Chương mười ba
Sự cai trị của Đấng Mê-si đưa lại cứu rỗi và mừng rỡ
1. Hãy tả tình trạng thiêng liêng của dân trong giao ước với Đức Chúa Trời vào thời Ê-sai.
VÀO thời Ê-sai, dân trong giao ước với Đức Chúa Trời ở trong một tình trạng thiêng liêng tồi tệ. Thậm chí dưới triều những vua trung thành như Ô-xia và Giô-tham, nhiều người trong dân sự vẫn thờ tại những nơi cao. (2 Các Vua 15:1-4, 34, 35; 2 Sử-ký 26:1, 4) Khi lên làm vua, Ê-xê-chia đã phải trừ khỏi xứ các tượng chạm và những thực hành liên quan đến sự thờ phượng Ba-anh. (2 Sử-ký 31:1) Chẳng lấy làm lạ khi Đức Giê-hô-va kêu gọi dân sự trở lại với Ngài và cảnh cáo về hình phạt sẽ đến!
2, 3. Bất chấp sự bất trung đầy dẫy chung quanh, những người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va được Ngài cung cấp sự khích lệ nào?
2 Nhưng không phải tất cả đều bội nghịch. Đức Giê-hô-va có những tiên tri trung thành và chắc hẳn có những người Do Thái nghe lời họ. Đức Giê-hô-va cho những người này lời an ủi. Sau khi mô tả sự cướp phá khủng khiếp mà Giu-đa sẽ phải chịu trong thời gian A-si-ri xâm lăng, nhà tiên tri Ê-sai được soi dẫn để viết một trong các đoạn văn hay nhất trong toàn cuốn Kinh Thánh, một sự diễn tả về các ân phước sẽ đến dưới sự cai trị của Đấng Mê-si.a Một vài khía cạnh của những ân phước này đã được ứng nghiệm trong một phạm vi nhỏ khi dân Do Thái trở về quê hương từ xứ Ba-by-lôn, nơi họ bị lưu đày. Nhưng nói chung, lời tiên tri ứng nghiệm chính yếu vào thời nay. Đành rằng Ê-sai và những người Do Thái trung thành khác vào thời ông đã không được sống để nhìn thấy những ân phước đó, nhưng họ chờ đón những ân phước ấy bằng đức tin và sẽ được thấy sự ứng nghiệm của những lời của Ê-sai sau khi họ sống lại.—Hê-bơ-rơ 11:35.
3 Dân sự thời nay của Đức Giê-hô-va cũng cần sự khích lệ. Mọi người trong họ đều gặp thử thách vì sự suy đồi mau chóng của các giá trị đạo đức trên thế giới, sự chống đối ác độc đối với thông điệp Nước Trời và những yếu đuối cá nhân của chính họ. Những lời tuyệt diệu của Ê-sai về Đấng Mê-si và sự cai trị của ngài có thể củng cố và giúp dân sự của Đức Chúa Trời đương đầu với các thử thách này.
Đấng Mê-si—Vị Lãnh Đạo tài ba
4, 5. Ê-sai tiên tri gì về sự đến của Đấng Mê-si, và Ma-thi-ơ áp dụng những lời của Ê-sai như thế nào?
4 Nhiều thế kỷ trước thời Ê-sai, những người khác viết Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cũng nói về sự đến của Đấng Mê-si, Vị Lãnh Đạo chân chính được Đức Giê-hô-va sai đến nước Y-sơ-ra-ên. (Sáng-thế Ký 49:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18; Thi-thiên 118:22, 26) Bây giờ qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va cung cấp thêm chi tiết. Ê-sai viết: “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái”. (Ê-sai 11:1; so sánh Thi-thiên 132:11). “Chồi” và “nhánh”, cả hai cho thấy là Đấng Mê-si sẽ là dòng dõi của Y-sai qua con ông là Đa-vít, người đã được xức dầu để làm vua Y-sơ-ra-ên. (1 Sa-mu-ên 16:13; Giê-rê-mi 23:5; Khải-huyền 22:16) Khi Đấng Mê-si chân chính tới thì “nhánh” này từ nhà Đa-vít sinh ra trái tốt.
