Không binh khí nào chiến thắng được chúng ta
“Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi”.—Ê-SAI 54:17.
1, 2. Kinh nghiệm của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Albania chứng thực lời hứa nơi Ê-sai 54:17 như thế nào?
CÁCH đây vài thập niên, tại một đất nước nhiều đồi núi nằm ở phía đông nam của châu Âu, có một nhóm tín đồ Đấng Christ không hề sợ hãi trước khó khăn thử thách. Chính quyền nơi đó tìm mọi cách để bắt bớ họ. Thế nhưng họ không lùi bước dù bị tra tấn, đưa vào các trại khổ sai và bị các phương tiện truyền thông vu cáo. Những người đó là ai? Đó là Nhân Chứng Giê-hô-va ở Albania. Dù việc nhóm họp và rao giảng vô cùng khó khăn, họ vẫn kiên trì chịu đựng suốt nhiều thập niên. Nhờ thế, họ tạo tiếng tốt cho đạo của mình và tôn vinh danh Đức Giê-hô-va. Năm ngoái, trong lễ khánh thành văn phòng chi nhánh mới ở nước này, một Nhân Chứng trung thành lâu năm cho biết: “Dù Sa-tan nỗ lực đến đâu, hắn luôn là kẻ thua cuộc, còn Đức Giê-hô-va là Đấng chiến thắng!”.
2 Tất cả những điều này là bằng chứng hùng hồn cho thấy lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài đã thành hiện thực. Lời hứa ấy được ghi nơi Ê-sai 54:17: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi”. Lịch sử xác nhận rằng những gì thế gian của Sa-tan làm không thể khiến các tôi tớ tận tụy của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngưng thờ phượng Ngài.
Nỗ lực của Sa-tan bị thất bại
3, 4. (a) Binh khí của Sa-tan bao gồm điều gì? (b) Binh khí của Ma-quỉ đã thất bại theo nghĩa nào?
3 Binh khí được dùng để chống lại những người thờ phượng thật bao gồm các lệnh cấm, đám đông hành hung, tù đày và những điều luật gây khó khăn (Thi-thiên 94:20). Thật vậy, tại một số nơi, ngay khi học bài này, các Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va vẫn đang “bị thử-thách” về lòng trung kiên.—Khải-huyền 2:10.
4 Chẳng hạn, theo báo cáo từ một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, chỉ trong một năm có đến 32 trường hợp các tôi tớ của Đức Giê-hô-va bị hành hung khi đang làm thánh chức. Ngoài ra, có 59 vụ cảnh sát bắt giam các Nhân Chứng—cả người lớn tuổi lẫn trẻ tuổi, nam lẫn nữ—khi họ đang rao giảng. Một số người bị lấy dấu vân tay, chụp hình và tống vào nhà giam như tội phạm. Những người khác thì bị đe dọa hành hung. Tại một nước khác, đến nay có hơn 1.100 hồ sơ ghi lại các vụ Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt giam, phạt tiền hoặc đánh đập. Hơn 200 trường hợp trong số đó xảy ra vào ngày họ nhóm lại để tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, dù dân Đức Giê-hô-va ở thế bất lợi, thánh linh Ngài đã giúp họ vượt qua thử thách tại những nước này cũng như những nước khác (Xa-cha-ri 4:6). Sự phẫn nộ của kẻ thù vẫn không làm những người ca ngợi Đức Giê-hô-va im lặng. Đúng vậy, chúng ta tin chắc rằng không binh khí nào có thể làm ý định của Đức Chúa Trời thất bại.
Bác bỏ những lời dối trá
5. Vào thế kỷ thứ nhất, những lưỡi dối trá nào dấy lên nghịch lại tôi tớ của Đức Giê-hô-va?
5 Nhà tiên tri Ê-sai báo trước dân Đức Chúa Trời sẽ “định tội”, tức bác bỏ những lưỡi dấy lên nghịch họ. Vào thế kỷ thứ nhất, các tín đồ Đấng Christ thường là mục tiêu của sự xuyên tạc, và bị miêu tả là những kẻ làm điều ác. Điển hình là lời vu khống ghi nơi Công-vụ 16:20, 21: “Những người nầy làm rối-loạn thành ta. . . dạy-dỗ các thói-tục mà chúng ta chẳng nên nhận lấy, hoặc vâng theo, vì chúng ta là người Rô-ma”. Một lần khác, những kẻ chống đối ra sức xúi giục các quan án trong thành chống lại môn đồ của Chúa Giê-su. Họ quả quyết: “Kìa những tên nầy đã gây thiên-hạ nên loạn-lạc, nay có đây. . . [Họ] đều là đồ nghịch mạng Sê-sa” (Công-vụ 17:6, 7). Sứ đồ Phao-lô bị gọi là “đồ ôn-dịch” và kẻ dẫn đầu giáo phái gây nổi loạn “trên cả thế-giới”.—Công-vụ 24:2-5.
