Cùng phụng sự với người canh
“Hỡi Chúa, tôi đứng rình nơi chòi-trông cả ngày, và đứng tại chỗ tôi canh cả đêm”.—Ê-SAI 21:8.
1. Chính Đức Giê-hô-va là Đấng làm chứng cho những lời hứa tuyệt diệu nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng Vĩ Đại Hoàn Thành Ý Định. Thiên sứ phản nghịch trở thành Sa-tan Ma-quỉ không thể làm gì để phá ý định cao cả của Ngài. Ý định đó là làm thánh danh Ngài và thành lập Nước Trời vinh quang để cai trị địa đàng trên đất. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Dưới sự cai trị đó, nhân loại sẽ được ban phước thật sự. Đức Chúa Trời sẽ “nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt”. Nhân loại hạnh phúc, hợp nhất, sẽ hưởng sự bình an và thịnh vượng đến muôn đời. (Ê-sai 25:8; 65:17-25) Chính Đức Giê-hô-va tự làm chứng cho những lời hứa tuyệt diệu này!
2. Đức Giê-hô-va đã dấy lên những người làm chứng nào?
2 Tuy nhiên, Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại cũng có những người làm chứng trên đất. Vào thời trước Đấng Christ, “đám mây nhân chứng”, trước hết là A-bên, đã lấy lòng nhịn nhục mà chạy cuộc đua, và họ thường đương đầu với trở ngại gay go. Gương tốt của họ khích lệ những tín đồ Đấng Christ trung thành ngày nay. Đấng Christ là gương mẫu xuất sắc nhất về việc làm chứng can đảm. (Hê-bơ-rơ 11:1–12:2, Nguyễn Thế Thuấn) Thí dụ, hãy nhớ lại lời chứng cuối cùng của ngài trước mặt Bôn-xơ Phi-lát. Chúa Giê-su tuyên bố: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Từ năm 33 CN đến năm 2000 CN này, những tín đồ sốt sắng đã noi gương Chúa Giê-su và tiếp tục làm chứng, can đảm tuyên bố “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”.—Công-vụ các Sứ-đồ 2:11.
Chủ nghĩa bè phái theo Ba-by-lôn
3. Sa-tan chống nghịch lời chứng về Đức Giê-hô-va và ý muốn của Ngài như thế nào?
3 Trải qua nhiều ngàn năm, Kẻ Thù Chính Sa-tan Ma-quỉ đã gian ác tìm cách khiến những người làm chứng về Đức Chúa Trời bị mất uy tín. Là “cha sự nói dối”, “con rồng lớn... tức là con rắn xưa” này, đã và đang “dỗ-dành cả thiên-hạ”. Hắn đã không ngừng dấy lên nghịch lại những người “vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời”, nhất là trong những ngày cuối cùng này.—Giăng 8:44; Khải-huyền 12:9, 17.
4. Ba-by-lôn Lớn bắt nguồn như thế nào?
4 Cách đây khoảng 4.000 năm, sau Trận Nước Lụt thời Nô-ê, Sa-tan dấy lên Nim-rốt, “một tay thợ săn cường bạo chống lại Đức Giê-hô-va”. (Sáng-thế Ký 10:9, 10, NW) Thành phố lớn nhất của Nim-rốt là Ba-by-lôn (Ba-bên) trở thành trung tâm tôn giáo của các quỉ. Khi Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của những người xây tháp Ba-bên, dân chúng đã tản mát ra khắp đất, và họ đã mang theo tôn giáo giả. Do đó Ba-by-lôn trở thành nguồn của đế quốc tôn giáo giả thế giới, được gọi là Ba-by-lôn Lớn trong sách Khải-huyền. Sách này báo trước sự hủy diệt của hệ thống tôn giáo xưa đó.—Khải-huyền 17:5; 18:21.
Một nước nhân chứng
5. Đức Giê-hô-va tổ chức nước nào để thành nhân chứng của Ngài, nhưng tại sao Ngài để cho họ bị lưu đày?
