Chương Hai Mươi Bốn
Đức Giê-hô-va làm rạng danh vinh hiển của Ngài
1, 2. (a) Tín đồ Đấng Christ quan tâm đến “ngày Đức Chúa Trời” như thế nào? (b) Vấn đề quan trọng nào liên quan đến ngày của Đức Giê-hô-va?
GẦN hai ngàn năm nay, tín đồ Đấng Christ “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. (2 Phi-e-rơ 3:12; Tít 2:13) Việc họ háo hức mong đợi ngày đó đến cũng là điều dễ hiểu. Nói cho cùng, nó sẽ đánh dấu thời kỳ họ bắt đầu được giải thoát khỏi những tàn hại của sự bất toàn. (Rô-ma 8:22) Điều đó cũng có nghĩa là họ không còn bị áp lực trong ‘những ngày sau-rốt đầy khó-khăn’ nữa.—2 Ti-mô-thê 3:1.
2 Tuy nhiên, trong khi đem lại sự giải thoát cho người công bình, ngày của Đức Giê-hô-va cũng lại đem đến sự hủy diệt cho “những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8) Đây là điều cần suy ngẫm. Có phải Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt kẻ ác chỉ để cứu dân Ngài khỏi tình trạng đau buồn không? Chương 63 sách Ê-sai cho thấy ngày nêu trên liên quan đến một vấn đề quan trọng hơn nhiều, đó là làm thánh danh Đức Chúa Trời.
Cuộc diễu hành của chiến sĩ thắng trận
3, 4. (a) Bối cảnh của lời tiên tri nơi chương 63 sách Ê-sai là gì? (b) Ê-sai thấy ai tiến về phía Giê-ru-sa-lem, và dưới mắt một số học giả người này là ai?
3 Chương 62 sách Ê-sai tường thuật cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn và cuộc hồi hương của họ. Tất nhiên câu hỏi được nêu lên sẽ là: Dân Do Thái còn sót lại trở về quê hương có còn phải sợ các nước thù nghịch khác đến tàn phá không? Sự hiện thấy của Ê-sai làm cho họ bớt sợ hãi rất nhiều. Lời tiên tri bắt đầu như sau: “Đấng từ Ê-đôm đến, từ Bốt-ra tới, mặc áo nhuộm, bận đồ hoa-mĩ, cậy sức-mạnh cả-thể, kéo-bộ cách oai-nghiêm, là ai?”—Ê-sai 63:1a.
4 Ê-sai nhìn thấy một chiến sĩ thắng trận, đầy nhuệ khí tiến về phía Giê-ru-sa-lem. Y phục hoa mĩ cho thấy đây là một chiến sĩ thuộc đẳng cấp cao nhất. Ông đến từ hướng Bốt-ra, một thành vững chắc nhất của Ê-đôm. Điều này gợi ý rằng ông đã đại thắng xứ nghịch thù đó. Chiến sĩ này là ai? Một số học giả cho rằng đó là Chúa Giê-su Christ. Một số khác lại cho rằng ông là Judas Maccabaeus, lãnh tụ quân sự người Do Thái. Tuy nhiên, chiến sĩ đó tự tỏ danh tánh khi trả lời câu hỏi nêu ra trước đó: “Ấy, chính ta, là Đấng dùng sự công-bình mà nói, và có quyền lớn để cứu-rỗi!”—Ê-sai 63:1b.
5. Chiến sĩ mà Ê-sai thấy là ai, và tại sao bạn trả lời như thế?
5 Không còn phải nghi ngờ, chiến sĩ này chính là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh tả Ngài có “sức mạnh... lớn lắm” và là Đấng “phán sự công-bình”. (Ê-sai 40:26; 45:19, 23) Y phục lộng lẫy của chiến sĩ nhắc chúng ta lời của người viết Thi-thiên: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Chúa thật lớn lạ-kỳ. Mặc sự sang-trọng và oai-nghi!” (Thi-thiên 104:1) Tuy Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương, nhưng Kinh Thánh cho thấy khi cần thiết, Ngài sẵn sàng đóng vai trò một chiến sĩ.—Ê-sai 34:2; 1 Giăng 4:16.
