BÀI HỌC 45
Đức Giê-hô-va giúp chúng ta thi hành thánh chức
‘Chúng sẽ nhận biết rằng có một nhà tiên tri trong vòng chúng’.—Ê-XÊ 2:5.
BÀI HÁT 67 “Hãy rao giảng lời Đức Chúa Trời”
GIỚI THIỆUa
1. Chúng ta biết mình có thể gặp điều gì, và chúng ta tin chắc điều gì?
Chúng ta biết mình có thể gặp sự chống đối khi thi hành công việc rao giảng. Rất có thể sự chống đối đó sẽ gia tăng trong tương lai (Đa 11:44; 2 Ti 3:12; Khải 16:21). Dù vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho mình sự giúp đỡ cần thiết. Tại sao? Vì ngài luôn giúp các tôi tớ ngài hoàn thành nhiệm vụ của họ, dù nhiệm vụ đó khó thế nào đi nữa. Để thấy rõ điều này, hãy xem xét một số biến cố trong cuộc đời của nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, người đã rao giảng cho dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn.
2. Đức Giê-hô-va miêu tả thế nào về những người trong khu vực của Ê-xê-chi-ên, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này? (Ê-xê-chi-ên 2:3-6)
2 Những người trong khu vực rao giảng của Ê-xê-chi-ên là người như thế nào? Đức Giê-hô-va miêu tả họ là “chai mặt cứng lòng” và “phản nghịch”. Họ gây hại như gai góc và nguy hiểm như bò cạp. Thế nên, không lạ gì khi Đức Giê-hô-va nhiều lần nói với Ê-xê-chi-ên: “Chớ sợ”! (Đọc Ê-xê-chi-ên 2:3-6). Ê-xê-chi-ên có thể thi hành sứ mạng rao giảng vì ông (1) được Đức Giê-hô-va phái đi, (2) nhận sức mạnh từ thần khí Đức Chúa Trời và (3) được nuôi dưỡng nhờ những lời của ngài. Ba điều này đã giúp Ê-xê-chi-ên như thế nào? Và những điều ấy giúp chúng ta ngày nay ra sao?
Ê-XÊ-CHI-ÊN ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA PHÁI ĐI
3. Những lời nào hẳn đã làm Ê-xê-chi-ên vững mạnh, và làm thế nào Đức Giê-hô-va đảm bảo với ông là ngài sẽ hỗ trợ ông?
3 Đức Giê-hô-va phán với Ê-xê-chi-ên: “Ta phái con [đi]” (Ê-xê 2:3, 4). Những lời này hẳn làm Ê-xê-chi-ên vững mạnh. Tại sao? Rất có thể ông nhớ lại là Đức Giê-hô-va đã dùng những lời tương tự khi giao cho Môi-se và Ê-sai sứ mạng làm nhà tiên tri của ngài (Xuất 3:10; Ê-sai 6:8). Ê-xê-chi-ên cũng biết Đức Giê-hô-va đã giúp hai nhà tiên tri này vượt qua những thử thách. Vì thế, khi Đức Giê-hô-va phán với Ê-xê-chi-ên hai lần: “Ta phái con [đi]”, nhà tiên tri này có lý do chính đáng để tin rằng ngài hỗ trợ ông. Trong sách Ê-xê-chi-ên, chúng ta cũng thấy câu sau xuất hiện nhiều lần: “Có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi” (Ê-xê 3:16). Hơn nữa, câu “Lại có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi” được lặp đi lặp lại (Ê-xê 6:1). Chắc chắn, Ê-xê-chi-ên tin chắc ông được Đức Giê-hô-va phái đi. Ngoài ra, là con trai của thầy tế lễ, rất có thể Ê-xê-chi-ên được cha dạy rằng trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đã đảm bảo với các nhà tiên tri là ngài sẽ hỗ trợ họ. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va phán với Y-sác, Gia-cốp và Giê-rê-mi: “Ta ở với con”.—Sáng 26:24; 28:15; Giê 1:8.
