Lời Đức Chúa Trời còn mãi muôn đời
“Nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-SAI 40:8).
1. a) Thành ngữ “lời của Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? b) Lời hứa của loài người được so sánh như thế nào với lời của Đức Chúa Trời?
LOÀI NGƯỜI có khuynh hướng trông cậy vào lời hứa của những người nổi tiếng. Dù cho những lời hứa này có vẻ đáng chuộng đến đâu đi nữa đối với những ai khao khát cải tiến đời sống của họ, nhưng chúng giống như bông hoa héo tàn khi so sánh với lời của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 146:3, 4). Cách đây hơn 2.700 năm, Giê-hô-va Đức Chúa Trời soi dẫn nhà tiên tri Ê-sai để ông viết: “Mọi xác-thịt giống như cỏ, nhan-sắc nó như hoa ngoài đồng... Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-sai 40:6, 8). “Lời” còn mãi đó là gì? Đó là lời của Đức Chúa Trời về ý định ngài. Ngày nay chúng ta có “lời” đó được viết thành văn trong cuốn Kinh-thánh (I Phi-e-rơ 1:24, 25).
2. Trước thái độ và hành động nào mà Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời ngài về nước Y-sơ-ra-ên và xứ Giu-đa hồi xưa?
2 Những người sống vào thời nước Y-sơ-ra-ên hồi xưa đã cảm nghiệm sự trung thực của những lời Ê-sai chép lại. Qua các nhà tiên tri, Đức Giê-hô-va báo trước rằng bởi vì dân sự trắng trợn bất trung đối với ngài, cho nên trước hết nước Y-sơ-ra-ên mười chi phái rồi đến nước Giu-đa hai chi phái sẽ bị bắt đem đi lưu đày (Giê-rê-mi 20:4; A-mốt 5:2, 27). Mặc dù họ bắt bớ, ngay cả giết các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va, đốt cuộn giấy có ghi thông điệp cảnh cáo của Đức Chúa Trời, và kêu cầu xứ Ai Cập giúp đỡ về mặt quân sự để ngăn chận lời tiên tri được ứng nghiệm, nhưng lời của Đức Giê-hô-va vẫn được thực hiện (Giê-rê-mi 36:1, 2, 21-24; 37:5-10; Lu-ca 13:34). Hơn nữa, lời hứa của Đức Chúa Trời là sẽ hồi hương số người Do Thái ăn năn còn sót lại đã được ứng nghiệm một cách phi thường (Ê-sai, đoạn 35).
3. a) Ê-sai ghi lại những lời hứa nào đặc biệt đáng được chúng ta chú ý? b) Tại sao bạn tin chắc rằng những điều này thật sự sẽ được ứng nghiệm?
3 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va cũng tiên tri về sự cai trị công bình của đấng Mê-si trên nhân loại, sự giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết, và sự biến đổi trái đất thành địa đàng (Ê-sai 9:5, 6; 11:1-9; 25:6-8; 35:5-7; 65:17-25). Liệu những điều này cũng sẽ được ứng nghiệm không? Chắc chắn có! “Đức Chúa Trời không thể nói dối”. Ngài cho ghi lại lời tiên tri để chúng ta được lợi ích, và ngài đã lo sao để bảo toàn lời đó (Tít 1:2; Rô-ma 15:4).
4. Mặc dù những bản gốc của Kinh-thánh không được bảo tồn, vậy thì làm thế nào ta có thể nói rằng lời Đức Chúa Trời là “lời sống”?
4 Đức Giê-hô-va không bảo tồn những bản gốc của những người đã viết lại các lời tiên tri đó. Nhưng “lời” ngài, tức là ý định được tuyên bố, đã tỏ ra là lời sống. Ý định đó tiến tới không gì ngăn cản được, và khi điều đó xảy ra, nó ảnh hưởng đến đời sống người ta, và họ biểu lộ những tư tưởng và động lực thầm kín (Hê-bơ-rơ 4:12). Hơn nữa, lịch sử cho thấy rằng việc bảo tồn và phiên dịch chính cuốn Kinh-thánh được soi dẫn đã được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.
