Chương hai mươi ba
Tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va
1, 2. (a) Chương 30 sách Ê-sai chứa đựng những gì? (b) Bây giờ chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
TRONG chương 30 sách Ê-sai, chúng ta đọc thấy thêm tuyên ngôn của Đức Chúa Trời nghịch lại kẻ ác. Tuy nhiên, phần này trong lời tiên tri của Ê-sai nhấn mạnh một vài đức tính của Đức Giê-hô-va, những đức tính làm chúng ta ấm lòng. Thật vậy, những đặc tính của Đức Giê-hô-va được diễn tả bằng những từ sống động đến độ như chúng ta có thể thấy Ngài bên cạnh để an ủi chúng ta, nghe tiếng Ngài chỉ dẫn chúng ta, và cảm thấy được bàn tay Ngài chữa lành chúng ta.—Ê-sai 30:20, 21, 26.
2 Dù vậy, những người đồng hương của Ê-sai, tức dân Giu-đa bội đạo, từ chối quay về với Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, họ đặt tin cậy nơi loài người. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc này? Và phần này trong lời tiên tri của Ê-sai giúp các tín đồ Đấng Christ ngày nay tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va như thế nào? (Ê-sai 30:18) Chúng ta hãy tìm hiểu.
Điên rồ và mất mạng
3. Âm mưu nào bị Đức Giê-hô-va phơi bày ra?
3 Trong một thời gian khá lâu, giới lãnh đạo của Giu-đa đã bí mật âm mưu tìm cách tránh rơi vào ách của A-si-ri. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã thấy. Bây giờ Ngài phơi bày âm mưu của họ: “Khốn thay cho con-cái bội-nghịch, lập mưu chẳng bởi ý ta, kết-ước chẳng cậy Thần ta, hầu cho thêm tội trên tội; chúng nó chưa hỏi miệng ta, đã khởi đi xuống Ê-díp-tô”.—Ê-sai 30:1, 2a.
4. Dân phản nghịch của Đức Chúa Trời đã thế Ê-díp-tô vào chỗ của Đức Chúa Trời như thế nào?
4 Thật là một sự sửng sốt cho giới lãnh đạo đang âm mưu khi nghe thấy kế hoạch của mình bị bại lộ. Việc đi đến Ê-díp-tô để lập liên minh không chỉ là hành động thù nghịch đối với A-si-ri mà còn hơn nữa, đó là sự phản nghịch chống lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong thời Vua Đa-vít, dân sự đã trông vào Đức Giê-hô-va như một đồn lũy và họ nương náu ‘dưới bóng cánh của Ngài’. (Thi-thiên 27:1; 36:7) Giờ đây họ lại “cậy sức-mạnh của Pha-ra-ôn” và “núp dưới bóng Ê-díp-tô”. (Ê-sai 30:2b) Họ đã thế Ê-díp-tô vào chỗ của Đức Chúa Trời! Thật phản nghịch thay!—Đọc Ê-sai 30:3-5.
5, 6. (a) Tại sao việc liên minh với Ê-díp-tô là một lỗi lầm vô cùng tai hại? (b) Cuộc hành trình nào trước đây của dân sự Đức Chúa Trời làm nổi bật sự ngu dại của chuyến hành trình đến xứ Ê-díp-tô?
5 Như để trả lời bất cứ người nào cho rằng sứ mạng sang Ê-díp-tô chỉ là một cuộc thăm viếng tình cờ, Ê-sai cung cấp thêm chi tiết. “Gánh-nặng về các thú-vật phương nam. Trong xứ gian-nan khốn-khổ, tự xứ đó đến những sư-tử đực, sư-tử cái, rắn lục và rắn lửa bay. Chúng nó chở của-cải mình trên vai lừa con, vật báu trên gu lạc-đà”. (Ê-sai 30:6a) Rõ ràng cuộc hành trình được hoạch định kỹ lưỡng. Các sứ giả tổ chức một đoàn lạc đà và lừa chất đầy vật báu đắt tiền đi xuống Ê-díp-tô, băng qua đồng vắng cằn cỗi có nhiều sư tử gầm gừ và rắn độc. Cuối cùng sứ bộ đến nơi và dâng các báu vật cho người Ê-díp-tô. Họ đã mua được sự che chở—hoặc họ nghĩ là như vậy. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va nói: “[Chúng] dâng cho một dân-tộc chẳng làm ích gì được hết. Sự cứu-giúp của người Ê-díp-tô chẳng qua là hư-không vô-ích, nên ta đặt tên nó là Ra-háp, ngồi yên chẳng động”. (Ê-sai 30:6b, 7) “Ra-háp”, một “quái-vật lớn”, trở thành tượng trưng cho Ê-díp-tô. (Ê-sai 51:9, 10) Nó hứa đủ điều nhưng chẳng làm gì. Việc Giu-đa liên minh với nó là một lỗi lầm vô cùng tai hại.
