Chương hai mươi bảy
Đức Giê-hô-va đổ cơn giận trên các nước
1, 2. (a) Về sự báo thù của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chắc chắn điều gì? (b) Khi thi hành sự báo thù, Đức Chúa Trời hoàn thành được gì?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI kiên nhẫn không những với các tôi tớ trung thành của Ngài, nhưng khi phù hợp với ý định của Ngài, Ngài cũng kiên nhẫn cả với kẻ thù Ngài nữa. (1 Phi-e-rơ 3:19, 20; 2 Phi-e-rơ 3:15) Kẻ thù của Đức Giê-hô-va có thể không biết ơn về sự kiên nhẫn của Ngài và có thể coi đó như một sự bất lực hoặc sự không sẵn lòng hành động. Tuy nhiên, như chương 34 sách Ê-sai cho thấy, cuối cùng, Đức Giê-hô-va luôn luôn đòi kẻ thù của Ngài phải khai trình. (Sô-phô-ni 3:8) Có một thời gian, Đức Chúa Trời để cho Ê-đôm và các nước khác chống dân Ngài mà không can thiệp. Nhưng Đức Giê-hô-va có thời điểm riêng để báo thù. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35) Tương tự như vậy, vào kỳ định của Ngài, Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự báo thù của Ngài đối với mọi thành phần của thế giới gian ác hiện tại đã khinh thường quyền thống trị của Ngài.
2 Mục tiêu chính yếu trong việc Đức Chúa Trời báo thù là để biểu dương quyền thống trị của Ngài và tôn vinh danh Ngài. (Thi-thiên 83:13-18) Việc Ngài báo thù cũng biện minh cho các tôi tớ của Ngài là những đại diện thật của Ngài và giải cứu họ khỏi những hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, sự báo thù của Đức Giê-hô-va luôn luôn phù hợp trọn vẹn với sự chính trực của Ngài.—Thi-thiên 58:10, 11.
Các nước, hãy chú ý
3. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va đưa ra lời mời nào cho các nước?
3 Trước khi đặt trọng tâm vào việc trừng phạt Ê-đôm, Đức Giê-hô-va, qua Ê-sai, đưa ra lời mời long trọng cho các nước: “Hỡi các nước, hãy đến gần mà nghe; hỡi các dân, hãy để ý! Đất và mọi vật trong nó, thế-gian và mọi vật sanh ra đó, hãy đều nghe!” (Ê-sai 34:1) Nhà tiên tri nhiều lần nói nghịch lại các nước không tin kính. Bây giờ ông lại sắp sửa tóm tắt sự lên án của Đức Chúa Trời nghịch lại họ. Các lời cảnh cáo này có ý nghĩa nào cho chúng ta ngày nay không?
4. (a) Theo Ê-sai 34:1, các nước được gọi đến để làm gì? (b) Việc Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét của Ngài trên các nước có chứng tỏ Ngài là Đức Chúa Trời tàn bạo không? (Xin xem khung nơi trang 363).
4 Có. Đấng Thống Trị vũ trụ có sự tranh luận với tất cả các thành phần của hệ thống không tin kính này. Đó là lý do tại sao “các nước” và “đất” được gọi đến để nghe thông điệp dựa trên Kinh Thánh, một thông điệp Đức Giê-hô-va khiến công bố trên khắp thế giới. Bằng lời lẽ gợi người nghe nhớ đến Thi-thiên 24:1, Ê-sai nói rằng tất cả các nước sẽ được nghe thông điệp này—một lời tiên tri đã ứng nghiệm trong thời chúng ta, khi Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng “cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Tuy nhiên, các nước không lắng nghe. Họ coi thường lời cảnh cáo về sự hủy diệt sắp đến. Dĩ nhiên, điều này không cản trở Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời Ngài.
5, 6. (a) Đức Chúa Trời gọi các nước đến để khai trình về tội gì? (b) Có thể nói máu chảy “xói lở cả đồi núi” như thế nào?
