Chương năm
Đức Giê-hô-va hạ những kẻ tự tôn mình lên
1, 2. Tại sao chúng ta chú ý đến thông điệp mang nghĩa tiên tri của Ê-sai nói cho dân Do Thái vào thời ông?
CHÁN NGÁN tình trạng của Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, nhà tiên tri Ê-sai nay hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và nói: “Thật Chúa đã bỏ dân Ngài, là nhà Gia-cốp”. (Ê-sai 2:6a) Điều gì đã gây cho Đức Chúa Trời nổi giận để rồi Ngài từ bỏ dân mà chính Ngài đã chọn làm “dân riêng”?—Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:2.
2 Việc Ê-sai lên án dân Do Thái vào thời ông rất đáng cho chúng ta chú ý. Tại sao vậy? Bởi vì tình trạng của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay rất giống với tình trạng của dân sự Ê-sai, và Đức Giê-hô-va cũng tuyên bố sự phán xét tương tự. Việc chú ý đến lời công bố của Ê-sai sẽ cho chúng sự hiểu biết rõ ràng về những điều Đức Chúa Trời lên án và sẽ giúp chúng ta xa lánh những thực hành không được Ngài chấp nhận. Vậy với lòng háo hức chờ đợi, chúng ta hãy xem xét lời tiên tri của Đức Giê-hô-va được ghi nơi Ê-sai 2:6–4:1.
Trong sự kiêu ngạo, chúng cúi mình lạy
3. Ê-sai thú nhận tội lỗi nào của dân sự ông?
3 Ê-sai thú nhận tội lỗi của dân sự: “Họ đầy-dẫy tục phương đông, và bói-khoa như người Phi-li-tin, lại giao-ước với [“đầy dẫy”, “NW”] con-cái dân ngoại”. (Ê-sai 2:6b) Khoảng 800 năm trước, Đức Giê-hô-va đã ra lệnh cho dân riêng của Ngài: “Các ngươi chớ làm một trong mấy việc đó mà tự gây cho mình ô-uế; bởi dân mà ta sẽ đuổi khỏi trước mặt các ngươi đã thành ô-uế vì cớ làm các việc đó”. (Lê-vi Ký 18:24) Về dân được Ngài nhận làm cơ nghiệp riêng, Đức Giê-hô-va buộc Ba-la-am nói: “Vì từ đỉnh các núi, tôi thấy người, từ đầu cao gò-đống, tôi nhìn người: Kìa, là một dân ở riêng ra, sẽ không nhập số các nước”. (Dân-số Ký 23:9, 12) Tuy nhiên, vào thời của Ê-sai, dân được Đức Chúa Trời chọn đã tiếp nhận những thực hành ghê tởm của các dân tộc chung quanh và họ có “đầy-dẫy tục phương đông”. Thay vì đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va và lời của Ngài, họ lại thực hành “bói-khoa như người Phi-li-tin”. Thay vì tách biệt với các nước, xứ họ “đầy dẫy con-cái dân-ngoại”—hiển nhiên là người ngoại đã đưa các thực hành không tin kính vào trong dân tộc của Đức Chúa Trời.
