Những bợm rượu thiêng liêng—Họ là ai?
“Khốn thay cho mão triều-thiên kiêu-ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im” (Ê-SAI 28:1).
1. Nhiều người cảm thấy lạc quan về điều gì, nhưng các hy vọng của họ sẽ được thành tựu không?
CHÚNG TA đang sống trong một thời đại đầy sôi nổi. Nhiều người thấy lạc quan trước những thay đổi đột ngột về chính trị tại nhiều nơi trên khắp thế giới và trước sự gia tăng ảnh hưởng của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Tháng 12 năm 1989, tờ Detroit Free Press có nói: “Bắt đầu thập niên 1990 hòa bình đã đến trên hành tinh này”. Một tạp chí Liên Sô thông báo: “Chúng ta đang chuẩn bị lấy gươm rèn lưỡi cày”, trong khi đó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Chúng ta không còn ở trong tình trạng chiến tranh lạnh nữa”. Đúng thế, người ta đã có nhiều hy vọng và quả thật tình hình trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Giờ đây cuộc chiến vùng Vịnh (Gulf war) cho thấy nhiều sự thay đổi đã diễn ra nhanh chóng như thế nào. Nhưng thế gian hiện nay sẽ bao giờ thấy được một thời kỳ hòa bình và an ninh thực sự cùng với mọi lợi ích kèm theo không? Câu trả lời là không. Thực ra, một cuộc khủng hoảng trầm trọng sắp sửa xảy ra và sẽ làm rúng động cả thế giới đến tận gốc rễ. Đó là một sự khủng hoảng có liên hệ sâu xa đến tôn giáo.
2. Tình trạng thời nay tương đương thế nào với thời xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa ngày xưa?
2 Cuộc khủng hoảng này đã được hình dung trước qua những biến cố xảy ra trong xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa hồi xưa vào thế kỷ thứ tám và thứ bảy trước tây lịch. Vào thời đó, dân chúng cũng nghĩ rằng họ đã đạt được hòa bình. Nhưng Đức Chúa Trời qua nhà tiên tri Ê-sai cảnh cáo họ là hy vọng hòa bình của họ chỉ là ảo tưởng mà thôi và chẳng bao lâu họ sẽ thấy rõ điều đó. Ngày nay cũng thế, qua các Nhân-chứng của Ngài, Đức Giê-hô-va đang cảnh cáo nhân loại là họ bị lừa gạt nếu họ tin cậy nơi các nỗ lực của loài người để mong đạt được hòa bình lâu dài. Chúng ta hãy đọc lời cảnh cáo tiên tri của Đức Giê-hô-va và xem lời ấy ngày nay áp dụng thế nào. Lời tiên tri này ghi ở đoạn 28 của sách Ê-sai và được viết trước năm 740 trước tây lịch, có lẽ trong thời của vua Phê-ca độc ác trị vì Y-sơ-ra-ên và vua A-cha ương ngạnh của Giu-đa.
“Những bợm rượu Ép-ra-im”
3. Ê-sai nói lời lên án nào làm cho giật mình?
3 Trong câu 1 của đoạn 28, Ê-sai 28:1lời đột nhiên này làm chúng ta giật mình: “Khốn thay cho mão triều-thiên kiêu-ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im, khốn thay cho hoa chóng tàn làm đồ trang-sức đẹp nhất dân ấy, đóng tại nơi trũng màu-mỡ của những người say rượu!” Những người Y-sơ-ra-ên chắc hẳn đã sững sờ biết bao khi nghe lời lên án gay gắt đó! Ai là “những bợm rượu Ép-ra-im”? “Mão triều-thiên kiêu-ngạo” của họ là gì? Và “trũng màu-mỡ” là gì? Quan trọng hơn nữa, những lời này có ngụ ý gì cho chúng ta ngày nay?
4. a) Ép-ra-im và “nơi trũng màu-mỡ” là gì? b) Tại sao Y-sơ-ra-ên cảm thấy được an toàn?
