Hãy nhờ cậy Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va!
“Hãy nhờ-cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại” (Ê-SAI 26:4).
1, 2. Ê-sai 26:1-6 nêu ra bài hát khen ngợi hân hoan nào, và tại sao?
Sự suy đồi của “thành của các dân-tộc đáng kinh-hãi” dẫn đến việc cần có một ca khúc khải hoàn! (Ê-sai 25:3). Thật là thích hợp khi sau đó lời tiên tri nơi Ê-sai 26:1-6 nêu ra một bài hát hân hoan để ca tụng Đức Giê-hô-va, Chúa Thống trị. Ngay đến bây giờ bài hát đó vẫn còn được trổi lên “tại xứ Giu-đa”; Giu-đa có nghĩa là “ca tụng”. Một lần nữa ở đây Kinh-thánh dùng danh thánh của Đức Chúa Trời lặp lại hai lần liên tiếp “ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, chính ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”. Nhưng những lời lẽ của bài hát ấy lại còn gây cảm kích nhiều hơn biết bao như được trình bày trong «Bản dịch Thế giới Mới» (New World Translation), vì tại chỗ này cũng như trong khắp mọi nơi nào có ghi danh thánh của Đức Chúa Trời, danh xưng của Ngài đều được dịch đúng cách!
2 Bây giờ xin bạn hãy lắng nghe bài hát tuyệt diệu đó: “Chúng ta có thành bền-vững! Chúa [Đức Giê-hô-va] lấy sự cứu làm tường làm lũy! Hãy mở các cửa, cho dân công-bình trung-tín vào đó! Người nào để trí mình nương-dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn-giữ người trong sự bình-yên trọn-vẹn, vì người nhờ-cậy Ngài. Hãy nhờ-cậy Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại! Ngài đã dằn những người ở nơi cao; đã phá đổ thành cao-ngất, hạ xuống tới đất, sa vào bụi-bặm, bị giày-đạp dưới chơn, bị bàn chơn kẻ nghèo-nàn thiếu-thốn bước lên trên và nghiền nát”. Được ở trong vòng những người đầy lòng tin tưởng hiện đang hòa điệu trong bài hát này, tức là các Nhân-chứng Giê-hô-va, thật là một niềm vui sướng biết bao!
3. a) “Dân công-bình” là dân nào, và ai được bước qua các “cửa” mở ra để vào trong đó? b) Làm thế nào mà tổ chức của Đức Giê-hô-va vẫn tiến bước một cách hợp nhất dù có sự cố gắng phá hoại của kẻ thù?
3 Chúa Giê-hô-va—Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va—sẽ thực sự hạ những kẻ kiêu ngạo xuống và giải cứu những người hằng nhờ cậy nơi Ngài. Dầu một thời là “kẻ rất nhỏ”, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng nay trở thành “một dân mạnh”, “dân công-bình”. Một đám đông lớn hùng mạnh gồm có trên ba triệu người cộng tác đầy thiện chí bước vào “cửa” đang mở của tổ chức giống như thành trì thuộc Đức Giê-hô-va. Họ cùng nhau hợp thành một hiệp hội quốc tế giữa các anh em, đông đảo hơn dân số của ít nhất 57 quốc gia hội viên của cái gọi là Liên Hiệp Quốc. Nhưng “dân” của Đức Chúa Trời và những người kết hợp với họ đều hợp nhất thật sự. Trên khắp đất, đường lối chung của họ là vâng theo các nguyên tắc công bình. Những “tường lũy” của “dân” trong tổ chức Đức Chúa Trời cung cấp một thành trì để ngăn chận những nỗ lực của Sa-tan nhằm phá hoại hạnh kiểm trung thành trong việc ủng hộ lẽ thật của dân ấy. Kẻ thù không thể phá vỡ được bước tiến trung thành của dân sự Đức Chúa Trời được! Lòng tin cậy của chúng ta luôn luôn đặt trọn vẹn vào “Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, vầng đá của các thời-đại” (Ê-sai 54:17; 60:22).
4, 5. a) “Thành cao-ngất” là gì, và nói theo nghĩa bóng thì dân của Đức Giê-hô-va sẽ giày đạp thành đó như thế nào? b) Lời tiên tri Ê-sai 26:10 được ứng nghiệm rõ rệt nhất khi nào, và tại sao? c) Lời tiên tri này còn có sự ứng nghiệm nào khác?
