biết, dân ta chẳng suy-nghĩ”. (Ê-sai 1:3)a Bò và lừa là những thú vật dùng để kéo xe mà những người sống ở miền Trung Đông đều quen thuộc. Thật vậy, người Giu-đa không thể chối là ngay cả những thú vật thấp hèn này cũng tỏ ra trung thành, biết rõ chúng thuộc về một người chủ. Về khía cạnh này, hãy xem xét những gì mà một nhà khảo cứu Kinh Thánh được chứng kiến vào cuối ngày tại một thành phố ở Trung Đông: “Vừa vào tường thành là bầy súc vật tản mát ngay. Mỗi con bò biết rất rõ chủ mình, biết đường về nhà và cũng chẳng ngơ ngác một giây phút nào trên những con đường hẹp và ngoằn ngoèo. Còn con lừa, thì nó đi thẳng về cửa, và đến tận ‘máng của chủ’ ”.
6. Dân Giu-đa đã hành động thiếu hiểu biết như thế nào?
6 Hiển nhiên vì những cảnh như thế là thông thường vào thời Ê-sai nên thông điệp của Đức Giê-hô-va thật rõ: Nếu như súc vật vô lý trí cũng nhận biết chủ và máng riêng của chúng, vậy dân Giu-đa bào chữa thế nào được về việc từ bỏ Đức Giê-hô-va? Thật vậy, họ đã “chẳng hiểu-biết”. Như thể họ không nhận thức được sự kiện là sự thịnh vượng và ngay cả sự sống của họ đều tùy thuộc Đức Giê-hô-va. Thật ra, việc Đức Giê-hô-va vẫn còn gọi dân Giu-đa là “dân ta” là bằng chứng về lòng thương xót của Ngài!
7. Chúng ta có thể tỏ ra biết ơn về những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va qua những cách nào?
7 Chúng ta đừng bao giờ hành động thiếu hiểu biết, tỏ ra không biết ơn về tất cả những gì mà Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta! Thay vì thế, chúng ta nên bắt chước người viết Thi-thiên là Đa-vít, đã nói: “Tôi sẽ hết lòng cảm-tạ Đức Giê-hô-va, tỏ ra các công-việc lạ-lùng của Ngài”. (Thi-thiên 9:1) Tiếp tục học về Đức Giê-hô-va sẽ khuyến khích chúng ta về phương diện này, vì Kinh Thánh nói rằng “sự nhìn-biết Đấng Thánh, đó là sự thông-sáng”. (Châm-ngôn 9:10) Việc hàng ngày suy ngẫm về các ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho sẽ giúp chúng ta có lòng biết ơn, chứ không coi thường Cha trên trời của chúng ta. (Cô-lô-se 3:15) Đức Giê-hô-va nói là “kẻ nào dâng sự cảm-tạ làm của-lễ, tôn vinh ta; còn người nào đi theo đường ngay-thẳng, ta sẽ cho thấy sự cứu-rỗi của Đức Chúa Trời”.—Thi-thiên 50:23.
Dám sỉ nhục “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”
8. Tại sao có thể gọi dân Giu-đa là “nước mắc tội”?
8 Bằng những lời mạnh mẽ, Ê-sai tiếp tục nói thông điệp cho nước Giu-đa: “Ôi! nước mắc tội, dân mang lỗi nặng-nề, tông-giống độc-dữ, con-cái làm bậy-bạ kia! Chúng nó đã lìa-bỏ Đức Giê-hô-va, khinh-lờn Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, đã trở nên xa-lạ và lui đi”. (Ê-sai 1:4) Những việc làm gian ác có thể chồng chất đến mức trở thành một gánh nặng nề. Vào thời Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va tả tội lỗi của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ “thật nặng nề”. (Sáng-thế Ký 18:20, Bản Diễn Ý) Giờ đây, tình trạng của dân Giu-đa cũng tương tự, vì Ê-sai nói là họ mang “lỗi nặng-nề”. Ngoài ra, ông gọi họ là “tông-giống độc-dữ, con-cái làm bậy-bạ”. Đúng vậy, dân Giu-đa giống như con cái phạm pháp. Họ đã “lui đi” và “trở nên xa-lạ” đối với Cha của họ.