4. Những ý tưởng an ủi nào hẳn đã làm Ê-xê-chi-ên vững mạnh?
4 Đa số người Y-sơ-ra-ên sẽ phản ứng thế nào trước công việc rao giảng của Ê-xê-chi-ên? Đức Giê-hô-va nói: “Nhà Y-sơ-ra-ên thì sẽ không nghe con, vì chúng chẳng muốn nghe ta” (Ê-xê 3:7). Qua việc chối bỏ Ê-xê-chi-ên, dân chúng đang chối bỏ Đức Giê-hô-va. Những lời này đảm bảo với Ê-xê-chi-ên rằng phản ứng của dân chúng không có nghĩa là ông thất bại trong công việc tiên tri. Đức Giê-hô-va cũng đảm bảo với Ê-xê-chi-ên là khi thông điệp phán xét mà ông rao báo trở thành hiện thực, dân chúng sẽ “biết rằng đã có một nhà tiên tri trong vòng chúng” (Ê-xê 2:5; 33:33). Những ý tưởng an ủi này hẳn đã giúp Ê-xê-chi-ên có sức mạnh cần thiết để chu toàn thánh chức.
CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA PHÁI ĐI
5. Theo Ê-sai 44:8, điều gì làm chúng ta vững mạnh?
5 Chúng ta cũng được thêm sức khi biết rằng mình được Đức Giê-hô-va phái đi. Ngài nâng cao phẩm giá của chúng ta bằng cách gọi chúng ta là “những nhân chứng” của ngài (Ê-sai 43:10). Quả là đặc ân cao quý! Đức Giê-hô-va đã phán với Ê-xê-chi-ên: “Chớ sợ”, và ngài cũng phán với chúng ta tương tự: “Chớ nên kinh hãi”. Tại sao chúng ta không nên sợ những kẻ chống đối? Vì như Ê-xê-chi-ên, chúng ta được Đức Giê-hô-va phái đi và có sự hỗ trợ của ngài.—Đọc Ê-sai 44:8.
6. (a) Làm thế nào Đức Giê-hô-va đảm bảo là ngài sẽ hỗ trợ chúng ta? (b) Nhờ đâu chúng ta được an ủi và thêm sức?
6 Đức Giê-hô-va đảm bảo là ngài sẽ hỗ trợ chúng ta. Chẳng hạn, ngay trước khi nói: “Các con là những nhân chứng của ta”, Đức Giê-hô-va phán: “Khi con băng qua nước, ta sẽ ở cùng; khi con lội qua sông, sông không nhấn chìm. Khi con bước qua lửa sẽ không bị bỏng, ngọn lửa cũng chẳng hề làm con cháy sém” (Ê-sai 43:2). Khi thi hành thánh chức, đôi khi chúng ta đương đầu với những trở ngại giống như cơn lũ và đối mặt với những thử thách giống như lửa. Dù vậy, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta tiếp tục rao giảng (Ê-sai 41:13). Giống như vào thời của Ê-xê-chi-ên, đa số người ta ngày nay bác bỏ thông điệp của ngài. Chúng ta muốn nhớ rằng phản ứng của họ không có nghĩa là mình thất bại trong việc làm chứng về Đức Chúa Trời. Chúng ta được an ủi và thêm sức vì biết rằng Đức Giê-hô-va hài lòng khi chúng ta tiếp tục trung thành rao truyền thông điệp của ngài. Sứ đồ Phao-lô nói: “Mỗi người sẽ nhận phần thưởng theo công việc mình” (1 Cô 3:8; 4:1, 2). Một chị tiên phong lâu năm chia sẻ: “Tôi vui khi biết rằng Đức Giê-hô-va ban thưởng cho nỗ lực của chúng ta”.
Ê-XÊ-CHI-ÊN NHẬN SỨC MẠNH TỪ THẦN KHÍ ĐỨC CHÚA TRỜI
7. Ê-xê-chi-ên được tác động thế nào khi suy ngẫm về khải tượng mà ông thấy? (Xem hình nơi trang bìa).
7 Ê-xê-chi-ên đã thấy thần khí của Đức Chúa Trời rất mạnh mẽ. Trong khải tượng, ông chứng kiến thần khí thánh hoạt động trên những tạo vật thần linh mạnh mẽ và trên các bánh xe khổng lồ của cỗ xe trên trời (Ê-xê 1:20, 21). Ê-xê-chi-ên phản ứng thế nào? Ông ghi lại điều đã xảy ra: “Khi thấy ánh sáng đó, tôi sấp mặt xuống”. Ê-xê-chi-ên kinh ngạc đến mức ngã quỵ xuống đất (Ê-xê 1:28). Sau này, khi suy ngẫm về khải tượng uy nghi đó, hẳn Ê-xê-chi-ên càng tin chắc rằng với sự trợ giúp của thần khí Đức Chúa Trời, ông có thể chu toàn thánh chức.