4 Vì Ép-ra-im là chi phái lớn nhất trong 10 chi phái Y-sơ-ra-ên, nên từ ngữ “Ép-ra-im” đôi khi được dùng để nói đến cả xứ Y-sơ-ra-ên ở phương bắc. Vậy, “bợm rượu Ép-ra-im” thật sự là những bợm rượu Y-sơ-ra-ên. Thủ đô của Y-sơ-ra-ên là Sa-ma-ri, tọa lạc tại một nơi cao oai vệ trên đầu một thung lũng màu mỡ. Vậy từ ngữ “nơi trũng màu-mỡ” chỉ về Sa-ma-ri. Khi những lời này được viết ra, xứ Y-sơ-ra-ên rất là bại hoại về phương diện tôn giáo. Hơn nữa, xứ ấy đã liên kết chính trị với xứ Sy-ri để chống lại Giu-đa và bây giờ họ cảm thấy an toàn (Ê-sai 7:1-9). Nhưng sự đó sắp thay đổi. Một cuộc khủng hoảng đang đến gần, vì vậy mà Đức Giê-hô-va thông báo: “Khốn thay cho mão triều-thiên kiêu-ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im”.
5. a) Mão triều thiên kiêu ngạo của Y-sơ-ra-ên là gì? b) Ai là những bợm rượu Ép-ra-im?
5 “Mão triều-thiên kiêu-ngạo” là gì? Mão triều thiên tượng trưng cho vương quyền. Hiển nhiên, “mão triều-thiên kiêu-ngạo” tức là vị thế của xứ Y-sơ-ra-ên, một nước riêng rẽ, biệt lập với xứ Giu-đa. Một điều gì gì sắp sửa xảy ra sẽ tiêu hủy vương quyền độc lập của xứ Y-sơ-ra-ên. Vậy thì ai là “những bợm rượu Ép-ra-im”? Chắc hẳn có những người say rượu theo nghĩa đen trong xứ Y-sơ-ra-ên, vì Sa-ma-ri là nơi thờ phượng ngoại giáo dâm loạn. Tuy nhiên, Kinh-thánh nói đây về một loại say sưa còn tồi tệ hơn. Chúng ta đọc nơi Ê-sai 29:9: “Họ say, nhưng không phải vì rượu; xoàng-ba, nhưng không phải bởi rượu mạnh”. Đây nói về một sự say sưa thiêng liêng, một loại say sưa ô uế, chết người. Những người lãnh đạo xứ Y-sơ-ra-ên—đặc biệt những người lãnh đạo về tôn giáo—rõ ràng là bị say sưa về thiêng liêng như vậy.
6. Điều gì đã làm xứ Y-sơ-ra-ên say sưa về thiêng liêng?
6 Điều gì đã làm cho xứ Y-sơ-ra-ên bị say sưa về thiêng liêng? Chính là tại họ liên kết với với Sy-ri để chống lại Giu-đa, và điều đó làm cho những người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên có cảm giác an toàn. Sự say sưa thiêng liêng này làm Y-sơ-ra-ên lìa xa thực tại., Như người say rượu, xứ này cảm thấy hân hoan dù không có lý do thực tế. Hơn nữa, Y-sơ-ra-ên hãnh diện vì sự liên kết với Sy-ri, coi sự liên kết đó như vòng hoa xinh đẹp đội trên đầu. Nhưng, như Ê-sai đã nói, nó là một vòng hoa không được bền lâu.
7, 8. Dù cho Y-sơ-ra-ên xưa có cảm thấy hớn hở hân hoan, nhưng họ sắp phải trải qua điều gì?
7 Ê-sai nhấn mạnh điều này nơi đoạn 28, câu 2 Ê-sai 28:2: “Nầy, từ nơi Chúa có một người mạnh và có quyền, giống như cơn bão mưa đá, như trận gió phá hoại, như nước lớn vỡ bờ. Người sẽ lấy tay ném cả xuống đất”. “Người mạnh và có quyền” là ai thế? Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, đó là cường quốc A-si-ri. Cường quốc độc ác, tàn nhẫn này sẽ chinh phục Y-sơ-ra-ên như nước lớn vỡ bờ. Thành quả là gì?
