Hãy quý trọng và biết ơn Đức Giê-hô-va, Thợ Gốm của chúng ta
“Hỡi Đức Giê-hô-va... Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài”.—Ê-SAI 64:8.
1. Tại sao Đức Giê-hô-va là Thợ Gốm vĩ đại nhất?
Tháng 11 năm 2010, trong cuộc đấu giá tại London, Anh Quốc, một chiếc bình gốm có xuất xứ từ Trung Quốc vào thế kỷ 18 đã được trả giá gần 70 triệu đô la. Rõ ràng, người thợ gốm có thể biến một thứ rẻ tiền và phổ biến như đất sét trở thành một kiệt tác đắt giá và đẹp đẽ. Dù vậy, không có người thợ gốm nào có thể so sánh với Đức Giê-hô-va. Vào cuối ngày sáng tạo thứ sáu, Đức Giê-hô-va “lấy bụi đất [đất sét]” nắn nên một người đàn ông hoàn hảo và ban cho người ấy khả năng phản ánh các đức tính của đấng tạo ra mình (Sáng 2:7). Người đàn ông hoàn hảo tạo thành từ đất ấy là A-đam, và ông được gọi một cách thích hợp là “con Đức Chúa Trời”.—Lu 3:38.
2, 3. Bằng cách nào chúng ta có thể bắt chước thái độ của những người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn?
2 Tuy nhiên, A-đam đã đánh mất vị thế được làm con của Đức Chúa Trời khi phản nghịch đấng tạo ra mình. Dù vậy, qua nhiều thế hệ, có một “đám mây rất lớn” các con cháu của A-đam đã chọn ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời (Hê 12:1). Qua việc khiêm nhường vâng phục Đấng Tạo Hóa, họ cho thấy rằng họ muốn ngài là Cha và là Thợ Gốm của mình, chứ không phải Sa-tan (Giăng 8:44). Lòng trung thành của họ đối với Đức Chúa Trời khiến chúng ta nhớ đến lời của Ê-sai, khi ông nói về những người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn: “Hỡi Đức Giê-hô-va... Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài”.—Ê-sai 64:8.
3 Ngày nay, tất cả những ai thờ phượng Đức Giê-hô-va theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí đều nỗ lực phản ánh thái độ vâng phục và khiêm nhường như thế. Họ thấy vinh dự khi được gọi Đức Giê-hô-va là Cha và muốn ngài là Thợ Gốm của mình. Anh chị có thấy mình là đất sét mềm dẻo trong tay Đức Chúa Trời, sẵn lòng chịu uốn nắn để trở thành một chiếc bình đáng chuộng trước mắt ngài không? Tương tự thế, anh chị có xem mỗi anh chị em thiêng liêng của mình là một tác phẩm chưa hoàn thiện và vẫn đang được Đức Chúa Trời uốn nắn không? Để giúp chúng ta về phương diện này, hãy xem xét ba khía cạnh trong công việc của Đức Giê-hô-va với tư cách là Thợ Gốm của chúng ta: Cách ngài chọn những người mà ngài uốn nắn, lý do ngài uốn nắn họ và cách ngài làm thế.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHỌN NHỮNG NGƯỜI MÀ NGÀI UỐN NẮN
4. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va chọn những người mà ngài muốn kéo đến? Hãy cho ví dụ.
4 Khi quan sát con người, Đức Giê-hô-va không tập trung vào vẻ bề ngoài. Thay vì thế, ngài xem xét tấm lòng, tức con người bề trong. (Đọc 1 Sa-mu-ên 16:7b). Điều này được thể hiện rõ khi Đức Chúa Trời thành lập hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Nhiều cá nhân có vẻ không đáng chuộng theo quan điểm loài người đã được Đức Giê-hô-va kéo đến với ngài và Con ngài (Giăng 6:44). Trong số đó có Sau-lơ, một người Pha-ri-si. Ông từng là một “kẻ phạm thượng, bắt bớ và xấc xược” (1 Ti 1:13). Tuy nhiên, “Đấng dò-xét lòng dạ loài người” đã không xem Sau-lơ là loại đất sét vô dụng (Thi 7:9). Thay vì thế, Đức Chúa Trời thấy rằng ông có thể được uốn nắn thành một chiếc bình đáng chuộng. Thực tế, Đức Chúa Trời đã chọn Sau-lơ là người làm chứng cho “dân ngoại, cùng các vua và con cái Y-sơ-ra-ên” (Công 9:15). Trong số những người được Đức Chúa Trời xem là bình có khả năng được “dùng cho việc sang trọng”, còn có những người trước kia là kẻ say sưa, gian dâm và trộm cắp (Rô 9:21; 1 Cô 6:9-11). Khi hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời và thể hiện đức tin, họ đã để cho ngài uốn nắn.