6. Tại sao Đức Giê-hô-va trở về từ trận chiến ở Ê-đôm?
6 Tuy nhiên, tại sao Đức Giê-hô-va lại trở về từ chiến trận ở Ê-đôm? Dân Ê-đôm vốn là kẻ thù lâu đời của dân trong giao ước với Đức Chúa Trời, vẫn hằng nuôi mối thù truyền kiếp từ thời tổ tiên họ là Ê-sau. (Sáng-thế Ký 25:24-34; Dân-số Ký 20:14-21) Mối thù sâu xa của Ê-đôm đối với nước Giu-đa đặc biệt trở thành rõ ràng khi người Ê-đôm cổ vũ quân Ba-by-lôn tàn phá Giê-ru-sa-lem. (Thi-thiên 137:7) Đức Giê-hô-va coi sự thù hằn đó như hành động xúc phạm đến chính Ngài. Không lạ gì khi Ngài quyết định tuốt gươm báo thù Ê-đôm!—Ê-sai 34:5-15; Giê-rê-mi 49:7-22.
7. (a) Lời tiên tri nghịch cùng Ê-đôm ứng nghiệm lần đầu như thế nào? (b) Ê-đôm tượng trưng cho ai?
7 Vì thế sự hiện thấy của Ê-sai quả là niềm khích lệ lớn cho những người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem. Sự hiện thấy ấy bảo đảm rằng họ được an cư nơi quê nhà mới. Vào thời tiên tri Ma-la-chi, Đức Chúa Trời quả đã làm cho “những núi [của Ê-đôm] nên hoang-vu, và phó sản-nghiệp nó cho những chó nơi đồng vắng”. (Ma-la-chi 1:3) Vậy phải chăng điều này có nghĩa là đến thời Ma-la-chi lời tiên tri của Ê-sai đã ứng nghiệm đầy đủ? Không, vì dù đã hoang vu, Ê-đôm nhất định xây cất lại những chỗ bị phá hủy, và Ma-la-chi tiếp tục gọi Ê-đôm là “cõi độc-ác” và “dân mà Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng đời đời”.a (Ma-la-chi 1:4, 5) Tuy nhiên, theo nghĩa tiên tri, Ê-đôm không chỉ bao gồm con cháu Ê-sau. Nó tượng trưng cho toàn thể các nước có thái độ thù nghịch với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khía cạnh này được thấy rõ nơi những nước thuộc khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Điều gì sẽ xảy ra cho Ê-đôm thời nay?
Bàn ép rượu
8, 9. (a) Ê-sai thấy chiến sĩ dự vào hoạt động nào? (b) Bồn ép nho tượng trưng được bắt đầu đạp khi nào và thế nào?
8 Ê-sai hỏi chiến sĩ từ chiến trường trở về: “Tại sao y phục Ngài lại đỏ? Trang phục Ngài như áo người đạp bồn nho?” Đức Giê-hô-va đáp: “Duy mình Ta, Ta đạp nơi bồn ép, và trong các dân chẳng một người nào ở với Ta. Ta đã đạp nát chúng trong lúc thịnh nộ, đã giày xéo chúng trong cơn lôi đình; nước ép từ nơi chúng bắn vọt lên trang phục của Ta, và toàn bộ y phục của Ta, Ta đã làm nhơ bẩn”.—Ê-sai 63:2, 3, “TTGM”.
9 Những lời sống động này miêu tả một cuộc tắm máu. Ngay cả áo choàng lộng lẫy của Đức Chúa Trời cũng bị vấy màu giống như áo của người ép nho! Bồn ép nho là một biểu tượng thích hợp cho tình trạng bị lâm vào bước đường cùng của kẻ thù nghịch Giê-hô-va Đức Chúa Trời khi Ngài ra tay hủy diệt chúng. Khi nào việc đạp nho trong bồn ép tượng trưng này bắt đầu? Lời tiên tri của Giô-ên và của sứ đồ Giăng cũng nói đến bồn ép nho tượng trưng. Bồn ép nho trong những lời tiên tri này bắt đầu được đạp khi Đức Giê-hô-va giày đạp để hủy diệt kẻ thù tại Ha-ma-ghê-đôn. (Giô-ên 3:13; Khải-huyền 14:18-20; 16:16) Bồn ép nho theo nghĩa tiên tri của Ê-sai cũng chỉ đến cùng thời kỳ này.
