Góp phần làm tăng vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng
“Ta sẽ làm cho chỗ ta đặt chân được vinh-hiển”.—Ê-SAI 60:13.
1, 2. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ “bệ-chân” có thể được dùng để nói về điều gì?
Đức Chúa Trời Giê-hô-va đã tuyên bố một điều rất thích hợp: “Trời là ngai ta, đất là bệ-chân ta” (Ê-sai 66:1). Về “bệ-chân” ngài, Đức Giê-hô-va cũng nói: “Ta sẽ làm cho chỗ ta đặt chân được vinh-hiển” (Ê-sai 60:13). Ngài làm điều này bằng cách nào? Vì chúng ta sống trên “bệ-chân” của Đức Chúa Trời, nên điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
2 Ngoài việc được dùng để nói về trái đất, từ “bệ-chân” cũng được dùng theo nghĩa bóng trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ để mô tả đền thờ thời xưa của dân Y-sơ-ra-ên (1 Sử 28:2; Thi 132:7). Đền thờ này nằm trên đất và là trung tâm của sự thờ phượng thật. Vì lý do đó, đền thờ ấy thật sự đẹp trong mắt Đức Giê-hô-va, và chính sự hiện hữu của đền thờ đã làm cho chỗ Đức Giê-hô-va đặt chân được vinh hiển.
3. Đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Chúa Trời là gì, và sắp đặt này bắt đầu có từ khi nào?
3 Vào thời nay, trung tâm của sự thờ phượng thật không còn là một đền thờ trên đất theo nghĩa đen nữa. Tuy nhiên, có một đền thờ thiêng liêng làm vinh hiển Đức Giê-hô-va hơn bất cứ tòa nhà nào. Đây là một sắp đặt mang đến cho nhân loại cơ hội giải hòa với Đức Chúa Trời nhờ vào chức tế lễ của Chúa Giê-su Ki-tô và sự hy sinh của ngài. Sắp đặt này bắt đầu có vào năm 29 CN khi Chúa Giê-su làm báp-têm và được bổ nhiệm làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va.—Hê 9:11, 12.
4, 5. (a) Theo bài Thi-thiên 99, những người thờ phượng chân chính của Đức Giê-hô-va có ước muốn chân thành nào? (b) Chúng ta nên tự hỏi câu hỏi nào?
4 Vì quý trọng sắp đặt về đền thờ thiêng liêng, chúng ta ca ngợi Đức Giê-hô-va bằng cách cho mọi người biết đến danh ngài và chúng ta tôn vinh ngài vì ngài đã yêu thương cung cấp giá chuộc. Thật hào hứng khi biết rằng ngày nay hơn tám triệu tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đang tích cực làm vinh hiển Đức Giê-hô-va! Một số người có đạo tưởng lầm rằng họ sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời khi họ rời khỏi trái đất để lên trời. Tuy nhiên tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va nhận ra rằng mình cần phải ngợi khen ngài trên trái đất này và ngay bây giờ.
5 Như thế, chúng ta đang làm theo gương các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va được mô tả nơi Thi-thiên 99:1-3, 5. (Đọc). Như bài Thi-thiên này cho thấy, Môi-se, A-rôn và Sa-mu-ên đã hết mình ủng hộ sắp đặt về sự thờ phượng thật vào thời của họ (Thi 99:6, 7). Ngày nay, trước khi lên trời để phục vụ với tư cách thầy tế lễ cùng với Chúa Giê-su, những người còn lại trong số các anh em được xức dầu của ngài trung thành phục vụ trong sân trên đất của đền thờ thiêng liêng. Hàng triệu “các chiên khác” trung thành ủng hộ họ (Giăng 10:16). Dù có hy vọng khác nhau, cả hai nhóm cùng hợp nhất thờ phượng Đức Giê-hô-va tại bệ chân của ngài. Tuy nhiên, cá nhân mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có đang hết lòng ủng hộ sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch không?”.