4. Sự giàu có và sức mạnh quân sự thay vì thúc đẩy người Do Thái cám ơn Đức Giê-hô-va thì đã ảnh hưởng họ như thế nào?
4 Ghi nhận sự thịnh vượng về kinh tế và sức mạnh quân sự của Giu-đa dưới triều đại Vua Ô-xia, Ê-sai nói: “Xứ nó đầy bạc và vàng, của-cải vô-cùng; xứ nó đầy những ngựa, xe-cộ vô-số”. (Ê-sai 2:7) Dân sự có cám ơn Đức Giê-hô-va về sự giàu có và sức mạnh quân sự đó không? (2 Sử-ký 26:1, 6-15) Hoàn toàn không! Thay vì thế, họ lại đặt tin tưởng vào chính sự giàu có và xoay mặt khỏi Nguồn của sự giàu có ấy, tức là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hậu quả là gì? “Xứ nó chan-chứa những hình-tượng, họ thờ-lạy đồ tay mình làm ra, đồ ngón tay mình tạo nên. Kẻ hèn sẽ bị khuất [“đều cúi lạy”, “Bản Diễn Ý”], người sang sẽ bị hạ mình; vậy Chúa đừng tha họ!” (Ê-sai 2:8, 9) Họ xoay mặt khỏi Đức Chúa Trời hằng sống và quỳ lạy các thần tượng vô tri vô giác.
5. Tại sao việc cúi mình lạy hình tượng không phải là một hành động khiêm nhường?
5 Cúi mình xuống có thể là một dấu hiệu khiêm nhường. Nhưng cúi mình xuống lạy các vật vô tri vô giác là vô ích, và làm cho các kẻ thờ hình tượng bị “hạ” hay là thoái hóa. Làm sao Đức Giê-hô-va có thể tha một tội như thế được? Những kẻ thờ hình tượng này sẽ làm gì khi Đức Giê-hô-va gọi họ ra để khai trình?
‘Con mắt kiêu-ngạo bị hạ thấp xuống’
6, 7. (a) Trong ngày phán xét của Đức Giê-hô-va, điều gì xảy ra cho những kẻ tự tôn? (b) Đức Giê-hô-va đổ cơn thịnh nộ xuống cái gì và trên ai, và tại sao?
6 Ê-sai nói tiếp: “Ngươi khá vào nơi vầng đá, ẩn mình trong bụi-đất, đặng tránh-khỏi sự kinh-khiếp Đức Giê-hô-va và sự chói-sáng của uy-nghiêm Ngài”. (Ê-sai 2:10) Nhưng không có vầng đá nào đủ lớn để che chở họ, cũng không có màn nào đủ dày để che giấu họ khỏi Đức Giê-hô-va, Đấng Toàn Năng. Khi Ngài đến để thi hành sự phán xét của Ngài, “con mắt ngó cao của loài người sẽ bị thấp xuống, sự kiêu-ngạo của người ta sẽ bị hạ đi; trong ngày đó chỉ Đức Giê-hô-va là tôn-trọng”.—Ê-sai 2:11.
7 “Ngày của Đức Giê-hô-va vạn-quân” sẽ đến. Đó là ngày Đức Giê-hô-va đổ cơn thịnh nộ của Ngài “trên mọi cây bách cao-lớn của Li-ban, và mọi cây dẻ của Ba-san; cùng trên mọi núi cao, mọi đồi cả, trên mọi tháp cao và mọi vách-thành vững-bền, trên mọi tàu-bè của Ta-rê-si, và mọi vật chi đẹp mắt”. (Ê-sai 2:12-16) Đúng vậy, mọi tổ chức con người lập nên như một biểu tượng của sự tự cao và mọi kẻ không tin kính sẽ bị dẹp bỏ trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va. Vì thế, “sự tự-cao của loài người sẽ bị dằn xuống, và sự cậy mình của người ta sẽ bị hạ đi; trong ngày đó chỉ Đức Giê-hô-va là tôn-trọng”.—Ê-sai 2:17.
8. Ngày phán xét được báo trước đã đến trên Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN như thế nào?
8 Đúng như lời tiên tri, ngày phán xét đã đến trên dân Do Thái vào năm 607 TCN khi vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy Giê-ru-sa-lem. Dân cư thấy thành yêu dấu của họ bị bốc cháy, các tòa nhà nguy nga bị sập đổ, các bức tường thành kiên cố bị bể tan hoang. Đền thờ Đức Giê-hô-va chỉ còn là đống gạch vụn. Của cải lẫn xe cộ của họ chẳng còn giá trị gì trong “ngày của Đức Giê-hô-va vạn-quân”. Còn về thần tượng của họ thì sao? Đúng như Ê-sai đã báo trước: “Bấy giờ các thần-tượng sẽ qua hết đi”. (Ê-sai 2:18) Người Do Thái—gồm cả vua quan và người có thế lực—bị giải sang Ba-by-lôn làm phu tù. Giê-ru-sa-lem bị hoang vu trong 70 năm.
