Chương mười bốn
Đức Giê-hô-va triệt hạ một thành kiêu ngạo
1. Bây giờ sách Ê-sai nhắm tới thời kỳ xa hơn nào?
SÁCH tiên tri Ê-sai được viết vào thế kỷ thứ tám TCN, trong thời gian quân A-si-ri xâm lăng Đất Hứa. Như chúng ta đã thấy trong các chương trước của sách Ê-sai, Ê-sai tiên tri rất chính xác các biến cố tuần tự xảy ra. Tuy nhiên, sách không chỉ giới hạn trong thời kỳ A-si-ri hùng mạnh mà còn vượt xa hơn. Sách cũng báo trước sự trở về của dân trong giao ước với Đức Giê-hô-va bị lưu đày từ nhiều nước, gồm cả Si-nê-a, nơi Ba-by-lôn tọa lạc. (Ê-sai 11:11) Trong chương 13 sách Ê-sai, chúng ta thấy một lời tiên tri đáng chú ý mà sự ứng nghiệm của nó sẽ mở đường cho sự trở về như thế. Lời tiên tri này được giới thiệu bằng những lời như sau: “Gánh-nặng [“Tuyên ngôn”, “NTT”] về Ba-by-lôn, mà Ê-sai, con trai A-mốt, đã thấy”.—Ê-sai 13:1.
‘Ta sẽ hạ sự tự-cao’
2. (a) Ê-xê-chia liên hệ với Ba-by-lôn như thế nào? (b) “Cờ” được dựng lên là gì?
2 Trong suốt đời Ê-sai, Giu-đa liên hệ với Ba-by-lôn. Vua Ê-xê-chia bị bệnh nặng, rồi hồi phục. Các đại sứ từ Ba-by-lôn đến chúc mừng vua được khỏi bệnh, nhưng cũng có thể có mục tiêu bí mật là thuyết phục Ê-xê-chia đồng minh với mình để đánh lại A-si-ri. Vua Ê-xê-chia thiếu khôn ngoan, cho họ xem hết kho tàng của mình. Điều này khiến Ê-sai cho Ê-xê-chia biết là sau khi vua chết, tất cả của cải đó sẽ bị đem sang Ba-by-lôn. (Ê-sai 39:1-7) Điều này thành sự thật vào năm 607 TCN khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy và dân sự bị bắt đi lưu đày. Tuy nhiên, dân riêng của Đức Chúa Trời sẽ không ở Ba-by-lôn mãi mãi. Đức Giê-hô-va báo trước Ngài sẽ mở đường để họ trở về quê hương như thế nào. Ngài bắt đầu nói: “Hãy dựng cờ trên núi trọi! Hãy cất tiếng kêu chúng nó, lấy tay mà ngoắt, cho người ta vào các cửa người sang-trọng!” (Ê-sai 13:2) “Cờ” là một cường quốc thế giới đang nổi lên sẽ đánh bật Ba-by-lôn khỏi địa vị bá chủ. Nó sẽ được lập “trên núi trọi”—có thể thấy rõ từ đằng xa. Được gọi đến để tấn công Ba-by-lôn, tân cường quốc thế giới ấy sẽ dùng sức mạnh để xông qua “các cửa của người sang-trọng”, tức các cửa của thành lớn đó và sẽ chiếm lấy.
3. (a) “Binh thánh” là ai mà Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên? (b) Quân lính dân ngoại là “thánh” theo nghĩa nào?
3 Đức Giê-hô-va bây giờ nói: “Chính ta đã truyền lịnh cho kẻ ta đã biệt riêng ra [“binh thánh”, “NTT”], và đã gọi những người mạnh-mẽ của ta đến sự thạnh-nộ, họ vui-mừng vì cớ sự cao-trọng của ta. Có tiếng xôn-xao của đoàn-lũ trên các núi, dường như tiếng xôn-xao của một dân đông! Ấy là tiếng ồn-ào các nước của các dân-tộc nhóm lại! Đức Giê-hô-va vạn-quân điểm-soát đạo-quân mình để ra trận”. (Ê-sai 13:3, 4) Những “binh thánh” là ai mà được bổ nhiệm để triệt hạ Ba-by-lôn kiêu ngạo kia? Họ là quân đội các nước hỗn hợp, tức “các dân-tộc nhóm lại”. Họ từ vùng đồi núi xa xôi xuống để đánh Ba-by-lôn. Chúng “đến từ phương xa, từ nơi rất xa trên trời”. (Ê-sai 13:5) Họ là thánh theo nghĩa nào? Chắc chắn không phải theo nghĩa thánh thiện. Họ là quân lính dân ngoại không hề chú ý đến việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, “thánh” có nghĩa là “biệt riêng ra để Đức Chúa Trời dùng”. Đức Giê-hô-va có thể biệt riêng quân của các nước và dùng tham vọng ích kỷ của họ để biểu lộ cơn thịnh nộ của Ngài. Ngài đã dùng A-si-ri theo cách này. Ngài sẽ dùng Ba-by-lôn tương tự như vậy. (Ê-sai 10:5; Giê-rê-mi 25:9) Và Ngài sẽ dùng các nước khác để trừng phạt Ba-by-lôn.
