Hãy tiếp tục làm vững mạnh nhau bằng tình yêu thương
“Tình yêu thương làm vững mạnh”.—1 CÔ 8:1.
BÀI HÁT: 109, 121
1. Chúa Giê-su nhắc đến đề tài quan trọng nào vào đêm cuối cùng ở bên các môn đồ?
Vào đêm cuối cùng ở bên các môn đồ, Chúa Giê-su nhắc đến tình yêu thương gần 30 lần. Ngài cho thấy rõ các môn đồ nên “yêu thương nhau” (Giăng 15:12, 17). Tình yêu thương họ dành cho nhau sẽ nổi bật đến mức người khác nhìn thấy và nhận biết họ là môn đồ thật của Đấng Ki-tô (Giăng 13:34, 35). Tình yêu thương mà Chúa Giê-su nói đến không phải là tình yêu thương dựa trên cảm xúc, nhưng đó là tình yêu thương bất vị kỷ, một đức tính vô cùng cao thượng. Ngài nói: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình. Anh em là bạn tôi nếu làm theo những gì tôi truyền dạy”.—Giăng 15:13, 14.
2. (a) Chúng ta thấy điều gì trong vòng tôi tớ của Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào trong bài này?
2 Dân Đức Chúa Trời ngày nay được nhận diện bởi tình yêu thương chân thật và bất vị kỷ cũng như sự hợp nhất vững chắc của họ (1 Giăng 3:10, 11). Chúng ta thật biết ơn khi thấy tình yêu thương như Đấng Ki-tô ngự trị trong vòng tôi tớ Đức Giê-hô-va, bất kể quốc gia, ngôn ngữ hay gốc gác của họ là gì! Nhưng có lẽ chúng ta thắc mắc: “Tại sao tình yêu thương là đức tính thiết yếu ngày nay? Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su làm chúng ta vững mạnh bằng tình yêu thương qua cách nào? Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương như Đấng Ki-tô hầu ‘làm vững mạnh’ anh em?”.—1 Cô 8:1.
TẠI SAO TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ ĐỨC TÍNH THIẾT YẾU NGÀY NAY?
3. “Thời kỳ đặc biệt” này ảnh hưởng đến người ta như thế nào?
3 Chúng ta đang sống trong “thời kỳ đặc biệt” và cuộc sống có đầy dẫy “gian nan phiền muộn” (2 Ti 3:1-5; Thi 90:10). Vì vậy, nhiều người ngày nay phải chịu đựng những nỗi đau về cảm xúc, đến mức một số người không còn muốn sống nữa. Người ta ước tính rằng mỗi năm có hơn 800.000 người chết vì tự tử; như vậy cứ 40 giây thì có một người chết. Đáng buồn là ngay cả một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng buông xuôi trước áp lực và kết liễu đời mình.
4. Những nhân vật nào trong Kinh Thánh từng có cảm giác không muốn sống?
4 Vào thời Kinh Thánh, một số tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cảm thấy choáng ngợp trước hoàn cảnh đến mức không còn muốn sống. Chẳng hạn, Gióp than van trong nỗi đau tột cùng: “Con gớm ghê đời mình, không muốn sống nữa” (Gióp 7:16; 14:13). Giô-na vô cùng thất vọng khi mọi việc trong nhiệm sở không xảy ra như mong muốn. Ông nói: “Bây giờ, ôi Đức Giê-hô-va, xin hãy lấy mạng con, vì con thà chết còn hơn sống” (Giô-na 4:3). Một nhà tiên tri trung thành là Ê-li-gia đã có lúc cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi ông xin Đức Giê-hô-va cho ông được chết. Ông nói: “Ôi Đức Giê-hô-va, vậy là đủ rồi! Hãy lấy mạng con” (1 Vua 19:4). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va quý trọng những tôi tớ trung thành này và muốn họ tiếp tục sống. Thay vì lên án cảm xúc của họ, ngài đã giúp họ vượt qua cảm giác không muốn sống, nhờ thế họ có thể tiếp tục trung thành phụng sự ngài.