5, 6. Lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va với tư cách là Thợ Gốm của mình nên tác động thế nào đến thái độ của chúng ta đối với (a) những người trong khu vực? (b) các anh chị em?
5 Những điều vừa xem xét có thể giúp chúng ta như thế nào? Khi tin cậy rằng Đức Giê-hô-va có khả năng đọc được lòng và kéo những người mà ngài chọn đến gần ngài, chúng ta sẽ tránh xét đoán người khác, cả trong khu vực rao giảng lẫn trong hội thánh của mình. Hãy xem xét trường hợp của một người tên là Michael. Anh kể lại: “Khi Nhân Chứng Giê-hô-va đến gặp tôi, tôi chỉ quay đi và phớt lờ họ, xem họ như không tồn tại. Tôi đã rất thô lỗ! Sau này, trong một hoàn cảnh khác, tôi gặp một gia đình mà mình thấy cảm phục vì hạnh kiểm tốt của họ. Rồi đến ngày nọ, tôi phát hiện ra một điều gây sốc: Họ là Nhân Chứng Giê-hô-va! Cách cư xử của họ đã thôi thúc tôi xem xét tại sao mình lại có thành kiến. Tôi sớm nhận ra rằng thái độ của mình dựa trên sự thiếu hiểu biết và lời đồn đại, chứ không phải dựa trên những thông tin chính xác”. Để có thông tin chính xác, anh Michael đã nhận lời học hỏi Kinh Thánh. Sau này, anh đã làm báp-têm và tham gia thánh chức trọn thời gian.
6 Việc chúng ta chấp nhận Đức Giê-hô-va là Thợ Gốm của mình cũng có thể tác động đến thái độ của chúng ta đối với anh em đồng đạo. Giống như Đức Chúa Trời, anh chị có xem các anh chị em của mình như là một sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện không? Đức Giê-hô-va có thể thấy con người bề trong cũng như loại người mà một người có thể trở thành khi được bàn tay tài năng của ngài uốn nắn. Do đó, ngài có cái nhìn tích cực về con người và không tập trung vào sự bất toàn tạm thời của họ (Thi 130:3). Chúng ta có thể noi gương Đức Chúa Trời qua việc nhìn các tôi tớ của ngài theo quan điểm tích cực. Thực tế là chúng ta có thể cùng làm việc với Thợ Gốm của mình bằng cách hỗ trợ các anh chị em khi họ nỗ lực tiến bộ về thiêng liêng (1 Tê 5:14, 15). Là “những con người làm các món quà”, các trưởng lão nên dẫn đầu trong việc này.—Ê-phê 4:8, 11-13.
TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA UỐN NẮN CHÚNG TA?
7. Tại sao anh chị biết ơn và quý trọng sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va?
7 Có lẽ anh chị đã nghe ai đó nói những lời giống như thế này: “Tôi đã không thật sự biết ơn và quý trọng sự sửa phạt của cha mẹ cho đến khi chính tôi có con”. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn trong đời sống, có lẽ chúng ta sẽ nhìn sự sửa phạt theo cách mới và bắt đầu có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va qua việc xem đó là một biểu hiện của tình yêu thương. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:5, 6, 11). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va kiên nhẫn uốn nắn chúng ta vì ngài yêu thương con cái ngài. Đức Chúa Trời muốn chúng ta khôn ngoan, hạnh phúc và đáp lại tình yêu thương của ngài bằng cách yêu mến ngài (Châm 23:15). Đức Chúa Trời không vui khi chúng ta chịu khổ, đồng thời không muốn chúng ta chết như “con cái của sự thịnh nộ”, vốn là viễn cảnh mà A-đam truyền lại.—Ê-phê 2:2, 3.