4, 5. (a) Đức Giê-hô-va báo trước gì về Ba-by-lôn? (b) Đạo quân tấn công Ba-by-lôn sẽ phải đương đầu với những gì?
4 Ba-by-lôn chưa phải là cường quốc bá chủ thế giới. Song, khi tuyên bố qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va nhìn thấy trước thời kỳ nó sẽ chiếm địa vị đó, và Ngài cũng nói trước sự sụp đổ của nó nữa. Ngài nói: “Các ngươi khá than-khóc! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần: ngày đó đến như cơn tai-nạn đến bởi Đấng Toàn-năng”. (Ê-sai 13:6) Vâng, sự huênh hoang của Ba-by-lôn sẽ bị thay thế bằng sự than khóc đắng cay. Tại sao? Tại vì “ngày của Đức Giê-hô-va”, ngày Đức Giê-hô-va đoán xét nó.
5 Thế nhưng làm sao Ba-by-lôn có thể gặp tai nạn được? Vào thời điểm Đức Giê-hô-va định cho điều này xảy đến, thành dường như vững chắc. Quân xâm lăng trước nhất phải vượt tuyến phòng thủ thiên nhiên do Sông Ơ-phơ-rát tạo thành; sông chảy qua trung tâm thành phố, và người ta rẽ nước sông chảy vào mương hào biến mương hào đầy nước thành tuyến bảo vệ thành và để cung cấp nước uống cho thành. Rồi Ba-by-lôn cũng có những bức tường khổng lồ xây hai lớp, tạo ra cảm giác không thể nào xuyên thủng được. Hơn nữa, thành dự trữ đầy đủ lương thực. Sách Daily Bible Illustrations nói rằng Na-bô-nê-đô—vị vua cuối cùng của Ba-by-lôn—“đã bỏ ra nhiều công phu để dự trữ thực phẩm cho thành, và người ta tính là thực phẩm dự trữ đủ để nuôi dân cư trong hai mươi năm”.
6. Khi cuộc tấn công Ba-by-lôn như đã được báo trước diễn ra thì điều gì bất ngờ sẽ xảy đến?
6 Tuy nhiên, vẻ bề ngoài có thể đánh lừa. Ê-sai nói: “Vậy nên mọi tay đều yếu-đuối, lòng người đều tan-chảy. Chúng đều kinh-hoàng, bị sự đau-đớn thảm-sầu bắt lấy, quặn-thắt như đàn-bà đương đẻ; hớt-hơ hớt-hải nhìn nhau, mặt như mặt ngọn lửa [“bị lửa châm”, “NW”]!” (Ê-sai 13:7, 8) Khi quân thù xâm chiếm thành, sự thảnh thơi của dân cư sẽ bị thay thế bằng sự đau đớn bất thình lình và dữ dội như sự đau đớn của người đàn bà đang sinh đẻ. Lòng họ tan chảy vì kinh hãi. Vì bị tê liệt, tay họ yếu đuối, không còn khả năng chống cự được nữa. Mặt họ như “bị lửa châm” bởi sợ hãi và âu lo. Họ sẽ kinh ngạc nhìn nhau, lấy làm lạ sao thành hùng vĩ của họ lại có thể sụp đổ được.
7. “Ngày của Đức Giê-hô-va” nào đang đến, và hậu quả cho Ba-by-lôn sẽ là gì?
7 Tuy nhiên, thành ấy chắc chắn sẽ sụp đổ. Ba-by-lôn phải đối diện với ngày phán xét, một “ngày của Đức Giê-hô-va”; thật là một ngày đau đớn cho nó. Quan Án tối cao sẽ biểu lộ sự thịnh nộ của Ngài và giáng sự đoán phạt xứng đáng trên dân cư tội lỗi của Ba-by-lôn. Lời tiên tri nói: “Nầy, ngày Đức Giê-hô-va đến, là ngày hung-dữ, có sự thạnh-nộ và nóng-giận để làm đất nầy nên hoang-vu, và diệt những kẻ có tội khỏi đó”. (Ê-sai 13:9) Tương lai của Ba-by-lôn thật u ám. Nó như mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao không còn chiếu sáng. “Vì các ngôi sao và các đám sao trên trời sẽ chẳng chiếu sáng nữa; mặt trời mọc lên thì mờ-tối, mặt trăng không soi sáng đâu”.—Ê-sai 13:10.