6, 7. Một cách mà tín đồ Đấng Christ chân chính có thể bác bỏ những lời lẽ công kích là gì?
6 Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tín đồ Đấng Christ chân chính thời nay phải đương đầu với sự xuyên tạc trắng trợn, sự vu cáo hiểm độc và lời tuyên truyền bôi nhọ danh tiếng. Làm thế nào chúng ta bác bỏ những lời lẽ công kích như thế?—Ê-sai 54:17.
7 Hạnh kiểm tốt của Nhân Chứng Giê-hô-va thường bác bỏ những lời vu cáo và tuyên truyền đó (1 Phi-e-rơ 2:12). Tín đồ Đấng Christ cho thấy họ là những công dân tuân thủ luật pháp, sống đạo đức và thật sự quan tâm đến lợi ích của người đồng loại. Khi làm thế, họ cho thấy những lời vu cáo ấy hoàn toàn sai. Hạnh kiểm tốt chứng minh chúng ta là những người ngay thẳng. Khi người ta thấy chúng ta kiên trì làm những việc lành, họ thường ngợi khen Cha chúng ta trên trời và nhận ra tiêu chuẩn sống của tôi tớ Ngài là tốt nhất.—Ê-sai 60:14; Ma-thi-ơ 5:14-16.
8. (a) Đôi khi chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ lập trường dựa trên Kinh Thánh của mình? (b) Noi gương Chúa Giê-su, làm thế nào chúng ta có thể bác bỏ những lưỡi dấy nghịch cùng chúng ta?
8 Ngoài việc giữ hạnh kiểm tin kính, đôi khi chúng ta cũng cần dạn dĩ bảo vệ lập trường dựa trên Kinh Thánh của mình. Một cách để làm điều này là nhờ chính quyền can thiệp và tòa án xử kiện (Ê-xơ-tê 8:3; Công-vụ 22:25-29; 25:10-12). Khi sống trên đất, có những lúc Chúa Giê-su đã công khai lên án những kẻ chỉ trích ngài và bác bỏ những lời vu cáo của họ (Ma-thi-ơ 12:34-37; 15:1-11). Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta sẵn sàng giải thích rõ ràng về niềm tin vững chắc của mình (1 Phi-e-rơ 3:15). Mong sao chúng ta không bao giờ để cho sự chế giễu ở trường, tại sở làm, hoặc từ những người thân không cùng đức tin làm chúng ta ngừng rao báo lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời.—2 Phi-e-rơ 3:3, 4.
Giê-ru-sa-lem—“Hòn đá nặng”
9. “Hòn đá nặng” nơi Xa-cha-ri 12:3 tượng trưng cho Giê-ru-sa-lem nào? Và trên đất, ai đang đại diện cho Giê-ru-sa-lem này?
9 Lời tiên tri của Xa-cha-ri cho biết tại sao các nước thế gian chống nghịch tín đồ Đấng Christ chân chính. Hãy lưu ý những gì Xa-cha-ri 12:3 nói: “Xảy ra trong ngày đó, ta sẽ khiến Giê-ru-sa-lem làm hòn đá nặng cho các dân-tộc”. Lời tiên tri nói đến Giê-ru-sa-lem nào? Đó là “Giê-ru-sa-lem trên trời”, tức Nước Trời. Một số tín đồ Đấng Christ được chọn lên trời để làm vua của nước này (Hê-bơ-rơ 12:22). Một nhóm nhỏ trong số họ vẫn còn sống trên đất. Cùng với bạn đồng hành thuộc lớp “chiên khác”, họ mời gọi người ta đến với Nước Trời khi vẫn còn cơ hội (Giăng 10:16; Khải-huyền 11:15). Các nước phản ứng thế nào trước lời mời này? Và thời nay, Đức Giê-hô-va ủng hộ những người thờ phượng Ngài như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm câu trả lời qua việc xem xét ý nghĩa của Xa-cha-ri chương 12. Khi làm thế, chúng ta sẽ tin chắc rằng không binh khí nào có thể chiến thắng những tín đồ Đấng Christ được xức dầu và bạn đồng hành của họ.
10. (a) Tại sao dân Đức Chúa Trời bị tấn công? (b) Điều gì xảy ra khi các nước ra sức lăn “hòn đá nặng” đi?
