Chương hai mươi sáu
“Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”
1. Tại sao những lời nơi Ê-sai 33:24 đem lại an ủi?
“MUÔN vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay”. Sứ đồ Phao-lô nói như vậy. (Rô-ma 8:22) Bất kể những tiến bộ về y khoa, bệnh hoạn và chết chóc tiếp tục gieo tang tóc cho loài người. Do đó, lời hứa vốn đưa phần này trong lời tiên tri của Ê-sai lên cao điểm, thật tuyệt diệu biết bao! Hãy tưởng tượng đến thời kỳ khi mà “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. (Ê-sai 33:24) Lời hứa này sẽ thành tựu khi nào và như thế nào?
2, 3. (a) Nước Y-sơ-ra-ên bị bệnh hoạn như thế nào? (b) A-si-ri được Đức Chúa Trời dùng như “cái roi” sửa trị ra sao?
2 Sách Ê-sai được viết vào một thời kỳ mà dân trong giao ước của Đức Chúa Trời bị bệnh hoạn về thiêng liêng. (Ê-sai 1:5, 6) Họ đã lún quá sâu vào sự bội đạo và vô luân đến độ họ cần Giê-hô-va Đức Chúa Trời sửa trị nặng nề. Đức Giê-hô-va dùng A-si-ri như “cái roi” để thi hành sự sửa trị đó. (Ê-sai 7:17; 10:5, 15) Trước nhất, vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc gồm mười chi phái rơi vào tay A-si-ri năm 740 TCN. (2 Các Vua 17:1-18; 18:9-11) Vài năm sau, Vua San-chê-ríp của A-si-ri mở một cuộc tổng tấn công vào vương quốc Giu-đa phía nam. (2 Các Vua 18:13; Ê-sai 36:1) Khi đạo quân hùng hổ của A-si-ri càn quét xứ Giu-đa thì việc xứ này bị hủy diệt hoàn toàn dường như khó tránh khỏi.
3 Nhưng A-si-ri vượt quá quyền hạn trong việc sửa trị dân Đức Chúa Trời, bây giờ lại còn nuôi tham vọng chinh phục thế giới. (Ê-sai 10:7-11) Đức Giê-hô-va có bỏ qua mà không phạt nó về sự ngược đãi tàn bạo mà nó đã gây ra cho dân Ngài không? Sự bệnh hoạn về thiêng liêng của dân tộc có được chữa lành không? Trong chương 33 sách Ê-sai, chúng ta sẽ thấy Đức Giê-hô-va trả lời những câu hỏi này.
Hại kẻ hại người
4, 5. (a) A-si-ri sẽ trải qua tình thế đảo ngược nào? (b) Thay mặt cho dân sự của Đức Giê-hô-va, Ê-sai cầu xin gì?
4 Lời tiên tri bắt đầu: “Khốn thay cho ngươi chưa bị hại mà hại người, chưa bị dối mà dối người! Khi ngươi hại người vừa rồi, chính ngươi sẽ bị hại; khi ngươi dối người vừa rồi, đến phiên ngươi sẽ bị dối”. (Ê-sai 33:1) Ê-sai nhắm thẳng vào kẻ hại người là A-si-ri. Vào lúc hùng mạnh tột độ, nước hay gây hấn này dường như vô song. Nó đã ‘hại người mà không bị hại lại’; nó tàn phá các thành của Giu-đa, thậm chí tước đoạt báu vật từ đền thờ của Đức Giê-hô-va—và hành động như vậy mà dường như không bị trừng phạt! (2 Các Vua 18:14-16; 2 Sử-ký 28:21) Tuy nhiên, bây giờ tình thế đảo ngược. Ê-sai dạn dĩ công bố: “Chính ngươi sẽ bị hại”. Đối với những người trung thành, lời tiên tri này thật an ủi biết bao!
