Cây ô-li-ve xanh tươi trong nhà Đức Chúa Trời
TRONG xứ Y-sơ-ra-ên có một loại cây hầu như khó diệt được. Dù bị đốn, chẳng bao lâu những chồi non lại mọc ra từ rễ chính. Và đến mùa thu hoạch, cây ô-li-ve cho chủ vườn số lượng dầu phong phú, dùng trong việc nấu nướng, thắp đèn, vệ sinh và mỹ phẩm.
Theo một dụ ngôn xưa được ghi trong sách Các Quan Xét, “các cây-cối đều đi đặng xức dầu cho một vua cai-trị chúng nó”. Cây rừng nào được chọn trước tiên? Chẳng cây nào khác ngoài cây ô-li-ve mạnh mẽ, sai trái.—Các Quan Xét 9:8.
Hơn 3.500 năm trước, nhà tiên tri Môi-se miêu tả đất Y-sơ-ra-ên như ‘một xứ tốt tươi, xứ có cây ô-li-ve’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:7, 8) Ngay ngày nay, phong cảnh từ chân núi Hẹt-môn phía bắc đến ngoại vi Bê-e-sê-ba phía nam lấm chấm những khu rừng ô-li-ve. Chúng vẫn còn tô điểm ven miền đồng bằng duyên hải Sharon, miền đồi núi Sa-ma-ri và thung lũng màu mỡ Ga-li-lê.
Những người viết Kinh Thánh thường dùng hình ảnh cây ô-li-ve theo nghĩa tượng trưng. Những đặc điểm của loại cây này được dùng để minh họa lòng thương xót của Đức Chúa Trời, lời hứa về sự sống lại và đời sống gia đình hạnh phúc. Quan sát kỹ cây ô-li-ve sẽ giúp chúng ta hiểu những điều mà Kinh Thánh nói đến, và gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về loại cây độc đáo này, loại cây này cùng những tạo vật khác ca ngợi Đấng Tạo Hóa.—Thi-thiên 148:7, 9.
Cây ô-li-ve cứng cáp
Mới nhìn cây ô-li-ve không có vẻ gì khác thường. Nó không vươn cao ngất trời như loại tuyết tùng cao lớn của miền Lebanon. Gỗ của nó không quý như gỗ hương nam và hoa cũng không đẹp mắt như hoa cây hạnh. (Nhã-ca 1:17; A-mốt 2:9) Phần quan trọng nhất của cây ô-li-ve nằm ở nơi không thấy được—khuất dưới mặt đất. Rễ của nó tỏa rộng, có thể bén sâu xuống đến 6 mét và lan ngang xa hơn, là bí quyết khiến cây sai trái và sống dai.
Lúc hạn hán, những rễ này giúp cây ô-li-ve vẫn sống trên vùng đồi núi, trong khi những cây khác trong thung lũng phía dưới chết khô. Rễ cây giúp cho cây tiếp tục sinh ra trái ô-li-ve hàng thế kỷ, dù thân cây sần sùi trông có vẻ chỉ đáng làm củi chụm. Loại cây cứng cáp này chỉ cần chỗ để mọc, đất thoáng để thở, không có cỏ dại hoặc loại thực vật khác có thể làm nơi ẩn náu cho những sâu bọ tai hại. Nếu những đòi hỏi giản dị này được đáp ứng, một cây ô-li-ve sẽ cung cấp đến 57 lít dầu mỗi năm.
Chắc chắn nhờ dầu quý giá, cây ô-li-ve rất được người Do Thái quý chuộng. Đèn thắp bằng dầu ô-li-ve chiếu sáng nhà. (Lê-vi Ký 24:2) Dầu ô-li-ve cần thiết trong việc nấu nướng. Nó bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và cung cấp xà phòng cho người Do Thái giặt giũ. Ngũ cốc, rượu và quả ô-li-ve là nông sản chính của xứ. Vì thế thất mùa ô-li-ve là thảm họa cho một gia đình Do Thái.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:13; Ha-ba-cúc 3:17.