6 Khi Ê-sai mô tả chuyến hành trình của các sứ giả thì thính giả của ông có thể nhớ lại một cuộc hành trình tương tự vào thời Môi-se. Ông cha của họ cũng đã đi qua cùng “đồng vắng mênh-mông gớm-ghiếc” đó. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:14-16) Tuy nhiên, trong thời Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô và thoát ách nô lệ. Lần này, các sứ giả lại đi đến xứ Ê-díp-tô và thực tế là xin được thần phục. Thật điên rồ thay! Mong sao chúng ta chớ bao giờ quyết định ngu dại như vậy và đánh đổi sự tự do về thiêng liêng để lấy sự nô lệ!—So sánh Ga-la-ti 5:1.
Chống đối thông điệp của nhà tiên tri
7. Tại sao Đức Giê-hô-va bảo Ê-sai ghi lại lời cảnh cáo Ngài phán cho dân Giu-đa?
7 Đức Giê-hô-va bảo Ê-sai ghi lại thông điệp mà ông mới công bố để “truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng”. (Ê-sai 30:8) Đức Giê-hô-va không chấp thuận việc đặt liên minh với loài người lên trên sự tin cậy Ngài. Điều này phải được ghi chép lại vì lợi ích của các thế hệ tương lai—trong đó có thế hệ chúng ta ngày nay. (2 Phi-e-rơ 3:1-4) Nhưng lời này được ghi lại vì có một nhu cầu cấp bách hơn. “Dân nầy là bội-nghịch, là con-cái nói dối, con-cái không muốn nghe luật-pháp Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 30:9) Dân sự đã chối bỏ lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời. Do đó, phải ghi lại để sau này họ không thể chối cãi là đã không được cảnh cáo đầy đủ.—Châm-ngôn 28:9; Ê-sai 8:1, 2.
8, 9. (a) Giới lãnh đạo của Giu-đa cố làm hư hỏng các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Ê-sai tỏ ra không mất tinh thần như thế nào?
8 Bây giờ Ê-sai đưa ra một thí dụ về thái độ bội nghịch của dân sự. Họ “nói với kẻ tiên-kiến rằng: Đừng tiên-kiến làm chi! nói với kẻ tiên-tri rằng: Đừng nói tiên-tri về lẽ thật [“về việc đoan chánh”, “Trần Đức Huân”]! Hãy nói cho chúng tôi những điều vui-thú, hãy lấy những sự huyễn-hoặc bảo chúng tôi!” (Ê-sai 30:10) Khi ra lệnh cho các nhà tiên tri trung thành phải ngưng nói về những gì “đoan chánh” hay là chân thật, và thay vì thế, hãy nói những gì “vui-thú” hay “huyễn-hoặc”, tức giả dối, các nhà lãnh đạo của Giu-đa cho thấy là họ muốn nghe những lời êm tai. Họ muốn được ca tụng, chứ không muốn bị lên án. Theo quan điểm của họ, bất cứ nhà tiên tri nào không muốn nói hợp với sở thích của họ thì nên “lìa khỏi đường, bỏ khỏi lối”. (Ê-sai 30:11a) Đấng tiên tri ấy nên nói những điều làm vui tai họ hoặc ngưng toàn bộ công việc rao giảng!