10. Tại sao Đức Giê-hô-va nói một mình Ngài đạp bồn ép nho?
10 Tuy nhiên, tại sao Đức Giê-hô-va lại nói chỉ một mình Ngài đạp bồn ép nho, và trong vòng các dân không ai đạp với Ngài? Chẳng phải Chúa Giê-su Christ, với tư cách đại diện Đức Chúa Trời, sẽ dẫn đầu trong việc đạp bồn ép nho sao? (Khải-huyền 19:11-16) Đúng, nhưng Đức Giê-hô-va nói về người ta chứ không nói về các tạo vật thần linh. Ngài nói rằng không một ai có khả năng loại trừ những kẻ theo Sa-tan khỏi trái đất. (Ê-sai 59:15, 16) Vậy chỉ một mình Đức Giê-hô-va giày đạp chúng trong cơn thịnh nộ của Ngài, cho tới khi chúng hoàn toàn bị chà nát.
11. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va đem đến một “ngày báo-thù”? (b) Ai là “những kẻ được chuộc” vào thời xưa và thời nay?
11 Đức Giê-hô-va giải thích thêm tại sao Ngài tự làm công việc này: “Ta đã định ngày báo-thù trong lòng ta, và năm cứu-chuộc của ta [“năm của những kẻ được chuộc”, “NW”] đã đến”. (Ê-sai 63:4)b Chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền báo thù những kẻ làm hại dân Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35) Vào thời xưa, “những kẻ được chuộc” là những người Do Thái chịu khốn khổ trong tay người Ba-by-lôn. (Ê-sai 35:10; 43:1; 48:20) Thời nay, đó là những người được xức dầu. (Khải-huyền 12:17) Tương ứng với dân Do thái thời xưa, họ được chuộc khỏi sự cầm tù về tôn giáo. Và giống như người Do Thái thời đó, những người xức dầu cùng với bạn đồng hành là các “chiên khác” bị bắt bớ và chống đối. (Giăng 10:16) Do đó, lời tiên tri của Ê-sai bảo đảm với tín đồ Đấng Christ ngày nay là vì họ, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp vào kỳ định của Ngài.
12, 13. (a) Đức Giê-hô-va không có người giúp theo nghĩa nào? (b) Cánh tay Đức Giê-hô-va đem đến sự cứu rỗi như thế nào, và cơn giận Ngài trợ lực Ngài ra sao?
12 Đức Giê-hô-va phán tiếp: “Ta đã xem, chẳng có ai đến giúp ta; ta lấy làm lạ vì chẳng có ai nâng-đỡ ta! Cánh tay ta bèn cứu ta, sự thạnh-nộ ta bèn nâng-đỡ ta. Ta đã giày-đạp các dân trong cơn giận; đã khiến chúng nó say vì sự thạnh-nộ ta, và đã đổ máu tươi chúng nó ra trên đất”.—Ê-sai 63:5, 6.
13 Không một ai có thể cho rằng mình có công trong ngày báo thù lớn của Đức Giê-hô-va. Ngài cũng chẳng cần bất cứ người nào giúp thực hiện ý muốn Ngài.c Cánh tay quyền năng vô cùng mạnh mẽ của Ngài đủ để thi hành công việc. (Thi-thiên 44:3; 98:1; Giê-rê-mi 27:5) Ngoài ra, Ngài lại được cơn giận của Ngài trợ lực. Nghĩa là sao? Nghĩa là Ngài phẫn nộ vì cớ công bình chứ không phải vì xúc động không kiềm chế. Bởi lẽ Đức Giê-hô-va luôn hành động theo nguyên tắc công bình, nên cơn giận Ngài nâng đỡ và thúc đẩy Ngài “đổ máu tươi” kẻ thù “ra trên đất”, đánh bại và làm nhục chúng.—Thi-thiên 75:8; Ê-sai 25:10; 26:5.
