Hãy chống trả Sa-tan thì hắn sẽ lánh xa!
“Hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống-trả ma-quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”.—Gia-cơ 4:7.
1, 2. (a) Đặc tính nào của Ma-quỉ phản ánh qua lời ghi nơi Ê-sai chương 14? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào?
MA-QUỈ là hiện thân của sự kiêu ngạo. Tính tự phụ của hắn phản ánh rõ qua lời nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-sai đã ghi lại. Hơn một thế kỷ trước khi Ba-by-lôn trở thành cường quốc chính trên thế giới, dân Đức Giê-hô-va được xem như là người lên án “vua Ba-by-lôn” như sau: “Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời [các vua thuộc hoàng tộc Đa-vít]... Ta sẽ... làm ra mình bằng Đấng Rất-Cao”. (Ê-sai 14:3, 4, 12-15; Dân-số Ký 24:17) Tính tự phụ của “vua Ba-by-lôn” giống như thái độ của Sa-tan, “chúa đời nầy”. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Nhưng sự kiêu ngạo của Sa-tan sẽ kết thúc trong thảm họa, y như triều đại Ba-by-lôn đã chấm dứt một cách nhục nhã.
2 Tuy nhiên, hễ Ma-quỉ còn hiện hữu thì chúng ta có thể vẫn còn thắc mắc: Chúng ta có nên sợ Sa-tan không? Tại sao hắn khích động người ta bắt bớ tín đồ Đấng Christ? Chúng ta có thể làm gì để Ma-quỉ không thắng được?
Chúng ta có nên sợ Ma-quỉ không?
3, 4. Tại sao những tín đồ được xức dầu và bạn đồng hành của họ không sợ Ma-quỉ?
3 Những lời sau đây của Chúa Giê-su rất khích lệ đối với các tín đồ Đấng Christ được xức dầu: “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Này, ma-quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử-thách; các ngươi sẽ bị hoạn-nạn trong mười ngày. Khá giữ trung-tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều-thiên của sự sống”. (Khải-huyền 2:10) Những người được xức dầu cũng như các bạn đồng hành có hy vọng sống trên đất đều không sợ Ma-quỉ. Họ không sợ, chẳng phải vì vốn có tính can đảm, mà nhờ họ biết kính sợ Đức Chúa Trời và “nương-náu mình dưới bóng cánh của Chúa”.—Thi-thiên 34:9; 36:7.
4 Những tín đồ can đảm thời ban đầu của Chúa Giê-su Christ đã trung thành cho đến chết, bất chấp mọi gian khổ. Họ không sợ những gì Sa-tan Ma-quỉ có thể làm, vì họ biết rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ những ai trung thành với Ngài. Cũng vậy, trước sự bắt bớ dữ dội ngày nay, các tín đồ được xức dầu và bạn đồng hành của họ đều quyết tâm giữ vững lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô cho thấy Ma-quỉ có thể gây ra cái chết. Điều đó chẳng khiến chúng ta sợ hãi sao?
5. Chúng ta học được gì qua câu Hê-bơ-rơ 2:14, 15?
5 Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su “có phần về huyết và thịt” hầu cho “Ngài bởi sự chết mình mà phá-diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma-quỉ, lại cho giải-thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi-mọi trọn đời”. (Hê-bơ-rơ 2:14, 15) Là “kẻ cầm quyền sự chết”, Sa-tan nắm quyền kiểm soát Giu-đa Ích-ca-ri-ốt rồi dùng những lãnh tụ Do Thái và người La Mã để xử tử Chúa Giê-su. (Lu-ca 22:3; Giăng 13:26, 27) Tuy nhiên, qua sự hy sinh làm của-lễ, Chúa Giê-su giải thoát loài người tội lỗi khỏi sự kiềm tỏa của Sa-tan để chúng ta có thể sống đời đời.—Giăng 3:16.
6, 7. Sa-tan cầm quyền sự chết đến mức nào?
6 Ma-quỉ cầm quyền sự chết đến mức độ nào? Từ lúc Sa-tan khởi sự làm điều gian ác, lời dối trá và sự dẫn dụ của hắn đã gây ra sự chết cho loài người. Đó là vì A-đam phạm tội và truyền lại tội lỗi cùng sự chết cho nhân loại. (Rô-ma 5:12) Ngoài ra, những tôi tớ trên đất của Sa-tan đã bắt bớ những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, đôi khi làm họ mất mạng, y như trường hợp Chúa Giê-su Christ.