9 Các kẻ chống đối Ê-sai khăng khăng đòi: “[Hãy] cất Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên khỏi mặt chúng tôi!” (Ê-sai 30:11b) Ê-sai hãy ngưng nói nhân danh Đức Giê-hô-va, “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”! Chính tước hiệu này làm họ khó chịu bởi vì các tiêu chuẩn cao cả của Đức Giê-hô-va phơi bày tình trạng đê tiện của họ. Ê-sai phản ứng ra sao? Ông tuyên bố: “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên phán như vầy”. (Ê-sai 30:12a) Ê-sai không hề do dự nói ra chính những lời mà những kẻ chống đối không muốn nghe. Ông không để chúng áp đảo tinh thần ông. Thật là một gương tốt cho chúng ta! Khi phải công bố thông điệp của Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ không bao giờ được nhượng bộ. (Công-vụ 5:27-29) Giống như Ê-sai, họ tiếp tục công bố: ‘Đây là điều Đức Giê-hô-va phán’!
Hậu quả của sự phản nghịch
10, 11. Sự phản nghịch của Giu-đa sẽ đưa đến những hậu quả nào?
10 Nước Giu-đa đã chối bỏ lời Đức Chúa Trời, tin cậy vào lời dối trá và vào điều “trái-nghịch”. (Ê-sai 30:12b) Hậu quả sẽ là gì? Thay vì để nước họ trong tình trạng mà họ mong muốn, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho nước này không còn hiện hữu nữa! Điều này sẽ xảy ra một cách trọn vẹn và bất thình lình như Ê-sai nhấn mạnh bằng một minh họa. Sự phản nghịch của dân tộc giống như “tường nẻ sắp vỡ, lồi ra trên cao, chỉ trong giây-phút sẽ thình-lình đổ xuống”. (Ê-sai 30:13) Giống như một chỗ lồi ra, mỗi lúc lớn thêm trên bức tường cao, cuối cùng làm cho bức tường sụp đổ, thì sự phản nghịch ngày một thêm của những người đương thời với Ê-sai cũng sẽ khiến dân tộc sụp đổ như vậy.
11 Bằng một minh họa khác, Ê-sai cho thấy sự hủy diệt sắp đến là sự hủy diệt hoàn toàn: “Ngài sẽ đập bể nó như cái bình thợ gốm bị bể ra, bể ra từng miếng, chẳng tiếc gì; đến nỗi trong những miếng mẻ nó, sẽ chẳng tìm được một mảnh nào để lấy lửa nơi bếp hay là múc nước nơi hồ”. (Ê-sai 30:14) Giu-đa bị hủy diệt hoàn toàn đến độ chẳng có gì quý giá còn chừa lại—ngay cả đến một miếng sành đủ lớn để hót tro trong lò sưởi hoặc để múc nước nơi hồ. Thật là một sự kết liễu nhục nhã! Ngày nay sự hủy diệt sắp tới của những kẻ chống đối sự thờ phượng thật cũng sẽ hoàn toàn và bất thình lình như vậy.—Hê-bơ-rơ 6:4-8; 2 Phi-e-rơ 2:1.
Lời mời của Đức Giê-hô-va bị bác bỏ
12. Dân Giu-đa có thể tránh được sự hủy diệt như thế nào?
12 Tuy nhiên, đối với thính giả của Ê-sai, sự hủy diệt không phải là không thể tránh được. Có một lối thoát. Nhà tiên tri giải thích: “Chúa Giê-hô-va, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, có phán như vầy: Các ngươi sẽ được rỗi, là tại trở lại và yên-nghỉ; các ngươi sẽ được sức-mạnh, là tại yên-lặng và trông-cậy”. (Ê-sai 30:15a) Đức Giê-hô-va sẵn sàng cứu dân Ngài—nếu họ tỏ ra có đức tin bằng cách “yên-nghỉ”, tức không cố tìm sự giải cứu bằng liên minh với loài người, và bằng cách “yên-lặng”, tức biểu lộ sự tin cậy nơi quyền năng bảo vệ của Đức Chúa Trời qua việc không sợ hãi. “Nhưng”, Ê-sai nói với dân sự, “các ngươi đã không muốn thế!”—Ê-sai 30:15b.
