Chương hai mươi lăm
Vua và các quan trưởng
1, 2. Có thể nói gì về bản văn của sách Ê-sai trong Cuộn Biển Chết?
VÀO cuối thập niên 1940, một bộ sưu tập cuộn sách rất đặc biệt được tìm thấy trong hang gần Biển Chết ở Palestine. Sau đó, bộ sưu tập này được gọi là Cuộn Biển Chết và người ta tin là những cuộn này được sao chép vào khoảng từ năm 200 TCN đến năm 70 CN. Một cuộn nổi tiếng nhất trong các cuộn này là cuộn Ê-sai viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ trên da thuộc rất bền. Cuộn này hầu như đầy đủ và bản văn chỉ khác biệt rất ít so với bản Masorete, một bản chép tay được xác định chép vào khoảng 1.000 năm sau. Do đó, cuộn này chứng minh sự chính xác trong việc sao chép Kinh Thánh.
2 Một chi tiết đáng chú ý về sách Ê-sai trong Cuộn Biển Chết là một phần được đánh dấu bằng chữ “X”, do một người sao chép viết nguệch ngoạc bên lề mà sau này được xếp thành chương 32. Chúng ta không biết tại sao người sao chép đánh dấu như thế, nhưng chúng ta biết chắc là phần này của Kinh Thánh có một cái gì đặc biệt.
Cai trị trong công bình và chính trực
3. Sự cai trị mới nào được tiên tri trong sách Ê-sai và sách Khải-huyền?
3 Chương 32 sách Ê-sai mở đầu với lời tiên tri hào hứng mà thời nay chúng ta thấy đang ứng nghiệm một cách đáng chú ý: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa [“công bình”, “NW”] trị-vì, các quan-trưởng lấy lẽ công-bình [“sự chính trực”, “NW”] mà cai-trị”. (Ê-sai 32:1) Đúng vậy, thán từ “Nầy” làm chúng ta nhớ đến một thán từ tương tự nơi sách tiên tri chót của Kinh Thánh: “Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật”. (Khải-huyền 21:5) Sách Ê-sai và sách Khải-huyền viết cách nhau khoảng 900 năm, cả hai đều miêu tả một cách phấn khởi về một sự cai trị mới—một “trời mới”, gồm Vua Giê-su Christ lên ngôi ở trên trời vào năm 1914, và 144.000 vua phó đồng cai trị “được chuộc từ trong loài người”—cùng với một “đất mới”, tức một xã hội loài người hợp nhất trên toàn cầu.a (Khải-huyền 14:1-4; 21:1-4; Ê-sai 65:17-25) Toàn thể sự sắp đặt này có được nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ.
4. Ngày nay nền tảng nào của đất mới đang hiện hữu?
4 Sứ đồ Giăng sau khi thấy trong sự hiện thấy sự đóng ấn cuối cùng của 144.000 vua phó này, ông báo cáo như sau: “Tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con”. Đây là những người sẽ là nền tảng cho đất mới—đám đông vô số người này hiện nay lên tới nhiều triệu, được thâu nhóm lại bên một số ít người, phần lớn đã già thuộc số 144.000 người còn sót lại. Đám đông ấy sẽ sống sót qua cơn đại nạn sắp tới. Trong Địa Đàng trên đất, họ sẽ đón tiếp những người trung thành được sống lại và hàng tỉ người khác nữa. Hàng tỉ người này sẽ được ban cho cơ hội thực hành đức tin. Tất cả những ai làm như thế sẽ được phước sống đời đời.—Khải-huyền 7:4, 9-17.
5-7. “Các quan-trưởng” trong lời tiên tri đóng vai trò nào trong bầy của Đức Chúa Trời?
5 Tuy nhiên, bao lâu thế giới hiện tại đầy thù hận này còn thì bấy lâu những thành viên thuộc đám đông cần sự che chở. Phần lớn sự che chở này được cung cấp bởi “các quan-trưởng” là những người “lấy sự chính trực mà cai-trị”. Thật là một sự sắp đặt tuyệt diệu! “Các quan-trưởng” này được mô tả thêm bằng những lời bóng bẩy trong lời tiên tri của Ê-sai: “Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi”.—Ê-sai 32:2.
