Đáp ứng lời hứa của Đức Chúa Trời bằng cách thực hành đức tin
“Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta” (II PHI-E-RƠ 1:4).
1. Điều gì giúp chúng ta thực hành đức tin thật?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA muốn chúng ta thực hành đức tin nơi các lời hứa của Ngài. Tuy nhiên, “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:2). Đức tính này là bông trái của thánh linh, hoặc sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:22, 23). Vì thế, chỉ những ai được thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn mới có thể thực hành đức tin.
2. Sứ đồ Phao-lô định nghĩa “đức tin” như thế nào?
2 Nhưng đức tin là gì? Sứ đồ Phao-lô gọi đức tin “là bằng-cớ của những đều mình chẳng xem thấy”. Những thực tại không thấy được này có bằng cớ rõ ràng đến nỗi đức tin được xem như ngang hàng với bằng cớ đó. Đức tin cũng được gọi là “sự biết chắc vững-vàng của những đều mình đương trông-mong” bởi vì những người có đức tính này được bảo đảm là tất cả những điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã hứa là chắc chắn đến nỗi họ coi những lời hứa đó như đã được thành tựu (Hê-bơ-rơ 11:1).
Đức tin và những lời hứa của Đức Giê-hô-va
3. Các tín đồ đấng Christ được xức dầu sẽ được gì nếu họ thực hành đức tin?
3 Để Đức Giê-hô-va được hài lòng, chúng ta phải thực hành đức tin nơi những lời hứa của Ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy điều này trong lá thư thứ hai được soi dẫn và viết vào năm 64 công nguyên. Ông cho thấy rằng nếu các tín đồ đấng Christ cũng được xức dầu như ông thực hành đức tin, họ sẽ thấy Đức Chúa Trời thực hiện “lời hứa rất quí rất lớn” của Ngài. Kết quả là họ sẽ “trở nên người dự phần bổn-tánh Đức Chúa Trời” với tư cách là những người cùng cai trị với Giê-su Christ trong Nước Trời ở trên trời. Nhờ có đức tin và sự giúp đỡ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, họ đã thoát khỏi sự nô lệ cho thói quen và thực hành thối nát của thế gian này (II Phi-e-rơ 1:2-4). Và hãy thử nghĩ xem! Ngày nay, những ai thực hành đức tin thật cũng có được sự tự do vô giá đó.
4. Chúng ta nên thêm cho đức tin những đức tính nào?
4 Tin những lời hứa của Đức Giê-hô-va và biết ơn Đức Chúa Trời đã ban tự do cho chúng ta là những điều thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình để trở thành những tín đồ gương mẫu của đấng Christ. Phi-e-rơ nói: “Về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức-tin mình sự nhơn-đức, thêm cho nhơn-đức sự học-thức, thêm cho học-thức sự tiết-độ, thêm cho tiết-độ sự nhịn-nhục, thêm cho nhịn-nhục sự tin-kính, thêm cho tin-kính tình yêu-thương anh em, thêm cho tình yêu-thương anh em lòng yêu-mến” (II Phi-e-rơ 1:5-7). Vậy, Phi-e-rơ cho chúng ta một danh sách gồm những điều đáng ghi nhớ. Chúng ta hãy xem kỹ những đức tính này.
Các yếu tố quan trọng của đức tin
5, 6. Nhân đức là gì, và làm thế nào chúng ta có thể thêm cho đức tin sự nhân đức?
5 Phi-e-rơ nói rằng sự nhân đức, học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, tình yêu-thương anh em và lòng yêu mến phải bổ túc cho nhau và cho đức tin của chúng ta. Chúng ta phải siêng năng trau giồi những đức tính này để chúng trở thành những yếu tố quan trọng của đức tin chúng ta. Thí dụ, sự nhân đức không phải là một đức tính mà chúng ta có thể biểu lộ biệt lập với đức tin. Người soạn tự điển là W. E. Vine cho chúng ta thấy là nơi II Phi-e-rơ 1:5, “nhân đức được thêm vào như là một đức tính thiết yếu trong việc thực hành đức tin”. Mỗi đức tính khác mà Phi-e-rơ nói đến cũng phải là một yếu tố của đức tin chúng ta.
6 Trước hết, chúng ta phải thêm cho đức tin sự nhân đức. Có lòng nhân đức có nghĩa là làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời. Trong khi chữ Hy Lạp ở đây được dịch là “nhân đức” thì vài bản dịch khác dùng chữ “nhân từ” (Bản dịch New International Version; The Jerusalem Bible; Today’s English Version). Lòng nhân đức thúc đẩy chúng ta tránh làm điều xấu hoặc làm hại người khác (Thi-thiên 97:10). Lòng nhân đức cũng thúc đẩy chúng ta can đảm làm điều thiện vì lợi ích thiêng liêng, thể xác và tình cảm của người khác.