NHẬN DIỆN NHỮNG NGƯỜI PHỤNG SỰ TẠI ĐỀN THỜ THIÊNG LIÊNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
6, 7. Vấn đề nào đã xảy ra trong vòng các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, và điều gì trở nên cần thiết nhiều thế kỷ sau đó?
6 Chưa đầy một thế kỷ sau khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập, sự bội đạo được báo trước bắt đầu phát triển (Công 20:28-30; 2 Tê 2:3, 4). Từ đó trở đi, ngày càng khó nhận diện được ai đang thật sự phụng sự Đức Giê-hô-va tại đền thờ thiêng liêng của ngài. Chỉ nhiều thế kỷ sau mới đến thời điểm Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ mọi việc qua vị Vua mới lên ngôi là Chúa Giê-su Ki-tô.
7 Đến năm 1919, những người được Đức Giê-hô-va chấp nhận và đang phụng sự tại đền thờ thiêng liêng của ngài được nhận diện rõ ràng. Họ được tinh luyện về thiêng liêng, nhờ đó việc phụng sự của họ được Đức Chúa Trời chấp nhận (Ê-sai 4:2, 3; Mal 3:1-4). Những gì sứ đồ Phao-lô nhìn thấy trước đó hàng thế kỷ trong một khải tượng bắt đầu được ứng nghiệm trên phạm vi giới hạn.
8, 9. Hãy cho biết về ba khía cạnh của “địa đàng” mà Phao-lô thấy trong một khải tượng.
8 Khải tượng của Phao-lô được mô tả ở 2 Cô-rinh-tô 12:1-4. (Đọc). Những gì Phao-lô thấy trong khải tượng là sự mạc khải. Khải tượng này liên quan đến sự kiện trong tương lai, không phải một điều gì đó đã có vào thời của Phao-lô. Khi “được đem lên trời thứ ba”, ông nhìn thấy “địa đàng” nào? Địa đàng mà Phao-lô nói đến sẽ có một sự ứng nghiệm theo nghĩa đen, một sự ứng nghiệm về thiêng liêng và một sự ứng nghiệm ở trên trời. Cả ba điều này sẽ cùng có trong tương lai. Địa đàng đó có thể ám chỉ về địa đàng sẽ đến trên đất theo nghĩa đen (Lu 23:43). Nó cũng có thể ám chỉ về địa đàng thiêng liêng mà sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn trong thế giới mới. Ngoài ra, địa đàng Phao-lô thấy có thể ám chỉ đến tình trạng đầy ân phước ở trên trời trong “địa đàng của Đức Chúa Trời”.—Khải 2:7.
9 Nhưng tại sao Phao-lô lại nói rằng ông đã “nghe những lời không thể nói ra và con người không được phép nói”? Thời bấy giờ chưa phải là lúc để Phao-lô giải thích chi tiết những điều kỳ diệu ông thấy trong khải tượng đó. Nhưng ngày nay chúng ta đã được phép nói về những ân phước hiện đang có trong vòng dân Đức Chúa Trời!
10. Tại sao cụm từ “địa đàng thiêng liêng” và “đền thờ thiêng liêng” không giống nhau?
10 Cụm từ “địa đàng thiêng liêng” đã trở thành một phần trong vốn từ vựng thần quyền của chúng ta. Cụm từ này nói về môi trường, hay tình trạng, rất đặc biệt và giàu có về thiêng liêng, cho phép chúng ta hưởng sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và anh em đồng đạo. Dĩ nhiên, chúng ta không nên kết luận rằng “địa đàng thiêng liêng” và “đền thờ thiêng liêng” là hai cụm từ giống nhau. Đền thờ thiêng liêng là sắp đặt của Đức Chúa Trời về sự thờ phượng thật. Còn địa đàng thiêng liêng giúp nhận diện một cách rõ ràng những người được Đức Chúa Trời chấp nhận và đang hầu việc ngài trong đền thờ thiêng liêng vào thời nay.—Mal 3:18.