8. Tại sao Đức Giê-hô-va ra lệnh hủy diệt Ba-by-lôn?
8 Tại sao thành kiêu ngạo này phải lãnh một số phận như thế? Đức Giê-hô-va trả lời: “Ta sẽ phạt thế-gian vì sự độc-ác nó, phạt kẻ dữ vì tội-lỗi chúng nó, làm cho kẻ kiêu hết kiêu, hạ sự tự-cao của kẻ bạo-ngược”. (Ê-sai 13:11) Đức Giê-hô-va sẽ đổ cơn thịnh nộ để trừng phạt Ba-by-lôn vì sự tàn bạo của nó đối với dân sự Ngài. Cả nước sẽ bị khổ vì sự gian ác của người Ba-by-lôn. Những vua chúa chuyên chế hợm hĩnh này sẽ không còn công khai khinh thường Đức Giê-hô-va nữa!
9. Điều gì chờ đợi Ba-by-lôn trong ngày phán xét của Đức Giê-hô-va?
9 Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ làm cho loài người hiếm-có hơn vàng quí, thật ta sẽ làm cho loài người hiếm-có hơn vàng ròng xứ Ô-phia”. (Ê-sai 13:12) Đúng vậy, thành sẽ còn ít dân cư và hoang vắng. Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Vậy nên, ta sẽ khiến các tầng trời rung-rinh, đất bị day-động lìa-khỏi chỗ mình, vì cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va vạn-quân, trong ngày Ngài nổi giận-dữ”. (Ê-sai 13:13) “Trời” của Ba-by-lôn, tức vô số thần và nữ thần, sẽ bị rung động, không thể giúp thành trong lúc hữu sự. “Đất”, tức Đế Quốc Ba-by-lôn, sẽ bị day động khỏi chỗ và sẽ đi vào lịch sử như bao nhiêu đế quốc khác đã chết. “Bấy giờ, ai nấy như con hươu bị đuổi, như bầy chiên không người nhóm lại, sẽ trở lại cùng dân mình, sẽ trốn về xứ mình”. (Ê-sai 13:14) Tất cả những người ngoại bang ủng hộ Ba-by-lôn sẽ bỏ rơi nó và chạy trốn, hy vọng thiết lập mối bang giao mới với cường quốc thế giới chiến thắng. Ba-by-lôn cuối cùng sẽ cảm nghiệm được sự đau đớn của một thành bị chinh phục, một sự đau đớn mà chính nó đã gây ra cho không biết bao nhiêu thành khác trong những ngày vinh quang của nó: “Kẻ nào người ta gặp được sẽ bị đâm; kẻ nào bị bắt sẽ ngã dưới lưỡi gươm. Con trẻ họ sẽ bị đập chết trước mắt họ, nhà bị cướp, vợ bị dâm-hãm”.—Ê-sai 13:15, 16.
Công cụ Đức Chúa Trời dùng để hủy diệt
10. Đức Giê-hô-va dùng ai để đánh bại Ba-by-lôn?
10 Đức Giê-hô-va sẽ dùng cường quốc nào để triệt hạ Ba-by-lôn? Khoảng 200 năm trước đó, Đức Giê-hô-va tiết lộ câu trả lời: “Nầy, ta sẽ xui người Mê-đi nghịch cùng họ, những người đó chẳng quí bạc, chẳng thích vàng; dùng cung đập-giập kẻ trai-trẻ, chẳng thương-xót đến thai trong lòng mẹ, mắt chẳng tiếc trẻ con. Ba-by-lôn, là sự vinh-hiển các nước, sự hoa-mĩ của lòng kiêu-ngạo người Canh-đê, sẽ giống như Sô-đôm và Gô-mô-rơ mà Đức Chúa Trời đã lật-đổ”. (Ê-sai 13:17-19) Ba-by-lôn tráng lệ sẽ sụp đổ, và công cụ mà Đức Giê-hô-va dùng để lật đổ nó sẽ là đạo binh từ Mê-đi, một nước xa xôi có nhiều đồi núi.a Cuối cùng, Ba-by-lôn sẽ hoang vu như những thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vô luân tột độ xưa kia.—Sáng-thế Ký 13:13; 19:13, 24.
11, 12. (a) Mê-đi trở thành cường quốc thế giới như thế nào? (b) Lời tiên tri về quân Mê-đi có nét khác thường nào?
11 Vào thời Ê-sai, cả Mê-đi lẫn Ba-by-lôn đều ở dưới ách đô hộ của A-si-ri. Khoảng một thế kỷ sau, vào năm 632 TCN, Mê-đi và Ba-by-lôn liên minh với nhau lật đổ Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ri. Điều này mở đường cho Ba-by-lôn trở thành cường quốc thế giới có ưu thế. Nó không ngờ là khoảng 100 năm sau đó, Mê-đi sẽ hủy diệt nó! Ai ngoài Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể nói trước một cách dạn dĩ như thế?