7. Tại sao chúng ta nên thêm cho đức tin và nhân đức sự học thức?
7 Tại sao Phi-e-rơ muốn chúng ta phải thêm cho đức tin và nhân đức sự học thức? Trong khi phải đối phó với những thử thách mới nhằm đánh đổ đức tin, chúng ta cần có học thức hầu có thể phân biệt được phải trái (Hê-bơ-rơ 5:14). Qua việc học hỏi Kinh-thánh và kinh nghiệm trong việc áp dụng Lời Đức Chúa Trời và thực hành sự khôn ngoan thực tế trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta mở mang tầm học thức của chúng ta. Rồi điều này có thể giúp chúng ta gìn giữ đức tin và tiếp tục làm những điều nhân đức khi chúng ta bị thử thách (Châm-ngôn 2:6-8; Gia-cơ 1:5-8).
8. Tiết độ là gì, và tiết độ liên kết với nhịn nhục ra sao?
8 Hầu để đức tin giúp chúng ta đối phó với các thử thách, chúng ta cần thêm cho học thức sự tiết độ. Từ ngữ “tiết độ” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là khả năng kiểm soát được chính mình. Bông trái này của thánh linh giúp chúng ta biểu lộ sự kiềm chế trong ý nghĩ, lời nói và hạnh kiểm. Chúng ta thêm cho tiết độ sự nhịn nhục bằng cách nhẫn nại thực hành sự tiết độ. Từ ngữ “nhịn nhục” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đứng vững một cách can đảm, chứ không phải buồn bã cam chịu những sự gian khổ không tránh né được. Chính vì sự vui mừng đã đặt trước mặt ngài nên Giê-su chịu đựng nỗi đớn đau trên cây khổ hình (Hê-bơ-rơ 12:2). Sức mạnh Đức Chúa Trời ban cho liên kết với sự nhịn nhục làm đức tin chúng ta được mạnh hơn và giúp chúng ta vui mừng trong hoạn nạn, cưỡng lại được sự cám dỗ và tránh hòa giải khi bị bắt bớ (Phi-líp 4:13).
9. a) Sự tin kính là gì? b) Tại sao chúng ta nên thêm cho sự tin kính tình yêu thương anh em? c) Làm thế nào chúng ta có thể thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến?
9 Chúng ta phải thêm cho sự nhịn nhục sự tin kính—tôn kính, thờ phượng và phụng sự Đức Giê-hô-va. Đức tin chúng ta sẽ lớn mạnh khi chúng ta thực hành sự tin kính và thấy cách Đức Giê-hô-va cư xử với dân sự của Ngài. Tuy nhiên, để biểu lộ sự tin kính, chúng ta cần tình yêu thương anh em. Xét cho cùng, “kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20). Chúng ta nên để lòng yêu thương thúc đẩy chúng ta bày tỏ tình cảm chân thật đối với những tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va và luôn luôn mưu cầu hạnh phúc cho họ (Gia-cơ 2:14-17). Nhưng tại sao Phi-e-rơ bảo chúng ta phải thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến? Hiển nhiên, ông muốn nói là chúng ta phải bày tỏ lòng yêu mến đối với toàn thể nhân loại, chứ không phải chỉ riêng anh em chúng ta. Lòng yêu mến này được bày tỏ đặc biệt bằng cách rao giảng tin mừng và giúp đỡ người khác về thiêng liêng (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).
Những hiệu quả tương phản nhau
10. a) Chúng ta sẽ hành động ra sao nếu cho thêm đức tin sự nhân đức, học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, tình yêu thương anh em và lòng yêu mến? b) Điều gì sẽ xảy ra nếu tín đồ tự cho mình theo đạo đấng Christ nhưng lại thiếu những đức tính này?
10 Nếu chúng ta thêm cho đức tin sự nhân đức, học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, tình yêu thương anh em và lòng yêu mến thì chúng ta sẽ suy nghĩ, nói năng và hành động theo các đường lối mà Đức Chúa Trời chấp nhận. Trái lại, nếu tín đồ nào tự xưng mình theo đạo đấng Christ mà không bày tỏ những đức tính này thì người đó bị mù về thiêng liêng. Người đó “nhắm mắt không muốn thấy ánh sáng” đến từ Đức Chúa Trời và quên hẳn rằng mình đã được tẩy sạch khỏi các tội vi phạm trong quá khứ (II Phi-e-rơ 1:8-10, NW; II Phi-e-rơ 2:20-22). Chúng ta chớ bao giờ quên bày tỏ những đức tính đó vì làm như vậy chúng ta sẽ mất đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời.
