Chương mười bảy
“Ba-by-lôn đổ xuống rồi!”
1, 2. (a) Chủ đề tổng quát của Kinh Thánh là gì, nhưng chủ đề phụ không kém quan trọng nào xuất hiện trong sách Ê-sai? (b) Kinh Thánh khai triển chủ đề về sự sụp đổ của Ba-by-lôn như thế nào?
KINH THÁNH có thể ví như một bản nhạc hay tuyệt vời với một âm điệu chính nổi bật và những âm điệu phụ làm cho cả bản nhạc thêm tính chất cá biệt. Cũng vậy, Kinh Thánh có một chủ đề chính—đó là quyền thống trị của Đức Giê-hô-va được biện minh qua chính quyền Nước của Đấng Mê-si. Kinh Thánh cũng có những chủ đề quan trọng khác được lặp đi lặp lại nữa. Một trong những chủ đề này là sự sụp đổ của Ba-by-lôn.
2 Chủ đề ấy được giới thiệu nơi chương 13 và 14 sách Ê-sai. Nó tái xuất hiện nơi chương 21 và rồi nơi chương 44 và 45. Một thế kỷ sau đó, nó được Giê-rê-mi khai triển thêm, và sách Khải-huyền đưa nó đến chỗ kết luận sôi nổi. (Giê-rê-mi 51:60-64; Khải-huyền 18:1–19:4) Mọi học viên Kinh Thánh nghiêm chỉnh đều cần quan tâm đến chủ đề phụ không kém quan trọng này của Lời Đức Chúa Trời. Chương 21 sách Ê-sai giúp ích về phương diện này, vì nó cung cấp những chi tiết vô cùng thích thú về sự sụp đổ của đại cường quốc thế giới đó đã được báo trước. Sau này, chúng ta sẽ thấy chương 21 sách Ê-sai nhấn mạnh một chủ đề quan trọng khác của Kinh Thánh—một chủ đề giúp chúng ta là những tín đồ Đấng Christ ngày nay lượng định được sự cảnh giác đúng mức của mình.
“Sự hiện-thấy hãi-hùng”
3. Tại sao Ba-by-lôn được gọi là “đồng vắng của biển”, và danh đó cho thấy gì về tương lai của nó?
3 Chương 21 sách Ê-sai mở đầu với một điềm xấu như sau: “Gánh-nặng về đồng vắng ở gần biển [“Tuyên ngôn nghịch lại đồng vắng của biển”, “NW”]. Nó đến từ đồng vắng, là đất đáng kinh-khiếp, khác nào cơn gió lốc vụt qua trong phương nam”. (Ê-sai 21:1) Ba-by-lôn nằm giữa Sông Ơ-phơ-rát, với phân nửa về phía đông nằm trong vùng giữa hai sông cái Ơ-phơ-rát và Tigris. Ba-by-lôn cách biển cũng khá xa. Vậy tại sao nó được gọi là “đồng vắng của biển?” Tại vì vùng Ba-by-lôn hằng năm thường bị ngập lụt, tạo ra một “biển” đầm lầy mênh mông. Tuy nhiên, người Ba-by-lôn đã kiểm soát được vùng đồng vắng đẫm nước này bằng cách thiết lập một hệ thống phức tạp gồm có đê đập, mương, cống và kênh ngòi. Họ khôn khéo biến hệ thống sông ngòi này thành một hệ thống phòng thủ thành. Tuy vậy, không một công trình nào của con người có thể cứu Ba-by-lôn khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Thành ấy từng là đồng vắng và nó sẽ lại trở thành đồng vắng nữa. Tai họa đang chờ nó, sẽ đến với nó như một trận bão dữ dội thỉnh thoảng thổi vào Y-sơ-ra-ên từ vùng đồng vắng ghê sợ về phía nam.—So sánh Xa-cha-ri 9:14.
4. Sự hiện thấy trong sách Khải-huyền về “Ba-by-lôn Lớn” bao gồm những yếu tố “các dòng nước” và “đồng vắng” như thế nào, và “các dòng nước” có nghĩa gì?