9. Tình trạng của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ giống như tình trạng của Giê-ru-sa-lem và Giu-đa vào thời Ê-sai như thế nào?
9 Tình trạng của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ và tình trạng của Giê-ru-sa-lem và Giu-đa vào thời Ê-sai giống nhau làm sao! Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ quả đã vun trồng một mối quan hệ mật thiết với các nước của thế gian này. Y thị là một ủng hộ viên nhiệt thành của Liên Hiệp Quốc và nhà của y thị đầy dẫy thần tượng và các thực hành trái với Kinh Thánh. Các giáo dân của y thị thiên về vật chất và đặt tin cậy nơi sức mạnh quân sự. Chẳng phải họ coi hàng giáo phẩm của họ đáng được biệt đãi, được gán những tước hiệu và được nhiều vinh dự hay sao? Sự tôn mình lên của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ chắc chắn sẽ bị hạ xuống. Nhưng khi nào?
“Ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến
10. Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ nói đến “ngày của Đức Giê-hô-va” nào?
10 Kinh Thánh cho thấy “ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ lớn hơn ngày phán xét trên Giê-ru-sa-lem và Giu-đa cổ xưa rất nhiều. Dưới sự soi dẫn, sứ đồ Phao-lô liên kết “ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến với sự hiện diện của Vua Giê-su Christ trong vương quyền. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2) Phi-e-rơ cũng liên kết ngày đó với sự thiết lập “trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn ở”. (2 Phi-e-rơ 3:10-13) Đó là ngày Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự phán xét trên toàn thể hệ thống mọi sự gian ác, gồm cả các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ.
11. (a) Ai có thể “đương lại” “ngày của Đức Giê-hô-va” sắp đến? (b) Làm sao chúng ta có thể ẩn náu nơi Đức Giê-hô-va?
11 Nhà tiên tri Giô-ên nói: “Ôi ngày ấy! Vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai-vạ thả ra bởi Đấng Toàn-năng”. Trước sự kiện “ngày” đó rất gần kề, vấn đề an toàn trong thời kỳ kinh hãi ấy chẳng lẽ không phải là mối quan tâm của mỗi người chúng ta sao? Giô-ên hỏi: “Ai có thể đương lại?” Rồi nhà tiên tri trả lời: “Đức Giê-hô-va là nơi ẩn-náu cho dân mình”. (Giô-ên 1:15; 2:11; 3:16) Giê-hô-va Đức Chúa Trời có là nơi ẩn náu cho những kẻ kiêu ngạo và những kẻ đặt sự tin cậy nơi sự giàu có, sức mạnh quân sự và các thần do con người làm ra không? Chắc chắn là không! Đức Chúa Trời đã từ bỏ ngay cả dân riêng của Ngài khi họ đi theo đường lối này. Thật là tối quan trọng để các tôi tớ của Đức Chúa Trời “tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì”, và nghiêm chỉnh xem xét sự thờ phượng Đức Giê-hô-va đứng chỗ nào trong đời sống mình!—Sô-phô-ni 2:2, 3.
“Cho chuột cho dơi”
12, 13. Tại sao việc những kẻ thờ hình tượng ném thần của họ “cho chuột cho dơi” trong ngày của Đức Giê-hô-va là thích hợp?