8, 9. Ngày nay, Đức Giê-hô-va đang dạy dỗ chúng ta ra sao, và sự giáo dục này sẽ tiếp diễn thế nào trong tương lai?
8 Là “con cái của sự thịnh nộ”, chúng ta từng có những tính xấu khiến Đức Chúa Trời không vui lòng, có lẽ còn bao gồm một số đặc tính của thú dữ! Dù vậy, nhờ được Đức Giê-hô-va uốn nắn, chúng ta đã thay đổi và trở nên giống với cừu non hiền lành (Ê-sai 11:6-8; Cô 3:9, 10). Thế nên, môi trường mà ở đó Đức Giê-hô-va hiện đang uốn nắn chúng ta được xem là một địa đàng thiêng liêng đang hình thành. Chúng ta cảm thấy an toàn và yên tâm dù sống giữa thế gian gian ác. Hơn nữa, một số người trong chúng ta từng lớn lên trong gia đình có nhiều vấn đề và thiếu tình thương, nhưng tại môi trường này, cuối cùng họ đã cảm nghiệm được tình yêu thương thật sự (Giăng 13:35). Chúng ta cũng học cách thể hiện tình yêu thương với người khác. Trên hết, chúng ta được biết Đức Giê-hô-va và giờ đây cảm nghiệm được tình yêu thương đến từ Cha của chúng ta.—Gia 4:8.
9 Trong thế giới mới, chúng ta sẽ cảm nghiệm một cách trọn vẹn những ân phước của địa đàng thiêng liêng. Khi đó, chúng ta không chỉ có địa đàng thiêng liêng mà còn có một địa đàng theo nghĩa đen, dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời. Trong thời kỳ khôi phục toàn cầu ấy, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục uốn nắn dân cư trên đất. Ngài sẽ giáo dục họ đến một mức độ mà hiện giờ chúng ta khó lòng tưởng tượng (Ê-sai 11:9). Hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ làm cho tâm trí và cơ thể của chúng ta trở nên hoàn hảo. Nhờ thế, chúng ta có thể hấp thu sự dạy dỗ của ngài và làm theo ý muốn ngài một cách trọn vẹn. Vậy, hãy quyết tâm tiếp tục vâng phục Đức Giê-hô-va và cho ngài thấy rằng chúng ta xem sự uốn nắn của ngài là một biểu hiện của tình yêu thương mà ngài dành cho chúng ta.—Châm 3:11, 12.
CÁCH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA UỐN NẮN CHÚNG TA
10. Chúa Giê-su đã phản ánh kỹ năng và sự kiên nhẫn của Thợ Gốm Vĩ Đại như thế nào?
10 Giống như một thợ gốm có kỹ năng điêu luyện, Đức Giê-hô-va biết “đất sét” trước mặt ngài thuộc loại gì và có chất lượng ra sao, và ngài uốn nắn dựa trên sự hiểu biết đó. (Đọc Thi-thiên 103:10-14). Đúng vậy, ngài uốn nắn từng cá nhân. Ngài để ý đến những điểm yếu, giới hạn và mức độ phát triển về thiêng liêng của mỗi chúng ta. Thái độ của ngài đối với các tôi tớ bất toàn được thể hiện qua Con ngài. Hãy xem xét cách Chúa Giê-su phản ứng trước những khuyết điểm của các sứ đồ, đặc biệt là khuynh hướng tranh cãi về địa vị giữa họ. Nếu anh chị chứng kiến những cuộc tranh cãi giữa các sứ đồ, liệu anh chị sẽ xem họ là những người nhu mì và dễ uốn nắn không? Dù vậy, Chúa Giê-su đã không có cái nhìn tiêu cực. Ngài biết rằng những sứ đồ trung thành của ngài có thể được uốn nắn qua sự khuyên bảo kiên nhẫn và tử tế, cũng như qua việc quan sát gương khiêm nhường của ngài (Mác 9:33-37; 10:37, 41-45; Lu 22:24-27). Sau khi Chúa Giê-su được sống lại và các sứ đồ nhận được thần khí của Đức Chúa Trời, họ đã không còn tập trung vào địa vị hoặc sự nổi trội, nhưng tập trung vào công việc mà mình được giao.—Công 5:42.
