“Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” và Đám Đông “Vô-số người”
“Tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được” (KHẢI-HUYỀN 7:9).
1-3. a) Tín đồ đấng Christ được xức dầu có triển vọng vinh quang nào về sự sống trên trời? b) Bằng cách nào Sa-tan cố gắng hủy diệt hội thánh vào thế kỷ thứ nhất? c) Điều gì đã xảy ra vào năm 1919 cho thấy các sự cố gắng của Sa-tan nhằm làm hội thánh tín đồ đấng Christ được xức dầu bị bại hoại đã thất bại?
SỰ thành lập “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” vào năm 33 công nguyên là một bước quan trọng trong việc thực hiện các ý định của Đức Giê-hô-va (Ga-la-ti 6:16). Công dân được xức dầu của nước đó có hy vọng làm tạo vật thần linh bất tử và cai trị với đấng Christ trong Nước Đức Chúa Trời trên trời (I Cô-rinh-tô 15:50, 53, 54). Ở cương vị đó, họ đóng vai trò quan trọng trong việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và giày đạp đầu Kẻ thù siêu việt, Sa-tan Ma-quỉ (Sáng-thế Ký 3:15; Rô-ma 16:20). Không ngạc nhiên khi Sa-tan cố gắng hết sức mình để hủy diệt hội thánh mới này, bằng cách bắt bớ cố gắng làm cho hội thánh bị bại hoại (II Ti-mô-thê 2:18; Giu-đe 4; Khải-huyền 2:10).
2 Trong khi các sứ đồ còn sống, Sa-tan không thể nào thành công. Tuy nhiên, sau khi họ qua đời, sự bội đạo đã lan tràn mà không bị kiềm chế. Với thời gian, theo mắt loài người, hội thánh tín đồ đấng Christ tinh sạch do Chúa Giê-su thành lập đã dường như bị bại hoại khi Sa-tan đề xướng tôn giáo giả mạo và bội đạo, ngày nay được biết là các đạo tự xưng theo đấng Christ (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-8). Tuy vậy, đạo thật của đấng Christ vẫn tồn tại (Ma-thi-ơ 28:20).
3 Qua chuyện ví dụ về lúa mì và cỏ lùng, Giê-su cho biết trước rằng trong một thời gian các tín đồ thật của ngài sẽ lớn lên cùng với “cỏ lùng”, hoặc tín đồ giả; và điều này đã xảy ra thật. Nhưng ngài cũng nói rằng trong ngày sau rốt, sự khác biệt giữa “con-cái nước thiên-đàng” và “cỏ lùng” sẽ được nhận rõ một lần nữa (Ma-thi-ơ 13:36-43). Điều này cũng đã xảy ra thật. Vào năm 1919, các tín đồ thật của đấng Christ được xức dầu đã ra khỏi sự giam cầm trong Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời công nhận họ là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và họ bắt đầu mạnh dạn rao giảng tin mừng về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14, 45-47; Khải-huyền 18:4). Hầu hết trong vòng họ đều thuộc dân ngoại; nhưng vì họ có đức tin như Áp-ra-ham, trên thực tế họ là ‘con cái của Áp-ra-ham’. Họ thuộc “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 3:7, 26-29).
Đám đông “vô-số người”
4. Nhóm tín đồ đấng Christ nào được nhận rõ, đặc biệt vào thập niên 1930?
4 Thoạt đầu, những người hưởng ứng công việc rao giảng của tín đồ đấng Christ được xức dầu cũng trở nên người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, những người còn sót lại trong số 144.000 người, có hy vọng lên trời (Khải-huyền 12:17). Tuy nhiên, đặc biệt vào thập niên 1930, một nhóm khác được nhận rõ. Họ được liên kết với “chiên khác” trong chuyện ví dụ về các chuồng chiên (Giăng 10:16). Họ là môn đồ của Giê-su có hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất. Nói theo nghĩa bóng, họ là con cái thiêng liêng của các tín đồ đấng Christ được xức dầu. (Ê-sai 59:21; 66:22; so sánh I Cô-rinh-tô 4:15, 16). Họ nhận thức rằng hội thánh các tín đồ đấng Christ được xức dầu hợp thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan, và như các anh em xức dầu của họ, họ yêu mến Đức Giê-hô-va một cách sâu xa, đặt đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su, hăng hái phụng sự Đức Chúa Trời và sẵn sàng chịu khổ vì cớ sự công bình.
5. Địa vị của các chiên khác dần dần được sáng tỏ như thế nào?
