Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 7-13 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | 2 CÁC VUA 5, 6
“Bên chúng ta đông hơn bên bọn chúng”
it-1-E trg 716 đ. 4
Ê-li-sê
Y-sơ-ra-ên được giải cứu khỏi tay Sy-ri. Trong triều đại vua Giê-hô-ram của Y-sơ-ra-ên, Sy-ri lên kế hoạch tấn công Y-sơ-ra-ên một cách bất ngờ. Chiến lược của Bên-ha-đát II nhiều lần bị Ê-li-sê phá hỏng khi ông tiết lộ cho vua Giê-hô-ram biết đường đi nước bước của quân Sy-ri. Đầu tiên, Bên-ha-đát nghĩ rằng có kẻ phản bội trong trại quân của ông. Nhưng khi biết được đâu thật sự là nguyên nhân gây ra vấn đề, ông đã phái một đạo quân đến Đô-than và bao vây thành ấy với ngựa và chiến xa để bắt Ê-li-sê (HÌNH, Tập 1, trg 950). Người hầu việc của Ê-li-sê hoảng sợ, nhưng Ê-li-sê cầu nguyện xin Đức Chúa Trời mở mắt người hầu việc, và “kìa!... vùng núi có đầy ngựa và chiến xa bằng lửa bao quanh Ê-li-sê”. Khi quân Sy-ri áp sát thành, Ê-li-sê cầu xin một phép lạ ngược lại: “Xin khiến dân này bị đui mù!”. Ông nói với quân Sy-ri: “Hãy theo tôi”, nhưng ông không cần nắm tay để dắt họ đi. Điều này cho thấy họ chỉ bị mù về tâm thần chứ không phải mù theo nghĩa đen. Họ không nhận ra Ê-li-sê, người mà họ đến để bắt, cũng như không biết ông đang dẫn họ đi đâu.—2V 6:8-19.
it-1-E trg 343 đ. 1
Đui mù
Sự đui mù giáng trên đạo quân Sy-ri theo lời cầu xin của Ê-li-sê hẳn là chứng mù tâm thần. Nếu cả đạo quân bị mù theo nghĩa đen thì đã phải có người nắm tay dắt họ đi. Nhưng lời tường thuật chỉ đơn giản cho biết rằng Ê-li-sê nói với họ: “Các anh đã nhầm đường và nhầm thành rồi. Hãy theo tôi”. Về hiện tượng này, cuốn Principles of Psychology (1981, Tập 1, trg 59) của William James có viết: “Một hệ quả đáng chú ý của hội chứng rối loạn vỏ não là mù tâm thần. Điều này không nhất thiết là thị giác không còn phản ứng trước những tín hiệu ánh sáng, mà là mất khả năng nhận thức những gì mắt thấy được. Về mặt tâm lý học, điều này có thể được giải thích là sự mất kết nối giữa khả năng cảm quang và ý nghĩa của những tín hiệu ấy, cũng như sự gián đoạn của đường dẫn truyền giữa trung khu thị giác đến trung khu tiếp nhận thông tin để xử lý”. Hẳn đây chính là chứng mù mà Đức Giê-hô-va đã cất khỏi đạo quân Sy-ri khi họ đến Sa-ma-ri (2V 6:18-20). Chứng mù này hẳn cũng đã xảy ra với những người nam ở Sô-đôm, vì lời tường thuật cho thấy rằng thay vì khổ sở do mất thị lực thì họ lại gắng sức tìm cửa nhà của Lót.—Sa 19:11.