11. Bằng cách nào Đa-vít chứng tỏ rằng ông giống như đất sét mềm dẻo, và chúng ta có thể noi gương ông ra sao?
11 Ngày nay, Đức Giê-hô-va uốn nắn các tôi tớ của ngài chủ yếu qua Kinh Thánh, qua thần khí và qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Lời Đức Chúa Trời có thể uốn nắn chúng ta khi chúng ta đọc Lời ấy một cách có chủ đích, suy ngẫm về điều mình đọc và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta áp dụng Lời của ngài. Đa-vít viết: “Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, bèn suy-gẫm về Chúa trọn các canh đêm” (Thi 63:6). Ông cũng viết: “Tôi sẽ ngợi-khen Đức Giê-hô-va, là Đấng khuyên-bảo tôi; ban đêm lòng tôi cũng dạy-dỗ tôi” (Thi 16:7). Đúng vậy, Đa-vít đã để cho sự khuyên dạy của Đức Chúa Trời thấm vào nơi sâu thẳm nhất trong con người ông để uốn nắn những tư tưởng và cảm xúc thầm kín của mình, ngay cả khi sự khuyên dạy ấy rất mạnh mẽ (2 Sa 12:1-13). Thật là một tấm gương về lòng khiêm nhường và vâng phục! Tương tự thế, anh chị có suy ngẫm về Lời Đức Chúa Trời và để lời ấy thấm vào nơi sâu thẳm nhất trong con người mình không? Anh chị có nên làm thế nhiều hơn nữa không?—Thi 1:2, 3.
12, 13. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va uốn nắn chúng ta qua thần khí và qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô?
12 Thần khí có thể uốn nắn chúng ta qua nhiều cách. Chẳng hạn, thần khí có thể giúp chúng ta phát triển một nhân cách giống như nhân cách của Đấng Ki-tô, được nhận diện qua bông trái của thần khí Đức Chúa Trời (Ga 5:22, 23). Một khía cạnh của bông trái ấy là tình yêu thương. Chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời, đồng thời muốn vâng lời ngài và được ngài uốn nắn. Chúng ta nhận ra rằng các điều răn của ngài không phải là nặng nề. Thần khí cũng có thể cho chúng ta sức mạnh để tránh bị rập khuôn theo thế gian và tinh thần đồi bại của nó (Ê-phê 2:2). Khi còn trẻ, sứ đồ Phao-lô đã bị tinh thần kiêu ngạo của giới lãnh đạo Do Thái giáo ảnh hưởng sâu sắc, nhưng sau này ông có thể viết: “Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Vậy giống như Phao-lô, chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí. Ngài sẽ không lờ đi lời thỉnh cầu chân thành của những người hiền từ, hay nhu mì.—Thi 10:17.
13 Đức Giê-hô-va dùng hội thánh đạo Đấng Ki-tô và các giám thị trong hội thánh để uốn nắn mỗi chúng ta. Chẳng hạn, nếu các trưởng lão nhận ra rằng chúng ta đang có những vấn đề về thiêng liêng, họ sẽ cố gắng giúp chúng ta, nhưng không phải dựa trên sự khôn ngoan của con người (Ga 6:1). Thay vì thế, họ khiêm nhường hướng đến Đức Chúa Trời, cầu xin ngài ban sự thông sáng và khôn ngoan. Họ nghĩ về tình huống của chúng ta và hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm của tổ chức. Điều này giúp họ có thể đưa ra sự trợ giúp phù hợp với nhu cầu của chúng ta. Nếu các trưởng lão đến gặp anh chị để đưa ra sự giúp đỡ yêu thương và tử tế, chẳng hạn như về cách ăn mặc của mình, anh chị sẽ chấp nhận và xem lời khuyên dạy của họ là một biểu hiện của tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho anh chị không? Khi làm thế, anh chị chứng tỏ rằng mình giống như đất sét mềm dẻo trong tay Đức Giê-hô-va và sẵn sàng để ngài uốn nắn vì lợi ích của chính anh chị.
