Chỗ chính đáng cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va trong đời sống chúng ta
“Hằng ngày tôi sẽ chúc-tụng Chúa, ngợi-khen danh Chúa đến đời đời vô-cùng” (THI-THIÊN 145:2).
1. Nói về vấn đề thờ phượng, Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì?
“TA là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5, NW). Môi-se nghe lời tuyên bố đó của Đức Giê-hô-va, và sau đó ông lặp lại lời này khi nói với dân Y-sơ-ra-ên (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:9). Môi-se tin chắc rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi các tôi tớ Ngài thờ phượng Ngài cách chuyên độc.
2, 3. a) Điều gì đã gây ấn tượng cho dân Y-sơ-ra-ên rằng chuyện xảy ra gần núi Si-na-i là phi thường? b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào về việc thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên và tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay?
2 Lúc đóng trại gần núi Si-na-i, dân Y-sơ-ra-ên và “vô-số người ngoại-bang” rời xứ Ê-díp-tô với họ, đã chứng kiến một sự khác thường (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38). Điều này không giống như sự thờ phượng các thần ở Ê-díp-tô, là những thần lúc bấy giờ bị nhục nhã vì mười tai họa. Trong lúc Đức Giê-hô-va tỏ cho Môi-se thấy sự hiện diện của Ngài, một hiện tượng đáng sợ xảy ra: sấm vang, chớp nhoáng và tiếng kèn thổi vang rền làm rung chuyển cả trại. Rồi đến lửa và khói phun ra trong lúc cả núi bị rung chuyển (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16-20; Hê-bơ-rơ 12:18-21). Nếu có người Y-sơ-ra-ên nào cần nhiều bằng chứng hơn để biết chắc những gì xảy ra là phi thường thì người ấy không cần phải đợi lâu. Chẳng bao lâu Môi-se từ trên núi xuống sau khi nhận bảng luật pháp thứ hai của Đức Chúa Trời. Theo lời tường thuật được soi dẫn, “mặt [Môi-se] sáng rực, [dân chúng] sợ không dám lại gần”. Đây quả là một kinh nghiệm siêu phàm không thể quên được! (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:30).
3 Đối với nước đặc biệt đó, không ai thắc mắc về chỗ dành cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng Giải cứu họ. Nhờ Ngài mà họ mới được sống. Ngài cũng là Đấng Lập luật. Nhưng họ có đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu không? Còn về phần các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời thì sao? Sự thờ phượng Đức Giê-hô-va chiếm chỗ nào trong đời sống họ? (Rô-ma 15:4).
Sự thờ phượng Đức Giê-hô-va trong thời dân Y-sơ-ra-ên
4. Trại quân của Y-sơ-ra-ên có cách bố trí nào lúc họ ở trong đồng vắng, và chính giữa trại có gì?
4 Nếu bạn có thể nhìn toàn diện dân Y-sơ-ra-ên cắm trại nơi đồng vắng, bạn sẽ thấy gì? Hàng bao dãy trại rộng lớn, nhưng có thứ tự, làm chỗ ở cho khoảng ba triệu người hoặc hơn nữa. Các trại này chia thành đội ngũ, mỗi đội ngũ gồm ba chi phái đóng theo hướng đông, tây, nam, bắc. Nhìn kỹ hơn, bạn cũng sẽ thấy một nhóm lều khác gần chính giữa trại quân. Bốn nhóm lều nhỏ hơn này là chỗ ở của các gia đình thuộc chi phái Lê-vi. Ngay giữa trại quân là một vùng được tách rời bằng một tường vải, có một kiểu kiến trúc riêng biệt. Đó là “đền tạm” hay nơi hội họp mà những người Y-sơ-ra-ên “khôn ngoan” đã dựng theo kiểu mẫu của Đức Giê-hô-va (Dân-số Ký 1:52, 53; 2:3, 10, 17, 18, 25; Xuất Ê-díp-tô Ký 35:10).
5. Đền tạm được dùng để làm gì cho dân Y-sơ-ra-ên?