8 Ê-sai tiếp tục nói: “Mão triều-thiên kiêu-ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im sẽ bị giày-đạp dưới chơn. Cái hoa chóng tàn làm đồ trang-sức đẹp nhứt dân ấy, đóng tại nơi trũng màu-mỡ, cũng sẽ giống như trái vả chín trước mùa hè: người ta thấy nó, vừa mới vào tay thì đã nuốt” (Ê-sai 28:3, 4). Thủ đô Sa-ma-ri của Y-sơ-ra-ên giống như trái vả chín, sẵn sàng cho xứ A-si-ri hái và nuốt. Sự liên kết của Y-sơ-ra-ên với Sy-ri tưởng như vòng hoa xinh đẹp thật ra sắp bị giày đạp. Nó không còn giá trị gì khi ngày phán xét đến. Tệ hơn nữa, sự độc lập vinh hiển của mão triều thiên xứ đó sẽ bị giày đạp dưới chơn của kẻ thù A-si-ri. Thật là một tai họa lớn!
“Thầy tế-lễ và đấng tiên-tri đều choáng-váng”
9. Tại sao xứ Giu-đa có thể mong Đức Giê-hô-va cho họ một thông điệp tốt lành hơn thông điệp cho Y-sơ-ra-ên xưa?
9 Đúng vậy, một sự đoán phạt khủng khiếp sắp đến trên xứ Y-sơ-ra-ên, và y như lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cảnh cáo, ngày đoán phạt ấy đã đến vào năm 740 trước tây lịch khi cường quốc A-si-ri tiêu diệt Sa-ma-ri và nước phương bắc (xứ Y-sơ-ra-ên) đã không còn là một nước tự trị nữa. Những gì xảy ra cho Y-sơ-ra-ên xưa là một gương cảnh cáo nghiêm ngặt đối với các tôn giáo giả bất trung ngày nay, như chúng ta sẽ thấy. Nhưng còn xứ Giu-đa ở phương nam của Y-sơ-ra-ên và là xứ có họ hàng với Y-sơ-ra-ên thì sao? Vào thời Ê-sai, đền thờ của Đức Giê-hô-va vẫn còn hoạt động tại Giê-ru-sa-lem, thủ đô xứ Giu-đa. Chức tế lễ vẫn còn đó, và các nhà tiên tri như Ê-sai, Ô-sê và Mi-chê vẫn còn được dùng để nói lời của Đức Giê-hô-va. Vậy thì Đức Giê-hô-va đã nói gì về Giu-đa?
10, 11. Tình trạng gớm ghiếc nào đã hiện hữu trong xứ Giu-đa?
10 Ê-sai tiếp tục cho chúng ta biết: “Song những kẻ ấy [tức các thầy tế lễ và tiên tri của Giê-ru-sa-lem] cũng choáng-váng vì rượu, xiêu-tó vì các thứ rượu mạnh. Thầy tế-lễ và đấng tiên-tri đều choáng-váng vì rượu mạnh” (Ê-sai 28:7a). Hiển nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giu-đa cũng bị say sưa. Cũng như trong xứ Y-sơ-ra-ên, một số người ở Giu-đa cũng say sưa vì rượu, và như thế là một điều sỉ hổ. Luật pháp của Đức Chúa Trời đặc biệt cấm các thầy tế lễ uống rượu mạnh khi họ phụng sự trong đền thờ (Lê-vi Ký 10:8-11). Sự say sưa theo nghĩa đen trong nhà của Đức Chúa Trời hẳn là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp của Đức Chúa Trời.
11 Tuy nhiên, điều nghiêm trọng hơn là Giu-đa bị say sưa về thiêng liêng. Cũng như xứ Y-sơ-ra-ên đã liên kết với Sy-ri chống lại Giu-đa thì Giu-đa cũng đã cầu sự an toàn bằng cách liên kết với xứ A-si-ri (II Các Vua 16:5-9). Bất chấp sự có mặt của đền thờ Đức Chúa Trời và các nhà tiên tri của Ngài, Giu-đa đặt niềm tin nơi loài người thay vì tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, thành lập một sự liên kết khờ dại như thế đó mà những nhà lãnh đạo Giu-đa vẫn cảm thấy không lo lắng gì giống như những người say sưa ở xứ lân cận miền bắc. Thái độ vô trách nhiệm của họ khiến Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc.