9. Câu “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên” có ý nghĩa gì?
9 Bởi đường lối ương ngạnh, dân Giu-đa tỏ ra hết sức vô phép đối với “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”. Câu “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”, xuất hiện 25 lần trong sách Ê-sai, có ý nghĩa gì? Thánh có nghĩa là trong sạch và tinh khiết. Đức Giê-hô-va là thánh đến mức tột bực. (Khải-huyền 4:8) Dân Y-sơ-ra-ên được nhắc nhở về sự kiện này mỗi lần họ thấy chữ khắc trên cái thẻ bằng vàng lóng lánh gắn trên mão của thầy tế lễ thượng phẩm: “Thánh cho Đức Giê-hô-va”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 39:30) Do đó, khi nói đến Đức Giê-hô-va là “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”, Ê-sai nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng của tội lỗi của Giu-đa. Dân bội nghịch này đã trắng trợn vi phạm mệnh lệnh mà Ngài đã ban cho tổ phụ của họ: “Ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh”!—Lê-vi Ký 11:44.
10. Chúng ta có thể tránh tỏ ra vô phép với “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên” như thế nào?
10 Các tín đồ Đấng Christ ngày nay phải hết sức tránh gương xấu của dân Giu-đa đã vô phép với “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”. Họ phải bắt chước sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va. (1 Phi-e-rơ 1:15, 16) Họ cũng cần “ghét sự ác”. (Thi-thiên 97:10) Những thực hành ô uế như tình dục vô luân, thờ hình tượng, trộm cắp và say sưa có thể làm hư hỏng hội thánh tín đồ Đấng Christ. Đó là lý do tại sao người nào không chịu từ bỏ những thực hành ấy sẽ bị khai trừ khỏi hội thánh. Cuối cùng, những kẻ không ăn năn tiếp tục lối sống ô uế sẽ không được vui hưởng các ân phước của chính phủ Nước Trời. Thật vậy, tất cả những thực hành gian ác đều gây ra một sự sỉ nhục lớn đối với “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”.—Rô-ma 1:26, 27; 1 Cô-rinh-tô 5:6-11; 6:9, 10.
Bệnh từ đầu tới chân
11, 12. (a) Hãy mô tả tình trạng xấu xa của nước Giu-đa. (b) Tại sao chúng ta không nên tội nghiệp cho dân Giu-đa?
11 Kế đó, Ê-sai cố gắng lý luận với dân Giu-đa bằng cách chỉ cho họ thấy tình trạng bệnh hoạn của họ. Ông nói: “Các ngươi sao còn cứ bạn-nghịch, để lại bị đánh nữa?” Thật ra, Ê-sai đang hỏi họ: ‘Các người đau khổ chưa đủ sao? Tại sao cứ tiếp tục bội nghịch để gây hại thêm cho mình?’ Ê-sai nói tiếp: “Đầu đều đau-đớn cả, lòng đều mòn-mỏi cả. Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành”. (Ê-sai 1:5, 6a) Dân Giu-đa ở trong tình trạng bệnh hoạn ghê tởm—bệnh hoạn về thiêng liêng từ đầu đến chân. Thật là một cuộc chẩn bệnh bi quan!
12 Chúng ta có nên tội nghiệp cho dân Giu-đa không? Thật khó lòng! Nhiều thế kỷ trước đó, toàn thể quốc gia Y-sơ-ra-ên đã được cảnh cáo thích đáng về hình phạt của tội bất tuân. Một phần cảnh cáo đó như sau: “Đức Giê-hô-va sẽ giáng cho ngươi một thứ ung-độc tại trên đầu gối và chân, không thể chữa lành được, tự bàn chân chí chót đầu”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:35) Theo nghĩa bóng, dân Giu-đa giờ đây phải chịu các hậu quả bởi đường lối bướng bỉnh của họ. Chỉ cần vâng lời Đức Giê-hô-va thì dân Giu-đa có thể tránh được tất cả những điều này.
13, 14. (a) Dân Giu-đa bị những vết thương nào? (b) Tình trạng khốn khổ của dân Giu-đa có khiến họ suy nghĩ lại đường lối phản nghịch của họ không?