12 Những kẻ thờ lạy hình tượng sẽ coi hình tượng của họ như thế nào trong ngày lớn của Đức Giê-hô-va? Ê-sai trả lời: “Người ta sẽ vào trong hang đá, trong hầm đất, đặng tránh-khỏi sự kinh-khiếp Đức Giê-hô-va và sự chói-sáng của uy-nghiêm Ngài, khi Ngài dấy lên đặng làm rúng-động đất cách mạnh lắm. Trong ngày đó, người ta sẽ ném cho chuột cho dơi những thần-tượng bằng bạc bằng vàng... và vào trong hang đá, trong kẽ đá, đặng tránh-khỏi sự kinh-khiếp Đức Giê-hô-va và sự chói-sáng của uy-nghiêm Ngài, khi Ngài dấy lên đặng làm rúng-động đất cách mạnh lắm. Chớ cậy ở loài người, là loài có hơi-thở trong lỗ mũi; vì họ nào có đáng kể gì đâu?”—Ê-sai 2:19-22.
13 Chuột ở trong lỗ dưới đất, và dơi đậu trong hang tối tăm và cô quạnh. Ngoài ra, chỗ nào có nhiều dơi đậu, chỗ ấy thường xông ra mùi hôi thối và phân dơi lớp này chồng lên lớp kia. Ném thần tượng vào nơi như thế thật là thích hợp. Một nơi tối tăm và ô uế dành cho chúng là đáng lắm. Còn về người ta, họ sẽ tìm kiếm chỗ ẩn náu trong hang và kẽ đá trong ngày phán xét của Đức Giê-hô-va. Do đó, thần tượng và những kẻ thờ lạy chúng sẽ cùng số phận. Đúng như lời tiên tri của Ê-sai, thần tượng vô tri vô giác không thể cứu kẻ thờ nó, cũng chẳng cứu được Giê-ru-sa-lem khỏi tay của Nê-bu-cát-nết-sa vào năm 607 TCN.
14. Trong ngày phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va trên đế quốc tôn giáo giả thế giới, người thế gian sẽ làm gì?
14 Trong ngày phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va trên các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ và các thành phần khác của đế quốc tôn giáo giả thế giới, người ta sẽ làm gì? Đứng trước tình trạng suy đồi trên khắp thế giới, phần lớn người ta sẽ nhận ra rằng các thần tượng của họ là vô giá trị. Để thay thế thần tượng, họ thấy có lý để tìm sự ẩn náu và sự che chở nơi những tổ chức thế tục, có lẽ gồm cả Liên Hiệp Quốc, “con thú sắc đỏ sậm” được nói đến trong sách Khải-huyền chương 17. Chính “mười sừng” của con thú tượng trưng đó sẽ hủy diệt Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới mà các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ là thành phần chính.—Khải-huyền 17:3, 8-12, 16, 17.
15. Trong ngày phán xét của Đức Giê-hô-va, chỉ mình Ngài “là tôn-trọng” như thế nào?
15 Mặc dù chính mười cái sừng tượng trưng tàn phá và đốt cháy Ba-by-lôn Lớn, nhưng thật ra đó là sự thi hành án phạt của Đức Giê-hô-va. Về Ba-by-lôn Lớn, Khải-huyền 18:8 nói: “Vậy cho nên đồng trong một ngày, những tai-nạn này sẽ giáng trên nó, nào sự chết, nào sự than-khóc, nào đói-kém, và nó sẽ bị lửa thiêu mình đi nữa; vì Đức Chúa Trời phán-xét nó là Chúa có quyền-lực”. Vì thế công trạng giải thoát nhân loại khỏi sự thống trị của tôn giáo giả qui về cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng. Như Ê-sai nói: “Trong ngày đó chỉ Đức Giê-hô-va là tôn-trọng. Vì sẽ có một ngày của Đức Giê-hô-va vạn-quân”.—Ê-sai 2:11b, 12a.
“Kẻ dẫn ngươi làm cho ngươi sai-lạc”
16. (a) Cái gì tạo thành “chỗ tựa và chỗ dựa” của xã hội loài người? (b) Khi “chỗ tựa và chỗ dựa” của xã hội bị lấy đi, dân sự của Ê-sai sẽ bị đau khổ như thế nào?