13. Những người lãnh đạo của Giu-đa đặt sự tin tưởng vào gì, và sự tin tưởng ấy có thể bào chữa được không?
13 Rồi Ê-sai nói thêm: “Các ngươi nói rằng: Không; chúng tôi sẽ cỡi ngựa chạy trốn! Ừ phải, các ngươi sẽ phải chạy trốn. Chúng tôi cỡi ngựa chạy mau! Ừ phải, những kẻ đuổi theo các ngươi cũng sẽ chạy mau!” (Ê-sai 30:16) Dân Giu-đa nghĩ rằng ngựa chạy mau, chứ không phải Đức Giê-hô-va, sẽ là phương tiện cứu họ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:16; Châm-ngôn 21:31) Tuy nhiên, nhà tiên tri phản công là sự trông cậy của họ sẽ là một ảo tưởng vì kẻ thù của họ sẽ bắt kịp họ. Con số họ dù đông, nhưng chẳng ích gì. “Một người dọa, ngàn người đi trốn; năm người dọa, các ngươi đều đi trốn”. (Ê-sai 30:17a) Tiếng la hét của chỉ một nhúm kẻ thù cũng sẽ làm cho quân lính Giu-đa hoảng sợ và trốn chạy.a Cuối cùng sẽ chỉ có một số nhỏ còn sót lại, “như cây vọi trên đỉnh núi, như cờ-xí trên gò”. (Ê-sai 30:17b) Đúng như lời tiên tri, khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 607 TCN, chỉ một số ít người sống sót mà thôi.—Giê-rê-mi 25:8-11.
Trong sự lên án, có niềm an ủi
14, 15. Những lời nơi Ê-sai 30:18 đưa lại cho dân Giu-đa thời xưa và cho tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay niềm an ủi nào?
14 Trong khi những lời nghiêm trọng này vẫn còn vang dội nơi tai thính giả của Ê-sai, giọng điệu trong thông điệp của ông thay đổi. Sự đe dọa về tai họa được thay thế bằng lời hứa về ân phước. “Dầu vậy, Đức Giê-hô-va còn chờ-đợi để làm ơn cho các ngươi; Ngài sẽ được tôn lên [“chỗi dậy”, “NW”] mà thương-xót các ngươi; vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công-nghĩa. Phước thay cho mọi kẻ trông-đợi Ngài!” (Ê-sai 30:18) Thật là những lời phấn khởi! Đức Giê-hô-va là Người Cha đầy trắc ẩn, nóng lòng muốn giúp đỡ con cái Ngài. Ngài vui thích tỏ lòng thương xót.—Thi-thiên 103:13; Ê-sai 55:7.
15 Những lời bảo đảm này áp dụng cho số người Do Thái còn sót lại, là những người nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời mà được sống sót qua sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN và cho một số nhỏ người được trở về Đất Hứa vào năm 537 TCN. Tuy nhiên, lời của nhà tiên tri cũng an ủi các tín đồ Đấng Christ ngày nay. Chúng ta được nhắc nhở là Đức Giê-hô-va sẽ “chỗi dậy” vì chúng ta, đem thế giới gian ác này tới chỗ kết thúc. Những người thờ phượng trung thành có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va—một “Đức Chúa Trời công-nghĩa”—sẽ không để cho thế gian của Sa-tan kéo dài thêm một ngày hơn là công lý đòi hỏi. Do đó, “mọi kẻ trông-đợi Ngài” có nhiều lý do để vui mừng.
Đức Giê-hô-va an ủi dân Ngài bằng cách nhậm lời cầu nguyện
16. Đức Giê-hô-va an ủi những người nản lòng như thế nào?
16 Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy nản lòng vì sự giải cứu không đến sớm như họ trông mong. (Châm-ngôn 13:12; 2 Phi-e-rơ 3:9) Mong sao họ được an ủi qua những lời kế tiếp của Ê-sai, nhấn mạnh khía cạnh đặc biệt trong cá tính của Đức Giê-hô-va. “Vì dân nầy sẽ ở trong Si-ôn nơi Giê-ru-sa-lem; ngươi chẳng còn khóc-lóc nữa. Khi ngươi kêu, Ngài chắc sẽ làm ơn; mới vừa nghe ngươi, Ngài liền nhậm lời”. (Ê-sai 30:19) Ê-sai truyền đạt sự dịu dàng trong những lời này bằng cách chuyển chữ “các ngươi” số nhiều nơi câu 18, sang chữ “ngươi” số ít nơi câu 19. Khi Đức Giê-hô-va an ủi người buồn rầu, Ngài an ủi từng người một. Là Cha, Ngài không hỏi một người con đang nản lòng là: ‘Tại sao con không mạnh như các anh em của con?’ (Ga-la-ti 6:4) Thay vì thế, Ngài chăm chú lắng nghe mỗi người. Thật vậy, “mới vừa nghe ngươi, Ngài liền nhậm lời”. Thật là những lời làm vững dạ biết bao! Những người nản lòng có thể được củng cố rất nhiều nếu cầu nguyện với Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 65:2.