4 Như chúng ta đã học trong Chương 14 sách này, Ba-by-lôn cổ xưa có một thành tương ứng tân thời—“Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới. Trong sách Khải-huyền, Ba-by-lôn Lớn cũng được miêu tả với những chi tiết liên hệ đến “đồng vắng” và “các dòng nước”. Sứ đồ Giăng được đem đến một đồng vắng và được chỉ cho thấy Ba-by-lôn Lớn. Thiên sứ nói với ông là y thị “ngồi trên các dòng nước lớn” tượng trưng cho “các dân-tộc, các chúng, các nước và các tiếng”. (Khải-huyền 17:1-3, 5, 15) Sự sống còn của các tôn giáo giả luôn luôn tùy thuộc chủ yếu vào sự ủng hộ của công chúng, nhưng cuối cùng thì “các dòng nước” ấy sẽ không bảo vệ được y thị. Giống như thành tương ứng vào thời xưa, y thị sẽ trở thành trống trải, hoang vu và điêu tàn.
5. Ba-by-lôn làm cho mình nổi tiếng là “gian-dối” và một “kẻ tàn-hại” như thế nào?
5 Vào thời Ê-sai, Ba-by-lôn chưa phải là cường quốc thế giới chính, nhưng Đức Giê-hô-va đã thấy trước là khi thời điểm đó đến, nó sẽ lạm dụng quyền lực của nó. Ê-sai nói tiếp: “Có sự hiện-thấy hãi-hùng đã tỏ ra cho tôi: kẻ gian-dối ở gian-dối, kẻ tàn-hại làm tàn-hại!” (Ê-sai 21:2a) Thật vậy, Ba-by-lôn sẽ gây ra tàn hại và đối xử gian dối với những nước mà nó chinh phục, trong đó có nước Giu-đa. Người Ba-by-lôn sẽ cướp bóc Giê-ru-sa-lem, vơ vét đền thờ và bắt dân cư sang Ba-by-lôn làm phu tù. Tại đây, người Ba-by-lôn sẽ đối xử gian dối với dân phu tù bất lực, chế nhạo đức tin của họ và không cho họ hy vọng trở về quê hương.—2 Sử-ký 36:17-21; Thi-thiên 137:1-4.
6. (a) Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt sự than thở nào? (b) Theo lời tiên tri, những nước nào sẽ tấn công Ba-by-lôn, và điều này ứng nghiệm như thế nào?
6 Vâng, Ba-by-lôn thật đáng lãnh “sự hiện-thấy hãi-hùng” này, nghĩa là gặp một thời kỳ khốn khổ. Ê-sai nói tiếp: “Hỡi người Ê-lam, hãy lên; hỡi người Mê-đi, hãy vây đi! Ta sẽ làm cho dứt mọi tiếng than-thở nó”. (Ê-sai 21:2b) Những dân tộc bị đế quốc gian dối này áp bức sẽ được giải tỏa. Cuối cùng tiếng than thở của họ sẽ chấm dứt! (Thi-thiên 79:11, 12) Sự giải tỏa này đến từ đâu? Ê-sai nói đến tên của hai nước sẽ tấn công Ba-by-lôn, đó là Ê-lam và Mê-đi. Sau đó hai thế kỷ, vào năm 539 TCN, Si-ru người Phe-rơ-sơ thống lãnh một đạo quân hỗn hợp Phe-rơ-sơ và Mê-đi đánh chiếm Ba-by-lôn. Còn về Ê-lam, các vua Phe-rơ-sơ ít nhất đã chiếm hữu một phần đất của nước này trước năm 539 TCN.a Do đó, lực lượng Phe-rơ-sơ bao gồm người Ê-lam nữa.
