Đừng để lỗi lầm của người khác khiến anh chị vấp ngã
“Hãy tiếp tục... sẵn lòng tha thứ nhau”.—CÔ 3:13.
1, 2. Kinh Thánh báo trước như thế nào về sự gia tăng của dân Đức Chúa Trời?
Những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va ở trên đất, tức là các Nhân Chứng của ngài, hợp thành một tổ chức thật sự nổi bật. Đúng là tổ chức ấy bao gồm những con người bất toàn và có các lỗi lầm riêng. Dù vậy, thần khí của Đức Chúa Trời đã thúc đẩy hội thánh của ngài trên toàn cầu gia tăng và lớn mạnh. Hãy xem xét một số điều tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va đang thực hiện qua dân ngài, một dân sẵn lòng dù không hoàn hảo.
2 Khi những ngày sau cùng của thế gian hiện tại bắt đầu vào năm 1914, có tương đối ít các tôi tớ của Đức Chúa Trời trên đất. Nhưng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho công việc rao giảng của họ. Trong những thập kỷ sau đó, hàng triệu người mới đã học về sự thật Kinh Thánh và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Thật ra, Đức Giê-hô-va đã cho biết trước về sự gia tăng nổi bật này khi ngài nói: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!” (Ê-sai 60:22). Chắc chắn lời tiên tri ấy đã trở thành hiện thực trong những ngày sau cùng này. Vì thế, số lượng dân của Đức Chúa Trời trên đất hiện nay lớn hơn tổng dân số của nhiều quốc gia.
3. Các tôi tớ của Đức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu thương như thế nào?
3 Trong thời gian này, Đức Giê-hô-va cũng giúp dân ngài trau dồi đức tính nổi bật nhất của ngài nhiều hơn, đó là tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Chúa Giê-su, đấng đã noi theo tình yêu thương của Đức Chúa Trời, từng nói với các môn đồ: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau... Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:34, 35). Tình yêu thương ấy là điều đặc biệt quan trọng trong lịch sử hiện đại khi nhiều nước tham gia vào những cuộc chiến gây chết chóc đến mức sửng sốt. Chẳng hạn, khoảng 55 triệu người đã chết chỉ riêng trong Thế Chiến II. Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia vào vụ tàn sát trên quy mô toàn cầu đó. (Đọc Mi-chê 4:1, 3). Điều này đã giúp họ tiếp tục “không có tội về huyết của bất cứ ai”.—Công 20:26.
4. Tại sao sự phát triển của dân Đức Giê-hô-va là điều đáng chú ý?
4 Dân của Đức Chúa Trời đang có sự phát triển giữa một thế gian đầy hận thù, thế gian mà Kinh Thánh cho biết đang nằm dưới sự kiểm soát của Sa-tan, là “chúa đời này” (2 Cô 4:4). Hắn thao túng các thành phần chính trị cũng như các phương tiện truyền thông của thế gian. Nhưng hắn không thể cản trở công việc rao giảng tin mừng. Tuy nhiên, vì biết mình chỉ còn một thời gian ngắn nên Sa-tan ra sức lôi kéo, khiến người ta quay lưng lại với sự thờ phượng thật và hắn dùng nhiều cách thức để làm thế.—Khải 12:12.
THỬ THÁCH VỀ LÒNG TRUNG THÀNH
5. Tại sao đôi khi những người khác có thể làm chúng ta tổn thương? (Xem hình nơi đầu bài).
5 Hội thánh đạo Đấng Ki-tô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu thương Đức Chúa Trời và người đồng loại, đúng như những gì Chúa Giê-su đã nói: “‘Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí’. Đây là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất. Điều răn thứ hai cũng tương tự như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’” (Mat 22:35-39). Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết rõ là khi sinh ra, tất cả chúng ta đều bất toàn vì tội lỗi của A-đam. (Đọc Rô-ma 5:12, 19). Vì thế, đôi khi một số người trong hội thánh có thể làm chúng ta bị tổn thương qua những gì họ nói hoặc làm. Điều này có thể thử thách tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va và dân của ngài. Chúng ta sẽ làm gì trong những trường hợp như thế? Ngay cả các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời vào thời xưa cũng từng nói hoặc làm những điều khiến người khác tổn thương. Chúng ta có thể rút ra bài học từ những gì Kinh Thánh cho biết về điều này.
