Chương Hai Mươi Bảy
Đức Giê-hô-va ban phước cho sự thờ phượng thanh sạch
1. Chương cuối cùng sách Ê-sai nhấn mạnh những chủ đề nào, và giải đáp những câu hỏi nào?
CHƯƠNG cuối cùng của sách tiên tri Ê-sai làm sáng tỏ một số chủ đề chính của sách và đồng thời cũng giải đáp một số câu hỏi quan trọng. Sự cao cả của Đức Giê-hô-va, việc Ngài ghét sự giả hình, việc Ngài nhất quyết phạt kẻ ác, và tình yêu thương cũng như sự quan tâm Ngài dành cho những người trung thành, là một số những chủ đề đã được nhấn mạnh. Ngoài ra, trong chương này, những câu hỏi sau đây được giải đáp: Làm thế nào phân biệt sự thờ phượng thật với thờ phượng giả? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ trừng phạt những kẻ giả hình áp bức dân Ngài nhưng lại làm ra vẻ thánh thiện? Và Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những người trung thành như thế nào?
Chìa khóa dẫn đến sự thờ phượng thanh sạch
2. Đức Giê-hô-va tuyên bố gì về sự vĩ đại của Ngài, tuy nhiên lời tuyên bố này không hàm ý gì?
2 Trước tiên, lời tiên tri nhấn mạnh sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ-chân ta. Các ngươi sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ-ngơi cho ta?” (Ê-sai 66:1) Một số người cho rằng nhà tiên tri có ý ngăn cản người Do Thái xây lại đền thờ cho Đức Giê-hô-va khi trở về quê hương. Không phải thế; chính Đức Giê-hô-va sẽ ra lệnh tái thiết đền thờ. (E-xơ-ra 1:1-6; Ê-sai 60:13; A-ghê 1:7, 8) Vậy câu Kinh Thánh này có nghĩa gì?
3. Tại sao rất thích hợp khi mô tả trái đất là “bệ-chân” của Đức Giê-hô-va?
3 Trước nhất, chúng ta có thể xem xét tại sao trái đất được tả là “bệ-chân” của Đức Giê-hô-va. Đây không phải là một từ ngữ nhằm hạ thấp giá trị. Giữa hàng tỷ tinh tú trong vũ trụ, chỉ trái đất được ban cho danh hiệu đặc biệt này. Hành tinh của chúng ta sẽ độc đáo mãi mãi, vì chính tại đây, Con độc sanh của Đức Giê-hô-va đã trả giá chuộc, và cũng tại đây, Đức Giê-hô-va sẽ biện minh cho quyền thống trị của Ngài qua Nước của Đấng Mê-si. Thật thích hợp thay khi trái đất được gọi là “bệ-chân” của Đức Giê-hô-va! Bệ được dùng cho vua bước lên ngai oai nghiêm, và sau đó thành chỗ đặt chân cho vua.
4. (a) Tại sao không một tòa nhà nào trên đất có thể làm nơi ở cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời? (b) Nhóm từ “mọi vật này” nghĩa là gì, và chúng ta phải kết luận gì về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va?
4 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không ngự trên trái đất này, cũng như không vị vua nào ngự trên bệ chân của mình. Ngay cả các tầng trời bao la cũng không thể chứa nổi Ngài, huống chi các tòa nhà trên đất. (1 Các Vua 8:27) Ngai và nơi ngự của Đức Giê-hô-va ở lãnh vực thần linh, theo nghĩa của chữ “trời” dùng nơi Ê-sai 66:1. Câu kế tiếp nhấn mạnh điểm này: “Đức Giê-hô-va phán: Mọi [vật] nầy đều bởi tay ta làm ra, và có như vậy”. (Ê-sai 66:2a) Hãy tưởng tượng Đức Giê-hô-va dang tay chỉ vào “mọi vật này”, tức mọi vật trên trời cũng như dưới đất. (Ê-sai 40:26; Khải-huyền 10:6) Là Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của toàn vũ trụ, Ngài đáng được rất nhiều, chứ không chỉ một tòa nhà dâng hiến cho Ngài. Ngài đáng được thờ phượng thật sự.
5. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình “có lòng ăn-năn đau-đớn”?