5 Vào giai đoạn kinh hãi ấy, những người thờ phượng trung thành của Đức Giê-hô-va cần quay về Ngài để cầu cứu. Do đó Ê-sai cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy thương-xót chúng tôi! Chúng tôi trông-đợi nơi Chúa: xin Chúa làm cánh tay [sức mạnh và nâng đỡ] cho chúng tôi mỗi buổi sớm-mai, giải-cứu chúng tôi trong cơn hoạn-nạn! Nghe tiếng ồn-ào, các dân đều trốn-tránh; khi Chúa dấy lên, các nước đều vỡ-tan”. (Ê-sai 33:2, 3) Ê-sai cầu nguyện thật thích hợp. Ông xin Đức Giê-hô-va giải cứu dân Ngài như Ngài đã làm nhiều lần trong quá khứ. (Thi-thiên 44:3; 68:1) Ngay sau khi cầu nguyện xong, Ê-sai báo trước Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện ấy như thế nào!
6. Điều gì sẽ xảy ra cho A-si-ri, và tại sao điều này là thích hợp?
6 “Của-cải các ngươi [người A-si-ri] sẽ bị thâu lại như con sâu thâu lại; người ta sấn đến trên nó như cào-cào nhảy tới”. (Ê-sai 33:4) Nước Giu-đa từng quen với họa sâu bọ tàn phá. Tuy nhiên, lần này, chính kẻ thù của Giu-đa sẽ bị tàn phá. A-si-ri sẽ bị thua nhục nhã và lính chiến của nó sẽ buộc phải tháo chạy, bỏ lại nhiều chiến phẩm cho dân Giu-đa thâu lượm! Thật là thích đáng để A-si-ri, nổi tiếng là tàn bạo, phải nếm mùi bị cướp đoạt.—Ê-sai 37:36.
A-si-ri tân thời
7. (a) Ngày nay ai có thể so sánh với nước Y-sơ-ra-ên bị bệnh hoạn về thiêng liêng? (b) Ai sẽ được Đức Giê-hô-va dùng làm “cái roi” để hủy diệt các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ?
7 Lời tiên tri của Ê-sai được áp dụng như thế nào vào thời chúng ta? Nước Y-sơ-ra-ên bệnh hoạn về thiêng liêng có thể so sánh với các tôn giáo bất trung tự xưng theo Đấng Christ. Như Đức Giê-hô-va đã dùng A-si-ri làm “cái roi” để trừng phạt Y-sơ-ra-ên thể nào thì Ngài cũng sẽ dùng “cái roi” như thể ấy để trừng phạt các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ—cũng như các tôn giáo còn lại trong đế quốc tôn giáo giả thế giới, tức “Ba-by-lôn Lớn”. (Ê-sai 10:5; Khải-huyền 18:2-8) “Cái roi” đó sẽ là các nước hội viên của Liên Hiệp Quốc—một tổ chức được tượng trưng bằng một con thú sắc đỏ sậm, có bảy đầu và mười sừng trong sách Khải-huyền.—Khải-huyền 17:3, 15-17.
8. (a) Ngày nay ai có thể được so sánh với San-chê-ríp? (b) San-chê-ríp tân thời sẽ táo bạo tấn công ai, và kết quả là gì?
8 Khi quân A-si-ri tân thời xông vào khắp lãnh địa của tôn giáo giả, thì dường như sẽ không sức nào ngăn lại được. Với thái độ giống như San-chê-ríp, Sa-tan Ma-quỉ sẽ táo bạo tấn công—không những các tổ chức bội đạo đáng bị trừng phạt mà còn cả tín đồ thật của Đấng Christ nữa. Bên cạnh các con thiêng liêng được xức dầu của Đức Giê-hô-va còn sót lại là hàng triệu người đã thoát khỏi thế gian của Sa-tan, khỏi Ba-by-lôn Lớn, và đứng về phía Nước Trời của Đức Giê-hô-va. Giận dữ vì tín đồ thật của Đấng Christ không chịu tôn phục mình, “chúa đời này”, tức Sa-tan, sẽ mở một cuộc tổng tấn công vào họ. (2 Cô-rinh-tô 4:4; Ê-xê-chi-ên 38:10-16) Dù rằng cuộc tấn công này hẳn vô cùng khốc liệt nhưng dân sự của Đức Giê-hô-va sẽ không co rúm lại vì sợ hãi. (Ê-sai 10:24, 25) Họ được Đức Chúa Trời bảo đảm rằng Ngài sẽ là “sự giải-cứu” của họ “trong cơn hoạn-nạn”. Ngài sẽ can thiệp, đưa Sa-tan và đồng bọn đến chỗ hủy diệt. (Ê-xê-chi-ên 38:18-23) Giống như vào thời xưa, những kẻ toan hại dân Đức Chúa Trời sẽ bị hại lại! (So sánh Châm-ngôn 13:22b). Danh Đức Giê-hô-va sẽ được nên thánh, và những người sống sót sẽ được thưởng vì đã tìm kiếm “sự khôn-ngoan, sự thông-biết [và] sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”.—Đọc Ê-sai 33:5, 6.
