Chúng ta có lý do để reo mừng
“Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi” (Ê-SAI 35:10).
1. Ngày nay, ai đặc biệt có lý do để vui mừng?
CHẮC có lẽ bạn nhận thấy rằng ngày nay rất ít người thật sự vui mừng. Tuy thế, là tín đồ thật của đấng Christ, Nhân-chứng Giê-hô-va có sự vui mừng. Và hàng triệu người khác, trẻ lẫn già, tuy chưa báp têm nhưng kết hợp với các Nhân-chứng, cũng có triển vọng trước mặt là được vui mừng như thế. Sự kiện bạn đang đọc những lời này trong tạp chí này cho thấy rằng bạn đã có hoặc có thể có được sự vui mừng này.
2. Niềm vui của tín đồ đấng Christ tương phản thế nào với tình hình nói chung của đa số người ta?
2 Đa số người ta cảm thấy rằng đời sống mình thiếu một điều gì đó. Về bạn thì sao? Đành rằng có lẽ bạn không có mọi thứ đồ vật để dùng, và so với những người giàu có và quyền thế ngày nay, chắc chắn bạn không có tất cả những thứ mà họ có. Và có lẽ bạn muốn có thêm sinh lực và sức khỏe dồi dào. Nhưng khi nói về sự vui mừng, thì ta có thể không ngại mà nói rằng bạn giàu hơn và khỏe mạnh hơn phần đông mấy tỷ người đang sống trên đất. Như thế nào?
3. Những lời đầy ý nghĩa mà chúng ta nên chú ý là những lời nào, và tại sao?
3 Hãy nhớ lời của Giê-su: “Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui-mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui-mừng các ngươi được trọn-vẹn” (Giăng 15:11). “Sự vui-mừng các ngươi được trọn-vẹn”. Thật là một lời miêu tả tuyệt diệu làm sao! Nếu nghiên cứu cặn kẽ lối sống theo đạo đấng Christ thì chúng ta sẽ thấy được nhiều lý do tại sao chúng ta vui mừng trọn vẹn. Nhưng ngay bây giờ, hãy lưu ý những lời đầy ý nghĩa nơi Ê-sai 35:10. Những lời này mang nhiều ý nghĩa vì có liên quan nhiều đến chúng ta ngày nay. Chúng ta đọc: “Những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi”.
4. Ê-sai 35:10 nói đến loại vui mừng nào, và tại sao chúng ta nên chú ý đến điều này?
4 “Sự vui-vẻ vô-cùng”. Chữ mà Ê-sai viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ được dịch đúng là “vô-cùng”. Nhưng, như các câu khác cho thấy, câu này có nghĩa là “đời đời” (Thi-thiên 45:6; 90:2; Ê-sai 40:28). Vậy sự vui mừng sẽ vô tận, trong hoàn cảnh thuận lợi cho sự vui mừng, vâng, trong những hoàn cảnh đáng cho ta vui mừng đời đời. Điều này nghe lý thú lắm, phải không? Nhưng có lẽ bạn thấy câu đó có vẻ chỉ nói về một cảnh trừu tượng, làm bạn nghĩ: ‘Điều đó không thật sự liên can đến tôi giống như các vấn đề và mối lo lắng hằng ngày ảnh hưởng đến tôi’. Nhưng sự kiện cho thấy là không phải như vậy. Lời hứa có tính cách tiên tri nơi Ê-sai 35:10 có ý nghĩa đối với bạn ngày nay. Muốn biết làm sao, chúng ta hãy xem xét những lời hoa mĩ trong đoạn này, Ê-sai 35, và lưu ý mỗi phần xét theo văn cảnh. Hãy tin chắc rằng bạn sẽ thấy thích thú những gì chúng ta tìm thấy nơi đoạn này.