7. Sự hiện thấy của Ê-sai ảnh hưởng tới ông như thế nào, và điều này có ý nghĩa gì?
7 Hãy lưu ý Ê-sai miêu tả sự hiện thấy đã ảnh hưởng tới ông như thế nào: “Vậy nên lưng ta đau lắm, quặn-thắt như đàn-bà đang sanh-đẻ; sự đau-đớn mà ta chịu, làm cho ta không nghe, sự kinh-hãi làm cho ta không thấy! Lòng ta mê-muội, rất nên khiếp-sợ; vốn là chiều-hôm ta ưa-thích, đã đổi ra sự run-rẩy cho ta”. (Ê-sai 21:3, 4) Dường như nhà tiên tri ưa thích buổi hoàng hôn, thời gian lý tưởng để trầm tư suy ngẫm. Nhưng giờ đây màn đêm đã đến không còn gì là thích thú, không những vậy còn đem lại sự kinh khiếp, đau đớn và run sợ nữa. Bụng ông quặn thắt như một người đàn bà lúc sinh đẻ và lòng ông “mê-muội”. Một học giả dịch câu này là “tim tôi đập rối loạn” và lưu ý là nhóm từ ấy ám chỉ “tim đập mạnh và bất thường”. Tại sao ông lại khó chịu như vậy? Hiển nhiên, cảm xúc của Ê-sai có ý nghĩa tiên tri. Vào đêm mồng 5/6 tháng 10 năm 539 TCN, người Ba-by-lôn trải qua sự kinh hoàng tương tự.
8. Theo lời tiên tri, Ba-by-lôn hành động như thế nào mặc dù quân thù ở bên ngoài tường thành?
8 Khi màn đêm buông xuống đêm tai ương đó, người Ba-by-lôn không hề nghĩ đến bất cứ lý do nào làm họ kinh hoàng. Khoảng hai thế kỷ trước đó, Ê-sai tiên tri: “Người ta đặt bàn-tiệc, cắt kẻ canh-giữ; người ta ăn và uống”. (Ê-sai 21:5a) Đúng vậy, Vua Bên-xát-sa kiêu ngạo đang đãi một đại tiệc. Người ta sắp chỗ ngồi cho một ngàn đại thần và cho nhiều cung phi và mỹ nữ. (Đa-ni-ên 5:1, 2) Những người say sưa này biết có một đạo quân bên ngoài tường thành nhưng họ tin là thành của họ không thể nào bị chiếm được. Những bức tường khổng lồ và hào sâu dường như làm cho việc chiếm thành không thể nào xảy ra; thành lại có nhiều thần thánh nữa nên việc thành bị chiếm là điều không thể tưởng tượng được. Vậy cứ “ăn và uống”. Bên-xát-sa say rượu và có lẽ không phải chỉ có mình ông. Các quan đại thần cũng rơi vào trạng thái mê mẩn đến nỗi cần phải đánh thức họ, như những lời tiên tri kế tiếp của Ê-sai cho thấy.
9. Tại sao cần “thoa dầu cho cái thuẫn”?
9 “Hỡi các quan-trưởng, hãy chờ dậy! Hãy thoa dầu cho cái thuẫn!” (Ê-sai 21:5b) Bất thình lình bữa tiệc chấm dứt. Các quan trưởng phải tự đánh thức mình! Nhà tiên tri lão thành Đa-ni-ên được vời đến hiện trường và ông thấy Đức Giê-hô-va đã khiến Vua Bên-xát-sa của Ba-by-lôn rơi vào trạng thái kinh hoàng như thế nào, tương tự như trạng thái mà Ê-sai đã miêu tả. Các đại thần của vua bối rối tột độ trong khi lực lượng hỗn hợp của Mê-đi, Phe-rơ-sơ và Ê-lam chọc thủng công sự phòng thủ của thành. Ba-by-lôn thất thủ mau lẹ! Vậy còn việc “thoa dầu cho cái thuẫn” nghĩa là gì? Kinh Thánh đôi khi ám chỉ vua của một nước là thuẫn vì ông là người chống giữ và bảo vệ xứ sở.b (Thi-thiên 89:18) Vì vậy câu này trong sách Ê-sai dường như tiên tri việc cần phải có một vua mới. Tại sao? Tại vì Bên-xát-sa bị giết trong “ngay đêm đó”. Do đó, cần phải “thoa dầu cho cái thuẫn”, hay là cần bổ nhiệm một vua mới.—Đa-ni-ên 5:1-9, 30.
10. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va rút ra được niềm an ủi nào từ sự ứng nghiệm của lời tiên tri của Ê-sai về kẻ đối xử gian dối?