5 Đấng Mê-si đã hứa chính là Chúa Giê-su. Người viết phúc âm là Ma-thi-ơ đã ám chỉ những lời nơi Ê-sai 11:1 khi nói rằng việc Chúa Giê-su được gọi là “người Na-xa-rét” đã làm ứng nghiệm lời của các đấng tiên tri. Vì lớn lên ở thành Na-xa-rét nên Chúa Giê-su được gọi là người Na-xa-rét, một danh có vẻ liên hệ tới từ Hê-bơ-rơ dịch là “nhánh” dùng nơi Ê-sai 11:1.b—Ma-thi-ơ 2:23, cước chú NW; Lu-ca 2:39, 40.
6. Theo lời tiên tri, Đấng Mê-si là nhà cai trị loại nào?
6 Đấng Mê-si sẽ là nhà cai trị loại nào? Phải chăng ngài sẽ giống A-si-ri tàn bạo, ngang ngạnh, đã hủy diệt vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái ở phía bắc? Dĩ nhiên là không. Ê-sai nói về Đấng Mê-si: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn-ngoan và thông-sáng, thần mưu-toan [“khuyên bảo”, “NW”] và mạnh-sức, thần hiểu-biết và kính-sợ Đức Giê-hô-va. Ngài lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui”. (Ê-sai 11:2, 3a) Đấng Mê-si được xức dầu, không phải bằng dầu theo nghĩa đen, nhưng bằng thánh linh của Đức Chúa Trời. Điều này đã xảy ra vào lúc Chúa Giê-su làm báp têm, khi Giăng Báp-tít thấy thánh linh của Đức Chúa Trời ngự xuống trên Chúa Giê-su dưới hình chim bồ câu. (Lu-ca 3:22) Thánh linh của Đức Giê-hô-va “ngự” trên Chúa Giê-su, và ngài cho thấy bằng chứng về điều này khi ngài hành động với sự khôn ngoan, thông sáng, khuyên bảo tuyệt vời, quyền năng và hiểu biết. Thật là những đức tính xuất sắc của một vị vua!
7. Chúa Giê-su hứa gì với các môn đồ trung thành của ngài?
7 Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng nhận được thánh linh. Trong một bài giảng của ngài, Chúa Giê-su tuyên bố: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13) Do đó, chúng ta không bao giờ nên do dự xin Đức Chúa Trời ban cho thánh linh hoặc ngưng vun trồng các bông trái thánh linh tốt lành—đó là “yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. (Ga-la-ti 5:22, 23) Đức Giê-hô-va hứa đáp lại lời các môn đồ của Chúa Giê-su cầu xin “sự khôn-ngoan từ trên” để giúp họ thành công trong việc đối phó với các khó khăn trong cuộc sống.—Gia-cơ 1:5; 3:17.
8. Chúa Giê-su tìm thấy niềm vui trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào?
8 Sự kính sợ Đức Giê-hô-va mà Đấng Mê-si biểu lộ là gì? Chắc chắn Chúa Giê-su không khiếp sợ Đức Chúa Trời, sợ bị Ngài kết án. Đúng hơn, Đấng Mê-si kính sợ Đức Chúa Trời tột bực, một sự tôn kính kèm theo yêu thương. Một người kính sợ Đức Chúa Trời luôn luôn muốn “làm sự đẹp lòng Ngài” như Chúa Giê-su đã làm. (Giăng 8:29) Bằng lời nói và việc làm, Chúa Giê-su dạy rằng không có niềm vui nào lớn hơn là hàng ngày bước đi trong sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va.