Một sự cảnh cáo cho những kẻ thiếu đức tin
9. (a) “Những kẻ mạnh-bạo” và “các sứ-giả cầu hòa” của Giu-đa sẽ làm gì? (b) A-si-ri sẽ đáp lại đề nghị hòa bình của Giu-đa như thế nào?
9 Còn số phận của những kẻ thiếu đức tin ở Giu-đa sẽ ra sao? Ê-sai vẽ ra một bức tranh ảm đạm về sự phán xét sắp xảy đến cho những kẻ ấy bởi tay của A-si-ri. (Đọc Ê-sai 33:7). “Những kẻ mạnh-bạo” trong quân đội của Giu-đa sẽ kêu la trong sự sợ hãi trước việc quân A-si-ri tiến đến. “Các sứ-giả cầu hòa”, tức các phái đoàn ngoại giao được sai đi để thương thuyết về hòa bình với quân A-si-ri hiếu chiến, bị chế giễu và bị lăng nhục. Họ sẽ khóc lóc đắng cay về sự thất bại của mình. (So sánh Giê-rê-mi 8:15). Người A-si-ri tàn bạo sẽ không hề thương hại họ. (Đọc Ê-sai 33:8, 9). Chúng sẽ thô bạo lờ đi giao ước đã ký kết với dân Giu-đa. (2 Các Vua 18:14-16) Người A-si-ri sẽ “khinh-dể các thành-ấp” của Giu-đa, coi các thành này không ra gì, kể cả sinh mạng cũng coi rẻ nữa. Tình trạng sẽ tan hoang đến độ như thể đất đai của họ thảm sầu. Cũng vậy, Li-ban, Sa-rôn, Ba-san và Cạt-mên sẽ than khóc về sự hoang tàn này.
10. (a) “Những kẻ mạnh-bạo” của tôn giáo tự xưng sẽ tỏ ra bất lực như thế nào? (b) Ai sẽ che chở tín đồ thật của Đấng Christ trong ngày hoạn nạn của các tôn giáo tự xưng?
10 Trong tương lai gần đây, chắc chắn sẽ có hoàn cảnh tương tự khi các nước khởi sự tấn công vào tôn giáo. Như vào thời Ê-xê-chia, việc dùng sức người để chống lại lực lượng tàn hại này sẽ vô hiệu. “Những kẻ mạnh-bạo” của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ—tức các chính khách, chuyên gia tài chính và những người có thế lực khác—sẽ không có khả năng đến trợ giúp y thị. Các ‘giao-ước’ hay các hợp đồng về chính trị và tài chính, vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của y thị, sẽ bị vi phạm. (Ê-sai 28:15-18) Các nỗ lực ráo riết về ngoại giao để ngăn chặn sự hủy diệt sẽ thất bại. Các hoạt động thương mại bị bế tắc khi tài sản và vốn đầu tư của y thị bị tịch thu hoặc bị phá hủy. Những ai còn cảm tình với y thị sẽ chỉ đứng từ xa, tại một nơi an toàn và than khóc về cái chết của y thị. (Khải-huyền 18:9-19) Đạo thật của Đấng Christ có bị quét sạch cùng với đạo giả không? Không, vì chính Đức Giê-hô-va bảo đảm: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ ta sẽ chỗi-dậy; bây giờ ta sẽ dấy mình lên; bây giờ ta sẽ lên cao!” (Ê-sai 33:10) Cuối cùng, vì những người trung thành, giống như Ê-xê-chia, Đức Giê-hô-va sẽ can thiệp và chặn đứng sự tiến quân của A-si-ri.—Thi-thiên 12:5.