12. Sự say sưa về thiêng liêng của xứ Giu-đa sẽ đưa đến hậu quả nào?
12 Ê-sai nói tiếp: “[Họ] bị rượu nuốt đi, nhơn các thứ rượu mạnh mà xoàng-ba; xem sự hiện-thấy thì cắt-nghĩa sai, xử kiện thì vấp-ngã; mửa ra ô-uế đầy bàn-tiệc, chẳng có chỗ nào sạch!” (Ê-sai 28:7b, 8). Có thể là vì họ bị say rượu theo nghĩa đen nên một số người thật sự đã ói mửa ra trong đền thờ. Nhưng tệ hơn nữa, theo nghĩa thiêng liêng các thầy tế lễ và các nhà tiên tri đáng lý phải hướng dẫn về mặt tôn giáo cũng đã ói mửa ra những điều ô uế thiêng liêng. Hơn nữa, ngoại trừ một số ít người trung thành, các nhà tiên tri đã xét xử thiên lệch và tiên đoán những điều sai lầm cho cả nước. Đức Giê-hô-va phải đoán phạt Giu-đa vì sự ô uế thiêng liêng này.
Những bợm rượu thiêng liêng ngày nay
13. Trong thế kỷ thứ nhất tây lịch có tình trạng nào tương đương với thời của Y-sơ-ra-ên và Giu-đa xưa và ngày nay cũng có sự tương đương nào?
13 Có phải lời tiên tri của Ê-sai chỉ ứng nghiệm trên xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thời xưa không? Chắc chắn không. Cả Giê-su và sứ đồ Phao-lô đều áp dụng lời của Ê-sai nói về sự say sưa thiêng liêng và áp dụng cho giới lãnh đạo tôn giáo trong thế kỷ thứ nhất (Ê-sai 29:10, 13; Ma-thi-ơ 15:8, 9; Rô-ma 11:8). Ngày nay cũng vậy, có một tình thế giống như tình thế trong thời của Ê-sai—lần này là trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, một tổ chức tôn giáo thế giới tự xưng là đại diện cho Đức Chúa Trời. Thay vì đứng rõ rệt về phía của lẽ thật và nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ gồm các đạo Công giáo và Tin lành, đặt đức tin nơi thế gian. Vì vậy, chúng đi lảo đảo không vững vàng giống như những bợm rượu trong xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Những bợm rượu thiêng liêng của các nước thời xưa này là hình bóng cho những nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ ngày nay. Chúng ta hãy xem điều đó chính xác như thế nào.
14. Những nhà lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cũng say sưa giống như giới lãnh đạo của Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem xưa như thế nào?
14 Như Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã uống cạn rượu với đồng minh chính trị của chúng. Vào năm 1919, chúng đứng tiên phong trong số những người ủng hộ Hội Quốc Liên. Trong khi Giê-su nói các tín đồ đấng Christ không thuộc về thế gian, thì giới lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ lại vun trồng sự liên hệ với các lãnh tụ chính trị (Giăng 17:14-16). Rượu tượng trưng của các hoạt động đó làm cho các giới chức giáo phẩm hứng thú hân hoan. (So sánh Khải-huyền 17:4). Họ thích làm cố vấn cho các lãnh tụ chính trị và thích giao hảo với những người tai to mặt lớn của thế gian này. Thành quả là họ không có ban sự hướng dẫn thiêng liêng chân thật nào. Có thể nói họ mửa ra sự ô uế thay vì nói thông điệp thanh sạch của lẽ thật (Sô-phô-ni 3:9). Vì mắt họ bị chóa và rối loạn, họ không thể là những người hướng dẫn tốt cho nhân loại (Ma-thi-ơ 15:14).