5. Tại sao anh em đồng đạo cần được chúng ta yêu thương, đặc biệt là ngày nay?
5 Không phải mọi anh em của chúng ta đều có cảm giác muốn buông xuôi, nhưng nhiều anh chị ngày nay phải đối phó với các tình huống căng thẳng và cần được làm vững mạnh bằng tình yêu thương. Một số phải chịu đựng sự bắt bớ và chế giễu. Số khác trở thành nạn nhân của những lời chỉ trích và nói xấu sau lưng tại sở làm. Hoặc họ bị kiệt sức vì làm việc tăng ca hay có quá nhiều việc phải hoàn tất. Những người khác phải đối phó với các vấn đề trong gia đình khiến họ hao mòn sức lực, chẳng hạn như bị người hôn phối không cùng đức tin chỉ trích. Những áp lực này cùng các áp lực khác khiến nhiều anh chị trong hội thánh cảm thấy kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất. Vậy ai có thể giúp những người nản lòng?
TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀM CHÚNG TA VỮNG MẠNH
6. Đức Giê-hô-va làm vững mạnh các tôi tớ ngài bằng tình yêu thương qua cách nào?
6 Đức Giê-hô-va làm vững mạnh những người thờ phượng ngài bằng cách đảm bảo rằng tình yêu thương ngài dành cho họ sẽ không bao giờ lay chuyển. Hẳn những người Y-sơ-ra-ên trung thành được khích lệ biết bao khi nghe những lời sau của Đức Giê-hô-va: “Con đã nên quý giá trước mắt ta, đã được trân trọng, và ta yêu thương con... Đừng sợ chi vì ta ở với con”! (Ê-sai 43:4, 5). Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, anh chị có thể tin chắc rằng ngài yêu thương mỗi người trong chúng ta bằng tình yêu thương dịu dàng.a Lời Đức Chúa Trời hứa với những người theo đuổi sự thờ phượng thanh sạch: “Là đấng hùng mạnh, ngài sẽ giải cứu. Ngài sẽ nức lòng mừng rỡ vì ngươi”.—Xô 3:16, 17.
7. Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va giống với tình yêu thương của người mẹ theo nghĩa nào? (Xem hình nơi đầu bài).
7 Đức Giê-hô-va hứa sẽ nâng đỡ và an ủi dân ngài cho dù họ phải đối mặt với bất cứ thử thách nào. Ngài mô tả cảm xúc dành cho dân ngài khi nói: “Các con sẽ bú, được ẵm bên hông và được vỗ về trên hai đầu gối. Như người mẹ an ủi con mình, ta sẽ luôn an ủi các con” (Ê-sai 66:12, 13). Thật ấm lòng khi hình dung một người mẹ yêu thương ẵm đứa con bé bỏng bên hông hoặc vỗ về con trên hai đầu gối! Qua hình ảnh cảm động này, Đức Giê-hô-va cho thấy tình yêu thương dịu dàng và mãnh liệt mà ngài dành cho những người thờ phượng chân chính. Hãy luôn tin chắc rằng mỗi anh chị đều rất quý giá đối với ngài.—Giê 31:3.
8, 9. Tình yêu thương của Chúa Giê-su thêm sức cho chúng ta như thế nào?
8 Một lý do khác cho biết Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta là ngài “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của ngài, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà có được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16). Việc Chúa Giê-su hy sinh mạng sống cho thấy ngài cũng yêu thương chúng ta biết bao! Và tình yêu thương này làm chúng ta vững mạnh biết dường nào! Lời Đức Chúa Trời hứa rằng ngay cả “hoạn nạn, khốn khổ” cũng không thể “ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Ki-tô”.—Rô 8:35, 38, 39.
9 Đôi khi chúng ta phải đối mặt với những thử thách khiến mình mệt mỏi về thể chất, cảm xúc hoặc thiêng liêng. Nhưng nhớ đến tình yêu thương bao la của Đấng Ki-tô có thể thêm sức cho chúng ta chịu đựng. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Tình yêu thương của Chúa Giê-su có sức mạnh để gìn giữ và thôi thúc chúng ta không bỏ cuộc, ngay cả khi đương đầu với thảm họa, sự bắt bớ, nỗi thất vọng hoặc lo lắng.
ANH EM ĐỒNG ĐẠO CẦN ĐƯỢC CHÚNG TA YÊU THƯƠNG
10, 11. Ai có trách nhiệm làm vững mạnh những anh chị nản lòng? Hãy giải thích.