10 Tất cả những ai yêu mến sự thờ phượng thật được an ủi qua sự tường thuật này. Ba-by-lôn tân thời, tức Ba-by-lôn Lớn, cũng cướp bóc và đối xử gian dối tàn hại y như thành tương ứng thời xưa với y thị vậy. Cho tới ngày nay, các nhà lãnh đạo tôn giáo âm mưu để Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, bắt bớ hoặc bị phạt vạ về thuế khóa. Nhưng như lời tiên tri này nhắc nhở chúng ta, Đức Giê-hô-va thấy tất cả những cách cư xử gian trá ấy và Ngài sẽ không để y thị khỏi bị phạt. Ngài sẽ chấm dứt toàn thể các tôn giáo trình bày sai lạc về Ngài, cùng ngược đãi dân sự Ngài. (Khải-huyền 18:8) Có thể nào như vậy được không? Để xây dựng đức tin của chúng ta, chúng ta chỉ cần xem những lời cảnh cáo của Ngài về sự sụp đổ của cả Ba-by-lôn cổ xưa lẫn tổ chức tương ứng tân thời đã được ứng nghiệm rồi như thế nào.
“Ba-by-lôn đổ xuống rồi”
11. (a) Trách nhiệm của người canh là gì, và ngày nay ai là người canh tích cực? (b) Chiến xa do lừa và lạc đà kéo tượng trưng cho gì?
11 Bây giờ Đức Giê-hô-va nói với nhà tiên tri. Ê-sai tường trình: “Chúa phán cùng tôi như vầy: Hãy đi, sắp-đặt vọng-canh, thấy việc gì thì báo”. (Ê-sai 21:6) Những lời này giới thiệu một chủ đề quan trọng khác của chương này—đó là chủ đề người gác hay người canh. Tất cả các tín đồ thật của Đấng Christ nên chú ý đến chủ đề này vì Chúa Giê-su có kêu gọi các môn đồ ngài là “hãy tỉnh-thức”. Lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” không bao giờ ngừng báo những gì họ thấy về ngày phán xét của Đức Chúa Trời đang đến gần và những nguy hiểm của thế gian suy đồi này. (Ma-thi-ơ 24:42, 45-47) Người canh trong sự hiện thấy của Ê-sai thấy gì? “Nó thấy quân-lính cỡi ngựa đi từng cặp, và có lừa cùng lạc-đà từng bầy, thì nó phải chăm-chỉ mà nghe”. (Ê-sai 21:7) Những chiến xa riêng rẽ này hình như tượng trưng nhiều đoàn chiến xa tiến ra trận theo đội hình với vận tốc của ngựa chiến quen trận mạc. Chiến xa do lừa kéo và chiến xa do lạc đà kéo tượng trưng một cách thích hợp cho hai cường quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ, sẽ liên kết mở cuộc tấn công này. Ngoài ra, lịch sử cũng xác nhận là quân Phe-rơ-sơ dùng cả lừa lẫn lạc đà trong chiến trận.
12. Người canh trong sự hiện thấy của Ê-sai biểu lộ những đức tính nào, và ngày nay ai cần những đức tính này?
12 Vậy người canh buộc phải báo cáo. “Đoạn nó kêu lên như sư-tử, mà rằng: Hỡi Chúa, tôi đứng rình nơi chòi-trông cả ngày, và đứng tại chỗ tôi canh cả đêm. Nầy, có quân-lính cỡi ngựa đi từng cặp mà đến”. (Ê-sai 21:8, 9a) Người canh trong sự hiện thấy can đảm kêu lên “như sư-tử”. Phải can đảm mới dám công bố thông điệp phán xét nghịch lại một nước đáng sợ như Ba-by-lôn. Cũng đòi hỏi một điều nữa—đó là chịu đựng. Người lính canh đứng nguyên vị trí cả ngày lẫn đêm, không hề giảm đi sự cảnh giác. Tương tự như vậy, lớp người canh trong những ngày sau rốt này cần phải can đảm và chịu đựng. (Khải-huyền 14:12) Tất cả tín đồ thật của Đấng Christ cần có những đức tính này.
13, 14. (a) Điều gì xảy ra cho Ba-by-lôn cổ xưa, và các thần tượng của nó bị bể tan theo nghĩa nào? (b) Ba-by-lôn Lớn cũng sụp đổ tương tự thế nào và khi nào?
