Chương chín
Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va khi gặp nghịch cảnh
1. Tại sao tín đồ Đấng Christ ngày nay được lợi ích qua việc xem xét chương 7 và 8 sách Ê-sai?
CHƯƠNG 7 và 8 sách Ê-sai cho thấy hai phản ứng trái ngược nhau. Ê-sai và A-cha, cả hai đều thuộc về một nước dâng hiến cho Đức Giê-hô-va; cả hai đều được Đức Chúa Trời giao phó trách nhiệm, người này là tiên tri, người kia là vua nước Giu-đa; cả hai gặp phải cùng một đe dọa—nước Giu-đa bị lực lượng kẻ thù mạnh hơn xâm lăng. Tuy nhiên, Ê-sai đương đầu với sự đe dọa với lòng tin cậy Đức Giê-hô-va trong khi A-cha lại rơi vào sự sợ hãi. Tại sao phản ứng của họ lại khác nhau như thế? Vì tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng bị kẻ thù bao vây giống như vậy nên thật là hữu ích để chúng ta xem xét hai chương này của sách Ê-sai hầu tìm ra bài học chứa đựng trong đó.
Đến lúc phải quyết định
2, 3. Ê-sai trình bày sự tóm lược nào trong lời mở đầu của ông?
2 Như một họa sĩ phác họa bức tranh với vài nét sơ lược, Ê-sai bắt đầu sự tường thuật của ông với vài lời tổng quát đánh dấu sự khởi đầu và sự kết thúc của các biến cố mà ông sắp kể: “Về đời A-cha, con trai Giô-tham, cháu Ô-xia, vua nước Giu-đa, xảy có Rê-xin, vua xứ Sy-ri, và Phê-ca, con trai Rê-ma-lia, vua Y-sơ-ra-ên, lên đánh thành Giê-ru-sa-lem; nhưng không thắng được”.—Ê-sai 7:1.
3 Đó là thế kỷ thứ tám TCN. A-cha nối ngôi cha là Giô-tham làm vua nước Giu-đa. Vua Sy-ri là Rê-xin và vua Y-sơ-ra-ên phía bắc là Phê-ca xâm lăng Giu-đa; quân đội của họ tấn công như vũ bão. Cuối cùng, chính thành Giê-ru-sa-lem bị họ bao vây. Tuy nhiên, cuộc công hãm thất bại. (2 Các Vua 16:5, 6; 2 Sử-ký 28:5-8) Tại sao? Sau này chúng ta sẽ hiểu.
4. Tại sao lòng của A-cha và dân sự đầy sợ hãi?
4 Lúc cuộc chiến mới khởi đầu, “có người báo tin đó cho nhà Đa-vít, mà rằng: Sy-ri kết-minh cùng Ép-ra-im. Bấy giờ A-cha và dân-sự người trong lòng kinh-động, như cây trên rừng bị gió lay”. (Ê-sai 7:2) Đúng vậy, A-cha và dân sự của ông kinh hãi khi hay quân Sy-ri và Y-sơ-ra-ên đã liên minh với nhau và vào lúc này lực lượng của họ đã đóng trên đất của Ép-ra-im (Y-sơ-ra-ên) rồi. Chúng chỉ còn cách Giê-ru-sa-lem hai hoặc ba ngày đường mà thôi!
5. Dân tộc của Đức Chúa Trời ngày nay giống Ê-sai về phương diện nào?
5 Đức Giê-hô-va nói với Ê-sai: “Ngươi cùng con trai ngươi là Sê-a-Gia-súp hãy đi đón A-cha tại nơi cuối cống ao trên, trên đường cái ruộng thợ nện”. (Ê-sai 7:3) Chúng ta hãy suy nghĩ! Vào một thời điểm mà đáng lẽ vua phải đi tìm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va để xin sự hướng dẫn, đằng này nhà tiên tri phải đi tìm vua! Dù vậy, Ê-sai sẵn lòng vâng lời Đức Giê-hô-va. Tương tự như thế, dân tộc của Đức Chúa Trời ngày nay sẵn sàng đi tìm những người sợ hãi vì các áp lực của thế gian này. (Ma-thi-ơ 24:6, 14) Thật là thỏa lòng khi thấy mỗi năm có hàng trăm ngàn người hưởng ứng sự thăm viếng của những người rao giảng tin mừng này và bám chặt lấy bàn tay che chở của Đức Giê-hô-va!
6. (a) Nhà tiên tri truyền đạt cho Vua A-cha thông điệp phấn khởi nào? (b) Ngày nay tình trạng ra sao?