5 Bây giờ lời tiên tri miêu tả tương lai đen tối của các nước không tin kính—hoàn toàn trái ngược với hy vọng sáng ngời của dân Đức Chúa Trời được diễn tả sau đó. (Ê-sai 35:1-10) Nhà tiên tri nói: “Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng mọi nước; cơn thạnh-nộ Ngài nghịch cùng cả đạo-binh họ; Ngài đã giao họ cho sự diệt-vong, phó cho sự đánh-giết. Kẻ bị giết trong chúng nó sẽ phải ném-bỏ, thây chết bay mùi hôi; các núi đầm-đìa những máu [“xói lở cả đồi núi”, “Bản Diễn Ý”]”.—Ê-sai 34:2, 3.
6 Tội làm đổ máu của các nước được chú ý đến. Ngày nay trong tất cả các nước thì những nước có đa số dân tự xưng theo Đấng Christ phạm tội làm đổ máu nhiều nhất. Trong hai thế chiến và trong nhiều cuộc xung đột nhỏ hơn, họ đã làm trái đất đẫm máu người. Ai có quyền đòi hỏi công lý cho tất cả tội làm đổ máu này? Không ai khác hơn là Đấng Tạo Hóa, Đấng Ban Sự Sống cho muôn loài. (Thi-thiên 36:9) Luật pháp của Đức Giê-hô-va qui định: “Ngươi sẽ lấy mạng thường mạng”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23-25; Sáng-thế Ký 9:4-6) Đúng theo luật này, Ngài sẽ khiến các nước phải đổ máu của mình—tức phải chết. Bầu không khí sẽ đầy mùi hôi thối của xác chết không ai chôn—một cái chết thực sự nhục nhã! (Giê-rê-mi 25:33) Máu phải trả lại, nói theo nghĩa bóng, đủ để làm xói lở, hay làm tan chảy núi. (Sô-phô-ni 1:17) Khi lực lượng quân sự bị phá hủy hoàn toàn, các nước thế gian sẽ thấy chính quyền của họ sụp đổ. Trong lời tiên tri của Kinh Thánh, chính quyền đôi khi được tượng trưng bằng núi.—Đa-ni-ên 2:35, 44, 45; Khải-huyền 17:9.
7. “Trời” là gì, và “các cơ-binh trên trời” là gì?
7 Dùng hình ảnh sống động một lần nữa, Ê-sai nói tiếp: “Cả cơ-binh trên trời sẽ tan-tác, các từng trời cuốn lại như cuốn sách; cả cơ-binh điêu-tàn như lá nho rụng, như lá [“trái”, “NW”] vả khô rơi xuống”. (Ê-sai 34:4) Nhóm từ “cả cơ-binh trên trời” không phải là các ngôi sao và hành tinh theo nghĩa đen. Câu 5 và 6 nói về gươm hành quyết uống máu ở “các từng trời”. Bởi thế, đây phải là một biểu hiệu của điều gì đó trong lĩnh vực thuộc loài người. (1 Cô-rinh-tô 15:50) Là thẩm quyền thượng đẳng có địa vị cao trọng, các chính phủ loài người được ví như trời cai trị xã hội loài người trên đất. (Rô-ma 13:1-4) Do đó, “các cơ-binh trên trời” tượng trưng cho quân lực tổng hợp của các chính phủ loài người.
8. Trời tượng trưng sẽ “cuốn lại như cuốn sách” như thế nào, và điều gì xảy ra cho những “cơ-binh” của họ?
8 “Cơ-binh” này sẽ “tan-tác”, mục nát, giống như một vật gì dễ bị hủy hoại. (Thi-thiên 102:26; Ê-sai 51:6) Đối với mắt thường, trời theo nghĩa đen ở bên trên chúng ta dường như cong, giống như một cuộn sách cổ, chữ viết thường ở mặt trong. Khi người ta đọc xong bản văn được viết ở mặt trong của một cuộn, thì bản văn được cuốn lại và cất đi. Tương tự như vậy, “các từng trời cuốn lại như cuốn sách” có nghĩa là các chính phủ loài người phải đến chỗ chấm dứt. Khi tới trang lịch sử cuối cùng của họ, họ sẽ bị kết liễu tại Ha-ma-ghê-đôn. Những “cơ-binh” trông hùng hậu của họ sẽ sụp đổ như lá nho khô rụng hoặc như “trái vả khô” từ cây rơi xuống. Họ sẽ hết thời.—So sánh Khải-huyền 6:12-14.
Một ngày báo thù
9. (a) Ê-đôm bắt nguồn từ đâu, và giữa Y-sơ-ra-ên và Ê-đôm phát triển mối quan hệ nào? (b) Đức Giê-hô-va phán quyết gì về Ê-đôm?
