Hãy dùng sự tự do của tín đồ Đấng Christ cách khôn ngoan
“Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng [hãy] dùng tự-do làm... tôi-mọi Đức Chúa Trời” (I PHI-E-RƠ 2:16).
1. A-đam đã đánh mất sự tự do nào, và Đức Giê-hô-va sẽ ban lại cho nhân loại sự tự do nào?
KHI thủy tổ của chúng ta phạm tội trong vườn Ê-đen, họ đã đánh mất một gia tài vinh hiển cho con cháu của họ—sự tự do khỏi tội lỗi và sự hư nát. Thành thử, tất cả chúng ta sanh ra làm nô lệ cho sự hư nát và sự chết. Tuy nhiên, vui sướng thay, Đức Giê-hô-va có ý định ban lại sự tự do kỳ diệu cho những người trung thành. Ngày nay, những người có lòng ngay thẳng nóng lòng chờ đợi “con-cái Đức Chúa Trời được tỏ ra” mà kết quả là họ sẽ được “giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:19-21).
‘Được xức dầu để rao giảng’
2, 3. a) Ai là “con-cái Đức Chúa Trời”? b) Họ hưởng được địa vị kỳ diệu nào, kèm theo trách nhiệm nào?
2 “Con-cái Đức Chúa Trời” là ai? Đó là những anh em của Giê-su được xức dầu bằng thánh linh và sẽ cùng ngài cai trị trong Nước Trời. Những người đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ thứ nhất công nguyên. Họ chấp nhận lẽ thật mà Giê-su dạy dỗ nên được giải cứu và từ ngày lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên họ tham gia vào đặc ân vinh hiển mà Phi-e-rơ nói đến khi ông viết thư cho họ: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9a; Giăng 8:32).
3 Được làm dân thuộc về Đức Chúa Trời quả là một ân phước kỳ diệu làm sao! Những người được xức dầu còn sót lại thời nay là con cái của Đức Chúa Trời và họ được hưởng cùng ân phước kỳ diệu như thế trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng các ân phước cao quí như thế có trách nhiệm đi kèm theo. Phi-e-rơ lưu ý đến một trong những trách nhiệm đó khi ông nói tiếp: “Hầu cho anh em rao-giảng nhơn-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9b).
4. Các tín đồ được xức dầu của đấng Christ đã thi hành trách nhiệm đi kèm theo sự tự do của tín đồ đấng Christ như thế nào?
4 Các tín đồ đấng Christ được xức dầu có chu toàn trách nhiệm công bố sự nhơn đức của Đức Chúa Trời ra khắp nơi không? Có. Ê-sai nói lời tiên tri áp dụng kể từ năm 1919 cho những người được xức dầu: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin-lành cho kẻ khiêm-nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu-tù được tự-do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo-thù của Đức Chúa Trời chúng ta” (Ê-sai 61:1, 2). Ngày nay, những người được xức dầu còn sót lại noi theo gương mẫu của Giê-su là đấng mà câu Kinh-thánh này áp dụng trước nhất và họ sốt sắng công bố cho người khác tin mừng về sự tự do (Ma-thi-ơ 4:23-25; Lu-ca 4:14-21).
5, 6. a) Công việc rao giảng đầy phấn khởi của các tín đồ được xức dầu của đấng Christ đã đem lại kết quả nào? b) Những người thuộc đám đông vui hưởng những đặc ân và trách nhiệm nào?
5 Họ rao giảng cách phấn khởi, với kết quả là một “đám đông” các chiên khác xuất hiện trên diễn đàn thế giới trong thời kỳ sau này. Họ từ tất cả các nước mà ra và đến kết hợp với những người được xức dầu để thờ phượng Đức Giê-hô-va, và lẽ thật cũng giải cứu “đám đông” nữa (Xa-cha-ri 8:23; Giăng 10:16). Giống như Áp-ra-ham, họ được xưng công bình dựa trên căn bản đức tin và bước vào một mối liên hệ mật thiết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Và giống như Ra-háp, việc họ được xưng công bình đặt họ vào vị thế được sống sót—đối với họ sẽ là sống sót qua khỏi Ha-ma-ghê-đôn (Gia-cơ 2:23-25; Khải-huyền 16:14, 16). Nhưng những đặc ân cao trọng dường ấy cũng có kèm theo trách nhiệm là phải nói với người khác về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ấy là tại sao Giăng thấy họ công khai ngợi khen Đức Giê-hô-va, “cất lớn tiếng kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con” (Khải-huyền 7:9, 10, 14).