6 Hiện nay, cả thế giới ở trong thời kỳ khốn khổ nên rất cần những “quan-trưởng”, đúng vậy, những trưởng lão “cảnh giác về... đoàn chiên”, chăm sóc chiên của Đức Giê-hô-va và xét xử về tư pháp phù hợp với các nguyên tắc công bình của Đức Giê-hô-va. (Công-vụ 20:28, NTT) “Các quan-trưởng” ấy phải hội đủ những điều kiện qui định nơi 1 Ti-mô-thê 3:2-7 và Tít 1:6-9.
7 Trong lời tiên tri quan trọng miêu tả “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” đầy khốn khổ, Chúa Giê-su nói: “Hãy giữ mình, đừng kinh hãi”. (Ma-thi-ơ 24:3-8, NW) Tại sao môn đồ của Chúa Giê-su không kinh hãi trước những tình trạng nguy hiểm trên thế giới ngày nay? Một lý do là vì “các quan-trưởng”—dù là người xức dầu hoặc “chiên khác”—đang trung thành che chở bầy chiên. (Giăng 10:16) Họ dạn dĩ chăm sóc anh chị em của họ, ngay cả trong những hoàn cảnh đáng sợ như chiến tranh sắc tộc và diệt chủng. Trong một thế giới mòn mỏi về thiêng liêng, họ lo liệu sao cho những người ngã lòng được tươi mát bằng lẽ thật đầy khích lệ từ Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh.
8. Đức Giê-hô-va đang huấn luyện và dùng “các quan-trưởng” thuộc chiên khác như thế nào?
8 Trong 50 năm qua, “các quan-trưởng” này đã xuất hiện một cách rõ ràng. “Các quan-trưởng” thuộc chiên khác đang được huấn luyện để trở thành lớp “thủ lĩnh”, hiện đang phát triển, để rồi sau cơn đại nạn, những ai trong số họ hội đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm để phục vụ nền hành chính trong “đất mới”. (Ê-xê-chi-ên 44:2, 3, NW; 2 Phi-e-rơ 3:13) Qua việc cung cấp sự hướng dẫn và sự tươi mát về thiêng liêng khi dẫn đầu trong việc phụng sự Nước Trời, họ đang chứng tỏ họ “như bóng vầng đá lớn”, đem sự thoải mái cho bầy chiên trong lĩnh vực thờ phượng.b
9. Tình trạng nào ngày nay cho thấy cần “các quan-trưởng”?
9 Trong những ngày cuối cùng đầy nguy hiểm của thế gian hung ác thuộc Sa-tan, tín đồ Đấng Christ rất cần đến sự che chở như thế. (2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13) Các học thuyết sai lầm và các lời tuyên truyền xuyên tạc như những cơn cuồng phong đang thổi mạnh. Bão tố đang gào thét dưới hình thức nội chiến và chiến tranh giữa các nước cũng như những vụ công kích nhắm thẳng vào tôi tớ trung thành của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong một thế giới khô cằn vì cơn hạn hán thiêng liêng, tín đồ Đấng Christ vô cùng cần đến suối nước lẽ thật trong lành và tinh khiết để thỏa mãn cơn khát thiêng liêng. Mừng thay, Đức Giê-hô-va hứa rằng, vị Vua mà Ngài tấn phong sẽ cung cấp sự khích lệ và sự hướng dẫn qua các anh em xức dầu và qua sự hỗ trợ của “các quan-trưởng” cho những ai ngã lòng và thoái chí đang cần sự giúp đỡ. Do đó, Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu sao cho những gì công bình và ngay thẳng được ưu thắng.
Để ý bằng mắt, tai và lòng
10. Đức Giê-hô-va cung cấp những gì để dân Ngài có thể ‘thấy’ và ‘nghe’ những điều thiêng liêng?