Một Quan Án công bình và thương xót
9. Chúa Giê-su cho những ai có trách nhiệm phân xử các vấn đề trong hội thánh tín đồ Đấng Christ gương mẫu nào?
9 Ê-sai báo trước nhiều đức tính đặc biệt khác nữa của Đấng Mê-si: “Ngài... chẳng phán-xét theo mắt mình thấy, và chẳng cứ sự tai nghe mà đoán-định”. (Ê-sai 11:3b) Nếu bạn phải ra tòa, chẳng lẽ bạn lại không biết ơn một quan án như thế sao? Trong địa vị một Quan Án phán xét toàn thể nhân loại, Đấng Mê-si không bị dao động vì những sự tranh luận gian dối, xảo thuật lưu manh nơi tòa án, dư luận, hay các yếu tố bề ngoài như sự giàu có. Ngài có thể phát hiện được sự lừa dối và dù một người bề ngoài có vẻ đáng trách nhưng ngài nhận biết được “con người nội tâm”. (1 Phi-e-rơ 3:4, Trần Đức Huân) Gương toàn hảo của Chúa Giê-su phải là khuôn mẫu cho những ai có trách nhiệm phân xử các vấn đề trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.—1 Cô-rinh-tô 6:1-4.
10, 11. (a) Chúa Giê-su sửa sai các môn đồ ngài theo cách nào? (b) Chúa Giê-su thi hành sự phán xét nào trên kẻ ác?
10 Những đức tính tuyệt bực của Đấng Mê-si sẽ ảnh hưởng thế nào đến các phán quyết của ngài? Ê-sai giải thích: “Ngài sẽ dùng sự công-bình xét-đoán kẻ nghèo, và xử lẽ ngay-thẳng cho kẻ nhu-mì trên đất. Ngài sẽ đánh thế-gian bằng cái gậy của miệng mình, và lấy hơi-thở nơi môi mà giết kẻ ác. Sự công-bình sẽ làm dây thắt lưng của Ngài, sự thành-tín sẽ làm dây ràng hông”.—Ê-sai 11:4, 5.
11 Khi các môn đồ cần được sửa sai, Chúa Giê-su sửa theo cách đem lại cho họ nhiều lợi ích nhất. Đây quả là một gương tuyệt hảo cho các trưởng lão đạo Đấng Christ. Mặt khác, những ai thực hành gian ác sẽ phải chịu sự phán xét nghiêm khắc. Khi Đức Chúa Trời phán xét hệ thống mọi sự này, Đấng Mê-si sẽ “đánh thế-gian” bằng giọng nói uy quyền, ban hành lệnh phán xét hủy diệt toàn thể kẻ ác. (Thi-thiên 2:9; so sánh Khải-huyền 19:15). Cuối cùng sẽ không còn một người ác nào để quấy rối sự hòa bình của con người nữa. (Thi-thiên 37:10, 11) Chúa Giê-su, với sự công bình và trung tín thắt nơi ngang lưng và hông, có quyền lực để hoàn thành điều này.—Thi-thiên 45:3-7.
Tình trạng trên đất thay đổi
12. Một người Do Thái có thể có những lo ngại nào khi suy nghĩ đến việc rời Ba-by-lôn để trở về Đất Hứa?
12 Chúng ta hãy hình dung một người Y-sơ-ra-ên khi vừa biết Si-ru ban lệnh cho người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem để tái thiết đền thờ. Anh có bỏ sự an toàn ở Ba-by-lôn để về quê hương bằng một cuộc hành trình dài đằng đẵng không? Trong thời gian 70 năm Y-sơ-ra-ên vắng bóng, đồng ruộng trở thành hoang vu đầy cỏ dại. Chó sói, beo, sư tử và gấu tự do đi lang thang khắp đồng ruộng. Rắn hổ mang cũng làm ổ ở đó nữa. Những người Do Thái hồi hương sẽ phải tùy thuộc vào gia súc để sống còn—chiên bò cung cấp sữa, len, thịt, và bò đực dùng để kéo cày. Những gia súc này có trở thành mồi cho thú dữ không? Trẻ em sẽ bị rắn cắn không? Còn về hiểm nguy trên cuộc hành trình thì sao?
13. (a) Ê-sai vẽ ra bức tranh nào làm ấm lòng? (b) Làm sao chúng ta biết là nền hòa bình mà Ê-sai diễn tả không đơn thuần là an toàn với thú dữ mà bao hàm nhiều điều khác nữa?