6 Ê-sai tìm được A-cha bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem, nơi vua đang thanh tra hệ thống cung cấp nước của thành, trong nỗ lực chuẩn bị đối phó với cuộc vây hãm sắp tới. Ê-sai chuyển đạt thông điệp của Đức Giê-hô-va cho vua: “Hãy cẩn-thận, ở yên-lặng; đừng sợ chi, lòng ngươi chớ bủn-rủn vì cớ hai đuôi đuốc có khói, tức là vì cơn giận-dữ của Rê-xin và Sy-ri, và của con trai Rê-ma-lia”. (Ê-sai 7:4) Khi cướp phá Giu-đa trước đây thì sự giận dữ của những kẻ tấn công nóng như ngọn lửa. Giờ đây chúng chỉ còn là “hai đuôi đuốc có khói”. A-cha không cần phải sợ vua Sy-ri là Rê-xin hay vua Y-sơ-ra-ên là Phê-ca, con của Rê-ma-lia. Ngày nay tình trạng cũng giống như vậy. Từ nhiều thế kỷ nay, những nhà lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã bắt bớ dữ dội tín đồ thật của Đấng Christ. Tuy nhiên, bây giờ các tôn giáo tự xưng chỉ còn giống như đuôi đuốc cháy gần hết. Ngày tàn của y thị thật gần.
7. Tại sao tên của Ê-sai và của con ông cho người ta lý do để hy vọng?
7 Trong thời A-cha, không những thông điệp của Ê-sai mà còn cả ý nghĩa tên của Ê-sai và của con ông đem lại hy vọng cho những người tin cậy Đức Giê-hô-va. Thật vậy, nước Giu-đa bị nguy cơ, nhưng tên Ê-sai nghĩa là “Sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va”, báo hiệu Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp sự giải cứu. Đức Giê-hô-va bảo Ê-sai đem theo con là Sê-a-Gia-súp; tên này có nghĩa là “Chỉ một số nhỏ còn sót lại sẽ trở về”. Ngay cả khi vương quốc Giu-đa cuối cùng bị sụp đổ, Đức Giê-hô-va cũng thương xót đem một số người còn sót lại trở về quê hương.
Không chỉ là một cuộc chiến giữa các nước
8. Tại sao cuộc tấn công thành Giê-ru-sa-lem không chỉ là một cuộc chiến giữa các nước?
8 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va tiết lộ chiến lược của kẻ thù của Giu-đa. Đây là những gì chúng mưu đồ: “Chúng ta hãy lên nghịch cùng Giu-đa, khuấy-rối nó, phá thành và lập một vua giữa nó, tức là con trai của Ta-bê-ên”. (Ê-sai 7:5, 6) Liên minh Sy-ri và Y-sơ-ra-ên lập mưu xâm chiếm Giu-đa và thay thế A-cha, một người con của Đa-vít, bằng một người của họ. Rõ ràng cuộc tấn công vào Giê-ru-sa-lem bây giờ không chỉ là một cuộc chiến tranh giữa các nước. Nó trở thành một cuộc tranh chấp giữa Sa-tan và Đức Giê-hô-va. Tại sao? Tại vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã lập một giao ước với Vua Đa-vít, bảo đảm với ông là các con của ông sẽ cai trị dân sự của Đức Giê-hô-va. (2 Sa-mu-ên 7:11, 16) Quả là một chiến thắng cho Sa-tan nếu hắn có thể đặt một vương quyền khác trên ngôi ở Giê-ru-sa-lem! Thậm chí hắn có thể phá hỏng ý định của Đức Giê-hô-va trong việc để dòng dõi Đa-vít sanh ra một người kế tự vĩnh viễn, tức “Chúa Bình-an”.—Ê-sai 9:5, 6.
Sự bảo đảm đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va
9. Sự bảo đảm nào phải làm cho A-cha cũng như tín đồ Đấng Christ ngày nay can đảm?
9 Âm mưu của Sy-ri và Y-sơ-ra-ên có thành công không? Không. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Sự ngăm-đe ấy không thành, điều đó không xảy ra!” (Ê-sai 7:7) Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói rằng không những cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem sẽ thất bại mà “trong sáu mươi lăm năm, Ép-ra-im sẽ bị hủy-diệt, không được kể là dân nữa”. (Ê-sai 7:8) Đúng vậy, chỉ trong vòng 65 năm, nước Y-sơ-ra-ên sẽ không còn là một dân tộc nữa.a Sự bảo đảm này, với thời biểu xác định, đáng lẽ phải làm cho A-cha can đảm lên. Cũng vậy, dân sự của Đức Giê-hô-va ngày nay được củng cố tinh thần khi biết là thời gian còn lại cho thế gian của Sa-tan sắp hết rồi.
10. (a) Ngày nay, các tín đồ thật của Đấng Christ có thể bắt chước Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đề nghị gì với A-cha?
