Nhận ra sứ giả thật
“Ấy chính ta.. [là] Chúa làm ứng-nghiệm lời của tôi-tớ Ngài; thiệt-hành mưu của sứ-giả Ngài” (Ê-SAI 44:25, 26).
1. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va cho thấy ai là sứ giả thật, và ngài vạch mặt những kẻ mạo nhận là sứ giả ra sao?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng vĩ đại trong việc nhận định ai là các sứ giả thật của ngài. Đức Giê-hô-va cho thấy họ là ai bằng cách làm cho thông điệp mà ngài truyền qua họ trở thành sự thật. Đức Giê-hô-va cũng là Đấng vĩ đại trong việc vạch mặt những kẻ mạo nhận là sứ giả. Ngài vạch mặt họ như thế nào? Ngài phá hỏng những dấu lạ và lời tiên đoán của họ. Bằng cách này ngài cho thấy rằng họ là những kẻ tự tiên đoán, và những thông điệp của họ thật ra phát sinh từ luận cứ sai lầm của riêng mình—đúng vậy, từ lối suy nghĩ khờ dại và trần tục của họ!
2. Có sự mâu thuẫn nào giữa các sứ giả vào thời dân Y-sơ-ra-ên?
2 Cả Ê-sai lẫn Ê-xê-chi-ên đều nhận mình là sứ giả của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Có phải vậy không? Chúng ta hãy xem. Ê-sai nói tiên tri tại Giê-ru-sa-lem từ khoảng năm 778 trước công nguyên (TCN) đến chừng sau năm 732 TCN. Ê-xê-chi-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn vào năm 617 TCN, và ông đã nói tiên tri cho các anh em người Do Thái bị lưu đày ở đó. Cả hai nhà tiên tri đều can đảm công bố rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy. Những tiên tri khác thì nói rằng Đức Chúa Trời sẽ không để cho điều này xảy ra. Ai đã chứng tỏ mình là sứ giả thật?
Đức Giê-hô-va vạch mặt tiên tri giả
3, 4. a) Dân Y-sơ-ra-ên ở Ba-by-lôn nhận được hai thông điệp trái ngược nào, và Đức Giê-hô-va đã vạch mặt kẻ mạo nhận là sứ giả ra sao? b) Đức Giê-hô-va phán chuyện gì sẽ xảy ra cho các tiên tri giả?
3 Trong lúc ở Ba-by-lôn, Ê-xê-chi-ên được ban cho sự hiện thấy về những điều đang xảy ra tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Có 25 người đàn ông tại cửa đông đền thờ. Trong số họ có hai quan trưởng, Gia-a-xa-nia và Phê-la-tia. Đức Giê-hô-va xem họ như thế nào? Ê-xê-chi-ên 11:2, 3 trả lời: “Hỡi con người, đó là những người toan-tính sự gian-ác, bày-đặt mưu gian trong thành nầy. Chúng nó nói rằng: Hiện nay chưa gần kỳ xây nhà!” Những sứ giả tự phụ nói rằng: ‘Thành Giê-ru-sa-lem không còn bị nguy hiểm nữa. Chúng ta sắp xây nhiều nhà trong thành!’ Vì thế Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên phải nói tiên tri ngược lại những sứ giả dối trá này. Trong đoạn 11 câu 13, Ê-xê-chi-ên 11:13 nói cho chúng ta biết điều gì đã xảy ra cho một người trong bọn họ: “Trong khi ta nói tiên-tri, thì Phê-la-tia, con trai Bê-na-gia, chết”. Điều này xảy ra có thể vì Phê-la-tia là quan trưởng có uy tín và thế lực nhất và là kẻ nổi tiếng thờ hình tượng. Cái chết đột ngột của ông chứng tỏ rằng ông là tiên tri giả!
4 Việc Đức Giê-hô-va hành quyết Phê-la-tia đã không khiến các tiên tri giả ngưng dùng danh Đức Chúa Trời để nói dối. Những kẻ lừa dối tiếp tục làm chuyện rồ dại và tiên đoán những điều trái ngược lại ý định của Đức Chúa Trời. Vì thế Giê-hô-va Đức Chúa Trời bảo Ê-xê-chi-ên: “Khốn cho những tiên-tri dại-dột, theo thần riêng mình, mà chưa từng thấy gì cả”. Giống như Phê-la-tia, họ sẽ “chẳng còn nữa” vì họ cho Giê-ru-sa-lem một “sự hiện-thấy bình-an cho thành ấy, mà không có bình-an” (Ê-xê-chi-ên 13:3, 15, 16).