13 Bây giờ Ê-sai vẽ ra một bức tranh làm ấm lòng về những tình trạng mà Đức Chúa Trời sẽ đem lại cho xứ. Ông nói: “Bấy giờ muông-sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư-tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư-tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề ổ rắn hổ-mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”. (Ê-sai 11:6-9) Những lời này không làm ấm lòng sao? Hãy lưu ý là sự hòa bình miêu tả ở đây là kết quả của sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va. Do đó, hòa bình không đơn thuần là an toàn với thú dữ mà bao hàm nhiều điều khác nữa. Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va sẽ không làm cho thú vật thay đổi, nhưng sẽ ảnh hưởng đến người ta. Trên đường về quê hương cũng như trong đất được khôi phục, người Y-sơ-ra-ên không phải lo sợ thú dữ hoặc người dữ như thú.—E-xơ-ra 8:21, 22; Ê-sai 35:8-10; 65:25.
14. Ê-sai 11:6-9 có sự ứng nghiệm lớn hơn nào?
14 Tuy nhiên, lời tiên tri này có một sự ứng nghiệm rộng lớn hơn. Vào năm 1914, Chúa Giê-su, tức là Đấng Mê-si, lên ngôi vua ở Núi Si-ôn trên trời. Vào năm 1919, những người còn sót lại thuộc “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” được giải thoát khỏi sự phu tù của Ba-by-lôn và tham dự vào việc tái lập sự thờ phượng thật. (Ga-la-ti 6:16) Điều này mở đường cho lời tiên tri của Ê-sai về Địa Đàng được ứng nghiệm vào thời nay. “Sự hiểu biết chính xác”, tức sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va, đã làm thay đổi nhân cách. (Cô-lô-se 3:9, 10, NW) Người hung bạo trước đây trở thành người hiếu hòa. (Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:17-24) Những diễn tiến này nay đã ảnh hưởng đến nhiều triệu người, bởi vì lời tiên tri của Ê-sai bao gồm cả tín đồ Đấng Christ có hy vọng sống trên đất mà con số đang gia tăng nhanh chóng. (Thi-thiên 37:29; Ê-sai 60:22) Những người này trông chờ thời kỳ toàn thể trái đất sẽ được khôi phục thành một địa đàng hòa bình và an ninh, đúng theo ý định ban đầu của Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 6:9, 10; 2 Phi-e-rơ 3:13.
15. Chúng ta có lý do để kỳ vọng những lời của Ê-sai được ứng nghiệm theo nghĩa đen trong thế giới mới không? Hãy giải thích.
15 Trong Địa Đàng được khôi phục đó, phải chăng lời tiên tri của Ê-sai sẽ ứng nghiệm lần nữa, có thể là theo nghĩa đen? Nghĩ như thế dường như hợp lý. Theo lời tiên tri, những người sống dưới sự cai trị của Đấng Mê-si sẽ được hưởng cùng một sự bảo đảm mà những người Y-sơ-ra-ên hồi hương xưa được hưởng; họ và con cái họ sẽ không cảm thấy bị đe dọa bởi người hay thú vật làm hại. Dưới sự cai trị của Nước Đấng Mê-si, tất cả dân cư trên đất đều sẽ vui hưởng tình trạng hòa bình giống như A-đam và Ê-va được hưởng ở vườn Ê-đen. Dĩ nhiên, Kinh Thánh không tiết lộ mọi chi tiết về đời sống ở vườn Ê-đen như thế nào—hay về đời sống ở Địa Đàng ra sao. Dù sao chúng ta có thể tin chắc là dưới sự cai trị khôn ngoan và đầy yêu thương của Vua Giê-su Christ, mọi sự sẽ thỏa đáng.