10 Có lẽ vẻ mặt của A-cha cho thấy ông không tin, vì Đức Giê-hô-va nói qua Ê-sai: “Nếu các ngươi không tin, chắc sẽ không đứng vững được”. Với lòng kiên nhẫn, Đức Giê-hô-va “lại phán [“nói thêm”, “NW”] cùng A-cha”. (Ê-sai 7:9, 10) Đây quả là một gương tốt! Ngày nay, mặc dù nhiều người không mau mắn đáp ứng thông điệp Nước Trời, chúng ta nên bắt chước Đức Giê-hô-va bằng cách “nói thêm” khi thăm đi thăm lại. Kế đó, Đức Giê-hô-va nói với A-cha: “Hãy xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi một điềm, hoặc dưới vực sâu, hoặc trên trời cao”. (Ê-sai 7:11) A-cha có thể xin một dấu hiệu, và Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện để bảo đảm là Ngài sẽ che chở nhà Đa-vít.
11. Từ “Đức Chúa Trời ngươi” mà Đức Giê-hô-va dùng hàm chứa sự bảo đảm nào?
11 Hãy lưu ý lời Đức Giê-hô-va nói: ‘Hãy xin Đức Chúa Trời ngươi một điềm’. Đức Giê-hô-va thật nhân từ. Ai cũng biết A-cha là người thờ các thần giả và theo các thực hành gớm ghiếc của tà giáo. (2 Các Vua 16:3, 4) Bất kể điều này và bất kể thái độ sợ hãi của A-cha, Đức Giê-hô-va vẫn coi Ngài là Đức Chúa Trời của A-cha. Điều này bảo đảm cho chúng ta là Đức Giê-hô-va không hề vội vàng từ bỏ con người. Ngài sẵn sàng giơ tay nâng đỡ những người lầm lỗi hoặc đức tin trở nên yếu. Sự bảo đảm về tình yêu thương này của Đức Chúa Trời có thúc đẩy A-cha nắm lấy tay của Đức Giê-hô-va không?
Từ nghi ngờ tới bất tuân
12. (a) A-cha có thái độ kiêu ngạo nào? (b) Thay vì đến với Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ, A-cha đến với ai?
12 A-cha trả lời cách ương ngạnh: “Tôi sẽ chẳng xin, tôi cũng chẳng thử Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 7:12) Ở đây, không phải A-cha làm theo lời của luật pháp: “Các ngươi chớ thử Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:16) Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su cũng trích cùng điều luật này khi Sa-tan cám dỗ ngài. (Ma-thi-ơ 4:7) Nhưng trong trường hợp của A-cha, Đức Giê-hô-va mời ông quay về với sự thờ phượng thật và Ngài sẵn sàng làm một dấu lạ để củng cố đức tin của ông. Tuy nhiên, A-cha lại thích tìm sự bảo vệ ở một nơi khác hơn. Có lẽ vào thời điểm này, nhà vua gởi một số tiền lớn cho A-si-ri để cầu viện giúp ông chống lại kẻ thù phía bắc. (2 Các Vua 16:7, 8) Trong lúc đó, quân Sy-ri liên minh với Y-sơ-ra-ên kéo đến vây hãm thành Giê-ru-sa-lem.
13. Chúng ta để ý câu 13 có sự thay đổi nào, và sự thay đổi này có nghĩa gì?
13 Thấy nhà vua thiếu đức tin, Ê-sai nói: “Hỡi nhà Đa-vít, hãy nghe! Các ngươi cho làm phiền người ta là nhỏ-mọn, mà muốn làm phiền Đức Chúa Trời ta nữa sao?” (Ê-sai 7:13) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có thể mệt mỏi vì bị khinh thường mãi. Chúng ta hãy để ý là nhà tiên tri bây giờ nói “Đức Chúa Trời ta” chứ không nói “Đức Chúa Trời ngươi” nữa. Một sự thay đổi báo hiệu một điềm xấu! Khi A-cha từ bỏ Đức Giê-hô-va và quay sang A-si-ri, ông đánh mất một cơ hội quý giá để tái lập mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Mong chúng ta đừng bao giờ hy sinh mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời qua việc nhượng bộ đức tin dựa trên Kinh Thánh để đổi lấy lợi lộc tạm thời.
Điềm về Em-ma-nu-ên
14. Đức Giê-hô-va tỏ ra trung tín đối với giao ước với Đa-vít như thế nào?