5 Khoảng 500 năm sau thời Nim-rốt, Đức Giê-hô-va tổ chức con cháu của người trung thành Áp-ra-ham thành nước Y-sơ-ra-ên để phụng sự với tư cách là nhân chứng của Ngài trên đất. (Ê-sai 43:10, 12) Nhiều người của nước đó trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, những sự tin tưởng giả dối của các nước láng giềng đã làm bại hoại Y-sơ-ra-ên, và dân tộc có giao ước với Đức Giê-hô-va đã bỏ Ngài mà thờ những thần giả. Vì vậy vào năm 607 TCN, quân Ba-by-lôn, do Nê-bu-cát-nết-sa cầm đầu, đã hủy diệt Giê-ru-sa-lem và đền thờ và đã đem những người Do Thái đi lưu đày ở Ba-by-lôn.
6. Người canh của Đức Giê-hô-va tuyên bố trước về tin mừng nào, và khi nào nó được ứng nghiệm?
6 Quả là một chiến thắng cho tôn giáo giả! Tuy nhiên, uy thế của Ba-by-lôn không kéo dài được bao lâu. Khoảng 200 năm trước khi biến cố đó xảy ra, Đức Giê-hô-va đã phán: “Hãy đi, sắp-đặt vọng-canh, thấy việc gì thì báo”. Người canh đã tuyên bố điều gì? “Ba-by-lôn đổ xuống rồi, đổ xuống rồi! Mọi hình-tượng tà-thần của nó đã bể-nát trên đất rồi!” (Ê-sai 21:6, 9) Như thế, vào năm 539 TCN, lời tiên tri này đã ứng nghiệm. Nước Ba-by-lôn hùng mạnh đã đổ, và dân tộc có giao ước với Đức Chúa Trời chẳng bao lâu sau đã có thể hồi hương.
7. (a) Những người Do Thái đã học được điều gì qua sự sửa trị của Đức Giê-hô-va? (b) Những người Do Thái sau thời lưu đày đã rơi vào những cạm bẫy nào, và hậu quả ra sao?
7 Những người Do Thái hồi hương đã học được bài học là phải bỏ sự thờ hình tượng và tôn giáo thực hành ma thuật. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, họ lại rơi vào những bẫy khác. Một số người đã mắc bẫy trong triết học Hy Lạp. Một số khác nhấn mạnh đến truyền thống loài người hơn là Lời Đức Chúa Trời. Còn những người khác đã bị chủ nghĩa quốc gia dẫn dụ. (Mác 7:13; Công-vụ các Sứ-đồ 5:37) Đến khi Chúa Giê-su ra đời, nước đó đã lại từ bỏ sự thờ phượng thanh sạch. Trong khi một số người Do Thái hưởng ứng khi Chúa Giê-su tuyên bố tin mừng, thì cả nước nói chung đã từ bỏ ngài và vì vậy họ bị Đức Chúa Trời từ bỏ. (Giăng 1:9-12; Công-vụ các Sứ-đồ 2:36) Dân Y-sơ-ra-ên không còn là nhân chứng của Đức Chúa Trời, và vào năm 70 CN, thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ lần nữa bị hủy phá, lần này bởi quân La Mã.—Ma-thi-ơ 21:43.
8. Ai đã trở nên nhân chứng của Đức Giê-hô-va, và tại sao những lời cảnh giác của Phao-lô cho nhân chứng ấy là đúng lúc?
8 Trong khi ấy, “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” theo đạo Đấng Christ được ra đời, và lúc bấy giờ họ phụng sự với tư cách là nhân chứng của Đức Chúa Trời cho các nước. (Ga-la-ti 6:16) Sa-tan nhanh chóng âm mưu làm bại hoại nước thiêng liêng mới này. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, ảnh hưởng bè phái đã thấy trong các hội thánh. (Khải-huyền 2:6, 14, 20) Lời cảnh giác của Phao-lô thật đúng lúc: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”.—Cô-lô-se 2:8.