7 Tuy nhiên, chúng ta đừng nghĩ rằng Ma-quỉ muốn giết ai cũng được. Đức Chúa Trời bảo vệ những ai thuộc về Ngài và sẽ không bao giờ cho phép Sa-tan diệt hết những người thờ phượng chân chính trên đất. (Rô-ma 14:8) Đức Giê-hô-va quả có cho phép sự bắt bớ xảy đến cho tất cả dân Ngài và Ngài cũng để một số người trong chúng ta chết vì sự tấn công của Ma-quỉ. Tuy nhiên, Kinh Thánh đưa ra hy vọng tuyệt diệu về sự sống lại cho những ai có tên trong “sách để ghi-nhớ” của Đức Chúa Trời—và Ma-quỉ không thể làm bất cứ điều gì để ngăn cản việc đó!—Ma-la-chi 3:16; Giăng 5:28, 29; Công-vụ 24:15.
Tại sao Sa-tan bắt bớ chúng ta?
8. Tại sao Ma-quỉ bắt bớ các tôi tớ Đức Chúa Trời?
8 Nếu chúng ta là những tôi tớ trung thành phụng sự Đức Chúa Trời thì Ma-quỉ có lý do để bắt bớ chúng ta. Mục tiêu của hắn là làm chúng ta hành động trái với đức tin. Chúng ta có mối quan hệ quý báu với Cha trên trời và Sa-tan muốn hủy hoại mối quan hệ này. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này. Trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va nói trước rằng sẽ có sự thù nghịch giữa “người nữ” tượng trưng của Ngài và “con rắn”, và sự thù nghịch này tiếp diễn giữa “dòng-dõi” của hai bên. (Sáng-thế Ký 3:14, 15) Kinh Thánh cho biết Ma-quỉ là “con rắn xưa” và hiện nay hắn chỉ còn một ít thì giờ nên đang giận hoảng. (Khải-huyền 12:9, 12) Khi sự thù nghịch giữa hai “dòng-dõi” còn tiếp tục, những người trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ còn bị bắt bớ. (2 Ti-mô-thê 3:12) Bạn có biết lý do chính tại sao Sa-tan bắt bớ chúng ta không?
9, 10. Ma-quỉ nêu ra vấn đề nào và tư cách của con người liên quan thế nào đến vấn đề đó?
9 Ma-quỉ nêu ra vấn đề về quyền tối thượng hoàn vũ. Liên quan đến vấn đề này, hắn nêu nghi vấn về lòng trung kiên của con người đối với Đấng Tạo Hóa. Sa-tan làm cho người công bình Gióp bị ngược đãi. Tại sao? Đó là nhằm hủy hoại lòng trung kiên của Gióp đối với Đức Giê-hô-va. Vợ của Gióp và ba người an ủi giả hình đã đáp ứng mục tiêu của Ma-quỉ lúc bấy giờ. Theo sách Gióp, Ma-quỉ thách thức Đức Chúa Trời. Sa-tan nói rằng không người nào sẽ trung thành với Ngài nếu hắn được phép thử thách người đó. Nhưng Gióp giữ vững lòng trung kiên, chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. (Gióp 1:8–2:9; 16:2; 27:5; 31:6) Ngày nay Ma-quỉ bắt bớ các Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va nhằm hủy hoại lòng trung kiên của họ và chứng tỏ thách thức của hắn là đúng.
10 Biết được lý do tại sao Ma-quỉ bắt bớ chúng ta thì điều này giúp chúng ta vững lòng bền chí. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6) Đức Chúa Trời là Đấng Tối Thượng Hoàn Vũ, và Ngài sẽ giúp chúng ta giữ lòng trung kiên. Mong sao chúng ta luôn luôn cố gắng làm vui lòng Đức Giê-hô-va bằng cách đứng vững để đáp lại lời thách thức của kẻ sỉ nhục hiểm độc là Sa-tan Ma-quỉ.—Châm-ngôn 27:11.
“[Xin] cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”
11. Lời cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ”, có nghĩa gì?
11 Giữ vững lòng trung kiên không phải là việc đơn giản mà đòi hỏi phải cầu nguyện tha thiết. Lời cầu nguyện mẫu đặc biệt hữu ích về phương diện này. Trong đó Chúa Giê-su nói: “Xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”. (Ma-thi-ơ 6:13, Bản Dịch Mới) Đức Giê-hô-va không cám dỗ chúng ta để phạm tội. (Gia-cơ 1:13) Tuy nhiên, đôi khi Kinh Thánh nói Ngài làm hoặc gây ra điều gì dù trên thực tế, Ngài chỉ cho phép những điều đó xảy ra. (Ru-tơ 1:20, 21) Vậy khi cầu nguyện như Chúa Giê-su dạy, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va đừng để chúng ta rơi vào cám dỗ. Và Ngài sẽ nhậm lời, vì chúng ta có lời bảo đảm này trong Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.