4 Trong lúc chúng ta cảnh cáo rằng Đức Giê-hô-va sắp triệt hạ cái “thành cao-ngất”, tức là “Ba-by-lôn Lớn”, điều đáng để phấn khởi là là được trông thấy những người nghèo nàn khốn khổ trên đất nhận lấy tin mừng về Nước Trời (Khải-huyền 18:2, 4, 5). Nói theo nghĩa bóng thì họ cũng giày đạp cái “thành cao-ngất” ấy, không phải bằng cách dự phần vào cuộc hủy diệt nó, nhưng bằng cách tham gia vào việc rao truyền ngày báo thù của Đức Giê-hô-va trên hệ thống suy đồi này (Ê-sai 61:1, 2). Kể từ mấy thập niên nay, các Nhân-chứng Giê-hô-va đã biểu lộ lòng nhân từ ngay cả với những người gian ác bằng cách đến thăm họ tại nhà, đem theo thông điệp về Nước Trời nhằm bảo toàn sự sống. Nhưng kết quả thật đúng như điều ghi nơi Ê-sai 26:10: “Kẻ ác dầu có được ơn, cũng chẳng học sự công-bình; song nó sẽ làm [điều] ác trong đất ngay-thẳng, và không nhìn-xem [sự] uy-nghiêm của Đức Giê-hô-va”.
5 Lời tiên tri về sự phục hưng này đã ứng nghiệm một cách nổi bật nhất vào thời nay. Mặc dù có cơ hội, chỉ một số ít người muốn sửa đổi lối sống của họ để nhận lấy ân phước của Đức Giê-hô-va trong “đất ngay-thẳng”. Những kẻ sỉ nhục Đức Giê-hô-va và các nhân-chứng trung thành của Ngài sẽ “không nhìn-xem [sự] uy-nghiêm của Đức Giê-hô-va”, vì họ sẽ không còn được sống sót để vui hưởng những ân phước kỳ diệu ban xuống cho nhân loại sau khi danh Đức Giê-hô-va được nên thánh (Ê-sai 11:9). Ngoài ra, lời tiên tri cũng còn được ứng nghiệm trong Địa-đàng trên đất, cho những người được sống lại từ trong mồ mả. Bất cứ ai từ chối tuân theo các sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời, dựa trên sự chỉ dạy ghi trong “sách” của Đức Chúa Trời ban ra vào lúc ấy, thì sẽ không được ghi tên vào “sách sự sống”. (Khải-huyền 20:12, 15; so sánh Ê-xê-chi-ên 33:11).
Đức Giê-hô-va lập sự bình an
6. Dân sự trung thành của Đức Giê-hô-va reo vang vui mừng với những lời nào, tại sao thế?
6 Tuy nhiên dân sự trung thành của Đức Chúa Trời đã chú ý hết sức đến lúc mà Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va được tôn vinh và được biện minh. Họ kêu cầu Ngài “lập sự bình-an” cho dân sự Ngài, và họ mừng rỡ kêu lên rằng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã thêm dân nầy lên, phải, Ngài đã thêm dân nầy lên. Ngài đã được vinh-hiển, đã mở-mang bờ-cõi đất nầy” (Ê-sai 26:12, 15). Trong 210 xứ trên khắp trái đất, Đức Giê-hô-va tiếp tục làm gia tăng số người giống như chiên vào dân thiêng liêng của Ngài. Hằng trăm ngàn người mới chịu phép báp têm. Có trên nửa triệu người khai thác đặc biệt, đều đều và phụ trợ trong những tháng đặc biệt. Có nhiều Phòng Nước Trời và Phòng Hội nghị được xây thêm. Các chi nhánh của Hội Tháp canh (Watch Tower Society) mở rộng thêm nhà Bê-tên và các nhà in và trang bị thêm các dụng cụ ấn loát. Đà phát triển vẫn tiếp tục!