11. Chúng ta có thể biết những người trung thành được xức dầu sẽ làm gì?
11 Những tín đồ đấng Christ được xức dầu tin nơi các lời hứa của Đức Giê-hô-va và cố gắng hết sức mình để xứng đáng với sự kêu gọi và lựa chọn của Ngài. Dù họ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, chúng ta có thể biết rằng họ sẽ biểu lộ những đức tính mà Đức Chúa Trời mong muốn. Đối với những người trung thành được xức dầu thì họ “sẽ được cho vào cách rộng-rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus-Christ” qua việc họ được sống lại để có đời sống thần linh ở trên trời (II Phi-e-rơ 1:11).
12. Chúng ta hiểu lời được ghi nơi II Phi-e-rơ 1:12-15 như thế nào?
12 Phi-e-rơ biết không bao lâu nữa ông sẽ chết, và ông trông mong được sống lại ở trên trời. Nhưng hễ chừng nào ông còn sống trong “nhà tạm nầy”—thể xác ông—ông cố gắng xây dựng đức tin của những người cùng đạo và giúp họ tỉnh thức bằng cách nhắc họ nhớ đến những điều cần thiết để được Đức Chúa Trời ban cho ân phước. Sau khi Phi-e-rơ chết, những anh chị em thiêng liêng của ông có thể đứng vững trong đức tin bằng cách nhớ lại lời ông đã nói (II Phi-e-rơ 1:12-15).
Đức tin nơi lời tiên tri
13. Đức Chúa Trời ban cho lời chứng về sự đến của đấng Christ như thế nào khiến đức tin chúng ta được vững mạnh?
13 Lời chứng của chính Đức Chúa Trời về việc Giê-su chắc chắn sẽ lấy “đại-quyền đại-vinh” mà đến làm đức tin của chúng ta được vững mạnh (Ma-thi-ơ 24:30; II Phi-e-rơ 1:16-18). Các thầy tế lễ của tà giáo thiếu bằng chứng nên họ bịa đặt ra những câu chuyện về các thần của họ trong khi Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng được chứng kiến sự huy hoàng của đấng Christ trong sự hóa hình của ngài (Ma-thi-ơ 17:1-5). Họ nhìn thấy ngài được vinh hiển và nghe thấy tiếng của chính Đức Chúa Trời cho biết Giê-su là Con yêu quí của Ngài. Lời thừa nhận này và diện mạo sáng lòa mà đấng Christ nhận được lúc đó chứng tỏ Đức Chúa Trời ban cho ngài sự tôn quí và vinh hiển. Vì Đức Chúa Trời đã tiết lộ như thế nên Phi-e-rơ gọi nơi đó là “hòn núi thánh”, rất có thể đó là một chỗ ở trên núi Hẹt-môn. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 3:4, 5).
14. Chúng ta nên để việc Giê-su hóa hình ảnh hưởng đến đức tin chúng ta như thế nào?
14 Chúng ta nên để việc Giê-su hóa hình ảnh hưởng đến đức tin chúng ta như thế nào? Phi-e-rơ nói: “Nhơn đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên-tri chắc-chắn hơn, anh em nên chú-ý lời đó, như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em” (II Phi-e-rơ 1:19). Hiển nhiên, “lời các đấng tiên-tri” không những bao gồm lời tiên tri trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ nói về đấng Mê si mà còn cả lời của Giê-su nói rõ rằng ngài sẽ đến với “đại-quyền đại-vinh”. Sự hóa hình giúp cho lời tiên tri “chắc-chắn hơn” như thế nào? Sự kiện đó xác nhận lời tiên tri về việc Giê-su sẽ đến một cách huy hoàng trong vương quyền Nước Trời.
15. Việc chú ý đến lời tiên tri bao gồm những gì?
15 Để đức tin chúng ta được vững mạnh, chúng ta phải chú ý đến lời tiên tri. Điều này bao hàm việc học lời đó, thảo luận lời đó tại các buổi họp của tín đồ đấng Christ và áp dụng những gì lời đó khuyên (Gia-cơ 1:22-27). Chúng ta phải để lời tiên tri làm “đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm”, chiếu sáng lòng chúng ta (Ê-phê-sô 1:18). Chỉ khi làm như thế thì lời tiên tri mới hướng dẫn chúng ta cho đến khi “sao mai”, hoặc “sao mai sáng chói”, tức Giê-su Christ, hiện đến trong vinh hiển (Khải-huyền 22:16). Sự hiện đến đó có nghĩa là những người không có đức tin sẽ bị hủy diệt và những ai thực hành đức tin sẽ nhận được ân phước (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10).