NGÀY 14-20 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | 2 CÁC VUA 7, 8
“Đức Giê-hô-va khiến điều bất ngờ xảy ra”
it-1-E trg 716, 717
Ê-li-sê
Tuy nhiên, về sau, Bên-ha-đát II không chỉ xâm lược Sa-ma-ri bằng những cuộc tấn công lẻ tẻ, mà vây hãm thành bằng cả một đạo quân. Cuộc vây hãm khốc liệt đến mức có ít nhất một trường hợp được báo cho nhà vua rằng một phụ nữ đã ăn thịt chính con đẻ của mình. Là dòng dõi của A-háp, vua Giê-hô-ram, “đứa con trai của kẻ sát nhân”, thề là sẽ giết Ê-li-sê. Nhưng ông đã không thực hiện lời thề hấp tấp đó. Khi đến nhà của Ê-li-sê cùng với viên sĩ quan, Giê-hô-ram nói rằng ông không còn hy vọng gì nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va. Ê-li-sê trấn an vua rằng sẽ có dư dật thực phẩm vào ngày hôm sau. Viên sĩ quan của vua chế nhạo lời tiên đoán đó, nên Ê-li-sê bảo với ông ta rằng: “Chính mắt ông sẽ thấy điều đó nhưng ông sẽ không ăn”. Đức Giê-hô-va khiến trại của người Sy-ri nghe thấy một tiếng ồn lớn. Điều này khiến quân Sy-ri tin rằng một đạo quân rất lớn gồm nhiều nước đang tiến đến đánh họ, nên họ tháo chạy và bỏ lại cả trại quân còn nguyên vẹn cùng với toàn bộ lương thực. Khi nhà vua biết rằng quân Sy-ri đã bỏ chạy, ông đặt viên sĩ quan canh chừng cổng thành Sa-ma-ri. Tại đó, viên sĩ quan bị giẫm chết khi đám đông người Y-sơ-ra-ên đang đói tràn ra để cướp trại của người Sy-ri. Ông đã nhìn thấy thức ăn nhưng không được ăn.—2V 6:24–7:20.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 195 đ. 7
Đèn
Các vua thuộc dòng Đa-vít. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã lập Đa-vít làm vua cai trị Y-sơ-ra-ên, và Đa-vít, dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, đã chứng tỏ là một người lãnh đạo và dẫn dắt khôn ngoan của đất nước. Vì thế mà ông được gọi là “ngọn đèn của Y-sơ-ra-ên” (2Sa 21:17). Khi lập giao ước với Đa-vít về một vương quốc, Đức Giê-hô-va hứa: “Ngôi của con sẽ được lập vững đến muôn đời” (2Sa 7:11-16). Do đó, các nhà cai trị thuộc dòng dõi vua Đa-vít qua con trai ông là Sa-lô-môn được xem như “ngọn đèn” cho Y-sơ-ra-ên.—1V 11:36; 15:4; 2V 8:19; 2Sử 21:7.
NGÀY 28 THÁNG 11–NGÀY 4 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | 2 CÁC VUA 11, 12
“Một người đàn bà tham vọng và gian ác không tránh khỏi sự trừng phạt”
it-1-E trg 209
A-tha-li
Như mẹ mình là Giê-xa-bên, A-tha-li cũng xúi giục chồng là Giê-hô-ram làm điều ác trong mắt Đức Giê-hô-va trong triều đại kéo dài tám năm của ông (1V 21:25; 2Sử 21:4-6). Và cũng như mẹ mình, A-tha-li đã làm đổ máu vô tội cách bừa bãi. Khi người con trai gian ác của bà là A-cha-xia chết sau một năm cai trị, bà giết tất cả những người con khác thuộc dòng dõi hoàng tộc, ngoại trừ Giê-hô-ách. Lúc này Giê-hô-ách chỉ là một em bé và được thầy tế lễ thượng phẩm cùng vợ ông, là cô của Giê-hô-ách, đem đi giấu. A-tha-li lên ngôi cai trị trong sáu năm, khoảng năm 905-899 TCN (2Sử 22:11, 12). Các con trai bà cướp những vật thánh trong đền thờ của Đức Giê-hô-va và đem dâng cho Ba-anh.—2Sử 24:7.
it-1-E trg 209
A-tha-li
Khi Giê-hô-ách được bảy tuổi, thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa, một người kính sợ Đức Chúa Trời, đã mang đứa trẻ ra công khai và đưa lên ngôi làm người kế vị hợp pháp. Nghe thấy tiếng ồn ào, A-tha-li vội vàng đến đền thờ và khi thấy điều đang xảy ra, bà la lên: “Mưu phản! Mưu phản!”. Thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa ra lệnh đưa bà ra khỏi khu vực đền thờ và cho xử tử tại cổng ngựa của cung vua. Bà có lẽ là người cuối cùng của nhà A-háp gian ác (2V 11:1-20; 2Sử 22:1–23:21). Những lời sau đây thật đúng: “Chẳng một lời nào của Đức Giê-hô-va không thành hiện thực, tức những lời Đức Giê-hô-va đã phán nghịch lại nhà A-háp”!—2V 10:10, 11; 1V 21:20-24.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 1265, 1266
Giê-hô-ách
Kể từ đó, chừng nào thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa còn sống thì vị vua trẻ Giê-hô-ách được thành công, vì ông như một người cha và người cố vấn cho Giê-hô-ách. Đến năm 21 tuổi, Giê-hô-ách đã kết hôn. Ông có hai người vợ, một trong số đó tên là Giê-hô-a-đan, và qua họ ông sinh con trai lẫn con gái. Theo cách này, dòng dõi của Đa-vít dẫn đến Đấng Mê-si được bảo toàn, dù trước đó đã đến rất gần với sự diệt vong.—2V 12:1-3; 2Sử 24:1-3; 25:1.