9. Như Phao-lô đã báo trước, những diễn tiến nào đã đưa đến sự hiện hữu của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ?
9 Cuối cùng, triết lý Hy Lạp, những tư tưởng tôn giáo Ba-by-lôn và sau này những sự “khôn-ngoan” của loài người như thuyết tiến hóa và lời phê bình Kinh Thánh đã nhiễm vào tôn giáo của nhiều người tự xưng là tín đồ Đấng Christ. Như Phao-lô đã báo trước: “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông-sói dữ-tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”. (Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30) Hậu quả của sự bội đạo này là sự hiện hữu của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ.
10. Những diễn tiến nào cho thấy rõ rằng không phải mọi người đều theo sự thờ phượng bại hoại của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ?
10 Những người thật sự tận tụy với sự thờ phượng thanh sạch phải “vì đạo mà tranh-chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi”. (Giu-đe 3) Có phải việc làm chứng về sự thờ phượng thanh sạch và về Đức Giê-hô-va sẽ không còn trên đất không? Không. Khi gần đến lúc hủy diệt Sa-tan phản nghịch và tất cả mọi công trình của hắn, rõ ràng không phải mọi người đều theo sự thờ phượng bội đạo của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Vào hậu bán thế kỷ thứ 19, tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ, một nhóm học viên Kinh Thánh chân thật đã được tổ chức và trở nên thành phần chính yếu của lớp nhân chứng hiện đại của Đức Chúa Trời. Những tín đồ Đấng Christ này đã lưu ý người ta đến những bằng chứng theo Kinh Thánh là sự kết liễu hệ thống mọi sự của thế gian hiện tại gần đến rồi. Đúng với lời tiên tri của Kinh Thánh, “sự cuối cùng” của thế gian này bắt đầu năm 1914 và được đánh dấu bởi sự bùng nổ của thế chiến thứ nhất. (Ma-thi-ơ 24:3, 7, NW) Có bằng chứng vững chắc cho biết rằng Sa-tan và bè lũ quỉ sứ của hắn đã bị quăng khỏi trời sau năm đó. Thế kỷ 20 đầy vấn đề đã cho chúng ta bằng chứng rõ ràng về hoạt động của Sa-tan và về sự ứng nghiệm đáng chú ý của điềm Chúa Giê-su hiện diện trong quyền Vua của Nước Trời.—Ma-thi-ơ, chương 24 và 25; Mác, chương 13; Lu-ca, chương 21; Khải-huyền 12:10, 12.
11. Sa-tan cố gắng làm gì, nhưng hắn bị thất bại như thế nào?
11 Vào tháng 6 năm 1918, Sa-tan điên cuồng cố gắng tiêu trừ những học viên Kinh Thánh đó, lúc bấy giờ họ đang rao giảng ở nhiều nước khác. Hắn cũng tìm cách hủy diệt hội hợp pháp của họ, đó là Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society). Những người có trách nhiệm trong Hội đã bị bỏ tù, bị buộc tội oan là xúi dân nổi loạn, như Chúa Giê-su đã bị trong thế kỷ thứ nhất. (Lu-ca 23:2) Nhưng vào năm 1919, những người đó đã được thả ra, nên họ có thể tiếp tục công việc rao giảng. Sau đó, họ đã được hoàn toàn trắng án.
Người trên “vọng-canh” chú ý xem chừng
12. Ngày nay, ai là những người hợp thành lớp người canh của Đức Giê-hô-va, và họ có thái độ nào?
12 Vì vậy, khi “kỳ cuối-cùng” bắt đầu, Đức Giê-hô-va lần nữa đã lập người canh, cảnh giác người ta về những biến cố có liên quan đến sự ứng nghiệm ý định của Ngài. (Đa-ni-ên 12:4; 2 Ti-mô-thê 3:1) Cho đến ngày nay, lớp người canh đó—những tín đồ được xức dầu của Đấng Christ, Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời—đã hành động phù hợp với sự miêu tả của Ê-sai về người canh trong lời tiên tri: “Nó phải chăm-chỉ mà nghe. Đoạn nó kêu lên như sư-tử, mà rằng: Hỡi Chúa, tôi đứng rình nơi chòi-trông cả ngày, và đứng tại chỗ tôi canh cả đêm”. (Ê-sai 21:7, 8) Đây là người canh coi trọng trách nhiệm mình!