5 Trong chuyến hành trình nơi đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên đóng trại khoảng 40 chỗ, tại mỗi chỗ, họ đều dựng lên đền tạm, và đền tạm trở nên trọng tâm của nơi họ đóng trại (Dân-số Ký, đoạn 33). Kinh-thánh mô tả cách thích hợp là Đức Giê-hô-va ở giữa dân sự ngay trung tâm trại quân của họ. Sự vinh hiển Ngài đầy dẫy đền tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:43-46; 40:34; Dân-số Ký 5:3; 11:20; 16:3). Một sách (Our Living Bible) bình luận: “Cái đền có thể di chuyển được này rất là quan trọng, vì được dựng nên để làm trung tâm tụ họp về tôn giáo cho các chi phái. Nhờ đền này, họ được hợp nhất trong nhiều năm lang thang nơi đồng vắng và giúp họ có thể hành động hợp nhất”. Hơn thế nữa, đền tạm được dùng để luôn luôn nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng sự thờ phượng Đấng Tạo hóa phải là trọng tâm trong đời sống họ.
6, 7. Tòa nhà thờ phượng nào thay cho đền tạm, và đền đó dùng để làm gì cho dân Y-sơ-ra-ên?
6 Sau khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, đền tạm tiếp tục là trọng tâm của sự thờ phượng của họ (Giô-suê 18:1; I Sa-mu-ên 1:3). Với thời gian, vua Đa-vít đề nghị xây một tòa nhà cố định. Đó là đền thờ được con ông là Sa-lô-môn xây sau này (II Sa-mu-ên 7:1-10). Vào lúc khánh thành đền thờ, một đám mây hạ xuống chứng tỏ Đức Giê-hô-va chấp nhận đền đó. Vua Sa-lô-môn cầu nguyện: “Tôi đã cất xong một cái đền dùng làm nơi ngự của Ngài, tức một nơi Ngài ở đời đời” (I Các Vua 8:12, 13; II Sử-ký 6:2). Đền thờ mới xây cất bấy giờ trở nên trung tâm thờ phượng của quốc gia.
7 Ba lần một năm, tất cả người nam Y-sơ-ra-ên lên Giê-ru-sa-lem dự các kỳ lễ vui vẻ tại đền thờ để tỏ lòng biết ơn về ân phước của Đức Chúa Trời. Các cuộc họp mặt này được gọi một cách thích hợp là “những ngày lễ của Đức Giê-hô-va”, chú trọng đến việc thờ phượng Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký 23:2, 4). Những người nữ mộ đạo cùng tham dự với các người khác trong gia đình (I Sa-mu-ên 1:3-7; Lu-ca 2:41-44).
8. Thi-thiên 84:1-12 minh chứng cho tầm quan trọng của sự thờ phượng Đức Giê-hô-va như thế nào?
8 Những người được soi dẫn viết Thi-thiên dùng lời lẽ hùng hồn nhận biết sự thờ phượng rất mực quan trọng trong đời sống của họ. Con cháu Cô-rê hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân, nơi cư-trú Ngài đáng thương thay!” Chắc chắn họ không ca ngợi chỉ riêng công trình kiến trúc, mà đúng hơn, họ đồng thanh cất tiếng ca tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Lòng và thịt tôi kêu-la về Đức Chúa Trời hằng sống”. Chức vụ của người Lê-vi mang cho họ sự vui mừng xiết bao. Họ công bố: “Phước cho người nào ở trong nhà Chúa. Họ sẽ ngợi-khen Chúa không ngớt”. Thật vậy, cả dân Y-sơ-ra-ên có thể hát: “Phước cho người nào được sức-lực trong Chúa, và có lòng hướng về đường... Họ đi tới, sức-lực lần lần thêm; ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn”. Mặc dù cuộc hành trình đi đến Giê-ru-sa-lem của một người Y-sơ-ra-ên có thể dài và mệt nhọc, sức lực người được thêm lên khi người ấy đến thủ đô. Lòng người đầy vui mừng khi ca tụng đặc ân được phụng sự Đức Giê-hô-va. “Vì một ngày trong hành-lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, hơn là ở trong trại kẻ dữ... Hỡi Đức Giê-hô-va vạn-quân, phước cho người nào nhờ-cậy nơi Ngài!” Những lời phát biểu trên cho thấy những người Y-sơ-ra-ên đó đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu (Thi-thiên 84:1-12).