Sự thờ phượng thanh sạch được tái lập qua Đấng Mê-si
16. Cái gì đứng lên làm dấu hiệu cho dân của Đức Chúa Trời vào năm 537 TCN?
16 Sự thờ phượng thanh sạch bị tấn công trước nhất ở vườn Ê-đen khi Sa-tan thành công trong việc lôi cuốn A-đam và Ê-va không vâng lời Đức Chúa Trời. Cho tới ngày nay, Sa-tan không từ bỏ mục tiêu của hắn là khiến càng nhiều người càng tốt xoay bỏ Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ để cho sự thờ phượng thanh sạch bị biến khỏi mặt đất. Vì việc này có liên hệ đến danh Ngài và vì Ngài quan tâm đến những người phụng sự Ngài. Do đó, qua Ê-sai, Ngài công bố một lời hứa long trọng: “Xảy ra trong ngày đó, rễ Y-sai đứng lên làm cờ [“dấu hiệu”, “NW”] cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài, nơi an-nghỉ của Ngài sẽ được vinh-hiển”. (Ê-sai 11:10) Hồi năm 537 TCN, Giê-ru-sa-lem, thành mà vua Đa-vít lập làm thủ đô của quốc gia, được dùng làm một dấu hiệu cho số người trung thành sót lại của dân Do Thái tản lạc trở về và tái thiết đền thờ.
17. Chúa Giê-su dấy lên “cai-trị” các nước vào thế kỷ thứ nhất và trong thời kỳ chúng ta như thế nào?
17 Tuy nhiên, lời tiên tri còn cho thấy nhiều hơn nữa. Như chúng ta đã thấy, lời tiên tri này nói tới sự cai trị của Đấng Mê-si, Người Lãnh Đạo chân chính và duy nhất cho toàn thể các dân. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn câu Ê-sai 11:10 để cho thấy là vào thời ông, dân ngoại cũng có một chỗ đứng trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Trích câu này từ bản dịch Septuagint, ông viết: “Ê-sai cũng nói rằng: Từ cội-rễ Gie-sê sẽ nứt lên cái chồi cai-trị dân ngoại, dân ngoại sẽ trông-cậy chồi ấy”. (Rô-ma 15:12) Hơn nữa, lời tiên tri còn bao trùm một thời kỳ xa hơn—đến tận thời kỳ chúng ta khi dân các nước bày tỏ lòng yêu thương của họ đối với Đức Giê-hô-va bằng cách ủng hộ anh em xức dầu của Đấng Mê-si.—Ê-sai 61:5-9; Ma-thi-ơ 25:31-40.
18. Trong thời chúng ta, Chúa Giê-su tựa như một địa điểm tập họp như thế nào?
18 Trong sự ứng nghiệm tân thời, “ngày đó” mà Ê-sai nói tới bắt đầu khi Đấng Mê-si được phong làm Vua Nước Đức Chúa Trời trên trời vào năm 1914. (Lu-ca 21:10; 2 Ti-mô-thê 3:1-5; Khải-huyền 12:10) Kể từ đó, Chúa Giê-su Christ là một dấu hiệu rõ ràng, tựa như một địa điểm tập họp cho dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và cho dân các nước, những người hằng khao khát chính phủ công bình. Dưới sự hướng dẫn của Đấng Mê-si, tin mừng về Nước Trời đã được đem đến cho các nước, như Chúa Giê-su đã báo trước. (Ma-thi-ơ 24:14; Mác 13:10) Tin mừng này có một hiệu lực mạnh mẽ. Một đám đông “vô-số người không ai đếm được, bởi mọi nước” đang phục tùng Đấng Mê-si bằng cách kết hợp với lớp người xức dầu còn sót lại trong sự thờ phượng thanh sạch. (Khải-huyền 7:9) Khi nhiều người mới đến kết hợp với lớp người sót lại trong “nhà cầu-nguyện” thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, họ góp thêm vào sự vinh hiển của “nơi an-nghỉ” của Đấng Mê-si, tức đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Chúa Trời.—Ê-sai 56:7; A-ghê 2:7.
Một dân tộc hợp nhất phụng sự Đức Giê-hô-va
19. Đức Giê-hô-va khôi phục số người sót lại thuộc dân sự của Ngài tản mát khắp đất trong hai dịp nào?