13 Người canh trong sự hiện thấy của Ê-sai thấy một chiến xa tiến đến. Có tin gì đây? “Nó đáp rằng: Ba-by-lôn đổ xuống rồi, đổ xuống rồi! Mọi hình-tượng tà-thần của nó đã bể-nát trên đất rồi!” (Ê-sai 21:9b) Thật là một báo cáo phấn khởi! Cuối cùng, kẻ đối xử gian dối tàn hại với dân Đức Chúa Trời đã đổ rồi!c Tuy nhiên tượng chạm và hình tượng của Ba-by-lôn bị bể tan theo nghĩa nào? Quân xâm lăng Mê-đi và Phe-rơ-sơ có tiến vào các đền thờ của Ba-by-lôn và đập bể vô số hình tượng không? Không, những hành động như thế không cần thiết. Các thần tượng của Ba-by-lôn bị đập bể theo nghĩa chúng bị phơi bày là bất lực trong việc bảo vệ thành. Ba-by-lôn sẽ bị sụp đổ khi nó không còn khả năng ức hiếp dân Đức Chúa Trời nữa.
14 Còn về Ba-by-lôn Lớn thì sao? Qua âm mưu áp bức dân Đức Chúa Trời vào Thế Chiến I, có thể nói rằng y thị đã bắt họ làm phu tù một thời gian. Công việc rao giảng của họ gần như bị đình trệ. Vị chủ tịch và các anh có trọng trách của Hội Tháp Canh bị cáo gian và bị bỏ tù. Nhưng vào năm 1919, tình thế đảo ngược lại một cách lạ lùng. Các anh nói trên được thả ra, văn phòng trụ sở trung ương tái mở cửa và công việc rao giảng được bắt đầu lại. Do đó, Ba-by-lôn Lớn đổ theo nghĩa y thị không còn giam giữ được dân của Đức Chúa Trời nữa.d Trong sách Khải-huyền, sự sụp đổ này được một thiên sứ công bố hai lần, dùng những lời loan báo nơi Ê-sai 21:9.—Khải-huyền 14:8; 18:2.
15, 16. Dân sự của Ê-sai là ‘thóc trên sân đạp lúa’ theo nghĩa nào, và chúng ta có thể học được gì từ thái độ của Ê-sai đối với họ?
15 Ê-sai kết thúc thông điệp mang nghĩa tiên tri này bằng một giọng thương xót đối với dân sự của ông. Ông nói: “Hỡi lúa bị đạp của ta, là thóc trên sân kia! sự ta đã nghe từ Đức Giê-hô-va vạn-quân, tức là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, thì ta đã bảo cho ngươi biết”. (Ê-sai 21:10) Trong Kinh Thánh, đạp lúa thường tượng trưng cho sự trừng phạt và lọc luyện dành cho dân sự Đức Chúa Trời. Dân trong giao ước với Đức Chúa Trời sẽ trở thành ‘thóc trên sân đạp lúa’, nơi hạt thóc bị chà tách khỏi trấu, và chỉ chừa lại hạt gạo mà thôi. Ê-sai không hả hê về sự trừng phạt này. Thay vì thế, ông thương xót những ‘thóc trên sân đạp lúa’ tương lai này mà một số sẽ bị làm phu tù cả đời ở đất ngoại bang.
16 Điều này có thể dùng làm một sự nhắc nhở hữu ích cho tất cả chúng ta. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay, một số người dễ mất đi lòng thương xót đối với người phạm tội. Còn những người được sửa trị có thể thường có khuynh hướng bực bội. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ là Đức Giê-hô-va sửa trị dân Ngài nhằm lọc luyện họ, chúng ta sẽ không coi thường sự sửa phạt hay là khinh rẻ những ai khiêm nhường chấp nhận nó, và cũng không từ chối khi nó đến với chúng ta. Chúng ta hãy chấp nhận sự sửa trị của Đức Chúa Trời, coi đó như một sự biểu lộ tình yêu thương của Ngài vậy.—Hê-bơ-rơ 12:6.