9. Điều gì xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ không tiếp tục coi trọng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va?
9 Điều đáng tiếc là dân Y-sơ-ra-ên không tiếp tục coi trọng sự thờ phượng thật. Họ để cho sự tôn sùng các thần giả làm hao mòn lòng sốt sắng của họ đối với Đức Giê-hô-va. Hậu quả là Đức Giê-hô-va từ bỏ họ, cho kẻ thù bắt họ đi làm phu tù tại Ba-by-lôn. Sau 70 năm, khi họ được Ngài cho trở về xứ sở, Đức Giê-hô-va cho những nhà tiên tri trung thành như A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi khuyên nhủ làm họ phấn chấn tinh thần. Thầy tế lễ E-xơ-ra và quan tổng trấn Nê-hê-mi khích động dân sự Đức Chúa Trời xây lại đền thờ và tái lập sự thờ phượng thật tại đó. Nhưng trải qua nhiều thế kỷ, dân tộc đó lần nữa lại xem sự thờ phượng thật không quan trọng lắm.
Lòng sốt sắng đối với sự thờ phượng thật vào thế kỷ thứ nhất
10, 11. Sự thờ phượng Đức Giê-hô-va chiếm chỗ nào trong đời sống những người trung thành lúc Giê-su ở trên đất?
10 Đến thời điểm Đức Giê-hô-va ấn định, đấng Mê-si xuất hiện. Các người trung thành trông đợi Đức Giê-hô-va mang lại sự cứu rỗi (Lu-ca 2:25; 3:15). Sách Phúc Âm theo Lu-ca miêu tả rõ một góa phụ 84 tuổi tên An-na, “chẳng hề ra khỏi đền-thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu-nguyện” (Lu-ca 2:37).
11 Giê-su nói: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài” (Giăng 4:34). Hãy nhớ lại Giê-su đã phản ứng ra sao khi ngài đương đầu với những người đổi bạc trong đền thờ. Ngài lật bàn của họ cùng ghế những kẻ bán bồ câu. Mác thuật lại: “Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền-thờ. Rồi Ngài dạy-dỗ chúng mà rằng: Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm-cướp” (Mác 11:15-17). Đúng thế, Giê-su thậm chí không cho ai đi ngõ tắt qua sân đền thờ khi mang đồ đi qua bên kia thành. Hành động của Giê-su củng cố lời ngài khuyên bảo lúc trước: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Giê-su để lại cho chúng ta một gương tuyệt diệu trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chuyên độc. Ngài thật sự thực hành những gì ngài giảng dạy (I Phi-e-rơ 2:21).
12. Môn đồ của Giê-su cho thấy họ đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng ưu tiên như thế nào?
12 Giê-su cũng nêu gương cho môn đồ ngài noi theo qua cách ngài làm tròn sứ mạng giải thoát cho những người Do Thái bị áp bức, nhưng trung thành, khỏi gánh nặng của các thực hành tôn giáo giả (Lu-ca 4:18). Vì vâng lệnh Giê-su trong việc đào tạo môn đồ và làm báp têm cho họ, nên tín đồ đấng Christ thời ban đầu dạn dĩ loan báo ý muốn của Đức Giê-hô-va liên quan đến Chúa họ đã được sống lại. Đức Giê-hô-va rất hài lòng với việc họ đặt sự thờ phượng Ngài lên hàng ưu tiên. Vì vậy, thiên sứ của Đức Chúa Trời dùng phép lạ mở cửa khám cho sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng ra rồi dặn họ: “Đi đi, hãy chường mặt nơi đền-thờ, mà rao-giảng cho dân-chúng mọi lời này của sự sống”. Được ban thêm sức, họ bèn vâng theo. Mỗi ngày, tại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem và từng nhà “sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Giê-su, tức là Đấng Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8; 4:29, 30; 5:20, 42; Ma-thi-ơ 28:19, 20).
13, 14. a) Từ thời ban đầu của đạo đấng Christ, Sa-tan đã toan làm gì các tôi tớ của Đức Chúa Trời? b) Các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời tiếp tục làm gì?