19 Kế đó, Ê-sai nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên là trước đây Đức Giê-hô-va đã từng giải cứu họ khi dân tộc bị kẻ thù hùng mạnh hà hiếp. Phần này trong lịch sử Y-sơ-ra-ên—Đức Giê-hô-va giải phóng dân tộc khỏi sự nô lệ của Ê-díp-tô—là một cái gì yêu dấu trong tâm hồn của tất cả những người Do Thái trung thành. Ê-sai viết: “Trong ngày đó, Chúa còn đặt tay một lần nữa đặng chuộc dân sót của Ngài, tức là kẻ sót lại bởi A-si-ri, Ê-díp-tô, Pha-trô, Cút, Ê-lam, Si-nê-a, Ha-mát cùng các cù-lao biển. Chúa sẽ dựng một cây cờ [“dấu hiệu”, “NW”] cho các nước; nhóm những người Y-sơ-ra-ên bị đuổi, thâu những người Giu-đa lưu-lạc, từ bốn góc đất”. (Ê-sai 11:11, 12) Như thể cầm lấy tay họ, Đức Giê-hô-va sẽ dẫn số người sót lại trung thành của cả Y-sơ-ra-ên lẫn Giu-đa ra khỏi các nước mà họ đã bị tan lạc và đem họ về quê hương bình yên. Trên bình diện nhỏ, điều này đã xảy ra vào năm 537 TCN. Tuy nhiên sự ứng nghiệm chính yếu sẽ vinh quang hơn biết chừng nào! Vào năm 1914, Đức Giê-hô-va đã dấy Vua Giê-su Christ lên làm “một dấu hiệu cho các nước”. Bắt đầu từ năm 1919, những người còn sót lại của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” khởi sự kéo đến dấu hiệu này, nhiệt thành tham gia vào sự thờ phượng thanh sạch dưới sự cai trị của Nước Trời. Dân tộc thiêng liêng có một không hai này ra từ “mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước”.—Khải-huyền 5:9.
20. Dân sự của Đức Giê-hô-va sẽ vui hưởng sự hợp nhất nào khi từ Ba-by-lôn trở về?
20 Bây giờ Ê-sai miêu tả sự hợp nhất của quốc gia được khôi phục. Ám chỉ vương quốc phía bắc bằng tên Ép-ra-im và vương quốc phía nam bằng tên Giu-đa, ông nói: “Bấy giờ sự ghen-tương của Ép-ra-im sẽ mất, kẻ khuấy-rối Giu-đa sẽ bị trừ đi; Ép-ra-im không ghen-ghét Giu-đa nữa, Giu-đa không khuấy-rối Ép-ra-im nữa. Chúng nó sẽ bay trên vai dân Phi-li-tin về phía tây; cùng nhau cướp-giựt con-cái phương đông; tra tay trên Ê-đôm và Mô-áp; con-cái Am-môn sẽ vâng-phục họ”. (Ê-sai 11:13, 14) Khi người Do Thái từ Ba-by-lôn trở về, họ sẽ không còn bị chia ra làm hai nước nữa. Những người thuộc mọi chi phái của Y-sơ-ra-ên sẽ hợp nhất trở về quê hương của họ. (E-xơ-ra 6:17) Họ sẽ không còn thù hận ghen ghét lẫn nhau nữa. Là một dân tộc hợp nhất, họ sẽ ở thế chiến thắng khi chống kẻ thù của họ trong các dân tộc chung quanh.
21. Sự hợp nhất của dân sự Đức Chúa Trời ngày nay thật đáng chú ý như thế nào?
21 Sự hợp nhất của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” đáng cảm kích hơn nữa. Trong gần 2.000 năm nay, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng gồm 12 chi phái tượng trưng đã vui hưởng một sự hợp nhất dựa trên tình yêu đối với Đức Chúa Trời và với các anh chị thiêng liêng của họ. (Cô-lô-se 3:14; Khải-huyền 7:4-8) Ngày nay, dân sự của Đức Giê-hô-va—cả dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng lẫn những người có hy vọng sống trên đất—vui hưởng sự bình an và sự hợp nhất quốc tế dưới sự cai trị của Đấng Mê-si, những trạng thái mà các giáo hội của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ không hề biết. Nhân Chứng Giê-hô-va dựng lên một chiến tuyến thiêng liêng hợp nhất chống lại nỗ lực của Sa-tan nhằm quấy rối sự thờ phượng của họ. Với tư cách một dân tộc hợp nhất, họ thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giê-su là rao giảng và dạy dỗ tin mừng về Nước của Đấng Mê-si trong các nước.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
Vượt qua những chướng ngại vật
22. Đức Giê-hô-va sẽ “làm cạn-tắt giải biển Ê-díp-tô” và “vung tay trên Sông cái” như thế nào?