5 Loại thờ phượng nào thích đáng cho Đấng Thống Trị Hoàn Vũ? Chính Ngài cho chúng ta biết: “Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo-khó có lòng ăn-năn đau-đớn, nghe lời nói ta mà run”. (Ê-sai 66:2b) Đúng vậy, trong sự thờ phượng thanh sạch, người thờ phượng cần có thái độ đúng đắn trong lòng. (Khải-huyền 4:11) Người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải “có lòng ăn-năn đau-đớn”. Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta hạnh phúc? Không, Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, và Ngài muốn những người thờ phượng Ngài cũng hạnh phúc. (1 Ti-mô-thê 1:11; Phi-líp 4:4) Tuy nhiên, tất cả chúng ta thường phạm tội, và chúng ta không được coi nhẹ tội lỗi. Chúng ta phải “đau-đớn” về tội lỗi đã phạm, phải buồn rầu vì đã làm trái với tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 51:17) Chúng ta cần cho thấy mình “có lòng ăn-năn” qua việc hối hận, cưỡng lại khuynh hướng phạm tội và cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ.—Lu-ca 11:4; 1 Giăng 1:8-10.
6. Những người thờ phượng thật phải ‘run khi nghe lời của Đức Chúa Trời’ theo nghĩa nào?
6 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va đoái tới người ‘nghe lời Ngài mà run’. Phải chăng điều này có nghĩa là Ngài muốn chúng ta run rẩy vì sợ hãi mỗi khi đọc lời Ngài phán? Không, đúng ra Ngài muốn chúng ta xem xét lời Ngài với lòng kính sợ. Chúng ta thành thật tìm kiếm lời khuyên dạy của Ngài, và dùng để hướng dẫn mọi việc trong đời sống. (Thi-thiên 119:105) Chúng ta cũng có thể “run” theo nghĩa sợ ngay cả ý tưởng không vâng lời Đức Chúa Trời, hoặc coi thường hay làm nhơ lẽ thật bằng các truyền thống của loài người. Một thái độ khiêm nhường như thế cần thiết cho sự thờ phượng thanh sạch—nhưng, đáng buồn thay, thái độ này thật hiếm hoi trong thế giới ngày nay.
Đức Giê-hô-va ghét sự thờ phượng giả hình
7, 8. Đức Giê-hô-va xem sự thờ phượng bề ngoài của những người giả hình như thế nào?
7 Khi ngẫm nghĩ về những người cùng thời, Ê-sai biết rõ là ít người có được tính tình như Đức Giê-hô-va muốn thấy nơi người thờ phượng Ngài. Vì lý do này, Giê-ru-sa-lem bội đạo đáng lãnh sự trừng phạt đích đáng. Hãy xem quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng đang thực hành ở Giê-ru-sa-lem: “Làm thịt một con bò, cũng như giết một người; tế bằng một con chiên con, cũng như bẻ cổ một con chó; dâng của-lễ chay, cũng như chọc huyết heo; đốt hương cũng như ngợi-khen thần-tượng. Vì những kẻ ấy đã chọn đường mình, lòng ưa-thích những việc gớm-ghiếc”.—Ê-sai 66:3.
8 Những lời này nhắc chúng ta nhớ đến lời Đức Giê-hô-va ghi nơi chương đầu sách Ê-sai. Trong chương đó, Đức Giê-hô-va nói với dân ương ngạnh của Ngài là sự thờ phượng bề ngoài của họ chẳng những không làm Ngài hài lòng mà còn trêu thêm cơn thịnh nộ chính đáng của Ngài vì sự giả hình của họ. (Ê-sai 1:11-17) Giờ đây, Đức Giê-hô-va lại ví của-lễ của họ với tội ác ghê tởm. Ngài coi việc họ dâng tế một con bò đắt tiền cũng giống như việc họ giết một người vậy! Các của-lễ khác được ví như việc dâng một con chó hay con heo là những thú vật không tinh sạch dưới Luật Pháp Môi-se nên chắc chắn không xứng để làm của-lễ. (Lê-vi Ký 11:7, 27) Đức Giê-hô-va có bỏ qua mà không phạt sự giả hình như thế không?
9. Phần lớn dân Do Thái đáp ứng thế nào đối với những lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va qua Ê-sai, và họ không thể tránh khỏi hậu quả nào?
