PHẦN BỐN
Mặc cảm tội lỗi—‘Xin hãy làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi’
“Công việc mới của tôi đã cải thiện mức sống của gia đình, nhưng nó cũng khiến tôi tham gia vào nhiều hoạt động không phù hợp. Tôi bắt đầu ăn mừng các ngày lễ, tham dự các sự kiện chính trị và thậm chí đi nhà thờ. Tôi là một Nhân Chứng Giê-hô-va đã ngưng hoạt động trong 40 năm. Thời gian càng trôi qua, tôi càng nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không thể tha thứ cho mình. Tôi cảm thấy mình không thể tha thứ cho bản thân, vì dù sao đi nữa tôi cũng đã biết sự thật trước khi bước vào con đường lầm lạc”.—Chị Martha.
Mặc cảm tội lỗi có thể là một gánh nặng vô cùng lớn. Vua Đa-vít viết: “Sự gian-ác tôi vượt qua đầu tôi; nó nặng quá cho tôi, khác nào một gánh nặng” (Thi-thiên 38:4). Một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã bị chìm ngập trong nỗi đau buồn quá lớn và cho rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ có thể tha thứ cho mình (2 Cô-rinh-tô 2:7). Kết luận như thế có đúng không? Ngay cả nếu anh chị phạm phải những tội lỗi rất nghiêm trọng, liệu có phải anh chị đã xa cách Đức Giê-hô-va đến mức ngài sẽ không bao giờ tha thứ cho anh chị? Không, không phải như vậy!
“Cho chúng ta biện-luận cùng nhau”
Đức Giê-hô-va không từ bỏ những người phạm tội mà đã ăn năn. Trên thực tế ngài quan tâm và muốn giúp họ! Trong dụ ngôn về người con hoang đàng, Chúa Giê-su ví Đức Giê-hô-va với một người cha đầy yêu thương có con trai bỏ nhà đi, theo đuổi một lối sống phóng đãng sa đọa. Theo thời gian, người con đó quyết định quay trở về nhà. “Khi [người con] còn ở đằng xa, người cha thấy anh thì động lòng thương xót, chạy đến ôm hôn anh trìu mến” (Lu-ca 15:11-20). Có phải anh chị muốn đến gần Đức Giê-hô-va hơn nhưng lại cảm thấy rằng mình “còn ở đằng xa” đối với ngài? Như người cha trong minh họa của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va cũng động lòng thương xót đối với anh chị. Ngài nóng lòng được chào đón anh chị quay trở lại.
Nhưng nói sao nếu anh chị nghĩ rằng tội lỗi của mình nghiêm trọng hoặc nhiều đến mức Đức Giê-hô-va không thể tha thứ? Xin hãy xem xét lời mời của ngài được ghi lại ở Ê-sai 1:18: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết”. Đúng vậy, dù tội lỗi có vẻ giống như màu đỏ nhuộm trên áo trắng không thể tẩy được, Đức Giê-hô-va vẫn có thể tha thứ.
Đức Giê-hô-va không muốn anh chị tiếp tục chịu đau khổ vì bị lương tâm cắn rứt. Vậy làm thế nào anh chị có thể cảm nghiệm sự khuây khỏa nhờ có được sự tha thứ của Đức Chúa Trời và lương tâm trong sạch? Hãy xem xét hai bước mà vua Đa-vít đã thực hiện. Thứ nhất, ông nói: “Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 32:5). Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va đã mời anh chị đến với ngài qua lời cầu nguyện và “biện-luận” cùng ngài. Hãy nhận lời mời đó. Hãy thú tội cùng Đức Giê-hô-va và chia sẻ với ngài những cảm xúc của anh chị. Từ kinh nghiệm bản thân, Đa-vít có thể cầu nguyện một cách tự tin: “Xin hãy... làm tôi được thanh-khiết về tội-lỗi tôi... Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”.—Thi-thiên 51:2, 17.
Thứ hai, Đa-vít nhận sự giúp đỡ từ người đại diện được Đức Chúa Trời bổ nhiệm, đó là nhà tiên tri Na-than (2 Sa-mu-ên 12:13). Ngày nay, Đức Giê-hô-va cung cấp các trưởng lão trong hội thánh. Họ đã được huấn luyện để giúp những người phạm tội nhưng biết ăn năn khôi phục lại tình bạn với Đức Giê-hô-va. Khi anh chị đến gặp các trưởng lão, họ sẽ dùng Kinh Thánh và dâng những lời cầu nguyện chân thành để xoa dịu lòng anh chị, làm giảm bớt hoặc xóa đi những cảm xúc tiêu cực của anh chị, và giúp anh chị được phục hồi về thiêng liêng.—Gia-cơ 5:14-16.
“Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình”
Phải thừa nhận rằng có lẽ anh chị cảm thấy việc thú tội với Đức Giê-hô-va và đến gặp các trưởng lão là hai trong số những việc khó làm nhất. Đa-vít hẳn đã cảm thấy như thế. Ông đã “nín-lặng” về tội lỗi của mình trong một thời gian (Thi-thiên 32:3). Tuy nhiên, sau này ông đã hiểu được những lợi ích của việc thú tội và thay đổi đường lối của mình.
Một lợi ích rất lớn là Đa-vít đã lấy lại được niềm vui. Ông viết: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình, được khỏa-lấp tội-lỗi mình!” (Thi-thiên 32:1). Ông cũng cầu nguyện: “Chúa ơi, xin mở môi tôi, rồi miệng tôi sẽ truyền ra sự ngợi-khen Chúa” (Thi-thiên 51:15). Việc được giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và lòng biết ơn về sự tha thứ của Đức Chúa Trời đã thôi thúc Đa-vít nói cho người khác biết về ngài.
Đức Giê-hô-va muốn anh chị cảm nghiệm được sự khuây khỏa nhờ có lương tâm trong sạch. Ngài cũng muốn anh chị nói cho người khác biết về ngài và ý định của ngài, không phải trong cảm giác tội lỗi, mà là với niềm vui sâu xa và lòng chân thành (Thi-thiên 65:1-4). Hãy nhớ đến lời mời gọi của ngài “để tội lỗi anh em được xóa sạch, hầu Đức Giê-hô-va mang lại kỳ thanh thản”.—Công vụ 3:19.
Đó là điều đã xảy ra với chị Martha. Chị kể lại: “Con trai tôi tiếp tục gửi cho tôi tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức!. Tôi xây dựng lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va từng chút một. Phần khó nhất trên con đường quay trở về là cầu xin sự tha thứ cho tất cả những tội lỗi mà tôi đã phạm. Nhưng cuối cùng, tôi đã đến với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và xin ngài tha thứ. Thật khó tin là 40 năm đã trôi qua trước khi tôi trở về với Đức Giê-hô-va. Tôi là một bằng chứng sống cho thấy rằng ngay cả sau nhiều năm, một người vẫn có thể được cho thêm cơ hội để phụng sự Đức Giê-hô-va và quay trở về với tình yêu thương của ngài”.