5 Ban đầu, địa vị của các chiên khác không được hiểu rõ, nhưng với thời gian, địa vị của họ được sáng tỏ. Vào năm 1932, tín đồ đấng Christ được xức dầu được khuyến khích thúc giục các chiên khác chia sẻ trong công việc rao giảng—điều mà nhiều người thuộc chiên khác đã bắt đầu làm rồi. Vào năm 1934, chiên khác được khuyến khích làm báp têm trong nước. Vào năm 1935, người ta hiểu rằng các chiên khác có liên hệ đến đám đông “vô-số người” nơi Khải-huyền đoạn 7. Vào năm 1938 họ được mời dự Lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su Christ với tư cách người quan sát. Vào năm 1950, người ta nhận thấy rằng các anh thành thục trong vòng các chiên khác thuộc nhóm “quan-trưởng” làm “nơi núp gió và chỗ che bão-táp” (Thi-thiên 45:16; Ê-sai 32:1, 2). Vào năm 1953, người ta thấy rằng tổ chức của Đức Chúa Trời trên đất—lúc đó phần lớn gồm các chiên khác—là trung tâm của xã hội sẽ có trên đất trong thế giới mới. Vào năm 1985, người ta hiểu rằng dựa trên căn bản của sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su, nhóm chiên khác được xưng công bình với tư cách là bạn của Đức Chúa Trời và có viễn ảnh sống sót qua trận Ha-ma-ghê-đôn.
6. Địa vị tương đối của những người được xức dầu và chiên khác ngày nay là gì, khiến chúng ta phải đặt những câu hỏi nào?
6 Đến đây, trong giai đoạn cuối của “ngày sau-rốt”, đại đa số 144.000 người đã chết và nhận lãnh phần thưởng của họ trên trời (II Ti-mô-thê 3:1; Khải-huyền 6:9-11; 14:13). Giờ đây, tín đồ đấng Christ có hy vọng sống trên đất đang thi hành phần lớn của công việc rao giảng về tin mừng, và họ xem như một đặc ân khi ủng hộ các anh em được xức dầu của Giê-su trong việc này (Ma-thi-ơ 25:40). Tuy nhiên, các người được xức dầu hợp thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan, và chính qua họ mà đồ ăn thiêng liêng được cung cấp trải qua suốt thời kỳ sau rốt này. Tình hình của chiên khác sẽ ra sao khi tất cả các người được xức dầu nhận lãnh phần thưởng của họ trên trời? Lúc đó chiên khác sẽ được chăm lo thế nào? Cuộc xem xét tổng quát về dân Y-sơ-ra-ên xưa sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này.
Một “nước thầy tế-lễ” tượng trưng
7, 8. Dân Y-sơ-ra-ên xưa hợp thành một nước thầy tế lễ và một dân tộc thánh đến mức độ nào dưới giao ước Luật pháp?
7 Khi Đức Giê-hô-va chọn người Y-sơ-ra-ên làm dân tộc đặc biệt của Ngài, Ngài lập giao ước với họ và nói: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6). Người Y-sơ-ra-ên là dân tộc đặc biệt của Đức Giê-hô-va dựa trên căn bản giao ước Luật pháp. Nhưng lời hứa về một nước thầy tế lễ và một dân tộc thánh sẽ được thực hiện như thế nào?
8 Khi dân Y-sơ-ra-ên tỏ ra trung thành, họ nhìn nhận quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và chấp nhận Ngài làm Vua của họ (Ê-sai 33:22). Do đó, họ là một nước. Nhưng, như được tiết lộ sau này, lời hứa về “một nước” có ý nghĩa sâu đậm hơn thế nhiều. Hơn nữa, khi họ vâng theo Luật pháp của Đức Giê-hô-va, họ được thanh sạch, tách biệt khỏi các nước xung quanh họ. Họ là một dân tộc thánh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:5, 6). Họ có phải là một nước thầy tế lễ không? Trong dân Y-sơ-ra-ên, chi phái Lê-vi được tách biệt ra để phục vụ tại đền thờ, và trong chi phái đó có chức tế lễ dòng Lê-vi. Khi Luật pháp Môi-se được thành lập, những người nam chi phái Lê-vi được chọn lấy thế cho con đầu lòng của mỗi gia đình không thuộc dòng Lê-via (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:29; Dân-số Ký 3:11-16, 40-51). Như vậy, theo một nghĩa nào đó, mỗi gia đình Y-sơ-ra-ên được đại diện trong công việc tại đền thờ. Nói về chức tế lễ, thì dân sự chỉ đạt đến mức độ đó mà thôi. Tuy vậy, họ đại diện Đức Giê-hô-va trước mặt các nước. Người ngoại bang nào muốn thờ phượng Đức Chúa Trời thật phải làm thế cùng với dân Y-sơ-ra-ên (II Sử-ký 6:32, 33; Ê-sai 60:10).