9 Giờ đây Đức Giê-hô-va phán: “Ta cũng kén-chọn những sự phỉnh-dỗ, lấy những điều họ sợ mà giáng cho. Vì ta đã gọi mà chẳng ai thưa, ta đã phán mà họ không nghe, lại làm điều ác trước mắt ta, chọn điều ta không vừa ý”. (Ê-sai 66:4) Hiển nhiên Ê-sai có thể nói những lời này với lòng tin quyết. Trong nhiều năm, ông là công cụ của Đức Giê-hô-va để “gọi” và “phán” với dân sự Ngài. Nhà tiên tri cũng biết rất rõ là nói chung, không ai lắng nghe. Vì tiếp tục làm điều ác nên họ không thể tránh khỏi hình phạt. Đức Giê-hô-va hẳn sẽ trừng phạt và giáng họa kinh hoàng xuống dân bội đạo.
10. Cách Đức Giê-hô-va xử sự với dân Giu-đa cho chúng ta biết gì về quan điểm của Ngài đối với khối đạo tự xưng theo Đấng Christ?
10 Cũng vậy, khối đạo tự xưng theo Đấng Christ thời nay đã thực hành những điều mà Đức Giê-hô-va không ưa thích. Hình tượng nhan nhản trong các nhà thờ, triết lý và truyền thống trái với Kinh Thánh được đề cao nơi bục giảng, và sự theo đuổi quyền lực chính trị đã khiến họ lún sâu vào sự ngoại tình về thiêng liêng với các nước thế gian. (Mác 7:13; Khải-huyền 18:4, 5, 9) Như trường hợp Giê-ru-sa-lem cổ xưa, sự trừng phạt đích đáng—tức điều đáng “sợ”—sắp ập xuống khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Chính cách họ đối xử với dân Đức Chúa Trời là một trong những lý do khiến họ chắc chắn phải bị trừng phạt.
11. (a) Điều gì làm cho tội của những kẻ bội đạo thời Ê-sai càng nặng thêm? (b) Những người đương thời với Ê-sai bỏ những người trung thành ‘vì cớ danh Đức Chúa Trời’ theo nghĩa nào?
11 Ê-sai viết tiếp: “Hỡi các ngươi là kẻ nghe lời phán Đức Giê-hô-va mà run, hãy nghe lời Ngài: Anh em các ngươi ghét các ngươi, vì cớ danh ta bỏ các ngươi, từng nói rằng: Xin Đức Giê-hô-va được vinh-hiển, đặng chúng ta thấy sự vui-mừng các ngươi; nhưng chính họ sẽ bị hổ-thẹn”. (Ê-sai 66:5) “Anh em” của Ê-sai, tức những người đồng hương, nhận trách nhiệm đại diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời và phục tùng quyền thống trị của Ngài. Họ quả đã phạm tội nặng vì không làm tròn trách nhiệm ấy. Họ lại ghét những người trung thành và khiêm nhường như Ê-sai, nên tội lỗi họ nặng thêm. Những kẻ bội đạo này ghét và bỏ những người trung thành vì những người này đại diện chân thực cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Những người trung thành bị bỏ ‘vì cớ danh Đức Chúa Trời’ theo nghĩa đó. Đồng thời, những tôi tớ giả này tự nhận đại diện Đức Giê-hô-va, dùng những lời bóng bẩy nghe rất sùng đạo như “Xin Đức Giê-hô-va được vinh hiển!”a
12. Hãy nêu một số thí dụ về những kẻ giả hình bắt bớ tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va.
12 Việc tôn giáo giả thù ghét người thực hành sự thờ phượng thanh sạch không có gì mới mẻ. Đó chỉ là một sự ứng nghiệm khác của lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15, báo trước sự thù nghịch lâu đời giữa dòng dõi của Sa-tan và Dòng Dõi người nữ của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã cho các môn đồ xức dầu của ngài vào thế kỷ thứ nhất biết là họ sẽ bị người đồng hương làm khổ bằng cách trục xuất họ khỏi nhà hội và bắt bớ, ngay cả giết họ. (Giăng 16:2) Còn thời nay thì sao? Khi “ngày sau-rốt” bắt đầu, dân Đức Chúa Trời cũng gặp sự bắt bớ tương tự. (2 Ti-mô-thê 3:1) Hồi năm 1914, tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) đã trích dẫn Ê-sai 66:5 và ghi nhận: “Hầu như mọi bắt bớ mà dân Đức Chúa Trời phải chịu đều đến từ những kẻ tự nhận là tín đồ Đấng Christ”. Bài báo ấy cũng nói: “Chúng ta không biết họ có thể đi đến chỗ cực đoan trong thời chúng ta hay không bằng cách cô lập hóa chúng ta, giải tán tổ chức, hay có lẽ giết chúng ta nữa”. Những lời này thật đúng làm sao! Chẳng bao lâu sau khi bài báo được ấn hành, sự bắt bớ do hàng giáo phẩm chủ mưu lên đến mức cực kỳ dữ dội trong Thế Chiến I. Nhưng khối đạo tự xưng theo Đấng Christ bị xấu hổ, y như đã báo trước. Như thế nào?