Hỏi người canh
17. Tại sao việc Ê-đôm được gọi là “Đu-ma” là thích hợp?
17 Thông điệp thứ hai mang nghĩa tiên tri nơi chương 21 sách Ê-sai đặt trọng tâm vào hình ảnh người canh. Thông điệp bắt đầu: “Gánh-nặng [“Tuyên ngôn”, “NTT”] về Đu-ma. Có người từ Sê-i-rơ kêu tôi rằng: Hỡi người canh, đêm thể nào? Hỡi người canh, đêm thể nào?” (Ê-sai 21:11) Đu-ma nằm ở đâu? Hiển nhiên vào thời Kinh Thánh, có vài thành mang tên này, nhưng ở đây không có ý nói đến thành nào trong những thành ấy. Đu-ma không nằm trong Sê-i-rơ, vốn là một tên khác của Ê-đôm. Tuy nhiên, “Đu-ma” có nghĩa là “Im lặng”. Vậy như trong trường hợp tuyên ngôn trước, dường như tên được đặt cho vùng, ám chỉ tương lai của nó. Ê-đôm, kẻ thù lâu đời hay gây hấn của dân Đức Chúa Trời, sẽ chấm dứt trong sự im lặng—im lặng của cái chết. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, một số người sẽ nóng lòng muốn biết về tương lai.
18. Tuyên ngôn “Buổi sáng đến; đêm cũng đến” đã ứng nghiệm trên Ê-đôm cổ xưa như thế nào?
18 Vào thời điểm sách Ê-sai được viết ra, Ê-đôm nằm trên đường tiến quân của quân A-si-ri hùng mạnh. Một số người ở Ê-đôm ước ao biết khi nào đêm áp bức sẽ qua. Câu trả lời là gì? “Người canh đáp rằng: Buổi sáng đến; đêm cũng đến”. (Ê-sai 21:12a) Sự việc báo trước điều chẳng lành cho Ê-đôm. Tia sáng ban mai sẽ le lói ở chân trời, nhưng sẽ chỉ được chốc lát và là ảo ảnh. Đêm—một thời kỳ tối tăm khác của sự áp bức—sẽ mau chóng theo gót chân của buổi sáng. Thật là một bức tranh thích hợp cho tương lai của Ê-đôm! Sự áp bức của người A-si-ri sẽ chấm dứt, nhưng Ba-by-lôn sẽ kế vị A-si-ri làm cường quốc thế giới và sẽ hủy diệt phần lớn Ê-đôm. (Giê-rê-mi 25:17, 21; 27:2-8) Chu kỳ này lại tái diễn. Tiếp theo sự áp bức của Ba-by-lôn là của Phe-rơ-sơ và rồi của Hy Lạp. Rồi sẽ có một “buổi sáng” ngắn ngủi vào thời La Mã khi họ Hê-rốt—thuộc dòng dõi Ê-đôm—nắm quyền ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng “buổi sáng” đó sẽ chẳng được bao lâu. Cuối cùng, Ê-đôm sẽ vĩnh viễn đi vào sự im lặng, biến mất trong lịch sử. Cuối cùng, cái tên Đu-ma diễn tả Ê-đôm một cách thích hợp.
19. Người canh có thể có ý gì khi nói: “Nếu muốn hỏi thì hỏi đi; hãy trở lại, hãy đến”?
19 Người canh kết thúc thông điệp vắn tắt của ông bằng những lời sau: “Nếu muốn hỏi thì hỏi đi; hãy trở lại, hãy đến”. (Ê-sai 21:12b) Từ “Hãy đến” có thể ám chỉ “đêm” cứ nối tiếp theo nhau không ngừng sẽ đến trên Ê-đôm. Hoặc vì từ ấy có thể cũng được dịch là “trở lại”, nhà tiên tri có thể có ý muốn nói là bất cứ người dân Ê-đôm nào muốn thoát khỏi số phận của nước mình phải ăn năn và “trở lại” với Đức Giê-hô-va. Trong cả hai trường hợp, người canh đều mời dân hỏi thêm.
20. Tại sao tuyên ngôn nơi Ê-sai 21:11, 12 quan trọng cho dân Đức Giê-hô-va ngày nay?
20 Tuyên ngôn ngắn ngủi này mang một ý nghĩa quan trọng đối với dân sự Đức Giê-hô-va thời nay.e Chúng ta hiểu rằng nhân loại ở sâu trong đêm tối mù mịt về thiêng liêng và xa cách Đức Chúa Trời, và điều này đưa đến việc Đức Chúa Trời hủy diệt hệ thống mọi sự này. (Rô-ma 13:12; 2 Cô-rinh-tô 4:4) Trong đêm tăm tối này, bất cứ tia sáng hy vọng nào về hòa bình và an ninh mà con người bằng một cách nào đó có thể đem lại, cũng chỉ giống như tia sáng ban mai hão huyền và tiếp theo nó chỉ là những thời kỳ tăm tối hơn mà thôi. Bình minh thật đang đến gần—bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ trên mặt đất. Nhưng bao lâu đêm tối này còn thì bấy lâu chúng ta phải theo sự hướng dẫn của lớp người canh trong việc giữ tỉnh thức về thiêng liêng và can đảm rao sự kết liễu của hệ thống mọi sự suy đồi này gần đến.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6.