10 Một phương tiện mà Đức Giê-hô-va dùng để làm chúng ta vững mạnh là hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Mỗi chúng ta có thể đáp lại tình yêu thương của ngài bằng cách yêu mến anh em và làm họ vững mạnh không chỉ về mặt thiêng liêng mà còn về mặt cảm xúc (1 Giăng 4:19-21). Sứ đồ Phao-lô khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hãy tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh, như anh em hiện đang làm” (1 Tê 5:11). Thật vậy, không chỉ các trưởng lão mà mỗi thành viên trong hội thánh có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su trong việc an ủi và làm vững mạnh anh em.—Đọc Rô-ma 15:1, 2.
11 Một số anh chị trong hội thánh có lẽ bị rối loạn cảm xúc và cần dùng thuốc hoặc sự giúp đỡ của những người có chuyên môn (Lu 5:31). Các trưởng lão và những người khác trong hội thánh nhận biết rằng họ không phải là bác sĩ. Nhưng họ có một vai trò quan trọng là “an ủi người buồn nản, nâng đỡ người yếu đuối và kiên nhẫn với mọi người” (1 Tê 5:14). Chúng ta muốn thể hiện sự cảm thông và kiên nhẫn, nói những lời an ủi để làm vững mạnh người nản lòng. Anh chị có phải là nguồn an ủi và khích lệ cho người khác không? Nếu biết cách an ủi người khác thì những nỗ lực của anh chị sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
12. Hãy nêu ví dụ cho thấy một người được vững mạnh nhờ tình yêu thương của hội thánh.
12 Làm thế nào tình yêu thương của chúng ta có thể làm vững mạnh những người đang chịu đựng nỗi đau buồn? Một chị ở châu Âu chia sẻ: “Đôi khi tôi nghĩ đến việc tự tử. Nhưng có thể nói hội thánh đã cứu sống tôi. Các anh chị luôn yêu thương và khích lệ tôi. Dù chỉ có vài người biết tôi bị trầm cảm nhưng cả hội thánh luôn ở bên tôi. Một cặp vợ chồng giống như cha mẹ thiêng liêng của tôi. Họ chăm sóc tôi rất chu đáo, và luôn giúp đỡ mỗi khi tôi cần”. Dĩ nhiên không phải ai cũng có thể trợ giúp giống như thế. Nhưng sự hỗ trợ và lòng quan tâm chân thành có thể giúp ích rất nhiều cho những người đang phải chịu nỗi đau về cảm xúc.b
CÁCH ĐỂ LÀM NGƯỜI KHÁC VỮNG MẠNH BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG
13. Chúng ta cần làm gì để giúp người khác vững mạnh?
13 Hãy là người biết lắng nghe (Gia 1:19). Lắng nghe với lòng thấu cảm là một hành động yêu thương. Anh chị có thể đặt những câu hỏi tế nhị để hiểu cảm xúc của người buồn nản. Nhờ đó, anh chị có thể biểu lộ sự thông cảm và làm người ấy vững mạnh. Qua nét mặt, hãy cho thấy anh chị thật lòng quan tâm và yêu thương họ. Nếu người ấy cảm thấy cần giải thích vấn đề một cách chi tiết hơn, hãy kiên nhẫn và đừng ngắt lời. Khi kiên nhẫn lắng nghe, rất có thể anh chị sẽ hiểu rõ hơn về cảm xúc của người ấy. Điều này có thể giúp người ấy tin cậy anh chị và dễ lắng nghe những gì anh chị nói. Khi thấy anh chị thật lòng quan tâm thì người ấy có thể được an ủi rất nhiều.
14. Tại sao chúng ta muốn tránh có tinh thần chỉ trích?
14 Hãy tránh có tinh thần chỉ trích. Người buồn nản sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nếu nghĩ rằng chúng ta đang chỉ trích họ. Điều này có thể khiến họ không muốn nhận sự giúp đỡ chân thành của chúng ta. Kinh Thánh nói: “Lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm, nhưng lưỡi người khôn ngoan là phương thuốc chữa lành” (Châm 12:18). Dĩ nhiên, chúng ta không cố ý “đâm” người buồn nản bằng những lời thiếu suy nghĩ. Nhưng dù cố ý hay vô tình thì những lời ấy vẫn có thể gây tổn thương nặng nề. Để khích lệ và làm người khác vững mạnh bằng tình yêu thương, chúng ta cần thể hiện lòng cảm thông và cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người ấy.—Mat 7:12.