6. Hê-li đã thất bại trong việc sửa phạt các con trai ông theo nghĩa nào?
6 Chẳng hạn, thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li có hai con trai không vâng giữ luật pháp của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh cho biết: “Hai con trai của Hê-li là người gian-tà, chẳng nhận-biết Đức Giê-hô-va” (1 Sa 2:12). Dù Hê-li đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh sự thờ phượng thật, nhưng hai con trai của ông đã phạm những tội rất nghiêm trọng. Hê-li biết điều đó và lẽ ra ông nên sửa phạt chúng, nhưng ông lại thờ ơ trước vấn đề này. Hậu quả là cả nhà Hê-li đã bị Đức Chúa Trời phán xét (1 Sa 3:10-14). Sau này, con cháu của ông không còn được phụng sự với tư cách là thầy tế lễ thượng phẩm. Nếu sống vào thời của Hê-li, anh chị sẽ phản ứng thế nào trước sự dung túng của ông đối với những tội lỗi mà các con trai ông đã phạm? Anh chị có để điều đó làm mình vấp ngã đến mức khiến anh chị không còn phụng sự Đức Chúa Trời nữa không?
7. Đa-vít đã phạm tội nghiêm trọng như thế nào, và Đức Chúa Trời đã làm gì đối với tội của ông?
7 Đa-vít được Đức Giê-hô-va yêu thương. Ngài thấy ông là một người ‘vừa lòng ngài’ (Công 13:22; 1 Sa 13:13, 14). Nhưng sau này, Đa-vít phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba và khiến bà có thai. Chuyện đó xảy ra khi chồng bà là U-ri đang phục vụ trong quân đội. Khi U-ri tạm thời trở về, Đa-vít cố gắng khiến ông quan hệ chăn gối với Bát-Sê-ba để làm cho ông có vẻ như là cha của đứa trẻ. U-ri không làm theo gợi ý của vua nên Đa-vít dàn xếp để ông bị giết ở chiến trận. Đa-vít đã phải trả giá đắt cho tội ác của mình khi những tai họa giáng xuống ông và gia đình ông (2 Sa 12:9-12). Dù vậy, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót với Đa-vít vì nhìn chung trong cả cuộc đời, ông đã bước đi với “lòng trọn-lành” trước mặt ngài (1 Vua 9:4). Nếu sống trong vòng dân của Đức Chúa Trời vào thời đó, anh chị sẽ phản ứng thế nào? Liệu hạnh kiểm sai trái của Đa-vít có làm anh chị vấp ngã không?
8. (a) Sứ đồ Phi-e-rơ đã thất bại trong việc giữ lời như thế nào? (b) Sau khi Phi-e-rơ phạm lỗi, tại sao Đức Giê-hô-va tiếp tục dùng ông?
8 Một ví dụ khác trong Kinh Thánh là trường hợp của sứ đồ Phi-e-rơ. Chúa Giê-su đã chọn ông làm một trong các sứ đồ của ngài. Dù vậy, có lúc Phi-e-rơ đã nói hoặc làm những điều mà sau này khiến ông phải hối hận. Chẳng hạn, vào giây phút rất quan trọng, các sứ đồ đã bỏ Chúa Giê-su. Trước đó, Phi-e-rơ đã nói rằng ông sẽ không từ bỏ ngài ngay cả khi những người khác làm thế (Mác 14:27-31, 50). Nhưng khi Chúa Giê-su bị bắt, tất cả các sứ đồ, trong đó có Phi-e-rơ, đều bỏ ngài. Thậm chí Phi-e-rơ đã ba lần chối rằng ông không biết Chúa Giê-su (Mác 14:53, 54, 66-72). Tuy nhiên, Phi-e-rơ đã bày tỏ sự ân hận và Đức Giê-hô-va tiếp tục dùng ông. Nếu anh chị là một môn đồ vào thời đó, liệu những hành động của Phi-e-rơ có ảnh hưởng tới lòng trung thành của anh chị đối với Đức Giê-hô-va không?