Những người cần được vui mừng
5. Lời tiên tri nơi Ê-sai đoạn 35 có bối cảnh tiên tri nào?
5 Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem bối cảnh lịch sử của lời tiên tri rất đáng chú ý này. Nhà tiên tri Hê-bơ-rơ là Ê-sai viết lời này khoảng năm 732 trước công nguyên. Đó là hàng chục năm trước khi quân Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Như ta thấy nơi Ê-sai 34:1, 2, Đức Chúa Trời đã nói trước rằng ngài sẽ báo oán các nước, chẳng hạn như nước Ê-đôm, được nhắc đến nơi Ê-sai 34:6. Rõ ràng ngài mượn tay Ba-by-lôn xưa để thực hiện điều đó. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời khiến dân Ba-by-lôn tàn phá Giu-đa vì dân Do Thái đã bất trung. Hậu quả là gì? Dân Đức Chúa Trời bị lưu đày, và đất nước của họ bị bỏ hoang trong 70 năm (II Sử-ký 36:15-21).
6. Điều được báo trước là sẽ xảy ra cho người Ê-đôm khác với điều được báo trước về người Do Thái ở điểm nào?
6 Tuy nhiên, có một điểm khác biệt đáng kể giữa người Ê-đôm và người Do Thái. Đức Chúa Trời không ngừng trừng phạt dân Ê-đôm; cuối cùng, dân họ mất hẳn. Vâng, bạn vẫn có thể đi thăm những tàn tích hoang vu ở vùng người Ê-đôm sống hồi xưa, chẳng hạn như tàn tích nổi tiếng trên khắp thế giới là Petra. Nhưng ngày nay, không có dân hoặc nước nào mà có thể được gọi là ‘người Ê-đôm’ cả. Mặt khác, sự kiện xứ Giu-đa bị người Ba-by-lôn làm tan hoang có kéo dài mãi mãi không, khiến cho đất nước vĩnh viễn ở trong cảnh thảm đạm?
7. Những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn có lẽ đã phản ứng thế nào khi đọc Ê-sai đoạn 35?
7 Ở đây, lời tiên tri tuyệt vời nơi Ê-sai đoạn 35 có ý nghĩa đầy phấn khởi. Ta có thể gọi nó là một lời tiên tri về sự phục hưng, vì nó được ứng nghiệm lần đầu tiên khi dân Do Thái hồi hương vào năm 537 trước công nguyên. Người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn được trả tự do để trở về quê hương (E-xơ-ra 1:1-11). Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra, những người Do Thái nào bị lưu đày ở Ba-by-lôn mà nghĩ đến lời tiên tri này của Đức Chúa Trời, có lẽ băn khoăn không biết khi trở về tổ quốc là Giu-đa thì họ sẽ gặp những cảnh như thế nào. Và chính bản thân họ sẽ gặp tình trạng nào? Câu trả lời có liên hệ trực tiếp với tại sao chúng ta thật sự có lý do để reo mừng. Chúng ta hãy xem.
8. Khi người Do Thái từ Ba-by-lôn trở về, họ sẽ gặp cảnh nào? (So sánh Ê-xê-chi-ên 19:3-6; Ô-sê 13:8).
8 Chắc hẳn người Do Thái không xem tình thế của mình như có nhiều hứa hẹn, ngay cả khi nghe rằng mình có thể trở về quê hương. Đất nước của họ bị bỏ hoang trong 70 năm, cả một đời người. Đất đai nay ra sao? Nếu trước đó mà có đồng ruộng, vườn nho hay vườn cây nào thì nay nó đã biến thành bãi hoang. Những khu vườn hay vùng đất trước kia được tưới nước nay đã trở thành đất hoang khô cằn hay sa mạc (Ê-sai 24:1, 4; 33:9; Ê-xê-chi-ên 6:14). Cũng hãy nghĩ đến những thú rừng sống đầy ở đó. Trong số này có những loại thú ăn thịt, như sư tử và beo (I Các Vua 13:24-28; II Các Vua 17:25, 26; Nhã-ca 4:8). Họ cũng không thể coi thường những con gấu, là những con có thể cắn xé đàn ông, đàn bà hay trẻ con (I Sa-mu-ên 17:34-37; II Các Vua 2:24; Châm-ngôn 17:12). Và chúng ta không cần phải nói về các con rắn lục và những loại rắn độc khác, hay con bò cạp (Sáng-thế Ký 49:17; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:33; Gióp 20:16; Thi-thiên 58:4; 140:3; Lu-ca 10:19). Nếu bạn đi cùng với người Do Thái hồi hương từ Ba-by-lôn vào năm 537 trước công nguyên, chắc hẳn bạn sẽ không muốn đi bộ loanh quanh trong vùng đó đâu. Khi đến nơi, họ không thấy một cảnh địa đàng nào cả.