Khi gặp phải những nỗ lực nhằm cấm chỉ Kinh-thánh
5. a) Vua Sy-ri đã cố gắng thế nào để hủy diệt Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được soi dẫn? b) Tại sao ông đã thất bại?
5 Rất nhiều lần, các nhà cầm quyền đã tìm cách hủy diệt Kinh-thánh. Vào năm 168 TCN, Vua Antiochus Epiphanes của nước Sy-ri (hình nơi trang 10) dựng bàn thờ thần Giu-bi-tê trong đền thờ đã được dâng hiến cho Đức Giê-hô-va. Ông cũng tìm đốt ‘các sách Luật Pháp’, và công bố rằng bất cứ ai có phần Kinh-thánh ấy sẽ bị xử tử. Mặc dù đốt biết bao nhiêu cuốn ở Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê, ông đã không thể nào hoàn toàn hủy diệt Kinh-thánh. Vào thời ấy có những khu Do Thái nằm rải rác trong nhiều xứ, và mỗi nhà hội đều có bộ sưu tập các cuộn Kinh-thánh. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 13:14, 15).
6. a) Có sự cố gắng mãnh liệt nào trong việc hủy diệt Kinh-thánh của tín đồ đấng Christ vào thời ban đầu? b) Kết quả ra sao?
6 Vào năm 303 CN, Hoàng Đế La Mã là Diocletian cũng hạ lệnh san bằng những nơi nhóm họp của tín đồ đấng Christ và ‘thiêu đốt Kinh-thánh’ của họ. Sự hủy phá như thế kéo dài một thập niên. Mặc dù bắt bớ dữ dội, nhưng Diocletian đã không thành công trong việc dẹp tan đạo đấng Christ, và Đức Giê-hô-va cũng không để cho bọn tay sai của hoàng đế tiêu diệt hết các bản sao của bất cứ phần Kinh-thánh nào được soi dẫn. Nhưng qua cách họ phản ứng trước công việc phân phát và rao giảng Lời Đức Chúa Trời, những kẻ chống đối đã biểu lộ những gì trong lòng họ. Họ tự nhận là những kẻ bị Sa-tan làm mù và là những người thi hành ý muốn của hắn (Giăng 8:44; I Giăng 3:10-12).
7. a) Người ta có những nỗ lực nào để ngăn chận việc truyền bá sự hiểu biết về Kinh-thánh ở tây Âu? b) Điều gì đã được thực hiện trong việc phiên dịch và xuất bản Kinh-thánh?
7 Những cố gắng để dập tắt việc truyền bá sự hiểu biết về Kinh-thánh cũng được thực hiện dưới những hình thức khác. Khi tiếng La-tinh hết thông dụng, thì không phải các nhà cầm quyền ngoại giáo mà chính những người tự xưng là tín đồ đấng Christ—Giáo Hoàng Gregory VII (1073-85) và Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216)—là những người đã tích cực chống lại việc dịch Kinh-thánh sang những ngôn ngữ của dân chúng. Nhằm đè bẹp sự bất đồng quan điểm về quyền hành của nhà thờ, Giáo Hội Nghị Công Giáo La Mã ở Toulouse, Pháp, vào năm 1229, ra lệnh cấm giáo dân không được có Kinh-thánh bằng ngôn ngữ phổ thông. Tòa Án Dị Giáo mạnh mẽ thực thi mệnh lệnh này. Thế nhưng, sau 400 năm Tòa Án Dị Giáo hoạt động, những người yêu chuộng Lời Đức Chúa Trời đã dịch toàn bộ cuốn Kinh-thánh và phát hành những bản in trong khoảng 20 ngôn ngữ, chưa kể những thổ ngữ, và phần lớn Kinh-thánh cũng được dịch sang 16 ngôn ngữ khác.