Màn đêm xuống trên hoang địa
21. (a) Lối chơi chữ nào cố ý đặt trong câu “tuyên ngôn về hoang địa”? (b) Đoàn bộ hành Đê-đan là gì?
21 Tuyên ngôn sau cùng của chương 21 sách Ê-sai nhắm thẳng vào “hoang địa”. Tuyên ngôn bắt đầu như sau: “Lời sấm trong [“Tuyên ngôn về”, “NW”] hoang địa. Hỡi đoàn lữ hành thuộc chi tộc Đa-đan, các người nghỉ qua đêm nơi rừng hoang đồng vắng”. (Ê-sai 21:13, “Trịnh Văn Căn”) Hoang địa rõ ràng ám chỉ A-ra-bi vì tuyên ngôn nhắm vào một số chi phái Ả-rập. Từ “hoang địa” đôi khi được dịch là “buổi chiều”, một từ rất tương tự trong tiếng Hê-bơ-rơ. Một số người cho rằng đây là lối chơi chữ, như thể một buổi chiều mù mịt—thời kỳ khó khăn—sắp sửa phủ trên vùng này. Tuyên ngôn mở đầu với một cảnh tượng về ban đêm, tả đoàn người bộ hành Đê-đan, một bộ lạc chính của Ả-rập. Những đoàn người bộ hành đó đi theo những lộ trình thương mại từ ốc đảo này đến ốc đảo khác trong sa mạc, gồng gánh gia vị, ngọc trai và các vật quý khác. Nhưng ở đây chúng ta thấy họ buộc phải rời những con đường quen thuộc để trốn đi ngủ đêm. Tại sao vậy?
22, 23. (a) Gánh nặng khổ sở nào sắp sửa xảy đến cho các bộ lạc Ả-rập, và gây ra hậu quả nào cho họ? (b) Bao lâu nữa thì tai họa xảy đến, và bởi tay ai?
22 Ê-sai giải thích: “Dân-cư Thê-ma đã đem nước cho những kẻ khát; đã đón những người trốn đặng cho họ bánh.... Vì họ trốn gươm, trốn gươm trần, trốn cung giương ra, trốn sự chiến-tranh kinh-khiếp”. (Ê-sai 21:13b-15) Vâng, chiến tranh tàn phá sẽ ụp trên những bộ lạc Ả-rập này. Thê-ma, tọa lạc trên một trong những ốc đảo có nhiều nước nhất trong vùng, buộc phải đem nước và bánh cho những người tị nạn chiến tranh kém may mắn. Sự khốn khổ này sẽ xảy đến khi nào?
23 Ê-sai tiếp tục: “Chúa đã phán cùng tôi như vầy: Trong một năm nữa, kể như năm kẻ ở mướn, cả sự vinh-hiển của Kê-đa sẽ hao-mòn. Những kẻ cầm cung mạnh-mẽ, là con-cái của Kê-đa, sẽ sót lại chẳng bao lăm. Vì Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đã phán vậy”. (Ê-sai 21:16, 17) Kê-đa là bộ lạc nổi bật đến độ đôi khi nó được dùng để đại diện cho toàn thể A-ra-bi. Đức Giê-hô-va đã quyết định là lính bắn cung và những kẻ dũng mãnh của bộ lạc này sẽ chết dần mòn tới con số còn lại ít oi. Khi nào? “Trong một năm” chứ không hơn, giống như một người làm công làm không quá với số giờ mà mình được trả lương. Tất cả những điều này được ứng nghiệm chính xác như thế nào thì không rõ. Cả hai vua A-si-ri—Sa-gôn I và San-chê-ríp—đều qui cho mình công trạng chinh phục A-ra-bi. Rất có thể một trong hai vua này đã hủy diệt các bộ lạc Ả-rập kiêu ngạo này, như đã được báo trước.
24. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng lời tiên tri của Ê-sai nghịch lại A-ra-bi đã ứng nghiệm?