13. (a) Người canh của Đức Giê-hô-va tuyên bố thông điệp nào? (b) Tại sao có thể nói Ba-by-lôn Lớn đã sụp đổ?
13 Người canh này đã thấy gì? Lần nữa, người canh của Đức Giê-hô-va, lớp nhân chứng Ngài, tuyên bố: “Ba-by-lôn đổ xuống rồi, đổ xuống rồi! Mọi hình-tượng tà-thần của nó đã bể-nát trên đất rồi!” (Ê-sai 21:9) Lần này sau Thế Chiến I, chính Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới, từ địa vị quyền thế đã đổ nhào xuống. (Giê-rê-mi 50:1-3; Khải-huyền 14:8) Điều này chẳng lạ gì! Cuộc Đại Chiến, tên được gọi thời bấy giờ, đã bắt đầu trong những nước theo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, nơi mà giới lãnh đạo tôn giáo của cả hai bên đã đổ dầu vào lửa bằng cách hô hào thanh niên ưu tú xông ra trận tuyến. Quả là một điều nhục nhã! Vào năm 1919, Ba-by-lôn Lớn không thể cản các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, thoát ra khỏi tình trạng bất động và dấn bước vào đợt rao giảng khắp đất mà ngày nay vẫn còn tiếp tục. (Ma-thi-ơ 24:14) Điều này đánh dấu sự sụp đổ của Ba-by-lôn Lớn, cũng như việc phóng thích dân Y-sơ-ra-ên vào thế kỷ thứ 6 TCN đánh dấu sự sụp đổ của Ba-by-lôn xưa.
14. Tạp chí nào được lớp người canh của Đức Giê-hô-va dùng nhiều, và Đức Giê-hô-va đã ban phước cho điều đó như thế nào?
14 Lớp người canh luôn luôn sốt sắng làm phận sự và có ước muốn mãnh liệt để làm điều đúng. Vào tháng 7 năm 1879, các Học Viên Kinh Thánh bắt đầu xuất bản tạp chí này, lúc bấy giờ được gọi là Zion’s Watch Tower and Herald of Christ’s Presence (Tháp Canh Si-ôn và Sứ giả loan báo sự hiện diện của Đấng Christ). Mỗi số từ năm 1879 cho đến 15-12-1938 đã có những lời này in trên trang bìa: “ ‘Hỡi người canh, đêm thế nào?’—Ê-sai 21:11”.a Suốt 120 năm, Tháp Canh đã trung thành chăm chú đến những biến cố thế giới và ý nghĩa của chúng theo lời tiên tri. (2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13) Lớp người canh của Đức Chúa Trời và các bạn đồng hành của họ là “chiên khác” đã dùng tạp chí này để công bố mạnh mẽ với nhân loại rằng Nước của Đấng Christ sắp sửa biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. (Giăng 10:16) Tạp chí này có được Đức Giê-hô-va ban phước không? Từ số đầu được in 6.000 cuốn vào năm 1879, tạp chí Tháp Canh nay có tổng số phát hành trên khắp thế giới hơn 22.000.000 cuốn trong 132 thứ tiếng—trong số này có 121 thứ tiếng được xuất bản cùng một lúc. Tạp chí tôn giáo phát hành rộng rãi nhất trên đất là một tạp chí đề cao danh của Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va, điều này quả là thích hợp thay!