8. Trong thế kỷ 19, có những biến cố nào trong việc dịch và phổ biến Kinh-thánh ở Nga?
8 Không phải chỉ có Giáo Hội Công Giáo La Mã mới tìm cách không cho dân chúng có Kinh-thánh. Vào đầu thế kỷ 19, Pavsky, một giáo sư tại Viện Thần Học St. Petersburg, dịch sách Phúc Âm của Ma-thi-ơ từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Nga. Những sách khác của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp cũng được dịch sang tiếng Nga, và Pavsky là chủ bút. Những sách này được phân phát rộng rãi cho đến năm 1826, khi hoàng đế nước Nga qua sự vận động của nhà thờ đặt Thánh Kinh Hội Nga dưới quyền quản lý của “Hội Nghị Tôn Giáo Thánh” của Giáo Hội Chính Thống Nga, kết quả là nhà thờ đã ngăn cấm hoạt động của hội này. Sau này, Pavsky đã dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Nga. Vào khoảng cùng lúc đó, Makarios, trưởng tu viện của Giáo Hội Chính Thống, cũng dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Nga. Cả hai người đều bị trừng phạt vì công việc này, và các bản dịch của họ được cất vào văn thư lưu trữ của giáo hội. Giáo hội quyết tâm giữ Kinh-thánh trong tiếng Slavonic xưa mà vào lúc ấy ít ai trong dân chúng biết đọc và hiểu tiếng này. Chỉ đến khi nhà thờ không thể ngăn cấm các nỗ lực của người ta về việc thâu thái sự hiểu biết Kinh-thánh được nữa, thì “Hội Nghị Tôn Giáo Thánh” mới tự bắt đầu công việc dịch thuật vào năm 1856, thực hiện điều này theo đường lối chỉ đạo đã được cẩn thận biên soạn để đảm bảo rằng những từ ngữ sử dụng phải phù hợp với các quan điểm của giáo hội. Vì vậy, xét về việc họ phổ biến Lời Đức Chúa Trời, thì ta thấy rõ sự khác biệt giữa vẻ bề ngoài của các nhà lãnh đạo tôn giáo và dụng ý của họ, như lời nói và hành động của họ cho thấy (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4).
Bảo vệ Kinh-thánh khỏi bị sửa đổi sai lệch
9. Một số dịch giả Kinh-thánh biểu thị lòng yêu chuộng đối với Lời Đức Chúa Trời như thế nào?
9 Trong số người dịch và sao chép Kinh-thánh có những người thực sự yêu chuộng Lời Đức Chúa Trời và cố gắng hết sức để khiến mọi người có được cuốn Kinh-thánh. William Tyndale đã bị xử tử (vào năm 1536) vì ông đã dịch Kinh-thánh sang tiếng Anh. Francisco de Enzinas đã bị Tòa Án Dị Giáo Công Giáo nhốt trong tù (sau năm 1544) vì tội dịch và xuất bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp sang tiếng Tây Ban Nha. Mặc dù tính mạng bị đe dọa, Robert Morrison (từ năm 1807 đến năm 1818) vẫn dịch Kinh-thánh sang tiếng Trung Hoa.
10. Những thí dụ nào cho thấy rằng có những người dịch Kinh-thánh được thúc đẩy bởi những ảnh hưởng khác hơn là lòng yêu chuộng Lời Đức Chúa Trời?