13 Khi sự chống đối công việc rao giảng gia tăng, Đức Chúa Trời hướng dẫn các tôi tớ trung thành của Ngài viết lời khuyên nhủ đúng lúc. Chẳng bao lâu sau năm 60 công nguyên, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy trao mọi đều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em. Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình”. Tín đồ đấng Christ thời ban đầu chắc chắn cảm thấy an tâm qua những lời này. Họ biết rằng sau khi họ chịu khổ ít lâu thì Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất việc rèn luyện họ (I Phi-e-rơ 5:7-10). Trong những ngày cuối cùng đó của hệ thống mọi sự của dân Do Thái, tín đồ thật của đấng Christ đã tôn vinh sự thờ phượng Đức Giê-hô-va đến cao điểm mới (Cô-lô-se 1:23).
14 Như sứ đồ Phao-lô tiên đoán, sự bội đạo đã xảy ra nhằm dụ dỗ người ta ra khỏi sự thờ phượng thật (Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Trong những thập niên cuối của thế kỷ thứ nhất có rất nhiều chứng cớ cho thấy rõ sự kiện này (I Giăng 2:18, 19). Sa-tan thành công trong việc gieo tín đồ giả mạo lẫn lộn trong vòng tín đồ thật, làm người ta khó phân biệt được “cỏ lùng” này với tín đồ đấng Christ giống như lúa mì. Tuy nhiên, trải qua các thế kỷ, một số người đặt sự thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu, dù bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng mãi đến những thập niên cuối của “các kỳ dân ngoại”, Đức Chúa Trời mới thâu góp lại các tôi tớ Ngài để tôn vinh sự thờ phượng thật (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43; Lu-ca 21:24).
Ngày nay sự thờ phượng Đức Giê-hô-va được tôn vinh
15. Từ năm 1919, các lời tiên tri nơi Ê-sai 2:2-4 và Mi-chê 4:1-4 đã được ứng nghiệm như thế nào?
15 Vào năm 1919, Đức Giê-hô-va ban cho các người xức dầu còn sót lại quyền đảm trách công việc làm chứng dạn dĩ trên khắp thế giới và công việc này giúp tôn vinh sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Qua sự kiện “các chiên khác”, nói theo cách tượng trưng, lũ lượt đổ về từ năm 1935 trở đi, số người lên “núi của nhà Đức Giê-hô-va” càng ngày càng tăng thêm. Trong năm công tác 1993, có 4.709.889 Nhân-chứng Giê-hô-va ca tụng Ngài bằng cách mời người khác cùng họ tôn vinh sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều này tương phản biết bao so với tình trạng thiêng liêng hạ thấp của “các đồi”, tức những giáo phái thuộc đế quốc tôn giáo giả thế giới, đặc biệt là các đạo tự xưng theo đấng Christ (Giăng 10:16; Ê-sai 2:2-4; Mi-chê 4:1-4).
16. Vì những điều được tiên tri nơi Ê-sai 2:10-22, tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời cần phải làm gì?
16 Những người ủng hộ tôn giáo giả xem nhà thờ và giáo đường của họ và cả đến hàng giáo phẩm của họ như cao trọng, gán cho họ những chức tước cao sang và cho họ nhiều vinh dự. Nhưng hãy chú ý những gì Ê-sai tiên tri: “Con mắt ngó cao của loài người sẽ bị thấp xuống, sự kiêu-ngạo của người ta sẽ bị hạ đi; trong ngày đó chỉ Đức Giê-hô-va là tôn-trọng”. Chừng nào điều này sẽ xảy ra? Trong hoạn nạn lớn sắp đến, khi “các thần-tượng sẽ qua hết đi”. Vì thời điểm đáng sợ đó sắp đến, tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời cần nghiêm chỉnh xem xét sự thờ phượng Đức Giê-hô-va đứng chỗ nào trong đời sống họ (Ê-sai 2:10-22).
