Thế giới mới—Bạn sẽ có mặt ở đó không?
“Chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—TRUYỀN-ĐẠO 3:12, 13.
1. Tại sao chúng ta có thể lạc quan về tương lai?
NHIỀU người nghĩ Đức Chúa Trời Toàn Năng khắt khe và cứng rắn. Nhưng đoạn Kinh Thánh trên nói lên một sự thật tìm thấy trong Lời được soi dẫn của Ngài. Nó phù hợp với việc Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” và với việc Ngài đặt tổ tiên chúng ta trong vườn địa đàng trên đất. (1 Ti-mô-thê 1:11; Sáng-thế Ký 2:7-9) Khi tìm hiểu kỹ về tương lai mà Đức Chúa Trời hứa cho dân Ngài, chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết về những điều kiện sẽ mang lại cho chúng ta sự vui thích lâu dài.
2. Bạn trông mong những gì?
2 Trong bài trước, chúng ta đã xem xét ba trong bốn đoạn mà Kinh Thánh báo trước về “trời mới đất mới”. (Ê-sai 65:17) Một trong những lời tiên đoán đáng tin cậy đó được ghi nơi Khải-huyền 21:1. Những câu sau nói về thời kỳ Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ thay đổi hẳn tình trạng trên đất, làm cho tốt hơn. Ngài sẽ lau hết lệ đau buồn. Không ai sẽ chết vì tuổi già, bệnh tật hoặc tai nạn nữa. Than khóc, kêu ca và đau đớn sẽ biến mất. Quả là một triển vọng vui thích! Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng nó sẽ đến không, và triển vọng đó có thể có ảnh hưởng nào đến chúng ta ngay bây giờ?
Những lý do để tin tưởng
3. Tại sao chúng ta có thể tin cậy những lời hứa của Kinh Thánh về tương lai?
3 Hãy chú ý Khải-huyền 21:5 nói tiếp như thế nào. Câu này trích lời Đức Chúa Trời, Đấng ngồi trên ngai trên trời, tuyên bố: “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật”. Lời hứa đó của Đức Chúa Trời hay hơn bất cứ bản tuyên ngôn độc lập nào, hơn bất cứ tuyên ngôn nhân quyền nào ngày nay hoặc hơn bất cứ nguyện vọng nào của loài người về tương lai. Đó là một lời tuyên bố tuyệt đối đáng tin cậy phát ra từ Đấng mà Kinh Thánh nói rằng Ngài “không thể nói dối”. (Tít 1:2) Có lẽ bạn cảm thấy chúng ta nên dừng tại đây để thưởng thức viễn tượng tuyệt vời này và tin cậy nơi Đức Chúa Trời; điều này cũng dễ hiểu. Nhưng chúng ta không cần phải dừng lại. Còn có nhiều điều về tương lai mà chúng ta nên biết nữa.
4, 5. Những lời tiên tri nào chúng ta đã xem xét trong Kinh Thánh có thể làm mình tăng lòng tin tưởng về điều sắp xảy ra?
4 Hãy nhớ lại những gì bài trước đã chứng minh về trời mới đất mới mà Kinh Thánh đã hứa. Ê-sai báo trước về một hệ thống mới như thế, và lời tiên tri của ông được ứng nghiệm khi người Do Thái hồi hương và tái lập sự thờ phượng thật. (E-xơ-ra 1:1-3; 2:1, 2; 3:12, 13) Thế nhưng, có phải lời tiên tri của Ê-sai chỉ nói bấy nhiêu đó thôi? Chắc chắn không! Những gì ông báo trước sẽ được ứng nghiệm trên một bình diện rộng lớn hơn trong một tương lai còn xa. Tại sao chúng ta kết luận như vậy? Vì những gì chúng ta đã đọc nơi 2 Phi-e-rơ 3:13 và Khải-huyền 21:1-5. Các đoạn Kinh Thánh này chỉ về trời mới đất mới sẽ đem lại lợi ích cho tín đồ Đấng Christ trên toàn cầu.
5 Như đã nói trên, Kinh Thánh dùng cụm từ “trời mới đất mới” bốn lần. Chúng ta đã xem xét ba chỗ nói về cụm từ này trong bài trước, và đi đến kết luận khích lệ. Kinh Thánh báo trước rõ ràng rằng Đức Chúa Trời sẽ loại trừ sự gian ác và các nguyên nhân gây đau khổ và rồi sau đó Ngài sẽ ban phước thêm cho nhân loại trong hệ thống mới mà Ngài đã hứa.