12 Sau khi cho biết ai là công cụ mà Ngài dùng để hủy diệt, Đức Giê-hô-va nói quân Mê-đi “chẳng quí bạc, chẳng thích vàng”. Thật là một nét khác thường đối với các binh sĩ dày dạn trong chiến trận! Học giả Kinh Thánh là Albert Barnes phát biểu: “Thật ra, chỉ có rất ít đạo quân xâm lăng không nuôi hy vọng thâu được chiến lợi phẩm”. Về phương diện này, Đức Giê-hô-va có nói đúng về quân Mê-đi không? Có. Hãy xem lời bình luận sau đây trong sách The Bible-Work của ông J. Glentworth Butler: “Không giống hầu hết các nước từng can dự vào chiến tranh, người Mê-đi và đặc biệt là người Phe-rơ-sơ không coi vàng bạc quan trọng bằng chiến thắng và vinh quang”.b Trước sự kiện này, không ai lấy làm ngạc nhiên về việc Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, khi thả dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi phu tù ở Ba-by-lôn, ông cũng trả lại cho họ hàng ngàn chậu bằng vàng, bằng bạc mà Nê-bu-cát-nết-sa cướp lấy từ đền thờ tại Giê-ru-sa-lem.—E-xơ-ra 1:7-11.
13, 14. (a) Mặc dù không thích chiến lợi phẩm, nhưng các chiến sĩ Mê-đi và Phe-rơ-sơ có những tham vọng nào? (b) Si-ru vượt qua được tuyến phòng thủ mà Ba-by-lôn tự hào như thế nào?
13 Mặc dù chiến sĩ Mê-đi và Phe-rơ-sơ không ham chiến lợi phẩm mấy, nhưng họ lại đầy tham vọng. Họ không hề muốn đứng hàng thứ hai sau bất cứ nước nào khác trên sân khấu thế giới. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va để “cuộc tàn phá” vào lòng họ. (Ê-sai 13:6, Trần Đức Huân) Do đó, với những cung cứng cáp—dùng để bắn tên hầu “đập-giập” quân thù, tức con cái của các bà mẹ Ba-by-lôn—họ cương quyết chinh phục Ba-by-lôn.
14 Si-ru, người chỉ huy đạo quân Mê-đi và Phe-rơ-sơ, không nao núng trước các công sự của Ba-by-lôn. Vào đêm mồng 5/6 tháng 10 năm 539 TCN, ông cho lệnh rẽ nước Sông Ơ-phơ-rát chảy sang hướng khác. Khi mực nước sông hạ xuống, quân xâm lăng lặng lẽ đột nhập thành, đi dọc theo lòng sông, lúc đó nước chỉ ngập tới đùi. Dân cư Ba-by-lôn bị đánh ụp bất ngờ, và Ba-by-lôn bị thất thủ. (Đa-ni-ên 5:30) Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã soi dẫn Ê-sai tiên tri những biến cố này, không còn gì để nghi ngờ về việc chính Ngài đã điều khiển sự việc.
15. Tương lai của Ba-by-lôn là gì?
15 Ba-by-lôn sẽ bị hủy diệt tới mức nào? Hãy nghe lời công bố của Đức Giê-hô-va: “Nó sẽ chẳng hề có người ở nữa, trải đời nọ sang đời kia không ai ở đó; người A-rạp không đóng trại tại đó, những kẻ chăn cũng chẳng cầm bầy mình ở đó. Song những thú rừng sẽ đến ở, và nhà-cửa đầy những chim cú; chim đà choán làm chỗ mình, dê đực lấy làm nơi nhảy-nhót. Sài-lang sủa trong cung-điện, chó rừng tru trong đền-đài vui-sướng. Kỳ nó đã gần đến, ngày nó sẽ không được dài nữa”. (Ê-sai 13:20-22) Hoang tàn hoàn toàn sẽ là số phận của thành.
16. Tình trạng hiện thời của Ba-by-lôn cho chúng ta niềm tin chắc nào?
16 Điều này không xảy ra ngay vào năm 539 TCN. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta thấy rõ là mọi điều Ê-sai tiên tri về Ba-by-lôn đã thành sự thật. Theo một nhà bình luận Kinh Thánh, Ba-by-lôn “trong nhiều thế kỷ cũng như bây giờ chỉ là một cảnh hoang tàn, một đống đổ nát”. Rồi ông nói thêm: “Không thể nào nhìn cảnh tượng này mà không nhớ tới các lời tiên tri của Ê-sai và của Giê-rê-mi đã ứng nghiệm chính xác như thế nào”. Rõ ràng, không người nào vào thời Ê-sai có thể tiên đoán Ba-by-lôn sẽ sụp đổ và cuối cùng thành hoang vu như thế. Nói cho cùng, việc Ba-by-lôn rơi vào tay người Mê-đi và Phe-rơ-sơ xảy ra vào khoảng 200 năm sau khi Ê-sai viết sách của ông! Và nó thành hoang vu hoàn toàn vào nhiều thế kỷ sau này. Điều này lại chẳng làm vững mạnh đức tin của chúng ta nơi Kinh Thánh là Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời sao? (2 Ti-mô-thê 3:16) Hơn nữa, trong quá khứ Đức Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm các lời tiên tri thì chúng ta có thể tuyệt đối tin rằng các lời tiên tri trong Kinh Thánh chưa được ứng nghiệm sẽ được thực hiện vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời.