17. Ngày nay tôi tớ của Đức Giê-hô-va cho thấy họ đặt sự thờ phượng Ngài lên hàng ưu tiên như thế nào?
17 Với tư cách là đoàn thể anh em quốc tế, Nhân-chứng Giê-hô-va được nổi tiếng nhờ sốt sắng đi rao giảng về Nước Trời. Sự thờ phượng của họ không phải mỗi tuần chỉ dành ra khoảng một giờ cho có lệ. Không, sự thờ phượng là cả lối sống của họ (Thi-thiên 145:2). Thật vậy, năm rồi có hơn 620.000 Nhân-chứng sắp xếp việc riêng để dành thì giờ làm thánh chức trọn thời gian. Còn những người khác chắc chắn không bỏ bê sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ cho thấy họ xem trọng sự thờ phượng qua các cuộc nói chuyện hàng ngày và công việc rao giảng cho công chúng, dù là các bổn phận gia đình đòi hỏi họ phải làm việc khó nhọc ngoài đời.
18, 19. Hãy kể những gương khích lệ mà bạn biết nhờ đọc các câu chuyện kể lại đời của Nhân-chứng.
18 Các câu chuyện kể lại đời của Nhân-chứng in trong Tháp Canh giúp chúng ta hiểu thấu nhiều cách mà các anh chị khác nhau đã đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống họ. Một chị trẻ, đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va lúc sáu tuổi, đặt mục tiêu là sẽ làm giáo sĩ. Hỡi các em còn trẻ, các em chọn mục tiêu nào để giúp các em đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống các em? (Hãy xem bài “Pursuing a Goal Set at Six Years of Age,” trong Tháp Canh Anh ngữ, số ra ngày 1-3-1992, trang 26-30).
19 Một chị góa lớn tuổi nêu gương tốt về việc đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va vào chỗ chính đáng. Chị được khích lệ rất nhiều để nhịn nhục nhờ những người chị giúp học lẽ thật. Họ là “gia đình” của chị (Mác 3:31-35). Nếu bạn cũng bị mất người thân, bạn sẽ nhận sự ủng hộ và giúp đỡ của những người nhỏ tuổi hơn trong hội thánh không? (Xin lưu ý chị Winifred Remmie biểu lộ cảm tưởng như thế nào trong bài “I Responded in Harvesttime,” trong Tháp Canh Anh ngữ, số ra ngày 1-7-1992, trang 21-23). Hỡi các tôi tớ phục vụ trọn thời gian, hãy chứng tỏ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va thực sự đứng hàng đầu trong đời sống bạn bằng cách khiêm nhường phụng sự ở nơi bạn được bổ nhiệm, sẵn sàng vâng phục sự hướng dẫn thần quyền. (Hãy lưu ý gương của anh Roy Ryan, như được kể lại trong bài “Sticking Close to God’s Organization” trong Tháp Canh Anh ngữ, số ra ngày 1-12-1991, trang 24-27). Hãy nhớ rằng khi chúng ta đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, chúng ta có sự bảo đảm là Ngài sẽ chăm sóc chúng ta. Chúng ta không cần lo lắng về các điều cần thiết cho đời sống sẽ từ đâu đến. Kinh nghiệm của các chị Olive và Sonia Springate điển hình cho điều này. (Hãy xem bài “We Have Sought First the Kingdom” trong Tháp Canh Anh ngữ, số ra ngày 1-2-1994, trang 20-25).
20. Giờ đây chúng ta nên tự hỏi các câu hỏi thích hợp nào?
20 Thế thì phải chăng mỗi người chúng ta nên tự hỏi vài câu hỏi thấm thía? Sự thờ phượng Đức Giê-hô-va chiếm chỗ nào trong đời sống tôi? Tôi có hết sức làm tròn sự dâng mình để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời không? Tôi có thể cải thiện những phương diện nào trong đời sống? Xem xét kỹ bài sau đây sẽ cho chúng ta cơ hội suy nghĩ mình dùng tài sản như thế nào cho phù hợp với sự ưu tiên chúng ta chọn trong đời sống, tức là sự thờ phượng Chúa Tối thượng Giê-hô-va, Cha yêu thương của chúng ta (Truyền-đạo 12:13; II Cô-rinh-tô 13:5).
Để ôn lại
◻ Nói về vấn đề thờ phượng, Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì?
◻ Đền tạm được dùng để nhắc nhở đến điều gì?
◻ Trong thế kỷ thứ nhất, ai nêu gương xuất sắc về lòng sốt sắng đối với sự thờ phượng thật, và như thế nào?
◻ Từ năm 1919, sự thờ phượng Đức Giê-hô-va được tôn vinh như thế nào?