6. Lời tiên tri thứ tư nói về “trời mới đất mới” báo trước điều gì?
6 Bây giờ chúng ta hãy xem xét nốt cụm từ “trời mới đất mới” nơi Ê-sai 66:22-24: “Đức Giê-hô-va phán: Vì như trời mới đất mới mà ta hầu dựng, sẽ cứ còn trước mặt ta thể nào, thì dòng-giống và danh-hiệu các ngươi cũng sẽ cứ còn thể ấy. Đức Giê-hô-va phán: Từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác-thịt sẽ đến thờ-lạy trước mặt ta. Khi dân-sự ra ngoài, sẽ thấy thây của những người đã bội-nghịch cùng ta; vì sâu chúng nó chẳng hề chết, lửa chúng nó chẳng hề tắt; chúng nó sẽ làm sự gớm-ghiếc cho mọi xác-thịt”.
7. Tại sao chúng ta kết luận rằng Ê-sai 66:22-24 sẽ được ứng nghiệm trong tương lai?
7 Lời tiên tri này đã áp dụng cho những người Do Thái tái lập xứ sở, nhưng còn có một ứng nghiệm khác nữa. Điều đó hẳn phải xảy ra nhiều năm sau khi lá thư thứ hai của Phi-e-rơ và sách Khải-huyền được viết ra, vì những sách này nói về “trời mới đất mới” trong tương lai. Chúng ta có thể trông chờ sự ứng nghiệm lớn và toàn diện đó trong hệ thống mới. Hãy xem những điều mà chúng ta có thể trông mong được hưởng.
8, 9. (a) Dân Đức Chúa Trời “cứ còn” theo ý nghĩa nào? (b) Lời tiên tri về việc tôi tớ Đức Giê-hô-va sẽ thờ phượng Ngài “từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia” có nghĩa gì?
8 Khải-huyền 21:4 cho biết rằng sự chết sẽ không còn nữa. Đoạn Kinh Thánh nơi Ê-sai chương 66 phù hợp với điều đó. Chúng ta có thể hiểu nơi câu 22 rằng Đức Giê-hô-va biết trời mới đất mới sẽ không phải là tạm thời, giới hạn trong một thời gian. Hơn nữa, dân sự của Ngài sẽ tồn tại mãi mãi; họ sẽ “cứ còn” trước mặt Ngài. Những điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho dân chọn lựa của Ngài cho chúng ta lý do để tin tưởng. Tín đồ thật của Đấng Christ đối phó với sự bắt bớ ác độc, thậm chí còn có những nỗ lực cuồng nhiệt nhằm diệt trừ họ. (Giăng 16:2; Công-vụ 8:1) Thế nhưng, ngay cả những kẻ thù đầy thế lực của dân Đức Chúa Trời, chẳng hạn như Hoàng Đế La Mã Nero và Adolf Hitler, cũng không thể trừ tiệt những người trung thành của Đức Chúa Trời, là những người mang danh Ngài. Đức Giê-hô-va đã bảo tồn hội thánh của dân Ngài, và chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ tiếp tục cho họ còn mãi.
9 Cũng thế, những người trung thành với Đức Chúa Trời hợp thành một phần của đất mới, tức xã hội gồm những người thờ phượng thật trong thế giới mới; mỗi cá nhân sẽ tiếp tục còn mãi vì họ sẽ dâng sự thờ phượng thanh sạch cho Đấng Tạo Hóa của muôn vật. Sự thờ phượng của họ không thất thường hay là nhất thời. Luật Pháp Đức Chúa Trời, được ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua trung gian Môi-se, đòi hỏi mỗi tháng họ phải làm một số việc trong sự thờ phượng, như vào lúc có tuần trăng mới, và mỗi tuần vào ngày Sa-bát. (Lê-vi Ký 24:5-9; Dân-số Ký 10:10; 28:9, 10; 2 Sử-ký 2:4) Vậy, Ê-sai 66:23 báo trước là sẽ có sự thờ phượng đều đặn và liên tục dành cho Đức Chúa Trời, hết tuần này sang tuần khác và hết tháng nọ sang tháng kia. Chủ nghĩa vô thần và sự giả hình của tôn giáo vào lúc đó sẽ không còn nữa. Bấy giờ “mọi xác-thịt sẽ đến thờ-lạy trước mặt” Đức Giê-hô-va.