Một sự tẩy sạch dần dần
15. Sự tẩy sạch dần dần nào đã bắt đầu ngay cả trước năm 1914?
15 Trong khoảng thời gian 40 năm trước khi Đấng Christ bắt đầu cai trị trên trời năm 1914, các Học Viên Kinh Thánh đã thoát ra khỏi nhiều giáo lý không căn cứ vào Kinh Thánh của các đạo tự xưng theo Đấng Christ, chẳng hạn như báp têm trẻ con, linh hồn bất tử, lửa luyện tội, sự thống khổ ở địa ngục và Chúa Ba Ngôi. Nhưng cần thêm thời gian để loại trừ tất cả quan điểm sai lầm. Thí dụ vào thập niên 1920, nhiều Học Viên Kinh Thánh đeo một miếng cài áo có biểu tượng thánh giá và vương miện, và họ đã cử hành Lễ Giáng Sinh và những lễ ngoại giáo khác. Tuy nhiên, để sự thờ phượng được thanh sạch, mọi dấu vết về sự thờ hình tượng phải bị loại ra. Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, phải là nền tảng duy nhất của đức tin và lối sống tín đồ Đấng Christ. (Ê-sai 8:19, 20; Rô-ma 15:4) Thêm vào Lời Đức Chúa Trời hoặc bớt đi bất cứ điều nào trong đó là sai.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:2; Khải-huyền 22:18, 19.
16, 17. (a) Lớp người canh đã có quan điểm sai lầm nào trong vài thập niên? (b) “Bàn thờ” và “trụ” tại “Ê-díp-tô” được giải thích đúng là gì?
16 Một thí dụ sẽ nhấn mạnh nguyên tắc này quan trọng như thế nào. Vào năm 1886, khi anh C. T. Russell xuất bản sách được gọi là The Divine Plan of the Ages (Kế hoạch các thời đại của Đức Chúa Trời), quyển sách này có một biểu đồ liên kết mọi thời đại của loài người với Kim Tự Tháp Vĩ Đại ở Ai Cập. Người ta nghĩ rằng đài tưởng niệm này của Pha-ra-ôn Khufu là cái trụ được nhắc đến nơi Ê-sai 19:19, 20: “Trong ngày đó, sẽ có một bàn-thờ cho Đức Giê-hô-va ở giữa xứ Ê-díp-tô, và có một trụ cho Đức Giê-hô-va nơi bờ-cõi nó. Ấy là dấu và chứng cho Đức Giê-hô-va vạn-quân tại xứ Ê-díp-tô”. Kim tự tháp này có liên hệ gì đến Kinh Thánh? Để nêu một thí dụ, người ta cho rằng chiều dài của những hành lang trong Kim Tự Tháp Vĩ Đại ám chỉ thời điểm bắt đầu “hoạn-nạn lớn” nói nơi Ma-thi-ơ 24:21, như được hiểu lúc bấy giờ. Một số Học Viên Kinh Thánh trở nên mải mê với việc đo những khía cạnh khác của kim tự tháp để xác định những vấn đề như ngày nào họ sẽ được lên trời.
17 Kim Tự Tháp này, cái gọi là Kinh Thánh trong Đá, được xem trọng trong vài thập niên, cho đến khi những số Tháp Canh ra ngày 15 tháng 11 và ngày 1 tháng 12 năm 1928 cho biết rõ rằng Đức Giê-hô-va không cần đài tưởng niệm nào do các pha-ra-ôn ngoại giáo xây và chứa đựng những dấu hiệu chiêm tinh của ma-quỉ, để khẳng định lời chứng nói trong Kinh Thánh. Thay vì vậy, lời tiên tri của Ê-sai đã có sự áp dụng về thiêng liêng. Như được nói trong Khải-huyền 11:8, “Ê-díp-tô” tượng trưng cho thế gian của Sa-tan. “Bàn thờ cho Đức Giê-hô-va” nhắc nhở chúng ta về những của-lễ hy sinh được Ngài chấp nhận, dâng bởi tín đồ được xức dầu của Đấng Christ trong lúc họ là những người tạm trú trên thế gian này. (Rô-ma 12:1; Hê-bơ-rơ 13:15, 16) Trụ “nơi bờ-cõi [Ê-díp-tô]” chỉ đến hội thánh tín đồ được xức dầu của Đấng Christ, là “trụ và nền của lẽ thật” và đứng làm chứng nơi xứ “Ê-díp-tô”, thế gian mà họ sắp sửa ra khỏi.—1 Ti-mô-thê 3:15.