Sự khôi phục mau chóng bất ngờ
13. Trong lần ứng nghiệm đầu tiên, “tiếng om-sòm nổi lên từ trong thành” là gì?
13 Ê-sai tiên tri: “Có tiếng om-sòm nổi lên từ trong thành; có tiếng la-lối vang ra từ đền-thờ; là tiếng của Đức Giê-hô-va, Ngài báo-trả cho kẻ thù-nghịch mình”. (Ê-sai 66:6) Trong lần ứng nghiệm đầu tiên của lời tiên tri này, “thành” là Giê-ru-sa-lem, nơi đền thờ Đức Giê-hô-va tọa lạc. “Tiếng om-sòm” ám chỉ tiếng náo loạn của chiến tranh mà người trong thành nghe thấy khi đạo quân xâm lăng Ba-by-lôn tấn công thành vào năm 607 TCN. Thế nhưng, sự ứng nghiệm thời nay thì sao?
14. (a) Ma-la-chi đã tiên tri gì về việc Đức Giê-hô-va đến đền thờ Ngài? (b) Theo lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, điều gì xảy ra khi Đức Giê-hô-va đến đền thờ Ngài? (c) Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã thanh tra đền thờ thiêng liêng khi nào, và điều này ảnh hưởng thế nào đến những kẻ tự nhận đại diện cho sự thờ phượng thanh sạch?
14 Những lời này trong sách Ê-sai hòa hợp với hai lời tiên tri khác ghi nơi Ê-xê-chi-ên 43:4, 6-9 và Ma-la-chi 3:1-5. Cả Ê-xê-chi-ên lẫn Ma-la-chi đều báo trước thời kỳ Giê-hô-va Đức Chúa Trời đến đền thờ Ngài. Lời tiên tri của Ma-la-chi cho thấy Đức Giê-hô-va đến thanh tra nhà thờ phượng thanh sạch của Ngài và hành động như một Thợ Luyện, loại ra những kẻ ngụy xưng đại diện Ngài. Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên mô tả Đức Giê-hô-va vào đền thờ, ra lệnh loại bỏ mọi dấu vết của sự vô luân và thờ hình tượng.b Trong sự ứng nghiệm thời nay của những lời tiên tri này, có một diễn biến thiêng liêng quan trọng vào năm 1918 liên quan đến sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã thanh tra tất cả những ai tự nhận đại diện sự thờ phượng thanh sạch. Cuộc thanh tra ấy đưa đến việc loại bỏ hẳn khối đạo đồi bại, tự xưng theo Đấng Christ. Đối với các tín đồ xức dầu của Đấng Christ, đây là giai đoạn luyện lọc ngắn, sau đó là sự khôi phục mau chóng về thiêng liêng vào năm 1919.—1 Phi-e-rơ 4:17.