NGÀY 12-18 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | 2 CÁC VUA 16, 17
“Sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va có giới hạn”
it-2-E trg 908 đ. 5
Sanh-ma-na-sa
Ách thống trị trên Y-sơ-ra-ên. Trong triều đại vua Hô-sê của Y-sơ-ra-ên (khoảng 758-740 TCN), Sanh-ma-na-sa V tiến đánh Palestine. Hô-sê trở thành vua chư hầu và hàng năm phải cống nạp cho ông (2V 17:1-3). Tuy nhiên, về sau Hô-sê ngưng cống nạp và bị phát hiện là tìm đến vua Sô của Ai Cập để âm mưu tạo phản. Vì thế, Sanh-ma-na-sa bắt giam Hô-sê rồi bao vây Sa-ma-ri trong ba năm. Cuối cùng, thành kiên cố này bị thất thủ và dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi lưu đày.—2V 17:4-6; 18:9-12; so sánh Ôsê 7:11; Êxê 23:4-10.
it-1-E trg 414, 415
Phu tù
Trong cả hai trường hợp của vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc gồm mười chi phái và vương quốc Giu-đa phía nam gồm hai chi phái, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc bị bắt làm phu tù đều như nhau: Từ bỏ sự thờ phượng thật dành cho Đức Giê-hô-va và quay sang thờ phượng các thần giả (Phu 28:15, 62-68; 2V 17:7-18; 21:10-15). Về phần ngài, Đức Giê-hô-va tiếp tục phái các nhà tiên tri đến để cảnh báo cả hai vương quốc nhưng họ không chịu nghe (2V 17:13). Không có vị vua nào của vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái từng tẩy sạch hoàn toàn sự thờ phượng sai lầm do vị vua đầu tiên của nước này là Giê-rô-bô-am khởi xướng. Giu-đa, vương quốc “chị em” ở phía nam, đã không nghe theo cảnh báo trực tiếp của Đức Giê-hô-va cũng như không học từ gương của vương quốc Y-sơ-ra-ên đã bị bắt làm phu tù (Giê 3:6-10). Cuối cùng, dân của cả hai vương quốc đều bị bắt đi lưu đày, không chỉ một mà nhiều đợt.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 847
Người Sa-ma-ri
Từ “người Sa-ma-ri” xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh sau khi vương quốc Sa-ma-ri gồm mười chi phái bị chiếm vào năm 740 TCN. Từ này được dùng để chỉ những người sống ở vương quốc phía bắc trước cuộc xâm chiếm đó, nhằm phân biệt với người ngoại quốc được đưa đến Sa-ma-ri từ những vùng khác của đế quốc A-si-ri (2V 17:29). Có vẻ như người A-si-ri đã không bắt đi toàn bộ cư dân của Y-sơ-ra-ên, vì lời tường thuật nơi 2 Sử ký 34:6-9 (so sánh 2V 23:19, 20) ngụ ý rằng trong triều đại của vua Giô-si-a vẫn còn người Y-sơ-ra-ên trong xứ. Theo thời gian, từ “người Sa-ma-ri” dần được dùng để chỉ con cháu của dân Y-sơ-ra-ên còn lại ở Sa-ma-ri cũng như con cháu của những dân được người A-si-ri đưa đến. Vì vậy, trong số những con cháu ấy hẳn có những người là con lai. Về sau, tên gọi này mang ý nghĩa về tôn giáo hơn là về sắc tộc hay chính trị. Từ “người Sa-ma-ri” nói đến người thuộc giáo phái phát triển ở vùng xung quanh Si-chem và Sa-ma-ri xưa, họ giữ những giáo lý khác với Do Thái giáo.—Gi 4:9.
NGÀY 19-25 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | 2 CÁC VUA 18, 19
“Những kẻ chống đối cố làm suy yếu chúng ta như thế nào?”