9 Bây giờ lời tiên tri nói riêng đến một quốc gia hiện hữu vào thời Ê-sai—đó là Ê-đôm. Dân Ê-đôm là con cháu của Ê-sau (Ê-đôm), người đã bán quyền trưởng nam cho em sinh đôi là Gia-cốp để đổi lấy bánh mì và đậu hầm. (Sáng-thế Ký 25:24-34) Vì Gia-cốp thay thế ông làm trưởng nam nên Ê-sau hết sức thù ghét em mình. Sau này nước Ê-đôm và nước Y-sơ-ra-ên trở thành thù nghịch, mặc dù họ ra từ hai anh em sinh đôi. Vì nuôi mối thù như thế đối với dân Đức Chúa Trời nên Ê-đôm phải chịu cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. Bây giờ Ngài phán: “Gươm ta đã uống đủ ở trên trời; nầy, nó sẽ xuống trên Ê-đôm, và trên dân mà ta đã rủa-sả, để làm sự đoán-xét. Gươm của Đức Giê-hô-va đầy những máu, vấy những mỡ, là máu của chiên con và dê đực, mỡ trái cật của chiên đực. Vì có sự tế-tự Đức Giê-hô-va ở Bốt-ra, và có sự đánh-giết lớn ở đất Ê-đôm”.—Ê-sai 34:5, 6.
10. (a) Đức Giê-hô-va hạ ai xuống khi Ngài vung gươm “ở trên trời”? (b) Ê-đôm đã có thái độ nào khi Giu-đa bị Ba-by-lôn tấn công?
10 Ê-đôm chiếm hữu một vùng cao có nhiều núi. (Giê-rê-mi 49:16; Áp-đia 8, 9, 19, 21) Tuy nhiên, ngay cả các công sự thiên nhiên này cũng chẳng giúp ích gì khi Đức Giê-hô-va dùng gươm phán xét của Ngài “ở trên trời” để hạ vua quan của Ê-đôm xuống khỏi địa vị cao trọng của họ. Ê-đôm hùng hậu về quân sự, và binh lính của nó hành quân qua các dãy núi cao để bảo vệ xứ sở. Dù hùng cường như vậy, Ê-đôm không hề tiếp ứng khi nước Giu-đa bị quân Ba-by-lôn tấn công. Thay vì thế, Ê-đôm lại hớn hở khi thấy vương quốc Giu-đa sụp đổ và thúc giục quân chinh phục nữa. (Thi-thiên 137:7) Thậm chí Ê-đôm còn rượt bắt những người Giu-đa đang chạy để thoát mạng và nộp cho quân Ba-by-lôn. (Áp-đia 11-14) Người Ê-đôm dự định chiếm nước Y-sơ-ra-ên bị bỏ hoang và chúng huênh hoang nghịch lại Đức Giê-hô-va.—Ê-xê-chi-ên 35:10-15.
11. Đức Giê-hô-va sẽ báo trả người Ê-đôm về cách xử sự xảo trá của họ như thế nào?
11 Đức Giê-hô-va có bỏ qua lối đối xử không tình nghĩa anh em của người Ê-đôm không? Không. Trái lại, Ngài tiên tri về Ê-đôm: “Những bò rừng, bò, và bò đực [“bò con”, “NW”] đều ngã xuống; đất chúng nó say vì máu, và bụi chúng nó đượm-nhuần vì mỡ”. (Ê-sai 34:7) Đức Giê-hô-va nói bóng về những kẻ lớn và kẻ nhỏ của xứ như những bò rừng và bò con, chiên con và dê đực. Đất đai của xứ mắc nợ máu này phải bị đẫm máu của chính dân sự mình bằng “gươm” hành quyết của Đức Giê-hô-va.
12. (a) Đức Giê-hô-va dùng ai để trừng phạt Ê-đôm? (b) Nhà tiên tri Áp-đia nói trước gì về Ê-đôm?