10. Tại sao bạn có thể tin tưởng rằng thế giới mới sẽ không bị kẻ ác làm hỏng vĩnh viễn?
10 Ê-sai 66:24 cam đoan với chúng ta rằng nền hòa bình và sự công bình của đất mới sẽ không bao giờ bị đe dọa. Những kẻ ác sẽ không hủy phá được nó. Hãy nhớ lại 2 Phi-e-rơ 3:7 nói rằng “ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác” sắp đến. Những kẻ bị hủy diệt là kẻ ác. Những người vô tội sẽ không bị hại, khác với điều rất thường xảy ra trong các cuộc chiến của con người, trong đó, số thường dân bị thương vong cao hơn số binh sĩ. Nhưng Đấng Phán Xét Vĩ Đại bảo đảm với chúng ta rằng ngày của Ngài sẽ là một sự hủy diệt kẻ ác.
11. Ê-sai cho biết gì về tương lai của bất cứ người nào chống lại Đức Chúa Trời và sự thờ phượng Ngài?
11 Những người công bình được sống sót sẽ thấy lời tiên tri của Đức Chúa Trời là chân thật. Câu 24 báo trước rằng “thây của những người đã bội-nghịch cùng” Đức Giê-hô-va sẽ là bằng chứng về sự phán xét của Ngài. Dù ngôn ngữ sinh động mà Ê-sai dùng có thể làm người đọc kinh ngạc, nhưng nó phù hợp với một sự kiện lịch sử. Bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem xưa là nơi đổ rác, và thỉnh thoảng người ta ném thây của các tử tội xuống đó vì họ bị xét là không đáng được chôn cất đàng hoàng.a Ở đó sâu bọ và lửa bỏng chẳng bao lâu trừ khử cả rác rến lẫn xác chết. Hiển nhiên là Ê-sai mượn hình ảnh này để minh họa tính chất dứt khoát của việc Đức Giê-hô-va phán xét những kẻ cố tình phạm tội.
Những điều Ngài đã hứa
12. Ê-sai cho biết thêm điều gì về đời sống trong thế giới mới?
12 Khải-huyền 21:4 cho chúng ta biết về một số điều sẽ không còn nữa trong hệ thống mới sắp đến. Tuy nhiên, điều gì sẽ hiện hữu khi ấy? Đời sống sẽ ra sao? Chúng ta có thể tìm được manh mối nào đáng tin cậy để biết không? Có chứ. Ê-sai chương 65 miêu tả một cách tiên tri về những tình trạng mà chúng ta sẽ được hưởng nếu được Đức Giê-hô-va chấp nhận cho chúng ta sống khi cuối cùng Ngài tạo ra trời mới và đất mới này trong tương lai. Những người được ban phước có một nơi ở vĩnh viễn trên đất mới, họ sẽ không già đi để rồi phải chết. Ê-sai 65:20 cam đoan với chúng ta: “Tại đó sẽ không có trẻ con chết non, cũng chẳng có ông già nào chẳng trọn đời mình; vì chết lúc trăm tuổi, còn là chết trẻ, và kẻ có tội lúc trăm tuổi, ấy là bị rủa-sả”.
13. Ê-sai 65:20 cam đoan rằng dân Đức Chúa Trời sẽ hưởng sự an toàn như thế nào?
13 Khi lời tiên tri này được ứng nghiệm lần đầu tiên cho dân của Ê-sai thì điều này có nghĩa là trẻ con trong xứ họ được an toàn. Không có kẻ thù nào đến, như quân Ba-by-lôn có lần đã đến, mang trẻ con đi hoặc sát hại những người nam ở độ tuổi sung sức nhất. (2 Sử-ký 36:17, 20) Trong hệ thống mới sắp đến, người ta sẽ được an toàn và có thể vui hưởng sự sống. Nếu một người cố ý phản nghịch, chống lại Đức Chúa Trời, thì sẽ không được phép tiếp tục sống nữa. Đức Chúa Trời sẽ loại trừ hắn. Còn nếu một người cố ý phạm tội khi được một trăm tuổi thì sao? Kẻ đó sẽ chết “trẻ”so với đời sống vô tận.—1 Ti-mô-thê 1:19, 20; 2 Ti-mô-thê 2:16-19.
14, 15. Dựa vào Ê-sai 65:21, 22, bạn có thể trông mong đến những hoạt động thích thú nào?
14 Thay vì chú tâm đến việc một người cố ý phạm tội sẽ bị loại trừ như thế nào, Ê-sai miêu tả tình trạng sống ở khắp mọi nơi trong thế giới mới. Hãy tưởng tượng mình ở trong cảnh đó. Có lẽ những điều trước tiên mà bạn hình dung là những điều mình hằng mơ ước. Ê-sai nói đến điều này nơi câu 21 và 22: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn; vì tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm”.