10 Đám đông đã hưởng ứng như thế nào đối với sự sắp đặt thần quyền của Đức Giê-hô-va? Lời tiên tri tiếp tục: “Bấy giờ mắt của kẻ xem sẽ không mờ, tai của kẻ nghe sẽ chăm-chỉ”. (Ê-sai 32:3) Qua nhiều năm, Đức Giê-hô-va đã dạy dỗ và đưa các tôi tớ yêu quý của Ngài đến chỗ thành thục. Trường Thánh Chức Thần Quyền và các buổi họp khác tại hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới; các đại hội quốc tế, toàn quốc, và địa hạt; cũng như các khóa huấn luyện đặc biệt nhằm giúp “các quan-trưởng” biết yêu thương chăm sóc bầy chiên, tất cả đã đóng góp vào việc xây dựng một hiệp hội anh em quốc tế hợp nhất gồm nhiều triệu người. Dù ở nơi nào trên trái đất, những người chăn chiên này sốt sắng lắng nghe và chấp nhận mọi điều chỉnh trong sự hiểu biết mới về lời lẽ thật. Với lương tâm được Kinh Thánh huấn luyện, họ luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và vâng lời.—Thi-thiên 25:10.
11. Tại sao dân sự Đức Chúa Trời ngày nay nói quả quyết chứ không nói lắp bắp vì chưa chắc?
11 Rồi lời tiên tri nhắc nhở: “Lòng của người hớp-tớp sẽ hiểu sự khôn-ngoan; lưỡi của người cà-lăm sẽ nói dễ và rõ”. (Ê-sai 32:4) Không ai nên hấp tấp kết luận về điều gì đúng, điều gì sai. Kinh Thánh nói: “Con có thấy kẻ hấp-tấp trong lời nói mình chăng? Một kẻ ngu-muội còn có sự trông-cậy hơn hắn”. (Châm-ngôn 29:20; Truyền-đạo 5:2) Trước năm 1919, thậm chí dân sự Đức Giê-hô-va cũng bị các ý tưởng thuộc Ba-by-lôn làm hoen ố. Nhưng bắt đầu từ năm đó, Đức Giê-hô-va ban cho họ sự hiểu biết rõ ràng hơn về ý định của Ngài. Họ nhận thấy lẽ thật mà Ngài tiết lộ không phải vội vàng nhưng rất hợp lý, và nay họ nói quả quyết chứ không nói lắp bắp vì chưa chắc.
“Kẻ ngu dại”
12. “Kẻ ngu dại” ngày nay là ai, và họ thiếu rộng lượng như thế nào?
12 Kế đó, lời tiên tri của Ê-sai đưa ra một sự tương phản: “Kẻ ngu dại sẽ không còn được gọi là rộng lượng; kẻ vô đạo đức sẽ không được gọi là cao quí; vì kẻ ngu dại sẽ chỉ nói điều ngu dại”. (Ê-sai 32:5, 6a, NW) Ai là “kẻ ngu dại”? Như thể để nhấn mạnh, Vua Đa-vít trả lời hai lần cho câu hỏi này: “Kẻ ngu-dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại-hoại, đã làm những việc gớm-ghiếc; chẳng có ai làm điều lành”. (Thi-thiên 14:1; 53:1) Dĩ nhiên, những kẻ vô thần cố hữu nói rằng làm gì có Đức Giê-hô-va. Thực ra, “giới trí thức” và những người khác cũng hành động như thể không có Đức Chúa Trời, tin rằng họ chẳng phải chịu trách nhiệm với bất cứ người nào. Lẽ thật không ở trong những người như thế. Lòng họ cũng chẳng có sự rộng lượng. Họ không có tin mừng về yêu thương. Trái với tín đồ thật của Đấng Christ, họ miễn cưỡng giúp đỡ người nản lòng, hoặc chẳng giúp đỡ gì cả.
13, 14. (a) Những kẻ bội đạo thời nay làm những điều có hại như thế nào? (b) Những kẻ bội đạo cố cướp gì của người đói khát, nhưng rốt cuộc sẽ là gì?
13 Nhiều kẻ ngu dại như thế thù ghét những người bênh vực lẽ thật của Đức Chúa Trời. “Lòng nó xiêu về điều có hại, về sự bội đạo và nói nghịch cùng Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 32:6b, “NW”) Điều này thật đúng làm sao với các kẻ bội đạo thời nay! Tại một số nước ở Âu Châu và Á Châu, bọn bội đạo liên kết với những kẻ chống đối khác của lẽ thật, vu cáo trắng trợn với các nhà cầm quyền nhằm gây cho Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm hoặc bị hạn chế. Họ biểu lộ tinh thần của “đầy-tớ xấu” trong lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Nếu, trái lại, là một đầy-tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả-hình. Đó là nơi sẽ có khóc-lóc và nghiến răng”.—Ma-thi-ơ 24:48-51.