11, 12. (a) Những lời nơi Ê-sai 33:11-14 ứng nghiệm khi nào và thế nào? (b) Lời của Đức Giê-hô-va cung cấp sự cảnh cáo nào cho ngày nay?
11 Những kẻ bất trung không thể trông mong được sự che chở như thế. Đức Giê-hô-va phán: “Các ngươi sẽ có nghén rơm-rạ và sẽ đẻ ra cỏ-rác. Hơi các ngươi thở ra tức là lửa thiêu-nuốt mình. Các dân-sự sẽ như vôi đương sôi-nổi, như gai đã chặt bị đốt trong lửa. Các ngươi là kẻ ở xa, hãy nghe việc ta đã làm; còn các ngươi là kẻ ở gần, hãy nhận-biết năng-lực ta. Những kẻ phạm tội đã kinh-hãi trong Si-ôn; bọn vô-đạo đã run-rẩy. Ai trong chúng ta ở được với đám lửa thiêu-nuốt? Ai trong chúng ta ở được với sự thiêu-đốt đời đời?” (Ê-sai 33:11-14) Những lời này rõ ràng áp dụng cho thời kỳ Giu-đa phải đương đầu với kẻ thù mới là Ba-by-lôn. Sau khi Ê-xê-chia chết, Giu-đa trở lại con đường gian ác. Trong vài thập niên kế tiếp, tình trạng ở Giu-đa tồi tệ tới mức cả nước phải chịu lửa thịnh nộ của Đức Chúa Trời.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:22.
12 Các âm mưu và kế hoạch gian ác mà những kẻ không vâng lời ngấm ngầm cưu mang để tránh né sự phán xét của Đức Chúa Trời tỏ ra vô dụng giống như rơm rạ vậy. Thật thế, tinh thần phản nghịch và kiêu ngạo của dân sự sẽ khơi mào những biến cố dẫn họ đến chỗ hủy diệt. (Giê-rê-mi 52:3-11) Những kẻ ác sẽ “như vôi đương sôi-nổi”—bị hủy diệt hoàn toàn! Khi suy nghĩ về sự sụp đổ sắp đến này, dân cư bội nghịch của Giu-đa cảm nghiệm được sự sợ hãi kinh hoàng. Lời Đức Giê-hô-va phán cho dân Giu-đa bất trung cho thấy tình trạng của các phần tử của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ ngày nay. Nếu họ không nghe lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời thì một tương lai mù mịt đang chờ họ.
“Bước theo công-bình”
13. Những ai “bước theo công-bình” được hưởng lời hứa nào, và điều này được ứng nghiệm như thế nào trong trường hợp của Giê-rê-mi?
13 Ngược lại, Đức Giê-hô-va phán tiếp: “Ấy là kẻ bước theo công-bình, nói ra chánh-trực; khinh món lợi hoạnh-tài, vung tay chẳng lấy của hối-lộ; bưng tai chẳng nghe chuyện đổ huyết, bịt mắt chẳng thấy điều ác. Kẻ đó sẽ ở trong nơi cao; các vầng đá bền-vững sẽ là đồn-lũy nó; bánh nó sẽ được ban cho; nước nó sẽ không bao giờ thiếu”. (Ê-sai 33:15, 16) Như sứ đồ Phi-e-rơ sau này nói: “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ, và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét”. (2 Phi-e-rơ 2:9) Giê-rê-mi cũng trải qua kinh nghiệm được giải cứu như thế. Trong thời gian quân Ba-by-lôn bao vây, dân chúng phải “cân bánh mà ăn, và sợ-hãi”. (Ê-xê-chi-ên 4:16) Một số đàn bà thậm chí đã ăn thịt của chính con mình. (Ca-thương 2:20) Thế nhưng, Đức Giê-hô-va lo sao cho Giê-rê-mi được an toàn.
14. Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể “bước theo công-bình” như thế nào?