15. Sự sinh nở nào được báo trước, và đã ứng nghiệm như thế nào vào năm 537 TCN?
15 Sự khôi phục này được mô tả một cách thích hợp trong những câu kế tiếp của sách Ê-sai: “Nó chưa ở cữ, đã sanh-nở; chưa chịu đau-đớn, đã đẻ một trai. Ai đã hề nghe một sự thể nầy? Ai đã hề thấy sự gì giống như vậy? Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân-tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái”. (Ê-sai 66:7, 8) Những lời này đầu tiên được ứng nghiệm một cách hào hứng vào dân Do Thái phu tù ở Ba-by-lôn. Si-ôn, hay Giê-ru-sa-lem, một lần nữa được mô tả là một người nữ sinh con, nhưng sự sinh đẻ này thật khác thường! Sự sinh nở này đã diễn ra mau chóng và bất ngờ đến độ những cơn đau chuyển dạ chưa kịp bắt đầu! Đây là một hình ảnh thích hợp. Việc dân Đức Chúa Trời ra đời một lần nữa vào năm 537 TCN, với tư cách một dân riêng biệt, đã diễn ra mau chóng và bất ngờ đến độ dường như là phép lạ vậy. Chỉ trong vòng vài tháng những người trung thành còn sót lại của dân Do Thái phu tù được Si-ru giải thoát đã về đến quê hương! Thật tương phản làm sao khi so với những biến cố dẫn đến sự ra đời lần đầu của nước Y-sơ-ra-ên! Năm 537 TCN, họ được tự do mà không cần phải nài xin vị vua chống đối, cũng không cần phải trốn chạy trước đạo quân thù nghịch, hay phải lưu lạc 40 năm trong đồng vắng.
16. Trong lần ứng nghiệm thời nay của Ê-sai 66:7, 8, Si-ôn tượng trưng cho ai, và con cái nàng đã được tái sinh như thế nào?
16 Trong sự ứng nghiệm thời nay, Si-ôn tượng trưng cho “người nữ” trên trời của Đức Giê-hô-va, tức tổ chức gồm các tạo vật thần linh trên trời của Ngài. Năm 1919, “người nữ” này mừng rỡ thấy các con được xức dầu trên đất ra đời với tư cách một dân có tổ chức, tức “một nước”. Sự tái sinh này thật mau chóng và bất ngờ.c Chỉ trong mấy tháng thôi, nhóm người xức dầu đã từ tình trạng không hoạt động như chết trở lại tình trạng hăng hái, tích cực trong “xứ”, tức lãnh vực hoạt động thiêng liêng Đức Chúa Trời ban cho họ. (Khải-huyền 11:8-12) Vào mùa thu năm 1919, họ lại còn thông báo xuất bản tạp chí mới bổ túc cho tờ The Watchtower (Tháp Canh). Tạp chí mới The Golden Age (Thời Đại Hoàng Kim, nay là Tỉnh Thức!) này là bằng chứng cho thấy dân Đức Chúa Trời đã được hồi sinh và được tổ chức trở lại để phụng sự.
17. Đức Giê-hô-va bảo đảm như thế nào với dân Ngài là không gì có thể ngăn cản Ngài thực hiện ý định về dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng?
17 Không sức mạnh nào trong vũ trụ có thể ngăn được sự tái sinh về thiêng liêng này, đúng như được diễn tả sống động trong câu kế tiếp: “Đức Giê-hô-va phán: Ta là Đấng đã mở lòng mẹ ra, há chẳng săn-sóc sự sanh-đẻ hay sao? Đức Chúa Trời ngươi phán: Ta là Đấng đã khiến sanh-đẻ, há lại làm cho son-sẻ hay sao?” (Ê-sai 66:9) Như tiến trình của việc sinh nở, một khi đã bắt đầu, thì nhất định phải sinh ra, nên việc tái sinh của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, một khi đã bắt đầu thì không ai có thể cản được. Đành rằng bị chống đối, và rất có thể sẽ bị chống đối nhiều trong tương lai, nhưng chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể ngưng điều mà Ngài bắt đầu, và Ngài lại không bao giờ làm thế! Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đối xử thế nào với dân được phục hồi sức sống này?
Sự chăm sóc ưu ái của Đức Giê-hô-va
18, 19. (a) Đức Giê-hô-va dùng minh họa cảm động nào, và minh họa này được áp dụng cho dân phu tù như thế nào? (b) Những người xức dầu còn sót lại ngày nay được lợi ích gì từ sự nuôi dưỡng và chăm sóc đầy yêu thương?