yb74-E trg 177 đ. 1
Phần 2—Đức
Một điều đáng chú ý là lính SS, vốn thường dùng những chiêu trò bẩn thỉu để khiến một người ký vào bản tuyên bố, lại thường trở mặt một khi người ấy đã ký tên và còn quấy nhiễu người ấy nhiều hơn trước. Anh Karl Kirscht xác nhận điều đó: “Hơn bất cứ ai khác trong trại tập trung, Nhân Chứng Giê-hô-va là nạn nhân của những chiêu trò lừa gạt với mục đích thuyết phục họ ký vào bản tuyên bố. Nhiều lần chúng tôi bị yêu cầu phải ký tên. Một số anh em đã ký, nhưng trong phần lớn trường hợp, họ phải đợi hơn một năm mới được thả ra. Trong thời gian đó, họ thường bị lính SS sỉ nhục là đồ đạo đức giả và hèn nhát trước mặt nhiều người và bị bắt phải đi ‘diễu hành danh dự’ xung quanh các anh em khác trước khi được thả ra khỏi trại”.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 155 đ. 4
Khảo cổ học
Một ví dụ là lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết vua San-chê-ríp của A-si-ri bị hai con trai là A-tra-mê-léc và Sa-rết-xe giết, và một con trai khác là Ê-sạt-ha-đôn kế vị ông (2V 19:36, 37). Nhưng một biên niên sử của Ba-by-lôn ghi lại rằng, vào ngày 20 tháng Tê-bết, San-chê-ríp bị con trai giết trong một cuộc nổi loạn. Cả Berossus, thầy tế lễ của Ba-by-lôn vào thế kỷ thứ ba TCN, và Na-bô-nê-đô, vua của Ba-by-lôn vào thế kỷ thứ sáu TCN, cũng tường thuật lại điều tương tự, cho thấy San-chê-ríp chỉ bị một người con trai của ông ám sát. Tuy nhiên, trên một mảnh của Lăng trụ Ê-sạt-ha-đôn được tìm thấy gần đây, người con kế vị San-chê-ríp là Ê-sạt-ha-đôn nói rõ rằng các anh em của ông (số nhiều) đã nổi dậy giết cha họ rồi trốn đi. Bình luận về điều này, Philip Biberfeld nói trong cuốn Universal Jewish History (1948, Tập I, trg 27): “Cả biên niên sử của Ba-by-lôn, Na-bô-nê-đô và Berossus đều không đúng; chỉ có lời tường thuật của Kinh Thánh mới chính xác vì bảng khắc của Ê-sạt-ha-đôn đã xác minh lời tường thuật này đến từng chi tiết nhỏ. Khi nói về sự kiện này trong lịch sử của Ba-by-lôn và A-si-ri, lời tường thuật của Kinh Thánh đã chứng tỏ là chính xác hơn cả các nguồn tài liệu lịch sử của Ba-by-lôn. Đây là một dữ kiện vô cùng quan trọng giúp đánh giá ngay cả những nguồn tài liệu hiện thời mà không phù hợp với truyền thống Kinh Thánh”.
NGÀY 26 THÁNG 12–NGÀY 1 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | 2 CÁC VUA 20, 21
“Lời cầu nguyện thôi thúc Đức Giê-hô-va can thiệp”
g01-E 22/7 trg 13 đ. 4
Lời cầu nguyện có thể giúp mình như thế nào?
Vào thời Kinh Thánh, nhiều người nam có đức tin đã được Đức Giê-hô-va trực tiếp đáp lời cầu nguyện, thậm chí là qua những cách kỳ diệu. Chẳng hạn, khi vua Ê-xê-chia biết mình bị bệnh và sẽ không qua khỏi, ông đã nài xin Đức Chúa Trời cứu giúp. Ngài đáp rằng: “Ta đã nghe lời con cầu nguyện. Ta đã thấy nước mắt của con. Này, ta sẽ chữa lành cho con” (2 Các vua 20:1-6). Những người nam và nữ khác kính sợ Đức Chúa Trời cũng cảm nhận được sự can thiệp của ngài.—1 Sa-mu-ên 1:1-20; Đa-ni-ên 10:2-12; Công vụ 4:24-31; 10:1-7.
Những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 240 đ. 1
Thước đo độ ngang bằng
Thước đo độ ngang bằng có thể được dùng để xây nhà đúng tiêu chuẩn hoặc để kiểm tra xem nó còn phù hợp để giữ lại hay không. Đức Giê-hô-va báo trước rằng ngài sẽ giăng trên Giê-ru-sa-lem ương ngạnh “dây đo đã giăng trên Sa-ma-ri, dùng dây dọi đã dùng trên nhà A-háp”. Đức Chúa Trời đã đo và nhận thấy Sa-ma-ri và nhà của vua A-háp đã tồi tệ và bại hoại về đạo đức. Điều này dẫn đến sự hủy diệt của họ. Cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ phán xét Giê-ru-sa-lem cùng những kẻ cai trị, vạch trần sự gian ác của họ và giáng sự hủy diệt trên thành ấy. Những sự kiện này đã thật sự xảy ra vào năm 607 TCN (2V 21:10-13; 10:11). Qua Ê-sai, những kẻ khoác lác và những kẻ cai trị gian ác của Giê-ru-sa-lem được báo về tai họa sắp đến cùng lời tuyên bố của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ lấy công lý làm dây đo, lấy sự công chính làm dây dọi”. Tiêu chuẩn về công lý và sự công chính thật sẽ cho thấy ai thật sự là tôi tớ của Đức Chúa Trời còn ai thì không, và điều này quyết định việc họ sẽ được cứu hay bị hủy diệt.—Ês 28:14-19.