Nghe tiếng chỉ dẫn của Đức Chúa Trời qua việc đọc Lời Ngài
17, 18. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn, Đức Giê-hô-va cung cấp sự hướng dẫn như thế nào?
17 Khi tiếp tục bài diễn thuyết, Ê-sai nhắc nhở thính giả của ông là hoạn nạn sẽ đến. Dân sự sẽ nhận “bánh hoạn-nạn và nước khốn-khó”. (Ê-sai 30:20a) Khi bị vây hãm, thì hoạn nạn và khốn khó mà họ phải trải qua sẽ trở thành quen thuộc như bánh và nước vậy. Dù vậy, Đức Giê-hô-va sẵn sàng đến cứu giúp những người có lòng ngay thẳng. “Thầy giáo ngươi [“Thầy Giáo Vĩ Đại”, “NW”] sẽ chẳng lẩn-khuất nữa, mắt ngươi sẽ được thấy các thầy giáo ngươi [“Thầy Giáo Vĩ Đại”, “NW”]. Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!—Ê-sai 30:20b, 21.b
18 Đức Giê-hô-va là “Thầy Giáo Vĩ Đại”. Không một thầy giáo nào bằng Ngài. Tuy nhiên, làm sao người ta có thể “thấy” và “nghe” Ngài được? Đức Giê-hô-va tiết lộ về Ngài qua các nhà tiên tri. Các lời của họ được ghi lại trong Kinh Thánh. (A-mốt 3:6, 7) Ngày nay, khi những người thờ phượng trung thành đọc Kinh Thánh thì như thể tiếng của Đức Chúa Trời, tiếng của người cha, đang bảo họ con đường phải đi và kêu gọi họ điều chỉnh lối sống và bước đi trên con đường đó. Mỗi tín đồ Đấng Christ cần cẩn thận lắng nghe khi Đức Giê-hô-va nói qua các trang Kinh Thánh và qua các sách báo dựa trên Kinh Thánh mà “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Mỗi người chúng ta phải siêng năng đọc Kinh Thánh, vì ‘đó là sự sống của mình’.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:46, 47; Ê-sai 48:17.
Hãy suy ngẫm về các ân phước tương lai
19, 20. Những ân phước nào được dành sẵn cho những người đáp lại tiếng của Thầy Giáo Vĩ Đại?
19 Những ai đáp lại tiếng của Thầy Giáo Vĩ Đại sẽ vứt bỏ tượng chạm, coi chúng là vật gớm ghiếc. (Đọc Ê-sai 30:22). Rồi, những người đáp lại ấy sẽ vui hưởng những ân phước tuyệt diệu được Ê-sai miêu tả nơi Ê-sai 30:23-26. Đây là một lời tiên tri về sự phục hồi đầy vui mừng được ứng nghiệm lần đầu vào năm 537 TCN khi một số người Do Thái còn sót lại trở về từ xứ phu tù. Ngày nay, lời tiên tri này giúp chúng ta thấy được những ân phước tuyệt diệu mà Đấng Mê-si mang lại trong địa đàng thiêng liêng hiện nay và trong Địa Đàng theo nghĩa đen trong tương lai.
20 “Người sẽ ban mưa xuống cho hạt giống ngươi gieo xuống thửa đất, và hoa mầu ruộng đất sẽ là bánh vừa béo vừa bùi, súc vật của ngươi, ngày ấy, sẽ được chăn trong đồng cỏ rộng. Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn lúa đã sàng đã sảy trộn với chua me”. (Ê-sai 30:23, 24, “NTT”). Bánh “vừa béo vừa bùi”—tức thực phẩm có nhiều dinh dưỡng—sẽ là thức ăn hàng ngày của con người. Đất sẽ sản xuất dồi dào đến độ ngay cả thú vật cũng được hưởng lây. Súc vật sẽ được ăn “lúa... trộn với chua me”—một loại lúa ngon chỉ dành cho những dịp hiếm có. Thực phẩm này thậm chí đã được ‘sàng sảy’—một cách thức mà người ta chỉ dùng cho loại thóc gạo để làm thực phẩm cho người. Thật là những chi tiết thích thú trong lời trình bày của Ê-sai để minh họa sự giàu có trong việc Đức Giê-hô-va đổ ân phước xuống trên nhân loại trung thành!