12. Tại sao chúng ta cầu xin “cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”?
12 Sau khi đề cập đến sự cám dỗ trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su nói lời thích hợp này: “[Xin] cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”. Bản dịch Liên Hiệp Thánh Kinh Hội ghi: “Cứu chúng tôi khỏi điều ác”. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh từ ‘cứu khỏi’ được dùng chủ yếu cho người, và Phúc Âm theo Ma-thi-ơ nói Ma-quỉ là “Quỉ cám-dỗ”, hắn là một nhân vật. (Ma-thi-ơ 4:3, 11) Vậy cầu xin Đức Chúa Trời cứu khỏi “Kẻ Ác”, tức Sa-tan Ma-quỉ, là điều quan trọng. Hắn cố dẫn dụ chúng ta phạm tội với Đức Chúa Trời. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:5) Khi cầu nguyện “cứu chúng con khỏi Kẻ Ác” tức là cầu xin Cha trên trời hướng dẫn và giúp chúng ta để cho Ma-quỉ không thắng được.
Đừng để Ma-quỉ thắng
13, 14. Tại sao các tín đồ ở Cô-rinh-tô cần thay đổi cách đối xử với một thành viên hội thánh đã phạm tội vô luân?
13 Khi khuyên bảo các tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô nên có lòng khoan dung, Phao-lô viết: “Anh em tha-thứ ai, thì tôi cũng tha-thứ. Vả, nếu tôi đã tha, là vì anh em mà tha, ở trước mặt Đấng Christ, hầu đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu-chước của nó”. (2 Cô-rinh-tô 2:10, 11) Ma-quỉ có thể thắng chúng ta bằng nhiều cách, nhưng tại sao Phao-lô nói lời được trích ở trên?
14 Phao-lô đã khiển trách những tín đồ ở Cô-rinh-tô vì họ để cho một người vô luân tiếp tục ở trong hội thánh. Điều này hẳn làm Sa-tan khoái chí, vì hội thánh bị mang tiếng là đã dung túng “[sự] dâm-loạn đến thế, dẫu người ngoại-đạo cũng chẳng có giống như vậy”. Cuối cùng, kẻ phạm tội bị khai trừ. (1 Cô-rinh-tô 5:1-5, 11-13) Người đó về sau ăn năn. Nếu các tín đồ ở Cô-rinh-tô không chịu tha thứ và nhận người đó trở lại hội thánh thì Ma-quỉ sẽ thắng họ bằng cách khác. Như thế nào? Họ trở nên khắc nghiệt và tàn nhẫn y như Sa-tan. Nếu người biết ăn năn đó “bị sa-ngã vì sự buồn-rầu quá lớn” và bỏ luôn, thì đặc biệt là các trưởng lão sẽ chịu một phần trách nhiệm về điều đó đối với Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời đầy thương xót. (2 Cô-rinh-tô 2:7; Gia-cơ 2:13; 3:1) Tất nhiên, không tín đồ Đấng Christ chân chính nào muốn bắt chước Sa-tan, trở nên ác nghiệt, khe khắt và nhẫn tâm.
Được khí giới của Đức Chúa Trời che chở
15. Chúng ta tham gia cuộc chiến nào, và chiến thắng tùy thuộc vào điều gì?
15 Nếu muốn được cứu khỏi tay Ma-quỉ, chúng ta phải tham gia cuộc chiến thiêng liêng chống lại các thần dữ. Chiến thắng trước những thế lực như thế tùy thuộc vào việc chúng ta mang “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 6:11-18) Khí giới này bao gồm “giáp bằng sự công-bình”. (Ê-phê-sô 6:14) Vua Sau-lơ của Y-sơ-ra-ên thời xưa không làm theo lời Đức Chúa Trời nên bị mất thánh linh. (1 Sa-mu-ên 15:22, 23) Nhưng nếu thực hành sự công bình và mang mọi khí giới thiêng liêng, chúng ta sẽ có thánh linh Ngài và sự che chở cần thiết để chống lại Sa-tan và các quỉ dữ theo hắn.—Châm-ngôn 18:10.
16. Làm thế nào chúng ta tiếp tục có được sự che chở khỏi các thần dữ?
16 Để tiếp tục được che chở khỏi các thần dữ, chúng ta cũng cần đều đặn đọc và học Lời Đức Chúa Trời, tận dụng các ấn phẩm do “người quản-gia ngay-thật” cung cấp. (Lu-ca 12:42) Nhờ thế, chúng ta sẽ thấm nhuần những điều thiêng liêng lành mạnh, phù hợp với lời khuyên của Phao-lô: “Hỡi anh em, phàm điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”.—Phi-líp 4:8.
17. Điều gì sẽ giúp chúng ta hữu hiệu trong việc công bố tin mừng?