9. Tại sao anh chị tin cậy rằng Đức Giê-hô-va luôn thực thi công lý?
9 Chúng ta vừa xem xét chỉ một vài ví dụ về những cá nhân đã có hành động khiến người khác tổn thương. Chúng ta có thể kể ra nhiều trường hợp khác trong các thế kỷ trước và những năm gần đây, là những trường hợp về một số người phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng đã làm điều xấu và khiến người khác tổn thương. Điều quan trọng là anh chị sẽ phản ứng thế nào? Liệu anh chị có để những lỗi lầm của họ khiến mình vấp ngã, rồi từ bỏ Đức Giê-hô-va và dân ngài, bao gồm những anh chị trong hội thánh của mình không? Hay anh chị sẽ nhận thấy rằng Đức Giê-hô-va có thể cho những người phạm lỗi thời gian để ăn năn, và cuối cùng ngài sẽ sửa lại những việc làm sai trái, đồng thời hành động phù hợp với công lý? Mặt khác, đôi khi những người phạm tội trọng xem thường sự thương xót của Đức Giê-hô-va và không ăn năn. Trong các trường hợp ấy, anh chị có tin cậy rằng vào thời điểm thích hợp, Đức Giê-hô-va sẽ phán xét những người đó, có lẽ qua việc loại bỏ họ khỏi hội thánh không?
GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH
10. Chúa Giê-su hiểu điều gì về những lỗi lầm của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Phi-e-rơ?
10 Kinh Thánh ghi lại nhiều lời tường thuật về các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã giữ lòng trung thành với ngài và với dân ngài, bất chấp lỗi lầm nghiêm trọng của những người xung quanh họ. Chẳng hạn, sau khi cầu nguyện với Cha cả đêm, Chúa Giê-su đã lựa chọn 12 sứ đồ. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là một trong các sứ đồ ấy. Sau này, khi Giu-đa phản bội ngài, Đấng Ki-tô đã không để cho sự phản bội đó gây hại đến mối quan hệ của chính ngài với Cha Giê-hô-va. Chúa Giê-su cũng không để cho việc Phi-e-rơ chối ngài gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ ấy (Lu 6:12-16; 22:2-6, 31, 32). Ngài biết rằng những hành động đó không phải là lỗi của Đức Giê-hô-va hoặc của dân Đức Chúa Trời nói chung. Chúa Giê-su tiếp tục làm công việc tuyệt vời của mình, bất chấp sự thất vọng mà một số môn đồ đã gây ra cho ngài. Đức Giê-hô-va đã ban thưởng cho Chúa Giê-su bằng cách làm ngài sống lại, qua đó mở đường cho ngài trở thành Vua Nước Trời.—Mat 28:7, 18-20.
11. Kinh Thánh báo trước điều gì về những tôi tớ của Đức Giê-hô-va vào thời nay?
11 Chúa Giê-su có lòng tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va và dân ngài. Lòng tin ấy dựa trên nền tảng vững chắc và đến nay vẫn như thế. Quả thật, những điều Đức Giê-hô-va đang thực hiện qua các tôi tớ của ngài trong những ngày sau cùng này thật đáng kinh ngạc. Không có nhóm người nào khác đang rao giảng sự thật trên quy mô toàn cầu, vì họ không được Đức Giê-hô-va hướng dẫn giống như ngài đang hướng dẫn cho hội thánh hợp nhất của ngài ngày nay. Ê-sai 65:14 miêu tả tình trạng thiêng liêng mà dân của Đức Chúa Trời có được: “Nầy, tôi-tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ”.
12. Chúng ta nên có cái nhìn thế nào về những lỗi lầm của người khác?
12 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va vui mừng với những điều tốt lành mà họ có thể làm, vì họ đang được Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Trái lại, thế gian dưới ảnh hưởng của Sa-tan như thể đang than khóc khi các tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Thật thiếu khôn ngoan và sai lầm khi đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va hoặc hội thánh của ngài về lỗi lầm của một số tương đối ít các tôi tớ Đức Chúa Trời. Chúng ta cần giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và các sắp đặt của ngài, cũng như học cách để biết mình nên có cái nhìn hoặc phản ứng ra sao trước những lỗi lầm của người khác.
CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG LỖI LẦM
13, 14. (a) Tại sao chúng ta nên kiên nhẫn với nhau? (b) Chúng ta muốn nhớ đến lời hứa nào?
13 Vậy, chúng ta có thể đối phó ra sao với trường hợp một tôi tớ của Đức Chúa Trời nói hoặc làm điều gì đó khiến mình tổn thương? Một nguyên tắc hữu ích trong Kinh Thánh là: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội” (Truyền 7:9). Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều cách xa tình trạng hoàn hảo của con người khoảng 6.000 năm. Loài người bất toàn có khuynh hướng phạm lỗi. Vì thế, sẽ không tốt nếu kỳ vọng quá nhiều nơi anh em đồng đạo và để cho những lỗi lầm của họ cướp đi niềm vui của chúng ta khi được thuộc về dân Đức Chúa Trời trong những ngày sau cùng này. Thậm chí sẽ sai lầm hơn nữa nếu để những lỗi của người khác làm chúng ta vấp ngã và khiến mình rời khỏi tổ chức của Đức Giê-hô-va. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ không chỉ mất đi đặc ân thực hiện ý định của Đức Chúa Trời, mà còn mất đi hy vọng được sống trong thế giới mới của ngài.