7. Có lời mô tả nào về sức bành trướng của tổ chức giống như thành trì thuộc Đức Giê-hô-va?
7 Sự bành trướng này đã có được vì “Chúa Bình-an” đang điều khiển các hoạt động của dân Đức Chúa Trời trên đất. Đúng như Ê-sai đã nói trước đó trong lời tiên tri, “quyền cai-trị và sự bình-an của [ngài] cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước [ngài], đặng làm cho nước bền-vững, và lập lên trong sự chánh-trực, công-bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy!” (Ê-sai 9:5, 6). Sự ứng nghiệm những lời ấy ngày nay quả là lớn biết bao! Những người nhờ cậy Đức Giê-hô-va hiện hưởng được sự bình an, công lý và sự công bình của vương quyền ấy rồi. Sự cai trị này đã khiến cho họ hợp nhất lại với nhau trong một sự đoàn kết đầy yêu thương mà chỉ có những môn đồ thật của Giê-su mới vui hưởng được (Giăng 13:34, 35). Hơn nữa, họ trông mong chờ đợi một cách nhiệt thành cho tới thời kỳ kíp đến khi quyền cai trị Nước Trời của Giê-su và “sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va” sẽ lan tràn ra trên khắp đất (Ê-sai 11:9; Đa-ni-ên 2:35, 44, 45).
8. Lời của Đức Giê-hô-va ghi nơi Ê-sai 26:20 cho thấy gì, và những cái “buồng” khiến liên tưởng đến gì?
8 Khi sự bành trướng của Nước Trời đạt đến cao điểm thì lời kêu gọi của Đức Giê-hô-va ghi nơi Ê-sai 26:20 sẽ được loan ra: “Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua”. Chắc chắn những cái “buồng” kín đáo nói trong lời tiên tri này có sự liên hệ mật thiết với hơn 54.000 hội-thánh vững như thành trì đang phục vụ cho các Nhân-chứng Giê-hô-va khắp trên trái đất ngày nay. Còn phải chờ xem Đức Giê-hô-va có ý định gì. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng khi hủy diệt kẻ ác, Ngài sẽ gìn giữ cho dân sự đầy lòng tin cậy của Ngài, y như Ngài đã làm trong thời Ê-sai khi Ngài đẩy lui quân A-si-ri hung bạo (Ê-sai 10:24-26).
Bảo đảm sự giải cứu!
9. a) Vua Ê-xê-chia bày tỏ sự tin cậy của ông nơi Đức Giê-hô-va ra sao? b) Khi bị ngược đãi hay bị những kẻ ghét Đức Giê-hô-va sỉ nhục, chúng ta cần phải có phản ứng thích đáng nào?
9 Tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay tin cậy Ngài vì cùng một lý do mà vua Ê-xê-chia đã tin cậy. Ông đã hoàn toàn trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, là Đấng mà ông xem là Đấng Thống trị của mình. Bởi thế mà vào lúc quân A-si-ri đe dọa tình thế đến tột điểm, ông đã cầu xin Đức Giê-hô-va bằng các lời này: “Hỡi Đức Giê-hô-va vạn-quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng ngự trên các chê-ru-bin, chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời của mọi nước trên đất, Ngài đã dựng nên trời và đất. Hỡi Đức Giê-hô-va, xin nghiêng tai mà nghe! Hỡi Đức Giê-hô-va, xin mở mắt mà xem! Xin nghe mọi lời mà San-chê-ríp đã khiến nói cùng tôi để thách-đố Đức Chúa Trời hằng sống!” (Ê-sai 37:16, 17). Khi bị những kẻ ghét Đức Giê-hô-va ngược đãi, nhạo báng hay sỉ nhục, từ nơi lòng bạn có phát xuất ra những lời cầu xin giống như thế không? Với lòng tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va, chẳng lẽ bạn lại không khẩn cầu Ngài tẩy xóa mọi lời sỉ nhục gieo trên danh Ngài hay sao? Đây là điều mà Giê-su đã làm lúc ngài sắp chết trên cây khổ hình. Ngài còn xin ngay cả cho cái chén mà ngài sắp sửa uống được “lìa khỏi” ngài, vì những sự sỉ nhục Cha ngài lúc ấy nhiều quá (Ma-thi-ơ 26:39-44).
10. a) Lời cầu nguyện của Ê-xê-chia bộc lộ cho thấy mối quan tâm hàng đầu của ông là gì? b) Khi đương đầu với những thử thách tại Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta có thể xử sự thế nào theo cách của Ê-xê-chia?