16. Tại sao chúng ta có thể tin rằng tất cả các lời hứa trong Kinh-thánh sẽ được thực hiện?
16 Các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời không phải chỉ là những người tinh khôn tiên đoán khôn ngoan, vì Phi-e-rơ nói: “Chẳng có lời tiên-tri nào trong Kinh-thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh-Linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:20, 21). Thí dụ, Đa-vít nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán” (II Sa-mu-ên 23:1, 2). Và Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Vì các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời được thánh linh của Ngài soi dẫn, chúng ta có thể tin rằng tất cả các lời hứa trong Kinh-thánh sẽ được thực hiện.
Họ tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời
17. Lời hứa nào là căn bản cho đức tin của A-bên?
17 Những lời hứa của Đức Giê-hô-va là căn bản cho đức tin của nhiều nhân chứng trước thời đấng Christ và họ đông như “đám mây rất lớn” (Hê-bơ-rơ 11:1–12:1). Thí dụ, A-bên đã có đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về “dòng-dõi” sẽ giày đạp đầu con “rắn”. Có bằng chứng cho thấy lời Đức Chúa Trời phán quyết cha mẹ của A-bên đã được thi hành. Bên ngoài vườn Ê-đen, A-đam và gia đình phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn vì đất bị rủa sả nên sinh chông gai và cây tật lê có gai. Rất có thể A-bên để ý thấy Ê-va có dục vọng xu hướng về chồng và thấy A-đam cai trị bà. Chắc chắn bà nói đến sự đau đớn khi mang thai. Và các chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa canh giữ con đường vào vườn Ê-đen (Sáng-thế Ký 3:14-19, 24). Tất cả các điều này tạo thành “bằng cớ” cho A-bên vững tâm rằng sự giải cứu sẽ đến qua dòng dõi đã hứa. Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in (Hê-bơ-rơ 11:1, 4).
18, 19. Áp-ra-ham và Sa-ra thực hành đức tin bằng những cách nào?
18 Các tộc trưởng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cũng có đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va. Áp-ra-ham thực hành đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là mọi gia đình nơi thế gian sẽ nhờ ông mà được phước và dòng dõi ông sẽ được ban cho một xứ (Sáng-thế Ký 12:1-9; 15:18-21). Con ông là Y-sác và cháu là Gia-cốp đều là những người “đồng kế-tự một lời hứa với người”. Bởi đức tin, Áp-ra-ham “kiều-ngụ trong xứ đã hứa cho mình” và chờ đợi “một thành có nền vững-chắc”, tức Nước của Đức Chúa Trời ở trên trời, và dưới sự cai trị của Nước Trời ông sẽ được sống lại ở trên đất (Hê-bơ-rơ 11:8-10). Bạn có đức tin giống như thế không?
19 Khi vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra được 90 tuổi và đã quá thời kỳ sinh đẻ, bà thực hành đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời và được ban cho khả năng “thụ thai” và sinh ra Y-sác. Vì thế, từ Áp-ra-ham, người già 100 tuổi, “hầu như chết cằn rồi” trong việc sinh sản, rốt cuộc “sanh ra muôn vàn con cháu, đông như sao trên trời” (Hê-bơ-rơ 11:11, 12, NW; Sáng-thế Ký 17:15-17; 18:11; 21:1-7).
20. Mặc dù các tộc trưởng đã không thấy những lời hứa của Đức Chúa Trời được thành tựu hoàn toàn, họ đã làm gì?
20 Các tộc trưởng trung thành chưa thấy các lời Đức Chúa Trời hứa với họ được thành tựu hoàn toàn thì đã qua đời. Tuy nhiên, họ “trông thấy và chào-mừng những đều [đã hứa] đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ-hành trên đất”. Nhiều thế hệ đã trôi qua trước khi con cháu của Áp-ra-ham nhận được Đất Hứa. Tuy nhiên, suốt đời họ, các tộc trưởng kính sợ Đức Chúa Trời và đã thực hành đức tin nơi những lời Đức Giê-hô-va hứa. Vì không bao giờ mất đức tin nên chẳng bao lâu nữa họ sẽ được sống lại trên đất trong lãnh thổ của cái “thành” mà Đức Chúa Trời đã làm sẵn cho họ. Đó là Nước Trời của đấng Mê-si (Hê-bơ-rơ 11:13-16). Cũng thế, đức tin có thể giúp chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va ngay dù chúng ta không thấy các lời hứa tuyệt diệu của Ngài được thành tựu tức thì. Đức tin cũng sẽ động lòng chúng ta để vâng lời Đức Chúa Trời, giống như Áp-ra-ham đã làm. Và như ông đã truyền di sản thiêng liêng cho con cháu, chúng ta cũng có thể giúp con cái thực hành đức tin nơi những lời hứa quí báu của Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 11:17-21).