“Giềng-mối thêm giềng-mối”
15, 16. Những người cùng thời với Ê-sai đã phản ứng thế nào trước lời cảnh cáo của ông?
15 Vào thế kỷ thứ tám trước tây lịch, Ê-sai đã đặc biệt vạch trần đường lối sai lầm của các nhà lãnh đạo thiêng liêng của xứ Giu-đa. Chúng đã phản ứng thế nào? Chúng ghét lắm. Khi Ê-sai kiên tâm rao truyền lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời thì các nhà lãnh đạo tôn giáo đã trả đũa: “Vậy người sẽ dạy khôn cho ai, và khiến ai hiểu sự dạy-dỗ mình? Có phải là dạy cho những trẻ con thôi bú, mới lìa khỏi vú chăng?” (Ê-sai 28:9). Đúng thế, họ muốn nói bộ Ê-sai tưởng đang nói với con nít chăng? Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giê-ru-sa-lem tự xem mình là người lớn, có khả năng tự quyết định. Họ không cần phải nghe lời nhắc nhở dai dẳng của Ê-sai.
16 Các nhà lãnh đạo tôn giáo đó thậm chí còn cười nhạo công việc rao giảng của Ê-sai. Họ nhạo Ê-sai: “Vì, với họ phải giềng-mối thêm giềng-mối, giềng-mối thêm giềng-mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia” (Ê-sai 28:10). Họ cho rằng ‘Ê-sai cứ tự lặp đi lặp lại hoài. Hắn cứ nói: Đây là điều Đức Giê-hô-va phán dặn! Đây là điều Đức Giê-hô-va phán dặn! Đây là tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va! Đây là tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va!’ Trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy, Ê-sai 28:10 là câu nói vần với nhau khi lặp lại, có lẽ giống như câu hát ru ngủ cho trẻ con. Vậy đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo thì nhà tiên tri Ê-sai có vẻ trẻ con và hay lặp đi lặp lại.
17. Nhiều người ngày nay phản ứng thế nào trước thông điệp mà Nhân-chứng Giê-hô-va rao báo?
17 Trong thế kỷ thứ nhất tây lịch, công việc rao giảng của Giê-su và các môn đồ ngài cũng bị xem là lặp đi lặp lại và đơn giản quá. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái xem những người theo Giê-su là dân quê mùa đáng ghét và khờ khạo; thất học và tầm thường (Giăng 7:47-49; Công-vụ các Sứ-đồ 4:13). Ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va cũng thường bị xem như vậy. Họ không xuất thân từ các trường thần học của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và họ không dùng những chức tước cao kỳ hay danh từ thần học như giới chức giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Vì vậy mà những người có chức phận cao trọng trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ khinh thường họ, nghĩ rằng họ phải biết thân phận mình và tỏ kính trọng nhiều hơn đối với những nhà lãnh đạo tôn giáo kia.
18. Ngày nay các nhà lãnh đạo tôn giáo bỏ sót điều gì?
18 Tuy nhiên, có một điều mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đó bỏ sót. Đó là dù những người tai to mặt lớn thời của Ê-sai có bác bỏ thông điệp của ông, ông đã nói lên sự thật và lời cảnh cáo của ông đã ứng nghiệm! Tương tợ như thế, lời cảnh cáo của các Nhân-chứng Giê-hô-va là đúng, có căn cứ vững chắc trên lời lẽ thật của Đức Chúa Trời là Kinh-thánh (Giăng 17:17). Vì vậy, các lời đó sẽ ứng nghiệm.