9. Điều gì khiến Đức Giê-hô-va từ bỏ nước Y-sơ-ra-ên phía bắc ‘không làm thầy tế-lễ cho Ngài nữa’?
9 Sau khi Sa-lô-môn qua đời, dân sự của Đức Chúa Trời bị phân chia thành nước Y-sơ-ra-ên phía bắc dưới sự cai trị của Vua Giê-rô-bô-am và nước Giu-đa phía nam dưới Vua Rô-bô-am. Vì đền thờ, trung tâm của sự thờ phượng thật, tọa lạc trong lãnh thổ của Giu-đa, nên Giê-rô-bô-am thành lập một hình thức thờ phượng bất hợp pháp bằng cách dựng nên các hình tượng con bò tơ trong lãnh thổ của mình. Hơn nữa, “Giê-rô-bô-am cũng cất chùa-miễu trên các nơi cao, chọn lấy người trong vòng dân-chúng lập làm thầy tế-lễ, không thuộc về chi-phái Lê-vi” (I Các Vua 12:31). Nước phía bắc chìm sâu hơn trong sự thờ phượng giả khi Vua A-háp cho phép vợ dân ngoại là Giê-sa-bên thành lập sự thờ phượng Ba-anh trong xứ. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va kết án nước phản nghịch kia. Ngài nói qua Ô-sê: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông-biết. Bởi ngươi bỏ sự thông-biết thì ta cũng bỏ ngươi, đặng ngươi không làm thầy tế-lễ cho ta nữa” (Ô-sê 4:6). Ít lâu sau, người A-si-ri hủy diệt nước Y-sơ-ra-ên phía bắc.
10. Khi nước Giu-đa phía nam tỏ ra trung thành, bằng cách nào họ đại diện Đức Giê-hô-va trước các nước?
10 Còn về nước phía nam, Giu-đa, thì sao? Vào thời Ê-xê-chia, Đức Giê-hô-va nói với họ qua Ê-sai: “Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn... Ta đã làm nên dân nầy cho ta, nó sẽ hát khen-ngợi ta” (Ê-sai 43:10, 21; 44:21). Khi nước phía nam tỏ ra trung thành, họ đã tuyên bố sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va trước các nước và thu hút những người có lòng ngay thẳng đến thờ phượng Ngài tại đền thờ và được chức tế lễ chính đáng dòng Lê-vi phục vụ.
Người ngoại bang trong dân Y-sơ-ra-ên
11, 12. Hãy nêu danh của một số người ngoại bang đến phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với dân Y-sơ-ra-ên.
11 Còn về những người ngoại bang hưởng ứng sự làm chứng của nước này, thì họ được chăm lo bởi Luật pháp ban qua trung gian Môi-se—chính vợ ông, Sê-phô-ra, là người Ma-đi-an. “Vô-số người ngoại bang” rời xứ Ê-díp-tô với dân Y-sơ-ra-ên và có mặt khi Luật pháp được ban ra (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:16-22; 12:38; Dân-số Ký 11:4). Ra-háp cùng gia đình được giải cứu khỏi Giê-ri-cô và sau này được nhận vào hội thánh người Do Thái. (Giô-suê 6:23-25). Ít lâu sau, người Ga-ba-ôn giảng hòa với dân Y-sơ-ra-ên và được chỉ định phục vụ liên quan đến đền tạm (Giô-suê 9:3-27; cũng xem I Các Vua 8:41-43; Ê-xơ-tê 8:17).
12 Với thời gian, người ngoại bang có chức cao. U-ri người Hê-tít, chồng của Bát-Sê-ba, cũng như Xê-léc người Am-môn, được kể trong số “người mạnh-dạn” của Đa-vít (I Sử-ký 11:26, 38, 41; II Sa-mu-ên 11:3, 4). Ê-bết-Mê-lết, người Ê-thi-ô-bi, phục vụ trong cung vua và có quyền đến gặp vua (Giê-rê-mi 38:7-9). Sau khi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn hồi hương, người Nê-thi-nim không thuộc dân Y-sơ-ra-ên được giao thêm trách nhiệm trong việc giúp đỡ các thầy tế lễ (E-xơ-ra 7:24). Vì lẽ một số người ngoại bang trung thành, hoặc khách kiều ngụ này, được xem như tượng trưng cho đám đông vô số người ngày nay, nên chúng ta chú ý muốn biết về hoàn cảnh của họ.