15 Nếu bạn chưa kinh nghiệm gì về nghề xây dựng hoặc chưa bao giờ làm vườn, lời tiên tri của Ê-sai ngụ ý rằng bạn sẽ được học nghề. Nhưng bạn sẽ sẵn sàng để những người lành nghề giúp dạy bạn, có lẽ để ngay cả những người láng giềng tử tế vui lòng phụ giúp bạn không? Ê-sai không nói nhà bạn sẽ có cửa sổ mở toang, để có thể thưởng thức cơn gió hiu hiu miền nhiệt đới, hoặc có kính chắn để bạn có thể nhìn ngắm mùa màng thay đổi. Bạn sẽ thiết kế nhà mình với mái nghiêng để nước mưa và tuyết chảy xuống không? Hay là vì khí hậu địa phương nên bạn sẽ làm mái bằng—giống như mái nhà ở vùng Trung Đông—nơi bạn có thể cùng gia đình tụ họp trên sân thượng để vừa dùng bữa vừa nói chuyện thỏa thích?—Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8; Nê-hê-mi 8:16.
16. Tại sao bạn có thể mong rằng thế giới mới sẽ thỏa mãn chúng ta vĩnh viễn?
16 Thay vì biết những chi tiết ấy, thì điều quan trọng hơn là biết rằng bạn sẽ có nhà riêng. Đó sẽ là nhà của bạn—chứ không giống như ngày nay, bạn có lẽ làm quần quật để xây nhà, nhưng rồi người khác hưởng. Ê-sai 65:21 cũng nói rằng bạn sẽ trồng cây và ăn quả. Rõ ràng, điều đó tóm lược tình hình tổng quát. Bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn sâu xa về các nỗ lực của mình, hưởng công tay mình làm ra. Bạn sẽ được như vậy trọn đời sống trường thọ—giống “như tuổi cây”. Điều đó chắc hẳn phù hợp với lời miêu tả—‘muôn vật đều mới’!—Thi-thiên 92:12-14.
17. Cha mẹ sẽ thấy lời hứa nào đặc biệt khích lệ?
17 Nếu bạn là bậc cha mẹ, những lời này sẽ động đến lòng bạn: “Họ sẽ không nhọc mình vô-ích nữa, không đẻ con ra để gặp sự họa, vì họ là dòng-dõi của kẻ được ban phước bởi Đức Giê-hô-va, con cháu họ cùng với họ nữa. Ta sẽ nhậm lời họ trước khi kêu-cầu ta; họ còn nói, ta đã nghe rồi”. (Ê-sai 65:23, 24) Bạn có trải qua nỗi đau buồn của việc ‘đẻ con ra để gặp sự họa’ không? Chúng ta không cần phải liệt kê hàng loạt vấn đề của con cái mà đã làm các bậc cha mẹ và những người khác phải khổ tâm. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều đã thấy những bậc cha mẹ quá bận tâm đến nghề nghiệp, sinh hoạt hay thú vui riêng đến độ chỉ có chút thì giờ dành cho con cái. Trái lại, Đức Giê-hô-va cam đoan với chúng ta rằng Ngài sẽ nghe và đáp ứng các nhu cầu của chúng ta, thậm chí biết trước những điều chúng ta cần.
18. Tại sao bạn có thể mong được vui thích với loài vật trong thế giới mới?
18 Trong khi nghĩ đến những gì mình có thể hưởng được trong thế giới mới, bạn hãy hình dung cảnh tượng miêu tả trong lời tiên tri của Đức Chúa Trời: “Muông-sói với chiên con sẽ ăn chung, sư-tử ăn rơm như bò, rắn ăn bụi-đất. Sẽ chẳng có ai làm tổn-hại, hay là hủy-phá trong khắp núi thánh ta, Đức Giê-hô-va đã phán vậy”. (Ê-sai 65:25) Các họa sĩ đã thử vẽ cảnh này, nhưng những gì chúng ta vừa đọc không phải chỉ là một hình ảnh phát sinh từ trí tưởng tượng phong phú. Cảnh này sẽ là thật. Loài người sẽ hòa thuận với nhau và cũng hòa thuận với thú vật nữa. Nhiều nhà sinh vật học và những người yêu thích loài vật dành ra những năm tháng tốt nhất của đời họ để nghiên cứu về một ít loại động vật, hoặc chỉ một loài hay một nòi. Ngược lại, hãy nghĩ đến những gì bạn có thể học được khi loài vật không còn sợ hãi loài người nữa. Chừng ấy bạn sẽ có thể đến gần ngay cả những chim chóc và các con vật bé tí ti chuyên sống trong rừng già—thật vậy, bạn có thể quan sát, học hỏi và vui thích nơi chúng. (Gióp 12:7-9) Bạn sẽ có thể làm như thế một cách an toàn, không bị người hay thú đe dọa. Đức Giê-hô-va nói: “Sẽ chẳng có ai làm tổn-hại, hay là hủy-phá trong khắp núi thánh ta”. Thật là một sự thay đổi lớn khác hẳn với những gì chúng ta chứng kiến và trải qua ngày nay!