8, 9. (a) Mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va đã giúp Ê-xê-chi-ên như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đã làm Ê-xê-chi-ên vững mạnh hơn ra sao để rao giảng trong khu vực khó khăn?
8 Đức Giê-hô-va lệnh cho Ê-xê-chi-ên: “Hỡi con người, hãy đứng dậy để ta nói với con”. Mệnh lệnh đó cùng với thần khí của Đức Chúa Trời đã giúp Ê-xê-chi-ên có sức mạnh để đứng dậy. Ông viết: “Thần khí vào trong tôi, khiến tôi đứng dậy” (Ê-xê 2:1, 2). Về sau, và trong suốt thời gian thi hành thánh chức, Ê-xê-chi-ên được “tay” của Đức Chúa Trời, tức thần khí thánh của ngài, hướng dẫn (Ê-xê 3:22; 8:1; 33:22; 37:1; 40:1). Thần khí của Đức Chúa Trời đã cho ông sức mạnh để thi hành nhiệm vụ được giao, đó là rao giảng cho những người “cứng đầu và cứng lòng” trong khu vực (Ê-xê 3:7). Đức Giê-hô-va phán với Ê-xê-chi-ên: “Ta khiến mặt con chai bằng mặt chúng, trán con cứng bằng trán chúng. Ta khiến trán con trở nên như kim cương, cứng hơn đá lửa. Đừng sợ chúng hay kinh hãi mặt chúng” (Ê-xê 3:8, 9). Như thể Đức Giê-hô-va phán với ông: “Đừng để sự ương ngạnh của dân chúng khiến con nản lòng. Ta sẽ làm con vững mạnh”.
9 Sau đó, thần khí Đức Chúa Trời đưa Ê-xê-chi-ên đến khu vực rao giảng của ông. Ê-xê-chi-ên viết: “Tay của Đức Giê-hô-va ở trên tôi một cách mạnh mẽ”. Mất một tuần để nhà tiên tri này hiểu rõ thông điệp mà ông phải rao truyền và có thể nói với lòng tin chắc (Ê-xê 3:14, 15). Rồi Đức Giê-hô-va bảo ông đến đồng bằng, nơi mà “thần khí vào trong [ông]” (Ê-xê 3:23, 24). Ê-xê-chi-ên đã sẵn sàng để bắt đầu thánh chức.
CHÚNG TA NHẬN SỨC MẠNH TỪ THẦN KHÍ ĐỨC CHÚA TRỜI
10. Chúng ta cần sự trợ giúp nào để thi hành công việc rao giảng, và tại sao?
10 Chúng ta cần sự trợ giúp nào để thi hành công việc rao giảng? Để biết câu trả lời, hãy nghĩ về điều đã xảy ra với Ê-xê-chi-ên. Trước khi ông bắt đầu rao giảng, thần khí của Đức Chúa Trời ban cho ông sức mạnh cần thiết. Giống như trong trường hợp của Ê-xê-chi-ên, ngày nay chúng ta chỉ có thể thi hành công việc rao giảng với sự trợ giúp của thần khí. Tại sao? Vì Sa-tan gây chiến với chúng ta để làm ngưng công việc rao giảng (Khải 12:17). Theo quan điểm của loài người, chúng ta dường như yếu thế hơn Sa-tan rất nhiều. Nhưng qua công việc làm chứng, chúng ta đang chiến thắng hắn! (Khải 12:9-11). Theo nghĩa nào? Khi tham gia thánh chức, chúng ta cho thấy mình không sợ hãi trước sự đe dọa của Sa-tan. Mỗi lần chúng ta rao giảng, Sa-tan bị thua một trận. Vậy chúng ta có thể kết luận điều gì từ việc mình vẫn tiếp tục rao giảng bất kể sự chống đối? Chúng ta có thể kết luận rằng mình nhận sức mạnh từ thần khí thánh và được Đức Giê-hô-va chấp nhận.—Mat 5:10-12; 1 Phi 4:14.