13 Ê-sai tiếp tục mô tả tình trạng thảm thương của dân Giu-đa: “Những vết thương, vít sưng cùng lằn mới, chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho êm”. (Ê-sai 1:6b) Ở đây, nhà tiên tri nói tới ba loại thương tích: vết thương (như bị dao hay gươm cắt), vít sưng (bầm tím vì bị đánh), và lằn mới (vết thương mới lở loét xem ra không lành được). Đây là sự mô tả về một người bị trừng phạt nặng nề theo cách ghê gớm nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra được, vì không có chỗ nào trên thân thể mà không bị hư hại. Dân Giu-đa thật sự ở trong tình trạng tuyệt vọng.
14 Tình trạng khốn khổ của dân Giu-đa có thúc đẩy họ trở lại với Đức Giê-hô-va không? Không! Dân Giu-đa giống như người chống nghịch, tả nơi Châm-ngôn 29:1: “Người nào bị quở-trách thường, lại cứng cổ mình, sẽ bị bại-hoại thình-lình, không phương cứu-chữa”. Nước này xem ra không chữa được nữa. Và như Ê-sai diễn tả, các vết thương của nó “chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho êm”.b Theo một nghĩa nào đó, nước Giu-đa giống như một vết thương lở loét cả người không được băng bó.
15. Chúng ta có thể tự bảo vệ khỏi bệnh hoạn về thiêng liêng bằng cách nào?
15 Học được bài học từ nước Giu-đa, chúng ta phải đề phòng chống lại bệnh hoạn về thiêng liêng. Giống như sự đau ốm về thể xác, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị bệnh. Nói cho cùng, ai trong chúng ta lại không dễ dàng chiều theo ham muốn của xác thịt? Sự tham lam và ham muốn vui thú quá đáng có thể đâm rễ trong lòng chúng ta. Do đó, chúng ta cần rèn luyện chính mình để “gớm sự dữ” và “mến sự lành”. (Rô-ma 12:9) Chúng ta cũng cần vun trồng bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời trong đời sống hàng ngày. (Ga-la-ti 5:22, 23) Làm như thế, chúng ta sẽ tránh được tình trạng đau thương đã xảy ra cho dân Giu-đa—đó là bị bệnh hoạn về thiêng liêng từ đầu tới chân.
Một nước hoang vu
16. (a) Ê-sai mô tả tình trạng lãnh thổ của Giu-đa như thế nào? (b) Tại sao một số người nói rằng những lời này rất có thể đã được phát biểu trong đời Vua A-cha, nhưng chúng ta có thể hiểu như thế nào?
16 Bây giờ Ê-sai bỏ qua sự so sánh về y học và quay sang tình trạng lãnh thổ của Giu-đa. Giống như ông nhìn chăm chăm xuống cánh đồng đầy vết tích của chiến tranh, ông nói: “Xứ các ngươi là nơi hoang-vu, thành các ngươi bị lửa thiêu-hủy; dân ngoại nuốt đất-đai các ngươi trước mặt các ngươi, hoang-vu như bị dân ngoại phá-tán”. (Ê-sai 1:7) Một số học giả nói rằng mặc dù những lời này được thấy nơi phần đầu sách Ê-sai, nhưng có lẽ nhà tiên tri nói những lời ấy sau này trong sự nghiệp làm tiên tri, rất có thể trong đời Vua A-cha, một vua gian ác. Họ quả quyết là triều đại của Ô-xia quá hưng thịnh không thích hợp với sự mô tả ảm đạm như thế. Đành rằng không thể nói chắc chắn là sách Ê-sai có được biên soạn theo thứ tự thời gian hay không, nhưng những lời mô tả của Ê-sai về sự hoang vu có lẽ mang nghĩa tiên tri. Khi phát biểu như trên, Ê-sai dường như dùng một phương pháp thấy ở những nơi khác trong Kinh Thánh—đó là mô tả một biến cố tương lai như là đã xảy ra rồi, và như thế nhấn mạnh tính cách chắc chắn của sự ứng nghiệm của lời tiên tri.—So sánh Khải-huyền 11:15.