14 Trong khi chờ đợi, bọn bội đạo gây cho “kẻ đói trống bụng và kẻ khát hết đồ uống”. (Ê-sai 32:6c) Kẻ thù của lẽ thật cố cướp đi thức ăn thiêng liêng khỏi những người đói khát lẽ thật, và chúng cố ngăn cản những người khát uống nước tươi mát của thông điệp Nước Trời. Nhưng rốt cuộc sẽ đúng như lời Đức Giê-hô-va tuyên bố với dân Ngài qua một nhà tiên tri khác của Ngài: “Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì ta ở cùng ngươi đặng giải-cứu ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy”.—Giê-rê-mi 1:19; Ê-sai 54:17.
15. Ngày nay ai là những kẻ đặc biệt “vô đạo đức”, chúng cổ võ “lời dối trá” nào và hậu quả là gì?
15 Từ giữa thế kỷ 20, sự vô luân ngang nhiên hoành hành tại những nước thuộc đạo tự xưng theo Đấng Christ. Tại sao? Lời tiên tri báo trước một lý do như sau: “Về phần kẻ vô đạo đức, các mưu mô nó là xấu xa; chính nó cho lời khuyên về các hành động luông tuồng, làm hại người bần cùng bằng lời dối trá, ngay cả khi người nghèo nói lời phải”. (Ê-sai 32:7, “NW”) Những lời này đã ứng nghiệm đặc biệt trong hàng giáo phẩm; nhiều người trong giới này đã chấp thuận một thái độ dễ dãi về tình dục trước hôn nhân, ăn ở không cưới hỏi, đồng tính luyến ái—thật vậy, “dâm bôn, và ô uế mọi thứ”. (Ê-phê-sô 5:3, NTT) Bởi vậy, họ làm “hại” bầy giáo dân của họ bằng những lời giả dối.
16. Điều gì làm cho tín đồ thật của Đấng Christ hạnh phúc?
16 Ngược lại, sự ứng nghiệm của những lời tiên tri kế tiếp đưa lại sự tươi mát biết bao! “Còn người rộng lượng mưu về những điều rộng lượng; và vì những điều rộng lượng, người sẽ đứng lên”. (Ê-sai 32:8, “NW”) Chính Chúa Giê-su khuyến khích sự rộng lượng khi ngài nói: “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy”. (Lu-ca 6:38) Sứ đồ Phao-lô cũng cho thấy người rộng lượng sẽ được phước khi ông nói: “[Hãy] nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Tín đồ thật của Đấng Christ hạnh phúc không phải vì giàu có hay danh vọng nhưng vì có lòng rộng lượng—giống như Đức Chúa Trời của họ là Đức Giê-hô-va có lòng rộng lượng. (Ma-thi-ơ 5:44, 45) Họ tìm được niềm hạnh phúc lớn nhất trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và tự hy sinh một cách rộng lượng để rao giảng “tin-lành vinh-hiển của Đức Chúa Trời hạnh-phước” cho người khác.—1 Ti-mô-thê 1:11.
17. Ngày nay ai giống “con gái không hay lo” mà Ê-sai đề cập đến?
17 Ê-sai tiên tri tiếp: “Hỡi những đàn-bà sung-sướng [“vô tư”, “NTT”], hãy dậy mà nghe tiếng ta! Hỡi những con gái không hay lo, hãy để tai nghe lời ta! Trong một năm và mấy ngày nữa, các ngươi là kẻ không lo-lắng, sẽ đều run-rẩy, vì mùa nho sẽ mất, và mùa gặt cũng không có nữa. Đàn-bà sung-sướng, hãy run-rẩy! Con gái không hay lo, hãy bối-rối!” (Ê-sai 32:9-11a) Thái độ của những người đàn bà này có thể nhắc nhở chúng ta về những người ngày nay tự nhận là phụng sự Đức Chúa Trời nhưng không sốt sắng với công việc của Ngài. Những người như thế được tìm thấy trong các tôn giáo của “Ba-by-lôn Lớn, là mẹ kẻ tà-dâm”. (Khải-huyền 17:5) Chẳng hạn, hội viên của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ rất giống với “những đàn-bà” mà Ê-sai mô tả. Họ “vô tư”, chẳng quan tâm gì đến sự phán xét và sự run rẩy mà chẳng bao lâu nữa sẽ ập đến trên họ.