13, 14. a) Những người nhập đạo có đặc ân và trách nhiệm nào trong xứ Y-sơ-ra-ên? b) Người Y-sơ-ra-ên phải xem những người nhập đạo trung thành như thế nào?
13 Những người đó là những người nhập đạo; họ thành tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va và phục dưới Luật pháp Môi-se, được tách biệt khỏi các nước cùng với dân Y-sơ-ra-ên (Lê-vi Ký 24:22). Họ dâng của-lễ hy sinh, tránh sự thờ phượng giả và kiêng huyết, y như dân Y-sơ-ra-ên đã làm (Lê-vi Ký 17:10-14; 20:2). Họ giúp xây cất đền thờ của Sa-lô-môn cũng như tái lập sự thờ phượng thật dưới Vua A-sa và Ê-xê-chia (I Sử-ký 22:2; II Sử-ký 15:8-14; 30:25). Khi Phi-e-rơ dùng chìa khóa đầu tiên của Nước Trời vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, cả “người Giu-đa hoặc người [dân ngoại] mới theo đạo Giu-đa” đều nghe những lời ông nói. Có lẽ một phần trong số ba ngàn người làm báp têm trong ngày đó là người mới theo đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 2:11, 41). Ít lâu sau, Phi-líp làm báp têm cho một người Ê-thi-ô-bi nhập đạo—trước khi Phi-e-rơ dùng chìa khóa chót của Nước Trời với Cọt-nây và gia đình ông (Ma-thi-ơ 16:19; Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-40; 10:30-48). Hiển nhiên, người nhập đạo không được xem như người dân ngoại.
14 Tuy vậy, những người nhập đạo không có cùng địa vị trong xứ như những người sanh ra là người Y-sơ-ra-ên. Những người nhập đạo không làm thầy tế lễ, và con đầu lòng của họ không được đại diện trong chức tế lễ dòng Lê-vi.b Và những người nhập đạo không có sản nghiệp trong xứ Y-sơ-ra-ên. Tuy vậy, dân Y-sơ-ra-ên được răn bảo phải quan tâm đến những người nhập đạo trung thành và xem họ như anh em mình (Lê-vi Ký 19:33, 34).
Dân thiêng liêng
15. Điều gì xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên xác thịt từ chối không chấp nhận đấng Mê-si?
15 Luật pháp được thành lập cốt để giữ dân Y-sơ-ra-ên thanh sạch, tách biệt khỏi các nước xung quanh họ. Nhưng Luật pháp có một mục đích khác. Sứ đồ Phao-lô viết: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức-tin mà được xưng công-bình” (Ga-la-ti 3:24). Đáng buồn thay, đa số người Y-sơ-ra-ên không để Luật pháp dẫn đến đấng Christ (Ma-thi-ơ 23:15; Giăng 1:11). Vậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời từ bỏ dân đó và khiến “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” ra đời. Hơn nữa, Ngài mời những người dân ngoại trở nên công dân chính thức của dân Y-sơ-ra-ên mới (Ga-la-ti 3:28; 6:16). Chính với nước mới này mà lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6 nói về một chức tế lễ nhà vua được ứng nghiệm lần chót một cách tuyệt vời. Bằng cách nào?
16, 17. Tín đồ đấng Christ được xức dầu đang sống trên đất hợp thành “chức tế-lễ” thuộc “nhà vua” theo nghĩa nào?
16 Phi-e-rơ trích câu Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6 khi ông viết thư cho tín đồ đấng Christ được xức dầu sống vào thời ông: “Nhưng anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9). Câu này có nghĩa gì? Phải chăng những tín đồ đấng Christ được xức dầu sống trên đất là vua? Không, chức vua của họ còn trong tương lai (I Cô-rinh-tô 4:8). Tuy vậy, họ thuộc “nhà vua” vì họ được lựa chọn để nhận lãnh những đặc ân trong Nước Trời trong tương lai. Ngay cả bây giờ, họ là một nước phục dưới một vị vua, Chúa Giê-su, được Đấng Thống trị Vĩ đại bổ nhiệm, tức Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “[Đức Giê-hô-va] đã giải-thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối-tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu-dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13).
17 Các tín đồ đấng Christ được xức dầu trên đất có hợp thành một chức tế lễ không? Có, theo một nghĩa nào đó. Là một hội thánh, chắc chắn họ làm công việc của thầy tế lễ. Phi-e-rơ giảng nghĩa điều này khi ông nói: “Anh em... được xây nên nhà thiêng-liêng, làm chức thầy tế-lễ thánh” (I Phi-e-rơ 2:5; I Cô-rinh-tô 3:16). Ngày nay, đoàn thể các tín đồ đấng Christ được xức dầu còn sót lại hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, tức cơ quan phân phát đồ ăn thiêng liêng (Ma-thi-ơ 24:45-47). Như trong trường hợp dân Y-sơ-ra-ên xưa, hễ ai muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va thì phải làm thế cùng với các tín đồ đấng Christ được xức dầu này.