18 Bốn câu kế tiếp diễn tả một hình ảnh cảm động về sự chăm sóc ưu ái của Đức Giê-hô-va. Trước hết, Ê-sai nói: “Các ngươi là kẻ yêu Giê-ru-sa-lem, hãy vui với nó, hãy mừng vì nó! Các ngươi là kẻ đã khóc vì Giê-ru-sa-lem, hãy cùng nó hớn-hở vui-cười; hầu cho các ngươi sẽ được bú và no bởi vú của sự yên-ủi nó; được vắt sữa và lấy làm vui-sướng bởi sự dư-dật của vinh-quang nó”. (Ê-sai 66:10, 11) Nơi đây, Đức Giê-hô-va dùng hình ảnh một người đàn bà cho con sơ sinh bú làm minh họa. Khi đói, đứa con la khóc, không chịu nín lặng. Nhưng khi được mẹ cho bú, sự buồn bực biến thành sự thỏa mãn và toại nguyện sung sướng. Tương tự như vậy, khi giờ giải thoát và khôi phục đến, những người Do Thái trung thành còn sót lại ở Ba-by-lôn sẽ được đem ra một cách mau chóng khỏi tình trạng buồn bã để tiến tới tình trạng vui sướng và thỏa mãn. Họ sẽ vui mừng. Giê-ru-sa-lem sẽ lại vinh hiển khi được tái thiết và đông dân trở lại. Sự vinh quang của thành sẽ chiếu rọi trên dân cư trung thành. Một lần nữa, họ sẽ được nuôi dưỡng về thiêng liêng qua một dòng thầy tế lễ sốt sắng.—Ê-xê-chi-ên 44:15, 23.
19 Y-sơ-ra-ên thiêng liêng cũng được ban phước với thức ăn dư dật, sau khi được khôi phục vào năm 1919. Kể từ đó, thức ăn thiêng liêng được phân phát dồi dào và đều đặn qua lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Đây quả là một thời kỳ an ủi và vui mừng cho những người xức dầu còn sót lại. Nhưng còn có những ân phước khác nữa.
20. Giê-ru-sa-lem được ban “một thác nước cuồn cuộn” vào thời xưa và thời nay như thế nào?
20 Ê-sai tiên tri tiếp: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ làm cho sự bình-an chảy đến nó như một con sông, và sự vinh-hiển của các dân như nước vỡ bờ [“như một thác nước cuồn cuộn”, “NW”]; các ngươi sẽ được bú, được bồng trên hông, và mơn-trớn trên đầu-gối”. (Ê-sai 66:12) Nơi đây, hình ảnh chăm sóc con được phối hợp với hình ảnh ân phước dồi dào—“một con sông” và “một thác nước cuồn cuộn”. Giê-ru-sa-lem sẽ được ban cho không những sự bình an dư dật của Đức Giê-hô-va mà còn cả “sự vinh-hiển của các dân” nữa. Sự vinh hiển ấy đổ về dân Đức Chúa Trời và làm họ hạnh phúc. Điều này có nghĩa là dân các nước sẽ kéo đến với dân Đức Giê-hô-va. (A-ghê 2:7) Trong lần ứng nghiệm thời xưa, một số người thuộc nhiều nước khác nhau quả đã tự đến kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên, và trở thành những người nhập đạo Do Thái. Tuy nhiên, vào thời chúng ta đã có một sự ứng nghiệm lớn hơn nhiều, khi “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng”—quả là một thác nước người cuồn cuộn—đã kết hợp với dân Do Thái thiêng liêng còn sót lại.—Khải-huyền 7:9; Xa-cha-ri 8:23.
21. Bằng những lời lẽ tượng hình hấp dẫn, lời tiên tri báo trước loại yên ủi nào?
21 Câu Ê-sai 66:12 cũng nói đến những từ ngữ về tình mẫu tử—đặt con trên đầu gối vuốt ve và bế con bên hông. Câu kế tiếp diễn tả ý tưởng tương tự, nhưng theo một quan điểm mới, đầy lý thú. “Như một người [“đàn ông”, “NW”] được mẹ an ủi, Ta cũng vậy, Ta sẽ an ủi các ngươi, các ngươi sẽ được an ủi tại Yêrusalem”. (Ê-sai 66:13, “NTT”) Đứa con nay là “một người đàn ông”, một người lớn. Nhưng người mẹ vẫn ước ao được yên ủi con lúc con hoạn nạn.
22. Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương mạnh mẽ và dịu dàng của Ngài như thế nào?