14. Dù có quyền trên đất sét nhưng Đức Giê-hô-va cho thấy ngài tôn trọng sự tự do ý chí của chúng ta như thế nào?
14 Hiểu được cách Đức Chúa Trời đang uốn nắn chúng ta có thể giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với anh em đồng đạo cũng như có thái độ tích cực với những người trong khu vực, gồm các học viên Kinh Thánh. Vào thời Kinh Thánh, người thợ gốm không đào đất sét lên và bắt đầu nặn ngay lập tức. Trước tiên, thợ gốm sẽ chuẩn bị đất sét; một phần của công đoạn này là loại bỏ đá và các tạp chất khác. Theo nghĩa thiêng liêng, Đức Chúa Trời cũng giúp những cá nhân có tinh thần sẵn sàng để họ có thể nhận sự uốn nắn của ngài. Ngài không bắt họ thực hiện những thay đổi. Thay vì thế, ngài cho biết những tiêu chuẩn công chính của ngài để họ có thể tự nguyện làm thánh sạch đời sống mình hoặc thực hiện những sự điều chỉnh.
15, 16. Làm thế nào các học viên Kinh Thánh cho thấy rằng họ muốn được Đức Giê-hô-va uốn nắn? Hãy cho ví dụ.
15 Hãy xem trường hợp của chị Tessie, ở Úc. Chị Nhân Chứng học hỏi với Tessie chia sẻ: “Chị Tessie tiếp thu sự thật Kinh Thánh tương đối dễ. Tuy nhiên, chị ấy không có sự tiến bộ đáng kể nào về thiêng liêng, thậm chí còn không tham dự các buổi nhóm họp! Thế nên, sau khi suy nghĩ và cầu nguyện nhiều về điều này, tôi quyết định ngưng cuộc học hỏi. Rồi một điều đáng ngạc nhiên xảy ra. Vào lần mà tôi nghĩ sẽ là buổi học hỏi cuối cùng với chị ấy, Tessie mở lòng với tôi và nói rằng chị cảm thấy mình giống như một kẻ giả hình vì thích đánh bạc. Nhưng giờ đây chị đã quyết định từ bỏ thói quen đó”.
16 Không lâu sau, chị Tessie đã bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp và thể hiện nhân cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, dù bị bạn bè chế nhạo. Người học Kinh Thánh với chị nói thêm: “Với thời gian, chị Tessie đã làm báp-têm và phụng sự với tư cách tiên phong đều đều, ngay cả khi các con của chị vẫn còn nhỏ”. Đúng vậy, khi các học viên Kinh Thánh bắt đầu làm thánh sạch đời sống mình để Đức Chúa Trời vui lòng, ngài sẽ đến gần họ và uốn nắn họ thành những chiếc bình thật sự đáng chuộng.
17. (a) Điều gì khiến anh chị thích thú khi có Đức Giê-hô-va là Thợ Gốm của mình? (b) Bài tới sẽ xem xét những khía cạnh nào của việc uốn nắn?
17 Ngày nay, một số thợ gốm vẫn cẩn thận dùng tay để nắn đất sét thành những bình đẹp đẽ. Theo cách tương tự, Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dùng lời khuyên để uốn nắn từng cá nhân chúng ta và quan sát cách chúng ta phản ứng. (Đọc Thi-thiên 32:8). Anh chị có nhận ra sự quan tâm của Đức Giê-hô-va dành cho cá nhân anh chị không? Anh chị có thấy mình đang được uốn nắn trong bàn tay đầy quan tâm của ngài không? Nếu vậy, những phẩm chất nào khác sẽ giúp anh chị tiếp tục giống như đất sét mềm dẻo và dễ uốn nắn trước mắt Đức Giê-hô-va? Anh chị nên tránh những đặc tính nào để không trở nên giống như đất sét cứng và khó uốn nắn? Các bậc cha mẹ có thể làm gì để hợp tác với Đức Giê-hô-va trong việc uốn nắn con cái mình? Bài tới sẽ giải đáp những câu hỏi này.