6 Năm ngoái đám đông nay lên đến hơn bốn triệu người đã cùng với số tín đồ đấng Christ được xức dầu còn sót lại dành ra hơn một tỉ giờ để công bố khắp nơi về nhơn đức của Đức Giê-hô-va. Đây là cách tốt nhất để dùng sự tự do thiêng liêng của họ.
“[Hãy] tôn-trọng vua”
7, 8. Sự tự do của tín đồ đấng Christ đem lại trách nhiệm nào đối với nhà cầm quyền thế gian, và về phương diện này, chúng ta phải tránh thái độ sai lầm nào?
7 Sự tự do của tín đồ đấng Christ đòi hỏi phải có những trách nhiệm khác nữa. Phi-e-rơ nêu ra một số trách nhiệm này khi ông viết: “Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính-sợ Đức Chúa Trời; tôn-trọng vua” (I Phi-e-rơ 2:17). Các chữ “tôn-trọng vua” ở đây bao hàm điều gì?
8 “Vua” tượng trưng cho các nhà cầm quyền của thế gian này. Ngày nay có tinh thần khinh lờn quyền hành phát triển trong thế gian và tinh thần này có thể dễ dàng tiêm nhiễm tín đồ đấng Christ. Một tín đồ đấng Christ có thể ngay cả tự hỏi tại sao nên “tôn-trọng vua”, trong khi “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Chiếu theo những lời này, một tín đồ có thể cảm thấy được tự do cãi lại luật pháp nào không thuận lợi cho mình và không đóng thuế nếu có thể trốn được. Nhưng làm như thế có nghĩa là cưỡng lại lời răn rõ rệt của Giê-su “hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa”. Thật ra điều này tương đương với việc “dùng tự-do làm cái màn che sự hung-ác” (Ma-thi-ơ 22:21; I Phi-e-rơ 2:16).
9. Hai lý do tốt để vâng phục các nhà cầm quyền thế gian là gì?
9 Tín đồ đấng Christ có bổn phận tôn trọng nhà cầm quyền và vâng phục họ—dù chỉ một cách tương đối (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Tại sao? Nơi I Phi-e-rơ 2:14, 15, Phi-e-rơ nêu ra ba lý do khi ông nói rằng các quan là “người [Đức Chúa Trời] sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành”. Sự sợ bị phạt là lý do đủ để vâng phục nhà cầm quyền. Thật là nhục làm sao khi một Nhân-chứng Giê-hô-va bị phạt hay bị bỏ tù vì phạm tội hành hung, trộm cắp hoặc vì tội nào khác! Hãy tưởng tượng một số người sẽ rất thích thú quảng cáo nguồn tin đó! Mặt khác, khi chúng ta tạo được danh tiếng tốt nhờ vâng phục nhà cầm quyền, chúng ta được nhà chức trách có hảo ý khen ngợi. Có lẽ họ sẽ cho chúng ta được tự do nhiều hơn để rao giảng tin mừng. Hơn nữa, ‘chúng ta làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu-muội dại-dột’ (I Phi-e-rơ 2:15b). Đây là lý do thứ hai để vâng phục nhà cầm quyền (Rô-ma 13:3).
10. Lý do mạnh mẽ nhất để vâng phục các nhà cầm quyền thế gian là gì?
10 Nhưng còn có một lý do mạnh hơn. Các nhà cầm quyền hiện hữu là do Đức Giê-hô-va cho phép. Như Phi-e-rơ nói, các vua chúa chính trị được Đức Giê-hô-va “sai ra”, và tín đồ đấng Christ vâng phục họ vì “ý-muốn của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:15a). Cũng thế, sứ đồ Phao-lô nói: “Các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định”. Bởi vậy, lương tâm được Kinh-thánh huấn luyện thúc đẩy chúng ta vâng phục các nhà cầm quyền. Nếu từ chối vâng phục họ, chúng ta “đối-địch với mạng-lịnh Đức Chúa Trời đã lập” (Rô-ma 13:1, 2, 5). Ai trong vòng chúng ta lại muốn cố ý đối địch lại mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập? Nếu làm thế thì quả thật là lạm dụng sự tự do của tín đồ đấng Christ!
“Hãy...yêu anh em”
11, 12. a) Sự tự do của tín đồ đấng Christ đem lại trách nhiệm gì đối với anh em cùng đạo? b) Đặc biệt ai xứng đáng cho chúng ta yêu thương và tôn trọng, và tại sao?