9. Những người hồi hương có lý do nào để hy vọng và có niềm tin?
9 Tuy vậy, chính Đức Giê-hô-va dẫn đưa những người thờ phượng ngài về nguyên quán của họ, và ngài có khả năng đảo ngược tình thế buồn tẻ. Bạn tin rằng Đấng Tạo hóa có thể làm thế chứ? (Gióp 42:2; Giê-rê-mi 32:17, 21, 27, 37, 41). Vậy ngài sẽ làm gì—ngài đã làm gì—cho những người Do Thái hồi hương và cho đất nước của họ? Điều này ảnh hưởng thế nào đến dân Đức Chúa Trời vào thời nay và đến hoàn cảnh của bạn—ngay bây giờ và trong tương lai? Trước hết, chúng ta hãy xem điều gì xảy ra vào thời đó.
Vui mừng về hoàn cảnh đã đổi khác
10. Ê-sai 35:1, 2 báo trước về sự biến đổi nào?
10 Điều gì sẽ xảy ra khi Si-ru cho phép dân Do Thái trở về đất nước trông có vẻ nguy hiểm đó? Hãy đọc lời tiên tri đầy phấn khởi nơi Ê-sai 35:1, 2: “Đồng vắng và đất khô-hạn sẽ vui-vẻ; nơi sa-mạc sẽ mừng-rỡ, và trổ hoa như bông hường. Nó trổ hoa nhiều và vui-mừng, cất tiếng hát hớn-hở. Sự vinh-hiển của Li-ban cùng sự tốt-đẹp của Cạt-mên và Sa-rôn sẽ được ban cho nó. Chúng sẽ thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta”.
11. Ê-sai dựa vào sự hiểu biết nào về đất nước mình?
11 Trong thời Kinh-thánh được viết ra, Li-ban, Cạt-mên và Sa-rôn được biết đến vì là những nơi ngoạn mục xanh tươi (I Sử-ký 5:16; 27:29; II Sử-ký 26:10; Nhã-ca 2:1; 4:15; Ô-sê 14:5-7). Ê-sai dùng những vùng đó làm thí dụ để miêu tả đất nước đổi mới sẽ ra sao, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Nhưng phải chăng chỉ riêng đất đai mới được đổi mới hay sao? Chắc chắn là không!
12. Tại sao chúng ta có thể nói là người dân là trọng tâm của lời tiên tri nơi Ê-sai đoạn 35?
12 Ê-sai 35:2 nói rằng đất nước “vui-mừng, cất tiếng hát hớn-hở”. Chúng ta biết rằng đất đai và cây cối không “vui-mừng” theo nghĩa đen. Nhưng, sự kiện đất trở nên phì nhiêu và sanh hoa quả có thể khiến người ta cảm thấy như thế (Lê-vi Ký 23:37-40; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:15; Thi-thiên 126:5, 6; Ê-sai 16:10; Giê-rê-mi 25:30; 48:33). Những sự biến đổi về đất đai tương ứng với sự biến đổi trong người dân, vì những người dân là trọng tâm của lời tiên tri này. Vì thế chúng ta có lý do để hiểu rằng những lời của Ê-sai chú trọng vào những biến đổi trong vòng những người Do Thái hồi hương, đặc biệt nói về sự vui mừng của họ.
13, 14. Ê-sai 35:3, 4 nói trước về sự biến đổi nào trong người ta?
13 Vậy, chúng ta hãy xem tiếp lời tiên tri hào hứng này để thấy nó được ứng nghiệm thế nào sau khi dân Do Thái được trả tự do và trở về từ Ba-by-lôn. Trong câu 3 và 4, Ê-sai [Ê-sai 35:3, 4] nói về những biến đổi khác trong những người hồi hương: “Hãy làm cho mạnh những tay yếu đuối, làm cho vững những gối run-en! Hãy bảo những kẻ có lòng sợ-hãi rằng: Khá vững lòng, đừng sợ nữa! Đây nầy, Đức Chúa Trời các ngươi sẽ lấy sự báo-thù mà đến, tức là sự báo-trả của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ đến và cứu các ngươi!”