‘Yên-nghỉ khỏi cơn buồn-bực’
17, 18. Việc Ba-by-lôn bại trận đem lại những ân phước nào cho dân Y-sơ-ra-ên?
17 Sự sụp đổ của Ba-by-lôn đem lại cho Y-sơ-ra-ên một sự nhẹ nhõm. Đó có nghĩa là họ được thả ra khỏi cảnh lưu đày và có cơ hội được trở về Đất Hứa. Do đó, bây giờ Ê-sai nói: “Đức Giê-hô-va sẽ thương-xót Gia-cốp; và còn lựa-chọn Y-sơ-ra-ên. Ngài sẽ lập chúng nó lại trong bổn-xứ; kẻ trú-ngụ sẽ phụ về chúng nó và liên-hiệp cùng nhà Gia-cốp. Các dân sẽ đem họ trở về bổn-xứ; nhà Y-sơ-ra-ên sẽ được chúng nó làm tôi trai tớ gái trong đất Đức Giê-hô-va. Chúng nó sẽ bắt làm phu-tù những kẻ đã bắt mình làm phu-tù, và quản-trị kẻ đã hà-hiếp mình”. (Ê-sai 14:1, 2) Chữ “Gia-cốp” ở đây ám chỉ toàn thể nước Y-sơ-ra-ên—tất cả 12 chi phái. Đức Giê-hô-va sẽ tỏ lòng thương xót đối với “Gia-cốp” bằng cách cho phép dân sự trở lại quê hương. Hàng ngàn người ngoại bang sẽ theo họ về, nhiều người trong số họ sẽ phục vụ người Y-sơ-ra-ên với tư cách tôi tớ hầu việc tại đền thờ. Một số người Y-sơ-ra-ên thậm chí sẽ có quyền hành trên những kẻ trước đây là người bắt giam họ nữa.c
18 Nỗi thống khổ của kiếp sống lưu đày sẽ chấm dứt. Thay vào đó, Đức Giê-hô-va sẽ cho dân Ngài “yên-nghỉ, khỏi cơn buồn-bực bối-rối, và sự phục-dịch nặng-nề mà người ta đã bắt ép [họ]”. (Ê-sai 14:3) Được giải thoát khỏi gánh nặng nô lệ, dân Y-sơ-ra-ên sẽ không còn phải chịu cảnh buồn bực và bối rối vì sống giữa những người thờ phượng thần giả nữa. (E-xơ-ra 3:1; Ê-sai 32:18) Bình luận về điều này, sách Lands and Peoples of the Bible phát biểu: “Đối với người Ba-by-lôn, thần của họ cũng giống như mỗi người trong họ; nếu tính nết họ có những khía cạnh tồi bại, thì các thần của họ cũng y như vậy. Các thần cũng hèn nhát, say sưa và đần độn”. Thật là nhẹ nhõm khi được thoát khỏi một môi trường tôn giáo đồi bại như thế!
19. Để được Đức Giê-hô-va tha tội, dân Y-sơ-ra-ên cần phải làm gì, và chúng ta học được gì từ điều này?
19 Tuy nhiên, không phải Đức Giê-hô-va thương xót vô điều kiện. Dân Ngài phải biểu lộ lòng ăn năn về sự gian ác của mình; bởi gian ác nên đã bị Đức Chúa Trời trừng phạt cách nặng nề. (Giê-rê-mi 3:25) Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ khi họ thật lòng thú tội. (Xin xem Nê-hê-mi 9:6-37; Đa-ni-ên 9:5). Ngày nay nguyên tắc này vẫn đúng. Vì “chẳng có người nào mà không phạm tội”, nên tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. (2 Sử-ký 6:36) Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thương xót, yêu thương mời gọi chúng ta thú tội với Ngài, ăn năn và từ bỏ bất cứ lối sống sai lầm nào để được Ngài chữa lành. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:31; Ê-sai 1:18; Gia-cơ 5:16) Điều này không những giúp chúng ta lấy lại ân huệ của Ngài mà còn đem đến cho chúng ta sự an ủi nữa.—Thi-thiên 51:1; Châm-ngôn 28:13; 2 Cô-rinh-tô 2:7.
“Lời thí-dụ” nghịch lại Ba-by-lôn
20, 21. Các nước láng giềng vui mừng trước sự sụp đổ của Ba-by-lôn như thế nào?