11 Phi-e-rơ cũng nói rằng một tín đồ đấng Christ nên “yêu anh em” (I Phi-e-rơ 2:17). Đây là một trách nhiệm khác đi kèm theo sự tự do của đạo đấng Christ. Phần đông chúng ta thuộc về một hội-thánh. Thật ra thì tất cả chúng ta thuộc về đoàn thể anh em quốc tế, tức một tổ chức gồm các anh em. Bày tỏ yêu thương đối với họ tức là dùng sự tự do của chúng ta một cách khôn ngoan (Giăng 15:12, 13).
12 Sứ đồ Phao-lô biệt riêng ra một nhóm tín đồ đấng Christ đặc biệt đáng được yêu thương. Ông nói: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17). Những người dắt dẫn hội-thánh là các trưởng lão. Đành rằng những người này không hoàn toàn, nhưng họ được bổ nhiệm dưới sự trông nom của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. Họ dắt dẫn qua gương mẫu và với sự ân cần, và họ được qui cho trách nhiệm chăm sóc linh hồn chúng ta. Thật là một nhiệm vụ nặng nề thay! (Hê-bơ-rơ 13:7). Vui mừng thay, phần lớn các hội-thánh đều có một tinh thần tốt, biết hợp tác và các trưởng lão lấy làm vui vẻ mà làm việc chung với hội-thánh. Khi có những người không chịu hợp tác thì công việc họ khó khăn hơn. Trưởng lão vẫn phải làm công việc của họ, nhưng như Phao-lô nói, họ thi hành bổn phận trong sự “phàn-nàn”. Chắc chắn, chúng ta không muốn khiến cho các trưởng lão phàn nàn hay thở dài! Chúng ta muốn họ làm việc vui vẻ để có thể xây dựng chúng ta.
13. Một vài cách để chúng ta có thể hợp tác với các trưởng lão là gì?
13 Chúng ta có thể hợp tác với các trưởng lão bằng vài cách nào? Một là bằng cách giúp sửa sang và quét dọn Phòng Nước Trời. Một cách khác là hợp tác trong việc thăm viếng những người bị bệnh và giúp những người tàn tật. Ngoài ra, chúng ta có thể cố gắng giữ mình mạnh mẽ về thiêng liêng để không trở nên một gánh nặng. Một lãnh vực quan trọng của sự hợp tác là việc duy trì sự thánh khiết đạo đức và thiêng liêng của hội-thánh, vừa qua hạnh kiểm của chúng ta vừa bằng cách báo cáo những tội nặng mà chúng ta biết được.
14. Chúng ta nên hợp tác như thế nào với biện pháp sửa trị do các trưởng lão đưa ra?
14 Đôi khi, để giữ cho hội-thánh được thanh sạch, các trưởng lão phải khai trừ một người phạm tội mà không ăn năn (I Cô-rinh-tô 5:1-5). Điều này che chở cho hội-thánh và cũng có thể giúp đỡ kẻ phạm tội nữa. Thường thường sự sửa trị như thế đã giúp một người phạm tội hồi tâm. Nhưng nói gì nếu người bị khai trừ là một người bạn thân hoặc thân nhân của chúng ta? Giả sử người đó là cha hoặc mẹ hay con cái của chúng ta. Chúng ta có vẫn tôn trọng biện pháp của các trưởng lão không? Đành rằng có thể khó làm như vậy, nhưng quả thật là chúng ta lạm dụng sự tự do nếu nghi ngờ quyết định của các trưởng lão và tiếp tục kết hợp về thiêng liêng với người đã tỏ ra là một ảnh hưởng bại hoại trong hội-thánh! (II Giăng 10, 11). Nói chung, dân sự của Đức Giê-hô-va đáng khen vì có hợp tác trong những vấn đề như thế. Thành thử, tổ chức của Đức Giê-hô-va được giữ cho tinh sạch giữa thế gian ô uế này (Gia-cơ 1:27).
15. Nếu một người phạm tội nặng, người đó nên làm gì ngay lập tức?
15 Nói sao nếu chúng ta phạm tội nặng? Vua Đa-vít mô tả những người được ân huệ của Đức Chúa Trời khi ông nói: “Ai sẽ được lên núi Đức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài? Ấy là người có tay trong-sạch và lòng thanh-khiết, chẳng hướng linh-hồn mình về sự hư-không, cũng chẳng thề-nguyện giả-dối” (Thi-thiên 24:3, 4). Nếu vì một lý do nào đó chúng ta không còn “có tay trong-sạch và lòng thanh-khiết”, chúng ta cần phải cấp bách hành động. Sự sống đời đời của chúng ta bị đe dọa.