5, 6. Bất kể tất cả những kẻ mạo nhận là sứ giả, Ê-sai được chứng tỏ là tiên tri thật như thế nào?
5 Về phần Ê-sai, tất cả thông điệp của Đức Chúa Trời mà ông nói về Giê-ru-sa-lem đều được ứng nghiệm. Vào mùa hè năm 607 TCN, dân Ba-by-lôn hủy phá thành và bắt những người Do Thái còn sót lại về Ba-by-lôn làm phu tù (II Sử-ký 36:15-21; Ê-xê-chi-ên 22:28; Đa-ni-ên 9:2). Những tai họa này có khiến cho các tiên tri giả ngưng thốt ra vô số những lời vô ích cho dân Đức Chúa Trời không? Không, những sứ giả dối trá này vẫn tiếp tục làm thế!
6 Ngoài ra, dân Do Thái bị lưu đày còn chịu ảnh hưởng bởi những người bói toán, thầy bói và các chiêm tinh gia kiêu ngạo của Ba-by-lôn. Tuy nhiên Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ tất cả các sứ giả dối trá này là những kẻ điên rồ đã thất bại, nói sai sự thật. Cuối cùng, ngài cho thấy Ê-xê-chi-ên cũng như Ê-sai là sứ giả thật của ngài. Đức Giê-hô-va thực hiện mọi lời mà ngài đã nói qua họ, y như ngài đã hứa: “Ấy chính ta làm trật các điềm của kẻ nói dối, khiến thầy bói nên ngu-muội, làm cho kẻ trí tháo-lui, biến sự khôn-ngoan nó ra dại-khờ; Chúa làm ứng-nghiệm lời của tôi-tớ Ngài, thiệt-hành mưu của sứ-giả Ngài” (Ê-sai 44:25, 26).
Thông điệp đáng kinh ngạc về Ba-by-lôn và Giê-ru-sa-lem
7, 8. Ê-sai đã được soi dẫn để nói thông điệp nào về Ba-by-lôn, và lời của ông có ý nghĩa gì?
7 Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy phá hoàn toàn, không có người ở, trong vòng 70 năm. Tuy nhiên, qua Ê-sai và Ê-xê-chi-ên Đức Giê-hô-va rao truyền rằng thành đó sẽ được tái lập và trong xứ sẽ có người ở vào đúng thời kỳ mà ngài báo trước! Đây là một lời tiên đoán đáng kinh ngạc. Tại sao? Bởi vì dân Ba-by-lôn có tiếng là không bao giờ trả tự do cho tù nhân của họ (Ê-sai 14:4, 15-17). Thế thì ai có thể giải cứu những người bị bắt giữ này? Ai có thể lật đổ nước Ba-by-lôn hùng mạnh, với các bức tường khổng lồ và hệ thống sông ngòi phòng thủ của họ? Đức Giê-hô-va Toàn năng có thể làm điều đó! Và ngài nói là ngài sẽ làm: “[Ta] phán cùng vực sâu [tức là các con sông phòng thủ của thành] rằng: Hãy khô đi, ta sẽ làm cạn các sông; phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của ta; nó sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại, và phán về đền-thờ rằng: Nền ngươi sẽ lại lập” (Ê-sai 44:25, 27, 28).
8 Hãy thử nghĩ xem! Sông Ơ-phơ-rát là một chướng ngại vật to lớn đối với loài người, nhưng đối với Đức Giê-hô-va thì nó như giọt nước trên mặt phẳng nóng hực. Trong chớp nhoáng, nó bốc hơi đi mất! Ba-by-lôn sẽ sụp đổ. Tuy còn khoảng 150 năm trước khi Si-ru của nước Phe-rơ-sơ ra đời, Đức Giê-hô-va đã khiến Ê-sai tiên tri rằng vua này sẽ chinh phục nước Ba-by-lôn và phóng thích người Do Thái bị lưu đày bằng cách cho phép họ trở về tái lập thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó!
9. Đức Giê-hô-va ủy quyền cho ai để trừng trị Ba-by-lôn?
9 Chúng ta thấy lời tiên tri này nơi Ê-sai 45:1-3: “Đức Giê-hô-va phán thể nầy cùng Si-ru, là người xức dầu của Ngài, ta đã cầm lấy tay hữu người, đặng hàng-phục các nước trước mặt người,... đặng mở các cửa thành trước mặt người, cấm không được đóng lại: Ta sẽ đi trước mặt ngươi, ban bằng các đường gập-ghềnh; phá vỡ các cửa bằng đồng, bẻ gãy then gài bằng sắt; ta sẽ ban vật báu chứa trong nơi tối, của-cải chứa trong nơi kín cho ngươi, để ngươi biết rằng chính ta, là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đã lấy tên ngươi gọi ngươi”.