20 Hơn 100 năm trước khi Ba-by-lôn nổi lên làm cường quốc bá chủ thế giới, Ê-sai đã tiên tri phản ứng của thế giới trước sự sụp đổ của nó. Ông ra lệnh có tính cách tiên tri cho dân Y-sơ-ra-ên đã được thoát khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn: “Ngươi sẽ dùng lời thí-dụ nầy nói về vua Ba-by-lôn rằng: Sao kẻ bạo-ngược đã tiệt đi, thành ức-hiếp đã dứt đi! Đức Giê-hô-va đã bẻ gậy của người ác, và trượng của kẻ cai-trị! Ấy là kẻ đã nhân giận đánh các dân-tộc không thôi, dùng sự thạnh-nộ cai-trị các nước, và dùng sự bắt-bớ chẳng ai ngăn lại”. (Ê-sai 14:4-6) Ba-by-lôn đã gây được thanh thế, nổi tiếng là một kẻ chinh phục, một kẻ áp bức biến người đang tự do thành nô lệ. Thật là thích hợp biết bao để hoan nghênh sự sụp đổ của nó bằng một “lời thí-dụ”, nhắm chủ yếu vào triều đại Ba-by-lôn—bắt đầu với Nê-bu-cát-nết-sa và chấm dứt với Na-bô-nê-đô và Bên-xát-sa—là triều đại trị vì trong những ngày huy hoàng của thành lớn đó!
21 Sự sụp đổ của nó đưa đến một sự thay đổi lớn biết bao! “Cả đất được yên-nghỉ bình-tĩnh, trổi giọng hát mừng! Dầu đến cây tùng cây bách ở Li-ban cũng nhân cớ ngươi mà vui-mừng, và nói rằng: Từ khi ngươi ngã xuống rồi, không ai trèo lên để đốn ta nữa”. (Ê-sai 14:7, 8) Đối với các vua của Ba-by-lôn thì vua các nước láng giềng giống như cây; vua Ba-by-lôn có quyền chặt xuống và muốn dùng sao thì dùng. Song, không còn như thế nữa. Ba-by-lôn, kẻ đốn cây, đã chặt cây cuối cùng của mình rồi!
22. Được diễn tả bằng lời thơ, âm phủ bị ảnh hưởng thế nào trước sự sụp đổ của triều đại Ba-by-lôn?
22 Sự sụp đổ của Ba-by-lôn gây kinh ngạc đến độ chính mồ mả cũng phản ứng: “Nơi Âm-phủ sâu thăm-thẳm đã rúng-động vì cớ ngươi đặng rước ngươi đến. Nó đã vì ngươi đánh thức các âm-hồn, tức là những kẻ cả trên đất; nó đã làm cho vua các nước đứng dậy khỏi ngai mình. Hết thảy chúng nó sẽ cất tiếng nói cùng ngươi rằng: Kìa ngươi cũng yếu-đuối như chúng ta ư! Kìa ngươi cũng trở giống như chúng ta ư! Sự sang-trọng với tiếng đàn cầm của ngươi đều xuống nơi Âm-phủ. Một lớp dòi làm nệm cho ngươi, sâu-bọ thì làm mền!” (Ê-sai 14:9-11) Thật là một hình ảnh khủng khiếp được diễn tả bằng lời thơ! Như thể mồ mả chung của nhân loại đánh thức tất cả các vua tiền nhiệm của triều đại Ba-by-lôn đang trong cõi chết để đón chào hội viên mới. Họ nhạo báng cường quốc Ba-by-lôn giờ đây bất lực, nằm trên giường bằng dòi bọ thay vì trên trường kỷ sang trọng, đắp bằng giun trùng thay vì bằng vải khăn xa hoa.
“Khác nào thây chết bị giày-đạp dưới chân”
23, 24. Các vua Ba-by-lôn tỏ thái độ kiêu ngạo tột độ nào?
23 Ê-sai nói lời thí dụ tiếp: “Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày-đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào!” (Ê-sai 14:12) Tính tự cao ích kỷ đã thúc đẩy các vua Ba-by-lôn tự nâng mình lên trên các vua khác quanh họ. Giống như ngôi sao sáng chói trên bầu trời vào lúc sáng sớm, họ sử dụng quyền lực một cách kiêu ngạo. Một cớ làm cho họ đặc biệt kiêu ngạo là cuộc chinh phục Giê-ru-sa-lem của Nê-bu-cát-nết-sa, một chiến công mà A-si-ri không đạt được. Lời thí dụ miêu tả triều đại tự phụ của Ba-by-lôn như thể nó nói: “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối-cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất-Cao”. (Ê-sai 14:13, 14) Còn lời nào hỗn xược hơn không?