14 Đức Giê-hô-va tiếp tục trung tín đối với giao ước với Đa-vít. Ngài đã đề nghị một điềm và Ngài sẽ ban cho! Ê-sai nói tiếp: “Chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy, một gái đồng-trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên. Con trẻ ấy sẽ ăn mỡ-sữa và mật, cho đến chừng nào biết bỏ điều dữ và chọn điều lành. Vả, trước khi con trẻ biết bỏ điều dữ chọn điều lành, thì nước của hai vua mà ngươi đương ghét sẽ bị bỏ hoang.—Ê-sai 7:14-16.
15. Lời tiên tri về Em-ma-nu-ên trả lời hai câu hỏi nào?
15 Đây là tin mừng cho bất cứ ai lo sợ quân xâm lăng sẽ tuyệt diệt dòng Vua Đa-vít. “Em-ma-nu-ên” nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Đức Chúa Trời ở cùng Giu-đa và sẽ không cho phép giao ước của Ngài với Đa-vít thành vô hiệu. Ngoài ra, A-cha và dân sự của ông được Đức Giê-hô-va cho biết không những về điều Ngài sẽ làm mà còn về khi nào Ngài làm. Trước khi con trẻ Em-ma-nu-ên khôn lớn đủ để phân biệt lành và dữ thì nước kẻ thù sẽ bị hủy diệt. Và điều này đã thật sự xảy ra!
16. Tại sao Đức Giê-hô-va không cho biết danh tánh của Em-ma-nu-ên vào thời A-cha?
16 Kinh Thánh không tiết lộ đứa trẻ Em-ma-nu-ên là con của ai. Nhưng vì con trẻ Em-ma-nu-ên được dùng như một điềm và sau này Ê-sai nói rằng ông và các con ông là những “điềm” nên Em-ma-nu-ên có thể là con của nhà tiên tri. (Ê-sai 8:18) Có lẽ Đức Giê-hô-va không cho biết danh tánh của Em-ma-nu-ên vào thời A-cha để tránh cho các thế hệ sau này không còn chú ý đến Em-ma-nu-ên Lớn. Đấng này là ai đây?
17. (a) Ai là Em-ma-nu-ên Lớn, và sự sinh ra của ngài có ý nghĩa gì? (b) Tại sao dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay có thể reo lên “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”?
17 Ngoài sách Ê-sai, tên Em-ma-nu-ên chỉ xuất hiện một lần nữa trong Kinh Thánh, nơi Ma-thi-ơ 1:23. Đức Giê-hô-va đã soi dẫn Ma-thi-ơ áp dụng lời tiên tri về sự sinh ra của Em-ma-nu-ên cho sự sinh ra của Chúa Giê-su, Người Thừa Kế chính đáng ngôi Đa-vít. (Ma-thi-ơ 1:18-23) Sự sinh ra của Em-ma-nu-ên thứ nhất là một điềm cho thấy Đức Giê-hô-va không bỏ nhà Đa-vít. Cũng thế, sự sinh ra của Chúa Giê-su, Em-ma-nu-ên Lớn, là một điềm cho thấy Đức Giê-hô-va không bỏ loài người hay giao ước về Nước Trời của Ngài với nhà Đa-vít. (Lu-ca 1:31-33) Nay với đại diện chính của Đức Giê-hô-va ở giữa loài người, Ma-thi-ơ có thể thật sự nói: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Ngày nay, Chúa Giê-su cai trị với tư cách là Vua trên trời và ngài ở với hội thánh của ngài trên đất. (Ma-thi-ơ 28:20) Chắc chắn dân sự của Đức Chúa Trời có thêm lý do để reo lên một cách dạn dĩ: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta!”
Thêm nhiều hậu quả của sự bất trung
18. (a) Tại sao lời nói kế tiếp của Ê-sai lại gây cho người nghe kinh hoàng? (b) Chẳng bao lâu nữa những biến cố nào sẽ xảy ra?
18 Những lời cuối cùng của Ê-sai dù có đưa lại an ủi, nhưng lời nói kế tiếp của ông lại gây cho người nghe kinh hoàng: “Đức Giê-hô-va sẽ giáng trên ngươi, dân ngươi, và nhà cha ngươi, bởi vua A-si-ri, những ngày mà từ ngày Ép-ra-im lìa-bỏ Giu-đa chưa từng có giống như vậy”. (Ê-sai 7:17) Đúng vậy, tai họa đang đến, và bởi tay vua A-si-ri. Viễn cảnh về sự đô hộ của người A-si-ri vốn nổi tiếng tàn bạo có lẽ là nguyên nhân khiến A-cha và dân sự của ông mất ngủ nhiều đêm. A-cha lý luận rằng việc kết thân với A-si-ri sẽ giải cứu ông khỏi Y-sơ-ra-ên và Sy-ri. Thật vậy, A-si-ri sẽ đáp lại lời thỉnh cầu của A-cha bằng cách cuối cùng tấn công Y-sơ-ra-ên và Sy-ri. (2 Các Vua 16:9) Chắc hẳn vì điều này mà Phê-ca và Rê-xin bị buộc phải bỏ cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem. Do đó, liên minh Sy-ri và Y-sơ-ra-ên không thể chiếm được Giê-ru-sa-lem. (Ê-sai 7:1) Tuy nhiên, bây giờ Ê-sai nói cho thính giả của ông đang trong tình trạng sửng sốt biết là A-si-ri, nguồn bảo vệ mà họ hy vọng, sẽ trở thành kẻ bức hiếp họ!—So sánh Châm-ngôn 29:25.