16, 17. Tại sao một người phạm tội nặng không nên cố tự xoay sở để giải quyết vấn đề một mình?
16 Một số người đã bị cám dỗ đem giấu diếm tội nặng, có lẽ lý luận: ‘Tôi đã thú tội cho Đức Giê-hô-va và đã ăn năn rồi. Thế thì tại sao lôi kéo các trưởng lão vào cuộc làm chi?’ Người phạm tội có lẽ hổ thẹn hoặc sợ hãi về những gì các trưởng lão có thể làm. Tuy nhiên, người đó nên nhớ rằng dù chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có thể tẩy sạch tội lỗi của chúng ta, Ngài đã lập các trưởng lão làm những người chịu trách nhiệm chính về sự thanh sạch của hội-thánh (Thi-thiên 51:2). Họ có nhiệm vụ chữa lành bệnh, “để các thánh-đồ được trọn-vẹn” (Ê-phê-sô 4:12). Không đi đến họ khi chúng ta cần sự giúp đỡ thiêng liêng cũng giống như chúng ta không chịu đi khám bác sĩ khi bị bệnh.
17 Một số người cố tự xoay sở lấy một mình nhận thấy rằng nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó lương tâm của họ vẫn còn cắn rứt họ dữ dội. Tệ hơn nữa, những người khác giấu diếm một lỗi nặng đã rơi vào tội lỗi lần thứ hai và ngay cả lần thứ ba. Cuối cùng, khi vấn đề thấu đến tai các trưởng lão, chuyện đó đã trở thành một trường hợp phạm tội nhiều lần. Thật là tốt hơn biết bao nếu làm theo lời khuyên của Gia-cơ! Ông viết: “Trong anh em có ai đau-ốm chăng? hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến, sau khi nhơn danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người” (Gia-cơ 5:14). Hãy đi đến các trưởng lão trong khi hãy còn kịp thời chữa trị. Nếu đợi quá lâu, chúng ta có thể chai lì trong con đường tội lỗi (Truyền-đạo 3:3; Ê-sai 32:1, 2).
Phục sức và giải trí
18, 19. Tại sao một linh mục khen ngợi Nhân-chứng Giê-hô-va?
18 Cách đây 5 năm, trong một tạp chí xứ đạo, một linh mục Công giáo ở Ý nồng nhiệt khen Nhân-chứng Giê-hô-va.a Ông nói: “Riêng tôi thì thích Nhân-chứng Giê-hô-va; tôi thú thật như vậy... Những Nhân-chứng mà tôi được biết thì đàng hoàng không chỗ trách được, nói năng nhỏ nhẹ...[và] thật khéo thuyết phục. Khi nào thì chúng ta mới hiểu rằng chân lý cần được trình bày một cách dễ chấp nhận? Rằng những người thông báo chân lý không nhất thiết phải ít nhiệt tâm, hôi hám, để tóc tai rối bù, mặc quần áo xốc xếch?”
19 Theo những lời này, ông linh mục có cảm tình tốt là nhờ cách phục sức và dáng bộ của các Nhân-chứng, ngoài những điều khác. Dĩ nhiên, những người mà ông đã gặp là những người có áp dụng lời khuyên do lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” ban cho qua nhiều năm nay (Ma-thi-ơ 24:45). Kinh-thánh nói rằng cách phục sức của phụ nữ nên ‘gọn-ghẽ, nết-na’ (I Ti-mô-thê 2:9). Trong thời buổi suy đồi này, những người đàn ông cũng cần đến lời khuyên trên. Điều hợp lý là những người đại diện cho Nước Đức Chúa Trời nên trình diện một cách đứng đắn trước mặt những người ở bên ngoài phải không?
20. Tại sao một tín đồ đấng Christ nên luôn luôn ý thức về cách ăn mặc của mình?
20 Một số người có lẽ đồng ý rằng họ nên cẩn thận về cách phục sức của họ khi đi nhóm họp hoặc rao giảng, nhưng lại nghĩ rằng các nguyên tắc Kinh-thánh không áp dụng vào những khi khác. Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta ngưng đại diện cho Nước Đức Chúa Trời không? Đành rằng hoàn cảnh thay đổi. Nếu chúng ta giúp xây cất một Phòng Nước Trời, chúng ta ăn mặc khác với khi chúng ta tham dự nhóm họp trong cùng Phòng Nước Trời đó. Khi chúng ta đi chơi, rất có thể chúng ta ăn mặc theo cách thoải mái hơn. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta được người khác quan sát, quần áo của chúng ta nên tươm tất và khiêm tốn.