10 Lời cầu nguyện của Ê-xê-chia đã cho thấy rằng ông không hề có động lực ích kỷ nào trong việc tìm phương thoát khỏi tay người A-si-ri. Ông không có ý thoát thân. Thay vì thế, ông ý thức được rằng danh Đức Giê-hô-va cần được nên thánh và quyền thống trị của Ngài phải được biện minh. Vậy ông kết thúc lời cầu nguyện bằng những lời này: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, vậy, bây giờ xin Ngài cứu chúng tôi khỏi tay San-chê-ríp, hầu cho mọi nước trên đất đều biết chỉ một mình Ngài là Đức Giê-hô-va!” (Ê-sai 37:20). Tương tự như thế, lúc phải đương đầu với những sự thử thách diễn ra trước trận chiến chung kết tại Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta hãy ghi nhớ trong trí rằng sự giải cứu dành cho cá nhân chúng ta chỉ là điều phụ thuộc, đứng sau việc làm thánh hóa danh Đức Giê-hô-va. Đúng như Vị Chúa Thống trị của chúng ta đã tuyên bố khoảng chừng 70 lần qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, “chúng nó sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 38:23).
11. a) San-chê-ríp đã mắc phải sự sai lầm nào và Đức Giê-hô-va người gì về điều ấy? b) Xét hậu quả xảy đến cho San-chê-ríp, chúng ta có thể có sự tin cậy nào?
11 Sau khi Ê-xê-chia cầu nguyện xong, Ê-sai nói cho nhà vua biết lời kết án mà Đức Giê-hô-va phán ra nghịch cùng San-chê-ríp. Gã A-si-ri phạm thượng kia đã mắc phải một sự sai lầm ghê gớm khi hắn sỉ nhục Đức Chúa Trời hằng sống! Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va đã nói về San-chê-ríp như sau: “Ngươi đã cất tiếng lên và ngước mắt lên cao nghịch cùng ai? Ấy là nghịch cùng Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”. Và chính Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên đã ra tay hành động ngay đêm ấy! Chỉ cần một thiên sứ của Đức Giê-hô-va ra tay hạ sát khiến cho 185.000 quân A-si-ri thành ra những “thây chết”, dù chúng là những binh sĩ tinh nhuệ trong quân đội của San-chê-ríp. Ông vua ngạo mạn ấy đã phải thối lui trong sự tủi nhục, trở về Ni-ni-ve và ít năm sau bị chính các con trai của hắn hạ sát lúc đang chăm chú trong việc thờ lạy hình tượng. Chúng ta có thể tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, tin chắc rằng Ngài sẽ tung ra biện pháp tương tự đối với Sa-tan cùng toàn thể các đạo binh của hắn, những kẻ buông lời sỉ nhục phạm thượng và ngược đãi các Nhân-chứng Giê-hô-va (Ê-sai 37:23, 36-38).
Báo thù “những kẻ đã bị giết”
12. a) Ê-sai 26:21 mô tả thế nào điều sẽ xảy ra tại Ha-ma-ghê-đôn? b) “Những kẻ đã bị giết” sẽ được báo thù ngay trước khi có trận Ha-ma-ghê-đôn là ai, và tại sao thế?
12 Thật là một cảnh tượng chiến tranh đáng khiếp sợ vào thời San-chê-ríp, nhưng trong “hoạn-nạn lớn” thì mọi sự diễn ra sẽ còn kinh hoàng hơn rất xa (Ma-thi-ơ 24:21). Đức Giê-hô-va mời chúng ta xem tầm mức của cuộc tàn sát ấy: “Vì nầy, Đức Giê-hô-va ra từ nơi Ngài, đặng phạt dân-cư trên đất vì tội-ác họ. Bấy giờ đất sẽ tỏ-bày huyết nó ra, và không che-đậy những kẻ đã bị giết nữa” (Ê-sai 26:21). Trước hết Đức Giê-hô-va sẽ khiến các cường quốc chính trị thi hành sự phán xét trên những kẻ ủng hộ tôn giáo sai lầm. Các thần giả của chúng sẽ không cứu chúng được trong ngày đó. Cứ cho giáo hoàng La mã tiếp tục hội họp mọi tôn giáo thuộc “Ba-by-lôn Lớn” lại để cầu nguyện theo lối đại đồng tôn giáo đi! Không ai trong số những kẻ cổ võ cho sự liên giáo này lại tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật và hằng sống. Những sự giảng dạy của họ là sai lầm, không bắt nguồn từ Kinh-thánh, và đường lối của họ cũng giống như vậy. Họ đã giết chóc lẫn nhau suốt bao nhiêu thế kỷ. Họ đã làm đổ máu các tín đồ đấng Christ bất bạo động. Vào thế kỷ 20 này, trong số những kẻ lầm lạc ấy có nhiều kẻ đã ủng hộ các nhà độc tài độc ác giết hại một số Nhân-chứng Giê-hô-va trong tù và trong trại tập trung bằng cách bắn chết tập thể hoặc chém đầu. Như Đức Giê-hô-va đã thẳng thắn tuyên bố qua các nhà tiên tri của Ngài, “những kẻ đã bị giết” ấy sẽ được báo thù (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:41, 43; Ê-sai 1:24; 63:4; Khải-huyền 17:15-18; 18:21, 24).