17. Tại sao lời tiên tri về sự hoang vu không có gì đáng ngạc nhiên đối với dân Giu-đa?
17 Dù sao đi nữa, sự mô tả có tính cách tiên tri về sự hoang vu của Giu-đa không có gì đáng ngạc nhiên đối với dân tộc cứng đầu và bất tuân này. Nhiều thế kỷ trước đó, Đức Giê-hô-va đã cảnh cáo họ về những gì sẽ xảy ra nếu họ phản nghịch. Ngài nói: “Ta sẽ làm xứ ra đồi-bại, đến đỗi kẻ thù-nghịch ở tại đó cũng lấy làm lạ. Ta sẽ tản-lạc các ngươi trong các dân và rút gươm ra đuổi theo sau các ngươi: xứ các ngươi sẽ hoang-vu, thành sẽ vắng-vẻ”.—Lê-vi Ký 26:32, 33; 1 Các Vua 9:6-8.
18-20. Những lời nơi Ê-sai 1:7, 8 được ứng nghiệm khi nào, và Đức Giê-hô-va ‘để một ít người sót lại’ vào lúc này bằng cách nào?
18 Hình như những lời nơi Ê-sai 1:7, 8 được ứng nghiệm trong thời gian A-si-ri xâm lăng, đưa tới việc nước Y-sơ-ra-ên bị tàn phá. Sự tàn phá này cũng lan tới nước Giu-đa, gây khổ sở cho nước này. (2 Các Vua 17:5, 18; 18:11, 13; 2 Sử-ký 29:8, 9) Tuy nhiên, nước Giu-đa không bị phá hủy hoàn toàn. Ê-sai nói: “Con-cái [“con gái”, “NW”] Si-ôn bị bỏ [“còn sót”, “NW”] lại như lều vườn nho, như chòi ruộng dưa, như thành bị vây”.—Ê-sai 1:8.
19 Giữa cảnh tan hoang, “con gái Si-ôn” tức Giê-ru-sa-lem sẽ còn chỗ đứng. Nhưng nàng trông thật thảm hại—giống như một túp lều trong vườn nho hoặc cái chòi của người canh ruộng dưa. Trong một cuộc hành trình dọc theo sông Ni-lơ, một học giả vào thế kỷ 19 đã nhớ lại những lời của Ê-sai khi ông nhìn thấy những túp lều tương tự mà ông mô tả là “mỏng manh chẳng khác gì một hàng rào trước cơn gió bắc”. Ở nước Giu-đa, khi mùa gặt xong thì người ta bỏ hoang những lều này mặc cho xiêu vẹo và đổ nát. Dù Giê-ru-sa-lem xem ra mỏng manh trước lực lượng bách chiến bách thắng của A-si-ri, nó sẽ còn tồn tại.
20 Ê-sai kết thúc lời tiên tri này như sau: “Ví bằng Đức Giê-hô-va vạn-quân chẳng để chúng ta còn sót lại chút-đỉnh, thì chúng ta sẽ giống thành Sô-đôm và như thành Gô-mô-rơ vậy!” (Ê-sai 1:9)c Cuối cùng Đức Giê-hô-va đã đến trợ giúp Giu-đa chống lại nước A-si-ri hùng mạnh. Khác với Sô-đôm và Gô-mô-rơ, nước Giu-đa sẽ không bị phá sạch. Nó sẽ tồn tại.
21. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị Ba-by-lôn phá hủy, tại sao Đức Giê-hô-va đã ‘để một ít người sót lại’?
21 Hơn 100 năm sau, nước Giu-đa lại bị đe dọa lần nữa. Dân tộc này không học được gì từ sự trừng phạt giáng trên họ qua A-si-ri. “Chúng [“cứ”, NW] nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài”. Hậu quả là “cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”. (2 Sử-ký 36:16) Vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa chinh phục nước Giu-đa, và lần này, không còn chừa lại gì ‘như một cái lều trong vườn nho’. Thậm chí Giê-ru-sa-lem bị phá hủy. (2 Sử-ký 36:17-21) Dù vậy, Đức Giê-hô-va ‘để một ít người sót lại’. Mặc dù nước Giu-đa phải chịu lưu đày 70 năm, Đức Giê-hô-va đã bảo đảm là quốc gia này, đặc biệt là dòng Đa-vít sinh ra Đấng Mê-si theo lời hứa, sẽ tiếp tục tồn tại.
22, 23. Vào thế kỷ thứ nhất, tại sao Đức Giê-hô-va đã ‘để một ít người sót lại’?
22 Trong thế kỷ thứ nhất, Y-sơ-ra-ên trải qua sự khủng hoảng cuối cùng với tư cách dân tộc trong giao ước với Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là Đấng Mê-si theo lời hứa, nước này đã từ bỏ ngài, và hậu quả là Đức Giê-hô-va từ bỏ họ. (Ma-thi-ơ 21:43; 23:37-39; Giăng 1:11) Phải chăng điều này có nghĩa Đức Giê-hô-va sẽ không còn một dân tộc đặc biệt trên đất? Không. Sứ đồ Phao-lô cho thấy là Ê-sai 1:9 còn một sự ứng nghiệm khác. Trích dẫn từ bản dịch Septuagint, ông viết: “Lại như Ê-sai đã nói tiên-tri rằng: Nếu Chúa vạn-quân chẳng để lại một cái mầm của dòng-giống chúng ta, thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy”.—Rô-ma 9:29.
23 Lần này những người sống sót là các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, những người đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Những người này lúc đầu toàn là người Do Thái tin đạo. Sau này có những người ngoại tin đạo gia nhập vào. Cả hai họp lại thành dân Y-sơ-ra-ên mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16; Rô-ma 2:29) “Dòng-giống” này đã sống sót khi hệ thống mọi sự của Do Thái bị hủy diệt vào năm 70 CN. Thật vậy, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” vẫn ở với chúng ta ngày nay. Hiện nay hàng triệu người tin đạo thuộc các nước hợp thành đám đông “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”; đám đông này đã gia nhập với “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Khải-huyền 7:9.
24. Tất cả mọi người nên ghi nhớ điều gì nếu muốn sống sót qua cơn khủng hoảng lớn nhất của nhân loại?
24 Chẳng bao lâu nữa, thế gian này sẽ phải đối diện với trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. (Khải-huyền 16:14, 16) Mặc dù trận chiến này sẽ là một cuộc khủng khoảng lớn hơn là cuộc xâm chiếm hoặc của người A-si-ri hoặc của Ba-by-lôn đối với nước Giu-đa, thậm chí còn lớn hơn cuộc tàn phá của La Mã đối với dân Giu-đa vào năm 70 CN, nhưng sẽ có người sống sót. (Khải-huyền 7:14) Vậy thật là thiết yếu để mọi người chúng ta cẩn thận xem xét những lời của Ê-sai nói cho dân Giu-đa! Những lời này có hiệu lực đem lại sự sống sót cho những người trung thành vào thời ấy. Chúng cũng có hiệu lực như vậy cho những người tin tưởng ngày nay.
[Chú thích]
a Trong văn mạch này, “Y-sơ-ra-ên” ám chỉ nước Giu-đa gồm hai chi phái.
b Những lời của Ê-sai phản ánh cách điều trị vào thời ông. Nhà khảo cứu Kinh Thánh, ông E. H. Plumptre ghi nhận: “Trước hết người ta ‘nặn’ hay ‘ấn’ vết thương có mủ để lấy mủ ra; rồi, như trường hợp Ê-xê-chia (chương xxxviii. Ê-sai 38:21), ‘băng bó’ lại với thuốc đắp, rồi thoa dầu hay thuốc cao, có lẽ giống như ở Lu-ca x. 34, gồm dầu và rượu được dùng để rửa vết loét ”.
c Trong sách Commentary on the Old Testament, tác giả là ông C. F. Keil và ông F. Delitzsch phát biểu: “Nơi đây, bài thuyết trình của nhà tiên tri tạm thời kết thúc. Sự kiện bài thuyết trình chia ra làm hai phần riêng biệt tại điểm này được thấy qua khoảng cách giữa câu 9 và 10 trong bản văn. Kiểu tách biệt ra các phần lớn hơn và nhỏ hơn này, hoặc bằng cách để khoảng trống hoặc bằng cách cắt đứt hàng, thì đã được dùng từ lâu, trước cả các nguyên âm và dấu và dựa trên một truyền thống cổ xưa nhất”.
[Hình nơi trang 20]
Không giống như Sô-đôm và Gô-mô-rơ, nước Giu-đa sẽ không bị bỏ hoang vĩnh viễn