11. Ngày nay chúng ta có đặc ân nào liên quan đến địa đàng thiêng liêng?
11 Thật phấn khởi khi biết rằng kể từ năm 1919, Đức Giê-hô-va đã cho phép con người bất toàn cùng làm việc với ngài để vun trồng, củng cố và mở rộng địa đàng thiêng liêng trên đất! Bạn có thấy mình cũng đang đóng một vai trò trong công việc kỳ diệu này không? Bạn có được thôi thúc để tiếp tục cùng làm việc với Đức Giê-hô-va để làm cho ‘chỗ ngài đặt chân’ được vinh hiển không?
TỔ CHỨC CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐANG TRỞ NÊN ĐẸP HƠN
12. Làm thế nào chúng ta biết Ê-sai 60:17 đã được ứng nghiệm? (Xem hình nơi đầu bài).
12 Nhiều sự thay đổi kỳ diệu liên quan đến phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va đã được báo trước ở Ê-sai 60:17. (Đọc). Những người trẻ hoặc còn tương đối mới trong sự thật đã được đọc về các bằng chứng của những thay đổi này hoặc được nghe người khác kể lại. Nhưng thật là một đặc ân cho những anh chị nào trực tiếp trải nghiệm được những thay đổi đó! Không ngạc nhiên gì khi các anh chị đó tin chắc rằng qua vị Vua đã được ngài phong ngôi, Đức Giê-hô-va đang điều khiển và dẫn dắt tổ chức của ngài! Họ biết rằng sự tin tưởng của mình dựa trên cơ sở vững chắc, và tất cả chúng ta đều có cùng sự tin tưởng đó. Lắng nghe những lời nói chân thành của họ sẽ củng cố đức tin và làm vững mạnh lòng tin cậy của bạn nơi Đức Giê-hô-va.
13. Theo Thi-thiên 48:12-14, chúng ta có trách nhiệm nào?
13 Dù đã ở trong sự thật bao lâu, chúng ta đều phải nói cho người khác biết về tổ chức của Đức Giê-hô-va. Sự hiện hữu của một địa đàng thiêng liêng giữa một thế gian gian ác, đồi bại và thiếu tình yêu thương là một phép lạ trong thời hiện đại! Những điều kỳ diệu về tổ chức của Đức Giê-hô-va, tức “Si-ôn”, và sự thật về địa đàng thiêng liêng phải được truyền lại với niềm vui mừng “cho dòng-dõi sẽ đến”.—Đọc Thi-thiên 48:12-14.
14, 15. Có những sự điều chỉnh nào về tổ chức đã được thực hiện trong thập niên 1970, và tại sao những điều chỉnh này mang lại lợi ích?
14 Qua nhiều năm, những anh chị lớn tuổi trong vòng chúng ta đã trực tiếp trải nghiệm một số sự điều chỉnh về tổ chức mà đã làm tăng thêm vẻ đẹp của phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va. Họ vẫn nhớ thời mà các hội thánh có một tôi tớ hội thánh thay vì một hội đồng trưởng lão, thời mà các nước có một tôi tớ chi nhánh thay vì một Ủy ban chi nhánh, và thời mà các chỉ thị được đưa ra bởi anh chủ tịch của Hội Tháp Canh thay vì bởi một Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Mặc dù tất cả những anh này đều có lòng tận tâm và được các anh phụ tá trung thành hỗ trợ, nhưng về cơ bản chỉ có một người chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định trong hội thánh, ở văn phòng chi nhánh và ở trụ sở trung ương. Trong thập niên 1970 đã có những điều chỉnh để trách nhiệm giám thị được giao cho một nhóm trưởng lão thay vì một cá nhân.