19. Vở kịch lịch sử chứa đựng sự cảnh cáo nào cho tín đồ Đấng Christ ngày nay?
19 Đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay, sự tường thuật lịch sử trung thực này chứa đựng một sự cảnh cáo. Khi bị áp lực, chúng ta có lẽ bị cám dỗ vi phạm các nguyên tắc đạo Đấng Christ và do đó khước từ sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va. Đây là lối hành động thiển cận, thậm chí đưa đến sự tự sát như được thấy rõ qua những lời kế tiếp của Ê-sai. Nhà tiên tri tả tiếp cuộc xâm lăng của A-si-ri sẽ gây ra những gì cho đất và dân Giu-đa.
20. “Ruồi” và “ong” là ai, và chúng sẽ làm gì?
20 Ê-sai chia sự công bố của ông ra làm bốn phần, mỗi phần báo trước điều sẽ xảy ra “trong ngày đó”—nghĩa là ngày A-si-ri tấn công Giu-đa. “Xảy ra trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ huýt mà gọi những ruồi ở cuối các sông Ê-díp-tô, và những ong ở xứ A-si-ri. Hai giống đó sẽ đến đậu trong các nơi trũng hoang-loạn, trong các lỗ nẻ vầng đá, trên rào gai cùng các đồng cỏ”. (Ê-sai 7:18, 19) Quân của Ê-díp-tô và A-si-ri, giống như đàn ruồi và đàn ong, sẽ hướng về Đất Hứa. Đây không phải là một sự xâm lăng chớp nhoáng. “Ruồi” và “ong” sẽ đáp xuống, tràn ra cắn phá không chừa một xó xỉnh nào của đất Giu-đa.
21. Vua A-si-ri giống dao cạo như thế nào?
21 Ê-sai nói tiếp: “Trong ngày đó Đức Giê-hô-va sẽ dùng dao cạo thuê tại bên kia sông—nghĩa là vua A-si-ri—mà cạo đầu cùng lông chân, và bỏ cả râu nữa”. (Ê-sai 7:20) Bây giờ chỉ còn A-si-ri, mối đe dọa chủ yếu, được nói đến. A-cha thuê vua A-si-ri “cạo” Sy-ri và Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, “dao cạo thuê” từ vùng sông Ơ-phơ-rát này sẽ nghịch lại cạo “đầu” của Giu-đa và cạo sạch tóc, thậm chí cạo luôn cả râu nữa!
22. Ê-sai dùng ví dụ nào cho thấy những hậu quả do cuộc xâm lăng sắp đến của A-si-ri gây ra?
22 Hậu quả sẽ là gì? “Trong ngày đó mỗi người có thể nuôi một con bò cái tơ và hai con chiên, bởi nó có sữa dư-dật thì người sẽ ăn mỡ-sữa; vì phàm ai sẽ còn sót lại giữa xứ, thì nuôi mình bằng mỡ-sữa và mật”. (Ê-sai 7:21, 22) Vào lúc A-si-ri “cạo” đất Giu-đa, số người được chừa lại thưa thớt đến độ chỉ cần một số ít thú vật để cung cấp thực phẩm. Họ sẽ ăn “mỡ-sữa và mật” chứ không có rượu, bánh hay những nhu yếu phẩm khác. Như để nhấn mạnh mức độ hoang vu, Ê-sai nói ba lần rằng đất đai từng phì nhiêu và quý giá nay chỉ sanh ra gai góc và cỏ dại. Những người mạo hiểm về miền quê sẽ cần đến “cung tên” để bảo vệ khỏi thú hoang ẩn núp trong bụi cây rậm rạp. Cánh đồng trống sẽ trở thành vùng đất cho chiên bò giẫm đạp. (Ê-sai 7:23-25) Lời tiên tri này bắt đầu được ứng nghiệm vào chính thời của A-cha.—2 Sử-ký 28:20.
Tiên đoán chính xác
23. (a) Bây giờ Ê-sai được lệnh làm gì? (b) Điềm về tấm bảng được xác nhận như thế nào?