13. Ê-sai đã tiên báo gì về “ngày của Đức Giê-hô-va”, và những lời ấy áp dụng cho ai?
13 Sau khi tôn giáo giả bị tàn phá, Đức Giê-hô-va sẽ mau chóng quay sang tấn công mọi kẻ nào còn sót lại trong số những kẻ chống lại Nước Trời do đấng Christ cầm quyền. Lời Đức Chúa Trời ghi nơi Ê-sai 13:6, 9 áp dụng cho tất cả những kẻ đối lập ấy, cũng như cho “Ba-by-lôn Lớn”: “Các ngươi khá than-khóc! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần: ngày đó đến như cơn tai-nạn đến bởi Đấng Toàn-năng. Nầy, ngày Đức Giê-hô-va đến, là ngày hung-dữ, có sự thạnh-nộ và nóng-giận để làm đất nầy nên hoang-vu và diệt những kẻ có tội khỏi đó”. Việc này sẽ đúng như lời tiên báo của người viết Thi-thiên là Đa-vít: “Đức Giê-hô-va bảo-hộ những kẻ yêu-mến Ngài, song hủy-diệt những kẻ ác” (Thi-thiên 145:20; Khải-huyền 19:11-21).
14. Ê-sai nói thêm những lời nào mà các nước nên lưu ý đến, và tại sao?
14 Các nước trên đất sẽ tỏ ra sáng suốt nếu chịu lưu ý đến những điều mà Ê-sai nói thêm nữa nơi Ê-sai 34:1-8: “Hỡi các nước, hãy đến gần mà nghe; hỡi các dân, hãy để ý!.. Vì Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng mọi nước; cơn thạnh-nộ Ngài nghịch cùng cả đạo-binh họ; Ngài đã giao họ cho sự diệt-vong, phó cho sự đánh-giết. Kẻ bị giết trong chúng nó sẽ phải ném-bỏ, thây chết bay mùi hôi; các núi đầm-đìa những máu. Vì Đức Giê-hô-va có ngày báo-thù”. Trong các lãnh vực chính trị, đại kinh doanh và tôn giáo giả ngày nay, tình trạng suy đồi và vô luân lan tràn. Nhưng Đức Giê-hô-va có ý định lập nên một trái đất tinh sạch. Đến lúc cuối cùng này, Ngài nhóm lại từ mọi nước những người sẵn lòng sửa đổi nếp sống của họ để phụng sự Ngài trong sự công bình, hầu cho họ được sống sót. Còn những người khác đều sẽ bị hủy diệt trong ngày báo thù của Ngài (Giê-rê-mi 25:31-33).
Một Địa-đàng thanh bình
15. Ê-sai mô tả gì ở đoạn 35 về a) ngày nay? b) tương lai?
15 Ở Ê-sai đoạn 35 nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đã tiếp tục diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ đầy hình ảnh tươi đẹp về tình trạng của dân được phục hưng của Đức Chúa Trời, tức những người hiện luôn luôn tin cậy nơi Ngài. Được gom góp lại trong một địa-đàng thiêng liêng, những người này “thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta”. Họ cũng hướng về tương lai, đợi một địa-đàng trên đất và sự ứng nghiệm của lời hứa: “Bấy giờ, những kẻ mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ rỗng tai. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát. Vì có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa-mạc” (Ê-sai 35:1, 2, 5, 6). Bạn có vui mừng trước triển vọng này không? Bạn có tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, tin tưởng rằng Ngài sẽ thực hiện những lời hứa đó của Ngài không?
16, 17. a) Đang khi mô tả về Địa-đàng thì Ê-sai đã kêu gọi khẩn cấp về điều gì? b) Dân sự Đức Giê-hô-va phải đáp ứng thế nào trước lời kêu gọi ấy?