14 Cũng vậy, tín đồ Đấng Christ ngày nay phải tiếp tục “bước theo công-bình”, hàng ngày vâng giữ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 15:1-5) Họ phải ‘nói những điều chánh-trực’, không bao giờ nói dối hoặc nói không đúng sự thật. (Châm-ngôn 3:32) Sự gian lận và hối lộ có thể là thông thường tại nhiều nước, nhưng đây là những điều mà một người “bước theo công-bình” gớm ghét. Tín đồ Đấng Christ cũng phải giữ một “lương-tâm tốt” trong các giao dịch làm ăn, thận trọng tránh những mưu đồ ám muội hoặc gian lận. (Hê-bơ-rơ 13:18; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Để ‘bưng tai chẳng nghe chuyện đổ huyết và bịt mắt chẳng thấy điều ác’, một người sẽ cẩn thận trong việc lựa chọn âm nhạc và giải trí. (Thi-thiên 119:37) Trong ngày phán xét của Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ bảo vệ và nâng đỡ người thờ phượng Ngài, những người sống theo tiêu chuẩn như thế.—Sô-phô-ni 2:3.
Ngắm xem vua của mình
15. Lời hứa nào sẽ nâng đỡ những người Giu-đa trung thành nơi xứ phu tù?
15 Kế tiếp, Ê-sai cho thấy sơ qua về tương lai rực rỡ: “Mắt ngươi sẽ ngắm-xem vua trong sự tốt-đẹp Ngài, sẽ thấy đất mở rộng. Lòng ngươi sẽ suy-ngẫm sự kinh-khiếp: Chớ nào kẻ đánh thuế ở đâu? Kẻ cầm cân ở đâu? Kẻ đếm những đồn-lũy ở đâu? Ngươi sẽ chẳng còn thấy dân cường-bạo nữa, là dân nói tiếng líu-lo khó nghe, tiếng mọi-rợ không hiểu được”. (Ê-sai 33:17-19) Lời hứa về Vua Mê-si tương lai và Nước ngài sẽ nâng đỡ những người Do Thái trung thành trong những thập niên bị lưu đày dài đằng đẵng ở Ba-by-lôn, dù họ chỉ có thể thấy Nước ấy từ đằng xa. (Hê-bơ-rơ 11:13) Khi sự cai trị của Đấng Mê-si cuối cùng trở thành một thực tại thì sự hà khắc của Ba-by-lôn chỉ còn là một dĩ vãng xa xôi. Những người sống sót qua sự tấn công của quân A-si-ri sẽ sung sướng hỏi: “Đâu rồi viên ký lục? Đâu rồi người thu thuế? Đâu rồi người thanh tra các tháp canh?”—Ê-sai 33:18, Tòa Tổng Giám Mục.
16. Dân sự Đức Chúa Trời có thể “ngắm-xem” Vua Mê-si từ khi nào và với kết quả gì?
16 Mặc dù những lời của Ê-sai bảo đảm một sự khôi phục từ cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn, nhưng mỗi cá nhân người Giu-đa sẽ phải chờ đợi sự sống lại thì mới hưởng được sự ứng nghiệm trọn vẹn của phần này trong lời tiên tri. Còn các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay thì sao? Kể từ năm 1914, dân sự Đức Giê-hô-va đã có thể “ngắm-xem”, hoặc nhận thức được, Vua Mê-si tức Chúa Giê-su Christ với tất cả vẻ đẹp thiêng liêng của ngài. (Thi-thiên 45:2; 118:22-26) Kết quả là họ nghiệm được sự giải thoát khỏi sự áp bức và kìm kẹp của hệ thống gian ác thuộc Sa-tan. Dưới sự cai trị từ Si-ôn, thủ đô của Nước Trời, họ được hưởng sự an ninh về thiêng liêng.
17. (a) Về Si-ôn, có lời hứa nào? (b) Những lời hứa của Đức Giê-hô-va về Si-ôn được ứng nghiệm vào Nước của Đấng Mê-si và những người ủng hộ nước ấy trên đất như thế nào?