Tuy nhiên, thông thường dầu ô-li-ve có rất nhiều. Môi-se nói đến Đất Hứa như ‘xứ của những cây ô-li-ve’ bởi vì cây ô-li-ve là loại cây thường được trồng nhất trong vùng. H. B. Tristram, nhà vạn vật học của thế kỷ 19, miêu tả cây ô-li-ve như “loại cây đặc sản của xứ này”. Nhờ vào giá trị và sản lượng phong phú, dầu ô-li-ve ngay cả đã được sử dụng như một thứ tiền tệ quốc tế khắp miền Địa Trung Hải. Chính Chúa Giê-su có lần nói về một món nợ quy thành “một trăm thùng dầu.—Lu-ca 16:5, 6.
“Khác nào những chồi ô-li-ve”
Cây ô-li-ve hữu ích thích hợp để minh họa về những ân phước của Đức Chúa Trời. Một người nam kính sợ Đức Chúa Trời sẽ nhận được phần thưởng nào? Người viết Thi-thiên hát lên: “Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thịnh-mậu; con-cái ngươi ở chung-quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve”. (Thi-thiên 128:3) Những “chồi ô-li-ve” là gì, và tại sao người viết Thi-thiên so sánh những chồi này với con cái?
Cây ô-li-ve khác thường ở chỗ là những chồi non thường xuyên nẩy mầm từ gốc của thân cây.a Khi thân chính của cây đã già, không còn sinh trái như trước nữa, chủ vườn có thể để vài chồi non mọc ra cho đến khi chúng trở thành phần không thể thiếu được của cây. Sau một thời gian, ba hoặc bốn cây con cứng cáp mọc chung quanh cây cũ, như các con trai ngồi quanh bàn. Những chồi non này có chung rễ với cây chính, và cùng góp phần vào việc sản xuất một vụ ô-li-ve trúng mùa.
Đặc tính này của cây ô-li-ve thích hợp để minh họa việc con trai và con gái lớn lên vững vàng trong đức tin, nhờ những rễ thiêng liêng mạnh mẽ của cha mẹ. Lớn lên, con cái cũng chia sẻ công việc sinh bông trái và đỡ đần cha mẹ; nhìn thấy con cái cùng mình phụng sự Đức Giê-hô-va, những bậc cha mẹ này vui mừng—Châm-ngôn 15:20.
“Cây-cối dẫu bị đốn còn trông-cậy”
Một người cha già phụng sự Đức Giê-hô-va vui mừng về con cái tin kính của mình. Nhưng chính những người con ấy thương tiếc khi cha mình cuối cùng “đi con đường chung của cả thế-gian”. (1 Các Vua 2:2) Để giúp chúng ta đối phó với thảm họa này trong gia đình, Kinh Thánh trấn an chúng ta rằng sẽ có sự sống lại.—Giăng 5:28, 29; 11:25.
Gióp, một người cha đông con, có nhận thức sắc bén về sự ngắn ngủi của đời người. Ông ví đời người như một đóa hoa chóng tàn. (Gióp 1:2; 14:1, 2) Ông mong muốn sự chết như là cách để thoát khỏi sự đau đớn cùng cực, xem nấm mồ như chỗ ẩn náu, từ đó ông có thể được sống lại. Gióp hỏi: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!” Đoạn ông đáp lại cách tự tin: “Trọn ngày giặc-giã tôi, tôi đợi-chờ, cho đến chừng tôi được buông-thả. Chúa [Đức Giê-hô-va] sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa”.—Gióp 14:13-15.
Gióp đã minh họa sự tin chắc của mình về việc Đức Chúa Trời sẽ gọi ông ra khỏi mồ ra sao? Qua hình ảnh một cây. Theo lời miêu tả thì rất có thể cây ô-li-ve đã được ông nhắc đến. Ông nói: “Cây-cối dẫu bị đốn còn trông-cậy sẽ còn mọc lên nữa, không thôi nứt chồi”. (Gióp 14:7) Cây ô-li-ve có thể bị đốn nhưng việc ấy không triệt phá được nó. Chỉ khi bật gốc nó mới chết. Nếu rễ còn nguyên vẹn, cây sẽ lại đâm chồi với nhựa sống mới.
Ngay cả khi hạn hán lâu ngày làm khô héo cây ô-li-ve già, gốc cây quắt queo vẫn có thể sống lại. “Dẫu rễ nó già dưới đất, thân nó chết trong bụi-cát, vừa có hơi nước, nó sẽ mọc chồi, và đâm nhành như một cây tơ”. (Gióp 14:8, 9) Gióp sinh sống tại vùng đất khô khan, bụi bậm, có lẽ ông đã có dịp quan sát nhiều gốc cây ô-li-ve già trông cằn cỗi và hết nhựa sống. Tuy nhiên, khi mưa xuống, cây “chết” ấy hồi sinh và một thân mới mọc lên từ rễ trông như “một cây tơ” vậy. Khả năng phục hồi lạ lùng này khiến một nhà trồng cây người Tunisi nhận xét: “Cây ô-li-ve có thể được xem là bất tử”.