12 Đức Chúa Trời có ý định phạt Ê-đôm vì những gì nó đã gây ra với ác ý cho tổ chức trên đất của Ngài, gọi là Si-ôn. Lời tiên tri nói: “Đức Giê-hô-va có ngày báo-thù, có năm báo-trả vì cớ Si-ôn”. (Ê-sai 34:8) Không bao lâu sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 607 TCN, Đức Giê-hô-va bắt đầu thi hành sự báo thù công bình của Ngài trên Ê-đôm bằng cách dùng vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa. (Giê-rê-mi 25:15-17, 21) Khi quân Ba-by-lôn tiến đánh Ê-đôm thì không gì có thể cứu dân Ê-đôm được! Đó là “năm báo-trả” cho xứ có nhiều núi ấy. Đức Giê-hô-va báo trước qua nhà tiên tri Áp-đia: “Ấy là vì cớ sự hung-bạo ngươi đối với anh em ngươi là Gia-cốp, mà ngươi sẽ mang hổ, và bị diệt đời đời... Người ta sẽ làm cho ngươi như chính mình ngươi đã làm; những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi!”—Áp-đia 10, 15; Ê-xê-chi-ên 25:12-14.
Tương lai đen tối của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ
13. Ngày nay ai giống Ê-đôm, và tại sao?
13 Thời nay, cũng hiện hữu một tổ chức có quá trình giống như Ê-đôm. Tổ chức nào? Vậy thời nay tổ chức nào đã dẫn đầu trong việc lăng mạ và bắt bớ các tôi tớ của Đức Giê-hô-va? Chẳng phải các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, qua hàng giáo phẩm của họ sao? Đúng vậy! Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã nâng mình lên cao như núi trong các chuyện thuộc thế gian này. Y thị tự cho mình một địa vị cao trọng trong hệ thống của con người, và tôn giáo của y thị là thành phần chủ yếu của Ba-by-lôn Lớn. Nhưng Đức Giê-hô-va đã định một “năm báo-trả” cho Ê-đôm tân thời này vì đã đối xử tàn tệ với dân sự Ngài, tức các Nhân Chứng của Ngài.
14, 15. (a) Điều gì sẽ xảy ra cho cả xứ Ê-đôm lẫn các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ? (b) Khi nói đến hắc ín cháy và khói bay lên đời đời thì điều này có nghĩa gì, và không có nghĩa gì?
14 Do đó, khi xem xét lời tiên tri còn lại trong phần tiên tri này của Ê-sai, chúng ta không chỉ nghĩ đến Ê-đôm cổ xưa nhưng còn nghĩ đến các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ nữa: “Các khe-suối Ê-đôm sẽ biến thành nhựa thông, bụi-đất nó biến thành lưu-hoàng, đất-đai nó trở nên nhựa thông [“hắc ín”, “NW”] đương cháy. Ngày đêm chẳng tắt, hằng bay lên những luồng khói”. (Ê-sai 34:9, 10a) Đất của Ê-đôm khô rang đến độ như thể bụi là lưu hoàng và các khe suối chẳng phải đầy nước nhưng đầy hắc ín. Rồi những chất rất dễ bắt lửa này bốc cháy!—So sánh Khải-huyền 17:16.
15 Một số người coi lửa, hắc ín và lưu hoàng nói ở đây là bằng chứng về sự hiện hữu của hỏa ngục nóng bỏng. Nhưng Ê-đôm không bị quăng vào hỏa ngục giả tưởng để bị thiêu đời đời, mà đúng hơn, nó bị hủy diệt, biến mất khỏi diễn đàn thế giới như thể bị lửa và lưu hoàng thiêu rụi. Lời tiên tri sau đó cho thấy hậu quả sau cùng chẳng phải là sự hành hạ đời đời nhưng là “trống không... mông quạnh... khánh tận”. (Ê-sai 34:11, 12, NTT) Khói ‘bay lên đến đời đời’ chứng minh điều này một cách sống động. Khi một căn nhà bị cháy, khói từ tro tàn tiếp tục bay lên khá lâu sau khi ngọn lửa tắt; điều này cho người ta thấy bằng chứng đã có một đám cháy lớn. Vì tín đồ Đấng Christ ngày nay đang học những bài học từ sự hủy diệt của Ê-đôm nên theo một nghĩa nào đó, khói của đám cháy Ê-đôm vẫn còn bay lên.
16, 17. Ê-đôm sẽ trở thành gì, và nó tiếp tục ở trong tình trạng ấy bao lâu?