17 Đức Giê-hô-va giúp chúng ta “dùng sự sẵn-sàng của Tin-lành bình-an mà làm giày-dép”. (Ê-phê-sô 6:15) Đều đặn tham gia các buổi họp đạo Đấng Christ trang bị cho chúng ta để công bố tin mừng về Nước Trời. Khi giúp người khác tìm hiểu lẽ thật về Đức Chúa Trời và hưởng tự do về thiêng liêng, chúng ta vui biết bao! (Giăng 8:32) Chúng ta rất cần “gươm của Đức Thánh-Linh, là lời Đức Chúa Trời” để bác bỏ những dạy dỗ sai lầm và “đạp-đổ các đồn-lũy”. (Ê-phê-sô 6:17; 2 Cô-rinh-tô 10:4, 5) Khéo léo dùng Lời được viết ra của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta dạy dỗ lẽ thật và che chở chúng ta để không rơi vào mưu chước của Ma-quỉ.
18. Làm thế nào chúng ta có thể “đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”?
18 Mở đầu lời bàn về khí giới thiêng liêng của chúng ta, Phao-lô nói: “Anh em phải làm mạnh-dạn trong Chúa, nhờ sức toàn-năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”. (Ê-phê-sô 6:10, 11) Từ Hy Lạp dịch là “đứng vững” liên quan đến việc người lính giữ đúng vị trí của mình. Chúng ta giữ vững lập trường trong cuộc chiến thiêng liêng, mặc dù Sa-tan dùng nhiều mưu kế để cố phá vỡ sự hợp nhất, làm sai lạc những dạy dỗ của chúng ta hoặc hủy hoại lòng trung kiên của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Nhưng sự tấn công của Ma-quỉ tới nay vẫn không—và sẽ không bao giờ—thành công!a
Hãy chống trả Ma-quỉ, thì hắn sẽ lánh xa
19. Một cách chống lại Ma-quỉ là gì?
19 Chúng ta có thể thắng cuộc chiến thiêng liêng chống lại Ma-quỉ và các thần dữ theo hắn. Không có lý do nào phải sợ hãi Sa-tan, vì môn đồ Gia-cơ viết: “Hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống-trả ma-quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”. (Gia-cơ 4:7) Một cách chống lại Sa-tan và các thần dữ theo phe hắn là không dính líu đến những thuật huyền bí hay ma thuật cũng như liên hệ với những ai thực hành điều này. Kinh Thánh cho thấy rõ rằng các tôi tớ Đức Giê-hô-va phải tránh tìm kiếm điềm hoặc tránh thực hành thuật chiêm tinh, bói toán và đồng bóng. Nếu hoạt động tích cực và vững mạnh về thiêng liêng, chúng ta không phải sợ bị ai ếm.—Dân-số Ký 23:23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Ê-sai 47:12-15; Công-vụ 19:18-20.
20. Làm thế nào chúng ta có thể chống lại Ma-quỉ?
20 Chúng ta “chống-trả ma-quỉ” bằng cách theo sát tiêu chuẩn và lẽ thật của Kinh Thánh đồng thời đứng vững kháng cự hắn. Thế gian hòa hợp với Sa-tan vì hắn là chúa đời này. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Vì thế chúng ta bác bỏ những đặc tính của thế gian, chẳng hạn như tính kiêu ngạo, ích kỷ, vô luân, hung bạo và chủ nghĩa vật chất. Chúng ta biết rằng khi Ma-quỉ cám dỗ Chúa Giê-su nơi đồng vắng, ngài chống trả bằng cách dùng Kinh Thánh và hắn đã lánh xa. (Ma-thi-ơ 4:4, 7, 10, 11) Cũng thế, sau khi thất bại, Sa-tan sẽ ‘lánh xa chúng ta’ nếu chúng ta hoàn toàn phục tùng Đức Giê-hô-va và tin cậy Ngài qua việc cầu nguyện. (Ê-phê-sô 6:18) Với sự giúp đỡ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con yêu quí của Ngài, không ai—kể cả Ma-quỉ—có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho chúng ta!—Thi-thiên 91:9-11.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết về khí giới thiêng liêng của Đức Chúa Trời, xin xem Tháp Canh ngày 1-2-1993, trang 21-23.
Bạn trả lời thế nào?
• Chúng ta có nên sợ Sa-tan Ma-quỉ không?
• Tại sao Sa-tan bắt bớ tín đồ Đấng Christ?
• Tại sao chúng ta cầu xin được cứu khỏi tay “Kẻ Ác”?
• Làm thế nào chúng ta thắng cuộc chiến thiêng liêng?
[Hình nơi trang 26]
Các tín đồ can đảm thời ban đầu đã trung thành cho đến chết
[Hình nơi trang 27]
Ma-quỉ không thể cản ngăn sự sống lại của những người ở trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 28]
Bạn có cầu xin được cứu khỏi tay “Kẻ Ác” không?
[Hình nơi trang 29]
Bạn có đang mang “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời” không?