Sự đoán phạt
19. Giu-đa bị buộc phải nghe người lạ nói thứ tiếng lắp bắp như thế nào?
19 Chúng ta đọc nơi Ê-sai 28:11: “Vậy nên Đức Giê-hô-va sẽ dùng môi lạ lưỡi khác mà phán cùng dân nầy”. Sự dạy dỗ của Ê-sai nghe như là tiếng lạ đối với Giu-đa. Mặc dù Giu-đa vượt qua khỏi sự đe dọa của A-si-ri trong khi Y-sơ-ra-ên bị đè bẹp, nhưng rồi Đức Giê-hô-va dùng một người lạ khác là Nê-bu-cát-nết-sa để trừng trị Giu-đa (Giê-rê-mi 5:15-17). Tiếng Ba-by-lôn có vẻ khó nghe và lắp bắp đối với dân Hê-bơ-rơ đó. Nhưng họ bị buộc phải nghe khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị tiêu hủy vào năm 607 trước tây lịch và dân cư bị bắt đem đi làm phu tù tại Ba-by-lôn. Ngày nay cũng vậy, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sắp bị đoán phạt bởi vì, giống như Giu-đa ngày xưa, chúng bác bỏ lời khuyên của Đức Giê-hô-va.
20, 21. Các Nhân-chứng Giê-hô-va không ngừng rao giảng điều gì, nhưng các nhà lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ từ khước làm điều gì?
20 Lời tiên tri nói về những người đó như sau: “Ngài đã phán cùng nó rằng: Đây là nơi yên-nghỉ; hãy để kẻ mệt-nhọc được yên-nghỉ. Nầy là lúc mát-mẻ cho các ngươi. Thế mà họ chẳng chịu nghe. Lời Đức Giê-hô-va đối với họ sẽ là giềng-mối thêm giềng-mối, giềng-mối thêm giềng-mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia; hầu cho họ bước tới, thì ngã nhào và giập nát, sập bẫy, và bị bắt!” (Ê-sai 28:12, 13).
21 Giống như Ê-sai nói về thông điệp của Đức Chúa Trời, Nhân-chứng Giê-hô-va không ngừng nói với những kẻ tự xưng theo đấng Christ là họ nên đặt sự trông cậy nơi lời của Đức Giê-hô-va. Nhưng họ từ khước không nghe. Đối với họ, Nhân-chứng Giê-hô-va dường như nói thứ tiếng lạ. Các Nhân-chứng nói thứ ngôn ngữ mà họ không thể hiểu. Những kẻ tự xưng theo đấng Christ từ khước làm cho kẻ mệt nhọc được yên nghỉ vì họ không nói cho người ta biết về Nước Trời và về thế giới mới sắp đến. Trái lại, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ lại cuồng say trong sự liên hệ với thế gian này. Họ chọn ủng hộ các giải pháp chính trị đối với các vấn đề khó khăn của nhân loại. Giống như những người Do-thái trong thời Giê-su, chúng không tìm đến Nước Trời làm nơi yên nghỉ cho chúng và cũng không nói gì với người khác về Nước Trời (Ma-thi-ơ 23:13).
22. Đức Giê-hô-va cảnh cáo các nhà lãnh đạo tôn giáo về điều gì?
22 Vậy, các lời tiên tri của Ê-sai dùng để cảnh cáo các giới chức giáo phẩm là Đức Giê-hô-va sẽ không mãi mãi nói qua các Nhân-chứng hiền lành của Ngài. Ngày gần đây, Đức Giê-hô-va sẽ thi hành “giềng-mối thêm giềng-mối, hàng thêm hàng” và hậu quả sẽ là tai họa lớn cho những kẻ tự xưng theo đấng Christ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân của chúng sẽ bị “giập nát, sập bẫy và bị bắt”. Đúng vậy, giống như Giê-ru-sa-lem thời xưa, các hệ thống tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Quả là một biến chuyển đầy kinh ngạc bất ngờ! Và thật là một hậu quả khủng khiếp bởi vì các nhà lãnh đạo tôn giáo thích say sưa thiêng liêng hơn là nghe lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va!
Bạn có thể giải thích không?
◻ Ai là những bợm rượu Ép-ra-im, và điều gì đã làm cho chúng say sưa?
◻ Mão triều thiên kiêu ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im đã bị giày đạp thế nào?
◻ Ê-sai vạch trần tình trạng nhục nhã nào của Giu-đa?
◻ Ngày nay chúng ta thấy nơi đâu có sự say sưa về thiêng liêng?
◻ Tại sao các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ nên chú ý đến những gì xảy ra cho xứ Giu-đa thời xưa?