18. (a) Đức Giê-hô-va tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề cho các học viên Kinh Thánh thành thật như thế nào? (b) Nếu người tín đồ Đấng Christ thấy sự giải thích mới về Kinh Thánh khó hiểu, người ấy nên có thái độ khôn ngoan nào?
18 Năm tháng dần trôi, Đức Giê-hô-va tiếp tục làm sáng tỏ thêm về lẽ thật cho chúng ta, kể cả sự hiểu biết rõ hơn về lời tiên tri của Ngài. (Châm-ngôn 4:18) Trong những năm gần đây, chúng ta được khuyến khích để xem lại nhiều đề tài khác nhau hầu hiểu rõ hơn—trong số đó có thế hệ sẽ không qua trước khi sự cuối cùng đến, ví dụ về chiên và dê, sự gớm ghiếc và khi nào nó đứng trong nơi thánh, giao ước mới, sự hóa hình và sự hiện thấy về đền thờ trong sách Ê-xê-chi-ên. Đôi khi những giải thích cập nhật này có thể khó hiểu, nhưng với thời gian chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao. Nếu một tín đồ Đấng Christ không hiểu trọn vẹn sự giải thích mới về một câu Kinh Thánh, người ấy nên khiêm nhường nhắc lại lời của nhà tiên tri Mi-chê: “Ta sẽ... chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”.—Mi-chê 7:7.
19. Những người xức dầu còn sót lại và bạn đồng hành của họ thuộc chiên khác đã tỏ ra can đảm như sư tử trong những ngày cuối cùng này như thế nào?
19 Hãy nhớ lại người canh “kêu lên như sư-tử, mà rằng: Hỡi Chúa, tôi đứng rình nơi chòi-trông cả ngày, và đứng tại chỗ tôi canh cả đêm”. (Ê-sai 21:8) Lớp người xức dầu còn sót lại đã cho thấy họ có lòng can đảm giống như sư tử trong việc vạch trần tôn giáo giả và chỉ cho người ta biết con đường dẫn đến tự do. (Khải-huyền 18:2-5) Với tư cách là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, họ đã cung cấp Kinh Thánh, tạp chí và những ấn phẩm khác trong rất nhiều thứ tiếng—“đồ-ăn đúng giờ”. (Ma-thi-ơ 24:45) Họ đã dẫn đầu trong việc nhóm lại đám đông “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Những người này cũng được tẩy sạch nhờ huyết có tác dụng chuộc tội của Chúa Giê-su và chứng tỏ họ can đảm như sư tử trong việc “ngày đêm hầu việc” Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 7:9, 14, 15) Trong năm vừa qua, nhóm nhỏ những Nhân Chứng xức dầu còn sót lại của Đức Giê-hô-va và bạn đồng hành của họ, tức đám đông, đã đạt được kết quả nào? Bài tới sẽ cho chúng ta biết.
[Chú thích]
a Kể từ 1-1-1939, câu này được đổi thành: “ ‘Chúng nó sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va’.—Ê-xê-chi-ên 35:15”.
Bạn có nhớ không?
• Qua nhiều năm, Đức Giê-hô-va đã dấy lên những nhân chứng nào?
• Nguồn gốc của Ba-by-lôn Lớn là gì?
• Tại sao Đức Giê-hô-va để cho Giê-ru-sa-lem, thủ đô nước nhân chứng của Ngài, bị hủy diệt năm 607 TCN? năm 70 CN?
• Lớp người canh của Đức Giê-hô-va và bạn đồng hành của họ đã tỏ tinh thần nào?
[Hình nơi trang 7]
“Hỡi Chúa, tôi đứng rình nơi chòi-trông cả ngày”
[Các hình nơi trang 10]
Lớp người canh của Đức Giê-hô-va xem trọng phận sự mình