11. Thần khí Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta như thế nào, và chúng ta cần làm gì để tiếp tục nhận được thần khí?
11 Chúng ta nhận được sự khích lệ nào khác khi biết rằng Đức Giê-hô-va khiến mặt Ê-xê-chi-ên chai và trán ông cứng theo nghĩa bóng? Thần khí Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta đương đầu với bất cứ thử thách nào mà mình gặp trong thánh chức (2 Cô 4:7-9). Vậy chúng ta có thể làm gì để đảm bảo là mình tiếp tục nhận được thần khí? Chúng ta cần bền lòng cầu xin có thần khí, tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giê-su dạy các môn đồ: “Cứ xin,… cứ tìm,… cứ gõ”. Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại bằng cách “ban thần khí thánh cho những người cầu xin ngài”.—Lu 11:9, 13; Công 1:14; 2:4.
Ê-XÊ-CHI-ÊN ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG NHỜ NHỮNG LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
12. Theo Ê-xê-chi-ên 2:9–3:3, cuộn sách đến từ đâu, và trong đó ghi gì?
12 Ê-xê-chi-ên không chỉ nhận sức mạnh từ thần khí Đức Chúa Trời mà còn được nuôi dưỡng bởi những lời của ngài. Trong khải tượng, Ê-xê-chi-ên thấy một bàn tay đang cầm cuộn sách. (Đọc Ê-xê-chi-ên 2:9–3:3). Cuộn sách đến từ đâu? Trong đó ghi gì? Cuộn sách nuôi dưỡng Ê-xê-chi-ên như thế nào? Hãy cùng xem. Cuộn sách đến từ ngôi của Đức Chúa Trời. Rất có thể Đức Giê-hô-va đã dùng một trong bốn thiên sứ mà Ê-xê-chi-ên thấy trước đó để đưa cho ông cuộn sách (Ê-xê 1:8; 10:7, 20). Cuộn sách ghi những lời của Đức Chúa Trời, tức là thông điệp phán xét dài mà Ê-xê-chi-ên phải rao báo cho dân phản nghịch đang bị lưu đày (Ê-xê 2:7). Thông điệp đó được ghi trên cả mặt trong lẫn mặt ngoài của cuộn sách.
13. Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên làm gì với cuộn sách, và tại sao cuộn sách ấy “ngọt”?
13 Đức Giê-hô-va bảo nhà tiên tri của ngài ăn cuộn sách và “làm nó đầy bụng [ông]”. Ê-xê-chi-ên vâng lời và ăn hết cuộn sách. Phần này của khải tượng có nghĩa gì? Ê-xê-chi-ên cần hấp thu trọn vẹn thông điệp mà ông phải rao báo. Như thể thông điệp ấy phải trở thành một phần của ông và tác động đến những cảm xúc sâu kín nhất trong lòng. Rồi một điều ngạc nhiên xảy ra. Ê-xê-chi-ên thấy cuộn sách “ngọt như mật” (Ê-xê 3:3). Tại sao? Vì đối với ông, đặc ân được đại diện cho Đức Giê-hô-va là trải nghiệm “ngọt”, hay đầy vui thích (Thi 19:8-11). Ông biết ơn vì Đức Giê-hô-va đã cho ông làm nhà tiên tri của ngài.
14. Điều gì đã giúp Ê-xê-chi-ên sẵn sàng bắt tay vào nhiệm vụ?
14 Sau đó, Đức Giê-hô-va phán với Ê-xê-chi-ên: “Hãy để vào lòng và lắng tai nghe mọi lời ta phán với con” (Ê-xê 3:10). Qua sự chỉ dẫn này, Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên hãy nhớ và suy ngẫm những lời được viết trong cuộn sách. Điều đó giúp nuôi dưỡng Ê-xê-chi-ên. Ngoài ra, cuộn sách cũng cung cấp cho ông một thông điệp mạnh mẽ để rao báo cho dân chúng (Ê-xê 3:11). Khi có thông điệp của Đức Chúa Trời trong lòng, Ê-xê-chi-ên sẵn sàng bắt tay vào nhiệm vụ và chu toàn nhiệm vụ ấy.—So sánh Thi thiên 19:14.