22 Có rất nhiều trở ngại, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khi dân Y-sơ-ra-ên từ xứ phu tù trở về quê hương. Họ sẽ vượt qua bằng cách nào? Ê-sai nói: “Đức Giê-hô-va sẽ làm cạn-tắt giải biển Ê-díp-tô; vung tay trên Sông cái bởi gió cháy của Ngài, đánh mà chia ra làm bảy suối, và khiến người ta có thể đi qua không ướt dép”. (Ê-sai 11:15) Chính Đức Giê-hô-va là Đấng sẽ giải tỏa tất cả những trở ngại trên đường trở về của dân Ngài. Thậm chí chướng ngại vật khó khăn như là giải Biển Đỏ (như Vịnh Suez), hoặc Sông Ơ-phơ-rát mênh mông không thể lội qua, cũng sẽ cạn đi, nói theo nghĩa bóng, để một người có thể băng qua mà không phải cởi dép!
23. “Sẽ có một đường cái cho dân sót của Ngài, là những kẻ sót lại bởi A-si-ri” như thế nào?
23 Vào thời Môi-se, Đức Giê-hô-va đã chuẩn bị một con đường để dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi xứ Ê-díp-tô và tiến về Đất Hứa. Bây giờ Ngài sẽ làm tương tự như vậy: “Sẽ có một đường cái cho dân sót của Ngài, là những kẻ sót lại bởi A-si-ri, cũng như đã có một đường cái cho Y-sơ-ra-ên trong ngày họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô vậy”. (Ê-sai 11:16) Đức Giê-hô-va sẽ dẫn dân phu tù trở về như thể họ bước trên một con đường cái từ nơi lưu đày đến quê hương của họ. Những kẻ chống đối sẽ cố gắng chặn họ lại, nhưng Đức Chúa Trời của họ là Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng họ. Cũng vậy, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu và bạn đồng hành của họ ngày nay bị tấn công một cách ác độc, nhưng họ can đảm tiến tới! Họ đã ra khỏi A-si-ri tân thời tức thế giới của Sa-tan, và họ giúp người khác cùng làm như vậy. Họ biết rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ thành công và hưng thịnh. Đó không phải là việc của con người mà là của Đức Chúa Trời.
Thần dân của Đấng Mê-si vui mừng mãi mãi!
24, 25. Dân sự Đức Giê-hô-va sẽ cất tiếng lớn khen ngợi và cảm tạ bằng những lời nào?
24 Bằng những lời vui mừng, bây giờ Ê-sai miêu tả niềm hân hoan của dân sự Đức Chúa Trời trước sự ứng nghiệm lời của Ngài: “Trong ngày đó, ngươi sẽ nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cảm-tạ Chúa; vì Chúa vốn giận tôi, nhưng cơn giận Chúa đã lánh khỏi, và Chúa yên-ủi tôi”. (Ê-sai 12:1) Đức Giê-hô-va đã giáng cho dân sự ương ngạnh của Ngài hình phạt nặng nề. Nhưng hình phạt ấy đạt được mục tiêu của nó là hàn gắn mối quan hệ giữa dân tộc với Ngài và tái lập sự thờ phượng thanh sạch. Đức Giê-hô-va cam kết với những người thờ phương trung thành của Ngài một lần nữa là cuối cùng, Ngài sẽ cứu họ. Thảo nào họ biểu lộ lòng biết ơn!
25 Những người Y-sơ-ra-ên được khôi phục hoàn toàn xác nhận niềm tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, họ kêu lên: “Nầy, Đức Chúa Trời là sự cứu-rỗi tôi; tôi sẽ tin-cậy và không sợ-hãi. Vì Đức Giê-hô-va, chính [“Gia”, “NW”], Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi, lời ca-tụng của tôi; Ngài đã nên sự cứu-rỗi tôi. Vậy nên các ngươi sẽ vui-vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu”. (Ê-sai 12:2, 3). Chữ Hê-bơ-rơ được dịch ra là “sức-mạnh” nơi câu 2, được dịch là “sự ca ngợi” trong bản dịch Septuagint. Những người thờ phượng bật lên tiếng ca trước sự cứu rỗi từ “Gia, Đức Giê-hô-va”. “Gia” là chữ viết tắt của danh Giê-hô-va, được dùng trong Kinh Thánh để truyền đạt cảm giác cao độ về sự khen ngợi và biết ơn. Việc dùng từ “Gia, Đức Giê-hô-va”—lặp lại hai lần danh Đức Chúa Trời—nói lên cường độ ca tụng Đức Chúa Trời tới mức cao hơn nữa.