21, 22. Chúng ta đã được che chở như thế nào để tránh khỏi sự giải trí có hại, và chúng ta nên xem lời khuyên về vấn đề này như thế nào?
21 Một lãnh vực khác được chú ý đến nhiều là việc giải trí. Loài người—nhất là những người trẻ—cần được giải trí. Sắp đặt chương trình cho gia đình giải khuây không phải là một tội hay là phung phí thì giờ. Ngay đến Giê-su cũng mời các môn đồ “nghỉ-ngơi một chút” (Mác 6:31). Nhưng hãy cẩn thận đừng để cho sự giải trí mở đường cho sự đầu độc về thiêng liêng. Chúng ta sống trong một thế giới nơi mà sự giải trí đề cao tình dục vô luân, sự hung bạo trắng trợn, sự rùng rợn và đồng bóng (II Ti-mô-thê 3:3; Khải-huyền 22:15). Lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan đề cao cảnh giác về các mối nguy hiểm đó và thường xuyên cảnh cáo chúng ta đề phòng. Bạn có nghĩ rằng những lời nhắc nhở này vi phạm sự tự do của bạn không? Hay bạn cảm thấy biết ơn vì tổ chức của Đức Giê-hô-va quan tâm nhiều đến bạn nên thường xuyên nhắc bạn nên lưu ý đến các nguy hiểm đó? (Thi-thiên 19:7; 119:95).
22 Chớ bao giờ quên rằng dù sự tự do của chúng ta từ Đức Giê-hô-va mà đến, chúng ta chịu trách nhiệm về cách chúng ta dùng sự tự do của mình. Nếu chúng ta lờ đi lời khuyên bảo tốt và đi đến quyết định sai lầm, chúng ta không thể đổ lỗi cho ai khác. Sứ đồ Phao-lô nói: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:12; Hê-bơ-rơ 4:13).
Hãy tìm kiếm sự tự do của con cái Đức Chúa Trời
23. a) Chúng ta bây giờ vui hưởng những ân phước nào về sự tự do? b) Chúng ta nóng lòng chờ đợi những ân phước nào?
23 Chúng ta thật là một dân tộc được ban phước. Chúng ta thoát khỏi tôn giáo giả và sự mê tín dị đoan. Nhờ có sự hy sinh làm giá chuộc, chúng ta có thể đến gần Đức Giê-hô-va với một lương tâm trong sạch, được tự do về thiêng liêng và không làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Ít lâu nữa, “con-cái Đức Chúa Trời được tỏ ra”. Tại Ha-ma-ghê-đôn, các anh em của Giê-su trong sự vinh hiển của họ ở trên trời sẽ được tỏ ra cho loài người với tư cách các đấng hủy diệt kẻ thù của Đức Giê-hô-va (Rô-ma 8:19; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8; Khải-huyền 2:26, 27). Sau đó, các con cái này của Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra là các công cụ để Đức Chúa Trời ban phước cho nhân loại từ ngôi của Ngài ở trên trời (Khải-huyền 22:1-5). Cuối cùng, việc bày tỏ này của con cái Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến việc ban phước cho nhân loại trung thành, họ sẽ nhận được sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời. Bạn có nóng lòng chờ đợi lúc đó không? Vậy thì hãy tỏ ra khôn ngoan trong việc dùng sự tự do của tín đồ đấng Christ. Hãy làm tôi tớ cho Đức Chúa Trời bây giờ và bạn sẽ vui hưởng sự tự do kỳ diệu đó cho đến mãi mãi!
[Chú thích]
a Sau đó ông linh mục này đã rút lại lời khen này, có lẽ vì áp lực của người khác.
Khung để ôn lại
◻ Những người được xức dầu và các chiên khác đã làm vinh hiển Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Tại sao tín đồ đấng Christ nên tôn trọng nhà cầm quyền của thế gian?
◻ Một tín đồ đấng Christ có thể hợp tác với các trưởng lão qua những cách nào?
◻ Về cách phục sức, tại sao các Nhân-chứng Giê-hô-va cách biệt khỏi nhiều người trong thế gian?
◻ Chúng ta nên tránh gì về phương diện giải trí?
[Hình nơi trang 17]
Các trưởng lão đặc biệt xứng đáng cho chúng ta yêu thương và hợp tác
[Hình nơi trang 18]
Quần áo của tín đồ đấng Christ nên được tươm tất, khiêm tốn và thích hợp cho hoàn cảnh