22 Qua cách mô tả cảm động này, Đức Giê-hô-va minh họa tình yêu thương mạnh mẽ và dịu dàng của Ngài đối với dân sự. Ngay cả tình mẫu tử mạnh nhất cũng mờ nhạt trước tình yêu thương sâu xa Đức Giê-hô-va dành cho dân trung thành của Ngài. (Ê-sai 49:15) Thật cần yếu biết bao để mọi tín đồ Đấng Christ phản chiếu đức tính này của Cha trên trời! Sứ đồ Phao-lô đã làm thế, và do đó đã để lại một gương tốt cho các trưởng lão trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7) Chúa Giê-su đã nói yêu thương là dấu hiệu chính để nhận ra môn đồ ngài.—Giăng 13:34, 35.
23. Hãy tả tình trạng sung sướng của dân sự Đức Giê-hô-va được khôi phục về quê hương.
23 Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương của Ngài bằng hành động. Bởi vậy Ngài phán tiếp: “Các ngươi sẽ thấy mọi điều đó, thì trong lòng được sự vui-vẻ, và xương-cốt các ngươi sẽ nẩy-nở như cỏ non; tay Đức Giê-hô-va sẽ tỏ ra cùng tôi-tớ Ngài, và Ngài sẽ giận nghịch cùng kẻ cừu-địch”. (Ê-sai 66:14) Một nhà ngữ pháp tiếng Hê-bơ-rơ cho rằng nhóm từ “các ngươi sẽ thấy” ám chỉ bất cứ nơi nào trong đất được khôi phục, dân phu tù hồi hương “cũng thấy vui mừng”. Quả thật họ sẽ mừng rỡ, phấn khởi không lời nào tả xiết khi được trở về quê hương yêu dấu. Họ sẽ cảm thấy như trẻ lại, xương cốt cứng mạnh lại, đầy sinh lực như cỏ vào mùa xuân. Mọi người đều sẽ nhận biết tình trạng này không phải do sự cố gắng của bất cứ người nào nhưng bởi “tay Đức Giê-hô-va” mà có.
24. (a) Chúng ta rút ra kết luận nào khi xem xét các biến cố ảnh hưởng đến dân Đức Giê-hô-va ngày nay? (b) Chúng ta nên cương quyết làm gì?
24 Chúng ta có thấy bàn tay Đức Giê-hô-va đang làm việc giữa dân Ngài ngày nay không? Không ai có thể phục hồi sự thờ phượng thanh sạch. Không một ai có thể làm cho hàng triệu người quý báu từ mọi nước như dòng nước lũ kéo đến kết hợp với những người xức dầu còn sót lại trong xứ thiêng liêng. Chỉ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới có thể làm được một điều như thế. Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va cho chúng ta lý do để vui mừng. Mong sao chúng ta đừng bao giờ xem thường tình yêu thương của Ngài. Chúng ta hãy tiếp tục ‘run trước lời của Ngài’. Chúng ta hãy cương quyết sống theo các nguyên tắc của Kinh Thánh và tìm thấy niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
[Chú thích]
a Ngày nay nhiều người trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ từ chối dùng danh riêng của Đức Giê-hô-va, thậm chí loại danh Ngài ra khỏi nhiều bản dịch Kinh Thánh. Một số chế giễu dân Đức Chúa Trời vì họ dùng danh riêng Ngài. Thế nhưng, nhiều người trong họ lại cung kính dùng chữ “A-lê-lu-gia”, nghĩa là “Hãy khen ngợi Gia”.
b Nhóm chữ “xác chết của các vua” dùng nơi Ê-xê-chi-ên 43:7, 9 ám chỉ hình tượng. Các nhà lãnh đạo phản nghịch và dân cư Giê-ru-sa-lem đã làm ô uế đền thờ Đức Chúa Trời bằng những hình tượng và thật ra họ đã tôn chúng làm vua.
c Sự sinh nở tiên tri ở đây khác với sự sinh nở mô tả nơi Khải-huyền 12:1, 2, 5. Trong chương này của sách Khải-huyền, “con trai” làm hình bóng cho Nước của Đấng Mê-si bắt đầu hoạt động vào năm 1914. Tuy nhiên, “người nữ” trong hai lời tiên tri đều là một.
[Hình nơi trang 395]
“Mọi sự nầy đều bởi tay ta làm ra”
[Hình nơi trang 402]
Đức Giê-hô-va sẽ dành cho Si-ôn “sự vinh-hiển của các dân”