10 Xa-cha-ri 12:3 cho biết các dân tộc “bị thương nặng”. Điều này xảy ra thế nào? Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là tin mừng về Nước Trời phải được giảng ra. Nhân Chứng Giê-hô-va xem trọng trách nhiệm này. Tuy nhiên, công việc rao báo Nước Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại đã trở thành “hòn đá nặng” cho các nước. Họ ra sức lăn hòn đá này đi bằng cách cản trở công việc của những người rao giảng Nước Trời. Khi làm thế, các nước này “bị thương nặng”. Vì nỗ lực của họ thất bại nên danh tiếng họ cũng bị bôi nhọ. Các nước không thể làm những người thờ phượng thật im lặng, vì những người này rất quý trọng đặc ân rao giảng ‘tin mừng đời đời’ về Nước của Đấng Mê-si trước khi thế gian này bị hủy diệt (Khải-huyền 14:6). Khi thấy các tôi tớ của Đức Giê-hô-va bị bạo hành, một người cai tù tại một nước châu Phi đã nhận xét rằng những người bắt bớ chỉ tốn công vô ích, vì các Nhân Chứng sẽ không bao giờ thỏa hiệp mà ngược lại, ngày càng phát triển thêm.
11. Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa nơi Xa-cha-ri 12:4 như thế nào?
11 Hãy đọc Xa-cha-ri 12:4. Đối với những kẻ chống lại các tôi tớ dạn dĩ mang thông điệp Nước Trời, Đức Giê-hô-va hứa rằng Ngài sẽ khiến chúng bị đui theo nghĩa bóng và quăng chúng vào sự “kinh-hãi”. Ngài đã giữ lời. Chẳng hạn, tại một nước mà sự thờ phượng thật bị cấm đoán, những kẻ chống đối không thể ngăn chặn nguồn thức ăn thiêng liêng đến với dân Đức Chúa Trời. Thậm chí một tờ báo còn nói rằng Nhân Chứng Giê-hô-va dùng bong bóng để chuyển ấn phẩm Kinh Thánh vào trong nước! Lời Đức Chúa Trời hứa với các tôi tớ trung thành đã được thực hiện: “Ta sẽ mở mắt ta. . . và đánh mỗi con ngựa của các dân cho đui đi”. Giận mất khôn, các kẻ thù chống lại Nước Trời bị “đui”, không biết phải làm gì. Tuy nhiên, chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ dân Ngài và bảo vệ lợi ích của họ.—2 Các Vua 6:15-19.
12. (a) Khi sống trên đất, Chúa Giê-su đã nhen ngọn lửa theo nghĩa nào? (b) Làm thế nào những người được xức dầu còn sót lại nhen ngọn lửa theo nghĩa bóng, và kết quả là gì?
12 Hãy đọc Xa-cha-ri 12:5, 6. “Các trưởng Giu-đa” ám chỉ những người coi sóc dân Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va làm lòng họ cháy lên ngọn lửa sốt sắng vì lợi ích công việc Nước Trời trên thế giới. Một dịp nọ, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Ta đã đến để nhen lửa trên đất” (Lu-ca 12:49, Bản Dịch Mới). Thật vậy, Chúa Giê-su đã nhen ngọn lửa theo nghĩa bóng. Qua hoạt động rao giảng sốt sắng, Chúa Giê-su cho người ta thấy Nước Trời là điều quan trọng nhất. Kết quả là khắp nước Do Thái bùng lên nhiều cuộc tranh luận về đề tài này (Ma-thi-ơ 4:17, 25; 10:5-7, 17-20). Tương tự thế, “giống như một bếp lửa ở giữa đám củi, và như một đuốc lửa ở giữa những bó lúa”, các môn đồ của Chúa Giê-su ngày nay cũng nhen ngọn lửa theo nghĩa bóng. Cuốn The Finished Mysterya (Sự mầu nhiệm đã nên trọn) xuất bản năm 1917 đã thẳng thắn vạch trần sự giả hình của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Điều này khiến các hàng giáo phẩm vô cùng tức tối. Mới đây, tờ Tin Tức Nước Trời số 37 có tựa đề “Ngày tàn của tôn giáo sai lầm nay gần kề!” đã khiến nhiều người chọn đứng về phía Nước Trời hoặc chống lại nước này.
“Những trại của Giu-đa” được cứu
13. Cụm từ “những trại của Giu-đa” cho thấy gì? Và tại sao Đức Giê-hô-va cứu những người được xức dầu?
13 Hãy đọc Xa-cha-ri 12:7, 8. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, lều trại là nét tiêu biểu của xứ, thỉnh thoảng được những người chăn chiên và các nông dân sử dụng. Nếu một nước thù địch xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem, những người này sẽ bị tấn công đầu tiên và họ cần được bảo vệ. Cụm từ “những trại của Giu-đa” cho thấy tình trạng của nhóm người được xức dầu còn sót lại thời nay. Có thể nói họ đang ở ngoài đồng chứ không phải bên trong những tường thành chắc chắn. Nơi đó, họ can đảm bảo vệ quyền lợi Nước Trời. Đức Giê-hô-va vạn quân “trước hết sẽ cứu những trại của Giu-đa”, vì họ là mục tiêu tấn công trực tiếp của Sa-tan.