18. Ai được bảo “hãy thắt lưng bằng bao gai”, và tại sao?
18 Vậy tôn giáo giả được kêu gọi: “Hãy cởi áo-xống, hãy ở trần, hãy thắt lưng bằng bao gai. Chúng nó sẽ đấm ngực vì đồng-điền màu-mỡ, vì cây nho sai trái. Chà-chuôm gai-gốc sẽ mọc lên trên đất dân ta, cùng trên mọi nhà chơi trong thành vui-vẻ”. (Ê-sai 32:11b-13) Nhóm từ “Hãy cởi áo-xống, hãy ở trần” dường như không có ý nói cởi hết quần áo. Thời xưa, người ta có phong tục mặc áo choàng bên ngoài quần áo trong. Áo ngoài thường cho biết về người mặc. (2 Các Vua 10:22, 23; Khải-huyền 7:13, 14) Do đó, lời tiên tri ra lệnh cho các phần tử của tôn giáo giả cởi áo ngoài ra—tức con người giả vờ là tôi tớ của Đức Chúa Trời—và thay vì thế, mặc áo bằng bao gai vào, tượng trưng cho sự buồn rầu về sự phán xét sắp xảy đến. (Khải-huyền 17:16) Chẳng có bông trái nào đẹp lòng Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ vốn tự nhận là “thành vui-vẻ” của Đức Chúa Trời, hoặc nơi các tôn giáo còn lại của đế quốc tôn giáo giả thế giới. Lãnh địa hoạt động của họ là đất bỏ hoang chỉ mọc ra “chà-chuôm gai-gốc”.
19. Ê-sai phơi bày tình trạng của “Giê-ru-sa-lem” bội đạo như thế nào?
19 Hình ảnh u ám này cũng dành cho toàn thể các thành phần của “Giê-ru-sa-lem” bội đạo. “Vì chưng lâu đài đã bị để trống và thành huyên náo bỏ không, Ophel [“Ô-phên”, “Thánh Kinh Hội”] cùng vọng lâu, biến thành hậu phương bỏ ngỏ cho đến đời đời, làm hoan lạc cho đàn lừa hoang, làm bãi cỏ cho bầy thú”. (Ê-sai 32:14, “NTT”) Vâng, cả Ô-phên cũng bị hoang vu nữa. Ô-phên, một nơi cao của Giê-ru-sa-lem, là một vị trí phòng thủ kiên cố. Khi nói Ô-phên trở nên một cánh đồng xơ xác thì điều này có nghĩa là thành bị hoang vu hoàn toàn. Lời của Ê-sai cũng cho thấy là “Giê-ru-sa-lem” bội đạo—tức các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ—không chăm chỉ thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời. Nó cằn cỗi về thiêng liêng, hoàn toàn không có lẽ thật và công lý nào—nói trắng ra, giống như thú vật vậy.
Một sự tương phản đầy thú vị!
20. Việc Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên dân Ngài có hiệu quả gì?
20 Kế đó, Ê-sai đưa ra một hy vọng làm ấm lòng cho những ai thực thi ý muốn của Đức Giê-hô-va. Bất cứ sự hoang vu nào của dân Ngài thì chỉ kéo dài “cho đến ngày, từ trên cao thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta. Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng”. (Ê-sai 32:15, “Tòa Tổng Giám Mục”) Vui mừng thay, kể từ năm 1919, Đức Giê-hô-va đã đổ tràn đầy thánh linh trên dân Ngài, như thể phục hồi vườn cây ăn trái Nhân Chứng xức dầu và tiếp theo là một rừng chiên khác đang gia tăng. Tổ chức trên đất của Ngài ngày nay có đặc điểm chính yếu là thịnh vượng và gia tăng. Trong địa đàng thiêng liêng được khôi phục, dân Ngài phản chiếu “sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta” khi họ công bố trên khắp thế giới Nước Trời sắp đến của Ngài.—Ê-sai 35:1, 2.