15 Tại sao những điều chỉnh trên mang lại lợi ích cho tổ chức? Vì những điều chỉnh đó dựa trên sự hiểu biết ngày càng gia tăng về khuôn mẫu được thiết lập trong Kinh Thánh. Thay vì để cho ảnh hưởng của một cá nhân chi phối, việc kết hợp lại những đức tính tốt của tất cả các trưởng lão, tức “những con người làm các món quà” do Đức Giê-hô-va ban, đã mang đến lợi ích cho tổ chức.—Ê-phê 4:8; Châm 24:6.
16, 17. Bạn đặc biệt ấn tượng về những điều chỉnh nào gần đây, và tại sao?
16 Cũng hãy nghĩ về những điều chỉnh gần đây hơn, ví dụ như những thay đổi về hình thức, nội dung và cách phân phát các ấn phẩm của chúng ta. Thật là một niềm vui khi mời nhận trong thánh chức những ấn phẩm hấp dẫn, thiết thực và bắt mắt! Khi dùng những công nghệ mới nhất để rao truyền sự thật, chẳng hạn như trang web jw.org, chúng ta đang phản chiếu lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đến việc cung cấp cho người ta ở khắp nơi sự hướng dẫn mà họ rất cần nhưng phần lớn đều không có được.
17 Cũng nên nhắc đến sự điều chỉnh khôn ngoan mà nhờ đó chúng ta có được một buổi tối dành cho Buổi thờ phượng của gia đình hoặc có nhiều thời gian hơn cho việc học hỏi cá nhân. Chúng ta cũng quý trọng những cải tiến trong các chương trình hội nghị. Chúng ta thường nói rằng chương trình hội nghị mỗi năm càng hay hơn! Chắc chắn chúng ta cũng vui mừng khi có thêm sự huấn luyện được cung cấp qua nhiều trường thần quyền của tổ chức. Trong tất cả những điều chỉnh này, chúng ta có thể thấy rõ bàn tay của Đức Giê-hô-va. Ngài đang từng bước làm đẹp thêm tổ chức của ngài cũng như địa đàng thiêng liêng mà chúng ta đang hưởng ngày nay!
PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA BẠN VÀO ĐỊA ĐÀNG THIÊNG LIÊNG
18, 19. Chúng ta có thể góp phần vào vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng như thế nào?
18 Thật vinh dự khi được Đức Giê-hô-va cho phép chúng ta góp phần vào vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng. Chúng ta làm điều đó bằng cách sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo thêm môn đồ. Mỗi lần giúp một người tiến bộ đến bước dâng mình trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta đã góp phần mở rộng biên giới của địa đàng thiêng liêng.—Ê-sai 26:15; 54:2.
19 Chúng ta cũng có thể làm tăng thêm vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng khi không ngừng cải thiện nhân cách của một tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Bằng cách này, chúng ta làm cho địa đàng ấy trở nên cuốn hút hơn đối với những người xung quanh. Thường thì không phải sự hiểu biết về Kinh Thánh, mà chính là cách ăn ở thanh sạch và hòa thuận của chúng ta kéo người khác đến với tổ chức lúc đầu, rồi sau đó đến với Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô.
20. Phù hợp với Châm-ngôn 14:35, chúng ta nên có ước muốn nào?
20 Hẳn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su vui lòng biết bao khi quan sát địa đàng thiêng liêng xinh đẹp của chúng ta ngày nay! Niềm vui mà chúng ta có được trong hiện tại khi góp sức làm tăng thêm vẻ đẹp của địa đàng này chỉ là một phần nhỏ của niềm vui chúng ta sẽ cảm nhận được mai này khi góp sức làm cho trái đất trở thành một địa đàng theo nghĩa đen. Chúng ta hãy ghi nhớ câu Châm-ngôn 14:35: “Vua làm ơn cho tôi-tớ nào ăn-ở khôn-sáng”. Mong sao chúng ta luôn hành động khôn ngoan khi nỗ lực góp phần vào vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng!