Vui vẻ ngay bây giờ và cho đến mãi mãi
“Các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên. Thật, ta dựng nên Giê-ru-sa-lem cho sự vui, và dân nó cho sự mừng-rỡ” (Ê-SAI 65:18).
1. Sự thờ phượng thật đã ảnh hưởng đến người ta trải qua hàng bao thế kỷ như thế nào?
TRẢI QUA các thế kỷ, vô số người đã tìm được sự vui vẻ dồi dào trong việc phụng sự Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va. Đa-vít là một trong số nhiều người vui vẻ trong sự thờ phượng thật. Kinh-thánh kể lại rằng khi hòm giao ước được đem về Giê-ru-sa-lem, “Đa-vít và cả nhà Y-sơ-ra-ên lấy tiếng vui-mừng và tiếng kèn thổi mà thỉnh hòm của Đức Giê-hô-va lên” (II Sa-mu-ên 6:15). Sự vui mừng như thế trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va không chỉ là chuyện quá khứ. Bạn cũng có thể vui mừng như thế. Và không bao lâu nữa bạn còn có thể có những niềm vui mới!
2. Ngoài sự ứng nghiệm đầu tiên của sách Ê-sai đoạn 35 qua việc người Do-thái hồi hương, ngày nay một sự ứng nghiệm khác liên can đến ai?
2 Trong bài trước, chúng ta đã xem xét sự ứng nghiệm sơ khởi của lời tiên tri khích lệ ghi nơi Ê-sai đoạn 35. Chúng ta có thể đúng lý gọi đây là lời tiên tri về sự phục hưng bởi vì điều đó đã ứng nghiệm cho dân Do Thái thời xưa. Ngày nay cũng có một sự ứng nghiệm tương tự. Làm sao thế? Đức Giê-hô-va đã bắt đầu chú tâm vào những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng kể từ thời các sứ đồ của Giê-su và những người khác vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên. Đó là những người được thánh linh Đức Chúa Trời xức dầu cho và hợp thành nhóm mà sứ đồ Phao-lô gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:16; Rô-ma 8:15-17). Cũng hãy nhớ rằng nơi I Phi-e-rơ 2:9, các tín đồ đấng Christ này được gọi là “dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời”. Tiếp theo đó Phi-e-rơ viết về trách nhiệm được giao cho dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng: “Hầu cho anh em rao-giảng nhơn-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài”.
Được ứng nghiệm thời nay
3, 4. Tình trạng đã như thế nào khi Ê-sai đoạn 34 được ứng nghiệm vào thời nay?
3 Có một thời vào đầu thế kỷ này khi những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại trên đất đã không liên tục rao truyền thông điệp ấy. Họ đã không hoàn toàn vui mừng về ánh sáng tuyệt diệu của Đức Chúa Trời. Thật thế, họ ở trong tình trạng khá tối tăm. Khi nào vậy? Và Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm gì?
4 Đó là trong giai đoạn Thế Chiến I, ít lâu sau khi Nước Trời trong tay đấng Mê-si được thành lập trên trời vào năm 1914. Các nước, với sự ủng hộ của hàng giáo phẩm thuộc các giáo hội tại nhiều xứ, đã nổi giận với nhau (Khải-huyền 11:17, 18). Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời chống lại các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ cùng với hàng giáo phẩm cao trọng của chúng y như ngài đã chống lại nước Ê-đôm kiêu ngạo thuở xưa. Bởi vậy, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, tức nước Ê-đôm được tượng trưng trước, ở trong vị thế để nhận sự ứng nghiệm thời nay của Ê-sai đoạn 34. Việc nó bị hủy diệt đời đời để ứng nghiệm lời này là điều chắc chắn cũng như sự ứng nghiệm lần đầu đối với nước Ê-đôm xưa vậy (Khải-huyền 18:4-8, 19-21).
5. Ê-sai đoạn 35 có được sự ứng nghiệm loại nào thời nay?