10 Tuy nhiên, đôi khi có những lý do khác hơn là quí trọng Lời Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng đến việc sao chép và dịch thuật. Hãy xem xét bốn ví dụ: (1) Người Sa-ma-ri đã xây một đền thờ trên Núi Ga-ri-xim để cạnh tranh với đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Để chứng minh việc này là đúng, một câu đã được thêm vào sách Ngũ Thư của người Sa-ma-ri nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17. Một mệnh lệnh được thêm vào câu này, như thể là một phần của Mười Điều Răn, là phải xây cất một bàn thờ bằng đá trên Núi Ga-ri-xim và dâng của-lễ tại đó. (2) Người dịch sách Đa-ni-ên lần đầu tiên cho bản Kinh-thánh Septuagint bằng tiếng Hy Lạp đã tùy tiện trong cách dịch của ông. Ông thêm vào những câu mà ông nghĩ sẽ giải thích hoặc bổ sung những điều được viết trong bản Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Ông đã bỏ qua những chi tiết mà ông nghĩ những người đọc sẽ không thể chấp nhận. Khi dịch lời tiên tri liên quan đến thời kỳ khi đấng Mê-si xuất hiện, ghi nơi Đa-ni-ên 9:24-27, ông đã bóp méo thời gian được nói đến và thêm bớt, thay đổi và đảo chữ, rõ ràng với mục đích là làm lời tiên tri có vẻ ủng hộ sự tranh đấu của dân Maccabees. (3) Vào thế kỷ thứ tư CN, trong một bài luận thuyết bằng tiếng La-tinh, rõ ràng một người quá sốt sắng ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi đã thêm vào câu “trên trời, có Cha, Ngôi Lời, và thánh linh; và cả ba là một” như thể câu này được trích dẫn từ câu I Giăng 5:7. Sau này câu đó được đưa vào bản chép tay của Kinh-thánh bằng tiếng La-tinh. (4) Louis XIII (1610-43), ở Pháp, cho phép Jacques Corbin dịch Kinh-thánh sang tiếng Pháp để chống lại các nỗ lực của đạo Tin Lành. Nhắm tới mục tiêu ấy, Corbin đã thêm vào một số câu văn, bao gồm câu nói đến “của-lễ thánh Lễ Mi-sa” nơi Công-vụ các Sứ-đồ 13:2.
11. a) Mặc dù một số người dịch đã không thành thật nhưng Lời Đức Chúa Trời đã tồn tại như thế nào? b) Có bao nhiêu bản thảo cổ làm bằng chứng xác nhận lời nguyên thủy của Kinh-thánh? (Xem khung).
11 Đức Giê-hô-va đã không ngăn cản việc sửa đổi Lời ngài, và việc sửa đổi Kinh-thánh cũng không thay đổi ý định của ngài. Việc sửa đổi đã có tác dụng nào? Việc thêm những câu ám chỉ về Núi Ga-ri-xim đã không làm cho tôn giáo của người Sa-ma-ri trở thành công cụ của Đức Chúa Trời để mang lại ân phước cho nhân loại. Trái lại, việc này chứng tỏ rằng, mặc dù đạo của người Sa-ma-ri tự xưng là tin sách Ngũ Thư, nhưng đạo đó không thể được coi là đáng tin cậy để dạy dỗ lẽ thật (Giăng 4:20-24). Việc bóp méo câu văn trong bản Septuagint đã không ngăn cản đấng Mê-si đến vào thời kỳ mà nhà tiên tri Đa-ni-ên báo trước. Hơn nữa, mặc dù cuốn Septuagint được dùng vào thế kỷ thứ nhất, nhưng bằng chứng cho thấy rằng người Do Thái quen nghe đọc Kinh-thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong các nhà hội của họ. Kết quả là “dân-chúng vẫn trông-đợi” khi gần đến thời kỳ lời tiên tri được ứng nghiệm (Lu-ca 3:15). Còn về việc thêm từ ngữ nơi I Giăng 5:7 để chứng minh thuyết Chúa Ba Ngôi và nơi Công-vụ các Sứ-đồ 13:2 để xác minh Lễ Mi-sa, thì những điều này đã không thay đổi sự thật. Và sau này những sự lừa bịp đã hoàn toàn bị phơi bày. Nhờ có một số lượng lớn những bản chép tay Kinh-thánh trong tiếng nguyên thủy, nên người ta có thể kiểm lại giá trị của bất cứ bản dịch nào.
12. a) Một số người dịch Kinh-thánh đã thay đổi những điều nghiêm trọng nào? b) Những sự thay đổi này có ảnh hưởng sâu rộng tới độ nào?