16 Ê-sai tiếp tục tiên tri, báo trước rằng dân số Ê-đôm sẽ bị thay thế bằng thú rừng, hàm ý một sự hoang vu sắp đến: “Đất sẽ hoang-vu từ đời nọ qua đời kia, đời đời sẽ chẳng có người đi qua. Bồ-nông và nhím sẽ chiếm lấy đó, chim cú chim quạ sẽ ở đó. Chúa sẽ giáng trên đó cái dây lộn-lạo và thước thăng-bằng trống-không. Chúng nó sẽ gọi các kẻ sang-trọng đến ngôi nước mà không có ai; hết thảy các quan-trưởng nó đều ra hư-không. Gai-gốc sẽ mọc lên trong lâu-đài, chà-chuôm cỏ-rác mọc lên trong đồn-lũy. Ấy sẽ là hang của chó đồng, và chỗ nghỉ của chim đà. Thú rừng và chó rừng sẽ gặp nhau tại đó; dê đực kêu nhau; yêu-quái ban đêm loán làm chỗ-ở, và làm nơi náu-nương yên-ổn. Rắn roi sẽ làm ổ tại đó, đẻ trứng”.—Ê-sai 34:10b-15.a
17 Vâng, Ê-đôm sẽ trở thành vùng đất vắng tanh không người ở. Nó sẽ trở thành đất hoang phế chỉ có thú rừng, chim chóc và rắn rết ở đó mà thôi. Tình trạng khô cằn của xứ sẽ tiếp tục cho đến, như câu 10 nói, “đời đời”. Sẽ không có sự khôi phục nào.—Áp-đia 18.
Lời Đức Giê-hô-va chắc chắn ứng nghiệm
18, 19. “Sách Đức Giê-hô-va” là gì, và điều gì được dành cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ trong “sách” này?
18 Đây quả là một tương lai vô vọng, là hình bóng cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, một tổ chức tân thời tương đương với Ê-đôm! Y thị đã chứng tỏ là kẻ thù gay gắt của Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì đã bắt bớ Nhân Chứng của Ngài một cách ác độc. Và Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ làm ứng nghiệm lời của Ngài. Bất cứ khi nào so sánh lời tiên tri với sự ứng nghiệm, thì người ta thấy cả hai sẽ hòa hợp với nhau—y như các thú vật sống ở Ê-đôm hoang vu, mỗi con ‘đều có đủ đôi’. Ê-sai nói với các học viên tương lai sẽ học lời tiên tri của Kinh Thánh như sau: “Hãy tìm trong sách Đức Giê-hô-va và đọc lấy: trong những thú-vật ấy chẳng một con nào thiếu, chẳng một con nào là không đủ đôi. Vì ấy là miệng Đức Giê-hô-va đã truyền, và Thần Ngài đã nhóm chúng nó lại. Chính Chúa đã bắt thăm cho chúng nó, và tay Ngài dùng dây chia đất nầy cho. Những thú-vật ấy sẽ được đất nầy làm kỉ-vật luôn, và ở đó từ đời nọ qua đời kia”.—Ê-sai 34:16, 17.
19 Sự hủy diệt sắp đến của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã được báo trước trong “sách Đức Giê-hô-va”. Sách này trình bày chi tiết việc Đức Giê-hô-va sẽ thanh toán những kẻ thù cứng lòng và những người cố tình áp bức dân Ngài. Những gì viết về Ê-đôm đã thành sự thật, và điều này làm vững mạnh niềm tin của chúng ta là lời tiên tri áp dụng cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, tức tổ chức thời nay tương ứng với Ê-đôm, cũng sẽ thành sự thật vậy. ‘Dây đo để chia’, tức đường lối hành động của Đức Giê-hô-va, bảo đảm là tổ chức hấp hối về thiêng liêng này sẽ trở thành một vùng đất hoang phế điêu tàn.
20. Giống Ê-đôm cổ xưa, các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ sẽ trải qua điều gì?
20 Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ sẽ làm mọi cách để giữ hòa khí với thành phần chính trị là bạn hữu họ, nhưng thật là hoài công! Theo Khải-huyền chương 17 và 18, Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va, sẽ xoay lòng thành phần này hành động chống lại toàn thể Ba-by-lôn Lớn, gồm cả tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Điều này sẽ loại khỏi toàn trái đất đạo Đấng Christ giả hiệu. Tình trạng của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ sẽ trở thành hoang vắng như tả trong Ê-sai chương 34. Thậm chí y thị không có mặt trong trận chiến quyết liệt “trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”! (Khải-huyền 16:14) Giống Ê-đôm cổ xưa, các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ sẽ bị xóa sạch hoàn toàn khỏi mặt đất, cho đến “đời đời”.