5 Còn về lời tiên tri nơi Ê-sai đoạn 35 nhấn mạnh đến sự vui mừng thì sao? Thời nay lời tiên tri này cũng đã được ứng nghiệm. Như thế nào? Qua việc giải cứu dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng khỏi một tình trạng bị giam cầm. Chúng ta hãy xem các sự kiện thật ra có thể nói là thuộc lịch sử thần quyền cận đại, xảy ra trong thời của nhiều người hiện còn sống.
6. Tại sao ta có thể nói rằng những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại rơi vào tình trạng bị giam cầm?
6 Trong khoảng thời gian tương đối ngắn trong Thế Chiến I, những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại đã không giữ mình hoàn toàn thanh sạch và đã không theo sát ý muốn của Đức Chúa Trời. Một số người trong vòng họ bị tì vết bởi những sai lầm về giáo lý và họ đã hòa giải vì không giữ một lập trường rõ rệt về phía Đức Giê-hô-va khi gặp áp lực phải ủng hộ các nước tham chiến. Trong những năm chiến tranh ấy, họ trải qua đủ mọi sự bắt bớ. Tại nhiều nơi ngay cả các sách báo giải thích Kinh-thánh mà họ dùng cũng bị cấm đoán. Cuối cùng, một số anh có trách nhiệm lớn đã bị cáo oan và bỏ tù. Nhìn lại quá khứ thì không khó mà thấy rằng theo một nghĩa nào đó dân sự Đức Chúa Trời đã bị giam cầm thay vì được tự do. (So sánh Giăng 8:31, 32). Họ bị thiển cận trầm trọng về thiêng liêng (Ê-phê-sô 1:16-18). Họ đã tỏ ra tương đối im tiếng, không ngợi khen Đức Chúa Trời với hậu quả là họ không sanh ra bông trái về mặt thiêng liêng (Ê-sai 32:3, 4; Rô-ma 14:11; Phi-líp 2:11). Bạn có thấy điều này tương đương thế nào với tình trạng của những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn không?
7, 8. Những người được xức dầu còn sót lại thời nay được phục hưng theo nghĩa nào?
7 Nhưng Đức Chúa Trời có bỏ mặc các tôi tớ thời nay của ngài trong tình trạng ấy không? Không, ngài nhất định phục hưng họ phù hợp với lời tiên tri qua Ê-sai. Vậy lời tiên tri này nơi đoạn 35 [Ê-sai 35] được ứng nghiệm rõ rệt thời nay, qua việc phục hưng số người còn sót lại trong dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng để họ lại được thịnh vượng và khỏe mạnh trong một địa đàng thiêng liêng. Nơi Hê-bơ-rơ 12:12, Phao-lô áp dụng Ê-sai 35:3 theo nghĩa tượng trưng, ủng hộ cho việc chúng ta áp dụng phần tiên tri này của Ê-sai theo nghĩa thiêng liêng.
8 Trong thời hậu chiến, những người được xức dầu còn sót lại trong dân Y-sơ-ra-ên đã được giải thoát theo nghĩa tượng trưng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dùng Giê-su Christ, tức Si-ru Lớn, để giải cứu họ. Như vậy những người còn sót lại có thể ra công tái thiết, giống như việc những người Do-thái còn sót lại thời xưa đã thực hiện khi hồi hương để xây lại đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng này trong thời nay đã có thể bắt đầu vun trồng và tạo ra một địa đàng thiêng liêng xanh tươi, một cảnh vườn Ê-đen theo nghĩa tượng trưng.
9. Làm sao tình trạng giống như điều được miêu tả nơi Ê-sai 35:1, 2, 5-7 phát triển vào thời nay?
9 Với ý nghĩ này, chúng ta hãy xem xét một lần nữa Ê-sai đoạn 35, và trước hết hãy xem câu 1 và 2 [Ê-sai 35:1, 2]. Nơi mà dường như là một miền khô cằn đã thật sự bắt đầu trổ hoa và biến thành một vùng phì nhiêu như đồng bằng Sa-rôn thuở xưa. Rồi hãy xem các câu 5 đến 7 [Ê-sai 35:5-7]. Những người được xức dầu còn sót lại, một số hiện còn sống và đắc lực phụng sự Đức Giê-hô-va, đã được mở mắt để thông hiểu. Họ có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của những gì đã xảy ra vào năm 1914 và sau đó. Điều đó cũng ảnh hưởng đến nhiều người chúng ta là những người hợp thành đám đông “vô-số người” hiện cùng phụng sự với lớp người còn sót lại (Khải-huyền 7:9).
Bạn có phần trong sự ứng nghiệm này không?
10, 11. a) Bạn có liên can thế nào đến sự ứng nghiệm của Ê-sai 35:5-7? b) Chính cá nhân bạn cảm thấy thế nào về những sự thay đổi này?
10 Hãy tự lấy mình làm thí dụ. Trước khi bạn tiếp xúc với Nhân-chứng Giê-hô-va, bạn có đọc Kinh-thánh đều đặn không? Nếu có, bạn có hiểu nhiều không? Chẳng hạn, bây giờ thì bạn biết về tình trạng người chết. Có lẽ bạn có thể chỉ cho một người muốn biết về đề tài này xem các đoạn Kinh-thánh thích hợp nơi Sáng-thế Ký đoạn 2, Truyền-đạo đoạn 9 và Ê-xê-chi-ên đoạn 18 cũng như nhiều đoạn khác nữa. Vâng, rất có thể bạn hiểu Kinh-thánh dạy gì về nhiều đề tài. Nói một cách giản dị, Kinh-thánh có ý nghĩa đối với bạn và bạn có thể giải thích nhiều điều cho người khác như bạn chắc chắn đã làm.
11 Nhưng mỗi người chúng ta nên tự hỏi: ‘Làm sao tôi đã học được tất cả những gì tôi biết về lẽ thật Kinh-thánh? Trước khi học hỏi với dân của Đức Chúa Trời, tôi có tìm thấy tất cả các đoạn Kinh-thánh vừa kể không? Tôi có hiểu ý nghĩa các đoạn đó và đi đến những kết luận đúng với ý nghĩa đó không?’ Câu trả lời thành thật cho các câu hỏi này có lẽ là không. Không ai nên phật lòng vì câu nói đó, nhưng có thể nói là bạn về căn bản đã mù lòa về các câu Kinh-thánh này và ý nghĩa của chúng. Có phải như vậy không? Các câu đó nằm trong Kinh-thánh, nhưng bạn đã không thể nhận định ra hoặc hiểu được ý nghĩa của chúng. Vậy thì làm thế nào mắt của bạn đã được mở ra về mặt thiêng liêng? Đó là nhờ những gì Đức Giê-hô-va đã thực hiện khi làm ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai 35:5 nơi lớp người được xức dầu còn sót lại. Rồi thì mắt bạn đã mở ra. Bạn không còn ở trong sự tối tăm về thiêng liêng nữa. Bạn có thể thấy được. (So sánh Khải-huyền 3:17, 18).
12. a) Tại sao chúng ta có thể nói rằng đây không phải là thời kỳ dành cho sự chữa bệnh thể xác bằng phép lạ? b) Trường hợp anh F. W. Franz minh họa cách Ê-sai 35:5 được ứng nghiệm vào thời nay như thế nào?
12 Khi học hỏi Kinh-thánh và cách đối xử của Đức Chúa Trời qua hàng bao thế kỷ, những người sắc sảo biết rằng, xét theo lịch sử, đây không phải là thời kỳ để chữa lành bằng phép lạ (I Cô-rinh-tô 13:8-10). Vậy chúng ta không trông mong Giê-su Christ mở mắt cho người mù để chứng tỏ ngài là đấng Mê-si, là Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời (Giăng 9:1-7, 30-33). Chúng ta cũng không mong ngài làm cho tất cả những người điếc nghe được trở lại vào lúc này. Anh Frederick W. Franz, một trong những anh được xức dầu và cố chủ tịch Hội Tháp Canh (Watch Tower Society), khi gần 100 tuổi, đã được coi là mù trên pháp lý và đã phải dùng máy trợ thính. Qua vài năm, anh đã không thể thấy đường đọc sách; nhưng ai lại nghĩ anh ấy bị mù hoặc điếc theo nghĩa của Ê-sai 35:5? Cái nhìn thiêng liêng sâu sắc của anh thật đã là một ân phước cho dân Đức Chúa Trời khắp thế giới.
13. Ngày nay dân Đức Chúa Trời thấy được sự đảo ngược tình thế hoặc sự phục hưng nào?
13 Hoặc lưỡi bạn thì sao? Những người được xức dầu của Đức Chúa Trời có lẽ đã lặng tiếng trong thời kỳ bị câu thúc về thiêng liêng. Nhưng một khi Đức Chúa Trời đảo ngược tình thế đó, lưỡi họ bắt đầu reo lên vui mừng về những gì họ biết liên quan đến Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập và các lời ngài hứa cho tương lai. Họ có lẽ đã giúp bạn nói năng được. Trong quá khứ bạn đã nói về lẽ thật Kinh-thánh với người khác nhiều đến đâu? Có lẽ có một lúc nào đó bạn đã nghĩ: ‘Tôi thích học Kinh-thánh, nhưng tôi sẽ không bao giờ đi nói chuyện với người lạ đâu’. Tuy nhiên, có phải “lưỡi kẻ câm” hiện nay ‘đang hát’ không? (Ê-sai 35:6).
14, 15. Làm sao mà nhiều người bước đi trên “đường thánh” trong thời nay?
14 Những người Do Thái xưa được phóng thích ra khỏi Ba-by-lôn phải đi một đoạn đường dài để hồi hương. Việc này tương đương với điều gì trong thời nay? Hãy xem Ê-sai 35:8: “Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh. Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua”.
15 Từ khi được ra khỏi tình trạng bị câu thúc về thiêng liêng, những người được xức dầu còn sót lại, bây giờ có hàng triệu chiên khác làm bạn, đã ra khỏi Ba-by-lôn Lớn và đi trên một con đường cái theo nghĩa bóng, một con đường thánh sạch dẫn vào địa đàng thiêng liêng. Chúng ta đang cố gắng hết sức nhằm hội đủ điều kiện để bước lên và tiếp tục ở trên con đường thánh này. Hãy tự nghĩ đến chính mình. Các tiêu chuẩn đạo đức và nguyên tắc mà bạn vâng theo bây giờ lại chẳng cao hơn hồi còn ở trong thế gian hay sao? Bạn cố gắng nhiều hơn để lối suy nghĩ và hạnh kiểm của mình phù hợp với đường lối của Đức Chúa Trời phải không? (Rô-ma 8:12, 13; Ê-phê-sô 4:22-24).
16. Chúng ta có thể vui hưởng những tình trạng nào khi bước đi trên con đường thánh?
16 Khi bạn tiếp tục bước đi trên con đường thánh, trên căn bản bạn khỏi phải lo sợ về những người có thú tính. Đành rằng trong thế gian bạn phải coi chừng những người tham lam hoặc thù hằn kẻo họ ăn tươi nuốt sống bạn theo nghĩa bóng. Rất nhiều người cực kỳ tham lam khi đối xử với người khác. Thật là một sự tương phản trong vòng dân tộc Đức Chúa Trời! Nơi đó họ sống trong một môi trường được che chở. Dĩ nhiên, các anh em tín đồ đấng Christ không phải là người hoàn toàn; đôi khi một người làm lỗi hoặc làm mất lòng người khác. Nhưng bạn biết anh em của mình không cố ý làm hại bạn hoặc vồ nuốt bạn (Thi-thiên 57:4; Ê-xê-chi-ên 22:25; Lu-ca 20:45-47; Công-vụ các Sứ-đồ 20:29; II Cô-rinh-tô 11:19, 20; Ga-la-ti 5:15). Thay vì thế, họ tỏ ra chú ý đến bạn; họ đã giúp bạn; họ muốn cùng phụng sự với bạn.
17, 18. Ngày nay có một địa đàng thiêng liêng theo nghĩa nào, và điều này có ảnh hưởng nào đến chúng ta?
17 Vậy chúng ta có thể xem Ê-sai đoạn 35, ghi nhớ sự ứng nghiệm hiện thời của các câu 1 đến 8 [Ê-sai 35:1-8]. Không phải rõ ràng là chúng ta đã tìm thấy cái được gọi đúng lý là địa đàng thiêng liêng hay sao? Không, nó không hoàn toàn—chưa hoàn toàn. Nhưng đó thật là một địa đàng, bởi vì nơi đây chúng ta có thể “thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta”. Và hiệu quả là gì? Câu 10 nói [Ê-sai 35:10]: “Những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi”. Quả thật, sự kiện chúng ta ra khỏi tôn giáo giả và theo đuổi sự thờ phượng thật dưới ân huệ Đức Chúa Trời là điều đem lại niềm vui.
18 Niềm vui liên quan đến sự thờ phượng thật ngày càng lớn, phải không? Bạn chứng kiến những người mới chú ý đi đến những sự thay đổi và được vững mạnh trong lẽ thật. Bạn nhận thấy những người trẻ lớn lên và tiến bộ về thiêng liêng trong hội thánh. Có những buổi lễ báp têm. Tại đó bạn xem những người quen với bạn làm báp têm. Phải chăng đó là những lý do để vui mừng, vui mừng tràn trề ngày nay? Vâng, thật là vui biết bao khi có những người khác cùng chúng ta hưởng sự tự do về thiêng liêng và ở trong những tình trạng như địa đàng!
Sẽ được ứng nghiệm thêm!
19. Ê-sai đoạn 35 làm chúng ta tràn đầy niềm hy vọng trông mong nào?
19 Đến đây chúng ta đã xem xét Ê-sai đoạn 35 liên quan đến sự ứng nghiệm đầu của lời tiên tri này qua sự hồi hương của người Do Thái và sự ứng nghiệm về mặt thiêng liêng ngày nay. Nhưng vẫn chưa hết. Còn có nhiều điều khác nữa. Lời tiên tri cũng liên hệ đến lời cam kết của Kinh-thánh là những tình trạng của địa đàng theo nghĩa đen sẽ được phục hồi trên đất (Thi-thiên 37:10, 11; Khải-huyền 21:4, 5).
20, 21. Tại sao việc tin rằng hãy còn có một sự ứng nghiệm khác cho Ê-sai đoạn 35 là hợp lý và phù hợp với Kinh-thánh?
20 Nếu Đức Giê-hô-va cho chúng ta một hình ảnh sống động về địa đàng và rồi chỉ cho ứng nghiệm qua những sự thiêng liêng mà thôi, thì đó sẽ không phải là việc nhất quán. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là sự ứng nghiệm thiêng liêng không quan trọng. Dù cho địa đàng được tái lập theo nghĩa đen, nó sẽ không làm chúng ta thỏa mãn nếu giữa phong cảnh mỹ miều và thú vật hiền hòa chúng ta lại gặp những kẻ đồi bại về thiêng liêng, những con người hành động dã man như thú dữ. (So sánh Tít 1:12). Vâng, điều thiêng liêng phải đến trước vì đó là điều rất quan trọng.
21 Tuy nhiên, Địa đàng sắp đến không chỉ có những khía cạnh thiêng liêng mà chúng ta vui hưởng bây giờ và sẽ còn vui hưởng nhiều hơn nữa trong tương lai. Chúng ta có lý do chính đáng để trông mong các lời tiên tri được ứng nghiệm theo nghĩa đen, chẳng hạn như lời tiên tri nơi Ê-sai đoạn 35. Tại sao? Ê-sai đoạn 65 nói trước về “trời mới đất mới”. Sứ đồ Phi-e-rơ áp dụng câu Kinh-thánh đó khi miêu tả những gì đến sau ngày của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 65:17, 18; II Phi-e-rơ 3:10-13). Phi-e-rơ cho thấy rằng những gì Ê-sai miêu tả sẽ thật sự hiện hữu khi “đất mới” trở thành hiện thực. Điều đó bao gồm những lời miêu tả mà bạn có lẽ quen thuộc—xây nhà và ở; trồng vườn nho và ăn trái; hằng hưởng công việc của chính tay mình; chó sói và chiên ở chung với nhau; không có ai làm hại ai trên khắp trái đất. Nói cách khác, người ta sẽ sống lâu, ở yên ổn, ăn uống dư dật, làm việc thỏa mãn và sẽ có sự hòa thuận giữa thú với thú và người với thú.
22, 23. Sẽ có căn cứ nào để vui mừng trong sự ứng nghiệm tương lai của Ê-sai đoạn 35?
22 Triển vọng đó không làm bạn tràn trề vui mừng hay sao? Có chứ, vì Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta để sống như thế (Sáng-thế Ký 2:7-9). Vậy lời tiên tri nơi Ê-sai đoạn 35 mà chúng ta đang xem xét có nghĩa gì? Có nghĩa là chúng ta có thêm lý do để reo mừng. Sa mạc và những miền không có nước theo nghĩa đen sẽ trổ bông, khiến chúng ta vui mừng. Lúc bấy giờ những người có mắt xanh, hay mắt nâu, hoặc có màu gì khác nhưng hiện đang bị mù, sẽ thấy đường. Các anh em tín đồ hiện bị điếc, hoặc ngay cả những người trong chúng ta bị nặng tai sẽ nghe được rõ ràng. Thật là một niềm vui khi dùng khả năng đó để nghe người khác đọc và giải thích Lời Đức Chúa Trời, cũng như nghe tiếng gió thổi cây xào xạc, tiếng trẻ con cười, tiếng chim hót!
23 Đó cũng có nghĩa là những người què, kể cả những người bây giờ bị đau khớp xương, sẽ đi đứng mạnh khỏe. Thật là một sự nhẹ nhõm biết bao! Lúc bấy giờ những dòng suối nước theo nghĩa đen sẽ tuôn trào ra trong sa mạc. Chúng ta sẽ vừa nhìn thấy nước chảy cuồn cuộn vừa nghe tiếng nước chảy róc rách. Chúng ta sẽ có thể đi bộ tại đó và mơn trớn cỏ xanh và các cây lau. Đó sẽ thật là Địa đàng được tái lập. Nói gì về niềm vui khi lại gần một con sư tử hoặc các thú rừng khác mà không sợ gì cả? Chúng ta không cần phải bắt đầu miêu tả cảnh đó ra ở đây, vì tất cả chúng ta đều thích thú về cảnh đó rồi.
24. Tại sao bạn có thể đồng ý với những lời ghi nơi Ê-sai 35:10?
24 Ê-sai cam kết với chúng ta: “Những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ”. Vậy chúng ta có thể đồng ý rằng chúng ta có lý do để reo mừng. Vui mừng về những gì Đức Giê-hô-va đã bắt đầu làm cho dân sự của ngài trong địa đàng thiêng liêng của chúng ta, và vui mừng về những gì chúng ta có thể trông mong trong Địa đàng theo nghĩa đen gần kề. Ê-sai viết về chúng ta là những người vui mừng: “Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi” (Ê-sai 35:10).
Bạn có để ý không?
◻ Ê-sai đoạn 35 được ứng nghiệm lần thứ hai như thế nào?
◻ Theo nghĩa thiêng liêng, điều gì tương ứng với những sự thay đổi mà Ê-sai tiên tri?
◻ Bạn có phần trong sự ứng nghiệm của lời tiên tri này như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói rằng Ê-sai đoạn 35 làm chúng ta tràn đầy hy vọng cho tương lai?
[Hình nơi trang 15]
Nhà lao trên đường Raymond tại Brooklyn, Nữu Ước, nơi bảy anh có trách nhiệm lớn bị giam vào tháng 6 năm 1918
[Hình nơi trang 16]
Dù bị coi là mù trên pháp lý trong những năm cuối đời anh, cái nhìn thiêng liêng của anh Franz vẫn còn sâu sắc
[Các hình nơi trang 17]
Sự tăng trưởng và tiến bộ về thiêng liêng là những lý do để vui mừng