26. Ngày nay, ai là những người rao truyền công việc của Đức Chúa Trời giữa các nước?
26 Những người chân thành thờ phượng Đức Giê-hô-va không thể giữ sự vui mừng cho riêng mình. Ê-sai báo trước: “Trong ngày đó các ngươi sẽ nói rằng: Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va; hãy kêu-cầu danh Ngài; hãy rao mọi việc của Ngài ra trong các dân-tộc! Hãy xưng danh Ngài là tôn-trọng! Hãy ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công-việc rực-rỡ: nên phô cho thế-gian đều biết!” (Ê-sai 12:4, 5) Kể từ năm 1919, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu—sau này được bạn đồng hành của họ là các “chiên khác” giúp đỡ—đã ‘rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi họ ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng-lạng lạ lùng của Ngài’. Họ là “dòng-giống được lựa-chọn,... là dân thánh” được tách riêng ra cho mục tiêu này. (Giăng 10:16; 1 Phi-e-rơ 2:9) Những người được xức dầu công bố là thánh danh của Đức Giê-hô-va phải được tôn vinh và họ tham dự vào việc rao truyền danh ấy trên khắp đất. Họ dẫn đầu tất cả những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, vui mừng trong sự cứu rỗi mà Ngài cung cấp. Họ thốt lên giống như Ê-sai: “Hỡi dân-cư Si-ôn, hãy kêu lên to tiếng! Vì Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên là tôn-trọng giữa ngươi”. (Ê-sai 12:6) Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên là chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Nhìn về tương lai với niềm tin chắc!
27. Trong khi chờ đợi hy vọng được thành tựu, các tín đồ Đấng Christ phải tin tưởng vào điều gì?
27 Ngày nay, hàng triệu người kéo đến “dấu hiệu cho các nước”—tức Chúa Giê-su Christ đang trên ngôi vua Nước Trời. Họ mừng rỡ được làm công dân của Nước đó; họ nô nức được biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài. (Giăng 17:3) Họ tìm được niềm hạnh phúc lớn lao trong tình anh em tín đồ Đấng Christ hợp nhất và hết sức cố gắng duy trì sự bình an vốn là dấu hiệu của các tôi tớ thật của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 54:13) Tin chắc Gia Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời luôn thực hiện lời hứa của Ngài, họ tràn trề hy vọng và sung sướng đi chia sẻ điều đó với người khác. Mong mỗi người thờ phượng Đức Giê-hô-va tiếp tục dùng hết sức mình để phụng sự Đức Chúa Trời và giúp người khác làm như vậy. Mong tất cả chúng ta để lời của Ê-sai vào lòng và vui mừng trong sự cứu rỗi qua Đấng Mê-si của Đức Giê-hô-va!
[Chú thích]
a “Đấng Mê-si” xuất xứ từ chữ Hê-bơ-rơ là ma·shiʹach, nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Từ Hy Lạp tương đương là Khri·stosʹ, hay là “Đấng Christ”.—Ma-thi-ơ 2:4, cước chú NW.
b Từ Hê-bơ-rơ dịch ra “nhánh” là neʹtser, và để chỉ “người Na-xa-rét” là Nots·riʹ.
[Hình nơi trang 158]
Đấng Mê-si là “một chồi” ra từ Y-sai, qua Vua Đa-vít
[Trang hình ảnh nơi trang 162]
[Hình nơi trang 170]
Ê-sai 12:4, 5, như được thấy trong các Cuộn Biển Chết (Danh của Đức Chúa Trời mỗi lần xuất hiện được tô đậm)