12 Những nỗ lực khác để sửa đổi Kinh-thánh không chỉ bao hàm việc thay đổi một vài câu Kinh-thánh. Đó là sự tấn công vào danh vị của chính Đức Chúa Trời thật. Tính chất và tầm mức của sự sửa đổi cho thấy rõ có một nguồn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào của con người—đúng vậy, ảnh hưởng của chính kẻ đại thù của Đức Giê-hô-va, Sa-tan Ma-quỉ. Chịu ảnh hưởng đó, những người dịch và sao chép—một số thì hăng hái, một số khác thì miễn cưỡng—bắt đầu loại bỏ danh riêng của Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, ra khỏi Lời được soi dẫn của ngài trong hàng ngàn nơi có danh đó. Ngay từ lúc đầu, một số bản dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, La-tinh, Đức, Anh, Ý, và tiếng Hà Lan, cũng như một số bản dịch khác, hoàn toàn gạt bỏ danh của Đức Chúa Trời hay chỉ giữ lại ở một vài nơi. Danh của Đức Chúa Trời cũng bị lấy ra khỏi các bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp.
13. Tại sao nỗ lực rộng lớn nhằm sửa đổi Kinh-thánh không có tác dụng xóa bỏ danh của Đức Chúa Trời khỏi trí nhớ của loài người?
13 Tuy nhiên, danh hiệu vinh hiển ấy đã không hoàn toàn bị xóa bỏ khỏi trí nhớ của loài người. Những bản dịch của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Anh, Pháp, và nhiều thứ tiếng khác đã trung thực ghi lại danh riêng của Đức Chúa Trời. Tới thế kỷ 16, danh riêng của Đức Chúa Trời cũng bắt đầu xuất hiện trở lại trong một số bản dịch tiếng Hê-bơ-rơ của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp; đến thế kỷ 18, trong tiếng Đức; đến thế kỷ 19, trong tiếng Croat và tiếng Anh. Mặc dù người ta cố che giấu danh của Đức Chúa Trời, nhưng khi “ngày của Đức Giê-hô-va” đến, thì như Đức Chúa Trời tuyên bố: ‘Nhiều dân tộc sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va’. Lời tuyên bố ấy về ý định của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện (II Phi-e-rơ 3:10; Ê-xê-chi-ên 38:23; Ê-sai 11:9; 55:11).
Thông điệp truyền đi khắp toàn cầu
14. a) Tới thế kỷ 20, Kinh-thánh đã được in ra trong bao nhiêu ngôn ngữ Âu Châu, và hiệu quả ra sao? b) Đến cuối năm 1914, Kinh-thánh đã có trong bao nhiêu ngôn ngữ ở Phi Châu?
14 Đến buổi bình minh của thế kỷ thứ 20, Kinh-thánh đã được in trong 94 ngôn ngữ Âu Châu. Kinh-thánh đã báo động cho các học viên Kinh-thánh tại nơi đó biết rằng các biến cố rung chuyển thế giới sẽ xảy đến với sự kết thúc của Thời Kỳ Dân Ngoại vào năm 1914, và quả thật điều đó đã xảy ra! (Lu-ca 21:24). Trước khi năm 1914 quan trọng ấy chấm dứt, Kinh-thánh, toàn bộ hoặc từng phần, được xuất bản trong 157 ngôn ngữ Phi Châu, ngoài tiếng Anh, Pháp, và Bồ Đào Nha được nhiều người nói. Vì vậy nền tảng đã được thiết lập cho việc dạy dỗ lẽ thật Kinh-thánh, mang lại sự giải thoát về mặt thiêng liêng cho những người có lòng khiêm nhường thuộc nhiều bộ lạc và các giống dân sống ở đó.
15. Khi những ngày cuối cùng bắt đầu, Kinh-thánh đã được phổ biến trong các ngôn ngữ của những người ở Châu Mỹ tới mức nào?