Lòng nhân từ yêu thương của Đức Chúa Trời
14. Giờ đây Ê-sai đưa ra những lời nhắc nhở thích đáng nào?
14 Trong quá khứ, dân Do Thái đã mau quên ơn về những gì Đức Giê-hô-va làm cho họ. Vậy, thật thích đáng để Ê-sai nhắc họ tại sao Đức Giê-hô-va đã làm những điều ấy. Ê-sai tuyên bố: “Ta sẽ nói đến những sự nhân-từ của Đức Giê-hô-va, và sự ngợi-khen Đức Giê-hô-va, y theo mọi sự Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta, và thuật lại phước lớn Ngài đã ban cho nhà Y-sơ-ra-ên, y theo những sự thương-xót và sự nhân-từ vô-số của Ngài. Vì Ngài có phán: Thật [“Nhất định”, “NW”], chúng nó là dân ta, tức con-cái sẽ chẳng làm dối; vậy Ngài đã làm Đấng Cứu họ. Hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ, và thiên-sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu-đương thương-xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm-bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa”.—Ê-sai 63:7-9.
15. Đức Giê-hô-va tỏ lòng nhân từ yêu thương với con cháu Áp-ra-ham ở Ai Cập như thế nào và tại sao?
15 Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt vời thay trong việc tỏ lòng nhân từ, hay tình yêu thương trung tín! (Thi-thiên 36:7; 62:12) Đức Giê-hô-va đã lập một quan hệ khắng khít với Áp-ra-ham. (Mi-chê 7:20) Ngài hứa với tộc trưởng này rằng qua dòng dõi hay con cháu ông, các dân trên đất sẽ được phước. (Sáng-thế Ký 22:17, 18) Trung thành với lời hứa đó, Đức Giê-hô-va đã biểu lộ lòng tốt lành đối với nhà Y-sơ-ra-ên. Việc giải cứu con cháu của Áp-ra-ham khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập là một trong các hành động trung tín nổi bật nhất của Ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:30.
16. (a) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào khi lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên? (b) Đức Chúa Trời xử sự với dân Ngài như thế nào?
16 Sau Cuộc Xuất Hành, Đức Giê-hô-va đưa dân Y-sơ-ra-ên tới Núi Si-na-i và hứa với họ: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta... Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Liệu Đức Giê-hô-va có dối gạt khi hứa điều này không? Không, vì Ê-sai cho biết là Đức Giê-hô-va đã tự nhủ: “Nhất định, chúng nó là dân ta, tức con-cái sẽ chẳng làm dối”. Một học giả nhận định: “Từ ngữ ‘nhất định’ không diễn đạt lệnh của nhà cai trị hoặc khả năng biết trước, nhưng diễn đạt niềm hy vọng và sự tin tưởng dựa trên tình yêu thương”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va thật tâm khi lập giao ước, thành thật muốn dân Ngài thành công. Dù họ có khiếm khuyết rõ ràng, Ngài vẫn tin tưởng họ. Được thờ phượng một Đức Chúa Trời luôn tin tưởng tôi tớ mình như thế thật tuyệt diệu biết bao! Các trưởng lão ngày nay sẽ đạt được hiệu quả trong việc củng cố những người được giao phó cho mình khi biểu lộ sự tin tưởng tương tự nơi bản chất tốt lành của dân Đức Chúa Trời.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:4; Hê-bơ-rơ 6:9, 10.
17. (a) Bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương dân Y-sơ-ra-ên? (b) Ngày nay chúng ta có niềm tin tưởng nào?
17 Tuy nhiên, người viết Thi-thiên đã nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Họ quên Đức Chúa Trời là Đấng cứu-rỗi mình, và đã có làm công-việc lớn-lao ở Ê-díp-tô”. (Thi-thiên 106:21) Thái độ bất tuân và cứng cổ này thường đưa họ vào những cảnh ngộ thảm thương. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:6) Đức Giê-hô-va có ngừng tỏ lòng thương xót đối với họ không? Trái lại, Ê-sai thuật lại: “Khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ”. Lòng thấu cảm của Đức Giê-hô-va thật sâu xa biết bao! Như bất cứ người cha yêu thương nào, Đức Chúa Trời đau lòng khi thấy con cái Ngài đau khổ, ngay cả khi họ khổ vì sự ngu dại của chính họ. Như được báo trước và đồng thời cũng là bằng cớ về tình yêu thương của Ngài, Đức Giê-hô-va đã sai “thiên-sứ”, rất có thể là Chúa Giê-su trước khi làm người, dẫn họ vào Đất Hứa. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:20) Như vậy, Đức Giê-hô-va đã ẵm dân ấy lên và bồng đi, “như một người bồng con trai mình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:31; Thi-thiên 106:10) Ngày nay chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cũng biết rõ y như vậy về các khốn khổ của chúng ta và Ngài thương xót khi chúng ta rơi vào cảnh ngộ khốn cùng. Chúng ta có thể tin tưởng ‘trao mọi điều lo-lắng cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc chúng ta’.—1 Phi-e-rơ 5:7.