16 Xã hội con người muốn được ổn định, cần phải có “chỗ tựa và chỗ dựa”—tức những thứ cần thiết như thực phẩm, nước uống và quan trọng hơn, những người dẫn đầu đáng tin cậy, có thể hướng dẫn dân chúng và duy trì trật tự xã hội. Tuy vậy, về nước Y-sơ-ra-ên cổ xưa, Ê-sai báo trước: “Nầy, Chúa, là Đức Giê-hô-va vạn-quân, sẽ cất lấy chói và gậy [“chỗ tựa và chỗ dựa”, “Nguyễn Thế Thuấn”] khỏi Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, tức là cả bánh nó cậy và cả nước nó nhờ. Ngài sẽ cất lấy những người mạnh-mẽ, chiến-sĩ, quan-xét, đấng tiên-tri, thầy bói, trưởng-lão, cai-đội, dòng quí-phái, mưu-sĩ, lương-công, và thuật-sĩ”. (Ê-sai 3:1-3) Trẻ nít trở thành quan trưởng và cai trị lung tung. Không những giới cai trị đàn áp dân chúng mà “dân-sự hà-hiếp nhau... Con nít lấn-lướt kẻ già-cả, người hèn-hạ lấn-lướt người tôn-trọng”. (Ê-sai 3:4, 5) Trẻ con “lấn-lướt” người già, vô lễ với họ. Tình trạng cuộc sống suy đồi tới độ người ta nói với một người không đủ điều kiện làm người cai trị: “Ngươi có áo choàng; hãy làm đầu chúng ta, và sự bại-hoại nầy hãy thuộc về dưới tay ngươi!” (Ê-sai 3:6) Nhưng kẻ được yêu cầu sẽ từ chối và nhất mực cho là mình không có khả năng chữa lành xứ sở đầy thương tích, cũng không có của cải để đảm đương trách nhiệm. Họ sẽ nói: “Ta không làm thầy chữa-lành, vì trong nhà ta không có bánh cũng không có áo; chớ lập ta làm quan cai dân-sự”.—Ê-sai 3:7.
17. (a) Tội của Giê-ru-sa-lem và Giu-đa giống “như thành Sô-đôm” theo nghĩa nào? (b) Ê-sai trách cứ ai về tình trạng trong dân sự của ông?
17 Ê-sai nói tiếp: “Giê-ru-sa-lem phải nghiêng-úp, và Giu-đa xiêu-đổ; vì lời nói việc làm của họ nghịch cùng Đức Giê-hô-va, và trêu-chọc con mắt của uy-nghiêm Ngài. Bộ mặt họ làm chứng nghịch cùng mình; họ bêu tội rõ-ràng như thành Sô-đôm chẳng giấu chút nào. Khốn thay cho linh-hồn họ! vì họ đã làm hại cho mình!” (Ê-sai 3:8, 9). Dân sự của Đức Chúa Trời thật đã phản nghịch Ngài bằng lời nói và việc làm. Ngay cả sự trơ trẽn và thái độ không ăn năn trên khuôn mặt của họ cũng phơi bày tội lỗi của họ, gớm ghiếc như tội dân thành Sô-đôm vậy. Dù họ ở trong giao ước với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, song Ngài sẽ không thay đổi tiêu chuẩn của Ngài để chiều theo họ. “Hãy rao cho kẻ công-bình được phước; vì họ sẽ ăn trái của việc làm mình. Khốn cho kẻ hung-ác, ắt mang họa! Vì họ sẽ thâu lại việc tự tay mình làm ra! Dân ta bị con nít hà-hiếp, và đàn-bà cai-trị nó. Hỡi dân ta, kẻ dẫn ngươi làm cho ngươi sai-lạc, và họ phá-hoại đường-lối ngươi”.—Ê-sai 3:10-12.