15 Khi thế giới bước vào ngày cuối cùng đã được tiên tri, thì Kinh-thánh được phổ biến rộng rãi ở Châu Mỹ. Những người di cư từ Âu Châu đã mang theo cuốn Kinh-thánh bằng những thứ tiếng khác nhau. Một chương trình giáo dục về Kinh-thánh rộng lớn đã được bắt đầu, với những bài diễn văn công cộng, và việc phân phát qui mô các sách báo về Kinh-thánh được xuất bản bởi các Học Viên Kinh-thánh Quốc Tế, tên gọi của Nhân-chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ. Ngoài ra, các Thánh Kinh hội đã in Kinh-thánh trong 57 ngôn ngữ khác để đáp ứng nhu cầu của những dân cư thuộc đa quốc gia ở Tây Bán Cầu.
16, 17. a) Khi đã đến lúc để rao giảng trên toàn cầu, thì Kinh-thánh đã được phổ biến tới mức nào? b) Kinh-thánh thật sự đã chứng tỏ là một cuốn sách tồn tại lâu dài và rất có ảnh hưởng như thế nào?
16 Khi đến lúc công việc rao giảng về tin mừng phải được thực hiện trên toàn thế giới trước khi “sự cuối-cùng sẽ đến”, thì Kinh-thánh không còn xa lạ với Á Châu và các hòn đảo ở Thái Bình Dương (Ma-thi-ơ 24:14). Kinh-thánh đã được xuất bản trong 232 ngôn ngữ đặc trưng của vùng đó. Một số ngôn ngữ có bản dịch Kinh-thánh trọn bộ; nhiều ngôn ngữ có bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp; một số khác thì có một cuốn sách trong Kinh-thánh.
17 Hiển nhiên, Kinh-thánh đã tồn tại, không chỉ là một cuốn sách trưng bày trong viện bảo tàng. Trong tất cả các cuốn sách hiện có, Kinh-thánh là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được phát hành rộng rãi nhất. Phù hợp với bằng chứng là cuốn sách này được ân huệ của Đức Chúa Trời, những gì đã được ghi lại trong sách đó đều được ứng nghiệm. Những sự dạy dỗ được thánh linh soi dẫn của Kinh-thánh cũng có ảnh hưởng lâu dài trên đời sống của người ta ở nhiều xứ (I Phi-e-rơ 1:24, 25). Nhưng còn nhiều điều nữa phải xảy ra—rất nhiều.
Bạn còn nhớ không?
◻ “Lời của Đức Chúa Trời” còn mãi muôn đời là gì?
◻ Người ta đã tìm những cách nào để cấm chỉ Kinh-thánh, và với kết quả nào?
◻ Sự toàn vẹn của Kinh-thánh đã được bảo vệ như thế nào?
◻ Làm thế nào lời về ý định của Đức Chúa Trời chứng tỏ là lời sống?
[Khung nơi trang 12]
Chúng ta có thật sự biết Kinh-thánh nguyên thủy nói gì không?
Có khoảng 6.000 bản chép tay bằng tiếng Hê-bơ-rơ chứng thực nội dung của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Một vài bản này đã được chép ra trước thời đạo đấng Christ. Vẫn còn ít nhất 19 bản thảo của trọn bộ phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã có từ thời trước khi người ta phát minh kỹ thuật in sắp chữ. Ngoài ra, cũng từ thời đó, còn lưu lại nhiều bản dịch Kinh-thánh trong 28 ngôn ngữ khác.
Nói về Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, người ta đã liệt kê khoảng 5.000 bản thảo bằng tiếng Hy Lạp. Một trong những bản thảo đã có trước năm 125 CN, như vậy là chỉ vài năm sau khi bản gốc được viết ra. Và người ta nghĩ rằng một số các mảnh giấy đã có khá lâu trước đó nữa. Nói về 22 trong số 27 cuốn sách được soi dẫn, thì mỗi cuốn có từ 10 đến 19 bản thảo toàn vẹn được viết bằng chữ hoa tròn. Trong các quyển Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, Khải-huyền là quyển có ít bản thảo toàn vẹn nhất, chỉ ba bản thảo còn lưu lại. Một bản thảo gồm trọn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đã được viết vào thế kỷ thứ tư CN.
Không có một tác phẩm văn học xưa nào khác được nhiều bằng chứng tài liệu cổ xưa như thế xác nhận.