Đức Chúa Trời trở thành cừu thù
18. Tại sao Đức Giê-hô-va lại trở thành cừu thù của dân Ngài?
18 Tuy nhiên, chúng ta chớ bao giờ lạm dụng lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời. Ê-sai nói tiếp: “Họ đã bội-nghịch, đã làm cho Thần thánh Ngài buồn-rầu, Ngài bèn trở làm cừu-thù với họ, và chính mình Ngài chinh-chiến cùng họ”. (Ê-sai 63:10) Đức Giê-hô-va cảnh cáo rằng mặc dù là Đức Chúa Trời thương xót và đầy ân huệ, nhưng Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Dân Y-sơ-ra-ên tự chuốc lấy hình phạt vì cứ theo đuổi con đường bội nghịch. Môi-se đã nhắc nhở họ: “Chớ quên rằng, trong đồng vắng ngươi đã chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Từ ngày ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến chốn nầy, ngươi thường phản-nghịch cùng Đức Giê-hô-va”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:7) Khi chống lại ảnh hưởng lành mạnh của thánh linh Đức Chúa Trời, họ đã làm cho thánh linh Ngài buồn. (Ê-phê-sô 4:30) Họ đẩy Đức Giê-hô-va vào thế phải trở thành cừu thù của họ.—Lê-vi Ký 26:17; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:63.
19, 20. Dân Do Thái nhớ lại những gì, và tại sao?
19 Trong cơn hoạn nạn, một số người Do Thái chạnh lòng ngẫm nghĩ về quá khứ. Ê-sai nói: “Bấy giờ dân nhớ lại ngày xưa, về Môi-se và dân-sự người, mà nói rằng: Nào Đấng đã làm cho dân và người chăn bầy vật mình ra khỏi biển ở đâu? Nào Đấng đã đặt Thần thánh mình giữa dân-sự ở đâu? là Đấng lấy cánh tay vinh-hiển đi bên tay hữu Môi-se; là Đấng đã rẽ nước ra trước mặt họ, đặng rạng danh vô-cùng; là Đấng đã dắt dân qua trên sóng-đào, như ngựa chạy đồng bằng, và không sẩy bước. Thần của Đức Giê-hô-va đã khiến dân-sự yên-nghỉ, như bầy vật xuống nơi trũng”.—Ê-sai 63:11-14a.d
20 Đúng vậy, gánh chịu hậu quả vì không vâng lời, dân Do Thái nuối tiếc thời kỳ khi Đức Giê-hô-va là Đấng Giải Cứu thay vì cừu thù. Họ nhớ lại “người chăn” họ là Môi-se và A-rôn đã dẫn họ qua Biển Đỏ an toàn như thế nào. (Thi-thiên 77:20; Ê-sai 51:10) Họ nhớ lại thời kỳ, thay vì làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời, họ đã được thánh linh hướng dẫn qua Môi-se và qua các trưởng lão khác được thánh linh bổ nhiệm. (Dân-số Ký 11:16, 17) Họ cũng nhớ lại việc họ thấy Đức Giê-hô-va cứu họ bằng “cánh tay vinh-hiển” đầy quyền năng của Ngài qua Môi-se! Với thời gian, Đức Chúa Trời đã đem họ ra khỏi đồng vắng mênh mông hãi hùng, và dẫn họ vào vùng đất đượm sữa và mật—một nơi an nghỉ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:19; Giô-suê 5:6; 22:4) Tuy nhiên, giờ đây dân Y-sơ-ra-ên phải khổ sở vì đã đánh mất mối quan hệ quý giá với Đức Chúa Trời!
‘Một danh vinh-hiển cho chính Ngài’
21. (a) Dân Y-sơ-ra-ên đã có thể hưởng đặc ân nào liên quan đến danh Đức Chúa Trời? (b) Đâu là lý do chính trong việc Đức Chúa Trời giải thoát con cháu Áp-ra-ham khỏi Ai Cập?