21. Ngày nay sự công bình, sự yên lặng và sự an ổn chỉ được tìm thấy ở đâu?
21 Bây giờ hãy lắng nghe lời hứa tuyệt vời của Đức Giê-hô-va: “Sự xét-đoán sẽ ở nơi đồng vắng, sự công-bình sẽ trú nơi ruộng tốt. Công-bình sẽ sanh ra bình-an, trái của sự công-bình sẽ là yên-lặng và an-ổn mãi mãi”. (Ê-sai 32:16, 17) Những câu này diễn tả thích đáng về tình trạng thiêng liêng của dân sự Đức Giê-hô-va ngày nay! Trái với phần lớn nhân loại bị chia rẽ vì hận thù, bạo động và nghèo khó cùng cực về thiêng liêng, tín đồ thật của Đấng Christ hợp nhất trên toàn cầu, mặc dù họ “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Họ sống, làm việc và phụng sự phù hợp với sự công bình của Đức Chúa Trời. Họ làm thế với niềm tin là cuối cùng họ sẽ được hưởng hòa bình và an ninh thật cho đến muôn đời.—Khải-huyền 7:9, 17.
22. Có sự khác biệt nào giữa tình trạng của dân Đức Chúa Trời và tình trạng của những người trong tôn giáo giả?
22 Ê-sai 32:18 đã ứng nghiệm trong địa đàng thiêng liêng rồi. Câu ấy nói như sau: “Dân ta sẽ trú trong chỗ bình-an, trong nhà yên-ổn và nơi nghỉ lặng-lẽ”. Nhưng đối với tín đồ Đấng Christ giả hiệu thì “mưa đá sẽ đổ xuống trên rừng, và thành sẽ bị hạ cả xuống”. (Ê-sai 32:19) Đúng vậy, giống như một trận mưa đá dữ dội, sự phán xét của Đức Giê-hô-va sắp sửa đổ trên thành giả mạo của tôn giáo giả, triệt hạ “rừng” người ủng hộ nó, tiêu diệt những kẻ này vĩnh viễn!
23. Công việc toàn cầu nào gần xong, và những người tham dự vào công việc ấy được kể như thế nào?
23 Phần này của lời tiên tri kết luận: “Phước thay cho các ngươi gieo giống ở bên mọi dòng nước, thả chân bò lừa đi”. (Ê-sai 32:20) Bò và lừa là những con vật chở nặng mà ngày xưa dân của Đức Chúa Trời dùng để cày ruộng và gieo hạt giống. Ngày nay, dân sự Đức Giê-hô-va dùng máy in, dụng cụ điện tử, cao ốc và phương tiện chuyên chở hiện đại, và trên hết, một tổ chức thần quyền hợp nhất để in và phân phối hàng tỉ ấn phẩm về Kinh Thánh. Những nhân công tình nguyện dùng những dụng cụ này để gieo hạt giống lẽ thật Nước Trời ra khắp đất, “bên mọi dòng nước” theo nghĩa đen. Hàng triệu người nam và nữ kính sợ Đức Chúa Trời đã được thâu nhóm và vô số người khác đang gia nhập với họ. (Khải-huyền 14:15, 16) Tất cả những người này thực sự được kể là có “phước”!
[Chú thích]
a “Vua” nơi Ê-sai 32:1 có thể đầu tiên ám chỉ Vua Ê-xê-chia. Tuy nhiên, sự ứng nghiệm chính yếu của Ê-sai chương 32 có liên hệ đến Vua Giê-su Christ.
b Xin xem Tháp Canh, ngày 1-3-1999, trang 13-18, do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Hình nơi trang 331]
Trong Cuộn Biển Chết, chương 32 sách Ê-sai được đánh dấu bằng chữ “X”
[Hình nơi trang 333]
Mỗi ‘quan-trưởng’ giống như một nơi núp gió và chỗ che mưa, như nước trong sa mạc và như bóng che nắng
[Hình nơi trang 338]
Tín đồ Đấng Christ tìm được hạnh phúc lớn nhất trong việc chia sẻ tin mừng với người khác