Đức tin rất quan trọng cho tín đồ đấng Christ
21. Ngày nay, để được Đức Chúa Trời chấp nhận, việc chúng ta thực hành đức tin phải bao gồm điều gì?
21 Dĩ nhiên, đức tin đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tin tưởng vào sự thực hiện lời hứa của Đức Chúa Trời. Trong suốt lịch sử của nhân loại, việc thực hành đức tin nơi Đức Chúa Trời bằng nhiều cách là điều cần thiết nếu chúng ta muốn được Ngài chấp nhận. Phao-lô chỉ cho thấy rằng “không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài [Đức Giê-hô-va]; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Ngày nay, để được Đức Giê-hô-va chấp nhận, người ta phải thực hành đức tin nơi Giê-su Christ và sự hy sinh làm giá chuộc của ngài mà Đức Chúa Trời đã ban cho. (Rô-ma 5:8; Ga-la-ti 2:15, 16). Điều này đúng như Giê-su đã nói: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian [nhân loại], đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời. Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:16, 36).
22. Nước Trời của đấng Mê-si sẽ làm lời hứa nào được thành tựu?
22 Giê-su đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện lời hứa của Đức Chúa Trời về Nước Trời mà các tín đồ đấng Christ cầu nguyện (Ê-sai 9:5, 6; Đa-ni-ên 7:13, 14; Ma-thi-ơ 6:9, 10). Như Phi-e-rơ cho thấy, sự hóa hình xác nhận lời tiên tri về việc Giê-su đến trong vinh hiển và vương quyền Nước Trời. Nước Trời của đấng Mê-si sẽ làm một lời hứa khác của Đức Chúa Trời được thành tựu, vì Phi-e-rơ viết: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:13). Một lời tiên tri tương tự cũng đã được thực hiện dưới chính phủ với Xô-rô-ba-bên làm quan trấn thủ và Giê-hô-sua làm thầy tế lễ cả khi dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn được trở về xứ mình vào năm 537 trước công nguyên (Ê-sai 65:17). Nhưng Phi-e-rơ chỉ về một thời trong tương lai khi “trời mới”, tức Nước của đấng Mê-si ở trên trời, sẽ cai trị “đất mới”, tức xã hội công bình của loài người trên trái đất (So sánh Thi-thiên 96:1).
23. Những câu hỏi nào về nhân đức sẽ được thảo luận lần tới?
23 Với tư cách là tôi tớ của Đức Giê-hô-va và môn đồ của Con yêu quí của Ngài, Giê-su Christ, chúng ta mong đợi thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa. Chúng ta biết là thế giới mới đó đã gần kề, và chúng ta tin rằng tất cả các lời hứa quí giá của Đức Giê-hô-va sẽ được thành tựu. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải làm cho đức tin vững mạnh bằng cách thêm cho đức tin mình sự nhơn-đức, học-thức, tiết-độ, nhịn-nhục, tin-kính, tình yêu-thương anh em và lòng yêu-mến.a Đến đây, chúng ta có thể hỏi: Chúng ta có thể bày tỏ sự nhân đức như thế nào? Và có lòng nhân đức đem lại lợi ích gì cho chúng ta và những người khác, đặc biệt là cho những người bạn tín đồ đấng Christ đã đáp ứng lời hứa của Đức Chúa Trời bằng cách thực hành đức tin?
[Chú thích]
a Số Tháp Canh này thảo luận về đức tin và nhân đức. Những số trong tương lai sẽ xem xét kỹ lưỡng đề tài học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, tình yêu thương anh em và lòng yêu mến.
Bạn trả lời ra sao?
◻ “Đức tin” có thể được định nghĩa như thế nào?
◻ Theo II Phi-e-rơ 1:5-7, đức tin chúng ta phải được bổ túc bởi những đức tính nào?
◻ Sự hóa hình của Giê-su ảnh hưởng gì đến đức tin chúng ta?
◻ Thời xưa A-bên, Áp-ra-ham, Sa-ra và những người khác cho chúng ta gương mẫu nào về đức tin?
[Hình nơi trang 11]
Bạn có biết sự hóa hình của Giê-su có thể ảnh hưởng đến đức tin của người ta như thế nào không?