21. Hãy miêu tả những ân phước trọn vẹn trong tương lai.
21 “Trên mọi núi cao đồi cả sẽ có những suối nước chảy”. (Ê-sai 30:25b)c Ê-sai trình bày một bức tranh diễn tả thích hợp, nhấn mạnh sự trọn vẹn trong việc Đức Giê-hô-va ban phước. Không hề có nạn thiếu nước—một chất lỏng quý giá sẽ chảy tràn trề không những trên vùng đất thấp mà thậm chí còn trên “mọi núi cao đồi cả” nữa. Đúng vậy, nạn đói chỉ còn là điều thuộc quá khứ mà thôi. (Thi-thiên 72:16) Ngoài ra, nhà tiên tri chuyển sự chú ý đến những điều còn cao hơn cả núi nữa. “Sáng mặt trăng sẽ chói-lói như sáng mặt trời, và sự sáng mặt trời sẽ lớn hơn bảy lần, như vốn là sự sáng của bảy ngày, trong ngày Đức Giê-hô-va buộc dấu-vít của dân Ngài, và chữa-lành vết-thương nó”. (Ê-sai 30:26) Thật là một cao điểm hứng khởi của lời tiên tri sáng chói này! Sự vinh quang của Đức Chúa Trời sẽ tỏa sáng vô cùng rực rỡ. Những ân phước dành cho những người thờ phượng trung thành sẽ gấp bội—bảy lần—những ân phước trước đây họ từng nhận được.
Sự phán xét và sự vui mừng
22. Ân phước sẽ đến với người trung thành, còn trái lại, Đức Giê-hô-va dành gì cho kẻ ác?
22 Giọng điệu trong thông điệp của Ê-sai lại thay đổi lần nữa. “Nầy”, ông nói như thể muốn thính giả lưu ý. “Danh Đức Giê-hô-va từ xa mà đến; cơn giận phừng-phừng, như khói đậm bay lên, môi đầy thạnh-nộ, lưỡi giống như lửa nuốt”. (Ê-sai 30:27) Cho đến lúc này, Đức Giê-hô-va chưa can thiệp nhưng vẫn để cho kẻ thù dân Ngài đi theo đường riêng của họ. Bây giờ Ngài lại gần hơn—giống như một cơn bão tố có sấm sét ào ào kéo đến—để thi hành sự phán xét. “Hơi-thở Ngài khác nào sông vỡ-lở, nước lên ngập đến cổ. Ngài lấy cái sàng hủy-diệt mà sàng các nước, và dùng cái khớp dẫn đi lạc đường mà khớp hàm các dân”. (Ê-sai 30:28) Kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời sẽ bị “sông vỡ-lở” bao vây, bị lắc mạnh như trên cái “sàng”, và bị kiềm chế với một “cái khớp”. Chúng sẽ bị tiêu diệt.
23. Điều gì khiến tín đồ Đấng Christ ngày nay “vui trong lòng”?
23 Giọng điệu của Ê-sai lại thay đổi khi ông mô tả tình trạng hạnh phúc của những người thờ phượng trung thành mà một ngày kia sẽ được trở về xứ mình. “Các ngươi sẽ xướng ca như trong đêm giữ lễ thánh. Các ngươi sẽ có sự vui trong lòng, như kẻ thổi sáo mà lên núi Đức Giê-hô-va, đến cùng vầng Đá của Y-sơ-ra-ên”. (Ê-sai 30:29) Tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay cảm nghiệm được “sự vui trong lòng” tương tự khi họ suy ngẫm về sự phán xét dành cho thế gian của Sa-tan; về việc được Đức Giê-hô-va, “hòn đá về sự cứu-rỗi”, che chở; và về các ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại.—Thi-thiên 95:1.
24, 25. Lời tiên tri của Ê-sai nhấn mạnh sự phán xét sắp tới của Đức Chúa Trời trên A-si-ri là thật như thế nào?