Như người nông dân mong mỏi cây ô-li-ve khô héo của mình đâm chồi trở lại, Đức Giê-hô-va cũng nóng lòng làm sống lại những tôi tớ trung thành của Ngài. Ngài mong đợi thời kỳ khi những người trung thành như Áp-ra-ham và Sa-ra, Y-sác và Rê-bê-ca và nhiều người khác nữa sẽ được sống lại. (Ma-thi-ơ 22:31, 32) Thật tuyệt làm sao khi chào đón những người đã chết và thấy họ sống cuộc đời đầy trọn và mỹ mãn thêm một lần nữa!
Cây ô-li-ve tượng trưng
Lòng thương xót của Đức Chúa Trời được biểu lộ qua tính không thiên vị của Ngài cũng như trong việc Ngài cung cấp sự sống lại. Sứ đồ Phao-lô dùng cây ô-li-ve để minh họa cách Đức Giê-hô-va mở rộng lòng thương xót cho người ta, bất kể chủng tộc hay lai lịch của họ. Trong nhiều thế kỷ, dân Do Thái tự hào là dân được chọn của Đức Chúa Trời, “dòng-dõi Áp-ra-ham”.—Giăng 8:33; Lu-ca 3:8.
Việc sinh ra làm người Do Thái tự nó không phải là điều kiện tất yếu để nhận ân phước của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tất cả môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su đều là người Do Thái, và họ có đặc ân là những người đầu tiên được Đức Chúa Trời chọn để hợp thành dòng dõi đã hứa của Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 22:18; Ga-la-ti 3:29) Phao-lô ví những môn đồ Do Thái này như những nhánh của cây ô-li-ve tượng trưng.
Phần đông người gốc Do Thái chối bỏ Chúa Giê-su, nên không đủ điều kiện làm thành viên tương lai của “bầy nhỏ” hay “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 12:32; Ga-la-ti 6:16) Vì thế theo nghĩa tượng trưng, họ như những cành ô-li-ve bị tỉa bỏ. Ai sẽ thay thế họ? Vào năm 36 CN, Dân Ngoại được chọn để trở thành dòng dõi của Áp-ra-ham. Việc này giống như Đức Giê-hô-va đã tháp nhánh ô-li-ve hoang vào cây ô-li-ve nhà. Những người hợp thành dòng dõi đã hứa của Áp-ra-ham sẽ bao gồm người thuộc các nước. Giờ đây, tín đồ Đấng Christ gốc dân ngoại “cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu [ô-li-ve] chính”.—Rô-ma 11:17, Tòa Tổng Giám Mục.
Đối với người nông dân, tháp nhánh ô-li-ve hoang vào cây ô-li-ve nhà là điều không tưởng tượng được và “trái lẽ tự nhiên”. (Rô-ma 11:24, TTGM) Tác phẩm The Land and the Book giải thích: “Tháp một cành tốt vào cây hoang, thì như người Ả-rập nói, cành tốt sẽ chế ngự cây hoang nhưng làm ngược lại là tháp cành hoang vào cây tốt thì không thể thành công”. Cũng thế, tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái đã kinh ngạc khi Đức Giê-hô-va “lần thứ nhứt,... đã đoái-thương người ngoại, đặng từ đó lấy ra một dân để dâng cho danh Ngài”. (Công-vụ 10:44-48; 15:14) Tuy nhiên, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào bất cứ dân tộc nào. Không, vì “trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:35.
Phao-lô cho biết vì “các nhánh” Do Thái bất trung của cây ô-li-ve đã bị cắt bỏ, nên bất cứ ai khác vì kiêu ngạo và bất tuân mà mất ân huệ của Đức Giê-hô-va cũng có thể chịu hậu quả tương tự. (Rô-ma 11:19, 20) Minh họa này chắc chắn cho thấy chúng ta chớ bao giờ nên xem ân điển của Đức Chúa Trời là chuyện đương nhiên.—2 Cô-rinh-tô 6:1.