18. (a) Đức Giê-hô-va tuyên bố sự phán xét nào trên các trưởng lão và quan trưởng vào thời Ê-sai? (b) Chúng ta học được bài học nào từ sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên các trưởng lão và quan trưởng?
18 Còn với các trưởng lão và quan trưởng trong Giu-đa, Đức Giê-hô-va đưa họ ra để “xét-đoán”: “Ấy chính các ngươi là kẻ đã nuốt vườn nho; của cướp-bóc kẻ nghèo đương ở trong nhà các ngươi! Các ngươi có ý gì mà đè-ép dân ta, giày-vò mặt kẻ nghèo-khó?” (Ê-sai 3:13-15) Thay vì tìm phúc lợi cho dân, giới lãnh đạo lại dính líu đến các thực hành gian dối. Họ lạm dụng quyền hành để làm giàu cho chính mình và bóc lột người nghèo và người thiếu thốn. Những kẻ lãnh đạo này phải trả lời với Đức Giê-hô-va vạn quân về việc họ áp bức người khốn khổ. Đây quả là một sự cảnh cáo cho những ai đang ở trong địa vị có trách nhiệm ngày nay! Mong họ thận trọng, chớ bao giờ lạm dụng quyền hành.
19. Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ có tội trong việc đàn áp và bắt bớ ai?
19 Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ—đặc biệt là hàng giáo phẩm và những người có ảnh hưởng lớn—đã gian lận thâu về cho mình nhiều tài vật của thường dân, giới mà y thị đã áp bức và tiếp tục áp bức. Y thị cũng đã đánh đập, bắt bớ, và ngược đãi dân của Đức Chúa Trời và gây sỉ nhục lớn cho danh của Đức Giê-hô-va. Khi đúng thời điểm, chắc chắn Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự phán xét trên y thị.
“Dấu phỏng thay vì sắc đẹp”
20. Tại sao Đức Giê-hô-va kết án “con gái Si-ôn”?
20 Sau khi lên án sự tồi bại của giới lãnh đạo, Đức Giê-hô-va xoay sang các người nữ ở Si-ôn, hay là Giê-ru-sa-lem. Hình như vì lý do thời trang, “con gái Si-ôn” mang “chuyền mắt-cá”—sợi dây chuyền đeo ở mắt cá—gây ra tiếng leng keng như điệu nhạc vậy. Họ không dám bước dài nhưng bước đi “õng-ẹo”, tạo ra dáng đi thướt tha của phụ nữ. Điều này có gì sai quấy không? Sai là ở thái độ của những phụ nữ đó. Đức Giê-hô-va nói: “Những con gái Si-ôn kiêu-ngạo, ngóng cổ bước tới, liếc mắt trêu-ngươi”. (Ê-sai 3:16) Sự kiêu ngạo như thế không thể tránh khỏi sự trừng phạt được.
21. Sự phán xét của Đức Giê-hô-va ảnh hưởng thế nào đến các phụ nữ Do Thái?
21 Do đó, khi sự phán xét của Đức Giê-hô-va đến trên xứ, “những con gái Si-ôn” hợm hĩnh này sẽ mất hết tất cả—ngay cả sắc đẹp mà các nàng hãnh diện. Đức Giê-hô-va tiên tri: “Chúa sẽ làm cho đỉnh-đầu con gái Si-ôn đóng vảy, và Đức Giê-hô-va sẽ lột truồng chúng nó. Trong ngày đó, Chúa sẽ cất những vòng mắt-cá họ trang-sức đi, cái lưới và cái cài; hoa-tai, xuyến và lúp; mão, chuyền mắt-cá, nịt lưng, hợp hương và bùa-đeo; cà-rá và khoen đeo mũi; áo lễ, áo lá rộng, áo choàng, túi nhỏ; gương tay, vải mỏng, khăn bịt đầu và màn che mặt”. (Ê-sai 3:17-23) Tình thế đảo ngược bi thảm thay!