CHÚNG TA ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG NHỜ NHỮNG LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
15. Để chịu đựng, chúng ta cần “để vào lòng” điều gì?
15 Để chịu đựng trong thánh chức, chúng ta cũng cần tiếp tục được nuôi dưỡng bởi những lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần “để vào lòng” mọi điều Đức Giê-hô-va nói với mình. Ngày nay, Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Lời ngài là Kinh Thánh. Làm thế nào để đảm bảo rằng Lời Đức Chúa Trời tiếp tục tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và động cơ của chúng ta?
16. Làm thế nào để hấp thu Lời Đức Chúa Trời vào lòng?
16 Chúng ta được nuôi dưỡng về thể chất khi ăn và tiêu hóa thức ăn. Cũng vậy, chúng ta được nuôi dưỡng về thiêng liêng khi học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cần ghi nhớ bài học rút ra từ cuộn sách. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta ‘làm đầy bụng [mình]’ bằng Lời của ngài, tức hấp thu Lời ấy. Chúng ta có thể làm thế bằng cách cầu nguyện, đọc và suy ngẫm. Trước hết, chúng ta cầu nguyện để chuẩn bị lòng hầu tiếp nhận tư tưởng của Đức Chúa Trời. Tiếp theo, chúng ta đọc một đoạn Kinh Thánh. Sau đó, chúng ta dừng lại để suy ngẫm về điều mình vừa đọc. Điều này mang lại kết quả nào? Càng suy ngẫm, lòng của chúng ta sẽ càng hấp thu Lời Đức Chúa Trời.
17. Tại sao việc suy ngẫm về những điều chúng ta đọc trong Kinh Thánh là thiết yếu?
17 Tại sao việc đọc và suy ngẫm Kinh Thánh là thiết yếu? Vì làm thế sẽ giúp chúng ta có sức mạnh cần thiết để rao truyền thông điệp Nước Trời ngay bây giờ, và rao báo thông điệp phán xét mạnh mẽ mà có thể chúng ta sẽ thi hành trong tương lai sắp đến. Ngoài ra, khi suy ngẫm những đức tính tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, mối quan hệ của chúng ta với ngài sẽ ngày càng gắn bó. Nhờ thế, chúng ta sẽ cảm nhận được điều thật sự “ngọt”, hay đầy vui thích, đó là sự thỏa lòng và bình an nội tâm.—Thi 119:103.
ĐƯỢC THÚC ĐẨY ĐỂ CHỊU ĐỰNG
18. Những người trong khu vực sẽ phải nhìn nhận điều gì?
18 Khác với Ê-xê-chi-ên, chúng ta không được soi dẫn để nói tiên tri với người khác. Tuy nhiên, chúng ta quyết tâm tiếp tục rao báo thông điệp được soi dẫn mà Đức Giê-hô-va bảo tồn trong Lời ngài cho đến khi công việc rao giảng được hoàn tất theo đúng ý ngài. Khi thời điểm phán xét đến, những người trong khu vực của chúng ta sẽ không có cơ sở để nói rằng họ đã không nhận được lời cảnh báo hoặc Đức Chúa Trời bỏ sót họ (Ê-xê 3:19; 18:23). Thay vì thế, họ sẽ phải nhận ra thông điệp mà chúng ta đã rao giảng là đến từ Đức Chúa Trời.
19. Điều gì sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để chu toàn thánh chức?
19 Điều gì sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để chu toàn thánh chức? Đó là ba điều đã giúp Ê-xê-chi-ên vững mạnh. Chúng ta tiếp tục rao giảng vì biết mình được Đức Giê-hô-va phái đi, nhận sức mạnh từ thần khí thánh và được nuôi dưỡng nhờ Lời ngài. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta được thúc đẩy để thi hành thánh chức và chịu đựng “cho đến cuối cùng”.—Mat 24:13.
BÀI HÁT 65 Hãy tấn tới!
a Trong bài này, chúng ta sẽ xem ba điều đã giúp nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên thi hành nhiệm vụ rao giảng. Khi xem xét cách Đức Giê-hô-va đã giúp nhà tiên tri của ngài, chúng ta càng tin chắc rằng ngài sẽ giúp mình thi hành thánh chức.