18. Là một chức tế lễ, hội thánh tín đồ đấng Christ được xức dầu trên đất có trách nhiệm chính nào?
18 Hơn nữa, tín đồ đấng Christ được xức dầu thay thế dân Y-sơ-ra-ên trong đặc ân làm chứng về sự cao cả của Đức Giê-hô-va giữa các nước. Văn cảnh cho thấy rằng khi Phi-e-rơ gọi các tín đồ đấng Christ được xức dầu là chức thầy tế lễ nhà vua, ông lưu tâm đến công việc rao giảng. Thật vậy, ông liên kết lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6 với các lời của Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên nơi Ê-sai 43:21 khi ông nói: “Anh em... là chức thầy tế-lễ nhà vua,... hầu cho anh em rao-giảng nhơn-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9). Phù hợp với điều này, Phao-lô nói về việc rao giảng nhân đức của Đức Giê-hô-va như là của-lễ dâng ở đền thờ. Ông viết: “Hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15).
Sự ứng nghiệm trên trời
19. Lời hứa nói rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ hợp thành một nước thầy tế lễ sẽ được ứng nghiệm lần chót một cách tuyệt vời như thế nào?
19 Tuy nhiên, Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6 cuối cùng sẽ được ứng nghiệm một cách vinh hiển hơn nhiều. Trong sách Khải-huyền, sứ đồ Giăng nghe những thiên sứ áp dụng câu này khi họ khen ngợi Chúa Giê-su nay được sống lại: “Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế-lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị-vì trên mặt đất” (Khải-huyền 5:9, 10). Vậy cuối cùng, chức thầy tế lễ nhà vua là Nước của Đức Chúa Trời trên trời, chính quyền mà Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện (Lu-ca 11:2). Hết thảy 144.000 tín đồ đấng Christ được xức dầu bền bỉ chịu đựng cho đến cuối cùng sẽ có phần trong sự sắp đặt về Nước Trời (Khải-huyền 20:4, 6). Lời hứa được ban qua Môi-se cách đây lâu lắm rồi sẽ được ứng nghiệm một cách tuyệt diệu biết bao!
20. Câu hỏi nào chưa được trả lời?
20 Mọi điều này liên quan thế nào đến tình trạng của đám đông vô số người và tương lai của họ khi tất cả các người được xức dầu đã nhận được cơ nghiệp tuyệt vời của họ? Chúng ta sẽ thấy rõ câu trả lời trong bài chót của loạt bài này.
[Chú thích]
a Khi chức tế lễ trong nước Y-sơ-ra-ên được thành lập, con đầu lòng thuộc các chi phái Y-sơ-ra-ên ngoại trừ chi phái Lê-vi được kê ra, cũng như các người nam của chi phái Lê-vi. So với số người nam Lê-vi, thì có 273 con đầu lòng nhiều hơn. Vì vậy, Đức Giê-hô-va ra lệnh phải đóng góp năm siếc lơ làm giá chuộc cho mỗi đầu người trong số 273 người còn sót.
b Vô số người ngoại bang có mặt khi Luật pháp được thành lập vào năm 1513 trước công nguyên, nhưng con đầu lòng của họ không được kê ra khi những người Lê-vi được chọn lấy thế con đầu lòng của người Y-sơ-ra-ên. (Xem Lê-vi Ký đoạn 8). Do đó, người Lê-vi không được chọn lấy thế cho con đầu lòng của người ngoại bang.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Địa vị của các chiên khác dần dần được sáng tỏ như thế nào?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va từ bỏ nước Y-sơ-ra-ên phía bắc không được làm thầy tế lễ cho Ngài nữa?
◻ Khi nước Giu-đa tỏ ra trung thành, họ có địa vị nào trước các nước?
◻ Những người nhập đạo trung thành có địa vị nào trong xứ Y-sơ-ra-ên?
◻ Hội thánh được xức dầu hợp thành một nước thầy tế lễ như thế nào?
[Hình nơi trang 16]
Là chức tế lễ nhà vua, tín đồ đấng Christ được xức dầu tuyên bố sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va trên đất
[Hình nơi trang 18]
Sự ứng nghiệm cuối cùng câu Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6 là Nước Trời