24 Trong Kinh Thánh, các vua thuộc hoàng tộc Đa-vít được ví như các ngôi sao. (Dân-số Ký 24:17) Kể từ Đa-vít trở đi, “các ngôi sao” này cai trị trên Núi Si-ôn. Sau khi Sa-lô-môn xây cất đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, tên Si-ôn bắt đầu được áp dụng cho cả thành. Dưới giao ước Luật Pháp, tất cả những người nam Y-sơ-ra-ên buộc phải về Si-ôn ba lần mỗi năm. Do đó, núi này trở thành “núi hội”. Khi cương quyết chinh phục và rồi truất phế các vua Giu-đa khỏi núi đó, Nê-bu-cát-nết-sa công bố ý định đặt mình lên trên “các ngôi sao” đó. Ông không qui công trạng nào cho Đức Giê-hô-va về cuộc chiến thắng của ông trên các vua ấy. Thay vì thế, ông lại kiêu ngạo đặt mình vào chỗ của Đức Giê-hô-va.
25, 26. Dòng vua Ba-by-lôn bị kết liễu nhục nhã như thế nào?
25 Thật là một tình thế đảo ngược dành cho triều đại Ba-by-lôn kiêu ngạo! Ba-by-lôn làm sao có thể nhắc lên trên các ngôi sao của Đức Chúa Trời được. Trái lại, Đức Giê-hô-va phán: “Ngươi phải xuống nơi Âm-phủ, sa vào nơi vực thẳm! Những kẻ thấy ngươi sẽ ngó-chăm ngươi; và nhìn ngươi cách ý-tứ, mà rằng: Có phải người nầy là kẻ đã làm rung-rinh đất, day-động các nước, làm cho thế-gian thành đồng vắng, lật-đổ các thành, và chẳng hề buông-tha kẻ bị tù về nhà mình đó chăng?” (Ê-sai 14:15-17) Triều đại đầy tham vọng sẽ đi xuống âm phủ, giống như bất cứ một con người nào khác.
26 Vậy đâu là chỗ cho cường quốc từng chinh phục các nước, phá hủy đất đai phì nhiêu và lật đổ vô số thành? Đâu sẽ là chỗ cho cường quốc thế giới từng bắt giữ phu tù và không cho trở về quê hương? Triều đại Ba-by-lôn thậm chí sẽ không được chôn cất thích đáng! Đức Giê-hô-va phán: “Hết thảy vua các nước đều ngủ nơi lăng-tẩm mình cách vinh-hiển. Nhưng ngươi thì bị ném xa khỏi mồ-mả, như nhánh cây thúi, như áo người bị giết, bị gươm đâm, bị xô xuống trong những đá nơi hố, khác nào thây chết bị giày-đạp dưới chân! Ngươi sẽ không được hội-hiệp cùng các vua trong lăng; vì ngươi đã diệt nước mình và giết dân mình! Dòng-dõi kẻ hung-ác sẽ không được xưng đến danh nó nữa”. (Ê-sai 14:18-20) Trong thế giới cổ xưa, việc một vị vua không được chôn cất trang trọng bị coi là một sự nhục nhã. Vậy còn hoàng tộc Ba-by-lôn thì sao? Đành rằng cá nhân mỗi vua có lẽ được chôn cất trọng thể, nhưng cả hoàng tộc nói chung xuất phát từ Nê-bu-cát-nết-sa bị ném đi “như nhánh cây thúi”. Như thể cả dòng vua bị quăng vào một cái mồ hoang—giống như một người lính bộ binh hèn mọn tử thương nơi chiến trường. Thật là một sự nhục nhã!
27. Các thế hệ tương lai của Ba-by-lôn phải chịu khốn khổ vì tội lỗi của tổ phụ họ như thế nào?
27 Lời thí dụ kết thúc bằng những mệnh lệnh cuối cùng cho người Mê-đi và Phe-rơ-sơ chiến thắng: “Hãy sắm-sẵn sự chém-giết cho con-cháu vì tội-ác của tổ-phụ; hầu cho họ không dấy lên nữa đặng được đất làm cơ-nghiệp, lập thành-ấp khắp thế-gian!” (Ê-sai 14:21) Sự sụp đổ của Ba-by-lôn có tính cách vĩnh viễn. Triều đại Ba-by-lôn sẽ bị nhổ bứt tận gốc rễ. Sẽ không có sự phục hưng. Các thế hệ tương lai của Ba-by-lôn sẽ khổ sở vì “tội-ác của tổ-phụ” họ.
28. Tội lỗi của các vua Ba-by-lôn có căn nguyên nào, và chúng ta học được gì từ điều này?
28 Sự phán xét nghịch lại triều đại Ba-by-lôn cho chúng ta một bài học quý giá. Tội lỗi của các vua Ba-by-lôn có căn nguyên là tham vọng không đáy của họ. (Đa-ni-ên 5:23) Lòng họ đầy tham muốn quyền lực. Họ muốn thống trị người khác. (Ê-sai 47:5, 6) Họ khao khát sự vinh hiển đến từ loài người mà đúng lý thuộc về Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 4:11) Đây là một sự cảnh cáo cho bất cứ ai có quyền hành—ngay cả trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Tham vọng và tự phụ ích kỷ là những tính xấu mà Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ qua, dù trên bình diện cá nhân hay là quốc gia.