10. Bằng cách nào Si-ru được “xức dầu”, và làm sao Đức Giê-hô-va có thể nói với ông hơn một trăm năm trước khi ông sinh ra?
10 Hãy chú ý là Đức Giê-hô-va nói với Si-ru như thể là ông ta đang sống lúc đó. Điều này phù hợp với lời của Phao-lô nói rằng Đức Giê-hô-va “gọi những sự không có như có rồi” (Rô-ma 4:17). Đức Chúa Trời cũng gọi Si-ru là “người xức dầu” của ngài. Tại sao ngài gọi như thế? Thật ra thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Giê-hô-va không hề xức dầu thánh lên đầu Si-ru, nhưng đấy là sự xức dầu có tính cách tiên tri. Điều đó cho thấy sự bổ nhiệm một chức vụ đặc biệt. Cho nên Đức Chúa Trời có thể nói sự bổ nhiệm trước của Si-ru như thể là sự xức dầu. (So sánh I Các Vua 19:15-17; II Các Vua 8:13).
Đức Chúa Trời làm ứng nghiệm những lời của sứ giả ngài
11. Tại sao dân của thành Ba-by-lôn cảm thấy an toàn?
11 Vào lúc Si-ru tiến quân để tấn công thành Ba-by-lôn, dân cư trong thành đã cảm thấy rất an toàn. Vì thành phố của họ được bảo vệ bởi một hào sâu và rộng do sông Ơ-phơ-rát tạo thành. Có bến tàu chạy dọc theo phía đông bờ sông. Để tách nó ra khỏi thành, Nê-bu-cát-nết-sa đã xây cái mà ông gọi là “trường thành, giống như một cái núi, không thể bị lay chuyển...Trên đỉnh, [ông] cất cao như núi”a. Tường này có cổng với những cánh cửa bằng đồng to lớn. Muốn vào cổng, một người phải leo lên dốc từ bờ sông. Thảo nào những tù nhân của Ba-by-lôn đã không bao giờ có hy vọng được tự do!
12, 13. Lời của Đức Giê-hô-va phán qua sứ giả Ê-sai đã trở thành sự thật như thế nào khi Ba-by-lôn rơi vào tay của Si-ru?
12 Nhưng những người Do Thái bị lưu đày tin nơi Đức Giê-hô-va thì có hy vọng! Họ có hy vọng tươi sáng. Qua các nhà tiên tri của ngài, Đức Chúa Trời hứa sẽ giải cứu họ. Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa của ngài bằng cách nào? Si-ru bảo quân lính rẽ sông Ơ-phơ-rát nhiều dặm về phía bắc của thành Ba-by-lôn. Do đó, nguồn bảo vệ chính của thành chỉ còn là một lòng sông tương đối khô cạn. Vào tối đêm nghiêm trọng đó, những kẻ say sưa ở Ba-by-lôn đã sơ ý bỏ ngỏ hai cánh cửa thành dọc theo bờ sông Ơ-phơ-rát. Đức Giê-hô-va đã không phải phá vỡ hai cánh cửa bằng đồng ra từng miếng; ngài cũng không phải bẻ gãy những then sắt gài cổng, nhưng khi ngài điều động mọi việc một cách kỳ diệu để khiến cho các cửa bị bỏ ngỏ thì cũng có cùng kết quả. Các tường thành của Ba-by-lôn đã trở nên vô dụng! Quân đội của Si-ru không cần phải leo tường để vào thành. Đức Giê-hô-va đã đi trước Si-ru, san bằng “các đường gập-ghềnh”, đúng vậy, ngài san bằng tất cả những trở ngại. Ê-sai được chứng tỏ là sứ giả thật của Đức Chúa Trời.
13 Sau khi Si-ru hoàn toàn chiếm lấy thành, tất cả kho tàng của thành đều rơi vào tay Si-ru, kể cả mọi thứ giấu trong các phòng kín. Tại sao Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm điều này cho Si-ru? Hầu cho Si-ru biết rằng Đức Giê-hô-va, ‘Đấng đã gọi ông bằng tên’, là Đức Chúa Trời nói tiên tri thật và là Đấng Thống Trị hoàn vũ. Ông sẽ biết rằng Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho ông lên nắm quyền để giải cứu dân ngài, tức dân Y-sơ-ra-ên.
14, 15. Làm sao chúng ta biết rằng Si-ru chiến thắng Ba-by-lôn là nhờ Đức Giê-hô-va?