23 Bây giờ Ê-sai quay về tình trạng ngay trước mắt. Trong khi Giê-ru-sa-lem vẫn còn bị lực lượng hỗn hợp Sy-ri và Y-sơ-ra-ên bao vây, Ê-sai báo cáo: “Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng: Hãy lấy một cái bảng rộng, và viết lên trên bằng bút loài người rằng: Ma-he-Sa-la-Hát-Bát. Tôi đem theo những kẻ làm chứng đáng tin, tức là U-ri, thầy tế-lễ, và Xa-cha-ri, con trai của Giê-bê-rê-kia”. (Ê-sai 8:1, 2) Tên Ma-he-Sa-la-Hát-Bát nghĩa là “Hãy chạy lẹ đến chiến lợi phẩm! Kẻ đến mau lẹ thâu của cướp”. Ê-sai xin hai người được kính nể trong cộng đồng làm chứng về việc ông viết tên này trên một tấm bảng lớn, để sau này họ có thể xác nhận sự đích thực của tài liệu. Dù vậy, điềm này sẽ được một điềm thứ hai xác nhận.
24. Đáng lẽ điềm về Ma-he-Sa-la-Hát-Bát phải có ảnh hưởng nào trên dân Giu-đa?
24 Ê-sai nói: “Đoạn, tôi đến nhà nữ tiên-tri; người chịu thai và sanh một con trai. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng tôi rằng: Hãy đặt tên nó là Ma-he-Sa-la-Hát-Bát. Vì, trước khi con trẻ biết kêu: Cha ơi! mẹ ơi! thì người ta sẽ cất lấy sự giàu-có Đa-mách và của-cướp Sa-ma-ri trước mặt vua A-si-ri”. (Ê-sai 8:3, 4) Cả tấm bảng lớn và đứa trẻ sơ sinh sẽ được dùng làm điềm, theo đó, chẳng bao lâu nữa kẻ áp bức Giu-đa là Sy-ri và Y-sơ-ra-ên sẽ bị A-si-ri cướp phá. Còn bao lâu nữa? Trước khi đứa trẻ có thể nói những tiếng mà phần lớn trẻ thơ học nói trước tiên—tức là “cha” và “mẹ”. Một sự tiên đoán chính xác như thế hẳn sẽ xây dựng niềm tin của dân sự nơi Đức Giê-hô-va. Hoặc nó có thể khiến một số người chế nhạo Ê-sai và các con ông. Dù trường hợp nào chăng nữa, những lời tiên tri của Ê-sai thành sự thật.—2 Các Vua 17:1-6.
25. Có sự tương đồng nào giữa thời Ê-sai và thời nay?
25 Tín đồ Đấng Christ có thể học được bài học từ những lời cảnh cáo được Ê-sai lặp đi lặp lại. Sứ đồ Phao-lô tiết lộ cho chúng ta biết là trong vở kịch mang nghĩa tiên tri này, Ê-sai đóng vai trò Chúa Giê-su Christ và các con trai của Ê-sai làm hình bóng cho các môn đồ xức dầu của Chúa Giê-su. (Hê-bơ-rơ 2:10-13) Chúa Giê-su, qua các môn đồ xức dầu của ngài trên đất, đã nhắc nhở các tín đồ thật của ngài về việc cần phải “tỉnh-thức” trong thời kỳ nghiêm trọng này. (Lu-ca 21:34-36) Đồng thời họ cũng cảnh cáo những kẻ ngoan cố chống đối về sự hủy diệt sắp đến mặc dù người ta thường chế nhạo những lời cảnh cáo ấy. (2 Phi-e-rơ 3:3, 4) Việc những lời tiên tri có thời biểu rõ rệt được ứng nghiệm vào thời Ê-sai là một sự bảo đảm rằng thời biểu của Đức Chúa Trời về thời kỳ chúng ta cũng “chắc sẽ đến [“thành”, NW], không chậm-trễ”.—Ha-ba-cúc 2:3.
“Dòng nước” tàn phá
26, 27. (a) Ê-sai báo trước những biến cố nào? (b) Đối với các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay, những lời của Ê-sai cho thấy điều gì?
26 Ê-sai tiếp tục cảnh cáo: “Vì dân nầy đã khinh-bỏ các dòng nước Si-lô-ê chảy dịu, và ưa-thích Rê-xin cùng con trai của Rê-ma-lia. Vì cớ đó, nầy, Chúa sẽ khiến nước Sông mạnh và nhiều đến trên họ, tức là vua A-si-ri và cả oai-vinh người; nó sẽ dấy lên khắp trên lòng sông, khỏa lên các bực; chảy vào Giu-đa, tràn-lan chảy xói, ngập cho đến cổ; hỡi Em-ma-nu-ên, nó sè cánh ra che cả xứ ngươi”.—Ê-sai 8:5-8.