17 Ê-sai tiếp tục: “Hãy nhìn-xem Si-ôn, là thành của các kỳ lễ trọng-thể chúng ta! Mắt ngươi sẽ thấy Giê-ru-sa-lem, là chỗ-ở yên-lặng, là trại sẽ không dời đi nữa, các nọc nó chẳng hề nhổ lên, chẳng có một cái dây nào đứt! Vì Đức Giê-hô-va sẽ ở đó với chúng ta trong sự oai-nghi, là nơi có sông ngòi rất rộng, không thuyền-chèo đi lại, chẳng tàu lớn vượt qua”. (Ê-sai 33:20, 21) Ê-sai bảo đảm với chúng ta rằng Nước Trời trong tay Đấng Mê-si không thể bị lật đổ hay hủy diệt. Hơn nữa, sự che chở như thế rõ ràng được nới rộng cho những người trung thành ủng hộ Nước Trời trên đất ngày nay. Dù nhiều cá nhân rơi vào thử thách cam go nhưng thần dân của Nước Trời, với tư cách một hội chúng, được bảo đảm là không một nỗ lực nào nhằm tiêu diệt họ có thể thành công được. (Ê-sai 54:17) Đức Giê-hô-va sẽ che chở dân Ngài giống như một cái hào hay một con sông bảo vệ thành. Bất cứ kẻ thù nào tấn công họ—dẫu mạnh như “thuyền-chèo” hoặc “tàu lớn”—cũng sẽ bị hủy diệt!
18. Đức Giê-hô-va nhận trách nhiệm nào?
18 Tuy nhiên, tại sao những người yêu chuộng Nước Trời có thể cảm thấy vững tin nơi sự che chở của Đức Chúa Trời? Ê-sai giải thích: “Đức Giê-hô-va là quan-xét chúng ta, Đức Giê-hô-va là Đấng lập luật cho chúng ta, Đức Giê-hô-va là vua chúng ta; chính Ngài sẽ cứu chúng ta!” (Ê-sai 33:22) Đức Giê-hô-va nhận trách nhiệm che chở và hướng dẫn dân Ngài, những người công nhận Ngài là Đấng Thống Trị Tối Cao. Những người này tự nguyện phục tùng sự cai trị của Ngài qua Vua Mê-si, nhìn nhận Đức Giê-hô-va có thẩm quyền không những lập luật mà còn thi hành luật nữa. Tuy nhiên, vì Đức Giê-hô-va yêu công bình và chính trực nên sự cai trị của Ngài qua Con Ngài không phải là gánh nặng cho những người thờ phượng Ngài, mà đúng hơn họ “được ích” khi phục tùng thẩm quyền của Ngài. (Ê-sai 48:17) Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi những người trung thành với Ngài.—Thi-thiên 37:28, NW.
19. Ê-sai miêu tả sự vô hiệu của kẻ thù dân sự trung thành của Đức Giê-hô-va như thế nào?
19 Ê-sai nói với kẻ thù dân sự trung thành của Đức Giê-hô-va: “Những dây của ngươi đã cởi ra, không thể chằng chân cột và giương buồm được. Bấy giờ người ta sẽ chia của cướp bộn-bề; kẻ què bắt lấy phần của đó”. (Ê-sai 33:23) Bất cứ kẻ thù nào tấn công, chống lại Đức Giê-hô-va sẽ vô hiệu và bất lực, giống như tàu chiến lỏng buồm và cột buồm ngả nghiêng, không có buồm nữa. Việc kẻ thù của Đức Chúa Trời bị hủy diệt đưa lại vô số chiến lợi phẩm đến độ ngay người què cũng chiếm được phần. Do đó, chúng ta có thể tin chắc rằng, qua Vua Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va sẽ chiến thắng kẻ thù của Ngài trong “cơn đại-nạn” sắp tới.—Khải-huyền 7:14.