29. Sự tự cao và tham vọng của các vua Ba-by-lôn phản ánh gì?
29 Sự tự cao của các vua Ba-by-lôn phản ánh tinh thần của “chúa đời này”, tức Sa-tan Ma-quỉ. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Hắn cũng thèm muốn quyền hành và khao khát nâng mình lên cao hơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Như trong trường hợp vua Ba-by-lôn và dân bị ông chinh phục, Sa-tan với tham vọng xấu xa cũng đã đưa đến hậu quả khốn khổ và đau đớn cho toàn thể nhân loại.
30. Kinh Thánh nói đến một Ba-by-lôn khác nào, và y thị biểu lộ tinh thần nào?
30 Hơn nữa trong sách Khải-huyền, chúng ta đọc thấy một Ba-by-lôn khác—“Ba-by-lôn lớn”. (Khải-huyền 18:2) Tổ chức này, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới, cũng biểu lộ một tinh thần tự cao, áp bức và tàn nhẫn. Hậu quả là y thị cũng phải đối diện với một “ngày của Đức Giê-hô-va” và sẽ bị hủy diệt vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời. (Ê-sai 13:6) Kể từ năm 1919, thông điệp này vang dội khắp đất: “Ba-by-lôn lớn kia, đã đổ rồi”! (Khải-huyền 14:8) Khi y thị không còn giam giữ dân của Đức Chúa Trời được nữa, tức là y thị đã sụp đổ rồi. Chẳng bao lâu nữa, y thị sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Về Ba-by-lôn cổ xưa, Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Hãy theo công-việc nó mà báo-trả, làm cho nó trọn như nó đã làm; vì nó lên mình kiêu-ngạo nghịch cùng Đức Giê-hô-va, nghịch cùng Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”. (Giê-rê-mi 50:29) Ba-by-lôn Lớn sẽ nhận một bản án tương tự.
31. Điều gì sẽ xảy ra cho Ba-by-lôn Lớn trong ngày gần đây?
31 Do đó, lời phán sau cùng của Đức Giê-hô-va trong lời tiên tri này trong sách Ê-sai không chỉ áp dụng cho Ba-by-lôn cổ xưa mà còn cho Ba-by-lôn Lớn nữa: “Ta sẽ dấy lên nghịch cùng chúng nó. Ta sẽ làm tiêu-diệt tên của Ba-by-lôn và dân sót lại, cả đến con và cháu nữa... Ta sẽ làm cho đất nó thuộc về con nhím, biến ra ao nước; và ta sẽ dùng chổi hủy-diệt mà quét nó”. (Ê-sai 14:22, 23) Sự đổ nát hoang tàn của Ba-by-lôn cổ xưa cho thấy những gì Đức Giê-hô-va sẽ làm cho Ba-by-lôn Lớn trong ngày gần đây. Thật là một niềm an ủi cho những người yêu mến sự thờ phượng thật! Thật là một sự khích lệ thúc đẩy chúng ta cố gắng không bao giờ để cho các đặc tính của Sa-tan như tự cao, kiêu ngạo hoặc tàn nhẫn phát triển bên trong con người chúng ta!
[Chú thích]
a Ê-sai chỉ nhắc đến tên Mê-đi, nhưng một số nước khác sẽ liên minh chống lại Ba-by-lôn—đó là Mê-đi, Phe-rơ-sơ, Ê-lam và những nước nhỏ khác. (Giê-rê-mi 50:9; 51:24, 27, 28) Các nước láng giềng gọi cả Mê-đi lẫn Phe-rơ-sơ là “người Mê-đi”. Hơn nữa, trong thời Ê-sai, Mê-đi là cường quốc bá chủ. Chỉ dưới triều Si-ru thì Phe-rơ-sơ mới trở thành bá chủ mà thôi.
b Tuy nhiên, dường như sau này người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ tiêm nhiễm thói đam mê xa hoa.—Ê-xơ-tê 1:1-7.
c Chẳng hạn, Đa-ni-ên được bổ nhiệm làm quan cao cấp ở Ba-by-lôn dưới triều các vua Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Sau đó khoảng 60 năm, Ê-xơ-tê trở thành hoàng hậu của A-suê-ru, vua Phe-rơ-sơ, và Mạc-đô-chê trở thành thủ tướng của cả Đế Quốc Phe-rơ-sơ.
[Hình nơi trang 178]
Ba-by-lôn bị sụp đổ và sẽ trở thành chỗ cho thú hoang nơi sa mạc lui tới
[Hình nơi trang 186]
Giống như Ba-by-lôn cổ xưa, Ba-by-lôn Lớn sẽ trở thành một đống đổ nát