27 “Dân nầy”, tức vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc, chối bỏ giao ước của Đức Giê-hô-va với Đa-vít. (2 Các Vua 17:16-18) Đối với họ, giao ước ấy trông yếu ớt như dòng nước nhỏ giọt của Si-lô-ê, nguồn cung cấp nước cho Giê-ru-sa-lem. Họ háo hức đi chinh chiến với Giu-đa. Nhưng sự khinh thường này sẽ không khỏi bị phạt. Đức Giê-hô-va sẽ cho phép người A-si-ri “tràn-lan” trên nước Sy-ri và Y-sơ-ra-ên, cũng giống như chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ cho phép thành phần chính trị của thế gian này tràn lan trên lĩnh vực của tôn giáo giả. (Khải-huyền 17:16; so sánh Đa-ni-ên 9:26). Kế đó, Ê-sai nói “dòng nước” dâng lên sẽ “chảy vào Giu-đa”, ngập “cho đến cổ”, tức tới tận Giê-ru-sa-lem, nơi người cầm đầu (vua) nước Giu-đa cai trị.b Trong thời chúng ta, thành phần chính trị hành quyết các tôn giáo giả cũng sẽ tấn công các tôi tớ của Đức Giê-hô-va, bao vây họ “cho đến cổ” như vậy. (Ê-xê-chi-ên 38:2, 10-16) Kết quả sẽ là gì? Vậy điều gì đã xảy ra vào thời Ê-sai? Quân A-si-ri có tràn qua các tường thành và quét sạch được dân của Đức Chúa Trời không? Không. Đức Chúa Trời ở với dân Ngài.
Đừng sợ—“Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”
28. Đức Giê-hô-va bảo đảm điều gì với Giu-đa bất chấp nỗ lực mãnh liệt của kẻ thù của họ?
28 Ê-sai cảnh cáo: “Hỡi các dân [chống nghịch dân trong giao ước của Đức Chúa Trời], hãy kêu-la và bị tan-nát! Hỡi các ngươi hết thảy, là dân các phương xa, hãy lắng tai! Hãy nịt lưng các ngươi, và bị tan-nát; hãy nịt lưng các ngươi, và bị tan-nát! Hãy toan mưu cùng nhau, nó sẽ nên hư-không; hãy nói, lời các ngươi sẽ không đứng, vì Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. (Ê-sai 8:9, 10) Một ít năm sau, trong triều đại vua trung thành Ê-xê-chia, con của A-cha, những lời này trở thành sự thật. Khi quân A-si-ri đe dọa Giê-ru-sa-lem, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã giết 185.000 người. Rõ ràng Đức Giê-hô-va ở với dân Ngài và dòng Vua Đa-vít. (Ê-sai 37:33-37) Trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp đến, Đức Giê-hô-va cũng sẽ dùng Em-ma-nu-ên Lớn, không những để phá tan kẻ thù của Ngài mà còn để cứu thoát tất cả những người tin cậy Ngài.—Thi-thiên 2:2, 9, 12.
29. (a) Những người Do Thái vào thời A-cha khác với những người vào thời Ê-xê-chia ở chỗ nào? (b) Tại sao các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay tránh không liên minh về tôn giáo và chính trị?
29 Không giống như những người Do Thái vào thời Ê-xê-chia, những người đồng thời với A-cha thiếu đức tin nơi sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va. Họ thích mưu đồ, hay “kết đảng” với người A-si-ri, coi nước này như một nguồn bảo vệ vững chắc chống lại liên minh Sy-ri và Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, “tay” của Đức Giê-hô-va thúc Ê-sai nói nghịch lại với “đường dân ấy” hay khuynh hướng nói chung của họ. Ông cảnh cáo: “Chớ sợ điều nó sợ, và đừng kinh-hãi. Hãy tôn Đức Giê-hô-va vạn-quân là thánh; các ngươi chỉ nên sợ Ngài và kinh-hãi Ngài”. (Ê-sai 8:11-13) Với điều này trong trí, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay phải coi chừng việc liên kết với các hội đồng tôn giáo và các liên minh chính trị, hoặc đặt sự tin cậy nơi các tổ chức này. Tôi tớ Đức Giê-hô-va hoàn toàn tin tưởng vào quyền lực che chở của Đức Chúa Trời. Nói cho cùng, nếu ‘Đức Giê-hô-va bênh-vực chúng ta, loài người làm chi chúng ta được?’—Thi-thiên 118:6.