Một sự chữa lành
20. Dân Đức Chúa Trời sẽ nghiệm được loại chữa lành nào, và khi nào?
20 Phần này trong lời tiên tri của Ê-sai kết thúc với một lời hứa làm ấm lòng: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau. Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội”. (Ê-sai 33:24) Sự bệnh hoạn mà Ê-sai nói đến chủ yếu là về thiêng liêng, vì nó liên hệ với tội lỗi. Trong sự áp dụng đầu tiên của những lời này, Đức Giê-hô-va hứa là sau khi được thả ra khỏi cảnh phu tù ở Ba-by-lôn, dân tộc sẽ được chữa lành về thiêng liêng. (Ê-sai 35:5, 6; Giê-rê-mi 33:6; so sánh Thi-thiên 103:1-5). Khi các tội lỗi trước được tha, những người Do Thái hồi hương sẽ tái lập sự thờ phượng thanh sạch tại Giê-ru-sa-lem.
21. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay cảm nghiệm được sự chữa lành về thiêng liêng như thế nào?
21 Tuy nhiên, lời tiên tri của Ê-sai có một sự ứng nghiệm tân thời. Ngày nay dân Đức Giê-hô-va cũng được hưởng sự chữa lành về thiêng liêng. Họ được giải thoát khỏi những sự dạy dỗ sai lầm như linh hồn bất tử, Chúa Ba Ngôi và lửa hỏa ngục. Họ được hướng dẫn về đạo đức khiến họ tránh được những thực hành vô luân và biết quyết định đúng đắn. Nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, họ có một thế đứng trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời và vui hưởng một lương tâm trong sạch. (Cô-lô-se 1:13, 14; 1 Phi-e-rơ 2:24; 1 Giăng 4:10) Sự chữa lành về thiêng liêng này đã đưa lại những lợi ích theo nghĩa đen. Chẳng hạn, khi tránh tình dục vô luân và hút thuốc, tín đồ Đấng Christ được che chở khỏi các bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục và một số hình thức của bệnh ung thư.—1 Cô-rinh-tô 6:18; 2 Cô-rinh-tô 7:1.
22, 23. (a) Ê-sai 33:24 sẽ có sự ứng nghiệm vĩ đại nào trong tương lai? (b) Những người thờ phượng thật ngày nay cương quyết làm gì?
22 Ngoài ra, những lời nơi Ê-sai 33:24 sẽ có một sự ứng nghiệm lớn hơn sau Ha-ma-ghê-đôn, trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Dưới sự cai trị của Nước Đấng Mê-si, nhân loại sẽ nghiệm được sự chữa lành vĩ đại về thể chất song song với việc chữa lành về thiêng liêng. (Khải-huyền 21:3, 4) Chẳng bao lâu sau khi hệ thống của Sa-tan bị hủy diệt, phép lạ giống như các phép lạ Chúa Giê-su đã làm khi ở trên đất chắc chắn sẽ xảy ra trên toàn cầu. Người mù sẽ thấy, người điếc sẽ nghe và người què sẽ bước đi! (Ê-sai 35:5, 6) Điều này sẽ giúp tất cả những người sống sót qua cơn đại nạn tham dự vào công việc vĩ đại biến trái đất thành địa đàng.
23 Sau đó, khi sự sống lại bắt đầu, những người được sống lại hẳn sẽ sống lại với sức khỏe dồi dào. Khi giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc càng được áp dụng thì lợi ích về thể chất sẽ càng tăng lên cho tới khi nhân loại được nâng lên đến sự hoàn toàn. Rồi những người công bình sẽ “được sống” theo đúng nghĩa. (Khải-huyền 20:5, 6) Lúc đó, về cả phương diện thiêng liêng lẫn thể chất: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. Thật là một lời hứa đầy phấn khởi! Mong sao mọi người thờ phượng thật ngày nay cương quyết ở trong hàng ngũ những người sẽ nghiệm được sự ứng nghiệm của lời hứa này!
[Hình nơi trang 344]
Ê-sai cầu xin Đức Giê-hô-va một cách tin tưởng
[Hình nơi trang 353]
Nhờ sự hy sinh làm giá chuộc, dân sự Đức Giê-hô-va có một thế đứng trong sạch trước mắt Ngài
[Hình nơi trang 354]
Trong thế giới mới, sẽ có một sự chữa lành vĩ đại về thể chất