24 Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn là lời tiên tri này đã ứng nghiệm từng chi tiết. Không có gì bảo đảm điều này hơn là chính những lời cuối cùng trong tuyên ngôn: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đã phán vậy”. Dân sự vào thời Ê-sai chắc khó tưởng tượng được làm sao Ba-by-lôn có thể vượt được A-si-ri và rồi bị lật đổ trong bữa tiệc liên hoan đồi trụy, nội trong một buổi chiều tối. Cũng vậy, làm sao Ê-đôm hùng mạnh có thể bị chấm dứt trong im lặng của sự chết hoặc làm sao một đêm khổ sở và thiếu thốn lại đổ trên các bộ lạc Ả-rập giàu có. Nhưng Đức Giê-hô-va nói nó sẽ xảy ra và nó đã xảy ra như vậy. Ngày nay Đức Giê-hô-va nói cho chúng ta biết là đế quốc tôn giáo giả thế giới sẽ đi đến chỗ chấm dứt. Điều này không phải là có thể mà chắc chắn xảy ra. Chính Đức Giê-hô-va đã nói điều đó!
25. Chúng ta có thể bắt chước gương của người canh như thế nào?
25 Vậy chúng ta hãy giống như người canh, đề cao cảnh giác như thể đứng gác trên một chòi canh cao, quan sát đến tận chân trời xa để phát hiện bất cứ dấu hiệu nguy hiểm nào đe dọa xảy đến. Chúng ta hãy liên kết chặt chẽ với lớp người canh trung thành, những tín đồ Đấng Christ được xức dầu còn lại trên đất ngày nay. Chúng ta hãy kết hợp với họ trong việc can đảm báo cáo những gì chúng ta thấy—bằng chứng rõ ràng về việc Đấng Christ đang cai trị trên trời; hoặc chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ chấm dứt đêm dài tối mịt mùng của sự xa cách Đức Chúa Trời; và sau đó, vào buổi bình minh thật, ngài sẽ đem lại Triều Đại Một Ngàn Năm ở địa đàng trên đất!
[Chú thích]
a Vua Si-ru của Phe-rơ-sơ đôi khi mệnh danh là “Vua của Anshan”—Anshan là một vùng hay một thành của Ê-lam. Dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ê-sai—thế kỷ thứ tám TCN—có thể không biết Phe-rơ-sơ nhưng chắc hẳn biết Ê-lam. Điều này có thể giải thích tại sao ở đây Ê-sai dùng tên Ê-lam thay vì Phe-rơ-sơ.
b Nhiều nhà bình luận Kinh Thánh nghĩ là nhóm từ “thoa dầu cho cái thuẫn” ám chỉ tập tục quân sự thời xưa, thoa dầu trên cái thuẫn bằng da trước khi ra trận để tên đạn trượt đi. Trong khi sự giải thích này có thể đúng nhưng nên lưu ý là vào đêm thành thất thủ, người Ba-by-lôn hầu như không còn thời giờ để chống trả, chứ đừng nói gì đến việc thoa dầu trên thuẫn để chuẩn bị ra trận!
c Lời tiên tri của Ê-sai về sự sụp đổ của Ba-by-lôn chính xác đến độ một số nhà phê bình Kinh Thánh đã đưa ra giả thuyết là nó được viết sau khi biến cố xảy ra. Nhưng như học giả người Do Thái, ông F. Delitzsch, ghi nhận, sự suy đoán như thế là không cần thiết nếu chúng ta chấp nhận một đấng tiên tri có thể được soi dẫn để tiên tri những biến cố hàng trăm năm trước.
d Xin xem sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, trang 164-169.
e Tạp chí Tháp Canh trong 59 năm đầu tiên có ghi nơi trang bìa câu Ê-sai 21:11. Charles T. Russell, chủ tịch tiên khởi của Hội Tháp Canh, cũng dùng câu Kinh Thánh này làm chủ đề cho bài giảng cuối cùng được viết sẵn của anh. (Xin xem hình vẽ nơi trang trước).
[Hình nơi trang 219]
“Người ta ăn và uống”
[Hình nơi trang 220]
Người canh bắt đầu “kêu lên như sư-tử”
[Hình nơi trang 222]
“Tôi đứng rình... cả ngày, và... cả đêm”