16 Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, bạn có thể tham gia vào công việc khích lệ những người mới, cũng như giúp người khác mà đức tin có thể cần được làm cho vững mạnh thêm. Đang khi mô tả cảnh địa-đàng, Ê-sai đã xen lời kêu gọi khẩn cấp này vào: “Hãy làm cho mạnh những tay yếu-đuối, làm cho vững những gối run-en! Hãy bảo những kẻ có lòng sợ-hãi rằng: Khá vững lòng, đừng sợ nữa! Đây nầy, Đức Chúa Trời các ngươi sẽ lấy sự báo-thù mà đến, tức là sự báo-trả của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ đến và cứu các ngươi” (Ê-sai 35:3, 4). Đúng, chúng ta muốn được thấy mọi người có lòng hướng về sự công bình xây đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để được sống trong Địa-đàng trên đất.
17 Vì thế chúng ta hãy trợ giúp bất cứ bàn tay nào đang rã rời mỏi mệt để họ có thể “giữ lấy đạo sự sống”. Chúng ta hãy khích lệ bất cứ ai có đầu gối run mỏi; hãy trợ giúp họ trong những lúc cần để “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường” (Phi-líp 2:15; Cô-lô-se 1:10). Đúng, chúng ta hãy an ủi bất cứ ai có thể chán nản trong lòng, và hãy khích lệ lẫn nhau, khi gặp phải những thử thách hay ngược đãi để bày tỏ “dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ-hãi gì” (Phi-líp 1:14; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; Ê-phê-sô 5:15, 16). Vậy khi khởi sự ngày báo thù của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chắc chắn nhận được ân phước của Ngài vì «Ngài sẽ đến và cứu dân Ngài». Trong ngày đó, bạn sẽ có mặt trong số những người tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để được giải cứu không?
18. Những người tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có triển vọng huy hoàng nào, và họ quyết tâm làm gì?
18 Đối với những người luôn luôn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va thì sau ngày đó quả là một quang cảnh huy hoàng! Các kẻ áp bức đầy tội lỗi sẽ không còn nữa! Trong một thế giới mới, những người yêu mến Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, sẽ được Con Ngài phục hồi lại tình trạng hoàn toàn, không còn tội lỗi nữa. Bạn không mong mỏi ngày ấy sao? Chính sự tin cậy mà bạn đặt nơi Đức Giê-hô-va vào lúc này sẽ đưa bạn vào ngày tuyệt diệu ấy. Đúng, hỡi các bạn là dân sự của Ngài, xin hãy luôn luôn đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, vì làm như thế sẽ được cứu rỗi!
Câu hỏi ôn lại
◻ Ca khúc khải hoàn ghi ở Ê-sai 26 khuyến khích chúng ta làm gì?
◻ Cái “thành cao-ngất” sẽ bị Đức Giê-hô-va triệt hạ là thành nào, và chúng ta sẽ giày đạp nó thế nào?
◻ Chúng ta học được bài học gì nơi lời cầu nguyện của Ê-xê-chia khi vua phải đương đầu với sự đe dọa của San-chê-ríp?
◻ “Những kẻ đã bị giết” nói đến nơi Ê-sai 26:21 sẽ được báo thù thế nào?
◻ Nếu chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, thì kết quả sẽ ra sao?
[Khung nơi trang 22]
Truy tố Tòa thánh ư?
Trong bài tóm tắt một bài báo của Umberto Siniscalchi đăng trên tờ II Giornale ở Milan, tập san World Press Review ghi nhận: “Tòa Phá án cao nhất của Ý-đại-lợi bị chỉ trích kịch liệt vì vào tháng 7 [năm 1987] đã bãi bỏ trát bắt giam ba viên chức ngân hàng của Vatican dính líu tới vụ tham những tai tiếng trong ngân hàng Banco Ambrosiano”. Quyết nghị này dựa trên một hiệp ước cũ giữa Vatican và chính phủ Ý-đại-lợi, thừa nhận quyền bất khả xâm phạm cho giám đốc ngân hàng, một tổng giám mục, cũng như ông quản lý và ông trưởng phòng kế toán ngân hàng. Bài phê bình nói tiếp: “Vài nhà phê bình, dù không đổ lỗi cho các thẩm phán về quyết định này, lại chủ trương rằng bản hiệp ước vi phạm hiến pháp nước Ý-đại-lợi bằng cách ban quyền bất khả xâm phạm cho những kẻ phạm tội trên đất Ý. Một số nhà lập pháp đang xúc tiến một bản thỏa nghị cho phép hệ thống công lý Ý-đại-lợi truy tố Tòa Thánh về những tội ác đã phạm trên đất nước Ý-đại-lợi”.