14 Để giữ được niềm vui sâu xa và hy vọng chắc chắn, chúng ta hãy ghi nhớ lời hứa đầy an ủi của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17; 2 Phi 3:13). Vậy, đừng để lỗi lầm của người khác khiến anh chị không nhận được những ân phước như thế.
15. Chúa Giê-su nói chúng ta nên làm gì khi người khác phạm lỗi?
15 Tuy nhiên, vì chưa ở trong thế giới mới nên chúng ta cần xem xét quan điểm của Đức Chúa Trời về cách đối phó với những trường hợp khi người khác nói hoặc làm điều gì đó khiến chúng ta tổn thương. Chẳng hạn, chúng ta nên nhớ một nguyên tắc mà Chúa Giê-su đã nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Còn nếu anh em không tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho anh em”. Cũng hãy nhớ rằng khi Phi-e-rơ hỏi liệu ông có nên tha thứ “đến bảy lần chăng”, Chúa Giê-su đã trả lời: “Tôi nói với anh, không phải đến bảy lần, mà đến bảy mươi bảy lần”. Rõ ràng, ý của Chúa Giê-su là chúng ta cần luôn sẵn lòng tha thứ. Đó nên là điều đầu tiên mà chúng ta muốn làm.—Mat 6:14, 15; 18:21, 22.
16. Giô-sép đã nêu gương mẫu tốt nào?
16 Một gương mẫu tốt về cách đối phó với những lỗi lầm là Giô-sép, người con lớn trong hai con trai của Gia-cốp và Ra-chên. Mười người anh cùng cha khác mẹ của Giô-sép đã ghen tị với chàng vì chàng được cha thương yêu nhiều hơn. Sau đó, họ đã bán chàng làm nô lệ. Sau nhiều năm, việc tốt mà Giô-sép đã làm ở Ai Cập giúp chàng trở thành người đứng thứ hai, sau nhà cai trị nước đó. Khi có cơn đói kém, các anh của Giô-sép đã đến Ai Cập để mua thực phẩm, nhưng họ không nhận ra chàng. Giô-sép có thể dùng uy quyền của mình để trả thù các anh vì họ đã đối xử tệ bạc với chàng. Nhưng thay vì làm thế, chàng thử các anh để xem liệu họ đã thay đổi thái độ hay chưa. Khi thấy các anh đã thật sự thay đổi, chàng cho họ biết mình chính là Giô-sép. Sau này, Giô-sép nói: “Đừng sợ, tôi sẽ cấp-dưỡng các anh và con-cái các anh”. Kinh Thánh tường thuật thêm: “Đoạn, Giô-sép an-ủi các anh, và lấy lời êm-dịu mà nói cùng họ”.—Sáng 50:21.
17. Anh chị muốn làm gì khi người khác phạm lỗi?
17 Cũng sẽ khôn ngoan khi nhớ rằng vì tất cả chúng ta đều có những lỗi lầm nên chúng ta có thể làm tổn thương người khác. Nếu nhận ra mình đã làm thế, chúng ta muốn vâng theo sự chỉ dẫn trong Kinh Thánh là đến gặp người bị tổn thương và cố gắng hòa giải. (Đọc Ma-thi-ơ 5:23, 24). Chúng ta biết ơn khi người khác không để bụng về những lỗi lầm của mình, vì vậy chúng ta nên cư xử như thế với họ. Cô-lô-se 3:13 khuyến khích: “Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy”. Theo 1 Cô-rinh-tô 13:5, người có tình yêu thương của tín đồ đạo Đấng Ki-tô thì “không ghi nhớ điều gây tổn thương”. Nếu chúng ta tha thứ cho người khác, Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho chúng ta. Đúng vậy, khi đối phó với những lỗi lầm của người khác, mong sao chúng ta noi theo cách mà Cha đầy lòng thương xót đối xử với chúng ta khi chúng ta mắc lỗi.—Đọc Thi-thiên 103:12-14.