14 Chúng ta há không được vững mạnh hay sao khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời chúng ta, Đấng có thể đổi mới đất đai hoang tàn, thật quan tâm đến những người thờ phượng ngài? Ngài không muốn những người Do Thái bị lưu đày cảm thấy yếu đuối, nản lòng hay lo lắng về tương lai (Hê-bơ-rơ 12:12). Hãy nghĩ về tình trạng của những người Do Thái bị lưu đày. Ngoài niềm hy vọng mà họ có thể có được qua những điều Đức Chúa Trời tiên tri về tương lai của họ, họ khó mà có cái nhìn lạc quan. Tình trạng đó như thể họ ở trong nơi ngục tối, không được tự do đi lại và tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va. Chắc có lẽ họ thấy như không có ánh sáng gì ở trước mặt. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:29; Ê-sai 59:10).
15, 16. a) Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Giê-hô-va đã làm gì cho những người hồi hương? b) Tại sao những người hồi hương đã không chờ đợi được chữa lành qua phép lạ, nhưng Đức Chúa Trời đã làm điều gì phù hợp với Ê-sai 35:5, 6?
15 Nhưng tình trạng của họ đã thay đổi làm sao khi Đức Giê-hô-va khiến Si-ru thả họ đi cho họ hồi hương! Ở trong Kinh-thánh không có bằng chứng nào cho thấy rằng Đức Chúa Trời dùng phép lạ để mở mắt những kẻ mù trong vòng những người Do Thái hồi hương, làm rỗng tai cho kẻ điếc hay chữa lành những người què và tàn tật. Tuy nhiên, trên thực tế thì ngài đã làm một điều còn tuyệt diệu hơn nhiều. Ngài khôi phục cho họ ánh sáng và sự tự do của đất nước yêu dấu của họ.
16 Không có điều gì cho thấy rằng những người hồi hương chờ đợi Đức Giê-hô-va phải dùng phép lạ để chữa lành cho họ. Chắc hẳn họ ý thức rằng Đức Chúa Trời đã không làm điều đó cho Y-sác, Sam-sôn hay Hê-li (Sáng-thế Ký 27:1; Các Quan Xét 16:21, 26-30; I Sa-mu-ên 3:2-8; 4:15). Nhưng nếu họ chờ đợi Đức Chúa Trời đảo ngược tình thế của họ, nói theo nghĩa bóng, thì họ đã không bị thất vọng. Chắc chắn, nói theo nghĩa bóng, câu 5 và 6 [Ê-sai 35:5, 6] được ứng nghiệm thật. Ê-sai báo trước một cách chính xác: “Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát”.
Làm đất thành như địa đàng
17. Hiển nhiên Đức Giê-hô-va đã làm những biến đổi cụ thể nào?
17 Những người hồi hương chắc chắn có lý do để reo mừng vì những hoàn cảnh như Ê-sai miêu tả tiếp: “Vì có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa-mạc. Cát nóng sẽ biến ra hồ, ruộng khô sẽ biến thành suối nước. Hang chó đồng đã ở sẽ trở nên vùng sậy và lau” (Ê-sai 35:6b, 7). Dù có lẽ không thấy cảnh đó ở khắp vùng đó ngày nay, bằng chứng cho thấy rằng có thời vùng Giu-đa là “một cảnh địa đàng nông thôn”.a
18. Những người Do Thái hồi hương chắc đã phản ứng thế nào trước những ân phước của Đức Chúa Trời?
18 Nói về những lý do để vui mừng, hãy nghĩ những người Do Thái còn sót lại đã cảm thấy thế nào khi họ được hồi hương về Đất Hứa! Họ có cơ hội lấy lại hoang mạc đó, nơi cư trú của những con chó đồng và các thú khác, và biến đổi vùng đất này. Chắc bạn sẽ thấy vui mừng làm công việc phục hồi đó, đặc biệt khi biết rằng Đức Chúa Trời ban phước cho các cố gắng của bạn, phải không?
19. Việc hồi hương khỏi gông cùm Ba-by-lôn có điều kiện theo nghĩa nào?
19 Tuy nhiên, không phải tất cả các người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn đều có điều kiện và đã trở về để có phần trong công việc biến đổi đầy vui mừng ấy. Đức Chúa Trời ra điều kiện. Không ai bị ô uế bởi các thực hành tà giáo của Ba-by-lôn được quyền trở về (Đa-ni-ên 5:1, 4, 22, 23; Ê-sai 52:11). Người nào ngu dại theo đuổi con đường thiếu khôn ngoan cũng không được hồi hương. Tất cả những người đó đều không hội đủ điều kiện. Mặt khác, những ai hội đủ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, những người được ngài xem là thánh theo nghĩa tương đối, có thể trở về xứ Giu-đa. Họ có thể đi như thể dọc theo đường thánh. Ê-sai nói rõ điều này nơi câu 8 [Ê-sai 35:8] : “Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh. Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua; song nó sẽ dành cho những người được chuộc. Ai đi trong đường đó, dầu khờ-dại cũng không lầm-lạc”.
20. Trên đường trở về, những người Do Thái đã không phải sợ gì, và với kết quả nào?
20 Những người Do Thái hồi hương không phải sợ bị những băng cướp hay những người có thú tính tấn công. Tại sao không? Vì Đức Giê-hô-va sẽ không cho những kẻ như thế cùng đi trên đường với dân được chuộc của ngài. Vậy họ có thể bước đi với thái độ lạc quan vui vẻ, với nhiều triển vọng hạnh phúc. Hãy lưu ý Ê-sai miêu tả điều này thế nào trong phần kết luận lời tiên tri: “Trên đường đó không có sư-tử, không có một thú dữ nào lên; chẳng ai gặp nó ở đó. Song những kẻ được chuộc sẽ bước đi đường ấy, những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca-hát mà đến Si-ôn; sự vui-vẻ vô-cùng sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ được sự vui-vẻ mừng-rỡ, mà sự buồn-bực than-vãn sẽ trốn đi” (Ê-sai 35:9, 10).
21. Ngày nay, chúng ta nên xem sự ứng nghiệm trong quá khứ của Ê-sai đoạn 35 như thế nào?
21 Đây thật là một hình ảnh có tính cách tiên tri tuyệt vời làm sao! Nhưng chúng ta không nên xem đoạn này như là chỉ kể về lịch sử xa xưa, như một câu chuyện hứng thú nhưng không có liên can gì đến hoàn cảnh hay tương lai của chúng ta. Sự kiện là lời tiên tri này đang được ứng nghiệm một cách kỳ lạ trong vòng dân Đức Chúa Trời ngày nay, vậy nó thật có liên can đến mỗi người chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta có lý do vững chắc để reo mừng. Bài tới sẽ bàn đến những khía cạnh có liên hệ đến đời sống hiện tại và tương lai của bạn.
[Chú thích]
a Sau khi nghiên cứu vùng đất đó, nhà nông học Walter C. Lowdermilk (đại diện cho Tổ chức Lương Nông của LHQ) kết luận: “Đất này có thời là một cảnh địa đàng nông thôn”. Ông cũng nói rằng “kể từ thời La Mã”, thời tiết đã không thay đổi mấy, và “đất đai trước kia phì nhiêu đã trở thành ‘sa mạc’ là do tay người làm ra, chứ không phải do những yếu tố thiên nhiên”.
Bạn có nhớ không?
◻ Ê-sai đoạn 35 được ứng nghiệm lần đầu tiên khi nào?
◻ Sự ứng nghiệm đầu tiên của lời tiên tri này có kết quả gì?
◻ Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm đoạn Ê-sai 35:5, 6 như thế nào?
◻ Những người Do Thái hồi hương thấy đất nước và hoàn cảnh của mình biến đổi như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Tàn tích thành Petra, trong vùng mà người Ê-đôm sống hồi xưa
[Nguồn tư liệu]
Garo Nalbandian
[Hình nơi trang 10]
Trong thời người Do Thái bị lưu đày, phần lớn xứ Giu-đa trở thành như hoang mạc, đầy những thú dữ như gấu và sư tử
[Nguồn tư liệu]
Garo Nalbandian
Gấu và sư tử: Safari-Zoo of Ramat-Gan, Tel Aviv