19, 20. Tại sao dân của Đức Chúa Trời khác hẳn với nhiều người ngày nay?
19 Như đã nói ở trên, loài người không thể nói trước được tương lai một cách chính xác, dù họ lo lắng nhiều về một thiên kỷ mới. Điều đó khiến nhiều người bực bội, hoang mang hoặc tuyệt vọng. Peter Emberley, trưởng khoa một trường đại học Canada, đã viết: “Nhiều người [lớn] cuối cùng cũng đương đầu với những vấn đề sơ đẳng về sự hiện hữu. Tôi là ai? Tôi thật sự đang cố gắng để đạt được điều gì? Tôi để lại di sản gì cho thế hệ mai sau? Ở tuổi trung niên, họ đang chật vật phấn đấu hầu đạt được trật tự và ý nghĩa trong đời sống”.
20 Bạn có thể hiểu tại sao nhiều người ở trong tình trạng đó. Họ có lẽ tìm cách hưởng thụ đời sống qua những thú tiêu khiển hoặc những trò giải trí hứng thú. Thế nhưng họ không biết tương lai sẽ ra sao, nên đời sống có thể vô trật tự và thiếu ý nghĩa thật sự. Bây giờ hãy đối chiếu điều đó với quan điểm về đời sống của bạn, theo những gì chúng ta đã xem xét. Bạn biết rằng trong trời mới và đất mới mà Đức Giê-hô-va đã hứa, chúng ta sẽ có thể nhìn cảnh vật chung quanh và nói tận đáy lòng rằng: ‘Quả thật Đức Chúa Trời đã làm mới lại hết thảy muôn vật!’ Chúng ta sẽ thích thú biết bao!
21. Chúng ta thấy Ê-sai 65:25 và Ê-sai 11:9 có điểm nào chung?
21 Không có gì là tự phụ khi chúng ta tự hình dung mình sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Ngài kêu gọi, ngay cả thúc giục, chúng ta thờ phượng Ngài bằng lẽ thật ngay bây giờ, hầu hội đủ điều kiện để sống khi ‘sẽ chẳng có ai làm tổn-hại, hay là hủy-phá trong khắp núi thánh của Ngài’. (Ê-sai 65:25) Nhưng bạn có biết là Ê-sai đã dùng những lời tương tự trước đó và ông còn nói đến một yếu tố tối quan trọng để chúng ta thật sự vui thích thế giới mới không? Ê-sai 11:9 nói: “Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.
22. Việc xem xét bốn lời tiên tri của Kinh Thánh phải củng cố chúng ta làm điều gì?
22 “Sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va”. Khi Đức Chúa Trời làm mới lại hết thảy muôn vật, dân cư trên đất sẽ có sự hiểu biết chính xác về Ngài và ý muốn của Ngài. Điều đó bao hàm nhiều hơn là chỉ học hỏi về loài vật. Cần có Lời được soi dẫn của Ngài. Thí dụ, hãy ngẫm nghĩ việc chúng ta hiểu được nhiều biết bao khi xem xét chỉ bốn lời tiên tri đề cập đến “trời mới đất mới”. (Ê-sai 65:17; 66:22; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1) Bạn có lý do tốt để đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Đó có phải là thói quen hàng ngày của bạn không? Nếu không, bạn có thể điều chỉnh những gì để mỗi ngày đọc một phần Lời của Đức Chúa Trời? Bạn sẽ thấy rằng ngoài việc trông mong hưởng được thế giới mới, bạn sẽ có thêm sự vui thích ngay bây giờ, như người viết Thi-thiên đã có.—Thi-thiên 1:1, 2.
[Chú thích]
a Xin xem Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 906, do Hội Tháp Canh xuất bản.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao chúng ta kết luận Ê-sai 66:22-24 tiên tri về những điều còn trong tương lai?
• Trong những lời tiên tri ghi nơi Ê-sai 66:22-24 và Ê-sai 65:20-25, bạn đặc biệt trông mong đến điều gì?
• Bạn có những lý do nào để tin tưởng về tương lai của bạn?
[Các hình nơi trang 15]
Ê-sai, Phi-e-rơ và Giăng tiên tri những khía cạnh về “trời mới đất mới”