[Chú thích]
a Vào thời Ma-la-chi, lời tiên tri này đã được ứng nghiệm. (Ma-la-chi 1:3) Ma-la-chi cho biết người Ê-đôm hy vọng lấy lại đất đai hoang vu xưa. (Ma-la-chi 1:4) Tuy nhiên, điều này không phải là ý của Đức Giê-hô-va và sau này một dân khác, dân Nabataean, chiếm hữu vùng đất trước đây là xứ Ê-đôm.
[Khung nơi trang 363]
Một Đức Chúa Trời giận dữ hay sao?
Những lời ở Ê-sai 34:2-7 khiến nhiều người nghĩ Đức Giê-hô-va, như được miêu tả trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, là một Đức Chúa Trời tàn bạo và hay nổi giận. Có thật vậy không?
Không. Dù thỉnh thoảng Đức Chúa Trời nổi giận, nhưng cơn giận của Ngài luôn luôn chính đáng. Nó luôn luôn dựa trên nguyên tắc, chứ không dựa trên cảm xúc bất định. Hơn nữa, nó luôn luôn được biểu lộ để xác nhận quyền của Đấng Tạo Hóa được thờ phượng chuyên độc và bởi việc Ngài bền vững ủng hộ lẽ thật. Cơn giận của Đức Chúa Trời được chi phối bởi lòng yêu chuộng công bình của Ngài lẫn tình yêu thương Ngài dành cho người thực hành sự công bình. Đức Giê-hô-va nhìn thấy tất cả các vấn đề liên quan đến sự việc và Ngài có sự hiểu biết trọn vẹn, vô giới hạn về một tình thế. (Hê-bơ-rơ 4:13) Ngài đọc được lòng; ghi nhận được mức độ ngu dốt, bất cẩn, hay cố tình phạm tội; và Ngài hành động một cách vô tư.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18; 1 Sa-mu-ên 16:7; Công-vụ 10:34, 35.
Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời “chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) Những ai kính sợ Ngài và cố gắng làm theo sự công bình sẽ được Ngài thương xót, vì Đấng Toàn Năng nhận biết sự bất toàn di truyền của con người, và vì lý do này Ngài tỏ lòng thương xót họ. Ngày nay Đức Giê-hô-va làm điều này dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su. (Thi-thiên 103:13, 14) Vào thời điểm thích hợp, cơn giận của Đức Giê-hô-va sẽ được cất khỏi những ai nhận biết tội lỗi mình, ăn năn và thành thật phụng sự Ngài. (Ê-sai 12:1) Về cơ bản, Đức Giê-hô-va không phải là một Đức Chúa Trời hay nổi giận nhưng là một Đức Chúa Trời hạnh phúc, không lạnh nhạt nhưng dễ đến gần, ưa chuộng hòa bình và điềm đạm với những ai đến với Ngài đúng cách. (1 Ti-mô-thê 1:11) Điều này trái ngược hẳn với các đặc tính nhẫn tâm, tàn bạo mà người ta gán cho các thần giả ngoại giáo và được miêu tả qua tượng ảnh những thần này.
[Bản đồ nơi trang 362]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Biển Lớn
Đa-mách
Si-đôn
Ty-rơ
Y-SƠ-RA-ÊN
Đan
Biển Ga-li-lê
Sông Giô-đanh
Mê-ghi-đô
Ra-mốt-Ga-la-át
Sa-ma-ri
PHI-LI-TIN
GIU-ĐA
Giê-ru-sa-lem
Líp-na
La-ki
Bê-e-Sê-ba
Ca-đe-Ba-nê-a
Biển Muối
AM-MÔN
Ráp-ba
MÔ-ÁP
Kiệt-Ha-rê-sết
Ê-ĐÔM
Bốt-ra
Thê-man
[Hình nơi trang 359]
Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã làm trái đất đẫm máu người
[Hình nơi trang 360]
“Các từng trời cuốn lại như cuốn sách”