24 Sau khi nói về những điều vui mừng này, Ê-sai trở lại chủ đề phán xét và cho thấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời nhắm vào đối tượng nào. “Đức Giê-hô-va sẽ làm cho nghe tiếng oai-nghiêm Ngài. Ngài sẽ tỏ cánh tay ngăm-đe của mình ra, giữa cơn giận Ngài, những ngọn lửa nuốt, gió táp, bão, và mưa đá. Vì, A-si-ri sẽ nghe tiếng Đức Giê-hô-va mà run-sợ. Ngài sẽ lấy roi đánh A-si-ri”. (Ê-sai 30:30, 31) Với sự diễn tả sinh động này, Ê-sai nhấn mạnh sự phán xét của Đức Chúa Trời trên A-si-ri là thật. Quả thật, A-si-ri đứng trước mặt Đức Chúa Trời, run sợ khi nhìn thấy “cánh tay ngăm-đe” về sự phán xét của Ngài.
25 Nhà tiên tri nói tiếp: “Mỗi khi Đức Giê-hô-va lấy roi định đánh nó, thì người ta sẽ nghe tiếng trống và đàn cầm; vả, trong những trận-mạc Đức Giê-hô-va sẽ vung cánh tay mà tranh-chiến cùng nó. Vì Tô-phết đã sửa-soạn từ xưa; sắm-sẵn cho vua. Nó sâu và rộng, trên có lửa và củi thật nhiều; hơi-thở của Đức Giê-hô-va như suối lưu-hoàng nhúm nó”. (Ê-sai 30:32, 33) Tô-phết, trong Trũng Hin-nôm, được dùng ở đây như một chỗ tượng trưng có lửa cháy. Bằng cách cho thấy là A-si-ri cuối cùng sẽ vào đây, Ê-sai nhấn mạnh sự hủy diệt bất ngờ và hoàn toàn chắc chắn sẽ đổ xuống nước đó.—So sánh 2 Các Vua 23:10.
26. (a) Lời công bố của Đức Giê-hô-va nghịch lại A-si-ri có sự áp dụng nào vào thời nay? (b) Ngày nay tín đồ Đấng Christ tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va như thế nào?
26 Mặc dù thông điệp phán xét nhắm vào A-si-ri, nhưng ý nghĩa lời tiên tri của Ê-sai đi xa hơn. (Rô-ma 15:4) Một lần nữa, có thể nói là Đức Giê-hô-va sẽ từ xa đến để làm ngập tràn, lắc mạnh, và kiềm chế tất cả những kẻ áp bức dân Ngài. (Ê-xê-chi-ên 38:18-23; 2 Phi-e-rơ 3:7; Khải-huyền 19:11-21) Mong sao ngày đó mau đến! Trong thời gian này, tín đồ Đấng Christ nóng lòng trông chờ ngày giải cứu. Họ được thêm sức khi suy ngẫm về những lời sống động của Ê-sai nơi chương 30. Những lời này khuyến khích tôi tớ của Đức Chúa Trời coi trọng đặc ân cầu nguyện, siêng năng học hỏi Kinh Thánh, và suy ngẫm về các ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại. (Thi-thiên 42:1, 2; Châm-ngôn 2:1-6; Rô-ma 12:12) Do đó, những lời của Ê-sai giúp tất cả chúng ta tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va.
[Chú thích]
a Hãy lưu ý là nếu Giu-đa trung thành thì tình thế đã có thể đảo ngược.—Lê-vi Ký 26:7, 8.
b Đây là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh Đức Giê-hô-va được gọi là “Thầy Giáo Vĩ Đại”.
c Ê-sai 30:25a đọc: “Đến ngày chém-giết lớn, khi đồn-lũy đổ xuống”. Trong sự ứng nghiệm lần đầu, điều này có thể ám chỉ sự sụp đổ của Ba-by-lôn, mở đường cho dân Y-sơ-ra-ên vui hưởng các ân phước được tiên tri nơi Ê-sai 30:18-26. (Xin xem đoạn 19). Nó cũng có thể ám chỉ sự hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn, đưa đến sự ứng nghiệm lớn nhất về những ân phước này trong thế giới mới.
[Hình nơi trang 305]
Vào thời Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên trốn khỏi xứ Ê-díp-tô. Vào thời Ê-sai, dân Giu-đa lại đi đến xứ Ê-díp-tô cầu cứu
[Hình nơi trang 311]
“Trên mọi núi cao đồi cả sẽ có những suối nước chảy”
[Hình nơi trang 312]
Đức Giê-hô-va sẽ đến với “cơn giận phừng-phừng, như khói đậm bay lên”