30. Số phận của những kẻ không tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ là gì?
30 Kế đến, Ê-sai nhắc lại rằng Đức Giê-hô-va sẽ chứng tỏ là một “nơi thánh”, một sự che chở, cho những người tin cậy Ngài. Trái lại, những kẻ từ chối Ngài “sẽ vấp chân; sẽ té và giập-nát; sẽ sa vào lưới và bị bắt”—năm động từ sống động cho thấy chắc chắn về số phận của những kẻ không tin cậy Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 8:14, 15) Vào thế kỷ thứ nhất, những người chối bỏ Chúa Giê-su cũng đã vấp phạm và té. (Lu-ca 20:17, 18). Ngày nay, một kết cuộc tương tự cũng chờ đợi những ai không trung thành với Chúa Giê-su, Vua đương kim trên trời.—Thi-thiên 2:5-9.
31. Các tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay có thể noi gương của Ê-sai và những người lắng nghe sự dạy dỗ của ông như thế nào?
31 Trong thời Ê-sai, không phải mọi người đều vấp phạm. Ê-sai nói: “Ngươi hãy gói lời chứng nầy, niêm-phong luật-pháp nầy trong môn-đồ ta! Tôi trông-đợi Đức Giê-hô-va, là Đấng ẩn mặt Ngài khỏi nhà Gia-cốp, tôi vẫn ngóng-trông Ngài!” (Ê-sai 8:16, 17) Ê-sai và những người làm theo sự dạy dỗ của ông không bỏ Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Họ tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va cho dù những người đồng xứ, những người vi phạm luật pháp, không chịu tin cậy và do đó bị Đức Giê-hô-va ẩn mặt Ngài khỏi họ. Mong sao chúng ta theo gương những người tin cậy Đức Giê-hô-va và có cùng quyết tâm bám chặt lấy sự thờ phượng trong sạch!—Đa-ni-ên 12:4, 9; Ma-thi-ơ 24:45; so sánh Hê-bơ-rơ 6:11, 12.
“Dấu” và “điềm”
32. (a) Ngày nay ai được coi là “dấu” và “điềm”? (b) Tại sao tín đồ Đấng Christ phải khác biệt với thế gian?
32 Bây giờ Ê-sai công bố: “Nầy, tôi đây, với con-cái mà Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi, là dấu và điềm trong Y-sơ-ra-ên, bởi Đức Giê-hô-va vạn-quân ngự trên núi Si-ôn”. (Ê-sai 8:18) Vâng, Ê-sai, Sê-a-Gia-súp và Ma-he-Sa-la-Hát-Bát là những dấu cho thấy ý định của Đức Giê-hô-va đối với Giu-đa. Tương tự như vậy, ngày nay Chúa Giê-su và các anh em xức dầu của ngài là những dấu. (Hê-bơ-rơ 2:11-13) Họ được đám đông “vô-số người” thuộc các “chiên khác” đến kết hợp cùng làm việc với họ. (Khải-huyền 7:9, 14; Giăng 10:16) Dĩ nhiên, một dấu chỉ có giá trị khi nào nó nổi bật giữa các vật xung quanh. Cũng vậy, các tín đồ Đấng Christ chỉ làm tròn sứ mạng của họ như là dấu khi nào họ nổi bật, khác biệt hẳn với thế gian này, đặt tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va và dạn dĩ công bố ý định của Ngài.
33. (a) Tín đồ thật của Đấng Christ cương quyết làm gì? (b) Tại sao tín đồ thật của Đấng Christ sẽ đứng vững?
33 Vậy tất cả chúng ta hãy theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian này. Chúng ta hãy tiếp tục mạnh dạn giữ sự khác biệt—như những dấu—tiến lên thi hành sứ mạng mà Ê-sai Lớn, tức Chúa Giê-su Christ, giao cho: “Rao năm ban ơn... và ngày báo-thù của Đức Chúa Trời chúng ta”. (Ê-sai 61:1, 2; Lu-ca 4:17-21) Thật vậy, khi người A-si-ri tràn qua mặt đất như nước lũ—dù cho tới cổ chúng ta—tín đồ thật của Đấng Christ sẽ không bị cuốn đi. Chúng ta sẽ đứng vững vì “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết về sự ứng nghiệm của lời tiên tri này, xin xem sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 62 và 758, do Hội Tháp Canh xuất bản.
b A-si-ri cũng được so sánh với một con chim xòe cánh ra “che cả xứ ngươi”. Do đó, xứ rộng tới đâu thì quân đội A-si-ri bao trùm tới đó.
[Hình nơi trang 103]
Ê-sai đem theo Sê-a-Gia-súp khi ông truyền đạt thông điệp của Đức Giê-hô-va cho A-cha
[Hình nơi trang 111]
Tại sao Ê-sai viết “Ma-he-Sa-la-Hát-Bát” trên tấm bảng lớn?