15. Chúng ta có thể dùng công cụ quý giá nào để làm người khác vững mạnh?
15 Hãy dùng Lời Đức Chúa Trời để an ủi người khác. (Đọc Rô-ma 15:4, 5). Kinh Thánh là kho tàng chứa đựng nhiều lời an ủi. Sách này đến từ “Đức Chúa Trời, đấng ban sức chịu đựng và sự an ủi”. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều công cụ khác, chẳng hạn như THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh và Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Những công cụ này giúp mỗi người trong chúng ta tìm được các ý tưởng Kinh Thánh hữu ích để đương đầu với mọi loại thử thách. Nhờ các công cụ này, chúng ta cũng có thể được trang bị để an ủi và khích lệ người khác một cách hữu hiệu hơn.
16. Chúng ta cần thể hiện những phẩm chất nào khi khích lệ một tín đồ bị nản lòng?
16 Hãy biểu lộ sự dịu dàng và mềm mại. Đây là những khía cạnh tuyệt vời của tình yêu thương bất vị kỷ mà chúng ta thể hiện khi khích lệ người khác. Đức Giê-hô-va là “Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi”, và “giàu lòng trắc ẩn”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3-6; Lu 1:78; Rô 15:13). Phao-lô đã nêu gương tốt về điều này. Ông viết: “Chúng tôi cư xử mềm mại với anh em, như người mẹ dịu dàng chăm sóc con mọn của mình. Vì yêu thương anh em tha thiết nên chúng tôi quyết tâm cho anh em không chỉ tin mừng của Đức Chúa Trời, mà cả mạng sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên những người bạn rất yêu dấu của chúng tôi” (1 Tê 2:7, 8). Khi thể hiện sự dịu dàng giống như Đức Chúa Trời, chúng ta có thể góp phần đáp lại lời cầu nguyện của một người nản lòng.
17. Có quan điểm thăng bằng nào về anh em sẽ giúp chúng ta làm họ vững mạnh?
17 Đừng mong đợi anh em mình hoàn hảo. Hãy có quan điểm thăng bằng về anh em đồng đạo. Việc mong đợi anh em mình hoàn hảo là không thực tế và sẽ dẫn đến thất vọng (Truyền 7:21, 22). Hãy nhớ rằng những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi tôi tớ ngài luôn thực tế. Nếu noi gương ngài, chúng ta sẽ sẵn sàng chịu đựng sự bất toàn của người khác (Ê-phê 4:2, 32). Thay vì khiến cho anh em cảm thấy họ làm chưa đủ, hãy cố gắng khen họ về những gì họ đang làm. Điều này có thể khích lệ họ. Những lời khen chân thành có thể làm họ vững mạnh và giúp họ tìm thấy “cớ để tự hào” trong công việc phụng sự. Thật tốt hơn biết bao khi chúng ta làm thế thay vì so sánh họ với người khác!—Ga 6:4.
18. Tại sao chúng ta muốn làm người khác vững mạnh bằng tình yêu thương?
18 Mỗi tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều vô cùng quý giá đối với ngài và Chúa Giê-su, đấng hy sinh mạng sống làm giá chuộc (Ga 2:20). Chúng ta yêu thương anh em mình sâu đậm và muốn đối xử dịu dàng với họ. Để trở thành nguồn khích lệ, “chúng ta hãy theo đuổi những điều đem lại sự hòa thuận và những điều giúp nhau vững mạnh” (Rô 14:19). Mỗi chúng ta đều trông mong địa đàng sắp đến. Khi đó, chúng ta sẽ không có bất cứ lý do nào để nản lòng! Bệnh tật, chiến tranh, cái chết di truyền, sự bắt bớ, mối bất hòa trong gia đình và sự thất vọng cũng sẽ không còn. Khi Triều Đại Một Ngàn Năm kết thúc, nhân loại sẽ đạt đến sự hoàn hảo. Những ai trải qua thử thách cuối cùng sẽ được nhận làm con trên đất của Đức Giê-hô-va và có “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:21). Mong sao chúng ta tiếp tục làm vững mạnh nhau bằng tình yêu thương và giúp đỡ nhau để nhận được sự sống trong thế giới mới tuyệt vời của Đức Chúa Trời.
b Để giúp những người có ý nghĩ tự tử, xem bài “Sống nữa làm gì?—Ba lý do để tiếp tục sống” trong Tỉnh Thức! tháng 4 năm 2014; và bài “Khi bạn cảm thấy muốn buông xuôi” trong Tỉnh Thức! tháng 1 năm 2012.