21 Tuy nhiên, so với sự mất mát đặc ân được tôn vinh danh Đức Chúa Trời mà dân Y-sơ-ra-ên đã vứt bỏ, sự mất mát về vật chất này của họ thật vô nghĩa. Môi-se hứa với dân Y-sơ-ra-ên: “Nếu ngươi gìn-giữ những điều-răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và đi theo đường-lối Ngài, thì Đức Giê-hô-va sẽ lập ngươi làm một dân thánh cho Ngài, y như Ngài đã thề cùng ngươi; muôn dân của thế-gian sẽ thấy rằng ngươi được gọi theo danh Đức Giê-hô-va, và chúng nó sẽ sợ ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:9, 10) Khi hành động để bảo vệ con cháu Áp-ra-ham, cứu họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Đức Giê-hô-va không hành động chỉ vì để đời sống họ được tiện nghi và dễ chịu hơn. Ngài hành động vì một điều quan trọng hơn rất nhiều—đó là danh Ngài. Đúng vậy, Ngài lo sao cho danh Ngài được “đồn khắp cả thiên-hạ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:15, 16) Đức Chúa Trời tỏ lòng thương xót ngay cả sau khi dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch nơi đồng vắng. Ngài làm thế không chỉ vì lý do tình cảm. Chính Đức Giê-hô-va phán: “Ta đã vì cớ danh ta mà làm, hầu cho danh ấy khỏi bị nói phạm trước mắt các dân ngoại”.—Ê-xê-chi-ên 20:8-10.
22. (a) Tại sao trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ lại chiến đấu cho dân Ngài một lần nữa? (b) Lòng yêu mến danh Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến hành động của chúng ta qua những cách nào?
22 Ê-sai kết thúc lời tiên tri này bằng những lời mạnh mẽ: “Cũng vậy, Ngài đã dắt dân mình đi đường, để cho rạng danh vinh-hiển mình”. (Ê-sai 63:14b) Bây giờ chúng ta có thể thấy rõ tại sao Đức Giê-hô-va đã chiến đấu mạnh mẽ vì lợi ích dân Ngài. Đó là để tạo một danh vinh hiển cho chính Ngài. Bởi thế lời tiên tri của Ê-sai là một sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng việc mang danh Đức Giê-hô-va vừa là một đặc ân cao cả vừa là một trọng trách. Tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay yêu mến danh Đức Giê-hô-va hơn cả mạng sống mình. (Ê-sai 56:6; Hê-bơ-rơ 6:10) Họ không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây sỉ nhục cho danh thánh khiết đó. Họ đáp lại tình yêu thương trung tín của Đức Chúa Trời bằng cách giữ lòng trung thành với Ngài. Và vì yêu mến danh vinh hiển của Đức Giê-hô-va, họ mong mỏi ngày Ngài sẽ giày đạp kẻ thù trong bồn ép nho thịnh nộ của Ngài—không chỉ vì lợi ích của họ nhưng vì sự vinh hiển của danh Đức Chúa Trời mà họ yêu mến.—Ma-thi-ơ 6:9.
[Chú thích]
a Các vua thuộc dòng họ Hê-rốt vào thế kỷ thứ nhất CN là người Ê-đôm.
b Hai từ ngữ “năm của những kẻ được chuộc” và “ngày báo-thù” có thể nói về cùng một giai đoạn. Hãy lưu ý các từ ngữ tương tự được dùng nơi Ê-sai 34:8.
c Đức Giê-hô-va ngạc nhiên thấy không ai trợ giúp. Thật cũng đáng ngạc nhiên là gần 2.000 năm sau khi Chúa Giê-su chết, những kẻ quyền thế trong nhân loại vẫn chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 2:2-12; Ê-sai 59:16.
d Câu này cũng có thể bắt đầu như sau: “Người nhớ lại”. (Ê-sai 63:11, cước chú NW) Tuy nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa Đức Giê-hô-va là người nhớ lại. Những lời sau đó diễn tả cảm nghĩ của dân Đức Chúa Trời chứ không phải của chính Đức Giê-hô-va. Vì thế Bản Diễn Ý dịch câu này: “Dân Chúa mới nhớ lại quá khứ”.
[Hình nơi trang 359]
Đức Giê-hô-va hy vọng nhiều ở dân Ngài