14 Hãy lắng nghe những lời của Đức Giê-hô-va nói với Si-ru: “Vì cớ Gia-cốp, tôi-tớ ta, và Y-sơ-ra-ên, kẻ lựa-chọn của ta, nên ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi, và đặt tên thêm cho ngươi, dầu ngươi không biết ta. Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa. Dầu ngươi không biết ta, ta sẽ thắt lưng ngươi, hầu cho từ phía mặt trời mọc đến phía mặt trời lặn họ được biết rằng không có Đức Chúa Trời nào khác ngoài ta. Ta là Đức Giê-hô-va, không có đấng nào khác. Ấy chính ta là Đấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối-tăm, làm ra sự bình-an [cho dân lưu đày của ngài] và dựng nên sự tai-vạ [cho Ba-by-lôn]; chính ta, là Đức Giê-hô-va, làm mọi sự đó” (Ê-sai 45:4-7).
15 Si-ru chiến thắng Ba-by-lôn là nhờ Đức Giê-hô-va, vì ngài đã làm cho ông vững mạnh hầu làm vui lòng ngài mà chống lại thành gian ác đó và giải thoát dân bị bắt giữ của ngài. Làm thế, Đức Chúa Trời đã kêu gọi các từng trời cho sa xuống những ảnh hưởng hay nguồn lực công bình. Ngài kêu gọi đất mở ra và gieo những điều công bình và sự cứu rỗi cho dân lưu đày của ngài. Và các từng trời và đất theo nghĩa bóng của ngài đáp ứng mệnh lệnh này (Ê-sai 45:8). Hơn một trăm năm sau khi ông qua đời, Ê-sai được tỏ ra là sứ giả thật của Đức Giê-hô-va!
Sứ giả mang tin mừng cho Si-ôn!
16. Khi Ba-by-lôn bị bại trận, tin mừng nào có thể được loan ra trong thành Giê-ru-sa-lem hoang vu?
16 Nhưng còn nữa. Ê-sai 52:7 nói về tin mừng cho thành Giê-ru-sa-lem: “Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình-an, đem tin tốt về phước-lành, rao sự cứu-chuộc, bảo Si-ôn rằng: Đức Chúa Trời ngươi trị-vì, chơn của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào!” Thật là cảm kích biết bao khi thấy sứ giả, từ những núi đồi tiến đến thành Giê-ru-sa-lem! Sứ giả đó hẳn phải mang theo tin tức. Tin đó là gì? Đó là tin hứng thú cho Si-ôn. Tin về sự bình an, đúng vậy, tin về sự ban ơn của Đức Chúa Trời. Thành Giê-ru-sa-lem cũng như đền thờ tại đó sẽ được tái lập! Và sứ giả công bố với giọng vui mừng hoan hỉ: “Đức Chúa Trời ngươi trị-vì”.
17, 18. Việc Ba-by-lôn bị Si-ru đánh bại ảnh hưởng đến chính danh của Đức Giê-hô-va như thế nào?
17 Khi Đức Giê-hô-va để cho dân Ba-by-lôn lật đổ ngôi vua tượng trưng mà các vua của dòng dõi Đa-vít cai trị, thì có vẻ như Đức Chúa Trời không còn là vua nữa. Ngược lại Marduk, thần chính của Ba-by-lôn có vẻ là vua. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời của Si-ôn lật đổ Ba-by-lôn, ngài cho thấy quyền thống trị hoàn vũ—ngài là Vua lớn nhất. Và để nhấn mạnh điều này, Giê-ru-sa-lem, “thành của Vua lớn”, phải được thiết lập, cùng với đền thờ (Ma-thi-ơ 5:35). Còn về sứ giả mang tin mừng ấy, dù chân đầy bụi, dơ bẩn và bị thâm tím, nhưng dưới mắt những người yêu chuộng Si-ôn và Đức Chúa Trời của thành đó, chân của người ấy trông xinh đẹp là dường nào!
18 Theo nghĩa tiên tri, sự sụp đổ của Ba-by-lôn có nghĩa là Nước Trời được thiết lập và người mang tin mừng là người công bố sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Hơn nữa, người đưa tin thời xưa, theo như Ê-sai báo trước, tượng trưng cho sứ giả đưa tin mừng vĩ đại hơn—vĩ đại hơn là nhờ có nội dung tuyệt diệu và chủ đề về Nước Trời, nên có những hàm ý tuyệt vời cho mọi người có đức tin.
19. Đức Giê-hô-va dùng Ê-xê-chi-ên để nói thông điệp nào về xứ Y-sơ-ra-ên?