14. Đức Giê-hô-va bảo vệ những người trong “trại của Giu-đa” và gìn giữ họ như thế nào?
14 Thật vậy, những gì lịch sử ghi lại chứng minh Đức Giê-hô-va đang bảo vệ các sứ giả được xức dầu của Nước Trời trong các “trại” ở ngoài đồng.b Ngài gìn giữ họ để không bị “rất yếu” bằng cách thêm sức lực và lòng can đảm cho họ, giống như Ngài đã làm cho vị vua của chiến trận là Đa-vít.
15. Tại sao Đức Giê-hô-va “tìm cách hủy-diệt hết thảy những nước”? Và khi nào Ngài làm điều này?
15 Hãy đọc Xa-cha-ri 12:9. Tại sao Đức Giê-hô-va “tìm cách hủy-diệt hết thảy những nước”? Vì họ khăng khăng chống lại Nước Trời. Họ ở trong vị thế bị kết án vì đã tấn công và bắt bớ dân của Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu nữa, tay sai của Sa-tan trên đất sẽ mở cuộc tổng tấn công những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi ấy, thế giới đi đến tình trạng mà Kinh Thánh miêu tả là Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 16:13-16). Quan Án Tối Cao sẽ đáp lại sự tấn công đó để bảo vệ những tôi tớ của Ngài và làm thánh danh Ngài giữa các nước.—Ê-xê-chi-ên 38:14-18, 22, 23.
16, 17. (a) “Phần cơ-nghiệp của các tôi-tớ Đức Giê-hô-va” là gì? (b) Việc chúng ta trung thành chịu đựng trước sự tấn công của Sa-tan chứng minh điều gì?
16 Không binh khí nào của Sa-tan có thể làm suy yếu đức tin và dập tắt lòng sốt sắng của dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Chúng ta có sự bình an về thiêng liêng vì biết rằng Đức Giê-hô-va dùng quyền năng giải cứu để hỗ trợ chúng ta. Sự bình an đó là “phần cơ-nghiệp của các tôi-tớ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 54:17). Không ai có thể cất lấy sự bình an và tình trạng thịnh vượng về thiêng liêng của chúng ta (Thi-thiên 118:6). Sa-tan sẽ tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa chống đối và dấy lên những khó khăn. Tuy nhiên, khi trung thành chịu đựng dù bị chế giễu, chúng ta cho thấy thánh linh Đức Chúa Trời ở với chúng ta (1 Phi-e-rơ 4:14). Tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được thành lập đang được giảng ra khắp đất. Giống như “đá ném bởi trành” khiến người ta phải khựng lại, những kẻ chống đối tiếp tục bắt bớ hầu làm ngưng công việc của chúng ta. Tuy nhiên, nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va, các tôi tớ Ngài có thể vượt qua những thử thách đó và làm cho nỗ lực của kẻ thù ra vô ích (Xa-cha-ri 9:15). Những người xức dầu còn sót lại và các bạn đồng hành trung thành sẽ không bao giờ ngừng công việc của họ!
17 Chúng ta trông mong ngày Đức Giê-hô-va hoàn toàn giải cứu tôi tớ Ngài khỏi sự tấn công của Ma-quỉ. Thật an ủi biết bao khi biết chắc rằng ‘phàm binh-khí chế ra nghịch cùng chúng ta sẽ chẳng thạnh-lợi, và chúng ta sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán chúng ta’!
[Chú thích]
a Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện nay không còn lưu hành.
b Để biết thêm chi tiết, xin xem sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời), trang 675, 676, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn trả lời thế nào?
• Điều gì cho thấy binh khí của Sa-tan đã thất bại?
• Làm thế nào Giê-ru-sa-lem trên trời trở thành “hòn đá nặng”?
• Đức Giê-hô-va cứu “những trại của Giu-đa” như thế nào?
• Khi ngày Ha-ma-ghê-đôn đến gần, bạn tin chắc điều gì?
[Các hình nơi trang 21]
Dân của Đức Giê-hô-va ở Albania tiếp tục trung thành bất kể sự tấn công của Sa-tan
[Hình nơi trang 23]
Chúa Giê-su bác bỏ những lời vu cáo
[Các hình nơi trang 24]
Không binh khí nào có thể chiến thắng những người rao truyền tin mừng