Thoa dầu
Kinh Thánh dùng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi nói đến công dụng của dầu ô-li-ve. Vào thời xưa, các vết thương và vết bầm được “bôi dầu cho êm” để mau lành. (Ê-sai 1:6) Theo một minh họa của Chúa Giê-su, người lân cận Sa-ma-ri xoa dầu và rượu lên vết thương của người mà ông gặp trên đường đến thành Giê-ri-cô.—Lu-ca 10:34.
Việc xoa dầu lên đầu gây nên cảm giác tươi mát và êm dịu. (Thi-thiên 141:5) Và khi giải quyết những căn bệnh về thiêng liêng, các trưởng lão có thể ‘nhân danh [Đức Giê-hô-va] xức dầu cho thành viên của Hội-thánh’. (Gia-cơ 5:14) Lời khuyên yêu thương dựa theo Kinh Thánh và những lời cầu nguyện chân thành của các trưởng lão thay cho người cùng đức tin lâm bệnh về thiêng liêng, được ví như tính chất xoa dịu của dầu ô-li-ve. Điều đáng chú ý là trong thành ngữ Hê-bơ-rơ, đôi khi người tốt được miêu tả như “dầu ô-li-ve nguyên chất”.
“Cây ô-li-ve xanh-tươi trong nhà Đức Chúa Trời”
Khi xem xét những điểm trên, không ngạc nhiên gì khi các tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể được ví như cây ô-li-ve. Đa-vít ao ước được như “cây ô-li-ve xanh-tươi trong nhà Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 52:8) Cũng như những gia đình Do Thái thường trồng cây ô-li-ve quanh nhà, Đa-vít mong muốn được quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và sinh bông trái nhằm ca ngợi Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 52:9.
Khi còn trung thành với Đức Giê-hô-va, vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái giống như “cây ô-li-ve xanh, trái tươi-tốt đáng ưa”. (Giê-rê-mi 11:15, 16) Nhưng dân Giu-đa đã đánh mất địa vị có đặc ân khi ‘chẳng khứng nghe lời Đức Giê-hô-va, và theo các thần khác’.—Giê-rê-mi 11:10.
Để trở thành cây ô-li-ve xanh tươi trong nhà Đức Chúa Trời, chúng ta phải vâng lời Đức Giê-hô-va và sẵn lòng chấp nhận sự sửa phạt của Ngài. Đó là cách Ngài “cắt tỉa” để chúng ta có thể sinh nhiều bông trái hơn. (Hê-bơ-rơ 12:5, 6) Hơn nữa, như rễ cây ô-li-ve cần tỏa rộng hầu sống sót sau giai đoạn hạn hán, chúng ta cần củng cố rễ thiêng liêng nhằm chịu đựng những thử thách và ngược đãi.—Ma-thi-ơ 13:21; Cô-lô-se 2:6, 7.
Cây ô-li-ve tượng trưng thích hợp cho người tín đồ Đấng Christ trung thành, tuy có thể là vô danh đối với thế gian nhưng được Đức Chúa Trời thừa nhận. Một người như thế nếu có chết trong hệ thống này sẽ được sống lại trong thế giới mới sắp đến.—2 Cô-rinh-tô 6:9; 2 Phi-e-rơ 3:13.
Cây ô-li-ve hầu như bất diệt tiếp tục sinh trái năm này sang năm khác, nhắc chúng ta nhớ lời hứa của Đức Chúa Trời: “Tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm”. (Ê-sai 65:22) Lời hứa có tính cách tiên tri ấy sẽ ứng nghiệm trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.—2 Phi-e-rơ 3:13.
[Chú thích]
a Thông thường những chồi non này mỗi năm được tỉa bớt để chúng không hút mất nhựa sống của cây chính.
[Hình nơi trang 25]
Một thân cây sần sùi thời xưa, phát hiện ở Jávea, Tỉnh Alicante, Tây Ban Nha
[Hình nơi trang 26]
Những vườn ô-li-ve ở Tỉnh Granada, Tây Ban Nha
[Hình nơi trang 26]
Một cây ô-li-ve thời xưa ở bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem
[Hình nơi trang 26]
Kinh Thánh đề cập đến việc tháp nhánh lên cây ô-li-ve
[Hình nơi trang 26]
Cây ô-li-ve già cỗi này có những chồi của cành non vây quanh