19 Ê-xê-chi-ên cũng được ban cho những lời tiên tri hứng thú về sự phục hưng. Ông tiên tri: “Chúa Giê-hô-va phán như vầy... Ta sẽ lại làm cho thành các ngươi có dân ở, và những chỗ đổ-nát sẽ dựng lại. Chúng nó sẽ nói rằng: Đất hoang-vu nầy đã trở nên như vườn Ê-đen” (Ê-xê-chi-ên 36:33, 35).
20. Qua lời tiên tri, Ê-sai đã vui mừng thúc giục thành Giê-ru-sa-lem ra sao?
20 Trong lúc bị gông cùm ở Ba-by-lôn, dân Đức Chúa Trời đã than khóc vì Si-ôn (Thi-thiên 137:1). Giờ đây, họ có thể vui mừng. Ê-sai thúc giục: “Hỡi những nơi hoang-vu của Giê-ru-sa-lem, hãy trổi giọng hát mừng chung-rập. Vì Đức Giê-hô-va đã yên-ủi dân Ngài, đã chuộc lại Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-hô-va đã tỏ trần cánh tay thánh Ngài trước mắt mọi nước; mọi đầu-cùng đất đã thấy sự cứu-rỗi của Đức Chúa Trời chúng ta!” (Ê-sai 52:9, 10).
21. Những lời nơi Ê-sai 52:9, 10 đã được ứng nghiệm như thế nào sau khi Ba-by-lôn bại trận?
21 Đúng vậy, dân được Đức Giê-hô-va chọn có lý do chính đáng để vui mừng. Bấy giờ họ sẽ trở lại những nơi hoang vu, biến những nơi đó trở nên giống như vườn Ê-đen. Đức Giê-hô-va đã “tỏ trần cánh tay thánh Ngài” cho họ. Ngài xắn tay áo lên nói theo nghĩa bóng, để mang họ trở về quê hương thân yêu. Đây không phải là một biến cố không quan trọng, không ai biết đến trong lịch sử. Không phải vậy, mọi người sống vào thời đó đều thấy ‘cánh tay trần’ của Đức Chúa Trời điều khiển công việc của loài người để mang lại sự cứu rỗi tuyệt vời cho một dân tộc. Họ có được bằng chứng không thể sai rằng Ê-sai và Ê-xê-chi-ên là những sứ giả thật của Đức Giê-hô-va. Không ai có thể nghi ngờ rằng Đức Chúa Trời của Si-ôn là một Đức Chúa Trời duy nhất trên khắp đất, và ngài hằng sống và có thật. Nơi Ê-sai 35:2, chúng ta đọc: “Chúng sẽ thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta”. Những người chấp nhận bằng chứng này về cương vị của Đức Giê-hô-va đã quay sang thờ phượng ngài.
22. a) Ngày nay chúng ta biết ơn về điều gì? b) Tại sao chúng ta nên đặc biệt biết ơn về việc Đức Giê-hô-va vạch mặt những kẻ mạo nhận là sứ giả?
22 Chúng ta thật biết ơn việc Đức Giê-hô-va đã cho thấy ai là sứ giả thật của ngài! Thật vậy ngài là Đấng “làm ứng-nghiệm lời của tôi-tớ Ngài, thiệt-hành mưu của sứ-giả Ngài” (Ê-sai 44:26). Những lời tiên tri về sự phục hưng mà ngài ban cho Ê-sai và Ê-xê-chi-ên làm nổi bật lòng yêu thương bao la, ân điển và lòng thương xót của ngài đối với các tôi tớ ngài. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va đáng được chúng ta ca ngợi về điều này! Và ngày nay chúng ta nên đặc biệt biết ơn về việc ngài vạch mặt những kẻ mạo nhận là sứ giả. Vì ngày nay khắp nơi có nhiều kẻ như thế. Những thông điệp long trọng của họ không nói gì đến những ý định mà Đức Giê-hô-va đã loan báo. Bài tới sẽ giúp chúng ta nhận diện những kẻ mạo nhận là sứ giả.
[Chú thích]
a Sách The Monuments and the Old Testament của Ira Maurice Price, 1925.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Bằng cách nào Đức Giê-hô-va cho thấy ai là sứ giả thật của ngài?
◻ Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va đã ủy quyền cho ai để đánh bại Ba-by-lôn?
◻ Lời tiên tri của Ê-sai miêu tả sự bại trận của Ba-by-lôn đã được ứng nghiệm như thế nào?
◻ Việc Ba-by-lôn bại trận đã làm sáng danh Đức Giê-hô-va như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Đối với các nước vào thời Ê-xê-chi-ên thì Ba-by-lôn dường như là vô địch