22. Ngoài đồ trang sức, phụ nữ Giê-ru-sa-lem còn mất mát gì nữa?
22 Thông điệp mang nghĩa tiên tri tiếp tục: “Sẽ có mùi hôi-hám thay vì thơm-tho; dây-tói thay vì nịt lưng; đầu sói thay vì tóc quăn; bao gai quấn mình thay vì áo dài phấp-phới; dấu phỏng thay vì sắc đẹp”. (Ê-sai 3:24) Vào năm 607 TCN, những phụ nữ kiêu xa của Giê-ru-sa-lem mất hết giàu sang và rơi vào cảnh nghèo nàn. Họ mất tự do và phải lãnh “dấu phỏng” của sự nô lệ.
‘Nó chắc chắn sẽ bị vắng-vẻ’
23. Đức Giê-hô-va công bố điều gì về Giê-ru-sa-lem?
23 Bây giờ Đức Giê-hô-va nói với thành Giê-ru-sa-lem: “Lính chiến ngươi sẽ ngã dưới gươm, những kẻ anh-hùng ngươi sẽ bị tử-trận. Các cửa nó sẽ than-khóc và thảm-sầu; nó vắng-vẻ ngồi trên đất”. (Ê-sai 3:25, 26) Đàn ông của Giê-ru-sa-lem, ngay cả những người mạnh mẽ, sẽ chết nơi chiến trận. Thành sẽ bị san bằng bình địa. Về “các cửa nó”, sẽ có một thời kỳ “than-khóc và thảm-sầu”. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị “vắng-vẻ” và bị hoang vu.
24. Việc lính chiến ngã dưới gươm đã tạo ra hậu quả trầm trọng nào cho phụ nữ Giê-ru-sa-lem?
24 Việc lính chiến ngã dưới gươm sẽ tạo ra những hậu quả trầm trọng cho phụ nữ Giê-ru-sa-lem. Ê-sai kết thúc phần này của sách tiên tri với lời báo trước: “Trong ngày đó, bảy người nữ sẽ bắt lấy một người nam, và nói rằng: Chúng tôi ăn bánh của mình, mặc áo của mình; chỉ xin cho phép chúng tôi mang danh ngươi; hãy cất sự xấu-hổ của chúng tôi đi”. (Ê-sai 4:1) Nạn trai thiếu trầm trọng đến nỗi sáu bảy phụ nữ bám lấy một người nam xin được mang danh của người—tức là xin công khai làm vợ chàng—như thế để khỏi bị xấu hổ vì ế chồng. Luật Pháp Môi-se đòi hỏi người chồng phải cung cấp đồ ăn và quần áo cho vợ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:10) Tuy nhiên, với việc bằng lòng “ăn bánh của mình, mặc áo của mình”, những người đàn bà này sẵn sàng miễn cho người đàn ông các nghĩa vụ luật định. Thật là một tình trạng tuyệt vọng cho các “con gái Si-ôn” từng một thời kiêu kỳ!
25. Trong tương lai gần đây, những kẻ tự tôn mình lên sẽ ra sao?
25 Đức Giê-hô-va hạ những kẻ tự tôn xuống. Thật vậy, vào năm 607 TCN, Ngài đã khiến những kẻ tự cao trong dân riêng của Ngài phải “hạ đi” và làm cho những kẻ “kiêu-ngạo” trở nên “thấp”. Mong sao các tín đồ thật của Đấng Christ không bao giờ quên là “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”.—Gia-cơ 4:6.
[Hình nơi trang 50]
Thần tượng, sự giàu có và sức mạnh quân sự không thể cứu Giê-ru-sa-lem trong ngày phán xét của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 55]
Trong “ngày của Đức Giê-hô-va”, đế quốc tôn giáo giả thế giới sẽ bị hủy diệt